Là một nước công nghiệp tiên tiến, với nền kinh tế tiêu thụ đại chúng, hàng hoá vật chất sung mãn, người dân Mỹ sống một cuộc sống như trên thiên đàng. Hoa Kỳ trở thành miền đất trong mơ của hàng triệu người trên thế giới.
Do đó, với tinh thần khai phá, với tính tự mãn, từ sau 1945, Hoa Kỳ quyền lực vô song và tham vọng lớn lao, tự đặt cho mình hai sứ mạng lớn trên bình diện quốc tế: (1) vai trò “Cảnh Sát Toàn Cầu” (Global Policeman) để theo dõi và cưỡng chế, giúp giải quyết các tranh chấp các khu vực trên năm châu, duy trì trật tự thế giới; và (2) vai trò “Xây dựng Quốc gia” (Nation Builder) nhằm đem mầm mống dân chủ tự do gieo rắc đến những đất nước còn lạc hậu.
Sau Thế Chiến 2, thế giới bị chia làm hai cực Tư Bản và Cộng Sản, cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu hình thành. Học thuyết Truman do Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman đề ra hứa hẹn giúp đỡ các quốc gia phe thế giới tự do ngăn chặn làn sóng đỏ từ Liên Sô “...it was an era of aggressive peacetime policy which marked the beginning of America's role as global policeman”. Hơn nửa thế kỷ, Hoa Kỳ và Liên Sô cùng miễn cưỡng chấp nhận vai trò của đối thủ nhằm giữ cho thế giới không bị rơi vào hỗn loạn đưa đến chiến tranh nguyên tử mà chắc sẽ hủy diệt nhân loại. Đến năm 1991, sau khi Liên Sô và khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, Hoa Kỳ nắm độc quyền và chuyển mũi dùi qua kẻ thù mới là các lực lượng khủng bố Hồi Giáo. Đây là thời cực thính của Hoa Kỳ dưới quyền Tổng Thống Reagan với công đầu xoá sổ Liên Bang Sô Viết và khối Đông Âu.
Trong cả hai giai đoạn này, lúc nào cũng có gần hai trăm ngàn quân Mỹ ở hơn 100 quốc gia để trấn đóng và có khi can thiệp trực tiếp vào chiến cuộc. Vào thời điểm ngày hôm nay, có 131,462 quân Mỹ đóng ở Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, 64,190 ở Âu Châu, hơn 23 ngàn ở các nước Trung và Nam Mỹ, 11,217 ở Nam Á, Trung Á, Tây Á, Nam Á và Ấn Dộ Dương. Các nước có đông quân sĩ Hoa Kỳ được kể là: Đức (25,486), Nam Hàn (26,326 người), Anh Quốc (9,515), Bahrain (4008), Spain (3,256), Turkey (1808), Saudi Arabia (1520), Belgium (1170), Kuwait (1146).
Hoa Kỳ đã trực tiếp nhúng tay vào chiến cuộc tại trên dưới 50 nước; có khi là nội chiến, có khi là chiến tranh ý thức hệ, hay chống khủng bố, và cũng có khi là chiến tranh chống găng tơ mua bán ma túy… Trong suốt hơn 70 năm qua, quân số tham chiến của Hoa Kỳ cao nhất là trong chiến tranh Việt Nam với hơn 2.7 triệu binh sĩ lượt tham chiến và ở mức cao nhất trong một thời điểm là hơn 543 ngàn quân vào tháng 9 năm 1969.
Những thất bại của Hoa Kỳ
Nhưng đáng nói là trong đa số những cuộc chiến đó, Hoa Kỳ đều gánh lấy thảm bại. Hoa Kỳ đã nhiều lần rút quân, bỏ rơi đồng minh sau hàng chục năm có mặt với hàng chục tỷ đô la viện trợ, hàng chục ngàn ngàn thanh niên Mỹ hy sinh hay thương tật, bội ước bao lần những lời hứa sắt đá…Nơi nào còm bám lại thì cũng nhượng bước cho các lãnh tụ độc tài hay gánh lấy sự thù ghét của dân chúng bản địa. Hậu quả đau đớn nhất là mất hết niềm tin nơi các đồng minh còn lại và làm cho kẻ thù có thêm cơ sở để lấn tới. Mới đây nhất là sự rút quân đột ngột ở Afghanistan sau hơn 20 năm can thiệp, chi tốn cả ngàn tỷ đô la, mất đi 2448 sinh mạng lính Mỹ, 3846 sinh mạng nhân viên dân sự Mỹ, và khoảng 2000 binh sĩ, dân chính các nước đồng minh khác. Đổi lại là con số không to tướng và sự sụp đổ uy tín và niềm tin trước cộng luận quốc tế.
Đi đôi với thất bại về quân sự, Hoa Kỳ cũng không đạt được thành công trong sứ mạng “Xây Dựng Quốc Gia”.
Họ đã quá hãnh tiến và tự cho mô hình dân chủ của mình là tối ưu để có thể áp đặt lên bất cứ quốc gia nào! Họ quên rằng mỗi nước có những đặc thù riêng về văn hoá, xã hội, kinh tế… mà bất cứ mô hình nào cũng phải được xem lại, sửa đổi sao cho phù hợp với hoàn cảnh từng nơi.
Lấy Việt Nam làm thí dụ.
Năm 1954, Hoa Kỳ bước chân vào Việt Nam thay thế Pháp để giúp xây dựng nền Cộng Hoà mới mẻ tại miền Nam. Nước ta đang ở trong tình trạng lạc hậu vừa về kinh tế, vừa về chính trị. Có thể nói Việt Nam lúc đó còn ở trạng thái kinh tế nông nghiệp với 80% dân số sống ở nông thôn, chưa hề quen với ngọn đèn điện, hay công cụ cơ giới; chưa có chút điều kiện nào cho sự chuyển tiếp lên nền kinh tế phát triển.
Về tâm lý chính trị, Việt Nam thời đó vừa qua khỏi hàng ngàn năm quân chủ mà ảnh hưởng Nho Giáo đã thâm nhập sâu xa vào đời sống. Họ chỉ có một tâm lý tôn trọng tuyệt đối vương quyền, an tâm với số mệnh do trời định đoạt. Trình độ dân trí thì rất thấp. Đa số không biết chữ. Vì thế khái niệm về dân chủ, cộng hoà là những gì xa vời mà họ chưa từng nghe đến. Ngay trong số 20% còn lại sống ở thành thị, thì cũng chỉ có số rất ít ỏi người hấp thụ nền học vấn Tây Phương để hiểu sự vận hành của các chế độ dân chủ! Một trăm năm dưới sự đô hộ của Pháp cũng chỉ đào tạo ra một tầng lớp thư lại để phục tùng, phục vụ quyền lợi của chủ Tây.
Người Mỹ đem vào môi trường lạc hậu này nào là tự do cá nhân, tự do báo chí, nào là tam quyền phân lập, dân chủ trong bầu cử, ứng cử… và cho rằng dân Việt Nam sẽ hân hoan đón nhận ngay. Họ quên rằng Việt Nam chưa có nền móng cho những thứ xa xỉ đó. Trẻ sơ sinh trước khi bước đi, thì phải qua các giai đoạn lật, bò…
Vào những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 mà có được những lãnh tụ như ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu thì thật là hiếm hoi. Các ông dù tân tiến đến đâu, dù từng có thời gian quan sát, học hỏi ở ngoại quốc, cũng chưa thoát ra khỏi những khái niệm truyền thống sót lại từ ngàn năm. Khi ông Diệm về nước chấp chánh ngày 7 tháng 7 năm 1954; rồi được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của nước Cộng Hoà sơ khai; chung quanh ông chẳng có mấy bạn bè, đồng chí, mà chỉ toàn là kẻ thù hăm hẹ triệt hạ ông để dành quyền bính bảo vệ các đặc quyền đặc lợi bất chính của họ. Ông phải tin dùng ai nếu không phải là người em có nhiều kiến thức chính trị cấp tiến? Ông sẽ đặt vào các chức vụ then chốt những ai nếu không phải là người ông từng biết qua và có phần tin tưởng vào họ?
Việc xây dựng hạ tầng làm nền tảng cho chế độ dân chủ đã được ông tiến hành từ từ, có lớp lang chứ không thể nóng vội. Trước hết là lập hiến, lập pháp, lập quy. Nâng cao dân trí, giáo dục chính trị căn bản, đào tạo các bộ hạ tầng, tu nghiệp công chức thượng tầng… Hoa Kỳ không có kiên nhẫn chờ thực hiện diễn trình này. Họ cứ coi chính quyền Ngô Đình Diệm là trở lực chính của sự phát triển dân chủ.
Chưa nói tới vấn đề chiến lược quân sự khi chính quyền ông Diệm, vốn hiểu biết về Cộng Sản Đông Dương và cuộc chiến mà Mao Trạch Đông gọi là Chiến Tranh Nhân Dân. Ông Nhu đã đề ra thuyết Cần Lao Nhân Vị để dối phó với thuyết Mác Xít; đã áp dụng quốc sách Ấp Chiến Lược để ngăn cộng quân xâm nhập vào dân chúng; đã mời những nhà quân sự kinh nghiệm để huấn luyên quân đội những chiến thuật chống du kích thay vì chấp nhận cho quân Mỹ tham chiến trực tiếp làm mất chính nghĩa quốc gia để Cộng Sản có cơ hội tuyên truyền lừa gạt dân chúng và quốc tế! Những chương trình này đang chứng tỏ sự thành công thì người Mỹ bất bình vì khó thuyết phục ông Diệm làm theo ý họ. Họ phụ hoạ với kẻ thù ông Diệm mà ai cũng biết là có bàn tay Cộng Sản dính vào, la toáng lên nào là gia đình trị, nào là độc tài rồi nhẫn tâm bật đèn xanh cho đám tướng lãnh hạ bệ và sát hại ông để đưa lên những đám vô tài chỉ biết xâu xé tranh quyền và ngoan ngoãn, dễ bảo. Việt Nam Cộng Hoà phải mất 2 năm sau mới ổn định để tiếp tục các chương trình củng cố dân chủ, cải cách dân sinh.
Nhưng rồi cuối cùng sau hai mươi năm can thiệp, vì chia chác quyền lợi giữa các siêu cường, Hoa Kỳ đành bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa sau khi chỉ tay vào chê trách chính phủ miền Nam tham những, quân đội miền Nam không chịu chiến đấu! Hình như đó là hai lý do nằm lòng mà Hoa Kỳ luôn viện dẫn ra mỗi khi bỏ cuộc tháo chạy khỏi chiến trường.
Hoa Kỳ không chịu tự học những bài học diễn ra quá nhiều lần trong quá khứ: Hoa Kỳ không thắng được các cuộc chiến vì nhiều lý do mà chính yếu là:
1. Họ không thực lòng muốn thắng, dù lúc ban đầu tuyên bố hung hăng lắm. “I am not going to lose Vietnam. I am not going to be the president who saw Southeast Asia go the way China went.” (President Lyndon Johnson, 24 tháng 11, 1963) Cho đến khi chiến cuộc đi đến hồi quyết liệt, hao quân tổn tướng, Hoa Kỳ bắt đầu bị dư luận quốc nội la ó, phản đối, và phần lớn do như cầu tranh cử, hứa hẹn, các chính trị gia Mỷ bắt đầu đổi giọng, thay màu.
2. Chiến lược của Mỹ vì thế thiếu nhất quán mà thay đổi đảo qua, đảo lại tùy theo mỗi nhiệm kỳ tùy đảng nào nắm hành pháp hay nắm đa số ở Quốc Hội. Trong khi đó, thì kẻ thù từ nhiều năm vẫn trước sau như một với quyết tâm dứt khoát phải chiến thắng, dù hy sinh đến người cuối cùng!
3. Hoa Kỳ tham chiến, nhưng quyền điều khiển là từ ở Toà Bạch Cung, Quốc Hội và Ngũ Giác Đài, đa số nằm trong tay các chính khách dân sự chưa hề cầm súng nói chi đến kiến thức về quân sự!
4. Và một điều rất quan trọng: Khi xảy ra chiến tranh giữa một nước văn minh dân chủ với một kẻ thù độc tài man rợ thì xác suất cao là phe văn minh rất khó thắng. Phe văn minh dân chủ bị ràng buộc nhiều bởi luật pháp quốc tế, bởi tính nhân đạo trong khi bọn man rợ xem mạng người là cỏ rác, áp dụng sự khủng bố triệt để và sẵn sàng dẫm lên các hiệp ước, hiệp định và công pháp quốc tế. Tất cả là do nhược điểm của chế độ dân chủ tự do! Dân chúng điều gì cũng muốn biết, dù là bí mật hành quân. Báo chí thì luôn để mắt dòm ngó, phanh phui bất cứ điều gì mà họ coi là vi phạm nhân quyền. Các nhà lãnh đạo quân sự coi như bị trói tay!
Trật tự thế giới mới
Thế giới ngày nay đi vào tình trạng mất trật tự hoàn toàn. Có hai khảo hướng: (1) Duy trì vai trò Cảnh Sát Toàn Cầu dựa trên luật pháp, trật tự và thẩm quyền; (2) Để cho các quốc gia trong mỗi vùng đưa ra sáng kiến để cùng hợp tác với nhau. Một nền chính trị cân bằng quyền lực là cần có để dung hoà hai khảo hướng trên.
Chắc chắn sẽ có một sự phối trí phân chia quyền lực mới. Vai trò của Hoa Kỳ, sau quá nhiều thất bại, đang bị xét lại và cạnh tranh bởi các thế lực đang lên.
Vào lúc này đây, bên phía Thái Bình Dương thì Trung Cộng đang gia tăng áp lực. Hoa Kỳ đã hớ hênh tạo ra quá nhiều cơ hội cho Cộng Sản Trung Hoa học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật mà Tây Phương phải bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu phát triển. Với tham vọng bành trướng và giành quyền bá chủ từ tay Mỹ, Trung Cộng đang ráo riết thực thi kế hoạch “một vành đai, một con đường”. Họ từng bước lấn sân chơi của Mỹ ở biển Đông, ở Phi Châu, mon men nhảy vào Âu Châu và ngày nay, nới vòi bạch tuộc ra Afghanistan sau khi đã có căn cứ rất lớn ở Pakistan.
Bên Âu Châu thì Nga phục hồi sức mạnh sau khi trì trệ vì sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản. Mười năm qua họ từng lấn lướt Mỹ ở Crimea, Ukraine và nay thì cũng thừa thắng xông lên khi gần 30 nước Liên Âu này phải lệ thuộc ống dẫn khí đốt của Họ. Hai thế lực Nga, Trung Cộng và thêm khối Liên Âu đang đứng vững trên đôi chân mình, chắc sẽ không chịu để Hoa Kỳ độc quyền làm Cảnh Sát Toàn Cầu đâu. Cơ hội vàng đã tới khi uy tín của Hoa Kỳ đã quá sa sút nhất là sau biến cố Afghanistan.
Ngoài ra, thế giới cũng đang nhìn thấy sự trỗi lên của những thế lực bậc trung ở từng điạ phương như Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Nam Hàn, Turkey, Iran, Canada … Các nước này cũng ý thức quyền lợi của mình mà sẽ đòi chia phần trách nhiệm. Và nguy hiểm nhất là khi một nước Afghanistan Emrirate ra đời sẽ đưa đến sự kết hợp của thế lực Hồi Giáo quá khích gồm Taliban, al-Qaeda, ISIS với số lượng vũ khí tối tân khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ đô la do Hoa Kỳ bỏ lại ở các căn cứ quân sự tại Afghanistan mới đây.
Không biết chúng tôi có bi quan không khi thấy xã hội Hoa Kỳ cũng đi vào sa sút, bế tắc bởi các thế lực đen đang ra sức tàn phá. Họ áp lực vào giáo dục theo chiều hướng phi đạo đức, đòi cải tổ an sinh xã hội theo hướng liberal, socialist, dùng chiêu bài BLM để tạo ưu quyền cho một nhóm người bất xứng mà bịt miệng những người công chính; và ngay cả chính quyền cũng góp vào sự tàn phá qua việc mở toang biên giới, và sự vung tay quá mức chi ra những ngân sách khổng lồ cho những chương trình vô lý thay vì đầu tư vào phát triển quốc gia. Nợ quốc gia đã lên đến mức hơn 28.657 ngàn tỷ. Tăng 6 ngàn tỷ trong một năm rưỡi từ khi có đại dịch Covid-19 (các năm trước covid, mức tăng là 1 ngàn tỷ mỗi năm).
Một xã hội với đầy vấn nạn và suy thoái kinh tế thì không thể đảm đương nổi vai trò lãnh đạo quốc tế của mình!
Nếu Hoa Kỳ không có sự thay đổi lãnh tụ có khả năng, có bản lãnh và tầm nhìn chiến lược để xét lại các chính sách can thiệp cho phù hợp thì e rằng quy luật tạo hoá sẽ áp dụng ở đây: Điều gì, cái gì lên cao đến tận mức thì sẽ bắt đầu rơi xuống. Và rơi thê thảm.
Đỗ Văn Phúc