BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73437)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đưa nghị quyết xuống dân

04 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 1189)
Đưa nghị quyết xuống dân
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00


Trong tác phẩm có tính chất hồi ký viết vào cuối đời, nhà văn Nguyễn Khải có nhận xét rằng “không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa”. Đó là một đánh giá có ý nghĩa chính trị rất cao của một nhà văn quân đội mang hàm đại tá, đã được cách mạng cưu mang nuôi dạy từ thuở thiếu niên.

Nhận xét đó có phạm vi chân lý không phải chỉ ở một chính phủ, một nước, mà là ở một tập hợp hữu hạn quốc gia có đặc thù chính trị giống nhau: chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Do vậy, sự coi thường quần chúng là một vấn đề của hệ thống, là một cách hành xử chính trị có chủ ý, xuất phát từ bản chất của chế độ chính trị.

Tính hệ thống đó được thể hiện trong toàn bộ sự vận hành các hoạt động chính trị của đất nước, từ công tác tư tưởng, tuyên truyền giáo dục, đào tạo, tẩy não, việc tổ chức các cuộc bầu cử các cơ quan nhà nước, cách sắp xếp thứ tự giới thiệu xướng danh các cá nhân lãnh đạo đại diện cho các tổ chức, cơ quan trong hệ thống (cấp trung ương là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng rồi mới đến Chủ tịch Quốc hội – cơ quan quyền lực nhân dân cao nhất; cấp tỉnh lại là Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân rồi mới đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân) cho đến các hành vi thực thi công vụ của từng cán bộ công chức trong giao tiếp với nhân dân, quần chúng.

Kết quả của sự vận hành đó là những lệch lạc, méo mó, bệnh hoạn trong đời sống tinh thần của xã hội, trong văn hoá chính trị của cả nhân dân và đảng viên, cán bộ. Nhân dân thì vừa sợ, vừa buộc phải mang ơn hoặc nói mang ơn đảng, nhà nước và những người đại diện cho các cơ quan ấy (cách đây mươi năm, ở quê tôi, người dân sợ cả những người mặc đồng phục và gọi chung họ là người của nhà nước, từ anh công nhân lái xe chở mía cho công ty đường, công nhân điện, vệ sinh môi trường, thuế vụ cho đến những cán bộ của cơ quan hành chính các cấp).



Ngược lại, cán bộ thì xem thường dân, khủng bố dân, nhũng nhiễu dân, trục lợi từ dân… Tất cả những cái ấy là sản phẩm của lối vận hành chính trị nói trên, lâu ngày tạo nên một thói quen tư duy và hành xử. Ngay cán bộ ở cơ quan dân cử như hội đồng nhân dân các cấp, theo chỗ tôi thấy, khi tiếp xúc làm việc với dân, là cử tri đã bầu ra họ, giọng điệu luôn luôn là người có quyền, ở trên dân và không khác gì những công chức hành pháp; với họ, không thể có sự chấp nhận quan niệm về sự uỷ nhiệm của nhân dân, thậm chí là làm thuê cho nhân dân như trong hệ thống cộng hoà đại nghị.

Tương tác chính trị và lối hành xử trong quan hệ xã hội đó kéo dài mấy chục năm, làm cho dân khí lụi tàn, dân trí tụt hậu; người dân sợ sệt và mê muội đi, đến mức đã bao nhiêu năm thờ triết học duy vật, chống mê tín dị đoan để đến những ngày này, người dân, trong đó có cả trí thức, quan chức phải xếp hàng cả ngày để mua lá ấn Đền Trần và hy vọng hão vào việc thăng quan tiến chức, sinh viên thì đến chùa hoặc Văn Miếu mong chạm đầu rùa cầu may thi cử; doanh nhân thì đi vay tiền âm của Bà Chúa Kho mong làm ăn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều có sự tham gia tổ chức rất có chủ ý của phía chính quyền. Những hiện tượng đó nảy sinh trong sinh hoạt tinh thần của người dân bởi họ không có được cách bộc lộ và sức bộc lộ năng lực và nhu cầu tinh thần nào khác theo cung cách tự do như ở các quốc gia bình thường khác.

Nguyên nhân của mọi chuyện ấy bắt đầu tư một nền chính trị lấy sự xem thường dân vừa như một chiến lược thường xuyên, liên tục, vừa như một kiểu phản xạ tự vệ của hệ thống công chức, đảng viên. Ở nước ta, hình như người ta đã quen với những chân lý quái gở như đảng viên luôn luôn tốt hơn quần chúng, nhà nước là ở trên nhân dân, cấp dưới thì xin ý kiến, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên, cấp trên cho ý kiến cấp dưới. Quan chức khi phát biểu thì luôn luôn tìm ngữ cảnh để đưa vào cụm từ “tôi cho rằng…” với thái độ trịch thượng, hả hê, tự phụ (từ cho rằng trong tiếng Việt không hoàn toàn có nghĩa như từ assume hay presume trong tiếng Anh; bên cạnh nghĩa ấy, nó còn nằm trong tương liên về nghĩa với từ “xin” và do vậy, có giá trị biểu thị thái độ).

Những chân lý và cách nói như vậy đã thâm nhiễm trong tư duy của nhiều thế hệ, cả phía cai trị lẫn phía bị trị, tạo nên một hiệu quả sắp xếp khiên cưỡng, bấp bênh mà nhà nước, những người làm công tác tuyên truyền gọi là ổn định chính trị. Ngay trên VTV1, một kênh truyền hình tầm quốc gia và đối ngoại, trong bản tin thời sự tối 26/2 vừa rồi, khi thuật lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại một cuộc họp của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có đoạn yêu cầu Mặt trận phải góp phần đưa nghị quyết của đảng XUỐNG dân: dân vẫn là cái gì rất thấp, luôn ở dưới mọi tổ chức chính trị thiểu số.

Hỡi ôi, tất cả đều là dối, hão và ảo. Qua cả một thời kỳ đổi mới, khi lao vào và bám vào cơn lốc phát triển kinh tế thị trường để đầu cơ và hưởng lợi từ ấy, với quốc nạn tham nhũng mà chỉ có cán bộ đảng viên mới làm được, với đánh giá hàng năm không thay đổi về một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hoá biến chất…, người ta thấy rõ sự sa đoạ về mặt đạo đức và lý tưởng chính trị của một hệ thống hỏng hóc bất khả phục thiện. Liệu đảng có chứng minh được tính tiên phong về lý tưởng chính trị và đạo đức như một thời nữa không, hay chỉ là công cụ thuần tuý của sự đầu cơ quyền lực chính trị cho những mục tiêu ngắn hạn, nhiệm kỳ về kinh tế. Cả mấy chục năm đã học tập đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, bây giờ giật mình làm cái việc biên soạn, tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngoài hậu quả tốn tiền dân và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho ngành tuyên giáo, tạo ra sự khủng bố tinh thần xã hội vì ai cũng bị cưỡng chế học tập, phỏng có ích gì? Ô hô.

Xích Tử

Theo Dân Luận

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn