BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73466)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đừng mong ai, đừng trông ai

16 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 957)
Đừng mong ai, đừng trông ai
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Hội nghị APEC diễn ra vào đầu tháng 11 năm 2006 tại Hà Nội. Tin tức loan truyền là Tổng thống Bush của Hoa Kỳ sẽ tham dự hội nghị này. Một số người đấu tranh hải ngoại mong ông Bush sẽ có những biện pháp răn đe đám Cộng sản lãnh đạo Hà Nội nhân kỳ hội nghị APEC này. Chuyện diễn ra hoàn toàn ngược lại. Không những ông Bush không đưa ra được một lời tuyên bố nào về chuyện vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo nào của Cộng sản Việt Nam, ông còn cho phép rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách những nước cần quan tâm về chuyện đàn áp tôn giáo ( Gọi là danh sách CPC, Countries of Particular Concern ). Điều này gây nên một làn sóng bất mãn và phản đối trong cộng đồng các tôn giáo trong và ngoài nước, cũng như trong giới đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở hải ngoại. Thái độ ân cần ve vuốt của Mỹ dành cho Cộng sản Việt Nam đã là một gáo nước lạnh tạt vào mặt những người Việt hải ngoại vốn vẫn mang tâm thức nô lệ, suốt ngày chạy vòng vòng lạy lục những chính trị gia ngoại quốc, với ảo tưởng hy vọng là những người lãnh đạo ngoại nhân này sẽ góp phần mang đến một nước Việt Nam tư do dân chủ. Thái độ phũ phàng vừa rồi của Tổng thống Bush đã là một bài học cay đắng, xót xa cho những kẻ chỉ biết lạy lục trông mong vào những thế lực chính trị ở nước ngoài mà quên đi chuyện cần thiết nhất cần phải làm trong bài toán giải phóng quê hương là phải mạnh mẽ hỗ trợ về mặt tinh thần cũng như vật chất cho những người đang đứng dậy đấu tranh trong nước.

 Phải khôn ngoan và can đảm nhìn thấy người Mỹ chỉ hành động vì quyền lợi của nước Mỹ. Những bài diễn văn tràng giang đại hải, hùng hồn rao giảng chuyện hỗ trợ đấu tranh cho tự do dân chủ ở các nước khác chỉ là thứ hương hoa tô điểm cho chính sách đối ngoại của Mỹ thêm phần nhân bản, đẹp đẽ trước thế giới.

 Đáp lại chuyện Mỹ rút tên Việt Nam Cộng sản ra khỏi danh sách CPC các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm. Hòa thượng Thích Quảng Độ, viện trưởng viện hóa đạo, nhân vật số hai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, đã dùng trí tuệ Bát nhã nhà Phật của một bậc chân tu, để soi sáng ruột gan và thái độ trơ trẽn của Mỹ trong một cuộc phỏng vấn của Đài Á châu tự do ngày 15 và 16 tháng 11 năm 2006 với Đặc phái viên Ỷ Lan như sau :

 “ Trước hết tôi xin nói rằng, trước khi Hoa Kỳ đặt Việt Nam Cộng Sản vào danh sách CPC, cũng như sau khi rút ra, là mới ngày hôm qua đó, hiện trạng các tôn giáo nói chung và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói riêng ở đây không có gì thay đổi cả. Có nghĩa là vẫn bị tiếp tục bị đàn áp, lúc thì mạnh lúc thì vừa. Ngay bây giờ đây, trước mắt tôi đây vừa mới nhận được cái báo cáo ở ngoài Quảng Trị, Đại diện giáo hội Quảng Trị tiếp tục bị đàn áp suốt từ hôm thành lập ban đại diện ( ngày 12.9.2006, PTTPGQT chú ) tới nay, mời toàn ban lên Công an suốt ngày suốt đêm không cho về ăn cơm, làm việc suốt ngày rồi tối mới được cho về.

 Quốc tế đâu biết chuyện đó.

 Nói tóm lại là chưa có một cái gì thay đổi. Mà cũng không bao giờ thay đổi, trừ phi bao giờ Việt Nam được tự do dân chủ thực sự mà thay đổi hẳn cái chế độ Cộng sản sang một cái chế độ dân chủ thực sự, thì tôn giáo mới hết bị đàn áp. Bởi vì bản chất Cộng sản là đã không dung tôn giáo, không dung tôn giáo thì trước sau gì nếu họ có cơ hội thì họ sẽ tiêu diệt dần dần. Và cái đàn áp tôn giáo Việt Nam lại còn có một lý do chính là thế này, tất cả các cái đoàn thể ở đây, về đoàn thể nhân dân, thì ngoài đoàn thể Mặt Trận Tổ Quốc của Cộng Sản ra là họ nắm hết quần chúng rồi. Ngoài cái tổ chức ngoại vi ấy của Cộng sản, thì không còn có một đoàn thể nào hay cá nhân nào có quần chúng như là các tôn giáo, kể cả Thiên Chúa rồi Cao Đài, Hòa Hảo.. Các quần chúng nằm hết trong các tôn giáo đó, cho nên bằng cách nào họ cũng phải tiêu diệt các tôn giáo để họ nắm toàn bộ nhân dân Việt Nam. Bởi thế cho nên chừng nào còn chế độ Cộng sản thì chừng ấy tôn giáo còn bị đàn áp.

 Cho nên cái vấn đề CPC đưa vào hay lấy ra, cái đó không quan trọng. Nó không thay đổi được cái gì cả. Còn ông Hanford ông nói như vậy, là chỉ để ông ấy có cái cớ cần phải đưa nó ra thì ông lấy cớ ở đây đã có tiến bộ, đã có thay đổi. Chứ thực sự nguyên trạng như thế không có gì thay đổi. Bởi vì ông ấy lâu lâu mới đến Việt Nam một lần, mà đến Việt Nam một lần thì dân Bắc người ta nói, “ Nghe Cộng sản nói con rắn trong lỗ còn phải bò ra”. Thì chắc là nó cũng chiêu đãi ông rất là lịch sự, rất là thân mật, rồi nó nói thì chắc là ông cũng tin vậy thôi, chứ ông có đi về tận nhà quê ông tiếp xúc được với những nạn nhân bị Cộng sản đàn áp đâu mà ông biết được sự thật !

 Mà nói cho đúng, thì họ vì cái quyền lợi tương quan, quyền lợi của Cộng sản, quyền lợi của Mỹ, nghĩa là tôi nói một cách nôm na: CPC chỉ là một món hàng người Mỹ đặt ra đó để đòi hỏi, để trả giá với nhau. Nhưng trước ( kia) Hà Nội chưa trả giá đúng mức thì họ chưa đưa ra. Nhưng bây giờ đã đúng mức họ đòi hỏi, thì họ đưa ra thôi. Chứ đâu phải họ đặt cái CPC vào đó để vì thật tâm giúp các tổ chức tôn giáo đang bị Cộng sản đán áp !

 Cho nên nó là một món hàng

 Nói như thế không có nghĩa là mình phụ lòng tốt của người ta. Người ta đặt vào thì người ta tỏ ra cái lòng tốt của người ta, thì mình cũng cảm tạ cái đó. Nhưng giá mà ông đừng có đặt vào thì tốt hơn. Đối với trường hợp Việt Nam, họ đừng đặt vào thì còn có lợi hơn, ở chỗ tôi nói thí dụ từ 30 tháng 4 năm 75, Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam là bắt đầu các tôn giáo đã bị đàn áp ngay từ lúc đó rồi. Chứ không phải là đến tháng 9 năm 2004, CPC mới được đặt vào đó. Thế thì bây giờ đến ngày hôm ấy Mỹ mới đặt Cộng sản Việt Nam vào danh sách CPC, thì tức là Mỹ thừa nhận Cộng sản Việt Nam có đàn áp tôn giáo.

 Vậy thì từ 30 tháng 4 năm 75 cho đến năm 2004 họ mới thừa nhận Cộng sản Việt Nam có đàn áp tôn giáo. Nhưng mà họ đã giúp được gì đâu ? Bây giờ đây họ được giá rồi, bán món hàng đó, họ đưa CPC ra, rút tên ông này ra khỏi danh sách. Thế thì rõ ràng, là Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn đàn áp tôn giáo nữa.

 Do đó, cái CPC đưa ra hay đưa vô tôi không quan tâm. Bởi vì chúng tôi không đặt cái dự tồn vong của GHPGVNTN vào CPC, mà chúng tôi đặt sự tồn vong của Phật giáo Việt Nam nói chung và GHPGVNTN giữa lòng dân tộc Việt Nam.

 Vậy khi nào dân tộc Việt Nam còn, thì Phật giáo còn, Giáo Hội còn. Nó đàn áp một lúc rồi nó qua đi như những cơn giông tố bão táp rồi cũng có ngày tan. Cộng sản không thể tồn tại mãi trên cái đất nước Việt Nam này để đàn áp Phật giáo. Phật giáo vào đây đã 2000 năm rồi, trải qua bao nhiêu thời đại, bao nhiêu chế độ….. 2000 năm qua, bao nhiêu chế độ chính trị đến rồi đi, lên rồi thì sụp đổ. Nhưng mà Phật giáo vẫn là Phật giáo.

 Do đó cho nên, Phật giáo từ ngàn xưa đến nay không bao giờ liên kết mình với một chế độ chính trị nào hết, không đồng hóa mình với một chế độ chính trị nào hết. Bởi vậy, người Cộng sản đây cố đưa Phật giáo như cái Giáo hội nhà nước vào làm tay sai cho Cộng sản. Nhưng mà cái giáo hội ấy chỉ là cây tầm gửi, một khi chế độ Cộng sản không còn nữa, thì cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam tay sai đó cũng tự tiêu.

 Cho nên, GHPGVNTN với cái truyền thống 2000 năm không làm chính trị. Nhưng mà tuy không làm chính trị, mà có đóng góp ý kiến xây dựng đất nước, xây dựng dân tộc cho nhà vua biết đường nào nó lợi ích cho dân tộc thì nhà vua nghe mà làm. Đấy, đóng vai trò thuần túy là cố vấn. Không ăn lương nhà nước, không ra làm quốc hội, không ra làm chủ tịch hay đại biểu nhân dân như chính phủ Cộng sản lợi dụng Phật giáo làm như bây giờ, thì cái Phật giáo nhà nước đi làm chuyện đó chứ GHPGVNTN không làm. Cho nên khi nào Cộng sản sụp đổ thì cái Giáo hội ấy cũng tan tành, mà chắc chắn phải có ngày đó thôi.

 Do đó cho nên, đừng thấy người ta đưa vào mà mừng, cũng đừng thấy người ta rút ra mà buồn.. Ông Bush còn hai năm nữa thì cũng phải về vườn, ông Cộng sản nà trước sau cũng về vườn. Mà chúng tôi không đặt cái vận mệnh hay sự tồn vong của Giáo hội vào một chế độ nào cả, vào một cái CPC nào cả.

 Họ cứ tiếp tục đàn áp đi, chúng tôi sẵn sàng chịu đựng.

 Thế thôi, cho đến khi nào họ không còn sức đàn áp nữa thì chúng tôi mới hết, chúng tôi mới được nghỉ ngơi. Còn chừng nào còn đàn áp, chúng tôi còn đương đầu, còn chịu đựng được, được đến ngày nào thì được, khi nào chết thì thôi, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận hết.

 Người Tây phương có câu nói rằng, “ Trời giúp những người nào biết cách tự giúp mình. Thì bây giờ đây, Giáo hội cũng thế. Giáo hội bao giờ cũng phải tự cứu mình trước, chứ không hoàn toàn ỷ lại vào người ngoài. Trong thế giới tương duyên, tương quan này, có liên hệ chặt chẽ với nhau, người ta giúp được cái gì mình quý cái đó. Nhưng không hoàn toàn tin tưởng, ỷ lại vào người ta. Mình không thể trao vận mệnh mình vào trong tay ai hết, mà mình phải nắm lấy vận mệnh của mình.

 Nhân đây tôi cũng xin đề nghị với các đảng phái, các tổ chức mới thành lập đây, như Công đoàn độc lập Việt Nam, Hiệp hội đoàn kết Công Nông, rồi Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam, Đảng Dân Chủ 21 .. mới thành lập đây. Tất cả các vị đó đều mong muốn đất nước Việt Nam một ngày nào đó được dân chủ, tự do và nhân quyền được tôn trọng. Thì bây giờ đây các vị đã hướng tới cái đích đó, là đích cao cả, thì mình phải tự cứu mình. Còn ai giúp được bên ngoài coi là cái phụ thôi. Cái tự cứu mình là cái chính.

 Nhân đây, tôi kêu gọi tất cả các đoàn thể chính trị, tổ chức các chuyện đó, công nông..kết hợp lại thành một khối cho thật mạnh. Đoàn kết lại với nhau, bỏ hết mọi tị hiềm, nghi kị đi. Ngồi lại với nhau thực sự một lòng, để tạo thành một sức mạnh, một đối trọng để nói thẳng, đặt thẳng vấn đề với người Cộng sản Việt Nam: Các anh phải trả lại cái Quyền làm người cho toàn thể dân tộc 80 triệu dân đây ! Không thể nô lệ hóa cái dân tộc này mãi mãi được! Anh đã nô lệ hóa nó 60 năm rồi. Bây giờ đến lúc các anh phải trả lại.

 Như vậy người Mỹ giúp cũng được, không giúp cũng được. Ai giúp thì cảm ơn, không giúp thì mình phải tự bảo vệ mình. Mà mình giúp mình thì người ta mới giúp mình. Chứ mình cứ ngồi đó mà chờ cho sung rụng vào miệng, há miệng chờ sung rụng, là không có. Mình phải thực hiện. Mình phải hành động. Mà hành động có kết quả nhất là phải biết đoàn kết với nhau. Các vị phải thúc đẩy toàn dân. Đã đến lúc rồi, mình phải tỏ ra hành động cụ thể. Chẳng hạn đình công, chẳng hạn bãi thị, bất tuân lệnh. Đấy, những cái đó ( có ) rồi người Cộng sản mới thấy được cái sức mạnh của nhân dân như thế, họ mới chịu nói chuyện. Chứ còn đòi suông, thì nó như kiểu làm chính trị xa lông, xôi thịt, thì không bao giờ có tự do, dân chủ đâu. Mình phải tự làm lấy, rồi họ giúp được là cái tốt. Không giúp ( thì) mình cũng phải lo lấy hết. “

 Nói chung lời phát biểu của Hòa thượng Quảng Độ nói rõ hai điểm chính: Nói thẳng và nói thật về cái trò giả dối của Mỹ khi rút tên Cộng sản Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, thứ đến là thầy kêu gọi những người đấu tranh ngày nay ở Việt Nam phải dựa vào sức mình là chính, đổ công sức ra tranh đấu và đừng trông cậy vào nước ngoài. Họ giúp thì cám ơn, họ không giúp thì tự lực cánh sinh và nên nâng cao nhịp độ đấu tranh bằng cách vận động quần chúng “ đình công bãi thị “ , có làm thế thì mới có sức mạnh nhân dân và khi đó Cộng sản mới nể sợ và từ đó mới có thể nói chuyện đối thoại. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, khó tìm được lời khuyên nào quí báu và thiết thực hơn lời của Hòa thượng Quảng Độ.

 Sau khi Hòa thượng Quảng Độ lên tiếng, một tiếng nói bất khuất không kém là của sư nữ Đàm Thoa, người đã bị Công an thô bạo và thô bỉ xé áo quần khi đàn áp, đã thẳng thắn nhận xét về chuyện chính phủ Mỹ rút tên Cộng sản Việt Nam ra khỏi danh sách CPC như sau trong một bài phỏng vấn với báo Đàn Chim Việt như sau:

 “ Việc làm của phía chính phủ Mỹ là chạy theo mưu đồ, chính trị và lợi ích của một nhóm có thế lực trong chính quyền của họ. Điều đó đã hà hơi tiếp sức cho chính quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục thi hành chính sách đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền với nhân dân trong nước. Nước Mỹ làm như thế (là) đã phản bội lại những lý tưởng tự do dân chủ mà họ đã giương cao ngọn cờ này trong hàng chục, hàng trăm năm qua.

 ..Việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có đàn áp tự do tôn giáo mà gọi tắt là CPC, là một việc làm bất công, hoàn toàn trái với những gì thực tế đang diễn ra tại Việt Nam là tôn giáo và nhân quyền đang bị nhà nước CSVN đàn áp khốc liệt. Với việc làm này của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cần phải được dư luận khắp nơi phê phán.

 Là một người tu hành nhiều năm tôi thấy, vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay với mấy chục năm trước đã có một chút tiến bộ và cởi mở hơn. Sở dĩ có được vậy là do áp lực đấu tranh chủ yếu của quốc tế và dư luận nhân dân trong và ngoài nước. Nhưng nếu xét trong hoàn cảnh thế giới văn minh hiện nay, thì vẫn không thể chấp nhận được vì nước Việt Nam Cộng Sản vẫn là một quốc gia chà đạp dân chủ, nhân quyền và đàn áp tự do tôn giáo có hệ thống, có truyền thống, với đầy rẫy những thành tích bất hảo, phi nhân tính mà tôi đã trả lời ở phần trên.”

  Nhận xét của sư nữ Đàm Thoa thật chính xác và chí lý. Những nhà tu hành như Hòa thượng Quảng Độ và Đàm Thoa đang nỗ lực để cởi trói cho tôn giáo mình được tự do sinh hoạt thì những nhà tranh đấu cho dân chủ cũng đang phấn đấu để mang lại tự do dân chủ cho người dân. Tất cả cần phải làm trong tinh thần tự giác, tự lực, tuyệt đối không ỷ lại vào sự hỗ trợ của nước ngoài. Chuyện Mỹ rút tên CPC cho Cộng sản Việt Nam đã cho thấy Mỹ sẵn sàng bắt tay với những thế lực đen tối xấu xa nhất của thời đại, miễn là chuyện hợp tác có lợi cho quyền lợi kinh tế và chính trị của Mỹ. Chuyện vận động dư luận và chính giới nước ngoài là một đường lối ngoại vận cần tiếp tục tiến hành, nhưng không nên quá đặt nặng vào sự hỗ trợ của nước ngoài mà quên đi sự đấu tranh của giáo hội và tổ chức trong nước . Tình hình tự do tôn giáo và dân chủ có tiến triển hay không là tùy thuộc vào nỗ lực tranh đấu của những người trong nước. Sự hỗ trợ của nước ngoài chỉ là vấn đề phụ mà thôi.

 Tình hình hơi thông thoáng hiện nay ở Việt Nam cho thấy những người đấu tranh đã đi được một bước dài. Nhưng có chuyện đáng buồn là có sự kèn cựa,tỵ hiềm xảy ra giữa những người đấu tranh với nhau. Chuyện này làm mất khá nhiều lòng tin của những người Việt hải ngoại và tạo cơ hội cho chính quyền Cộng sản khai thác và bôi bẩn những người đấu tranh. Những người đấu tranh cần phải nghĩ đến sự nghiệp lớn của cuộc đấu tranh mà bỏ qua đi những chuyện nhỏ mọn không đẹp. Cái tâm của người tranh đấu cần phải sáng mới vận động lôi kéo được người khác vào công cuộc đấu tranh. Cộng sản tượng trưng cho những gì đen tối xấu xa thì người đấu tranh phải là biểu hiện của sự trong sáng, cao cả.

 Ngày xưa hai cụ Phan chu Trinh và Phan bội Châu đều chống thực dân Pháp nhưng hai cụ đi hai con đường khác nhau: Phan chu Trinh chủ trương mở mang dân trí, Phan bội Châu chủ trương bạo động. Tuy chính kiến khác nhau như thế nhưng hai cụ lúc nào cũng kính mến nhau trên con đường đấu tranh. Ngày nay những người đấu tranh dân chủ hiện tại cũng nên học cái tinh thần “ hòa nhi bất đồng” của hai cụ mà tránh phê phán, móc lò nhau làm suy yếu cuộc đấu tranh chung. Nếu có tấm lòng yêu nước chân thật thì sẽ sáng vằng vặc như đêm trăng rằm và sẽ được mọi người trong và ngoài nước nhìn thấy, chứ không phải tố cáo, dè bỉu nhau là mình đã tốt đẹp hơn người khác đâu. Chưa đánh Cộng sản sụp đổ mà đã bôi mặt đánh nhau thì không ra cái thể thống gì nữa. Nếu cứ tiếp tục chuyện xấu xa này thì trước sau cũng bị công chúng đào thải.

 Phải thấy rằng thành lũy cuối cùng của chế độ Cộng sản hiện nay là sự kiểm soát báo chí nói riêng và truyền thông nói chung. Không ai ngạc nhiên khi nghe Thủ tướng Cộng sản Nguyễn tấn Dũng vừa ra thông cáo cấm tư nhân ra báo. Nhưng thời thế đổi thay rồi, nhà nước cấm tư nhân ra báo nhưng ngày nay tư nhân vẫn ra báo bất chấp sự cấm cản của nhà nước. Khởi đầu là tờ báo Tự do ngôn luận của Linh mục Chân Tín, kế tiếp là tờ báo Tự Do Dân chủ của cựu chiến binh Nguyễn khắc Toàn và tờ báo Tổ Quốc của chuyên viên địa vật lý Nguyễn thanh Giang đã công khai ra đời mà không cần xin phép nhà nước. Phải có nỗ lực hỗ trợ cho 3 tờ báo này và những tờ báo “ chui” khác nữa có phương tiện để đến với người đọc trong nước. Thời kỳ bưng bít thông tin, kiểm duyệt tin tức của Cộng sản đã qua rồi. Những người đấu tranh trong nước đang tìm đủ mọi cách để phá vỡ sự bưng bít của Cộng sản bằng cách ra báo phổ biến đến quần chúng. Và cũng vì thời thế đổi thay mà Cộng sản chưa dám bỏ tù những nhà báo can đảm phá rào này. Phải thấy rằng Cộng sản , dù có một quân đội hùng mạnh và một bộ máy công an tàn ác trong tay, vẫn ở thế thủ trước sự tấn công của những chiến sĩ dân chủ. Đập vỡ cái đê chắn tự do thông tin, tự do báo chí là coi như dòng thác tin tức sẽ chôn vùi chế độ Cộng sản Việt Nam một cách mạnh mẽ không gì có thể chống đỡ nổi.

 Một điểm cần nói ra ở đây là Đài BBC Việt ngữ, có lẽ do có quá nhiều ký giả đi từ miền Bắc vào làm việc trong đài, đã biến đài quốc tế nổi tiếng là vô tư trung thực này thành một đài Hà nội thứ hai. BBC Việt ngữ hôm nay đa số toàn loan những tin, những bài bình luận có lợi cho nhà cầm quyền Cộng sản. Ai cũng biết là sau 30 tháng 4 năm 75, Cộng sản trả thù những người miền Nam bằng cách đưa họ vào những trại tù cải tạo dã man làm cho những người tù này chết dần chết mòn. Hàng ngàn người đã ngã gục vì bệnh, vì bệnh, vì đói, vì cùm kẹp trong những tù cải tạo trải dài từ Nam ra Bắc. Thế mà mới đây Phóng viên Nguyễn Hùng của BBC Việt ngữ về Việt Nam phỏng vấn Lê kiên Thành là con trai Lê Duẩn, Lê kiên Thành cho biết bố anh ta là Lê Duẩn hoàn toàn không giết quân nhân công chức nào ở miền Nam sau 75. Thật là một sự nói dối ghê tởm mà BBC Việt ngữ tìm cách phổ biến để chạy tội cho tên Tổng bí thư độc ác Lê Duẩn. Cộng đồng hải ngoại nên tập hợp nhau lại để viết thư ngỏ gửi đến cho ban giám đốc BBC nói cho họ biết đài BBC Việt ngữ của họ đã bị bọn Cộng sản xâm nhập và biến đài thành công cụ phục vụ cho bạo quyền Hà Nội và yêu cầu đài đuổi bọn Cộng sàn nằm vùng này ra khỏi đài.. Có thế mới mong trả lại sự uy tín thông tin trung thực cho đài BBC. Một BBC Việt ngữ loan tin chính xác và trung thực sẽ giúp ích nhiều cho công cuộc tranh đấu tự do và dân chủ ở quê nhà.

 Ở quốc nội hầu hết những nhà đấu tranh đều công khai ra mặt với tên tuổi, địa chỉ đầy đủ. Điều ấy nói lên họ là những người can đảm, dám đứng thẳng và dõng dạc lên tiếng. Nhưng khi công khai như vậy lại có một nhược điểm là bị bạo quyền bao vây đường đi nước bước từng ly từng tý và coi như sự hoạt động bị hạn chế rất nhiều. Hội nghị APEC vừa rồi đã cho thấy những người đấu tranh bị canh chừng nghiêm ngặt để rồi không làm gì được cả. Cho nên nếu trong tương lai còn có những người yêu nước muốn đứng lên tranh đấu, xin cứ ở trong bóng tối để làm việc thì sẽ làm được nhiều việc hơn là công khai công bố tên tuổi ngay từ đầu. Chừng nào bị lộ thì sẽ công khai luôn như trường hợp Nguyễn khắc Toàn và Trần khải Thanh Thủy. Đấu tranh chống lại một bạo quyền độc ác thì phải có hành động “ đi không dấu, nấu không khói “ , chứ cứ “ lạy ông tôi ở bụi này” thì đó là điều thất sách nên tránh. Chắc chắn trong bóng tối những chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ sẽ gây nhiều tổn thất cho bạo quyền hơn là ra trước ánh sáng. Dĩ nhiên tới ngày toàn thắng thì sẽ ra ánh sáng cũng không muộn.

 Ở hải ngoại có những nhà văn, nhà báo không hình dung ra được sự thay đổi dần dần của xã hội Việt Nam, nên vẫn có cái nhìn cứng ngắt về hiện trạng Việt Nam ngày nay như mấy chục năm trước, để từ đó có những nhận xét gièm pha, nói xấu một vài người tranh đấu trong nước vì những người này không “ hung hăng con bọ xít “ chống Cộng sản theo kiểu không đội trời chung. Sự đòi hỏi này là quá đáng và thiếu thực tế. Phải nhớ rằng những người tranh đấu ở Việt Nam đang đi theo con đường bất bạo động để lật đổ Cộng sản. Bất bạo động ở đây bao gồm chuyện không hợp tác, không tuân hành, không sợ hãi, đình công, bãi thị để làm tê liệt guồng máy cai trị của bạo quyền Cộng sản. Chúng ta không thể đòi hỏi họ gì nhiều hơn. Bổn phận của chúng ta là phải tiếp máu cho họ về mặt vật chất và tinh thần chứ không phải ngồi đó mà phê phán, mỉa mai và trách móc. Hễ một người đấu tranh trong nước bị tù tội là hải ngoại có bổn phẩn phải lo đời sống cho chính gia đình người ấy. Đây là một sự hỗ trợ về mặt vật chất vô cùng thiết thực và có tác động nâng đỡ tinh thần rất nhiều đến người tranh đấu bị tù tội. Ở hải ngoại đã có những người, những tổ chức làm chuyện này rồi nhưng chuyện làm vẫn còn lẻ tẻ, chưa có tổ chức nên chưa gây nên được tiếng vang và kết quả rộng lớn.

 Chính những người Việt tranh đấu trong nước và những người Việt hải ngoại ngoài nước có bổn phận cứu lấy đồng bào, đất nước Việt mình chứ không thể ỷ lại chuyện đội đá vá trời này cho ngoại nhân. Chúng ta không thể đòi hỏi những người khác màu da, chủng tộc phải bỏ công bỏ sức cho vấn đề tự do và dân chủ của Việt Nam. Sau CPC, Quốc hội Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam ( PNTR) càng cho thấy tư bản chỉ lo chuyện buôn bán làm ăn với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam mà thôi. Chuyện nhân quyền, tự do tôn giáo là chuyện Mỹ nói cho vui vậy thôi. Cộng sản Việt Nam cũng biết rõ điều này nên chúng coi thường những phản kháng có tính chất cải lương về nhân quyền của Mỹ từ trước đến nay. Chưa bao giờ bộ mặt ngoại giao của Mỹ lại xấu xa và gian trá như trong thời gian này.

 Hơn nửa thế ký trước nhà Đại văn hào cách mạng Phan bội Châu đã cảnh cáo nhắc nhở toàn dân Việt câu châm ngôn để đời “ Vọng ngoại tắc tử “ ( Đừng trông ngóng vào người ngoài thì sẽ chết). Cho đến ngày hôm nay thì lời dặn dò tâm huyết của cụ Pham bội Châu vẫn còn y nguyên giá trị. Không nên suốt ngày bỏ thì giờ và tiền bạc đi lạy lục, van nài ông nghị sĩ Pháp, ông thủ tướng Anh hay ông tổng thống Mỹ bỏ công, bỏ của hầu đem lại tự do, dân chủ cho dân Việt Nam! Thì giờ và tiền bạc đó nên dồn để lo cho những người đang ngày đêm tranh đấu gian khổ ở Việt Nam thì hợp lý hơn và mới mong có ngày chiến thắng.

 Xin kết thúc bài viết bằng bài thơ “ Thay lời tiễn biệt “ của Nguyễn thái Hoàng ( là bút hiệu của nhà văn Trần khải Thanh Thủy). Qua những bài viết mới đây được công bố trên Internet, ai cũng nhận thấy Trần khải Thanh Thủy có lối hành văn sâu sắc, có bản lãnh chính trị và một sự can đảm hiếm có. Cộng sản đã tổ chức những cuộc đấu tố thô bạo để trấn áp tinh thần người nữ văn sĩ mới dấn thân này vào cuộc tranh đấu nhưng không có kết quả. Trần khải Thanh Thủy luôn luôn ở cạnh những người dân oan để lên tiếng cho họ dù chuyện làm nghĩa hiệp này đã mang lại nhiều tai họa cho bà. Mong sao hải ngoại sẽ yểm trợ thật mạnh mẽ cho Trần khải Thanh Thủy để bà có phương tiện hoạt động và giúp đỡ đám dân nghèo đang sống những ngày tận cùng bể khổ. Đám dân cùng khổ này bị đàn áp và bóc lột đến tận xương tủy đến độ đời họ không còn gì để mất. Họ dõng dạc đứng dậy để tranh đấu cho quyền lợi cơm áo, nhà cửa thiết thân của mình đang bị bạo quyền ăn cướp, chiếm đọat công khai. Họ đang làm đúng câu khẩu hiệu “ Có áp bức thì có đấu tranh “ mà trước đây Cộng sản dạy cho họ trong thời đánh Pháp, đuổi Mỹ! Với cá tính mạnh mẽ và với ngòi bút sắc bén, Trần khải Thanh Thủy đúng là một Dương thu Hương thứ hai, lúc nào cũng đứng về phía dân oan mà đương đầu với bạo quyền trong nước hiện nay. Nếu tất cả người Việt trong và ngoài nước đều có tinh thần tranh đấu hy sinh như những lời thơ dưới đây của Trần khải Thanh Thủy thì ngày cởi bỏ gông xiềng Cộng sản chắc chắn sẽ là một ngày không xa.

 THAY LỜI TIỄN BIỆT

 Nếu tôi chết hãy ghi trên huyệt mộ

 “ Đây là người yêu nước thương dân

 Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ

 Đưa nhân dân ra khỏi kiếp bần hàn”

 

 Tuổi bốn mươi khi nghĩa đời đã tỏ

 Thì cùm gông xiềng xích xá kể gì

 Theo gương bậc tiền bối tôi đi

 Vá lại mảnh trời xanh Tổ Quốc

 

 Vạch mặt lũ đê đèn, quân bán nước

 Nhân danh Đảng, Tổ Quốc lộng hành

 Chúng cấu kết, chúng ăn chia

 Còn chúng nó dân ta còn phải khổ

 

 Nếu tôi chết xin nuôi bầy con nhỏ

 Chúng đáng thương nào có tội tình gì

 Khi mẹ cha đứng lên đòi sự sống

 Cho giống nòi và cả chúng mai sau

 

 Nếu tôi chết...

 10-2002

 Nguyễn thái Hoàng (Trần khải Thanh Thủy)

 Los Angeles, một ngày đầu năm mùa đông lạnh giá đầu tháng 1 năm 2007

 TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG

 Email: dalatogo@yahoo.com

 * Muốn đọc tất cả những bài viết của Trần viết Đại Hưng thì xin vào http://www.nsvietnam.com/, rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng nằm bên trái.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn