BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73438)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư gửi Nguyễn Trung

15 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 944)
Thư gửi Nguyễn Trung
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
TP Hồ Chí Minh ngày 15, tháng Giêng, năm 2006

 Anh Nguyễn Trung quý mến,

 Tôi thật sự vui và chân thành chúc mừng anh khi thấy anh đã lên tiếng một cách mạnh mẽ, thẳng thắn và tràn đầy nhiệt huyết trong bài THỜI CƠ VÀNG đăng 2 kỳ trên báo Tuổi trẻ vào ngày 12 và 13 tháng Giêng năm 2006 vừa qua.

 Nhớ lại cách đây 6 năm, vào ngày 27-4-1999, anh gửi tặng sách và gửi thư động viên chúng tôi :

 “Xin cảm ơn chị Thanh Xuân và anh Trần Khuê về việc tôi được đọc bài CHỈNH ĐỐN ĐỂ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN. Bài viết là một cố gắng lớn, nhận dạng thực trạng đất nước – với tâm huyết tất yếu của bất kỳ ai còn tự nhận mình là người dân nước Việt và càng phải như vậy nếu còn gánh trên vai mình trách nhiệm người đảng viên chân chính của Đảng Cộng sản Việt Nam. (…) Xin chúc chị và anh mạnh khỏe, làm việc không biết mệt mỏi vì Tổ quốc yếu dấu của chúng ta, vì thế hệ con cháu mai sau”.

 Lời khích lệ chân tình này tôi đã trân trọng trích dẫn vào tập “Đối thoại năm 2000” và cho đến nay vẫn còn chưa thôi xúc động lòng tôi.

 Hôm nay thì không phải chỉ có tôi phải cảm ơn anh mà trước hết những người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước phải cảm ơn anh vì những ý kiến hết sức xác đáng và rất xây dựng của anh.

 Tôi từng nói với bạn Nguyễn Thị Thanh Xuân rằng: những người hiểu biết rộng rãi và sâu sắc, lại có lòng tự trọng cao như anh, sớm muộn thể nào cũng sẽ lên tiếng.

 Quả thật, tôi đã chờ đợi không uổng công.

 Những bài viết của anh cùng với những bài phát biểu đầy hiểu biết và đầy nhiệt huyết của các anh Trần Văn Hà, Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Dương Trung Quốc, Trần Quốc Thuận, Trần Lâm, Trần Bá, Trần Đại Sơn, Nguyễn Minh Thành, Phan Thế Hải, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định …, và gần đây nhất là một lọat bài của Trần Mạnh Hảo, thiệt tình đã rửa đi được phần nào nỗi hổ thẹn của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước nhà.

 Đúng như anh nhận định : thời cơ hiện tại đang có tính chất quyết định đối với sự thăng trầm của Dân tộc và Đất nước.

 Tôi nghĩ nếu Bộ Chính trị Nông Đức Mạnh làm lơ trước mọi ý kiến xây dựng, để cho Đất nước lỡ mất chuyến tàu Văn Minh Trí Tuệ ở đầu thế kỷ 21 này thì tội sẽ nặng lắm, nặng hơn tội của vua Tự Đức và Triều đình Huế ở cuối thế kỷ 19 rất nhiều. Vì hồi ấy, các ông Bùi Viện, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Công Trứ . . . và đặc biệt Nguyễn Trường Tộ đã lên tiếng rất mạnh mẽ nhưng cả một triều đình Tự Đức cứ bưng tai bịt mắt và rung đùi ngâm thơ cổ với một dáng vẻ tự kiêu, tự đắc rất kỳ lạ.

 Nhưng đó là một thời kỳ mà tầng lớp thống trị còn ít hiểu biết và thiếu thông tin thì sự ngu dốt và lạc hậu đó có thể tạm hiểu được. Còn hiện nay thì khó mà giải thích để cho mọi người nghe lọt tai.

 Xung quanh Trung ương và Bộ Chính trị có cả một Hội đồng lý luận và biết bao nhiêu Viện nghiên cứu, toàn là các chuyên gia học hàm học vị đầy mình. Thế mà có những vấn đề xem ra thật đơn giản mà họ vẫn không hiểu đúng thì kỳ lạ thật !

 Trong tập“ Đối thoại 2001”, tôi đã phê phán việc Ban dự thảo nghị quyết Đại hội IX đặt mục tiêu : “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là sai.

 Vì đơn giản là “độc lập dân tộc” đã hoàn thành thì chỉ có thể đặt vấn đề “bảo vệ” hoặc “củng cố”. Và người ta chỉ có thể “gắn liền” với một cái gì đã có chứ không thể “gắn liền” với một thứ chưa hề có là “chủ nghĩa xã hội”. Ngay Trung Quốc mở cửa rất sớm (1979) và tiến khá nhanh mà Đặng Tiểu Bình còn nói rằng ít nhất phải 100 năm nữa Trung Quốc mới có thể tiếp cận CNXH. Huống chi Việt Nam ta sau 30 năm hòa bình vẫn còn lẹt đẹt trong Top 10 nước nghèo khổ nhất hành tinh.

 Trên một số tạp chí Cộng sản, anh Hồng Vinh, phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa trung ương viết : “Người ta lại cao giọng giảng cho chúng ta thế nào là mục tiêu?” .

 Ô hay, yêu cầu người ta góp ý kiến xây dựng văn kiện đại hội, đúng sai thế nào thì phải phân tích, thảo luận. Chẳng hiểu thế nào là “mục tiêu”, thế nào là “gắn liền”, nhưng khi người ta phân tích góp ý cho, đã không khiêm tốn lắng nghe, tiếp nhận lại còn lên tiếng mỉa mai, đả kích. Kiêu ngạo đến thế là cùng!

 Đặt “mục tiêu” và “gắn liền” sai như thế nhưng các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải và hầu hết các vị ủy viên trung ương đến hội nghị nào cũng ra rả lặp lại nguyên văn như thế. Và kinh ngạc hơn nữa là đến dự thảo văn kiện đại hội X cũng vẫn lặp lại y chang.

 Ai cũng thấy vấn đề xây dựng CNXH ở miền Bắc trong 20 năm liền (1955-1975) là hỏng. Xây dựng CNXH trong cả nước 10 năm tiếp theo (75-85) cũng hỏng. Hỏng cho nên phải bỏ. Chính bản thân đảng chủ trương hủy bỏ hợp tác xã, chính bản thân đảng chủ trương hủy bỏ các xí nghiệp quốc doanh và nông trường quốc doanh là những cơ sở vật chất chủ yếu của CNXH, thế là Đảng phá CNXH chứ ai ?

 Thế nhưng, những người thực sự phá CNXH lại luôn luôn bịa đặt vu cáo cho những người khác cái tội “chống CNXH” hoặc “có ý đồ lật đổ nhà nước XHCN”.

 Trước tòa án TP Hồ Chí Minh, ngày 9-7-2004, tôi đã thẳng thắn bác bỏ những lời buộc tội mang tính vu cáo chính trị này. Và tôi khẳng định : “Chẳng có thế lực nào lật đổ nổi nhà nước CHXHCNVN trừ bọn tham nhũng và bọn bao che cho tham nhũng !”

 Người ta lại khôn khéo gọi mấy chục năm đen tối của thời kỳ xây dựng CNXH là “thời kỳ bao cấp”. Và người ta lừa dối dư luận rằng bỏ “bao cấp” chứ không bỏ CNXH. Rồi họ lại đưa ra cái luận điệu “con đường XHCN là do Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn”.

 Nhân dân ta đã lựa chọn CNXH từ bao giờ ? Và nếu giả thử có lựa chọn nhầm thì không có quyền lựa chọn lại hay sao ?

 Còn Cụ Hồ thấy CNXH không thích hợp với hoàn cảnh kinh tế của nước ta nên Cụ có dặn phải xây dựng một nước VN xã hội chủ nghĩa đâu ?

 Trong Di chúc, Cụ viết rất rõ ràng :

 “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.”

 Thế là cụ dặn phải phải xây dựng một nước Việt Nam DÂN CHỦ, chứ đâu phải một nước Việt Nam XHCN.

 Như thế là Trung ương Đảng, trên miệng hoặc văn bản thì nói rằng phải thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh mà trên thực tế thì ra sức xuyên tạc và chống lại tư tưởng Hồ Chí Minh.

 Không phải bây giờ Đảng mới chống lại cụ Hồ mà chống lại ngay khi cụ Hồ vừa mới nằm xuống.

 Cụ dặn phải xây dựng một VIỆT NAM DÂN CHỦ thì Tổng bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn, một mặt nói phải tuân theo lời Di chúc thiêng liêng, một mặt lại bảo phải “quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công”.

 Rõ ràng là bảo một đằng , thỉnh một nẻo.

 Tôi càng kinh ngạc hơn khi thấy anh Nguyễn Phú Trọng, trong bản báo cáo đề dẫn tại một hội thảo ở Bắc Kinh về chủ đề “Kinh tế thị trường và CNXH”, dám khẳng định :

 ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu lý tưởng của những người Cộng sản và nhân dân Việt Nam, là khát vọng ngàn đời thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam.” (Nguồn: báo Nhân Dân số 17639 ngày 12-11-2003,trang 3,cột 2,dòng 18).

 Lúc này tôi đang bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu nên không cách nào bày tỏ được lòng “khâm phục” đối với sự bịa đặt vĩ đại này của ông giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, người đang cầm đầu giới nghiên cứu lý luận Mác- Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Hôm nay, tôi thấy có quyền chất vấn anh Nguyễn Phú Trọng : anh Trọng đã căn cứ vào nguồn tư liệu nào mà dám khẳng định dân tộc ta có khát vọng thiêng liêng đi lên CNXH từ ngàn đời nay?



 Cũng trong thời gian này, tôi càng kinh ngạc khi thấy anh Nguyễn Khoa Điềm, trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa của Đảng dám cả gan báng bổ cụ Hồ . Trong bài viết tưởng nhớ Tố Hữu nhân dịp giỗ đầu ông này, anh Điềm đã nhắc lại một lời nói của Tố Hữu như sau :

 “Sau khi thống nhất đất nước, Tố Hữu dành tòan bộ tâm lực tuyên truyền, giải thích nhằm tạo ra sự chuyển biến nhanh chóng về tư tưởng để xây dựng đất nước phồn vinh, theo con đường xã hội chủ nghĩa. Anh nói :”Nếu hôm qua, “không có cái gì quí hơn độc lập, tự do” thì hôm nay, ngoài cái đó ra, còn phải nói rõ thêm là không có gì quí hơn chủ nghĩa xã hội. Không có chủ nghĩa xã hội thì không thể sống được, thậm chí sự nghiệp độc lập, tự do cũng không thể giữ được.” (nguồn : Báo Nhân Dân ngày 5-12-2003 trang 5, cột 3, dòng 69)

 Anh Nguyễn Trung thấy đấy, chẳng lẽ một ông Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa trung ương lại không hiểu rằng trong một lời nói nổi tiếng của Cụ Hồ mà dám thêm chữ “cái” vào thì tỏ ý khinh thị và xấc xược biết chừng nào?

 Và chẳng lẽ anh Điềm lại không đủ thông minh để hiểu rằng khi nói “không có chủ nghĩa xã hội thì không thể sống được” là dối trá kinh khủng như thế nào. Hóa ra ngót 200 quốc gia không đi theo CNXH thì họ đều chết cả chăng?

 Nếu bảo rằng cả ông cựu trưởng ban lẫn ông đương kim trưởng ban đều là những kẻ dốt nát và xảo trá thì hẳn người ta sẽ chụp mũ cho cái tội : phỉ báng những người lãnh đạo đảng.

 Nhưng sự thật là cả người nói – ông Tố Hữu , và người nhắc lại – ông Nguyễn Khoa Điềm nếu không dốt nát và xảo trá thì hẳn phải là những người ở trạng thái tâm thần không bình thường.

 Ở cuối thế kỷ 20, thậm chí đến đầu thế kỷ 21 mà dám nói “không có CNXH thì không thể sống được” thì quả là đạt cấp siêu về tâm bệnh thần kinh.

 Và chính những người mang não trạng kiểu đó đã và đang dẫn dắt cả một dân tộc, một đất nước vào con đường nghèo nàn, lạc hậu thảm hại.

 Chắc cụ Karl Marx có tái sinh cũng đành chịu thua bọn “hậu sinh khả úy” này. Vì bọn này không chỉ vượt các bậc tiền bối cộng sản về sự nhầm lẫn mà còn tỏ rõ một tài năng xảo trá vào loại vô địch của thế kỷ. Một cái chủ nghĩa mà nước nào đã đi theo và bắt tay xây dựng thì hoặc là sụp đổ, tan rã, hoặc là bế tắc, lạc hậu khốn khổ; thế mà cứ bảo nhau khư khư bám víu thì quả là điên thật.

 Tôi không trách những kẻ điên hoặc giả điên vì thực chất họ bám víu cái gọi là CNXH chỉ vì muốn duy trì đặc quyền đặc lợi, chứ bản thân họ cũng hiểu rằng “xây dựng CNXH” hay “định hướng XHCN” đều là những chuyện tào lao trong thế giới này.

 Chỉ đáng trách những kẻ không điên và lại thuộc loại hiểu biết, loại ưu tú của dân tộc mà cứ ăn theo, nói theo hoặc ngậm miệng vô cảm. Giới trí thức và giới văn nghệ sĩ, đội tiền tiêu của dân tộc chẳng lẽ lại cam chịu cái tiếng hèn nhát và vô trách nhiệm mãi sao ?

 Tôi không tin rằng mọi người và nhất là giới thanh niên có học sẽ nhẫn nhục, cam chịu mãi mãi.

 Dân tộc Việt Nam ta không phải là một dân tộc thuộc loại xoàng nhưng có một nét dân tộc tính rất đáng ái ngại: cứ gần chết mới nổi giận. Và khi đã nổi giận thì mọi thứ phong kiến, thực dân, đế quốc đều bay hết.

 Hy vọng các vị đang tham nhũng hoặc đang bao che cho bọn tham nhũng hiểu rõ cái nét dân tộc tính tiêu cực đó để đừng dại dột dồn nhân dân vào cái thế “gần chết” . Nếu không thì dù có vu khống cho anh em dân chủ “kích động” cũng là quá muộn.

 Nên khôn ngoan cùng nhau ngồi lại đối thoại thân mật và thẳng thắn để tìm ra một lối thoát cho dân tộc, có lẽ còn kịp chăng ? Tôi tán thành những lời cảnh báo đầy tâm huyết của anh.

 Hy vọng những người lãnh đạo sớm tỉnh ngộ để hiểu rằng : hãy can đảm tạ tội trước Nhân dân và trả lại ngay Nhân dân mọi quyền dân chủ theo đúng Công ước quốc tế, mà trước hết là các quyền tự do báo chí - xuất bản, tự do lập hội và tổ chức một cuộc Tuyển cử tự do có quốc tế giám sát. Đó chính là những việc cần làm ngay. Chắc chắn Nhân dân sẽ sẵn sàng khoan hồng đối với những kẻ biết ăn năn, hối cải. Thư sau tôi xin bàn thêm về mấy chuyện này.

 Chúc anh chị và các cháu luôn luôn vui mạnh và bình an.

 Chào thân ái,

Trần Khuê
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn