BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Văn Hóa Và Xã Hội

24 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1306)
Văn Hóa Và Xã Hội
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Sự có mặt của loài người trên hành tinh này, so với các sinh loại khác phải kể là rất mới, về sức vóc cũng chẳng to lớn khỏe mạnh hơn ai. Cũng đã chịu chung hoàn cảnh biến đổi địa vực môi trường, và những tai ương thiên nhiên khắc nghiệt, như bao loài khác. Thế mà loài người ngày nay còn đây. Còn với mức độ đông đảo đáng nể. Còn trong tư thế sẵn sàng buộc thiên nhiên phải khuất phục trước ý chí, suy nghĩ và sức khai phá của mình.

Điều gì đã đưa loài người đạt tới vị thế hiện nay. Nhất là trong buổi ban đầu mông muội, sống bằng Bản Năng Cảm Tính của thời Mặc Thức Nhân Nhiên, ý thức chưa khai mở, mà phải sống với thiên nhiên đành hanh ưa nóng giận, câm nín bất thường? Đành rằng, loài người hiện hữu được ở trái đất này, là một Đại Sự Nhân Duyên kết tinh của vũ trụ, là một đợt Thăng Hóa tuyệt vời về cả mặt “Năng Lực Tâm Linh” lẫn “Năng Lực Thể Chất” của vạn hữu. Thế nhưng, những thực tế khắc nghiệt của luật tự nhiên nào có tha ai bao giờ. Thành đấy mà Hủy đấy. Dưỡng đấy mà Diệt đấy. Nhưng khi đã có Sự Sống thì ngay lập tức có Sức Sống. Chính sức sống giữ cho sự sống tồn tại lâu dài. Sự sống, sức sống và nhu cầu tồn tại ấy, đã là một Hướng Sống của mọi sinh loại, để mà sống len lỏi giữa luật: Thành, Bại, Dưỡng, Diệt.

Ở Loài Người Hướng Sống tiềm ẩn ngay bên trong đó khả năng Thăng Hóa tự thân, được thể hiện bén nhậy tinh tế qua: Bản năng, Cảm Tính, Mặc Thức và Ý Hướng Hợp Quần sẳn có trong giống Người, cùng dựa vào nhau để bảo vệ sự sống, khai mở ngôn ngữ, tạo thành cuộc sống Người. Chính cuộc sống Người Hợp Quần đó đã là môi trường thuận lợi cho Cảm Tính thăng hóa thành Tình Cảm, Mặc Thức bừng sáng thành Ý Thức, Ý Hướng kết tinh thành Ý Chí. Nói thì đơn giản là thế, mà Nhân loại truyền tiếp cho nhau, đã phải vất vả lắm lắm để vượt qua chặng đường Mặc Thức Nhân Nhiên mò mẫm tăm tối, kể có hàng triệu năm, mới đạt được mức hình thành Tâm Thức Người đơn giản như vừa nêu.

Dù Tâm Thức Người chỉ đơn giản là Tình Cảm, Ý Thức, Ý Chí, nhưng lại đã mở ra một khung trời bao la rực rỡ vĩ đại, lại vừa đau thương khổ lụy muôn vàn do chính loài người tạo ra, từ khi Loài Người đạt tới cuộc sống Ý Thức Nhân Loại, mà cũng chỉ mới mấy chục ngàn năm nay thôi. Ấy thế mà lịch sử vẫn dè sẻn với chúng ta, chỉ mới lưu dấu lại vỏn vẹn có trên dưới 10 ngàn năm. Chừng ấy thời gian, mà phải tốn công khai quật mới thấy được. Còn những gì đang ảnh hưởng tới cuộc sống chúng ta thì chỉ mới độ trên 5 ngàn năm trở lại đây. Những gì còn lại đó là dấu ấn Văn Hóa của những Dân Tộc có văn hóa, của những khu vực được gọi là những chiếc nôi của Văn Hóa Nhân Loại.

Cái còn của năm ngàn năm là cái còn Văn Hóa. Văn hóa trong dấu ấn lịch sử. Nhưng Văn hóa trong huyết hệ Di Thức truyền thống nơi mỗi người chúng ta, thì đó quả thật lại là một dòng chảy từ thật xa xưa, ngay từ khi tổ tiên ta thành đạt được cuộc sống Người có Tình Cảm Ý Thức và Ý Chí, đó là Nhân của các nền Văn Hóa Dân Tộc, rồi chảy vào từng vùng làm thành Văn Hóa Khu Vực. Hiện nay Văn Hóa các Dân Tộc các Khu Vực văn minh đang Dung Hóa với nhau làm thành nội dung của cuộc sống người trên toàn thế giới.

Như vậy, nói tới Văn Hóa thì ngay lập tức phải đề cập tới Văn Hóa Dân Tộc, không có Văn Hóa Dân Tộc thì Văn Hóa Thế Giới thiếu bề dầy. Thiếu những đặc tính cá biệt cần thiết muôn mầu, muôn vẻ của đất trời khu vực. Văn Hóa của các Dân Tộc còn trường tồn tới nay, rất cần được phục hoạt. Kho Tâm Thức Văn Hóa Dân Tộc nơi mỗi người, cần được khai triển để góp với Nhân Loại tạo dựng cuộc sống Nhận Thức Nhân Văn trong thiên niên kỷ mới.

HỢP QUẦN THỜI MẶC THỨC NHÂN NHIÊN

Do bản năng, cảm tính, mặc thức mà Con Người đã biết phân biệt phái tính để thay tự nhiên sản sinh ra con cái, truyền Di Thức -DNA – lưu tâm thức của đôi lứa. Do bản năng, cảm tính, mặc thức và ý hướng hợp quần, mà Con Người đã quy tụ với nhau thành bầy đoàn, để bảo vệ nhau cùng kiếm sống. Mối tương quan giữa Người với Người đơn thuần theo tự nhiên tính.

Chính vì vậy, mà sự hợp quần của bày đoàn trong thời Mặc Thức Nhân Nhiên này, chưa định hình được một quy củ xã hội. Hoặc có thể gọi ép đây là lối sống Mẫu Hệ. Những trụ cột của bày đoàn là các Người Mẹ. Chồng, Con quây quần chung quanh Người Mẹ, và có thể tách bầy bất cứ lúc nào khi tự cảm nhận đủ sức.

Nhưng một điều nổi bật trong Tình Người, mà còn lưu giữ đậm nét tới bây giờ, trong tuyệt đại đa số chúng ta đó là Sợ. Chính vì sợ, sợ cô đơn, sợ đêm tối, sợ sự thét gào của trời đất, sợ đủ thứ, mà bầy đoàn, nhất là các bà mẹ đã tìm tới nhau để hội tụ, con cái và đàn ông cũng theo đó mà quây quần.

Phải nhận rằng: Con Người đúng là một Linh Vật trong trời đất. Vì cảm tính có rất sớm và trưởng thành rất mau. Thay cho bản năng chỉ biết tìm tới nhau trong lúc cần. Sự cần do bản năng thôi thúc thì vốn dữ dội và quyết liệt, đưa đến chiến đấu giành giật, chắc Con Người cũng không ngoại lệ. Nhưng vốn là linh vật nên nhờ cảm tính, mà con người mau chóng biết giữ lại những gì đã thuộc về cảm tính của mình một cách lâu bền. Đó là sự Tư Hữu của cảm tính.

Cảm tính Tư Hữu đã giữ đôi lứa lại với nhau, giữ con cái lại với Cha Mẹ, thành những Gia Đình Tự Nhiên. Lâu đời dầy kiếp cảm tính gia đình thăng hóa thành Tình Cảm Gia Đình, lúc đó mới là thời Tộc Thuộc lâu dài. Vợ Chồng, Con Cái, Cha Mẹ, Ông Bà, dòng họ sống quần tụ bên nhau, để tạo thành những giống người cá biệt. Các Tộc thuộc này có thể sinh hoạt theo lối Bộ lạc du mục, rồi du canh du cư, hay phát triển mau chóng thành nếp sinh hoạt Dân Tộc định canh định cư sau này.

XÃ HỘI THỜI Ý THỨC NHÂN LOẠI

Khi các Tộc Thuộc sinh hoạt chuyển vào lối sống Bộ Lạc Săn Câu. Rồi biết nuôi thú hiền, theo bầy thú lang thang trong đồng cỏ, sống đời Du Mục. Hoặc biết trồng tỉa theo cách Du Canh, Du Cư trên miền cao. Hay đã biết đưa Dân Tộc xuống vùng châu thổ Định Canh, Định Cư, để vẽ vòng biên ải thành lập Quốc Gia của Dân Tộc. Đó là cuộc sống được hướng dẫn bằng Sự Biết.

Như vậy là loài người đã thực sự bước hẳn vào Cuộc Sống Ý Thức Người, thiết lập mọi quan hệ giữa người với người trong tập thể, tìm ra cách sống, nơi sống thích hợp nhất cho Tộc Thuộc. Tức là đã thăng hóa cuộc sống từ Hợp Quần Tự Nhiên Phi Sản, sang cuộc sống Xã hội Con Người Hữu Sản. Đó là sự định hình, định tính của Văn Hóa và Xã Hội.

Do chính nhu cầu và khả năng Tình Cảm, Suy Nghĩ và Ý Chí của Con Người đã tự nâng Xã Hội Loài Người lên khỏi bầy đoàn của các loài động vật khác… Khi đã sử đụng tới Hiểu Biết để nâng cao cuộc sống của mình, cũng có nghĩa là đã thẩm định được giá trị của vẻ Đẹp sự Đúng việc Lành, đó là nội dung của Văn Hóa, thêm vào với tự tính thường xuyên Thăng Hóa của Tâm Thức Người, mới thực sự biểu hiện trọn vẹn được ý nghĩa Văn Hóa.

Những sản phẩm, những công trình tạo tác Văn Hóa tuy ở thể tĩnh, nhưng tác động của nó trên Tâm Thức Con Người thì được chuyển sang thể động, vừa soi sáng, vừa nâng cao, vừa hướng dẫn cho cuộc sống Con Người, trong những tương quan xã hội, cũng như hình thành các tổ chức xã hội, và định mức thang cho giá trị cuộc đời, thế nên tùy trình độ Tâm Thức của Con Người từng thời đại, mà thành lịch sử. Vì Con Người là Nguyên Nhân Lịch Sử Nhân Loại.

Khi Con Người sống bằng ý thức, Văn Hóa Loài Người, được hình thành và hướng dẫn bằng Ý Thức, Xã Hội Loài Người, được tổ chức và sinh hoạt trong sự chủ đạo của nền Văn Hóa Ý Thức, thì sự phát triển của Nhân Loại nở rộ muôn mầu muôn vẻ, mà từ thực tế đến siêu thực, đều diễn ra giữa sự đối nghịch quyết liệt giữa Đẹp và Xấu, giữa Đúng và Sai, giữa Thiện và Ác. Hầu như từ Con Người, ra Xã Hội, tới Vũ Trụ, cũng đều mang tính cách lưỡng diện, cho tới đa diện, hoặc ảo diện, tùy theo ý niệm của mỗi người chủ quan khẳng định.

Chính những ý niệm chủ quan đó của mỗi người đã chinh phục ngay Tình Cảm của chính mình, rồi dùng ngay Suy Tư của chính mình xây dựng, chứng minh cho đó là Chân Lý, cuối cùng đặt trọn vẹn năng lực của Ý Chí mình vào đó để thành Niềm Tin. Nếu chỉ dừng ở đó thì rất tốt. Vì rằng chính Tâm Thức Con Người thuộc lãnh vực Siêu Thức, vốn là một công trình sáng hóa tối cao của Vũ Trụ theo luật tự nhiên. Vậy Con Người có quyền theo luật của vạn hữu mà sáng tạo, để làm giầu, làm mới thêm cho tự nhiên, nhất là về mặt tinh thần, thức giác, tâm linh của Năng Lực Siêu Thức Vũ Trụ. Nhưng nguy hiểm ở chỗ bắt người khác phải tin vào những điều mình tin. Bắt những người khác phải tuân phục ý chí của mình, rồi nhân danh những mục tiêu cao cả do mình tin, để bắt những người theo phục vụ cho quyền lợi, tham vọng của mình. Đó mới là thảm họa của nhân loại triền miên bị gánh chịu gần 10 ngàn năm nay, suốt dọc cuộc sống Ý Thức Nhân Loại.

Sự mở rộng tầm mức Xã Hội Tộc Thuộc, Bộ Lạc sang tầm mức Quốc Gia là những biến cố trọng đại nhất của Loài Người. May mắn cho Dân Tộc nào từ tình trạng tộc thuộc, chuyển sang Quốc Gia chỉ là sự thay đổi địa vực sinh hoạt du canh, du cư trên vùng cao, tìm xuống đồng bằng phì nhiêu định canh, định cư, lập làng dựng nước để phát triển Dân Tộc, vì nhu cầu Canh Nông là tăng dân mới tăng của. Dân đông thì phải có luật lệ và tổ chức Cai Trị thuận cảnh, hợp lý. Trưởng Tộc xưng Vương, đứng đầu nước, trị dân một cách hòa bình.

Các dòng họ cũng tự phân mỏng ra để lập làng, lập ấp sinh sống, đơn vị sống chung, ăn chung, tài sản chung thuộc về Cha Mẹ, Vợ Chồng, Con Cái là đơn vị gốc của Xã hội Nông nghiệp. Giá trị Đạo Đức lớn nhất của Con Người là sống đúng theo Luân Lý của Gia Đình. Vì gia đình là cội nguồn của sự sống, cái nôi của cuộc sống, nơi chứa đựng yêu thương, nơi đảm bảo yên ổn no ấm, nơi khởi phát trí tuệ, nơi vun bồi kiến thức kinh nghiệm, nơi Con Người trở thành Người.

Không may mắn cho các Tộc Thuộc, Bộ Lạc nào mà lại rơi vào tình cảnh mở rộng tầm vóc xã hội bằng bạo lực, do sự chinh phạt của các bộ tộc hung dữ, thì xã hội đó bị đặt dưới chế độ cai trị độc tôn. Nhà Vua làm chủ đất nước, chủ tài sản, chủ quốc dân. Vua phong ấp cho các lãnh chúa cai trị từng vùng. Dân chỉ còn là Nông Nô trong lãnh địa. Chiến lợi phẩm trong các cuộc chinh phạt. ngoài của cải vàng bạc, còn bắt kẻ thua trận về làm nô lệ cho mình nữa. Xã hội chia thành những đẳng cấp Quý Tộc, Tiện Dân và Nô Lệ.

Các cuộc chiến tranh tràn ra như một căn bệnh thời đại. Hết nước này xung đột với nước kia, đến lượt các Đế Quốc mọc lên. Góc này đế quốc A tàn, phương nọ đế quốc B nổi. Đau thương theo gót đoàn quân viễn chinh mà xuất hiện. Ảnh hưởng văn minh lại cũng theo đoàn quân viễn chinh mà sụp đổ và lan truyền. Do ảnh hưởng của tầm hoạt động của Đế Quốc, đã tạo thành các vùng văn minh khác nhau. Để có những nền văn hóa khác nhau, và hình thái xã hội khác nhau.

Chính chiến tranh đã thôi thúc sự trưởng thành của suy tư, những triết gia, những nhà tư tưởng, các bậc chân sư đạo học xuất hiện, nhằm tuyên dương những lý thuyết, những phương hướng giải quyết các vấn đề nhân sinh. Mà ảnh hưởng lớn nhất vẫn là các Tôn Giáo thờ Trời. Nương Oai Trời để dậy dân, nhờ Đức Trời để cứu dân, mượn Mệnh Trời để trị dân. Đó là tùy ở vị thế mỗi thế lực mà dùng. Ngay đến các nền Đạo Học Đông Phương, tuy không nhân cách hóa Thế Lực Thiêng Liêng thành ông Trời toàn năng, nhưng cũng nhìn nhận đó là Nguồn Năng Lực Siêu Lý tối cao, là Thiên Lý, là Đạo Trời lồng lộng. Đức Trời hiếu sinh, Mệnh Trời khó tránh. Tôn Giáo mặc nhiên thành lực sinh động của văn hóa trong thời Ý Thức Nhân Loại. Chính vì vậy, mà các cuộc cách mạng Tôn Giáo tác động trực tiếp vào những thay đổi Xã Hội, Văn Hoá, Chính Tri và Kinh Tế cũng như mọi tương quan giữa các nước. Vì mặc nhiên hay ý thức Văn Hóa luôn sắm vai trò chủ đạo cho khắp mặt sinh hoạt Chính Trị, Kinh Tế, Xã Hội, Luật Pháp… Giao Tiếp.

Cuộc cách mạng Tôn Giáo của Đức Phật Thích Ca, là cuộc cách mạng Tôn Giáo chân chính và toàn diện đầu tiên trong lịch sử nhân loại, trước sức mạnh Thần Giáo Brahman, đã được vũ trang bằng cả một hệ thống triết lý uyên thâm và đa diện của nền văn minh Vệ Đà Ấn Độ. Cuộc đại cách mạng tư tưởng của Phật nhằm đưa Con Người vào đúng vị thế Nhân Chủ trong vũ trụ và cuộc sống, để Con Người Tự Do, Tự Chủ, Sáng Tạo, Tự Giải Thoát khổ đau cho chính mình và góp sức giải thoát cho đồng loại, chúng sinh.

Cuộc cách mạng tôn giáo thứ hai là của Đức Jesus, trước sức mạnh cực đoan của Do Thái Giáo. Ngài đã đưa Thượng Đế của riêng Dân Tộc Do Thái trả về cho Vũ Trụ. Rồi trao lại cho Loài Người, đưa gần lại với loài người bằng tình yêu của Ngôi Hai Thượng Đế. Chính là sự hiện hữu của Con Người Jesus. Đáp ứng đúng với tầm mức tinh thần và nhu cầu thời đại, nên dù bị cấm đoán bức hại, Thiên Chúa Giáo sau 300 năm, đã làm chủ hoàn toàn niềm tin của Người Dân Âu Châu. Buộc Hoàng Đế La Mã, Constantine phải nhìn nhận là Công Giáo cho toàn Đế Quốc.

Từ đó mọi sinh hoạt văn học, nghệ thuật, triết học của Âu châu đều phát triển trong tinh thần Thiên Chúa Giáo, kể cả thuận lẫn nghịch, tạo ảnh hưởng quyết liệt tới đời sống Xã Hội, Văn Hóa, Chính Trị và Kinh Tế đến toàn Âu Châu. Gần như Thiên Chúa Giáo nhiều khi ở vào thế toàn trị. Đây là nguyên nhân đưa tới cuộc cải cách Tôn Giáo của Lurther và Calvin vào thế kỷ 16. Lurther trả chính trị cho chính quyền với khẩu hiệu: “Ý Chúa Trời thể hiện nơi miệng của nhà Vua” Giống với phong kiến Đông Phương “Ý Vua là Ý Trời”. Nhà trí thức Calvin đi xa hơn cho là: “Ý chí Thượng đế đặt nơi Dân chúng”. Giống như Mạnh Tử, triết gia Đông Phương cổ đại: “Ý Dân là Ý Trời”.

Chính phong trào cách mạng Tôn Giáo Âu Châu, đã đưa vua chúa tách khỏi quyền lực của Giáo Hội La Mã. Khoa học, kỹ thuật hết còn bị tin tưởng giáo điều ràng buộc, được thời bùng phát, làm thay đổi lối nhìn, cách nghĩ, đẩy kinh tế lên hàng quyết định sinh hoạt Xã Hội. Cuối cùng dẫn tới tư tưởng “Dân làm Chủ”, tạo thành phong trào Cách Mạng Tư Sản Dân Quyền rộng khắp. Nhưng ngoài cuộc cách mạng Dân Chủ Tự Do của Hoakỳ 1776 thành công và liên tục tiếp hóa để đứng vững đến nay, Còn các cuộc Cách Mạng Dân Chủ ở Âu Châu đã bị những đầu óc phong kiến và quyền lợi giới giầu có làm đọa lạc đi. Dẫn tới tham vọng chiếm thị trường và thuộc địa ở hải ngoại. Các nước Thực Dân xuất hiện, hăm hở mộ binh lính đi xâm lăng các nước Phong Kiến lạc hậu khắp Thế giới.

Ngoài việc các Dân Tộc thuộc địa bị khai thác bóc lột, những người lao động ở chính quốc cũng không thoát khỏi cảnh ngược đãi. Vì sau các cuộc cách mạng, kỹ thuật càng ngày càng tiến bộ, Nông Dân bỏ ruộng đất chạy ra tỉnh làm ăn mỗi ngày mỗi nhiều. Họ trở thành Nhân Công trong nhà máy. Nhưng đầu óc phong kiến và chủ nô vẫn còn đầy đặc trong giới chủ nhân tư sản thành thị, nên họ đã tổ chức và quản trị nhà máy giống như một lãnh địa, có quân lính riêng để canh phòng, và nguy hiểm hơn nữa là có quyền sinh sát công nhân chẳng khác gì các vị lãnh chúa. Phần đông bọn họ xuất thân từ giới quý tộc phong kiến cũ. có thần thế, hoặc trực tiếp lãnh đạo chính quyền nữa.

Như vậy, xã hội ngoài đẳng cấp cai trị còn có giai cấp kinh tế là Chủ và Thợ nữa. Tình trạng bất công mỗi ngày một gay gắt. Thêm vào đó đời sống dân chủ đã dành cho Giới Trí Thức một số quyền tự do căn bản, nên sách báo có cơ hội ấn hành nhiều hơn, để trình bày về cuộc sống khốn khổ của người lao động. Đây là lý do thúc đẩy các nhà tranh đấu cho công bằng xã hội xuất hiện.

Từ những cuộc tranh đấu công bình xã hội, vì mục đích nhân đạo của giới trí thức, nhắm vào thành trì tư bản tham lam ngoan cố, đã khích động tới nhu cầu đấu tranh của đời sống công nhân. Rồi được hướng dẫn bằng tư tưởng vô sản cực đoan, đấu tranh giai cấp của người Cộng Sản. Đẩy Xã Hội vào một cuộc phân hóa khốc liệt. Giữa chủ và thợ, giữa giầu và nghèo. Tạo cơ hội cho chế độ Cộng Sản xuất hiện trên đấu trường Quốc Tế.

Từ mục đích đấu tranh giai cấp, khi có chính quyền của Quốc Gia trong tay, bọn lãnh đạo Cộng Sản biến chất thành các Hoàng Đế cực quyền, đẩy nước mình lên thành thứ Đế Quốc Mới hung tàn, với hệ thống lý thuyết cực đoan, quyết chí đặt được ách toàn trị khắp thế giới, tạo ra cảnh chiến tranh “Ý Thức Hệ”. Chia từng Gia Đình, từng Quốc Gia và Thế Giới ra thành hai chiến tuyến thù hận, hủy diệt nhau không thương xót.

Để chống lại với Phong Trào Cộng Sản hung hăng tiến công khắp mặt, giới Tư Bản ở các nước kỹ nghệ, đã khôn ngoan đề ra chủ trương nâng đỡ lao động, cho thành lập các nghiệp đoàn, công đoàn. Khuyến khích sự học vấn. Dần dần người có học được đưa vào vị thế điều khiển công ty, tư bản giữ phần quản trị vốn. Nhờ thế mà kiến thức, sáng kiến của nhân tài được tận dụng, kỹ nghệ, kỹ thuật, khoa học tiến rất mau. Đổi hẳn lối nghĩ, lối làm, và cuộc sống Xã Hội. Tính cách đấu tranh giai cấp mờ dần, nhường chỗ cho những nỗ lực học hành tiến thân, làm việc, tích lũy, chuyển vốn vào đầu tư để thành những nhà tư bản mới. Mở ra nền Kinh tế Thị Trường Tự Do. Nhờ vậy mà Cộng Sản đã bị gục ngã trước sức mạnh đi lên của Ý Thức Tự Do.

XÃ HỘI THỜI NHẬN THỨC NHÂN VĂN

Xã Hội Người mở rộng ra tầm vóc Thế Giới. Khởi đầu là những con tầu lớn vượt đại dương bao la của các nhà thám hiểm. Tiếp đến là các thương thuyền của nhà buôn. Kế đó là các đoàn quân viễn chinh chiếm thuộc địa. Để rồi các nước có kỹ thuật cao, lao vào chém giết loại trừ nhau để tranh đoạt thuộc địa. Sự tranh giành đó lại được nâng cao ý nghĩa lên thành cuộc chiếm đoạt toàn cầu bằng Ý Thức Hệ Cộng Sản đại đồng hoang tưởng, mà nhân loại đã bị trả giá đắt cho sự ngây thơ cả tin của mình, bằng sinh mạng của trăm triệu người chết oan,

Sau sự sụp đổ của Chủ Nghĩa Xã Hội toàn cầu hoang tưởng của Cộng Sản, làm cho tất cả các ý hệ một chiều, sản phẩm của ý chí, ý thức chủ quan khép kín đang bị mất thế đứng độc tôn, vì Con Người hết dám tin tưởng tuyệt đối như xưa nữa. Tất cả mọi tư tưởng, mọi giá trị của tư tưởng đều đang được Nhận Thức của Con Người làm cuộc tổng duyệt xét toàn diện.

Đồng thời do ý thức được sự tự do tư tưởng nơi mình là hết sức quan trọng, cho sự lựa chọn ngay trong thực tại cuốc sống, lẫn những giá trị tâm linh siêu việt, để mình tự chủ vươn tới, nên Con Người cần nâng cao phẩm giá của chính mình, bằng sự thật tâm tôn trọng tự do tư tưởng, cũng như lựa chọn của người khác, còn đúng hay sai thuộc về trách nhiệm tự thân mỗi người. Vì Con Người có Tự Do, được Tự Chủ là lập tức phải chịu Trách Nhiệm về sự lựa chọn và quyết định của mình. Đó chính là sự hình thành của lối Nhận Thức Toàn Diện của Con Người hiện nay.

Nhờ phương tiện di chuyển mau lẹ, thông tin thần tốc chính xác, địa cầu bị thu nhỏ lại, con người từ khắp nơi trên mặt đất này, nhìn thấy nhau, nghe được tiếng nói nhau trong cùng một lúc, những biến cố thiên nhiên, chính trị, hoạt động kinh tế được lên truyền thanh, truyền hình và mạng lưới điện toán thường trực suốt ngày đêm, đến độ nếu muốn biết giá cả một thứ hàng nào đó, hiện ở đâu, đắt rẻ ra sao? Đều được trả lời thật chính xác.

Như vậy, sinh hoạt của Con Người trong Xã Hội toàn diện hiện nay, đang tiến tới mức Thị Trường Toàn Cầu Hóa và Dân Chủ Hóa Toàn Cầu, tùy ở khả năng và kiến thức của mỗi người đạt được đến mức nào. Ngoài lãnh vực khoa học kỹ thuật đã bứt phá giới hạn của các rào cản tự nhiên. Lãnh vực kinh tế tài chánh cũng đang tiến tới cảnh toàn cầu hóa một cách nhịp nhàng quy mô, vượt ra khỏi biên giới của các Quốc Gia. Các nước trong một khu vực dù giầu hay nghèo, đều đang có nhu cầu và khuynh hướng kết thành các Khối Kinh Tế Chung, giầu thì để giầu thêm, nghèo thì để chung sức làm cho nhau cùng giầu, hòng theo kịp với đà phát triển của toàn cầu hóa.

Kỹ thuật đã chắp cánh cho kinh tế tiến lên tới chỗ tự động điều hợp mức phát triển toàn diện toàn cầu hóa. Thế nhưng để bảo vệ cho sự phát triển đó không bị loạn động, sụp đổ thì phải cần tới luật lệ. Hiện nay luật lệ chặt chẽ nhất đều dựa trên nền tảng của từng Quốc Gia. Bất cứ công ty nào, dù dưới danh nghĩa là đa quốc gia, thì những nhà tài phiệt vẫn là người bị luật pháp nước họ ràng buộc, vì nước họ có bổn phận phải bảo vệ cả về an ninh nhân thân và tài sản cho họ trong dịch vụ đầu tư ở nước ngoài.

Chính vì vậy mà vai trò quốc gia hết sức quan trọng trong sinh hoạt kinh tế, cho dù đó là Kinh Tế Toàn Cầu Hóa. Các cường quốc kinh tế hiện nay đang loại bỏ hẳn chủ trương bảo hộ mậu dịch ra khỏi chính sách quốc gia của họ. Tất cả đều thấy rằng: “Cô lập là tự sát”. Thế nên các tổ chức như Mậu Dịch Thế giới – WTO – Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế – IMF – Ngân Hàng Thế Giới – WB – càng ngày càng có vai trò lớn hơn trong sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Các nước đều tuân theo một ước lệ chung, là cùng nhau thỏa hiệp một luật lệ Mậu Dịch, Cấp Viện, Cho Vay. Rồi trao cho các tổ chức WTO, IMF, WB theo đó mà áp dụng. Các nước giầu thì góp nhiều trong các tổ chức tài chánh quốc tế, lẽ dĩ nhiên tiếng nói của họ sẽ mạnh cân xứng với đóng góp của họ. Đây cũng là một khích lệ của Kinh Tế Thị Trường Tự Do. Và khẳng định rằng: Dù kinh tế sinh hoạt trong Cấp Vùng, hay Toàn Cầu, thì tính cách quyết định lại vẫn tùy thuộc ở luật pháp, chính sách của từng Quốc Gia, tự đặt trong các Công Ước Quốc Tế, do chính các Quốc Gia Chủ Động ký kết.

Tổ chức Xã Hội trong thời đại Nhận Thức Nhân Chủ Nhân Văn này, đã do nhu cầu hòa bình phát triển mà định hình, định tính, đi từ Con Người là Nhân Chủ: Tự Do Tự Chủ Sáng Tạo, ra tới liên hệ tình cảm ruột thịt là Gia Đình: Mái Nhà Tư Hữu Hạnh Phúc, gắn bó với nhau trong lịch sử Quốc Gia: Dân Chủ Tự Do Công Lý, kết hợp phát triển trong Cấp Vùng: Kinh Tế Thị Trường Thịnh Vượng, để tiến tới một Thế Giới: Nhân Chủ Tự Do Điều Hợp Hòa Bình Phát Triển.

LÝ ĐẠI NGUYÊN
NHÂM THÌN 2012

Theo Người Việt Boston
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn