BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ủy ban Đoàn kết Công giáo: Tập đoàn của âm mưu và tội ác – Phần 3

31 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 1571)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo: Tập đoàn của âm mưu và tội ác – Phần 3
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Ủy ban Đoàn kết chống Tòa thánh trong vụ Giám quản Tông tòa

Ngày 27/7/1993, Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình bị tai biến và được đưa vào chữa trị khẩn cấp tại Bệnh viện Thống Nhất. Nhận thấy bệnh tình trầm trọng và e rằng khó qua khỏi và nếu có qua khỏi cũng khó có thể làm việc được như trước đây, ngài đã cho mời Đức cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhờ ngài thông báo cho Tòa thánh và xin Tòa thánh định liệu, trong lúc Đức Tổng Giám mục phó Nguyễn Văn Thuận còn ở nước ngoài và Nhà nước không cho trở về Việt Nam.



Ngày 11/8/1993, trong buổi phát thanh thường lệ, Đài Phát thanh Vatican loan tin Tòa thánh cử Đức cha Huỳnh Văn Nghi, Giám mục giáo phận Phan Thiết, làm Giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn, tạm giúp Đức cha Bình. Ngay sau khi nhận được Văn thư bổ nhiệm, Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi đã từ Phan Thiết vào Sài Gòn để thi hành sứ vụ.

Thế nhưng, ngày 5/9/1993, Báo Công giáo và Dân tộc, tiếng nói của Ủy ban Đoàn kết, đã đăng bài: “Thành phố HCM, thêm một Giám quản Tông tòa” của Hương Khê, bút danh của linh mục Tổng Biên tập Báo Công giáo và Dân tộc Trương Bá Cần. Bài báo đã đưa ra một lập luận ỡm ờ khiến người đọc hiểu là việc chỉ định Giám quản Tông tòa tại Giáo phận Sài Gòn là có chủ đích chính trị của Tòa thánh Vatican. Bài báo đã đóng vai trò “tiền hô” cho những biện pháp sau này của nhà cầm quyền, một lối dọn đường cho đảng cộng sản ngăn cản Đức cha Huỳnh Văn Nghi thực thi sứ vụ Giám quản mà Giáo hội đã trao phó.

Trong các ngày từ 6 – 10/9/1993, kỳ tĩnh tâm thường niên đợt một của các linh mục thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn, Đức cha Huỳnh Văn Nghi đã tới tham dự và có mặt đều đặn. Ngài nói chuyện với các linh mục về việc ngài đã được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa với quyền điều hành người và việc trong Tổng Giáo phận Sài Gòn và ngỏ ý sẵn sàng trực tiếp gặp các linh mục trong giáo phận để giải quyết những vấn đề cần thiết.

Ngày 15/9/1993, trước sự ngỡ ngàng của giáo dân và đồng bào thành phố, Đài truyền hình thành phố Sài Gòn cho đọc toàn văn thông báo của UBND thành phố “Về việc Tòa thánh đơn phương bổ nhiệm Giám quản Tông tòa tại Giáo phận thành phố HCM”. Ngay sáng hôm sau, ngày 16/9/1993, bản thông báo được đăng tải trên tờ Sài Gòn Giải Phóng, số 5814, cùng với bài xã luận dưới tựa đề: “Tự do tín ngưỡng không thể trái pháp luật”. Quả là những lời tuyên bố lạc lõng giữa những hô hào cởi mở và đổi mới, giữa những cố gắng của Nhà nước và Giáo hội để xích lại gần nhau trên căn bản tự do và dân chủ.

Trong đoạn đầu của Thông báo, Ủy ban Nhân dân thành phố HCM đã trắng trợn và bỉ ổi vu khống trắng trợn Đức cha Nguyễn Văn Thuận “đã tham gia vào việc chia rẽ, đàn áp tôn giáo, có nợ máu với nhân dân”. Đây là một sự xúc phạm nặng nề tới nhân phẩm của Đức cha Nguyễn Văn Thuận, đến uy tín của một vị chức sắc cao cấp của Giáo hội, danh dự của Tòa thánh Vatican.



Từ ngày Đức Tổng Giám mục phó Nguyễn Văn Thuận bị bắt và bị đi tù, chưa hề có một vụ án và bản án nào dù ngụy tạo kết tội ngài. Vậy mà Thông báo của Ủy ban Nhân dân thành phố HCM lại nêu rõ tội: “đã từng tham gia vào việc chia rẽ, đàn áp tôn giáo, có nợ máu với nhân dân”. Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền cũng như chính Hiến pháp Việt Nam đều coi như vô tội người chưa bị một tòa án nào xét xử. Ủy ban Nhân dân thành phố HCM đã trắng trợn vi phạm nhân quyền.

Bản Thông báo còn khẳng định: “Ủy ban Nhân dân vẫn coi Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình là người đứng đầu tiến hành mọi hoạt động của đạo Thiên Chúa trong Giáo phận thành phố HCM.” Quả là Ủy ban Nhân dân đã dồn Đức cha Bình vào cái thế của một giám mục ly khai với Giáo hội vì cưỡng lại quyết định của Tòa thánh. Đức Tổng Bình đã trở thành cái phao, mà giữa lúc ngài ốm đau mệt mỏi đến nỗi ông Tổng bí thư Đỗ Mười phải xốc nách một bên, bên kia là ông Chủ tịch UBND thành phố, khi hai ông vào thăm ngài trong bệnh viện Thống Nhất. Hình ảnh não ruột được chiếu trên truyền hình thành phố, giữa lúc mà cả nước đều thấy rõ tình trạng sức khỏe suy sụp của một cụ già 83 tuổi, được hai vị lãnh đạo cộng sản xốc nách hai bên, thì bản Thông báo lại khẳng định rằng, ngài “nay đã khỏe và trở về làm việc bình thường”.

Hiểu sao đây hai chữ bình thường? Bình thường là chỉ nằm đó, ngồi đó cho mấy ông thuộc Ủy ban Đoàn kết múa gậy vườn hoang? Bình thường như cái dáng dấp được gọi là bình thường của các lãnh tụ cộng sản già nua, thều thào và đờ đẫn, được cấp dưới xốc nách tới tham dự các Hội nghị, các Đại hội đảng hay Quốc hội mà truyền thông, truyền hình vẫn thường cho thấy để cho thấy cái bình thường của cộng sản là thế.

Trở lại với vụ Giám quản Tông tòa, ngày 5/9/1993, ngày mà vị “đại diện có thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố nhắc nhở” Đức cha Huỳnh Văn Nghi, thì cũng ngày này, tờ Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 923, đăng tải bài: “Thành phố HCM thêm một Giám quản Tông tòa” của Hương Khê tức linh mục Tổng biên tập Trương Bá Cần, như tôi đã nói ở trên. Trong sự kiện này, có sự tính toán nào chăng giữa Ủy ban Nhân dân thành phố và Ủy ban Đoàn kết? Trước đó, linh mục Trương Bá Cần và Ủy ban Đoàn kết cũng đã từng làm “tiền hô” như vậy trong vụ phong thánh năm 1988 và mới đây trong vụ việc đất đai của Tổng Giáo phận Hà Nội tại 41 Nhà Chung.

Thật mỉa mai, khi chính quyền thành phố HCM kêu gọi nhân dân: “chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhà nước”, trong khi họ lại trắng trợn vi phạm tự do tín ngưỡng, vi phạm tới tính cách độc lập của Giáo hội trong vấn đề tôn giáo như việc phong chức linh mục và đề cử Giám mục.

Bản thông báo của Ủy ban Nhân dân nhắc nhở nhân dân: “luôn luôn giữ gìn nguyên tắc sống và làm việc theo pháp luật”, trong khi chính Nhà nước sài luật rừng.

Bài xã luận: “Tự do tôn giáo không thể trái pháp luật” của Báo Sài Gòn Giải Phóng có đoạn viết: “Chỉ có thể bảo đảm tự do tín ngưỡng, khi tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, gắn liền với lợi ích dân tộc, với lợi ích đất nước, nhân dân”. Trong thực tế, họ thay thế mấy chữ dân tộc, đất nước, nhân dân bằng chữ “đảng cộng sản”. Họ dùng các tay sai của đảng trong các tôn giáo để phá đạo, phục vụ đảng, bất chấp lợi ích của nhân dân, của dân tộc của đất nước.

Ủy ban Đoàn kết làm “ăng ten” cho đảng cộng sản

Một công tác khác mà đảng cộng sản giao cho Ủy ban Đoàn kết là làm ăng ten cho cộng sản. Ủy ban Đoàn kết luôn báo cáo tình hình các họ đạo, các linh mục, dòng tu cho Mặt trận tổ quốc để đảng theo dõi các hoạt động của Giáo hội.

Chúng ta biết, dưới áp lực của đảng cộng sản, Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình buộc phải đặt 4 vị chóp bu của Ủy ban Đoàn kết vào trong ban cố vấn chỉ có 6 vị (như tôi đã trình bày trong bài trước), với mục đích theo dõi, kiểm tra, báo cáo cho đảng những gì bàn cãi trong ban cố vấn với các giám mục là những người đứng đầu trong Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Điều tôi nói không phải là óc tưởng tượng. Tôi xin đưa ra một trường hợp điển hình sau đây:



Sau khi một nhóm linh mục và trí thức Công giáo (17 người) gửi một tâm thư cho Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cập tới các vấn đề thuộc nội bộ của Giáo hội, những vấn đề liên quan tới xã hội, thì đã có hai buổi họp của Ban cố vấn, tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, liên quan tới bức tâm thư nói trên.

Buổi họp thứ nhất vào ngày 29/9/1989. Trong buổi họp này, một vị trong số 4 cố vấn – người của Ủy ban Đoàn kết (xin miễn nói tên) cho rằng lá thư này là do các “thế lực thù địch” từ bên ngoài xúi giục. Vị ấy báo cáo buổi gặp gỡ với Cha Phạm Hân Quynh – một linh mục đấu tranh và bị lưu đày ngoài Bắc, vừa từ Châu âu về, tại nhà cha Mai Xuân Hậu (một trong hai cố vấn không phải Ủy ban Đoàn kết) ở Xóm Mới. Theo vị ấy, đó là khởi đầu và đầu mối của bức tâm thư. Trong buổi gặp gỡ với cha Quynh, cha Quynh có nói tới những ngày ở Châu âu, gặp Hồng y Lustiger, Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Hồng y Tomko, Giáo hoàng và nhiều nhân vật khác. Cha Quynh có đề cấp tới ý của Tòa thánh muốn coi vấn đề Đức cha Thuận làm trắc nghiệm để biết mức cởi mở của chế độ cộng sản Việt Nam. Cha Quynh cho biết ý kiến của Hồng y Tomko về Đức cha Bình, về Ủy ban Đoàn kết. Vị cố vấn ấy cho rằng, bức tâm thư là do thúc đẩy từ bên ngoài. Để bác bỏ ý kiến đó, cha Mai Xuân Hậu xác nhận bản thân có mặt khi nhóm các linh mục và trí thức Công giáo trao đổi về lá thư gửi cho Tổng Giám mục Sài Gòn. Lá thư này được viết trước khi cha Quynh từ Pháp về. Ngày cha Quynh từ Bắc vào Nam, anh em gặp nhau vui vẻ, có cả cha Nguyễn Huy Lịch và anh Nguyễn Đình Đầu – hai vị cố vấn người của Ủy ban Đoàn kết. Anh em không bàn tán gì và không đưa tài liệu gì.

Sau buổi họp đầu tiên này, có người đã đi rêu rao chuyện nọ, chuyện kia. Nhà nước nắm được nội dung của buổi họp đó là do ai làm ăng ten cho nhà nước? Ai đã tố cáo với chính quyền về cái gọi là ý đồ chính trị của 17 linh mục và trí thức đã ký vào bức tâm thư kia? Linh mục Mai Xuân Hậu và Chân Tín không có lý do gì để báo cáo với nhà nước. Vậy chỉ có 4 cố vấn người của Ủy ban Đoàn kết đã làm ăng ten cho đảng?

Một ngày sau khi Đức Tổng Bình đi Seoul (3/10/1989), công an thành phố đã gửi giấy triệu tập cha Mai Xuân Hậu lên làm việc về những nội dung mà vị cố vấn kia đã tố cáo cha Quynh và cha Hậu trong những buổi họp và buổi gặp trước đó tại Xóm Mới.

Biến cố trên là bằng chứng tố cáo Ủy ban Đoàn kết làm ăng ten cho đảng cộng sản Việt Nam. Do đó, trong những buổi họp khác, hai đức cha và hai cố vấn ngoài Ủy ban Đoàn kết không dám bàn những gì quan trọng trong các buổi họp. Có gì cần bàn, cha Hậu và tôi gặp riêng Đức cha Bình để nói riêng với ngài. Nhưng, ngài lại sợ 4 vị Ủy ban Đoàn kết, nên công việc chẳng đi đến đâu. Do đó, tôi đã đề nghị giải tán ban cố vấn này. Trong lá thư gửi Đức tổng ngày 17/10/1989, tôi có nêu ý kiến về 4 vị cố vấn và đề nghị Đức Tổng lập một ban cố vấn mới gồm các cha Hạt trưởng, các bề trên Dòng. Tuy nhiên, đề nghị ấy đã chẳng thể thành sự.

Có thể nói rằng, chuyện Ủy ban Đoàn kết làm ăng ten cho cộng sản là chuyện dài nhiều tập. Những báo cáo thường niên của Ủy ban Đoàn kết cho đảng và chính phủ luôn là những dữ liệu quan trong giúp cộng sản nắm rõ các hoạt động của Giáo hội nhằm hạn chế Giáo hội và áp đặt Giáo hội trong một cơ chế xin cho.

Linh mục Chân Tín

38 Kỳ Đồng, P9, Q3

Theo Nữ Vương Công Lý
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn