BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghĩ về pháp nạn Bát Nhã

08 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 1345)
Nghĩ về pháp nạn Bát Nhã
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Mãi ba ngày sau khi nhà cầm quyền cộng sản mở một cuộc tấn công bằng bạo lực chưa từng có để tống xuất gần 400 tăng thân Làng Mai tại tu viện Bát Nhã (27/9/09) và sau đó làm đủ mọi áp lực để họ phải rời nơi tị nạn là chùa Phước Huệ, tác giả Nguyễn Lang (tức thiền sư Nhất Hạnh) đã gửi cho chủ tịch Nguyễn Minh Triết một lá thư trong đó có đoạn:

« Bây giờ đây cảnh sát và công an của chủ tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa (tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc) và các vị ấy đã tìm tới tị nạn nơi một chùa khác (chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc). Hiện thời cảnh sát và công an của chủ tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của cách mạng. Tôi xin chủ tịch kịp thời ngăn chận hành động trái luân thường đạo lý này».

Thiền sư Nhất Hạnh chắc có chủ ý khi sử dụng bút hiệu Nguyễn Lang, nhà viết sử bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận.Có thể ông muốn ông Triết đừng để lịch sử xét mình như một nhà độc tài và Bát Nhã biến thành một pháp nạn. Tuy nhiên với tư cách là người lãnh đạo tinh thần của gần 400 tăng thân tu tập theo pháp môn của mình đang ở trong tình trạng cực kỳ khốn quẫn, thiền sư có thể lên tiếng theo đúng cương vị của mình. Nhiều người đã ngần ngại lên tiếng chỉ vì lý do đó, thí dụ như trường hợp của Giáo hội Phật giáo VNTN qua lời trình bày của TT Thích Viên Định.



Trong mọi trường hợp, những gì đã và đang xảy ra tại Bát Nhã có thể coi là một pháp nạn đúng như ý nghĩ của TT Thích Thái Thuận, Phó ban Trị sự PGVN tại Lâm Đồng, nhà sư trụ trì chùa Phước Huệ đã can đảm đứng ra bảo lãnh cho các tu sinh chân chính không nơi nương tựa và đang bị áp lực để đuổi họ ra. TT đã ca ngợi sự một lòng có nhau của các tu sinh.

Có thể nói đến pháp nạn kể từ cuối tháng 6/09, khi hàng trăm thành phần côn đồ, công an và một vài đệ tử của TT Đức Nghi ra tay đốt phá các cốc tranh trong tu viện, đánh đuổi, vứt đồ, ném đá vào cư xá, chưa kể trên video (You Tube, Pháp nạn Bát Nhã) có cảnh thầy Đồng Hạnh (một đệ tử ruột của TT Đức Nghi) cầm rựa rượt chém thầy Pháp Tụ của Làng Mai Bát Nhã. Điện nước bị cúp. Đến 27/9, theo chính TT Đức Nghi, tướng công an Trần Tư đã chỉ huy việc trục xuất bằng võ lực với khoảng 200 thanh niên côn đồ, công an và vài đệ tử của TT Đức Nghi, hành hung xé y, đập phá toàn bộ, vứt cả kinh sách, bắt đem đi hai thầy, đuổi đi trong mưa gió tất cả tu sinh. Có thể nói đên pháp nạn khi công an và nhà cầm quyền đang bao vây chùa Phước Huệ, dùng mọi biện pháp thô bạo (kể cả với gia đình) để ép buộc các tu sinh Làng Mai phải dời nơi tạm trú về địa phương, kể cả dùng loa phóng thanh tuyên truyền bịa đặt Làng Mai chống phá Nhà nước. Đã có lá huyết thư của một số tăng ni Lâm Đồng muốn sống chết với các đồng đạo Làng Mai Bát Nhã.

Trong khi các nơi trên thế giới đều đăng tải thì phương tiện truyền thông trong nước đều im bặt. Ông Dũng gọi đó là tôn trọng tự do báo chí!

Nhưng pháp nạn Làng Mai Bát Nhã đã nhen nhúm từ 14 tháng trước đây như trong lá thư của nhà viết sử Nguyễn Lang, tức Thiền sư Nhất Hạnh gửi các trí thức trong và ngoài nước ngày 2/10/09. Nguyên nhân của pháp nạn này có sự đan chéo giữa những yếu tố nội bộ (sự trở mặt của TT Đức Nghi với những hệ quả) và sự trở mặt của nhà cầm quyền muốn loại trừ pháp môn Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh (mặc dù đã được Ban Tôn giáo CP cho phép từ 7/7/06).

Sự trở mặt của một đệ tử

TT Đức Nghi là người đã có một quá trình tin theo và được Thiền sư Nhất Hạnh «truyền đăng đắc pháp» tại Làng Mai, Pháp quốc từ tháng 1/2006. TT đã có cơ sở Bát Nhã và đã cúng dường cho Thiền sư Nhất Hạnh từ tháng 2/2005 và được khẳng định trong lễ truyền đăng tháng 1/2006. Thiền sư đã chỉ ghi nhận sự cúng dường và xác định là chỉ để Làng Mai phụ trách tu tập theo mô thức đã có. Cũng từ đó, tiền bạc cún gdường đổ về giúp khuếch trương cơ ngơi chùa Bát Nhã được như ngày nay.

Vậy thì tại sao đến tháng 6/08, TT đã không bảo lãnh cho các giáo thụ từ Pháp gia hạn visa và các tăng thân tại Bát Nhã ? Và đây chính là khởi đầu đoạn trường của tăng thân Làng Mai Bát Nhã.

Theo Bản kiến nghị của TT Đức Nghi thôi bảo lãnh tăng thân Làng Mai ngày 12/8/08 (1) gửi Ban Trị sự TƯ/GHPGVN và Ban Trị sự Lâm Đồng, Bảo Lộc, nguyên nhân sự thất hứa như sau:

-Sư ông Nhất Hạnh trong Lời dặn dò (18/6/08) muốn Làng Mai Bát Nhã tự bổ nhiệm Viện chủ, Phó Viện chủ tu viện Bát Nhã không thông qua Giáo hội, Nhà nước (để trở thành Giáo hội Làng Mai).

-TT Đức Nghi muốn phát triển tu viện lên 1000 tu sinh trong khi ban đại diện nói chỉ có khả năng lo 400 tu sinh.

Theo Bản Tường trình tóm tắt của đại diện tăng thân gửi Ban Trị sự Tỉnh hội PG Lâm Đồng ngày 12/8/09 (2), TT Đức Nghi từ hơn một năm trước đã tỏ ý lấy lại tu viện và muốn Làng Mai tìm chỗ khác, khi thấy đề nghị phát triển Bát Nhã không được đáp ứng. TT cũng nói tới áp lực của nhà cầm quyền muốn TT không cấp visa gia hạn cho giáo thụ và thôi bảo lãnh cư trú cho tăng thân Làng Mai nếu muốn phát triển tu viện. Ta thấy ý định lấy lại tu viện có trước những yếu tố khác như áp lực nhà cầm quyền. Dường như ở đây, TT cũng chịu áp lực của một số đệ tử (như thầy Đồng Hạnh, phụ trách trông coi sinh hoạt và hành chánh của tu viện) vốn có ác cảm với tăng thân Làng Mai và từ đó đã đưa đến nhiều hành động không xứng đáng với một kẻ tu hành . Tuy nhiên, TT Đức Nghi cũng tìm ra được cớ để biện hộ cho quyết định của mình (vấn đề tự bổ nhiệm, mặc dù thực ra Thiền sư chưa hề bổ nhiệm ai mà chỉ đề nghị một vị làm phó Viện chủ).

Qua những sự kiện trên, Ban đại diện đã đề nghị TT Đức Nghi giữ lời hứa cúng dường hoặc nếu không thì cùng nhau sắp xếp và phụ giúp chi phí xây dựng cơ sở mới. Vấn đề sang tên cũng được nêu lên vì chi phí khoảng 1 triệu MK đã được các tín đồ nước ngoài ủng hộ xây dựng cơ sở và giao cho TT (có chứng từ ) phải được giải quyết thoả đáng.

Trong lá thư gửi TT Đức Nghi ngày 9/9/08 (3) sau khi đọc kiến nghị ngày 1/9/08 của TT Đức Nghi, thiền sư Nhất Hạnh tỏ ra thông cảm với TT Đức Nghi về những «áp lực của những thế lực bảo thủ và tham nhũng lâu ngày». Trong lá thư gửi tăng thân Làng Mai Bát Nhã ngày 12/7/08, Thiền sư ghi nhận: «Thầy nghe nói rằng không đêm nào mà thầy Đức Nghi không khóc. Tội nghiệp lắm. Sư phụ Đức Nghi đã nhiều lần nói với các sư anh của các con là sư phụ bị áp lực rất nặng từ bên ngoài». Thiền sư đã đề ra hai kế sách: thượng sách là TT Đức Nghi trở về trực tiếp lo tu viện và hạ sách là để ra 2-3 năm cho việc sắp xếp thực hiện cơ sở mới. Có điều thiền sư đã quá lạc quan khi cho rằng Nhà nước sẽ không để TT đuổi 400 tăng thân Làng Mai. Thực tế đã rõ ràng trái hẳn nhất là từ khi Ban Tôn giáo CP ra văn thư số 1329 ngày 29/10/08.

TT Đức Nghi đã cho thấy qua kiến nghị không bảo lãnh tăng thân Làng Mai Bát Nhã một cảm giác buông trôi tất cả (xin từ nhiệm các chức vụ trong giáo hội).

Nhưng ông cũng không thực hiện những yêu cầu dù là tối thiểu của thiền sư Nhất Hạnh. Ông để cho thầy Đồng Hạnh giải quyết mọi việc về Làng Mai Bát Nhã. Và thầy Đồng Hạnh đã quyết lấy lại Bát Nhã cho tổ đình An Lạc bằng mọi giá: yêu cầu công an xã Dambri trục xuất tăng thân Làng Mai (7/8/08), khích động phật tử của mình đòi tăng thân Làng Mai rời Bát Nhã mặc dù qua ba năm hoạt động họ đã đóng góp nhiều về giáo dục, xã hội tại địa phương...

Trước những khó khăn nội bộ xảy ra, Ban Trị sự PG Lâm Đồng đã tỏ ra có tinh thần trách nhiệm khi đứng ra bảo lãnh cho tăng thân Làng Mai trong khi chờ đợi một giải pháp thích đáng. Tuy nhiên, sở nội vụ của Lâm Đồng đã bác bỏ và sau đó, ông Nguyễn Thế Doanh đã cho ban hành văn thư 1329 ngày 29/10/08 biến vấn đề nội bộ thành vấn đề chính trị.

Khi nhà cầm quyền trở mặt

Thực ra giới lãnh đạo đảng cộng sản đã có vấn đề với thiền sư Nhất Hạnh từ sau lễ hội Vesak 2008 với lời tuyên bố của ông về việc mời Đạt Lai Lạt Ma tham dự. Họ muốn chính trị hoá vấn đề nội bộ để xoá bỏ pháp môn Làng Mai mặc dù chính họ đã cho phép. Trong lá thư ngỏ «Ngồi yên như núi» ngày 12/7/08 (4) gửi tăng thân Làng Mai Bát Nhã, thiền sư đã cho rằng : «Hơn ai hết, trong chúng ta ai cũng biết ngay là tự lúc đầu đây không phải là một vụ tranh chấp chùa viện nội bộ, mà là hậu quả của một giả tưởng: họ nói sự có mặt của Bát Nhã có thể là một đe dọa cho an ninh quốc gia, vì những người tu ở Bát Nhã, tức là các con, là những người có ý hướng làm chính trị. Đài truyền hình Lâm Đồng đã chẳng hai lần gợi ý ấy hay sao? Có một nhân sĩ điện thoại tới hỏi thăm, tìm cách giúp đỡ Bát Nhã, đã được trả lời: Đây là vấn đề an ninh quốc gia, ông không nên động tới. Nhưng những diễn tiến của sự việc Bát Nhã đã chứng minh rằng những vẽ vời ấy hoàn toàn sai với sự thật».

Công văn của Ban tôn giáo CP ngày 29/10/08 chỉ đưa ra những chứng cớ rẻ tiền (mở khoá tu không phép trong khi văn thư CP đã cho phép, bổ nhiệm chức vụ trong tu viện trong khi chưa thực hiện, đề cập sai lệch những vấn đề của đất nước mà không nêu rõ…) để xoá sổ pháp môn Làng Mai. Công văn đó đã xoá sổ quyền tự do tín ngưỡng và hành đạo trước dư luận trong và ngoài nước.

Cuộc tấn công vào tu viện ngày 27/9/09 và những hành vi kế tiếp là tội ác của một nhà cầm quyền chỉ biết lấy dối trá và bạo lực để giải quyết những vấn đề của đất nước và giữ quyền lãnh đạo của mình cho dù nó càng ngày càng thối rữa. Sự kiện này góp phần vào khả năng tự diễn biến và cách mạng màu.

Trong lá thư ngày 3/11/08 (5) gửi các tu sinh Bát Nhã đang gặp gian khổ, thiền sư Nhất Hạnh đã có những tâm tư: «Giả dụ ngày mai các con không còn chỗ ở, giả dụ ngày mai thầy trò mình có bị tản mát mỗi người một ngả, thì Bát Nhã cũng đã là một thành công của chúng ta, và lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ chắc chắn ghi lại trang sử đẹp đẽ này. Thầy là nhà viết sử, thầy biết chuyện đó. Cũng như trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Trường TNPSXH đã trở nên một huyền thoại, dù chỉ tồn tại trong mười một năm. Sự tu học và thực tập của mình chứng tỏ tình huynh đệ là một cái gì có thật, chứ không phải chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi».

Phải chăng đây cũng là kết cục của pháp nạn Bát Nhã?

Rennes 08/10/2009
Tiến Hồng

© Thông Luận 2009

(1) Phuongboi.org/index.php/cac-s-kin-ti-bat-nha/160-04-th-thin-s-nht-hnh-vit-cho-tt-thich-c-nghi-?start=1 target= “_blank”>«Thư (kiến nghị) của TT Thích Đức Nghi ngày 1/9/2008». Các sự kiện Bát Nhã, Phuongboi.org.
(2) Phuongboi.org/index.php/cac-s-kin-ti-bat-nha/128-bn-tng-trinh-len-ban-tr-s-tnh-hi-lam-ng target= “_blank”>«Bản tường trình tóm tắt các sự kiện lên BTS Tỉnh hộ PG Lâm Đồng 12/8/2008». (Các sự kiện Bát Nhã. Phuongboi.org).
(3) Phuongboi.org/index.php/cac-s-kin-ti-bat-nha/160-04-th-thin-s-nht-hnh-vit-cho-tt-thich-c-nghi- target= “_blank”>«Thư Thiền sư Nhất Hạnh viết cho TT Thích Đức Nghi ngày 9/9/2008”. (Các sự kiện Bát Nhã. Phuongboi.org).
(4) Phuongboi.org/index.php/cac-s-kin-ti-bat-nha/177-08-qngi-yen-nh-nuiq-th-thin-s-nht-hnh-gi-cho-t-20072009 target= “_blank”>«Ngồi yên như núi».Thư Thiền sư Nhất Hạnh gửi cho các đệ tử 20/7/2009. (Các sự kiện Bát Nhã. Phuongboi.org).
«Tình huynh đệ là một cái gì có thật». Thư Thiền sư Nhất Hạnh viết cho đệ tử 3/11/2008. (Các sự kiện Bát Nhã. Phuongboi.org).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn