BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

10.1966: Đêm đọc thơ tự do tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

18 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1129)
10.1966: Đêm đọc thơ tự do tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Làm sao mang thơ tới được đám đông, làm sao đánh tan trong văn chương chúng ta cái cảm hoài sướt mướt, làm sao phá vỡ không khí thơ như sản phẩm của sênh phách, trong khi thơ là ngôn ngữ của tinh thần?

 

Đêm đọc thơ chủ đề “Chiến tranh và tình yêu” Chủ Nhật, 9 tháng 10, 1966 tại sân Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, theo chiều kim đồng hồ: nghệ sĩ và các nhà thơ Hoàng Thư, Trần Dạ Từ, Viên Linh, Đỗ Quí Toàn (ngậm ống vố), Nhã Ca, Kim Ninh, Thanh Thoại, Tú Kếu và Trần Tuấn Kiệt. Ảnh bìa của Tạp chí Nghệ Thuật.


 

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 1966: Từ 8 giờ tới 10 giờ 30 tối, một số những người làm thơ trẻ ở Sài Gòn đã mang thơ lên sân khấu, mang thơ ra đám đông, và hẳn nhiên những gì gọi là “thơ bây giờ” phải là thơ tự do. Rất vội vàng, một bục gỗ đã được dựng lên tại trụ sở CPS (Chương trình Phát triển Sinh hoạt Học đường), đặt tại phía sau trường Đại Học Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực. Cũng rất vội vàng, đề tài, cho tới phút chót mới tạm gọi là phác họa xong: Đêm thơ chiến tranh và tình yêu.

Hồi 13 giờ trưa, mọi sự chưa đâu vào đâu, những người quyết định góp mặt trong đêm đọc thơ đầu tiên này đã quyết định cứ làm. Có Tú Kếu, Trần Tuấn Kiệt, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Đỗ Quí Toàn và tôi. Các nghệ sĩ trình diễn có Hoàng Thư, Thanh Thoại, Tuyết Hằng, Đỗ Kim Ninh. Thanh Thoại đệm dương cầm - (chiếc dương cầm vào lúc sau đã chết - theo các anh Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Phan Văn Phùng trong CPS thì dường như phải thuê nó cơ đấy). Trong ban tổ chức cũng còn có Đằng Giao, tổng thư ký tòa soạn nhật báo Sống, anh Hà Tường Cát, trưởng quản trị CPS, hai phó nhòm và máy chụp tối tân. Buổi đọc thơ, dù được loan tin trên báo Sống và đài phát thanh quốc gia, tưởng cũng làng nhàng thôi, vì không kịp phổ biến rộng. Nhưng 800 tờ chương trình tại cửa vào đã được phát hết. Khi đêm đọc thơ bắt đầu, ngó qua 4 khung cửa sổ của phòng trình diễn ở giữa khu đất trống còn thấy chen chúc những người là người, người nghe, người hâm mộ thi ca nghệ thuật.

Đứng trên bục gỗ ngó xuống, thấy những khuôn mặt thanh niên cởi mở, những vừng trán phẳng phiu, những con mắt chăm chú tươi cười, hầu hết là sinh viên học sinh. Có cả các chị, những người nếu chỉ gặp thoáng qua tưởng là cánh bướm màu hay bông hoa tươi, nhưng đã ngồi đó, ngồi xuống nền gạch, chen chúc nhau, vây thành vòng, nhiều vòng quanh bục gỗ ở giữa, và không phải là bướm màu hay hoa tươi mà thôi, còn là hoa penseé đấy.

Đầu tiên là Hoàng Thư, người nghệ sĩ 40 tuổi còn đùa giỡn, bước lên bục gỗ, trước micro và ngọn đèn lồng màu đỏ; anh trình bày một bài thơ của Tú Kếu Trần Đức Uyển. Sau đến Trần Dạ Từ trình bày một bài thơ của Đỗ Quí Toàn. Bài thơ làm cho một người xa quê hương, không hiểu nổi nơi này sáng ăn điểm tâm nghe súng nổ, trưa ăn cơm nghe tin người chết, tối đi ngủ nghe nhạc hoài tình. Ngâm xong, tiếng vỗ ta rào rào như sóng (chữ của Trần Thanh Hiệp đấy). Rồi lại có tiếng vỗ tay nổi lên. Xướng ngôn viên vừa giới thiệu có các nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa và nhạc sĩ Phạm Đình Chương vừa tới.

Trần Dạ Từ nói, và nói, và đọc thơ nữa: “Em có vú vê mông miếc, anh có tí tiền còm, đi cùng chuyến xe ngựa 3 đồng 5 cây số. Và con ngựa có chiếc bọng đái. Tiếng vỗ tay, tiếng la, tiếng cười. Anh, ngoài tí tiền còm, còn có bổn phận và có Tổ quốc nữa.”

Sau đến Trần Tuấn Kiệt: “Tôi chỉ làm thơ thái hòa thôi, vậy trong đêm thơ chiến tranh và tình yêu này, tôi chỉ nói tới cái thái hòa trong chiến tranh với các bạn thôi.” Cười ồ. Ra ngoài chủ đề đấy, nhưng thi sĩ cứ ngâm. Đại khái có chú mục tử cưỡi trâu ngoài đồng ngước nhìn trăng sáng. Thưa hết. Cười ồ. Thơ gì mà dài quá thế, có những 3 câu thôi.

Micro gọi tên Viên Linh. Tôi lách đám đông đến gần bục gỗ. Chương trình là thơ chiến tranh và tình yêu, thơ chiến tranh chưa hết đã gọi thơ tình yêu... Đến phần ái tình rồi, lên đi. Thế thì được. Tôi không thuộc thơ mình, phải cầm cả tờ báo Nghệ Thuật. Vừa trình bày vừa ngó nhìn xuống mấy trăm người nghe ngồi san sát vòng quanh. Thấy thân mật và tin tưởng, ấm áp. Đọc loàng xoàng, thế mà cũng được vỗ tay.

Còn Nhã Ca ở nhà thì la lớn lắm, ra trước micro lại nói yểu điệu thấy ghê: “Tôi nói tiếng Huế, tôi không đọc thơ được. Tôi ra trình diện vậy thôi.”

“Tú Kếu đồ mặt mẹt! Tú Kếu thằng nói khoác! Tú Kếu đồ nịnh bợ. Tú Kếu đồ luồn cúi an thân! Tú Kếu cút cha mày ra khỏi đất nước này!” Đó là một đoạn thơ của tác giả Thơ Chua chính anh đọc, được anh em hợp tấu. Anh chửi mình để chửi người. Thơ Chua mới vừa nghe đã thấy nể rồi. Đọc thơ khác ngâm thơ là như thế.

Điều ghi nhận rõ rệt nhất trong tôi khi ra về là tuổi trẻ chúng ta cần phải gặp nhau nhiều lắm. Họp nhau trong hội trường, chúng ta nói, nghe, và nghe, nói. Có nhiều điều phải nói, phải nghe. Riêng với một người làm thơ, tôi nghĩ rằng “Đêm thơ chiến tranh và tình yêu” là một thành công ngoài điều mong ước. Các anh các chị sinh viên học sinh, với con số hơn 800 người, vừa ngồi chật trong phòng triển lãm tranh, vừa đứng kín trước 4 cửa sổ mở ra bốn mặt, vừa đi lại rải rác trong khu đất trống của Đại Học Văn khoa, là một khích lệ cho thơ hôm nay. Thơ hôm nay đã đến với đám đông, điều ấy cho thấy làm thơ lúc này, về chúng ta, về cuộc sống gần và cuộc sống sâu, hoạt cảnh xã hội và trí tuệ tuổi trẻ, đã được khẳng định như một con đường chắc chắn phải đi tới mạnh hơn nữa.

(VL, Nghệ Thuật tháng 10, 1966)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn