BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73486)
(Xem: 62248)
(Xem: 39439)
(Xem: 31183)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

“Trí Thức” là gì? Ai là Trí thức? (kỳ 2)

16 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 1241)
“Trí Thức” là gì? Ai là Trí thức? (kỳ 2)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 Trí thức trong thế giới cộng sản

 Chuyện kể: Đảng (ta) chỉ thị cho nhà nước (ta) xây một trung tâm sinh hoạt. Căn lầu 4 tầng "hoành tráng“ không kém gì lâu đài "Con ngỗng trắng“ (Neuschwanstein, nơi mỗi năm có nhiều triệu du khách tới tham quan) do ông vua cuối cùng của bang Bayern xây trên đỉnh núi tại miền Nam Đức xây trong thế kỉ 19. Tầng dưới căn lầu được dành cho các cháu nhi đồng, tầng kế cho các cán bộ, tầng ba cho các trí thức văn nghệ sĩ nhà nước – dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hữu Ước, và tầng trên cùng cho các lãnh đạo Đảng và nhà nước. Nhưng, cũng như lâu đài Ngỗng Trắng ở Đức, trung tâm sinh hoạt kia không có một cầu tiêu nào cả. Khi được Quốc hội (ta) chất vấn thì khâu thiết kế báo cáo như sau: Thưa các đồng chí, tầng trệt không cần cầu tiêu, vì các cháu đã có bô đựng; tầng của cán bộ cũng không cần, vì bọn này suốt ngày lo đi cải thiện ở đâu, chứ có bao giờ có mặt ở sở đâu; tầng cho trí thức văn nghệ sĩ cũng không cần, vì bọn này khi cần chúng ỉa lên mặt nhau chứ đâu vào nhà xí; và tầng lãnh đạo lại càng không cần, vì đã có đám bưng bô đứng chực sẵn.

Dành cho trí thức văn nghệ sĩ (dù là trí thức của Đảng) cả một lầu là chuyện rất mới, một xuyên tạc giáo lí chính thống. Biến cố này chỉ mới xẩy ra sau ngày Đảng (ta) "đổi mới“, nghĩa là sau khi chủ nghĩa cộng sản tự nguồn cội đã ngủm cù đeo.

Giáo lí cộng sản coi Trí thức là thành phần có học, thành phần "lao động trí óc“ (dĩ nhiên trong đó không có anh luật sư Lênin, kẻ được mệnh danh là "người lao động trí óc cho cách mạng“), thành phần không sản xuất, chây lười lao động, dễ chao đảo, quen thoả hiệp, chủ bại, tiểu tư sản phản động, nguỵ và đủ mọi thứ biếm ngữ đê tiện khác, tùy sáng kiến của các đảng cộng sản. Nói tóm lại Trí thức là một cái bãi – hay nói đúng bài bản theo Lênin, là một giai cấp "Giai cấp Trí thức“, nơi đó dùng để đổ tất cả những thứ rác rưởi bị xem là phản động chống lại Đảng, chống lại giai cấp vô sản, chống nhà nước của Đảng cộng sản!

Cái nhìn tiêu cực kia về Trí thức được khởi đi từ Lênin. Ông này học được luận điệu của đám lề phải khi đang phải lang thang tị nạn ở Âu châu. Và ông đã biến luận điệu đó thành giáo lí cho phù hợp với giáo thuyết đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Thật ra đó cũng chỉ là một thứ bình phong lí luận. Cộng sản là một thứ tôn giáo với chủ trương cướp giữ quyền lực tuyệt đối. Họ cần tín đồ cuồng tín chứ không cần giáo sĩ (những người học thức, những người có chút suy nghĩ độc lập), đặc biệt là những giáo sĩ không xuất phát từ lò của họ. Đây là thành phần mà họ coi là lừng khừng, không dễ khuất phục trước những bạo hành tuỳ tiện của chúng; là thành phần mà họ đánh giá là vì khả năng hiểu biết dễ ảnh hưởng lên quần chúng, dễ chống lại chúng, cần phải đề phòng và ngăn diệt kịp thời.

Chính sách truy diệt kia được cụ thể hoá ở Việt Nam với khẩu hiệu "Trí, phú, địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ“; ở Cam-bốt qua Pôn-pốt với trên dưới hai triệu nhân mạng, đặc biệt là những người biết chữ; ở Nga với 25 ngàn trí thức Ba-lan bị Stalin vùi chung ở cánh rừng Katyn; ở Tàu với hàng triệu nạn nhân đặc biệt trong cuộc "cách mạng văn hoá“, là vì theo Mao, Trí thức không bằng cục phân, phân còn dùng được để bón ruộng! Một vài thí du tiêu biểu.

Tóm lại, đối với thành phần được/bị gọi là Trí thức, Cộng sản và Quốc xã có cùng một chính sách như nhau, dù ngôn từ khẩu hiệu có hơi khác.

 Trí thức trong quan niệm của J.P. Sartre



Như đã nói, nước Pháp là nơi đẻ ra "Trí thức“, và trong cuộc tranh luận dai dẳng về từ ngữ này, người Pháp đã không nản chí như người Đức và đã không mất trí như Quốc xã và Cộng sản trong nỗ lực kiếm tìm nội dung cho khái niệm này.

Một người Pháp được biết nhiều trong nỗ lực này là triết gia Jean Paul Sartre.

Sartre bảo, Trí thức là "sản phẩm quái gỡ của những xã hội quái lạ“ (monstrueux produit des sociétés monstrueuses). Như vậy theo ông, Trí thức là những Quái vật (monstres), vì chúng chẳng giống ai. Trí thức có thể xuất hiện tuỳ vào hoàn cảnh đặc biệt của từng xã hội. Họ là con đẻ của từng xã hội, nhưng không nhất thiết là sản phẩm của xã hội đó. Tại sao? Vì họ vẫn là một thành phần của "quần chúng nhân dân“, nhưng đồng thời lại không là quần chúng nhân dân; họ có thể xuất thân từ đám "đại gia“ nhưng đồng thời tách khỏi đám đại gia thất đức. Họ là thành phần ngô chẳng ra ngô khoai chẳng ra khoai. Không ai yêu cầu hay ép họ ra nông nỗi như thế. Mà tự họ muốn thế, họ tự cảm thấy bị thôi thúc làm quái vật. Như vậy Quái vật, trước hết, trong hai tính cách: Trí thức là một người của quần chúng, ở giữa quần chúng, nhưng lại không giống quần chúng, vượt ra khỏi quần chúng; thứ đến, Trí thức là Quái vật, vì chẳng ai hiểu được họ: Trong lúc họ làm những điều mà họ cho là phải làm, thì vợ con đồng nghiệp lại chửi họ là thứ "ăn cơm nhà vác ngà voi“, thứ làm "chuyện ruồi bu“, là "những đứa ngu“ tự chuốc hoạ vào thân!

Việc lên tiếng bênh vực 6 tín hữu công giáo ở Cồn Dầu của luật gia Cù Huy Hà Vũ bị / được coi là hành động của một con quái vật. Trong lúc những vị lãnh đạo tinh thần trực tiếp của họ khôn ngoan im lặng hoặc khôn khéo bán cái (Giáo quyền nằm trong tay Chính quyền), thì ông luật gia kia là thằng ngu (!), chẳng mất ông mất cha gì lại tự chuốc hoạ vào thân, làm khổ cho Đảng và công an (ta) phải nhọc sức tốn của bày mưu tác kế để bắt ông. Ông nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng là một quái vật, khi đang không ngớ ngẩn nói ra những sự thật giữa một đám kên kên đểu trá đang chờ lệnh để xé thịt.

Song nếu gặp may, những Quái vật kia sẽ được phong thánh, trở thành những Quái vật thánh (Sartre: monstres sacrés), không ai còn dám đụng đến, như kiểu tổng thống De Gaulle đã trả lời khi cơ quan an ninh xin phép bắt tên triết gia chuyên khuấy rối: Không thể bắt một người như Sartre được! Họ có thể lại được giải Nobel, như ông Lưu Hiểu Ba vừa rồi, để may ra thoát tù, thoát chết. (Trước đây Sartre cũng được trao giải, nhưng ông đã không nhận, với lập luận rằng, nếu nhận, ông sẽ được/bị đưa vào ngồi chiếu trên, không còn được ngồi bệt xuống đất với quần chúng nữa). Trái lại, nếu không may, những Quái vật đó sẽ bị bịt miệng, bị "quần chúng tự phát“ đánh gẫy xương vỡ đầu hay bị tù vì tội "lợi dụng dân chủ“, "âm mưu lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa“ hoặc kẹt quá thì "tội trốn thuế“, "tội ở khách sạn … với bao cao su đã qua sử dụng (!)“, thậm chí có khi được xe mật vụ cộng sản tông đưa về gặp cụ Mác cụ Mao.

Trên đây là vài điểm khác người của Trí thức.

Nhưng Trí thức từ đâu ra và khi nào thì được gọi là Trí thức?

Để trả lời, trước hết phải hiểu Sartre quan niệm về con người thế nào đã. Có thể tóm tắt tư tưởng của ông như sau: Con người là một "dự án“ sáng tạo luôn hướng tới một cái gì còn trong tương lai, chưa có. Chẳng hạn: Người thợ được trả lương và anh ta/ bà ta luôn tìm cách để làm sao có được lương cao hơn; người nông dân cố gắng lam lũ để tương lai đỡ cực; người khoa học luôn đi tìm những khám phá mới; người dân trong một chính quyền áp bức luôn tìm cách để có được tự do… Mà muốn đạt được cái chưa có đó, con người phải có khả năng vượt ra khỏi tình trạng hiện tại để dùng đầu óc đưa mình hướng tới những mục tiêu nhắm tới. Và, dưới ánh sáng của cái mục tiêu nhắm tới đó, họ "phủ định“ hiện tại (không thể sống mãi như thế này được!), họ đánh giá hiện tại (một xã hội bóc lột!), đồng thời nghĩ ra phương cách làm sao để thoát ra tình trạng đó. Theo Sartre, con người làm việc này (phủ định, đánh giá, tìm phương cách giải quyết) trong suốt mọi giây mọi phút cuộc đời mình, không ngưng nghỉ. Hành động liên tục phản kháng hiện tại và tìm cách đạt tới cái chưa có đó là minh chứng cụ thể nhất cho sự hiện hữu của con người. Ông nói: "Cách học hỏi duy nhất là thắc mắc, là đặt lại vấn đề. Đó cũng là cách duy nhất để người trở thành người“.

Trên nguyên tắc, theo Sartre, mọi người, bất luận ai, đều có khả năng nghi ngờ thực tại và tự đặt vấn đề để đi tới. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng nghĩ ra được phương cách để giúp mình thực hiện ước vọng. Ở đây, sự phân công xã hội đã tạo ra một nhóm người có khả năng nhìn ra được những phương cách để đạt mục tiêu, đó là thành phần mà ông gọi là những "Kĩ thuật gia về kiến thức thực tế“, mà nay ta có thể nói là thành phần tốt nghiệp đại học, gồm các kĩ sư, các nhà khoa học, bác sĩ, luật sư, nhà giáo… Cứ theo lập luận của Sartre thì sự phân công xã hội đã tạo ra ba hạng người: thành phần lãnh đạo, tầng lớp kĩ thuật gia và công nhân. Thành phần lãnh đạo đặt ra mục tiêu (chẳng hạn cần điện nguyên tử), các kĩ thuật gia nghĩ ra các kế hoạch xây dựng nhà máy và tầng lớp công nhân thực hiện các kế hoạch đó. Trí thức xuất thân từ thành phần Kĩ thuật gia, chứ không từ đâu khác. Ở điểm này, lí luận của Sartre hơi mâu thuẫn. Một mặt ông bảo Trí thức xuất thân từ thành phần Kĩ thuật gia – là thành phần có học, nhưng mặt khác, ông vẫn giữ quan điểm là ai ai cũng có thể trở thành Trí thức. Nhưng Kĩ thuật gia chưa hẳn là Trí thức. Trí thức chỉ xuất hiện, khi nhà kĩ thuật í thức được những mâu thuẫn (xã hội) và dám đứng dậy đặt vấn đề để thoát ra khỏi tình trạng mâu thuẫn đó, chứ không nhắm mắt làm ngơ, chấp nhận thoả hiệp hay nín thở qua sông.

Như vậy, theo Sartre, Trí thức là những tác nhân chính tạo biến chuyển, đưa xã hội và nhân quần đi tới; vai trò của họ là "chỉ ra, chứng minh, lột mặt nạ và dùng chất cường toan phê phán đốt tan đi những huyền thoại lẫn linh vật“. Tắt lại: "Trí thức là một số đông người nhờ công việc tri thức của mình mà đạt được một sự nổi tiếng nào đó, và họ đã lạm dụng sự nổi tiếng này để bước ra khỏi lãnh vực chuyên môn của mình để phê phán xã hội và trật tự đang có nhân danh một nhân sinh quan mang tính toàn cầu và giáo điều“.

(Ở đây chỉ bàn tới lí luận của Sartre về Trí thức, không bàn đến con người với một số hành vi phản Trí thức cụ thể của Sartre)

Phạm Hồng-Lam, CVK

(Kỳ 3: Đi tìm một nội dung thích hợp)

Theo Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn