BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73471)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đánh Tham Nhũng Bị Tham Nhũng Đánh Lại

21 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 1152)
Đánh Tham Nhũng Bị Tham Nhũng Đánh Lại
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Sau khi Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) tối cao trao quyết định đình chỉ điều tra hai tội danh "cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với ông Nguyễn Việt Tiến nguyên thứ trưởng Giao Thông Vận Tải và sau quyết định này, Viện KSND tối cao đã miễn quy trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Việt Tiến về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Thứ đến là ông còn được đảng và nhà nước cho phục hồi lại tư cách đảng viên.

Thế là vụ án PMU18 được xếp lại hồ sơ, xem như xong và tưởng đã được nhà nước cho chìm xuồng đi vào quên lãng.

Bỗng dưng, mới đây, ngày 12-5-2008 vụ án lại chỗi dậy làm lớn chuyện bằng những đòn ngược ngạo của nó. Chiều ngày 12-5-2008, hai nhà báo đảng viên đảng CSVN Nguyễn Văn Hải báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến báo Thanh Niên đã bị cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Cũng cùng ngày thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 C14 chịu chung số phận. Một ngày sau, tướng công an Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14 đã về hưu cũng bỗng dưng nhận quyết định khởi tố.

Thế là vụ PMU18 vẫn chưa thể nào kết thúc, những người biết chuyện xầm xì với nhau là phía hậu trường của nó đã hết hồi âm ỉ mà bước vào giai đoạn đấu đá quyết liệt, nhất là sau khi ông Nguyễn Việt Tiến thoát khỏi nhà đá và quay trở lại tư cách đảng viên. Nhưng „ai thắng ai“ vẫn còn là dấu hỏi lớn? Có một điều hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã được công luận đặc biệt chú ý là vì quá trình đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực của họ. Riêng hai ông một tướng & một tá Công An thì chưa biết hư thực thế nào? Hay chỉ là đòn gió.

Như đã biết, ngày 23/7/2007, cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án hình sự với các tội danh: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (theo điều 258 Bộ luật hình sự) và “Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” (điều 263 Bộ luật hình sự).

Quá trình điều tra cơ quan An ninh xác định việc đưa tin sai sự thật của vụ án là do một số cán bộ cảnh sát điều tra và một số phóng viên thực hiện, hành vi của họ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngày 12/5/2008, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can với tội danh “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (điều 281 Bộ luật hình sự) để tiếp tục điều tra làm rõ mức độ sai phạm và xử lý theo pháp luật đối với những người có tên sau đây: nhà báo Phạm Xuân Quắc, nhà báo Nguyễn Văn Hải, nhà báo Nguyễn Việt Chiến và thượng tá Đinh Văn Huynh.

Hai nhà báo đã bị khởi tố và bị tạm giam vì can tội vi phạm điều 281 Bộ luật hình sự là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng như đưa những thông tin sai sự thật về vụ án Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng. Trong bài báo có đọan viết „Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc; vụ án làm trái quy dịnh của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa nhận hối lộ, tham ô tài sản của Ban quản lý dự án PMU18”.

Thật ra hai phóng viên trên đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình là cung cấp đến bạn đọc những nguồn thông tin có kiểm chứng và từ nhiều phía để phản ảnh những sự việc tốt xấu xảy ra trong xã hội, mà nhất là chống lại những mặt tiêu cực của các quan chức trong guồng máy nhà nước có „giặc nội xâm“ này và họ đã thực hiện đúng chức năng đó một cách hợp pháp. Cơ quan an ninh điều tra Bộ công an không có quyền và không được quyền gán tội mà cho đây là mục đích, là động cơ của một vụ tư lợi hoặc đưa những thông tin sai sự thật sau một thời gian dài hơn 18 tháng họ đã im lìm không phản ứng.

Trong một thể chế chính trị độc tài toàn trị mà tham nhũng đã trở thành „Giặc nội xâm“ thì dù là báo chí không được quyền bàn đến chuyện dân chủ, đa đảng, nhân quyền hay tự do tín ngưởng thì ít ra nó cũng được phép nói lên tiếng nói chống bất công, chống tham nhũng, chống lạm quyền đồng thời vạch mặt chỉ tên những tham quan cũng như phản ảnh những mặt tiêu cực trong xã hội và phải được nhà nước hỗ trợ cho dù là nhà nước có độc tài đi nữa, huống hồ đây là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng như chính ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung Ương đã nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân gần hai năm về trước:

"Vụ việc tiêu cực ở PMU 18 là vụ án nghiêm trọng, đánh bạc, cá độ với số tiền rất lớn, cũng là vụ án tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Những người tham gia đánh bạc, cá độ có nhiều tài sản được hình thành một cách bất hợp pháp, do bòn rút của Nhà nước. Một số cán bộ nhà nước có sai phạm trong vụ án này đã tiến hành hối lộ và nhận hối lộ. ".

Qua điều tra cho thấy, một số vụ việc xảy ra trước đây đã bị cho qua, bị che lấp đi. Như vậy, vụ án này cũng cho thấy tình trạng tiêu cực trong công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra của một số cơ quan. Qua vụ án này, chúng ta thấy được sự suy thoái rất nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có một số người giữ cương vị cao. Đảng và Nhà nước ta kiên quyết làm rõ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân bất kể người đó là ai, những ai cản trở việc xử lý những người vi phạm cũng sẽ bị xử lý thích đáng...

Hoặc ông Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ khi trả lời phỏng vấn TTXVN ngày 23-3-2006:

"Vụ việc tiêu cực tại PMU 18 đã diễn ra từ lâu với nhiều đối tượng tham gia và sai phạm nghiêm trọng trên nhiều mặt. Tôi có thể khẳng định tổ chức Đảng ở PMU 18 bị tê liệt. Tại PMU 18 còn nhiều sai phạm khác, hầu hết các dự án của PMU 18 làm chủ đầu tư đều có vấn đề về chất lượng, riêng dự án cải tạo QL 18, đoạn Nội Bài - Bắc Ninh đã phải xuất toán trên 60 tỉ đồng. Việc tổ chức đấu thầu chỉ là hình thức, các nhà thầu đều là "sân sau", hoặc có đi có lại với Bùi Tiến Dũng mới thắng thầu. Chúng ta cần bình tĩnh phanh phui đến cùng sự việc này...".

Cũng vậy, trả lời báo Tiền Phong ngày 7-4-2006, ông Trần Đại Hưng, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng nói:

"Trong vụ án Bùi Tiến Dũng, đối tượng liên quan hầu hết là cán bộ Nhà nước, đặc biệt lại có thêm hành vi chạy tội. Vụ án này nghiêm trọng hơn hẳn các vụ án lớn trước đây như vụ Năm Cam và đồng bọn. Chúng đã tổ chức chạy án bằng 4 đường dây để chạy các cửa là các cơ quan chức năng. Tóm lại bọn chúng chạy đến các cơ quan trực tiếp điều tra và cả các cơ quan không trực tiếp đấu tranh nhưng có thể có tác động đến việc điều tra vụ án...".

Thật ra hai nhà báo trên chỉ có mỗi một tội duy nhất là vì nhẹ dạ cả tin nghe theo những gì đảng và nhà nước đánh giá vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng. Chính trước khi bị đưa đến nơi tạm giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vẫn còn khẳng định: "Tôi không có tội, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình". . Câu nói trên của nhà báo Bùi Thanh đã không sai chút nào.

"Ai ở hậu trường của vụ án này mới hiểu hết sự kỳ lạ và phức tạp của nó. Ai đó đã đúng khi nói rằng công lý dường như bị nhạo báng qua vụ án này và nhà báo đã trở thành nạn nhân"

Để bạn đọc có thêm dữ kiện người viết ghi lại tình tự diễn biến của vụ PMU18,

- Vào trung tuần tháng 1/2006, Công an TP Hà Nội phát hiện và phá được đường dây cá độ bóng đá xuyên quốc gia do Bùi Quang Hưng, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cầm đầu. Từ đây, cơ quan điều tra phát hiện một số “con bạc” lớn là những quan chức nhà nước trong đó có Bùi Tiến Dũng - Tổng giám đốc Ban Quản Lý các dự án số 18 (PMU18) thuộc Bộ GTVT.

- Ngày 21/1/2006, Bùi Tiến Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “đánh bạc”. Sau đó, một loạt các quan chức dưới quyền Bùi Tiến Dũng cũng bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội danh trên.

- Ngày 2/3/2006, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án “Đưa và nhận hối lộ”, “Cố ý làm trái” liên quan đến số xe ô tô ông Bùi Tiến Dũng cho "mượn”.

- Ngày 6/3/2006, Cơ quan CSĐT khởi tố bổ sung 2 tội danh “Đưa hối lộ”, “Cố ý làm trái” đối với Bùi Tiến Dũng.

- Ngày 4/4/2006, thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến bị bắt tạm giam vì có liên quan đến vụ án với 2 hành vi: "cố ý làm trái" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

- Ngày 10/7/2006, Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát đã nhất trí để ông tướng công an Cao Ngọc Oánh thôi giữ chức thủ trưởng Cơ quan CSĐT sau khi Cục C14 phát hiện ông tướng này là một trong các đầu mối mà các đối tượng PMU18 chạy án hướng tới.

- Ngày 22/11/2006, Tổng cục Cảnh sát công bố quyết định nghỉ hưu với thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, bàn giao công việc cho người kế nhiệm. Khi đó ông Quắc đang là Trưởng ban chuyên án PMU18, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), phó Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công An.

- Ngày 1/8/2007, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử Bùi Tiến Dũng (nguyên TGĐ PMU18 - Bộ Giao thông vận tải) 13 năm tù cùng 8 đồng phạm về các hành vi đánh bạc và đưa hối lộ. -

Ngày 28/3/2008, sau 18 tháng tạm giam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 13/VKSTC-V1A với nội dung đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Việt Tiến về các hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Miễn trách nhiệm hình sự về tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", sau đó phục hồi lại cho ông tư cách đảng viên đảng cộng sản.

- Ngày 12/5/2008, Hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị khởi tố vì tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.

- Ngày 12 & 13/5/2008, Khởi tố tướng Quắc và thượng tá Đinh Văn Huynh (nguyên trưởng phòng 9, C14): vì tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, Thủ Tướng nước CHXHXN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi viếng thăm Anh quốc đã trả lời câu hỏi về quyền tự do báo chí ở VN như thế nào? Ông đã không ngần ngại cho biết là nước CHXHCN Việt Nam là một nước có đầy đủ quyền tự do báo chí. Câu trả lời này đã làm cho hết thảy những phóng viên có mặt trong cuộc họp báo chưng hửng! Đúng là ông thủ tướng của cái gọi là “ghét sự gỉa dối và yêu lòng chân thật”.

Ai cũng biết báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc truy tìm, cung cấp dữ kiện cho việc điều tra tội phạm, chống tham nhũng, đưa thông tin đến người dân nhưng rõ là ở Việt Nam thông tin luôn bị bưng bít, báo chí thì luôn bị nhà cầm quyền cộng sản kiểm soát và chi phối.

Việc 2 nhà báo chuyên nghiệp của 2 tờ báo lớn bị bắt đã xác định một điều là đất nước này vẫn bị điều hành bởi một thế lực „MA“ núp trong bóng tối, và những chuyện xảy ra như thế này chỉ là chuyện đấu đá giữa các thế lực của nó với nhau. Như chúng ta đã biết, vụ PMU 18 đã từng làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Các nhân vật tai to mặt lớn của Tổng Công ty Xây dựng Cầu đường PMU 18 thuộc Bộ giao thông vận tải đã “gây hậu quả nghiêm trọng”, làm thất thoát công quỹ và tham nhũng... Các khuôn mặt được "quan tâm" nhiều nhất trong vụ án này là: Bùi tiến Dũng với các cuộc cá cược bóng đá hàng triệu đô la; Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ giao Thông vận tải và có cả con rể của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh...

Thay vì đứng về phía lẽ phải chĩa mũi nhọn về phía quan tham, điều tra vụ án nghiêm trọng này thì cơ quan điều tra lại giáng ngược đòn lại các phóng viên báo chí, những phóng viên đã có công phanh phui trước dư luận các thông tin cho vụ án. Trong thời gian qua. Nhiều phóng viên có tiếng của các tờ báo có lượng phát hành lớn trong nước đã bị Bộ Công an gọi lên thẩm vấn. Cơ quan điều tra đã khởi tố "vụ án làm lộ bí mật nhà nước và lợi dụng quyền tự do dân chủ" liên quan tới các bài báo viết về vụ PMU18!

Còn nhớ, cách đây không lâu, trên tạp chí Nghề Báo, trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn), Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đã đề cập đến việc hàng chục nhà báo viết về vụ PMU18 đuợc mời lên cơ quan an ninh điều tra làm việc. Ông có nói một câu thế này : "Các nhà báo đừng vì sai sót nhỏ mà chùn bước, mà giảm ý chí chiến đấu chống tham nhũng. Tôi hiểu là Đảng, nhà nước và nhân dân rất tin tưởng các bạn !". Không hiểu ông Nguyễn Việt Thành có biết một chuyện riêng tư khác đó là hễ đụng đến thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến cũng có nghĩa là đụng đến băng đảng của nguyên bộ trưởng Đào Đình Bình, mà Đào Đình Bình là thông gia với TBT Nông Đức Mạnh (con trai ĐĐB lấy con gái NĐM).



Cuối cùng thì tội nghiệp cho nhà báo đảng viên Nguyễn Việt Chiến chỉ vì nhẹ dạ nghe theo ông trung tướng đảng viên Nguyễn Việt Thành đánh ông thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến mà ra nông nỗi này.

Hẳn chúng ta còn nhớ cách đây chẳng bao lâu, Tổng biên tập Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn bị ngưng chức một cách “êm ả” chỉ vì dám đi lộn “lề bên trái” cho đăng một lọat bài về việc TQ cưởng chiếm Hoàng Sa & Trường sa.

Cũng vậy, hai Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ là Huỳnh Sơn Phước và Trương Quang Vinh bị cho ra rìa chỉ vì đã chủ trương cho đăng những bài báo chống tham nhũng mà cao điểm của nó là vụ PMU18 và vụ án Mai Văn Dâu.

Có một điều đáng buồn là trên 600 tờ báo trong nước đã im như thóc trước sự kiện bất công vô lý này.

Trên 600 tờ báo đã ngậm miệng ăn tiền, đã nín thở qua sông bằng chiến thuật „im lặng là vàng. Không biết bây giờ họ có còn kiên định chiến thuật này nữa hay không? Nhà nước CHXHCN Việt Nam là một nhà nước có đầy đủ quyền tự do báo chí như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố với báo chí nước ngoài, chỉ có một điều là người làm báo của cái nhà nước “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” này phải biết đi đúng "lề bên phải" cho dù là người làm báo không phải là đảng viên.
Sông Lô

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn