Sau khoảng 8 năm tái xuất cùng người tiêu dùng, đến nay, tuy chưa nói lời cáo chung, nhưng tiền kim loại đã chính thức ngưng phát hành tại Việt Nam, gây lãng phí lớn và biến các quyết định của nhà nước thành trò hề.
Như chúng ta đã biết, ngày 17/12/2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức phát hành tiền kim loại có mệnh giá 5.000 đồng, 1.000 đồng và 200 đồng. Gần 4 tháng sau, ngày 1/4/2004, NHNN phát hành tiếp loại 2.000 đồng và 500 đồng.
Trước đó ít lâu, ngày 25/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép NHNN đặt đúc 1 tỷ đơn vị tiền tệ kim loại, bình quân mỗi người Việt Nam có 12 đồng. “Mức tối thiểu ở các nước là 25 đồng tiền, còn ở những nước dùng nhiều, có thể lên tới 700 đồng/1 người”, Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy (lúc bấy giờ) nói.
Thế nhưng, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu bày tỏ: “Đề án sản xuất tiền kim loại, tôi cũng cho rằng không đạt hiệu quả, việc phát hành tiền kim loại là theo phương án mà vị thống đốc tiền nhiệm trình và được Chính phủ phê duyệt trước đó”.
Ông Giàu cho biết thêm, ngay khi về điều hành NHNN, ông đã nghiên cứu kỹ và yêu cầu ngừng phát hành mới tiền kim loại, thu hồi những đồng tiền không đảm bảo lưu hành.
Hài hước từ tên gọi...
Không hiểu từ nguyên do cụ thể nào mà phần lớn người dân phía Bắc, ngay cả báo giới, thậm chí giới ngân hàng, tiền tệ… gọi đồng tiền kim loại này là tiền xu.
Xu là đơn vị tiền tệ rất nhỏ, thậm chí nhỏ nhất của nhiều quốc gia, nên khi gọi tiền kim loại là tiền xu, đã ám chỉ “sự nhỏ” của đồng tiền. Từ đó, cũng có ý khinh miệt và rẻ rúng.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ABBank, từng phân tích: “Tiền xu không được đón nhận còn vì giá trị quá nhỏ trong bối cảnh lạm phát cao mấy năm gần đây. Nếu như tiếp tục phát hành trong khi dân chúng không hề đón nhận thì NHNN sẽ phải chịu phí”.
Dân chúng ở đây là ai? Ban đầu cũng chỉ dân phía Bắc, chứ miền Trung và miền Nam thì vẫn khá thoải mái. Ngay tên gọi, miền Trung thường gọi là tiền kênh/kễnh, vì thời trước, ở đây dùng nhôm/kẽm đúc tiền – gọi theo thói quen; miền Nam gọi là tiền đồng – gọi theo màu đồng bên ngoài.
Như cùng một loại bí, miền Bắc gọi là bí ngô (bí của nhà Ngô, dù không phải – có ý thù hằn, nhắc nhở kẻ thủ đầu tiên); miền Trung gọi là bí rợ (bí của man di, mọi rợ - có ý kì thị cái khác mình); miền nam gọi là bí đỏ (gọi theo màu sắc trong ruột – trung dung).
Dân gian miền Bắc nhiều nơi gọi tiền kim loại này là tiền phò. Phò trong tiếng Việt là phụ, là đĩ điếm, là không đáng trọng. Uống chén nước chè 1.000 đồng, trả tờ giấy bạc 2.000 đồng, nếu không cần thối lại thì sẽ được “quý hóa quá” đôi ba lần, đưa đồng kim loại 5.000 đồng, dù không cần thối lại, thì cũng bị miệt thị là tiền phò, không xài. Đây là câu chuyện được một nhóm sinh viên kinh tế khảo sát từ năm 2005 tại Hà Nội và vài tỉnh lân cận.
“Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi từ chối nhận, từ chối lưu hành đồng tiền do NHNN phát hành trên lãnh thổ Việt Nam”, theo khoản 4 Điều 3 Quyết định số 130 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/6/2003. Điều khoản này dường như chẳng có tác dụng gì với người dân khu vực phía Bắc – những “gia đình thân cộng sản” hơn. Hay nói khác đi, người dân coi các quyết định này như một trò huề.
… đến cách hành xử của nhà nước
Tháng 12/2005, theo ông Nguyễn Văn Toản, Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ của NHNN, thì Cơ quan bưu chính của Liên Hợp quốc đã yêu cầu Việt Nam chọn 2 biểu trưng cho quốc gia của mình để in lên tem. Kết quả Việt Nam đã chọn Quốc kỳ và đồng tiền kim loại có mệnh giá 5.000 đồng.
“Mặt trước đồng tiền kim loại 5.000 đồng có biểu tượng quốc huy, gợi lên niềm tự hào thiêng liêng của một đất nước có chủ quyền và độc lập. Đồng thời, mặt sau có hình ảnh chùa Một Cột vốn gắn bó rất sâu đậm trong tâm thức văn hóa của người Việt và thân thuộc với bạn bè khắp nơi trên thế giới”, ông Toản nói.
Nay thì đồng tiền kim loại bị ngưng phát hành và hết sức sống ngoài xã hội, thành ra 1 trong 2 biểu trưng trên tem của Liên Hợp quốc đã bị chơi khăm, vì nó chẳng còn tích sự gì – giống như một xác chết. 5.000 đồng kim loại bây giờ chỉ còn giá trị sưu tập như một món đồ sắp biến mất, hoặc chỉ để cho con nít chơi mấy trò hơn thua.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thanh Hóa) đã chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu về hiệu quả của đồng tiền kim loại. Vị Thống đốc này thừa nhận: “Đề án sản xuất tiền kim loại, tôi cũng cho rằng không đạt hiệu quả”. Điều này cũng cho thấy những việc hệ trọng như việc in/đúc tiền cũng đã không được Quốc hội và các nhà chuyên môn bàn thảo kĩ lưỡng.
Hơn nữa, dưới mắt của những tổ chức như Liên Hợp quốc, các quyết sách kiểu motif “cây tre trăm đốt”- lúc hợp lúc tan – của nhà cầm quyền Việt Nam đã biến quốc gia này trở thành tâm điểm của những trò huề. Bởi việc chọn một biểu trưng cho quốc gia cũng quá dễ dàng và nhảm nhí, vì ít nước văn minh nào lại chọn quốc kỳ và một đơn vị tiền tệ. Bởi quốc kỳ là chuyện “đương nhiên rồi”, không cần phải nhắc lại, còn đơn vị tiền tệ thì nó quá dễ thay đổi do biến động kinh tế và chính trị.
Cũng như gần đây, khi chọn quốc hoa, Việt Nam xúm vào chọn hoa sen, trong khi sen dễ trở thành kí ức, bởi diện tích trồng sen đang bị thu hẹp hàng ngày, do các dự án chiếm đất của nhà nước. Đó là chưa nói, sen đã là quốc hoa của nhiều nước như Ấn Độ, Ai Cập, Sri Lanka…
Bất tiện và lãng phí?
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Luật, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Hà Nội (Vietcombank Hà Nội) thì: “Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phát hành tiền xu, từ nước chậm phát triển đến các nước phát triển. Việc phát hành tiền lẻ trong đó có tiền xu để thỏa mãn nhu cầu mua bán hằng ngày của người dân, doanh nghiệp trong nước là chính đáng. Mặt khác, phát hành tiền xu là đòi hỏi tự thân của nền kinh tế. Trước đó, bộ tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành ở miền Bắc (từ năm 1959-1975) trong thời kỳ đất nước bị chia cắt và tiền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát hành năm 1976 cũng có tiền xu. Đó là các đồng 1 xu, 2 xu và 5 xu được đúc bằng nhôm, có lỗ tròn ở chính tâm. Dù chia nhỏ mệnh giá đồng tiền đáp ứng cho nhu cầu mua bán hằng ngày nhưng thời kỳ này nạn thiếu tiền lẻ khá trầm trọng, vì thế mới có câu: ‘Tiền lẻ hơn thẻ thương binh’ (ai có thẻ thương binh không phải xếp hàng, ai có tiền lẻ thì cũng được nhân viên các quầy thực phẩm, bách hóa ưu tiên cho mua trước). Tuy nhiên do nhiều yếu tố, trong đó tỷ lệ lạm phát tăng hằng năm dẫn đến tiền xu vì có mệnh giá thấp đã bị loại bỏ một cách tự nhiên ra khỏi đời sống, không phải vì không thuận tiện”.
Bà Hà Thị Lan, Trưởng phòng Ngân quỹ của Vietcombank Hà Nội cho biết: “Tiền xu bất tiện hơn tiền giấy vì nếu người ta ra ngân hàng nộp 5 triệu đồng tiền xu mệnh giá 5.000 đồng, họ phải mang 7,70kg (1 đồng nặng 7,70gam) trong khi đó nếu 5 triệu tiền giấy thì nhẹ tênh”.
Theo số liệu của Vietcombank Hà Nội, số tiền kim loại vào ngân hàng này giảm dần. Quý I/2010 thu 695.570 đồng, chi 684.923; quý III thu 346.167 đồng, chi 172.791 đồng. Với tiền kim loại 200 đồng, thu vào chỉ có 254.000 đồng và chi ra 77.000 đồng.
Cách đây vài năm, trong một bài viết về tiền polymer và tiền kim loại, bà Lê Thị Thanh Hằng, NHNN tại TP.HCM thống kê việc tiêu thụ tiền kim loại tại địa bàn này như sau: từ khi phát hành đến cuối năm 2005, TP.HCM đã chi vào lưu thông 311 tỷ đồng tiền kim loại. Nếu tính từ khi phát hành đến thời điểm đăng bài viết (3/2008), khối lượng tiền kim loại được chi vào lưu thông của TP.HCM là 440 tỷ đồng với tổng số lượng là 251 triệu miếng.
Hiện nay, về chủ trương là sẽ dừng phát hành tiền kim loại. Trước mắt, NHNN sẽ thu về và giữ lại trong kho. Tiền mà không lưu thông thì đương nhiên lãng phí và chống lại quy luật chung.
Thế nhưng, ông Cao Sĩ Kiêm,nguyên Thống đốc NHNN thì cho rằng: “Việc dừng phát hành tiền xu và thu về lượng tiền xu đã phát hành có gây tổn thất về vật chất cho nền kinh tế nhưng không lớn. Tôi nhớ khi phát hành chúng ta bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng chi phí. Vấn đề là những tác động tâm lý không hay khi một loại tiền phát hành ra không được xã hội chấp nhận”.
Chính việc thiếu đồng bộ và thiếu thông tin chung về quy luật tiền tệ nên Việt Nam đã dẫn đồng tiền của mình đến chỗ bấp bênh, không đáng tin. Chính vì lẽ đó, mà không có gì ngạc nhiên, khi ngay khu vực Đông Nam Á, đồng tiền Việt Nam vừa nhỏ nhất, vừa không được chi tiêu và tôn trọng.
Viết Từ Sài Gòn
23-09-2011
Theo Blog VietTuSaiGon
Gửi ý kiến của bạn