BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73525)
(Xem: 62252)
(Xem: 39446)
(Xem: 31186)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác”, nghĩ về những câu chuyện Thiền

14 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 2025)
Đọc “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác”, nghĩ về những câu chuyện Thiền
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Quyển “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác” vừa mới được chùa Viên Giác tại Đức ấn hành vào những ngày cuối tháng 12 năm 2012, là một quyển hồi ký khá đặc biệt được Hòa Thương Thích Như Điển và nhà thơ Trần Trung Đạo cùng viết chung với nhau về những kỷ niệm dưới mái chùa Viên Giác ở Hội An cách nay gần năm mươi năm mà nhị vị có một thời tuổi thơ đã sống và tu học nơi mái chùa thân yêu ấy.

Về phần mình, nói về nguyên nhân nào Ngài viết tập sách này, Hòa Thượng Thích Như Điển viết:“Bây giờ tôi đã ở vào tuổi 63 và sau 48 năm xuất gia học đạo, có một chút niềm vui và kỷ niệm nào xin viết lại để kẻo sau nầy bị quên hoặc không viết được nữa do tuổi già sức yếu hay do vô thường thì uổng lắm. Cho nên tôi đã cố gắng viết lên những cảm nghĩ của mình nơi có ngôi chùa xưa, vị Thầy cũ, cây Đa già đã che chở cho tôi suốt cả đoạn đường đời với gió mưa gian khổ mà chúng tôi mới thành tựu được như ngày hôm nay; nên mỗi khi kỷ niệm hiện về là tôi lại nhớ nhớ mong mong về những hình ảnh cũ kỷ xa xưa ấy. Quả thậtt nó không là chuyện giàu có, cao sang, danh vọng gì; nhưng chính từ chỗ bùn lấy nước đọng ấy tôi đã đi và đang đến. Đây chính là chất liệu dưỡng sinh rất vô cùng quý giá cho cuộc đời hành đạo của chính mình tại xứ trời tây nầy.”

Còn nhà thơ Trần Trung Đạo thì tâm sự: “Dưới mái cong của ngôi chùa cổ đó, những quyết định quan trọng có ảnh hưởng cho sự tồn vong của đạo pháp được thư thi, những giấc mơ nhỏ bé được hình thành và lớn lên. Thời gian trôi trên sông đời bất tận. Kẻ đến người đi. Sư phụ đã viên tịch. Hòa Thượng Thích Tâm Thanh đã viên tịch. Hòa Thượng Thích Như Điển hành đạo phương xa. Kẻ viết bài này còn xa hơn nữa. Nhưng tinh thần Viên Giác vẫn bàng bạc đó đây trong mỗi chân tường, trong từng viên ngói đỏ. Những gì của quá khứ đã ngủ yên với duyên và nghiệp trên một chặng đường, những gì sẽ xảy ra không ai biết. Chỉ có hôm nay là quan trọng nhất. Giữ lại những nét đẹp của hôm qua và làm đẹp hơn cho các thế hệ tương lai, chính là tinh thần của chùa Viên Giác.

Nhắc về nhà thơ Trần Trung Đạo, Hòa Thượng Thích Như Điển kể lại: “Trần Văn Nhơn lúc nhỏ ở chùa cùng tôi vào khoảng 1968. Nhơn không xuất gia, chỉ là một Phật Tử do Thầy tôi nhận nuôi để Nhơn đi học trung học ở Trường Trần Quý Cáp. Có lẽ Nhơn thua tôi chừng 3 tuổi. Thuở ấy anh ta rất rụt rè; nhưng được Thầy tôi thương nhiều, có lẽ vì là con mồ côi và học giỏi. Sau nầy Nhơn vào Đại Học Vạn Hạnh và Văn Khoa. Còn tôi thì đi Nhựt và qua Đức, đã mấy mươi năm rồi đâu có cơ hội gặp lại nhau và chừng mười năm về trước chúng tôi có gặp lại nhau được mấy tiếng đồng hồ ở Boston, USA. Kể từ đó chúng tôi có liên lạc đều. Những bài thơ, những đoản văn mang tên Trần Trung Đạo chính là Trần Văn Nhơn nầy. Khi Thầy tôi viên tịch Nhơn có liên lạc và năm nay chỉ tình cờ thôi, tôi và Nhơn lại rủ nhau viết chung một tác phẩm lấy tên là “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác” để ra mắt độc giả tại Hoa Kỳ và Âu, Úc Châu thì quả là một chuyện “bất khả tư nghì” không có thể dùng lời nói nào để diễn tả nổi hết sự vui mừng nấy.”(trang 80)

Với hoàn cảnh mồ côi từ rất sớm ấy, như lời giới thiệu của Hòa Thượng Thích Như Điền, phần viết về mình, nhà thơ Trần Trung Đạo qua hơn 152 trang sách với giọng văn như trải tấm lòng, tác giả đã ghi lại những ngày tuổi thơ khốn khó của mình vô cùng tha thiết, cảm động. Trường hợp tuổi già như tôi, nhiều lúc tôi tự đặt mình vào hoàn cảnh ấy của tác giả lúc thiếu thời, thú thật tôi cũng không biết phải làm sao!

Nhắc đến Hòa Thượng Thích Như Điển lúc ở chùa Viên Giác hồi còn nhỏ, nhà thơ Trần Trung Đạo viết:“Một vị khác là Hòa Thượng Thích Như Điển mà tôi vẫn quen gọi là chú Điển, là người đặc biệt. Mặc dù chỉ sống chung với chú một thời gian ngắn nhưng qua cách tu học của chú, ngày đó tôi đã nghĩ chú Điển sẽ trở thành một bậc tăng tài và sẽ đóng góp được nhiều cho dân tộc và đạo pháp.

Chú Điển học tập ngoại điển ở Trung học Trần Quý Cáp và năm nào chú cũng được trao phần thưởng. Mặc dù ở chung nhau một phòng nhưng góc phòng của chú Điển là một thế giới riêng, ngăn nắp và cẩn trọng. Từ chiếc bàn chải đánh răng, chiếc mùng ngăn muỗi, chiếc thau rửa mặt, chiếc khăn lau, cục xà phòng đều được chú đặt vào một vị trí thích hợp. Năm tôi vào là thời gian chú học Thủ Lăng Nghiêm để chuẩn bị đi thọ giới Sa Di. Đêm nào chú cũng học rất khuya. Chú là chúng trưởng của chúng tôi nên trên bàn chú có chiếc đồng hồ báo thức…

Chú Điển rất ít nói nếu không muốn nói là hơi khó tánh. Chú ít khi đi ra ngoài, ngoại trừ thỉnh thoảng các bạn học cùng lớp từ Hội An ghé thăm chú. Chú rất thương chúng tôi nhưng cũng rất hay la rầy. Mỗi khi bọn tôi được gọi vào gặp chú điển là biết có chuyện chẳng lành sắp xảy ra, nếu không đánh chuông thiếu vài tiếng thì cũng tụng kinh trễ…
….
Chú Điển không hẳn là thông minh xuất chúng nhưng sự chuyên tâm của chú hiếm ai bì kịp. Đêm nào chú cũng thức học bài và học kinh rất khuya nhưng thức dậy cũng sớm hơn mọi người.”(trang 328)

Với ghi nhận vừa dẫn, qua cuốn sách này, được biết Hòa Thượng Thích Như Điển nói và viết được sáu, bảy thứ tiếng. Ngài viết và dịch kinh sách bằng tiếng Việt, Hán, Nhật, Đức, Pháp và Anh ngữ đủ loại mà cuốn “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác” này là cuốn thứ 60 của Ngài.

Với gần 350 trang sách, “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác”, ngoài những câu chuyện liên quan về một khoảng đời, nhị vị tác giả còn phác họa lại bức tranh xã hội miền Trung, đặc biệt ở Hội An- Đà Nẵng, những năm 1963-1968 qua “Mùa Pháp Nạn, “Tết Mậu Thân” và nhiều biến cố lịch sử khác . Riêng về tính trung thực, trong phần của Hòa Thượng Thích Như Điển, Ngài viết:“Hồi ký là những gì thuộc về cá nhân và dĩ nhiên đa phần người ta viết về những cái tốt chứ chẳng ai dám viết về cái xấu bao giờ; nhưng tôi hy vọng với đoản văn trên 160 trang này không chia thành chương sẽ trung thực trên 90% theo cái nhìn chủ quan của mình.”(trang 80)

Với 10% còn lại của sự trung thực này, Hòa Thượng bày tỏ: “Còn những phần thiếu hoặc dở xầu chắc chắn không thể tránh khỏi. Với thành phẩm như thế nầy mà chỉ viết tay trong vòng năm ngày trên núi đồi Đa Bảo tại Sydney Úc Đại Lợi nhân lần nhập thất thứ 3 của tôi và cái tuổi học trò thuở ấy cũng đã hơn 40 rồi không thể tài nào nhớ hết nổi.”(trang 80)

Về văn cách của nhà thơ Trần Trung Đạo, chúng tôi đã khá quen nhưng với văn phong của Hòa Thượng Thích Như Điển, dù tài học cùng kiến thức uyên bác của Ngài như vừa kể, nhưng qua tác phẩm này, lần đầu tôi được đọc văn của Ngài, tôi nhận thấy cách hành văn của Ngài rất giản dị, bình dân, rõ ràng mà thân ái, gần gũi. Có những câu chuyện mà Ngài kể lúc mới xuất gia, hoặc lúc Ngài hay tin từ mẫu mất trong chiến tranh khi Ngài mới 17 tuổi, mà Ngài viết như kể với người thân, thật cảm động… Rồi những câu chuyện ở chùa lúc đầu, cảnh làm nhang, cảnh mỗi ngày tưới nước cây dương trên cát nóng, cảnh làm đậu hủ để chùa bán kiếm tiền mua sắm mọi vật dụng như nhang đèn cho chùa , cảnh ăn chay, cảnh học hành hoặc cảnh chầm nón lá lúc còn nhỏ ở nhà với các anh chị …; câu chuyện nào cũng như câu chuyện nào, qua những lời Ngài ghi rất rõ ràng và rất đơn giản ấy giống như những bài Pháp của một bậc cao tăng nhắn nhủ cùng các môn đệ của Ngài , nếu không muốn nói đó chính là những câu chuyện Thiền vô cùng ý nghĩa …

Chẳng hạn trong chương về “Thầy Tôi”, Ngài viết: “Trong nhà Thiền có cái quan niệm “ở đây” và “bây giờ” rất là quan trọng và cần thiết. Nếu mình không hiểu mình là ai và cái giá trị mình đang hiện có thì quả thật là chẳng tỉnh thức chút nào. Do đó sự tỉnh thức đối với Thiền không phải là lúc chết hay sau khi chết, mà lúc đang còn sống là vấn đề quan trọng.”(trang 88)

Một ví dụ khác, khi nói về cái tâm, Ngài cũng giác-đát theo hướng Thiền: “Không có bất cứ cái gì có thể tồn tại trong đời nầy ngoại trừ cái tâm. Tâm ấy dẫn đầu các pháp, tâm ấy tạo ra thiện ác. Do vậy tu tâm là quan trọng để chúng ta làm sao thoát khỏi vòng sinh tử, tử sinh nầy mới là điều đáng quý. Còn bao nhiêu Vua, Quan, Công, Hầu, Khanh,Tướng, Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh v.v… cuối cùng rồi cũng đi vào chỗ không to tướng mà thôi.”(trang 169)

Còn nhiều lắm những bài Pháp ngắn gọn và cô đọng, súc tích như thế với nhiều chủ đề khác nhau như về “có và không”, về “hoàn tướng, vãng tướng”, về “khen và chê”, về “duyên và nghiệp” v.v…

Về phần của tác giả Trần Trung Đạo, vì từ lúc còn nhỏ đã ở chùa, tuy không xuất gia, nhưng cậu bé ấy vốn là một Phật Tử, sống dưới mái chùa Viên Giác, có Thầy, có bạn, có kinh, có kệ, có công phu, có gõ mõ và làm tất cả những công việc giống như một người xuất gia đang làm, nên cái không khí nơi chốn thiền môn ấy dần dần thấm vào tâm hồn cùng trí não của đứa bé 13 tuổi ấy và cứ thế sự thẩm thấu ấy nó thấm dần, thấm dần như nước thấm vào từng thớ đất và khi có dịp ngồi ghi lại những ngày dưới mái chùa Viên Giác ngày nào, Trần Trung Đạo cũng viết ra những trang sách đầy chất Thiền ấy.

Chẳng hạn anh kể lại vai trò của Bà Chín ở chùa Viên Giác cùng thái độ của bà không ưa anh vì bà nhìn vào cái hình tướng bề ngoài của cậu bé mồ côi ngây thơ trong trắng ấy nhưng tóc để dài và đội cái mũ lính mà người ta cho khi lần đầu bước vào cổng chùa, trong khi Ngài Hòa Thượng trụ trì chùa Viên Giác lại rất thương anh như Hòa Thượng Thích Như Điển kể, chúng ta mới thấy đây có hai điều cần lưu ý. Thứ nhất, vì nhìn người từ cách ăn mặc để thương hoặc ghét một người, mà người ấy lại là một đứa trẻ mồ côi, lại càng không đúng lắm, nếu không muốn nó là hơi hẹp hòi. Thứ hai, là qua câu chuyện ấy, Bà Chín ghét, Thầy Trụ Trì thì thương, quả là dưới mái chùa cũng có thiện và không thiện trong chùa. Nhưng có lẽ đoạn đối đáp giữa tác giả và bà cô ruột vừa cảm động vô bờ về một cảnh đời, vừa chan chứa thiền vị rất thâm trầm:

Vài tháng một lần tôi được phép về Đà Nẵng thăm cô tôi, người gần gũi nhất còn lại của tôi lúc bấy giờ. Cô tôi bịnh thường xuyên. Cái chết của gia đình người chị họ tôi, con thứ bảy của cô, và rồi cái chết của cha tôi, em trai út của cô, đã làm căn bịnh của cô ngày thêm trầm trọng….Cô tôi có vẻ vui hơn trong những lúc tôi về. Biết tôi suốt tháng ăn chay nên dù rất nghèo, cô cũng ráng mua sắm thêm chút cá thịt cho bữa ăn. Cô thức khuya hơn, dặn dò tôi hằng trăm việc. Cố gắng nhịn nhục. Cố gắng chịu đựng. Cố gắng học hành. Cô hỏi thăm từng việc lớn nhỏ trong chùa tôi đang tá túc.

- Bà Chín có còn chửi mắng con không?
- Không, bà Chín chết rồi.
- Sao vậy?
- Xe tông chết.
- Có ai đánh con không?
- Không.
- Có ai bắt con làm chuyện gì nặng nề không?
- Không.
- Thầy có biểu con đi tu không?
- Có, nhưng không phải thầy Viên Giác.
- Thế ai biểu con?
- Thầy Giải Nguyên.
- Thầy Giải Nguyên là ai?
- Đệ tử của thầy Viên Giác.
- Con trả lời thầy Giải Nguyên sao?
- Con nói con không muốn đi tu.
- Thầy nói gì thêm?
- Thầy nói đi tu sẽ được các thầy lo lắng ăn học, mai mốt lớn sẽ được đi Huề hay Sài Gòn học thêm. Không đi tu chẳng lẽ ở trong chùa này hoài hay sao. Chùa chỉ dành cho người đi tu thôi, đâu có thể nuôi con hoài như vậy được.
- Thế con trả lời sao?
- Con không biết trả lời sao vì không biết nếu thầy đuổi sẽ đi đâu, nhưng con nhất định không đi tu.
- Thầy hay hỏi thế không hay chỉ hỏi một lần?
- Nhiều lần nhưng tháng này không hỏi nữa vì con đã bạch với thầy là con nhất định không đi tu.
- Con đừng bỏ đi. Nếu thầy đuổi thì về Đà Nẵng ở với cô.
- Nhưng ở Đà Nẵng với cô thì chỉ đi bán cà rem hay đánh giày chứ làm gì có trường công để học.
- Ừ thì lúc đó hãy tính.
- Con phải đi học.
- Cô biết, nhưng lúc đó hãy tính, giờ còn đi học được thì phải lo học.
- Dạ.

Hai cô cháu tôi thường ngồi như thế rất lâu trong căn nhà nghèo nàn phía trong Ngã Ba Huế. Một đứa bé bất hạnh ngồi bên người đàn bà bất hạnh trong một đất nước bất hạnh. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay gầy guộc cầm lấy tay tôi sợ rằng đứa cháu trai của cô sẽ khóc. Tôi không khóc. Cô không khóc. Không có hay vì không ai còn giọt nước mắt nào để nhỏ trong những đêm tôi về thăm cô. Nếu có chăng chỉ là những giọt nước mưa từ buổi chiều còn đọng trên mái tranh nghèo, như những nốt nhạc buồn, gõ từng nhịp đều vào chiếc lu hứng nước ngoài sân.”
(trang 233-234)

Tóm lại, có thể nói “Dưới Bóng Đa Chúa Viên Giác” bàng bạc trên từng trang sách những câu chuyện Thiền như vừa kể, nhiều lắm! Ở đây tôi không dám so sánh với cuốn “Mỗi Ngày Một Câu Chuyện Thiền” của tác giả Akizuki Ryumin qua những câu chuyện Thiền ngày xưa bên Nhật, bên Trung Hoa , nhưng chắc chắn những câu chuyện Thiền trong “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác” này rất gần gũi, rất bổ ích nếu chúng ta có dịp đọc nó !

Lương Thư Trung
Houston , ngày 10 tháng 01 năm 2013.

Theo http://www.trantrungdao.com/?p=2192
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn