BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một chỗ dựa

08 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 1154)
Một chỗ dựa
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi mà mỗi lần nghĩ lại tôi không thể không bồi hồi thương xót, và câu chuyện ấy giống như một chỗ dựa lớn cho tôi mỗi khi tôi gặp một chuyện không vừa ý trong cuộc đời mình.

Ngày ấy, khi còn là một cô sinh viên nhỏ năm thứ nhất trường y, mỗi sáng đạp xe đi học từ nhà đến trường khoảng ba cây số, thời ấy đường xá còn vắng vẻ lắm, tôi vừa đạp xe vừa mơ mộng, vừa thích nhìn ngó, quan sát xung quanh.

Nhà tôi nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tỉnh (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và cứ mỗi lần qua khỏi ngã tư Xô Viết nghệ Tỉnh và Lý Thái Tổ tôi đã để ý một căp thường chở nhau bằng xe đạp mà người chở lại là người phụ nữ. Chi trạc chừng 30 tuổi nhưng nhìn có vẻ khá chửng chạc, người ôm ốm, tóc dài kẹp gọn gàng đàng sau, khuôn mặt tròn phúc hậu. Chị cắm cúi đạp xe nhưng chốc chốc lại quay ra sau nói chuyện, mỗi lần chị nói gì thì người thanh niên chồm lên, nghiêng tai qua nghe, động tác rất lạ, họ thường trao đổi nhiều suốt đoạn đường đi, và vì tò mò đôi khi tôi cũng cố đi gần để nghe nhưng chữ được chữ mất, vì người phụ nữ gần như quay hẳn ra sau để nói cho mỗi người thanh niên vừa đủ nghe nên tôi cũng không nghe được gì. Thỉnh thoảng lại nghe họ cười đùa với nhau. Người thanh niên chừng như rất vui mỗi khi nghe giọng người phụ nữ quay lại nói gì đó, anh trạc khoảng trên dưới 35 tuổi, da đen mét có vẻ phong trần, chiếc mũi tẹt, to, nhưng khuôn miệng thì rất duyên dáng, đôi môi lúc nào cũng mím chặt, nhưng lại cười rất tươi sau mỗi câu chuyện của người phụ nữ và hiếm hoi lắm tôi mới thấy anh đáp lại vài câu gì đó, giọng khó nghe nên tôi cũng chẳng bao giờ nghe được gì cả…

Cuộc hành trình cứ đều đặn mỗi ngày như thế, khi tôi rẽ vào trường thì họ vẫn tiếp tục đi. Cũng mất khá lâu tôi mới phát hiện ra người thanh niên ngồi sau là một người mù, bởi có lẽ do tôi quá vô tình nên không hiểu một chuyện thật đơn giản rằng chẳng có người thanh niên khỏe mạnh nào lại để người phụ nữ hằng ngày chở đi bằng xe đạp như thế. Có lẽ tôi quá dở khi không phân biệt nỗi cặp kính đen của người mù với cặp kính mát của những người đàn ông khác.

Gần một năm trời, cứ đều đặn đến khoảng đường đó tôi lại gặp hai người, cũng có đôi lần đi học trễ, nghỉ bệnh hay nghỉ lễ tôi mới không gặp họ mà thôi, và những ngày nghỉ ở nhà đôi lúc lòng tôi cũng gợn lên những thắc mắc về họ. Dạo ấy tôi cũng đã có bồ, cũng hay suy nghĩ về cuộc sống đôi lứa, cũng nghe nhiều anh chị họ ta than về cuộc sống gia đình và tôi cũng từng kể về căp vợ chồng này cho vài người quen nghe với mục đích đề cao tình yêu thương, nhân nghĩa vợ chồng (thật sự chỉ qua quan sát tôi nghĩ họ là vợ chồng chứ cũng chẳng biết chính xác, nhưng lòng tôi cứ luôn tin vậy khi nhắc về họ). Chỉ với những gì tôi quan sát được mà lòng tôi cảm phục người phụ nữ tốt bụng, và lòng dâng tràn xúc cảm trước nghĩa cử của đôi vợ chồng anh mù, và có lúc trái tim nhỏ bé của tôi cũng vẽ cho mình một mái ấm đằm thắm như thế với suy nghĩ thật đơn giản là dù nghèo nhưng hạnh phúc.

Rồi khi tôi vào năm thứ hai, buổi sáng không còn trên con đường cũ vào đại học y khoa mà là …lang thang đến các bệnh viện để thực tập. Khởi đầu là tập làm công việc của người hộ lý, mỗi sáng cầm khăn lau chùi cửa sổ, dọn dẹp phòng bệnh, đút ăn cho bệnh nhân, cho bệnh nhân đi vệ sinh… Sau đó thì học công việc điều dưỡng với chích thuốc, thay băng cho bệnh nhân, nghe bệnh nhân tâm sự, than thở và phát thuốc cho bệnh nhân uống mỗi ngày. Cứ thế, năm tháng dần trôi, cô sinh viên mới vào trường y ngày nào cũng đến ngày thi tốt nghiệp ra trường với bao lo lắng, bận rộn. Tôi gần như không một phút nào còn gợn nhớ cặp vợ chồng anh mù tôi gặp mỗi sáng ngày xưa…

Ra trường lại tiếp nối bao nhiêu lo toan khi cầm tờ giấy phân công nhiệm sở, rồi bở ngở, sợ sệt khi bước đến chỗ làm đầu tiên trong đời, gặp những anh chị đồng nghiệp, những nhân viên cùng làm việc.Những đêm trực bệnh viện đầu tiên lo lắng mất ăn, mất ngủ. Những ca mổ đầu tiên run tay, sợ sệt khi phải làm một mình. Những buổi dạy đầu tiên phải học bài thuộc lòng mà lên lớp vẫn ấp a, ấp úng…Và tháng lương ít ỏi đầu tiên cầm trong tay đầy tự hào rồi vội vã đi mua quà tặng Mẹ…

Ra trường là kết thúc những tháng ngày học ở trường và cũng là bắt đầu việc học cho đến hết đời kinh nghiệm nghề nghiệp và kinh nghiệm cuộc sống. Tôi hoàn toàn bở ngở và mỗi lần va chạm là mỗi lần rơi nước mắt tủi thân, nuối tiếc những tháng ngày đi học lúc nào cũng có Thầy Cô nâng đỡ, bạn bè chia sẻ, chở che…Nhưng rồi cũng được bù lại bằng những lời cám ơn thật cảm động của bệnh nhân, những bịch bánh kẹo, bịch trái cây trao tặng đầy trìu mến…Vui sướng vì những ca mổ dần dần nhanh hơn, tốt hơn…Và nhất là không còn căng thẳng khi đứng lớp nữa.

Cuộc sống dần dần tươi sáng hơn, tôi biết sống lạc quan, vui vẻ và yêu đời hơn, để rồi yêu người hơn và quyết định lập gia đình…

Nhưng công việc, gia đình, rồi con cái, tôi quay vòng như một cái chong chóng, đôi khi không còn nhận ra mình, cô gái vui tính, nhí nhảnh ngày xưa nay không còn nữa. Đồng lương ít ỏi, nhu cầu gia đình thì nhiều, tôi cũng như bao nhiêu người khác phải lao vào việc kiếm tiền, mọi thứ trước mắt không còn dễ dàng chút nào. Tâm tính tôi cũng dần thay đổi, tôi luôn luôn căng thẳng ở ngoài và về đến nhà thì bao nhiêu thứ không vừa ý, tôi không biết tự lúc nào mình trở nên bẳn tính, hay cáu gắt khó chịu trước mọi người khi có chuyện không được vừa ý. Dù đã có lúc ngồi nhìn lại mình, cố gắng sửa đổi nhưng hình như cũng không thể thay đổi được gì, bởi vì trong cuộc sống gia đình mà một người thì quá vô tư, dồn gánh nặng lên vai người kia thì không thể dung hòa mãi được và rồi cũng đến ngày gãy đổ.

Ly dị, tôi trở về nhà Mẹ với con gái 8 tháng tuổi trên tay. Mặc dù có gia đình tôi giúp đỡ nhưng thật sự những ngày tháng mới chia tay tôi thường cảm thấy hụt hẫng, nhiều đêm nằm ôm con khóc tủi thân và những ngày lễ, ngày Tết thì không thể nào không buồn khổ. Sau đó tôi mất tiền, mất chiếc xe (gia tài duy nhất của mình), vật dụng cần thiết nhất lúc ấy để đưa con đi học và đi làm. Tôi cảm thấy mình chẳng còn gì, bế tắt đến mức muốn tìm đến cái chết cho yên thân mình. Nhưng rồi nghĩ đến con tôi không dám chết, nhưng sống mà buồn phiền, u uất chẳng lúc nào vui.

Một buổi sáng ngồi uống càphê ở quán cốc ven đường gần bệnh viện với vài người bạn, tôi thường ngồi im, ít khi tham gia chuyện trò…Bỗng có một chiếc gậy cứ đụng đụng vào chân tôi, tôi quay lại và thấy một người mù mời mua vé số…Vừa thoạt nhìn mặt người đàn ông mù tôi bàng hoàng, sững sốt, tất cả những hình ảnh cũ quay về nhanh một cách không ngờ. Tôi nhận ra ngay người đàn ông mù chính là anh chàng mù ngồi sau xe đạp người phụ nữ chở ngày xưa, tuy anh đã có khá nhiều thay đổi nhưng cách ăn mặc dù không được sạch sẽ như xưa và quần áo cũ, nhàu nát nhưng anh vẫn bỏ áo trong quần, thắt chiếc nịt cũ mềm và vẫn có cái vẻ gọn gàng, tề chỉnh của một người đàn ông đứng đắn, mẫu mực. Khuôn mặt anh giờ nhô những góc cạnh do ốm đi nhiều, nước da đen đủi, nhăn nheo. Chiếc kính cũ kỹ có phần dơ bẩn mà bây giờ nhìn là tôi nhận ra ngay cặp kính đen của một người mù chứ không còn ngộ nhận như xưa. Tôi buột miệng hỏi: “có phải ngày xưa anh được một người phụ nữ mỗi sáng chở đi trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh không?”. Anh ngỡ ngàng quay mặt sang tôi, và trên khuôn mặt khắc khổ của anh những giọt nước mắt lăn nhè nhẹ từ dưới đôi kính đen xuống hai má…Tôi kéo vội chiếc ghế gỗ nhỏ mời anh ngồi rồi gọi cho anh một ly nước. Anh kể cho tôi nghe chuyện cuộc đời anh, tuy tôi chỉ là một người biết sơ về anh chứ chưa hề quen, nhưng ngồi nghe anh kể chăm chú còn anh thì say sưa kể như đang kể cho một người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Rằng người phụ nữ ngày nọ chính là vợ anh, nhà chị gần nhà anh, anh bị bịnh đục giác mạc mù từ nhỏ, chị thương anh hiền lành chịu khó nên bằng lòng lấy anh. Cưới nhau xong chị ấy chở anh đi làm cùng, chị làm thợ đan lát và anh cũng phụ chị ấy được chút ít. Hai vợ chồng tạm đủ sống qua ngày. Rồi một ngày kia anh bị bịnh nằm nhà, người vợ đi làm bị đụng xe chấn thương nặng và sau khi đưa vào bệnh viện thì chị ấy chết. Anh được báo tin mà nghe như đất trời sụp đổ, anh luôn than trách sao anh không chết mà lại là chị, sao anh không đi làm để được chết cùng chị? Sau đám tang, mọi người thân cùng họ hàng ai về nhà nấy, anh cũng phải tự lo cho mình. Anh nằm vùi không buồn ăn uống cả tuần rồi khi đói lã mà không chết được anh phải gượng dậy tìm cái ăn. Anh trở lại chỗ cũ xin làm nhưng nơi ấy chỉ là một cơ sở tư nhân nhỏ, họ không thể nào nhận anh làm vì anh làm không được bao nhiêu, trước kia vợ anh làm là chính, anh chỉ phụ vợ chút ít mà thôi. Cuối cùng anh đành đi bán vé số như nhiều người mù khác. Chị là chỗ dựa duy nhất của đời anh mà nay chị đã bỏ anh đi. Anh nghẹn ngào nhắc lại những tháng ngày đẹp đẽ anh có chị, dù bây giờ theo anh công việc cũng chẳng phải nặng nhọc gì, anh cũng đủ cơm ăn nhưng lòng anh luôn nhớ tới chị. Và anh còn bảo với tôi anh vừa làm giỗ năm thứ năm của chị cách đây vài ngày. Anh nghĩ rằng chị cho anh gặp tôi để anh có dịp kể về chị, bởi anh luôn ao ước có ai đó nhắc tới chị và biết anh đã có những tháng ngày hạnh phúc thế nào bên chị. Bấy nhiêu đủ để anh tăng thêm lòng can đảm sống cho hết cuộc đời mình, và hy vọng ngày gặp lai chị, ở một nơi anh nghĩ là xa lắm…

Chia tay anh tôi chỉ có chút ít tiền để biếu anh mà miễn cưỡng lắm anh mới nhận, tôi mua nhiều vé số giúp anh và tặng lại cho anh với lời chúc anh trúng số cho cuộc đời bớt vất vả hơn nhưng anh cười và bảo anh không thấy vất vả với công việc bán vé số mà chỉ buồn nhớ chị mà thôi. Anh đứng dậy bước đi còn đùa với tôi rằng chị đã để lại cây gậy làm chỗ dựa cho anh nên anh cũng an tâm khi ra đường…

Tôi lại nhiều đêm trăn trở, thao thức…Tôi nghĩ về anh mù rồi trách ông trời sao cay nghiệt nỡ cướp đi chỗ dựa duy nhất của một người mù, một người tật nguyền đáng thương? Có phải “cuộc đời là một đấu trường” như một nhà văn nào đó đã nói, con người luôn phải đấu tranh với thiên tai, bệnh tật và sự hà khắc của ông trời. Tôi cũng bắt đầu biết suy nghĩ để tập bằng lòng với những gì mình có, vì dường như quanh tôi chẳng mấy ai được mọi thứ như ý. Vậy mà tôi cũng từng quay quắt tìm quanh tôi một chỗ dựa nhưng tôi chẳng có, và dần dần theo năm tháng tôi cứng rắn, mạnh mẽ hẳn lên để trở thành chỗ dựa cho con mình…Tôi hãnh diện vì điều đó, hạnh phúc khi thấy con mình lớn khôn, nhưng những khi gặp khó khăn, vấp ngã tôi vẫn thầm ao ước một chỗ dựa cho riêng mình và niềm ao ước cũng vẫn mãi là ao ước…Mỗi ngày nhìn quanh tôi bao nhiêu cảnh bệnh tật, chết chóc, bao nhiêu cảnh thương tâm mẹ mất con, vợ mất chồng…Tôi hiểu rằng tôi đã được may mắn quá nhiều, được nhận quá nhiều. Tôi thấy xấu hổ khi mình vẫn chưa biết cho đi, lại còn đòi hỏi cho mình một chỗ dựa mà ngay một anh mù còn chưa có được.

Thời gian dần trôi, đến nay tôi đã thôi xin xỏ ơn trên những thứ phù phiếm, dần hiểu giá trị cuộc sống, và con người cần có những nỗ lực không lúc nào ngơi nghỉ . Tôi cố gắng “hái tặng cuộc đời những bông hoa” và chờ mong “cuộc đời tặng lại ta hương thơm của nó”.

Tôi đã thật sự biết thế nào là bằng lòng!

Sông Chuyên
Tháng 12 năm 1998
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn