BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vài suy nghĩ quanh “vụ án gián điệp” ở Việt Nam hiện nay

13 Tháng Ba 200412:00 SA(Xem: 1185)
Vài suy nghĩ quanh “vụ án gián điệp” ở Việt Nam hiện nay
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
12Vote
34
1. “Gián điệp”, họ là ai ?

Hai năm trở lại đây, người ta thấy Đảng cho bắt bớ, bỏ tù nhiều người quá: các chức sắc tôn giáo, người thiểu số ở Tây Nguyên, cựu chiến binh lão thành cách mạng, thương nhân, nhà nghiên cứu, v.v.. với nhiều tội danh được gán cho họ, nhưng đáng lưu ý hơn cả là tội “gián điệp”.

Ai cũng băn khoăn, không hiểu các “gián điệp” nọ được đào tạo theo trường phái nào: Mỹ, Nga, hay Tàu ? Chỉ thấy rằng “chiến thuật” của họ rất khác lạ. Đối với các tổ chức tình báo, thì bí mật là nguyên tắc số một, còn ở ta thì “gián điệp” lại hoạt động công khai, rất công khai.

Đối tượng mà các cơ quan tình báo truyền thống nhắm tới là bí mật quốc gia, còn đối tượng của các “gián điệp” ở ta thì đa dạng hơn nhiều: những bất công xã hội, tệ nạn cửa quyền, tham nhũng, thói xa hoa của cán bộ nhà nước, nỗi thống khổ của người dân bị áp bức bóc lột, vv…

Chẳng hạn như “gián điệp” Nguyễn Khắc Toàn không thể cầm lòng trước cảnh từng đoàn người dân lam lũ đổ về Hà Nội kêu oan. Hình ảnh những lá đơn viết sai chính tả, ngôn từ lủng củng tối nghĩa của những người dân thất học như cứa vào lòng chàng trai Hà thành nghĩa hiệp. Chàng trai ấy đã dẹp sang một bên nhiều công việc riêng tư để giúp dân viết lại những lá đơn cho rõ ràng hơn, chính xác hơn để gửi dến các cấp lãnh đạo. Nhưng, tất cả đều vô vọng.

Không phải lãnh đạo không biết đến. Chính ông thủ tướng Phan Văn Khải, trong một cuộc họp, đã than thở là nhiều đêm mất ngủ vì tiếng kêu oan của dân tập trung trước cổng nhà ông. Lẽ ra phải biết thương dân. Người ta đã bao lần gửi đơn khiếu kiện mà các cơ quan chức năng không giải quyết, đến nỗi phải lặn lội về tận Hà Nội, đến tận nhà các “nguyên thủ quốc gia” để tìm nơi bấu víu cuối cùng. Vậy mà ông Khải lại tỏ ra khó chịu. Các nhà lãnh đạo chân chính không bao giờ làm như thế. Nếu nói về nhân tâm thì ông thủ tướng Phan Văn Khải làm sao có thể sánh được với chàng trai Nguyễn Khắc Toàn. Ấy thế mà Nguyễn Khắc Toàn lại bị vu cho là gián điệp, chịu hình phạt 12 năm tù, 3 năm quản chế. Có ở nơi nào trên thế giới, luật pháp bị thay thế bởi sự tức giận của những người đứng đầu quốc gia như ở nước ta không ?

Không đoái hoài đến nỗi khổ oan khuất của dân đã là một tội ác. Trả thù, bỏ tù người giúp dân lại càng là tội ác. Tội ác chống lại nhân dân !

Trở lên trên là Nguyễn Khắc Toàn, vì giúp dân mà bị vu cho là “gián điệp”. Còn có người chỉ dịch vài chục trang sách cũng bị kết án “gián điệp”, đó là trường hợp bác sỹ Phạm Hồng Sơn. Bài viết “Thế nào là dân chủ ?” mà anh ta chọn dịch đã được đăng tải công khai trên trang web của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, bất cứ ai biết Anh ngữ đều có thể vào đọc được. Ấy thế mà chỉ cần dịch ra tiếng Việt là đã thành “gián điệp” rồi !

Nếu không vi phạm dân chủ, nếu không o ép nhân dân, thì tại sao các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản lại sợ bài “Thế nào là dân chủ ?” đến dường ấy, rồi bỏ tù dịch giả cho hả cơn giận dữ cá nhân ?

Có một loại “gián điệp” cũng hết sức lạ lùng, có lẽ là chỉ ở Việt Nam mới có. Đó là “gián-điệp-chống-tham-nhũng” !

Bao năm nay, nền kinh tế của chúng ta vẫn nghèo nàn lạc hậu, đời sống của nhân dân vẫn chồng chất biết bao khó khăn, Một bộ phận không nhỏ nhân dân lao động chân chính vẫn phải bạc mặt vật lộn với cuộc mưu sinh. Quan chức thì ngược lại, sống quá phè phỡn, làm thì ít, tham ô thì nhiều. Đứng trước nạn tham nhũng quá nhức nhối ấy, lãnh đạo đảng và nhà nước cũng lên tiếng chống tham nhũng để an dân, nhưng rồi đâu vẫn đó. Không thấy bất cứ một nỗ lực nào nhằm cải thiện tình hình. Rõ ràng là nói một đằng, làm một nẻo. Những lời hoa mỹ tuyên bố chống tham nhũng chỉ là sự lừa mị quần chúng.

Cuối năm 2003 vừa rồi, Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố chung về chống tham nhũng. Trên hệ thống truyền thông ở ta cũng thấy đưa tin về việc này. Họ còn cho biết là sẽ thành lập một uỷ ban chống tham nhũng không phụ thuộc vào chính phủ theo đúng tinh thần của tuyên bố chung đó. Nhưng, sự việc rất nên làm ấy lại bị ỉm đi, không thấy đả động gì đến nữa.

Thực ra, ý tưởng về việc thành lập một tổ chức chống tham nhũng như vậy không xa lạ gì với chúng ta. Tháng 9 năm 2001, gần 20 người tâm huyết đã ký vào một lá đơn xin thành lập “Hội nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng” do nguyên tổng biên tập tạp chí lịch sử quân sự - đại tá Phạm Quế Dương và nhà nghiên cứu xã hội Trần Khuê đứng đầu. Họ đã xuất phát từ ý tưởng cho rằng, nạn tham nhũng hiện nay đã trở nên hết sức trầm trọng, đó là một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Việc chống tham nhũng không thể mãi dừng lại ở việc hô hào mà phải sớm hành động thực tiễn. Hội được lập ra với tôn chỉ, mục đích rõ ràng là không hoạt động chính trị, kinh phí tự lo, chỉ có nhiệm vụ phát hiện tham nhũng để báo lại cho Đảng và nhà nước biết mà xử lý. Nhưng, thật đáng giận thay, chỉ sau khi gửi đơn lên trung ương (để xin phép !) một ngày, tất cả những người ký tên đều bị công an gọi lên hạch sách, khủng bố tinh thần. Và đến bây giờ, hai người đứng đầu đang bị giam cầm. Người ta vu cho hai ông tội gián điệp - “gián-điệp-chống-tham-nhũng !”.

Tại sao Bộ chính trị lại hoảng sợ “Hội nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng” đến thế, nếu như chính các “ngài ” ấy không tham nhũng ?

(Gần đây, trong một bài viết của ông nguyên uỷ viên Bộ chính trị, nguyên bộ trưởng bộ nội vụ (nay là bộ công an) Mai Chí Thọ, có đoạn chất vấn ông đương kim chủ tịch nước Trần Đức Lương về việc sửa nhà hết hơn ba tỉ đồng. Đấy mới chỉ là sửa chữa. Không biết lương của hai vợ chồng ông được bao nhiêu một tháng, không biết ông Lương có biết là, biết bao người dân Việt Nam còn đang bữa no, bữa đói ? Biết bao người dân Việt Nam phải chết vì không có đủ tiền chữa bệnh ?…)

Việc bắt giam hai người đứng đầu của hội chống tham nhũng, vu cho họ tội gián điệp, càng chứng tỏ tính chất bất lương, phi chính nghĩa của Đảng.

2. Vài lời khuyên dành cho các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trong quá khứ, đảng cộng sản đã phạm nhiều sai lầm như cải cách ruộng đất, “vụ án” nhân văn giai phẩm, “vụ án” xét lại chống đảng, … Giờ đây lại thêm một “vụ án” mới, đó là “vụ án gián điệp”. Tất cả những vụ án ấy đều nhắm vào thành phần ưu tú của xã hội đương thời. Nạn nhân là những người làm kinh tế giỏi, làm nghệ thuật giỏi, trí thức trong đảng cộng sản , và những người đấu tranh vì công bằng xã hội, vì một xã hội Việt Nam dân chủ giầu mạnh. Những vụ án sai lầm đã qua dù đã bị nhân dân lên án vẫn chưa được huỷ bỏ. Nay, dứt khoát không nên tiếp tục phạm sai lầm. Hãy thả tất cả những người dân chủ đang bị giam giữ. Đừng để trang sử đảng cộng sản thêm một vết nhơ tội lỗi. Đừng để lịch sử nguyền rủa.

Tôi xin chân thành nhắc nhở những người lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam hãy nhìn lại quá khứ, có biết bao kẻ khi sống ỷ quyền làm điều bạo ác, chết đi rồi không được nằm yên dưới mộ. Còn nếu cứ lún sâu mãi vào tội lỗi, cậy quyền thế hãm hại người vô tội thì trời không dung mà đất cũng không tha.

Hãy biết nghĩ đến lợi ích của nhân dân, của đất nước. Hãy xoá bỏ sự giam cầm các nhà dân chủ. Nhân dân và lịch sử sẽ hoan nghênh các vị. Đừng để sĩ diện cá nhân và sự cao ngạo làm lý trí bị lu mờ.

Hà nội ngày 13 tháng 3 năm 2004.

Tuệ Minh.

Nơi Nhận:

  1. Lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam.

  2. Các cơ quan báo chí, và tất cả những ai quan tâm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn