BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tội giết người không có người chết: Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương nhầm môi trường!

27 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1253)
Tội giết người không có người chết: Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương nhầm môi trường!
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Việc tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương – một trí thức người Đức gốc Việt lên tiếng về vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng, là tiếng nói của một trí thức người Việt xa xứ hướng lòng về quê hương. Những gì vị tiến sĩ này đã thể hiện trong một số bài viết bình luận về các vấn đề thời sự chính trị quốc tế cũng như nước Đức với Việt Nam, trên các trang báo mạng như Tuần Việt Nam, Tia Sáng, Sài Gòn Tiếp Thị, Báo Mới vv.., cũng đã thể hiện điều này.

Thế nhưng trong bài “Tội giết người không có người chết” và bài “Bàn định tội danh giết người” của tiến sĩ Phương, có một số điểm còn khiến người đọc còn băn khoăn về tính thực tiễn, ở việc so sánh luật hình sự giữa hai môi trường văn hóa và chính trị xã hội vốn rất khác nhau của Đức và Việt Nam.

Trước hết hệ thống luật pháp của Việt Nam hôm nay không thể tách rời hoàn toàn với thế giới, bởi nước ta chính là một tế bào của cộng đồng quốc tế. Nhưng trong Bộ luật hình sự, mỗi nước có những quy định về các tội danh khác nhau, đồng thời cùng một tội danh, mỗi nước có thể có khung hình phạt không đồng nhất. Đó cũng là chuyện thường tình, vì mỗi nước có nền văn hóa khác nhau, nếp nghĩ và lối sống khác nhau. Mà khi xây dựng các văn bản pháp luật người ta luôn phải dựa trên tính nhân đạo của nền văn hóa bản địa. Thậm chí ví dụ như ở Mỹ, Úc, luật hình sự có thể có những khác biệt tại mỗi bang hoặc tiểu bang…

Theo tiến sĩ Phương “Không luật pháp quốc gia tiên tiến nào cáo buộc phi thực tế, khép tội giết người lại không có người chết như vậy cả”. Tôi nghĩ tiến sĩ Phương đã sử dụng cách nói có tính dự đoán chỉ để tăng thêm tính thuyết phục, bởi vì chắc chắn ông chưa thể nghiên cứu được hết Bộ luật hình sự của tất cả các quốc gia tiên tiến. Chính vì cũng cùng có hạn chế ấy, cho nên với tư cách một người đọc, và sống ngoài ngành luật, tôi chỉ bám vào Bộ luật hình sư Việt Nam và văn hóa, phong tục của người Việt để mà phản biện.

Tội danh “giết người” được quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự Việt Nam 2009, có nhiều khoản, mục. Nhưng đối với tôi danh giết người hiện nay người ta (chính phủ, cơ quan tố tụng, các luật sư, báo chí vv…) đang tạm ghép cho anh Đoàn Văn Vươn, có thể nằm trong Khoản 1 Điểm L; tức là “phạm tội Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” (ở đây là bắn súng Hoa cải).

Tội danh giết người có quy định “hành vi” chứ không nhất thiết bắt buộc hành vi đó đã hoàn thành bằng hành động. Tại sao lại như vậy? Bởi vì tính mạng con người có giá trị cao hơn mọi thứ vật chất. Người ta cần ngăn chặn việc giết người ngay từ khi nó đang còn manh nha, chứ nếu để cho tội ác đã hoàn thành (bị hại đã bị chấm dứt sự sống) thì mọi việc đã muộn.

Trong bài “Bàn định tội danh giết người” của tiến sĩ Phương, có lập luận một câu (một số báo in đậm) là: “Hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành, chẳng hạn không thể cáo buộc tội danh hay hành vi ăn cắp, khi không nạn nhân nào mất gì cả”. Điều đó có thể đúng tại môi trường sống, luật pháp và văn hóa Đức. Nhưng ở Việt Nam, có thể xuất phát từ ý niệm tránh để lọt người, lọt tội, nên Bộ luật hình sự đã định tội giết người ngay từ hành vi (dù chưa hoàn thành) của đương sự.

Mặt khác, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Phương đem so sánh chuyện người ta không thể buộc tội ăn cắp cho người nào đó, một khi không ai bị mất gì cả. Đây là sự so sánh quá khập khiễng: Ăn cắp không thể nghiêm trọng bằng việc ai đó có hành vi tước đoạt mạng sống của đồng loại. Ở một số nước (ví dụ như Thái Lan), những vụ ăn cắp vặt, nhất là ăn cắp đồ ăn, người ta dễ dàng thông cảm trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí trong nhiều trường hợp ăn cắp đồ trong các siêu thị, người ta chỉ bắt buộc kẻ cắp mua tất cả những món đồ mà người đó ăn cắp theo giá bình thường là xong. Vì vậy nên việc chuẩn bị ăn cắp (chưa ai mất của), không cấu thành tội phạm. Nhưng nếu có kẻ chuẩn bị giết người (chưa ai chết) thì đương nhiên đã phạm pháp. 

Cũng giống như Khoản 1; Điểm L Điều 93 Bộ luật hình sự Việt Nam. Nếu lập luận theo cách của tiến sĩ Phương, một kẻ hiếp dâm, thực hiện hành vi cưỡng hiếp một nạn nhân, nhưng vì tác động ngoại cảnh, hoặc một lý do bất kỳ nào đó mà nạn nhân thoát ra được sau khi bị thương tích, thì không biết người ta sẽ truy cứu kẻ thủ ác kia tội gì, vì việc hiếp dâm chưa hoàn thành?

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương, “Những tội hình sự liên quan tới tính mạng con người, nếu chia theo dấu hiệu hậu qủa tội phạm, có thể phân loại thành 2 nhóm tội danh, nhóm tội danh chấm dứt sự sống của nạn nhân, tức phải có dấu hiệu người chết, và nhóm tội danh không chấm dứt sự sống nạn nhân, không có dấu hiệu người chết”. Đây là một ý kiến rất khoa học, nhưng để tránh lầm lẫn về ngôn từ, chúng ta nên nói cụ thể hơn là “phạm tội đã giết chết một (hay nhiều) người”, và “phạm tội giết người nhưng (may mắn) nạn nhân đã sống sót”. Cả hai trường hợp trên đều là tội giết người, trường hợp nạn nhân không chết chỉ là ngoài mong muốn của kẻ thủ ác. Và người ta có thể kết tội trong cả hai trường hợp trên với mức án tương đương nhau, nếu xét hành vi thực hiện tội ác là đều dã man và quyết liệt tới cùng…

Để chứng minh “tội giết người không thể không có người chết”, tiến Sĩ Phương đã viện dẫn câu chuyện về bị cáo Hans Hansen, 57 tuổi, chủ Công ty xây dựng ở Düsseldorf Đức, bị cáo buộc giết chết triệu phú chủ bất động sản Otto-Erich Simon, 70 tuổi. Cuối cùng vụ án không thể xét xử được vì “không có người chết” (theo cách nói của tiến sĩ Phương). Nếu ở Việt Nam, vụ án cũng không thể xét xử được, vì thứ nhất xác nạn nhân không được tìm thấy (đương nhiên chỉ được phép gọi đúng tình trạng là mất tích), và thứ hai, bị cáo mắc bệnh tâm thần (nguyên văn trong bài của tiến sĩ Phương). Vậy trường hợp này Đức và Việt Nam, tòa sẽ quyết định không khác gì nhau.

Vậy tại sao một phiên tòa xét xử tội giết người cần xác chết của bị hại? Đó là cái xác vừa thể hiện kết cục của nạn nhân, nhưng trong một nghĩa nào đó, cũng đồng thời đóng vai trò là vật chứng của vụ án. Trong trường hợp nạn nhân may mắn sống sót thì đó lại là nhân chứng sống. Tóm lại dù còn sống hay đã chết (bao gồm trường hợp nạn nhân bị chết lâm sàng), phiên tòa xét xử tội giết người chỉ có thể diễn ra khi có sự hiện diện của nạn nhân, hoặc có tài liệu đủ tin cậy chứng minh nạn nhân đã chết.

Còn theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương về cụm từ “có khả năng gây ra cái chết cho con người” ví dụ: “Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều tài liệu kể cả từ điển mở tiếng Việt, lại định nghĩa: “Hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người", “Có khả năng gây ra", chứ không phải đã gây ra, mang thì tương lai, tức hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành”. Nếu lập luận tùy nghi thì người ta có thể quy cả cho lái xe tội “có khả năng gây ra cái chết cho con người”. Vì khi xe lưu thông trên đường có thể gây tai nạn chết người bất cứ lúc nào, đó là nói chung về "thì tương lai". 

Việc một lái xe làm công việc lái xe bình thường sẽ không cấu thành tội (nếu không sẽ không có ai dám lái xe nữa). Nhưng nếu ai đó lái xe ra đường với mục đích tìm nạn nhân để tông xe nhằm giết hại nạn nhân, thì việc đó đã cấu thành tội giết người. Việc làm rõ tội đó nằm trong khoản mục nào của tội giết người là do các cơ quan tư pháp thực hiện. Trường hợp này cũng giống như tiến sĩ Phương lấy ví dụ một người cố tình ép người khác uống rượu (?) với mục đích giết nạn nhân, khiến nạn nhân dẫn đến say rượu mà chết (quá hy hữu) có thể phạm tội giết người.
Cũng theo ý kiến trên của tiến sĩ Phương, nếu người ta “chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành”. Trong trường hợp nạn nhân không chết, nhưng kẻ ác tưởng nạn nhân đã chết nên bỏ đi, rõ ràng kẻ phạm tội đó tấn công với mục đích giết chết nạn nhân (và phạm tội đến cùng), thì không được coi là tội phạm đã hoàn thành? Pháp luật là pháp luật, người ta không thể luận tội hay biện hộ theo cách "bốc thuốc theo sách", mà chỉ dùng sách (các văn bản luật) để làm cơ sở viện dẫn, và sử dụng cho việc định khung hình phạt. Tất cả chỉ được làm rõ sau khi những phần tranh tụng kết thúc, với đầy đủ lý lẽ và nhân chứng vật chứng thuyết phục tại tòa mà thôi. Vậy nên các cuộc tranh luận và phản biện trên báo chí (như tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương đang làm) chỉ mang tính tham khảo, hoàn toàn không thể thay thế được quyết định của công tố cũng như các quan tòa...

Nói chung vấn đề ở đây là nếu tranh luận về nội hàm thuật ngữ cho đến cùng thì có thể sẽ rơi vào một vòng xoáy không có hồi kết về tội danh “giết người”. Vì vậy mới có những phiên tòa kéo dài hàng chục năm, có những vụ án xử đi xử lại nhiều lần vẫn chưa xong. Khó khăn như vậy cho nên không phải ai cũng có thể làm luật sư, và không phải ai cũng có thể ngồi lên chiếc ghế chủ tọa một phiên tòa xét xử bị cáo với tội danh giết người. Tất nhiên đó là với những phiên tòa đầy trách nhiệm và khoa học, chứ không phải những phiên tòa cẩu thả như vẫn thường xảy ra ở Việt Nam. 

Như vậy đối với trường hợp anh Đoàn Văn Vươn, chắc chắn người ta khó có thể quy kết cho anh tội chống người thi hành công vụ, vì “công vụ” của UBND Huyện Tiên Lãng là một công vụ phạm pháp. Dẫu vậy, có thể người ta vẫn kết tội anh Vươn và những người tham gia nổ súng bắn công an và bộ đội với tội danh giết người (theo Điều 93 Điểm 1; Khoản L). Trong vụ án Đoàn Văn Vươn, giả sử như đoàn cưỡng chế của UBND Huyện Tiên Lãng là một toán cướp đi chăng nữa, nếu toán cướp ấy (dù có vũ khí nóng) nhưng chúng chưa nổ súng tấn công trước, thì việc bắn trước của phía anh Vươn vẫn bị coi là hành vi giết người. Bởi còn có khả năng diễn ra là bọn cướp dùng súng chỉ nhằm đe dọa, khống chế để cướp của chứ không có mục đích giết người. Việc bọn cướp tấn công bằng vũ khí thô sơ trước, hoặc nổ súng (bắn chỉ thiên hoặc nhằm vào nhà anh Vươn) trước - tình tiết được coi như anh Vươn và gia đình phòng vệ chính đáng hoặc tự vệ vượt quá khả năng - đã không xảy ra. 

Nhưng rất có thể vì sức ép của công luận, Viện kiểm sát trong vai trò công tố, sẽ thay đổi tội danh cho anh Vươn. Pháp luật Việt Nam là thế, theo cảm tính chứ không theo luật định. Tòa án xử theo chỉ đạo chứ không có sự độc lập, luật sư chỉ là một sự trang trí cho các phiên tòa. Chính vì vậy ông Trịnh Hồng Dương - cựu chánh án tòa án tối cao - đã buộc phải thốt lên: “Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được”. Và người ta thường nói về hiện trạng tùy tiện của chế độ hiện nay là “Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng lại dùng luật rừng”.

Bản thân các văn bản luật của Việt Nam hiện nay khó có thể đánh giá là hoàn hảo. Nhưng nói chung, các văn bản luật quan trọng như Hiến Pháp (ngoại trừ Điều 4), và Bộ luật hình sự, đều khá rõ ràng (một phần có thể do họ sao chép lại từ các văn bản luật của các nước phát triển). Vấn đề ở chỗ các cơ quan tư pháp không áp dụng những điều đó trong tố tụng một cách vô tư. Người ta cố tình hiểu một cách mập mờ nhằm đạt được những mục đích khác nhau (chính trị hoặc kinh tế).

Đối với quan điểm và góc nhìn của tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương, tôi cho rằng việc áp dụng luật hình sự của Đức vào Việt Nam là không thể. Vì các vấn đề về môi trường văn hóa xã hội, tự do bình đẳng, tôn trọng nhân quyền, thượng tôn pháp luật, và đặc biệt là môi trường chính trị, Việt Nam không có gì để so sánh với nước Đức. Do vậy nếu suy diễn “tội giết người không có người chết” là có vẻ như hơi máy móc và khiên cưỡng. Nhưng có lẽ tất cả bạn đọc của tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương (trong đó có tôi) đều nhận thấy đó là những tình cảm chân thực, thể hiện rõ sự bênh vực nghiêng về anh Đoàn Văn Vươn và gia đình của người nông dân trí thức này. Đó là những điều đáng quý và đáng trân trọng.

Lê Nguyên Hồng

25-02-2012

*Bài viết phản biện theo đề nghị của độc giả.

Theo Công Dân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn