BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73484)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi

09 Tháng Mười Một 200612:00 SA(Xem: 856)
Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hội nghị APEC họp, Hà Nội bắt đầu vào đông, dẫu không phải cảnh lạnh thấu xương, rét quắt tai, tái môi, lòi mắt (vì khăn len, mũ len che kín măt), phải xuýt xoa, hít hà, thở phì phà ra khói như mọi mùa đông khắc nghiệt khác, song không hiểu sao lại có mưa đá? Cơn mưa trái mùa như một điềm gở báo hiệụ sự bại vong của triều đình cộng sản, một triều đình đã để lại qúa nhiều tội ác với dân tộc Việt Nam, đặc biệt là ngành giáo dục ... Muốn đi tới các nhà dân chủ cũng không được (Có đủ cả 1001 lý do để công an chặn cửa, bít cổng, quây kín chân cầu thang), đành sùm sụp khăn áo trong nhà, nằm dài như một con mèo lười để rồi thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi, theo lời kêu gọi của Đàn Chim Việt, khi mở cuộc thi “viết về đề tài giáo dục” mà không khỏi bàng hoàng vì “con voi” mình sắp vẽ – tuy đủ cả đầu, đuôi, đủ cả vòi, hàng năm ăn một lượng tiền khổng lồ của ngân sách nhà nước nhưng xem ra ngu đần qúa thể. Không biết lỗi tại nó: Con bỏi con boi, cái bòi đi trước – như trẻ em vẫn hát đồng dao hay lỗi tại người... chăn voi?

Tình hình giáo dục ở Việt Nam, quả thật đã ở mức báo động, nếu tính dấu mốc từ thời điểm giữa thập kỷ 80 – đổi mới cơ chế đến nay, bất cứ kỳ họp nào của quốc hội cũng sôi lên sùng sục khi bàn về vấn đề giáo dục. Nào đầu tư, thu chi ngân sách, tăng cường chế độ lương, thưởng, đổi mới chất lượng sách giáo khoa, điều chỉnh sự mất cân đối giữa miền xuôi và miền ngược, song ra khỏi cửa hội trường, lĩnh phong bì, suất ăn tươi, xe ô tô đưa về nhà rồi là tất cả lại mắc kê nô hết, mặc chất lượng giáo dục trôi nổi hoặc chìm nghỉm ở tận đâu. Có thế lần họp Cuốc hội sau còn có cái để mà bàn (dù là thảo luận sôi nổi những vấn đề đã đề cập từ lần trước, vẫn có ích hơn làm một bộ máy “nghị gật”, “vỗ tay”).

Đến hẹn lại nên, lần thảo luận nào, không khí trong hội nghị cũng “sôi” để rồi ra khỏi cửa là nguội lạnh và thả...nổi luôn. Bao nhiêu giải pháp quyết sách mạnh mẽ để giáo dục xứng đáng là quốc sách hàng đầu bị bỏ qua, khi quay về với nhà trường, giáo viên và học sinh, lại nghiễm nhiên trở thành... xách cuốc, như thơ nhại của cánh sinh viên:

Người học trò nghèo góp cho đất nước mình...dáng hình xách cuốc
Đời lắt lay như cọng cỏ, con sâu
Ước mơ chôn trong cực khổ bần hàn


Nghĩa là dẫm chân tại chỗ và thụt lùi cả thập kỷ so với thế giới. Cụ thể là chất lượng âm trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2005–2006 vừa rồi. Trong số 2,7 triệu học sinh dự thi (nhiều em thi ba trường), chỉ 7% đạt điểm trung bình 5 – một môn trở lên, còn lại 93% là điểm yếu, kém, thậm chí có thí sinh còn để giấy trắng, tử tế hơn là từ 1 đến 1,5 cho ba môn thi... Trong khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các trường từ miền núi đến miền xuôi – thấp nhất cũng đạt 92% (80% đạt tới con số kỷ lục, đáng ghi vào kỷ lục ghi net: 99,2, 99,5, 99,7, và 99,99%) ...Rõ ràng có cả một ngàn lẻ một sự gian lận trong thi cử cả phía thầy cô và nhà trường (cùng đồng loã, khuyến khích lũ nhất quỷ nhì ma này quay cóp, phô tô sách vở từ nhà vào phòng, hoặc giải sẵn đề thi cho các thí sinh tha hồ chép lại). Có thế mới có được thành tích cao tót vời này – đến mức, các bậc phụ huynh có con em dự thi phát biểu: Đây đích thực là con số ma, vì chỉ có ma mãnh, ma quái mới tạo dựng được thành tích bất hảo này, phàm đã là con người thì nhân vô thập toàn, làm sao thành nhân hữu ... cả 99,99% thế được?

Điều bất cập, mang tính nhỡn tiền này, thực sự đã gây nhiều tranh cãi trong các kỳ họp quốc hội, số ít đại biểu tích cực cho rằng kết quả đó là điều nguy kịch của nền giáo dục hiện tại, phải tìm ra mọi vướng mắc, yếu kém trong hoạt động của thầy và trò để huy động sức mạnh toàn dân tích cực giải quyết, nâng vấn đề giáo dục lên tầm vĩ mô, chứ không thể ngoảnh mặt trước thực trạng giáo dục đang xuống dốc không phanh rồi kẹt cứng, sa lầy được. Phải nhìn xa vào cả xu thế thế giới lẫn hiện trạng Việt Nam để kéo nền gíao dục lên khỏi vũng bùn, khi còn có thể, nếu không muốn chết sặc trong vòng mươi năm nữa.(Thời đại toàn cầu hoá và kinh tế trí thức này, chỉ cần giáo dục tụt hậu thêm một thập kỷ nữa, đủ đưa đất nước đến bến bờ của sự đào thải, tuyệt vọng).

Phần đông với cái nhìn thiển cẩn hũ nút, giáo điều, phản đối gay gắt, dù sự việc rõ như ban ngày rồi mà các uỷ viên trung ương và các ngài nghị gật vẫn bình chân như vại, thậm chí họ cho rằng việc công khai kết quả thi đại học trên mặt báo chẳng qua chỉ là vạch áo cho người xem lưng. Cho dù giáo dục có xuống cấp tệ hại chăng nữa cũng chẳng chết ai. Tròn hai thập kỷ qua, kể từ ngày đổi mới, đời sống nhân dân vẫn lên, kinh tế cứ tăng trưởng đều đều, có sao đâu? Sao lại phát biểu vô trách nhiệm, thiếu ý thức xây dựng đến vậy (Giáo dục là ...xách cuốc)? Hơn nữa kết quả cuộc thi ôlympic tiểu học của học sinh Việt Nam trong hệ thống Asean đạt giải thưởng xuất sắc chẳng nói lên điều gì sao? Rồi kết quả khảo sát một số lớp tiểu học ở Hà Nội với tiểu học ở Mu Nich(Đức) cuối năm 2005 nữa, Chính báo chí Đức đã từng tuyên bố: So với trẻ em Đức, trẻ em Việt Nam tỏ ra chăm chỉ, có kỷ luật và ngoan ngoãn hơn ... chẳng phải là điều đáng tự hào sao?

Binh pháp Tôn Tử nói: Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng… một điều nhỡn tiền là ta không những không hề biết người, mà còn biết về ta quá ít, gía như trong cuộc thi có đủ mặt tất cả các nước trong hệ thống ASEAN, liệu Việt Nam có đỗ đầu không? Tại sao Singapore là nước phát triển nhất với mức thu nhập GDP hàng năm gấp cả vài chục đến trăm lần Việt Nam (gần 30 nghìn USD, so với Việt Nam không đầy 500 USD) lại không dự thi? Chẳng qua họ coi đó chỉ là trò trẻ, còn trò lớn của họ là dồn sức cho hệ đại học để thu hút các học sinh khắp nơi trên thế giới đến du học kia. Liệu Việt Nam mình có dám quảng cáo rồi cạnh tranh quyết liệt như họ không? Hay chỉ những kẻ ngô ngọng không biết gì về đất nước, con người, đặc biệt là nền giáo dục Việt Nam mới đâm đầu vào? Còn trong nước thì cứ có điều kiện là gồng mình, dồn sức cho con sang Singapore, Nhật Bản, Anh quốc, Pháp, Mỹ, Úc học, dẫu có tốn tiền tỉ cũng cố. Chỉ nhà nào lép vế, bị aó cơm đè đầu thúc gối, chỉ đủ thoả mãn bần cố nông mới chịu để con ở lại – vì biết tấm bằng cử nhân trong nước thật chẳng có chút gía trị gì – như quan niệm của thời hiện đại: Giàu nó ghét, nghèo nó khinh, tài giỏi thông minh, nó không sử dụng (!). Dẫu có đỗ đại học – học đại để lấy tấm bằng đi chăng nữa chẳng qua cũng chỉ là một thứ Từ Hải nhốt trong vây, còn chỗ đứng đích thực của con cái sau năm 5 ra trường phụ thuộc vào túi tiền của bố mẹ . Cứ có “chỉ, có cây” cho lãnh đạo và cán bộ tổ chức tiêu vung tí mẹt, lập tức sẽ có chỉ tiêu phân bổ việc làm ngay. Ngược lại hãy đợi đấy. Nếu tao không có chỉ để tiêu thì đời mày cũng chỉ còn nước ... tiêu luôn. Mật ít, ruồi nhiều mà.

Trừ trường hợp nhờ bố mẹ phá vây bằng cách ra nước ngoài học, ở lại tìm việc, kiếm tiền, còn bằng đỏ, bằng đen cào bằng hết. Người Việt Nam đi học là để lấy bằng đâu phải lấy kiến thức, Cho dù có là hệ tại chức: Học tại chỗ, đỗ tại thầy đi chăng nữa mà có đô la đi trước thì cửa nào cũng lọt, ngược lại hữu tài mà không tiền cũng chỉ là một kẻ vô phận suốt đời mà thôi, lại chuẩn bị đóng góp cho đất nước một dáng hình... xách cuốc (!)

Một điều nhỡn tiền mà các vị đầu sở, đầu bộ giáo dục cố tình bỏ qua trong bài báo mang tính thử nghiệm của Đức là chỉ số IQ của trẻ em ở Munich cao hơn hẳn trẻ em Hà Nội, nghĩa là chúng nghịch ngợm, hiếu động hơn nhưng thông minh hơn, chứ đâu chỉ chăm chỉ cù lần như trẻ em hệ tiểu học ở Việt Nam?

Cũng bởi thời gian này, Hà Nội đang là thực hiện lệnh giới nghiêm, chống bạo động 24/24 giờ, tôi lại phải “dạt vòm” sang nhà mẹ đẻ, nên suốt mấy ngày nằm dài chờ hội nghị, cũng là chờ một “cơn mưa số phận” đến với mình, tôi mới có thời gian xem lại bài vở của cậu cháu. Chao ôi, nó tả trong bài tập làm văn: Nhà em có nuôi một ông ngoại, trong khi lương đại tá vừa kịp về hưu như ông ngoại được không dưới 2,5 triệu, thường phụ thêm vào việc nuôi nó trong cảnh cả con gái lẫn con rể đều thất nghiệp dài ... Giật mình, tôi bảo:

Chết sao cháu lại tả thế, nếu ông biết là ông giận đấy.

Đáp lại thái độ đặc biệt nghiêm túc của tôi, nó tỉnh khô:

Tại cô giáo dạy bài mẫu tả con mèo, rồi bắt về nhà tả “người mà em quý nhất”, cháu cứ theo bài mẫu cô cho mà chép vào vở thôi, chứ cháu làm gì có thời gian nào mà làm nữa?

Thì ra là thế, tôi ái ngại đọc lại bài của cậu cháu “đít tôn” một lần nữa, lòng trào dâng bao cảm xúc: xót thương, hẫng hụt, tiếc nuối ... Cũng may nó chưa ngớ ngẩn đến mức tả ông ngoại có móng vuốt và cả đuôi (!), còn con mèo làm gì ông làm thế, có râu ria, mắt xanh, mũi đỏ, dáng đi nhún nhảy, hay sà vào lòng nũng nịu hoặc chui vào chăn ngủ cùng cả nhà khi trời lạnh giá, thì ông ngoại cũng hệt như vậy, kể cả động tác vồ ... bà (thay cho động tác vồ chuột)... Cười chảy nước mắt, tôi giở trang cuối cùng, nghĩa là ngày 9/11/2006 – đang ở lớp học tại trường, xem nó tả cây chuối trong vườn, quả thật vô cùng sinh động và hấp dẫn. Nào là: “Cây chuối mọc ở giữa sân, lá chuối khi non có màu đỏ tía, khi già thành màu xanh, to đúng bằng bàn tay trẻ nhỏ. Mùa hè chuối làm bóng mát cho lũ trẻ con đến chơi, con gái chơi trò chắt, chuyền, rồi ô ăn quan, con trai chơi trò bịt mắt, bắt dê... Mỗi khi có gió thổi, cả chục chiếc lá lại rụng xuống khắp sân, chạy rào rào trên nền đất cứng. Khi tiết lạnh của mùa đông kéo về, lá chuối rụng cả loạt, phơi ra những cánh tay dài khẳng khiu, hươ hươ trên nền trời, trông thật ảm đạm.. Khi xuân sang, cả ngàn búp chuối lại nở đỏ rực cành, như chào mời bầy chim đến trú ngụ” ...

Đọc đi, đọc lại, mới biết cu cậu tả cây chuối theo bài mẫu cô dạy về cây bàng ở sân trường trong sách giáo khoa. Thực tình từ bé, nó đã được nhìn thấy cây chuối đâu, còn nhà ở giữa đỉnh giời trong khu tập thể, lấy đâu ra vườn mà trồng chuối?

Cho dù có muốn cho cháu được về quê thâm nhập thực tế, phân biệt bò với trâu, ngan với vịt, cá chép với cá giếc, cá trắm, cá mè cũng khó, vì suốt ngày phải nhồi rồi. Hết nhồi ở trường hai buổi, lại học thêm một tiết cuối ở lớp đến tận 18 giờ tối, rồi nhồi thêm thứ bảy, chủ nhật ở nhà cô... Nếu bố mẹ không tích cực gia nhập “đội quân đưa rước chuyên nghiệp” (xe ôm không lệ phí) cả tuần đủ 7 ngày chở con đi đi về về từ nhà mình đến nhà cô và nhà trường – là phương pháp 3D của cô phát huy hiệu lực ngay (vừa dạy, vừa dỗ, vừa doạ). Tất nhiên không loại trừ trường hợp dỗ là chủ yếu, bao nhiêu trường hợp xót con, thương cháu, tiếc tiền mà vô hình chung biến đứa trẻ thành kẻ...ngu đần, mất dạy ngay trước mặt cô. Thế là thay vì được cô dỗ tại nhà, ngày ngày phải viết dưới giá treo cổ một lượng bài tập khổng lồ, hoặc chép đi chép lại một bài vớ vẩn nào đó, không dưới hai mươi lần...cho đến tận 23 giờ đêm, vừa viết vừa ngủ gật ...theo đúng kiểu “doạ” của thầy, cô – những “kỹ sư tâm hồn” song lại đang tâm đánh mất tâm hồn mình chỉ vì số tiền lương đói nghèo.

Đầu vào đã vậy, còn đầu ra là tỷ lệ áp đảo thí sinh đạt dưới mức trung bình cả ba môn (93/100%) đủ để hiểu giáo dục Việt Nam trong thời điểm hiện tại thế nào? Học cái nhìn trong thơ Tố Hữu: “Ta đứng đây mắt nhìn 4 hướng, trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau, trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu” mà không khỏi giật mình trước thảm cảnh của nền giáo dục nước nhà suốt 76 năm qua, kể từ khi có đảng cộng sản lãnh đạo. Bao hiền tài nguyên khí quốc gia lặng lẽ chôn vùi, bao nhiêu con người hai tay phải chắp lại, mắt phải khép xuống, đầu óc phải nghĩ theo cùng một khuôn, sống từ bé đến lớn (thậm chí đến già) phải làm theo những điều đảng dạy. Trí tuệ con người chỉ còn là cái túi rỗng để bỏ vào đấy các kinh nghiệm giáo điều. Bao nhiêu sách vở đều phải viết giống nhau trên cơ sở một nội dung ấy, câu chuyện ấy, ngôn ngữ ấy. Học chỉ cốt học gạo, thuộc lòng, đối phó với thầy cô, với chương trình thi cử trong các cuộc thi vượt rào, vượt cấp, chứ không có nổi thời gian để tâm nhận xét, so sánh, thậm chí, không cần học hỏi, tìm hiểu xem mọi sự vật đang diễn ra hàng ngày trong trong cuộc sống, xã hội quanh mình ra sao? Cứ thế cha truyền con nối, con không được làm khác với cha. Đời sau không được thay đổi nề nếp luật định của đời trước... Cứ thế tất cả khô héo dần, hoá đá dần, không một mầm xanh nào được mọc lên trong tâm tưởng con người... Thật là chua xót, trớ trêu, trong khi tiền tỉ cứ bỏ ra, sách giáo khoa cứ cải cách xoành xoạch, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư được đào tạo nhiều nhất khu vực Đông Nam Á thì đại học Việt Nam xếp gần cuối bảng – có lẽ chỉ còn hơn được Căm Pu Chia, chứ Lào cũng sắp áp đảo rồi…Lẽ nào, giữa thời cộng sản, nơi những cái vô lý làm nên cuộc đời, thằng dốt ngồi trên đầu thằng giỏi, văn hoá sơ đẳng bóp nghẹt văn hoá siêu đẳng, nên lợi ích trăm năm trồng người của cụ Hồ chỉ có vậy? Con bỏi con boi, dù hàng năm ăn một lượng tiền khổng lồ của ngân sách nhà nước nhưng sự ngu đần vẫn không thể nào cải tạo?

Hà Nội – những Ngày hội nghị APEC 2006 họp
Trần Khải Thanh Thủy

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn