BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76777)
(Xem: 63136)
(Xem: 40537)
(Xem: 32163)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử?

19 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1153)
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32
Việt Nam là một nước vừa lớn, vừa nhỏ. Về dân số Việt Nam là nước lớn nhưng về kinh tế chính trị hay văn hóa thì Việt Nam là một nước nhỏ. Tiếng nói Việt Nam trên trường quốc tế không có trọng lượng là bao nhiêu. Việt Nam không đóng góp được gì cho nền văn minh nhân loại mà còn là gánh nặng cho thế giới như nạn di dân bất hợp pháp, các chương trình viện trợ nhân đạo… Trên bàn cờ chính trị thế giới Việt Nam là quân cờ của các cường quốc. “Quân cờ” Việt Nam cũng không phải là quân cờ quan trọng như “xe, pháo, mã” mà nhiều khi chỉ là “con tốt” cho nên nếu cần các “tay chơi cờ” không hề ngần ngại “thí tốt”.

Nói như vậy để chúng ta thấy được sự thật về đất nước mình, một sự thật không lấy gì làm tự hào và không có gì để phô trương hay khoe mẽ. Những giọng điệu tự ca ngợi và bốc thơm Việt Nam là những lời nói dối nhằm ru ngủ người dân và che đậy những yếu kém đang tồn tại. Người Việt, nhất là chính quyền Việt Nam cần bỏ đi tính “tự hào dân tộc” không thực tế để nhìn thẳng vào sự thật là Việt Nam đang tụt hậu, đang là một trong những nước kém phát triển…

Người xưa nói: “Biết mình biết địch, trăm trận trăm thắng”, chúng ta cần biết rõ về chúng ta hơn, rồi từ đó sẽ có những cố gắng và những chính sách phù hợp với chính mình dựa trên tình hình thế giới để phát triển đất nước. Một chân lý cần được chính quyền và mỗi người dân tâm niệm và nhớ rõ: đó là Việt Nam chỉ thực sự được đối xử bình đẳng với các nước khác khi Việt Nam có thực lực về kinh tế-chính trị-quân sự”. Một nước Việt Nam nghèo và yếu như bây giờ thì không thể nào được các nước khác tôn trọng và đối xử bình đẳng do bởi qui luật “cá lớn nuốt cá bé”. Việt Nam muốn không để bị nước khác “nuốt” thì đơn giản Việt Nam phải là con cá đừng bé quá.

Việt Nam dưới sự lãnh đạo “tài tình và sáng suốt” của đảng cộng sản suốt 65 năm qua nên đã trở thành một con cá “bé”, bé đến nỗi ai cũng có thể bắt nạt, và nguy cơ bị “nuốt chửng” luôn cận kề. Việt Nam đã bị mất Hoàng Sa và giờ đang có nguy cơ mất nốt Trường Sa bởi con “cá mập Trung Quốc”. Vì yếu, vì nghèo và nhu nhược nên Việt Nam đã bị Trung Quốc lấn dần từng bước, từng bước và bước cuối cùng là tuyên bố: Biển Đông là của Trung Quốc. Không những thế, Biển Đông còn là “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc nên Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ nếu cần.

Chính quyền Việt Nam vô cùng bối rối bởi tham vọng của ông cá mập khổng lồ này. Một mặt Việt Nam muốn kết thân với Trung Quốc vì cùng mục tiêu ý thức hệ “đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước”, thế nhưng (trước những) tham vọng và đòi hỏi quá đáng cũng như thái độ hiếu chiến của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông đã làm cho chính quyền Việt Nam lo lắng và đang tìm cách thoát ra khỏi vòng cương tỏa bằng cách xích lại gần với Hoa Kỳ, cường quốc số một trên thế giới.

Hành động phản kháng bắt buộc của Việt Nam khi xích lại gần Mỹ là để bảo vệ mình chứ không nhằm chống Trung Quốc. Thế nhưng ngay cả lý do như vậy cũng khiến Trung Quốc tức giận và phản ứng gay gắt, với cả Việt Nam và với cả Mỹ. Trung Quốc là đối tác quan trọng của Mỹ trên nhiều hồ sơ quốc tế nhưng Trung Quốc cũng là đối thủ tiềm tàng của Mỹ trong tương lai. Mỹ rõ ràng là chưa muốn gây căng thẳng với Trung Quốc nhưng cũng không thể đứng nhìn Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Tuyên bố của ngoại trưởng Hoa Kỳ tại Hà Nội hồi tháng 7/2010 và hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ ngày 24/9/2010 khẳng định sự “quan tâm” và sự trở lại của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ và sự lớn mạnh của Trung Quốc khiến thế giới không yên tâm vì Trung Quốc vẫn là quốc gia độc tài cộng sản. Việt Nam sống bên cạnh Trung Quốc nên càng có lý do để lo lắng. Dù biết rằng Trung Quốc đã và đang có nhiều vấn đề nội bộ cần giải quyết (như vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, vấn đề giàu nghèo, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng…) nhưng chính vì lý do Trung Quốc gặp khó khăn mà Việt Nam lại càng đáng lo ngại hơn. Lý do: ở bên cạnh một người bình thường gặp khó khăn không đáng ngại lắm, nhưng bên cạnh một người khổng lồ gặp khó khăn thì rất đáng ngại. Hơn nữa Trung Quốc là một người khổng lồ có nhiều tham vọng. Trung Quốc ngày càng muốn khẳng định vai trò cường quốc của mình. Việc “thôn tính Biển Đông” là bước đi vừa để thử phản ứng của Mỹ và các nước ASEAN vừa để chứng tỏ thế lực của Trung Quốc.

Tình thế trên Biển Đông đang bất lợi cho Việt Nam thì một sự kiện mới xảy ra và theo tôi, đây là một biến cố có thể làm đảo lộn mọi suy nghĩ và toan tính của các cường quốc trong khu vực và cả thế giới trong tương lai. Việt Nam có lợi trong biến cố này. Đó là sự cố quan trọng xảy ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại khu vực đảo đang tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Nhật đã bắt giữ viên thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc bị coi là đã cố tình khiêu khích, dùng tàu đánh cá húc tàu tuần tra của Nhật. Bắc Kinh đã phản ứng một cách giận dữ. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã 6 lần triệu tập đại sứ Nhật tại Bắc Kinh để đòi thả người; Trung Quốc đã bắt giữ 4 người Nhật; ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật; Thủ tướng Ôn Gia Bảo từ chối gặp người đồng nhiệm Nhật tại diễn đàn Liên Hợp Quốc và đồng thời đe dọa nhiều biện pháp trả đũa khác. Cuối cùng Nhật đã phải nhân nhượng và trả tự do cho viên thuyền trưởng.

Sự kiện này đã nói lên điều gì? Rõ ràng Trung Quốc không chỉ đe dọa và lấn lướt những nước yếu như Việt Nam mà sẵn sàng khiêu khích cả các nước lớn như Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Sự việc này sẽ để lại nhiều dư âm quan trọng. Thủ tướng Nhật đã công khai bày tỏ sự lo ngại về các hoạt động hải quân và tăng cường quân sự của Trung Quốc. Ông Kan cho rằng “Nhật cần áp dụng các chính sách ngoại giao vào quốc phòng tích cực hơn để đối phó với sự không chắc chắn và bất ổn đang tồn tại ở các khu vực xung quanh đất nước chúng ta”.

Nhật sẽ làm mọi việc để củng cố liên minh quân sự Nhật-Mỹ. Nhật. Mỹ và các cường quốc dân chủ trong khu vực như Ấn Độ, Úc cũng như các cường quốc khác trên thế giới sẽ phải chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc. Một điều đương nhiên các cường quốc dân chủ phải làm là tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, tức các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), giúp đỡ các nước này mạnh lên để có thể cân bằng lực lượng với Trung Quốc nhằm mục đích duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn. Nếu Việt Nam muốn mạnh lên để có thể tự bảo vệ mình thì đây là cơ hội rất thuận lợi để hợp tác toàn diện với các cường quốc dân chủ. Việt Nam sẽ không “liên minh quân sự” với bất cứ nước nào nhưng Việt Nam sẽ hợp tác toàn diện với các cường quốc về kinh tế, văn hóa, giáo dục, xây dựng hạ tầng… Các hợp tác quân sự giữa Việt Nam và các cường quốc sẽ dựa trên cơ sở và qui tắc chung của cả khối ASEAN. Mục đích chủ yếu của Việt Nam trong mọi sự hợp tác với các nước là để xây dựng đất nước Việt Nam phú cường thật sự. Đây là nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam. Việt Nam hùng mạnh không để chống Trung Quốc hay đe dọa bất cứ ai mà hùng mạnh chỉ để mong không bị nước khác lấn áp.

Việt Nam đang có những bước đi xích lại gần với Mỹ và các cường quốc dân chủ khác, đây là một bước đi đúng đắn và cần thiết. Dù đây chỉ có thể là bước đi nhằm mục đích “bảo vệ chủ quyền” hay là “xoa dịu dư luận” trước kỳ đại hội đảng 11 thì chúng ta cũng sẵn sàng ủng hộ và hy vọng những thành phần tiến bộ trong nước thúc đẩy mạnh mẽ trào lưu này để nó trở thành đường hướng đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Để tranh thủ sự giúp đỡ của các cường quốc dân chủ trên thế giới thì Việt Nam phải cải tổ chính trị theo hướng dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Đây là những giá trị cốt lõi của thế giới văn minh, nhất là Hoa Kỳ; Mỹ không thể hy sinh các giá trị căn bản của mình để đổi lấy quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.

Theo giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Hoa Kỳ thì: “Nếu Việt Nam cải tổ dân chủ và cải thiện nhân quyền thì điều này sẽ khiến Hoa Kỳ và Việt Nam đến gần nhau hơn… vì không có quan hệ lâu dài tốt đẹp nếu không có tương đồng về thể chế chính trị. Nếu sự cải tổ của Việt Nam tiến nhanh thì mối quan hệ với Mỹ tốt đẹp hơn, thí dụ như quan hệ dễ dàng thoải mái của Mỹ với Đài Loan, với Nhật Bản”.

Tuy nhiên đến bây giờ chúng ta vẫn chưa thấy xuất hiện một cá nhân hay thành phần nào trong đảng có khuynh hướng tiến bộ như ông Trần Độ hay Trần Xuân Bách trước đây. Khuynh hướng đó là thân Mỹ và mở rộng dân chủ cho cả nước. Khuynh hướng này mới đưa ra một số quả bóng thăm dò như trường hợp ông Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ ở Hà Lan. Tuy nhiên khuynh hướng này vẫn đang yếu thế nên khó có cơ hội trong kì bầu cử đảng lần thứ 11.

Việt Nam đang chuẩn bị cho đại hội đảng. Thời gian này đến lúc đại hội sẽ còn nhiều lộn xộn và nhiều vấn đề nổi lên. Vấn đề chính, có thể là duy nhất, sẽ là vấn đề nhân sự lãnh đạo, hay đúng hơn là tranh giành quyền lực trong đảng. Ưu tư lớn nhất của chính quyền là làm sao tiếp tục duy trì sự cầm quyền của đảng. Phe nào, người nào thắng cuộc trong đại hội này đồng nghĩa với việc phe đó, người đó sẽ có nhiều quyền lực hơn và giàu hơn. Trong các văn bản dự thảo, đều có nói đến việc thay đổi cơ chế chính trị. Nhưng không phải là chuyển hướng về dân chủ mà là chuyển hướng từ độc tài đảng trị qua độc tài cá nhân hay phe nhóm (như kiểu Putin của nước Nga). Tổng bí thư đảng cũng sẽ kiêm luôn chức chủ tịch nhà nước và là người có rất nhiều quyền lực.

Trong suốt thời kỳ cầm quyền của mình, đảng cộng sản Việt Nam đã biểu lộ một điều là không ai trong số lãnh đạo họ có “viễn kiến chính trị”. Họ cứ như chong chóng, gió chiều nào xoay chiều ấy. Và giờ đây trước thềm đại hội 11 cũng sẽ chẳng có ai quan tâm đến “viễn kiến” mà họ chỉ quan tâm một điều duy nhất là “làm sao thắng cuộc trong đại hội này”. Người chiến thắng sẽ rất giàu và nhiều quyền lực.

Tuy nhiên các sự kiện mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông và sau đó với Nhật Bản bắt buộc Việt Nam phải có sự lựa chọn. Một là xích lại với các cường quốc dân chủ hai là ngả hẳn về Trung Quốc. Sự lựa chọn khó khăn này có thể là “vấn đề mấu chốt” để quyết định phe nào sẽ thắng trong đại hội này.

Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong tương lai sẽ tương quan với 4 mệnh đề sau:

Nếu Việt Nam là một quốc gia dân chủ thì không có gì phải sợ Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc là một quốc gia dân chủ thì cũng không có gì phải sợ Trung Quốc.

Nếu Việt Nam và Trung Quốc đều là những quốc gia dân chủ thì càng không có gì để lo lắng.

Trường hợp – rất đáng ngại cho Việt Nam – là Việt Nam và Trung Quốc đều là những quốc gia độc tài. Và nhất là, Việt Nam vừa độc tài vừa rất tham nhũng.

Như vậy, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục độc tài và tham nhũng như bây giờ thì lòng dân sẽ ly tán, các cường quốc dân chủ không thể nào tin cậy và giúp đỡ Việt Nam hết mình. Việt Nam khó có thể giữ được chủ quyền.

Trường hợp để Trung Quốc trở thành quốc gia dân chủ nằm ngoài khả năng của chúng ta và đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, do chính quyền và người dân Trung Quốc quyết định.

Trường hợp cả hai nước Việt-Trung đều là những nước dân chủ thì quá là tuyệt vời nhưng cũng quá xa xôi. Cho nên trong bốn trường hợp trên, Việt nam chỉ có một sự lựa chọn duy nhất để có thể sống hòa bình bên cạnh Trung Quốc, đó là:

“Việt Nam phải trở thành một quốc gia dân chủ”.
“Dân chủ hóa Việt Nam” là nhiệm vụ của chính quyền Việt Nam và của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước.

Sắp tới kỳ đại hội đảng thứ 11, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều sự việc “ly kỳ” nhằm tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong đảng cộng sản. Quan tâm của chúng ta hiện nay không phải là giúp đảng cộng sản chọn cái ít xấu hơn bằng cách ủng hộ phe nhóm này hay phe nhóm kia mà là công khai hoá, là vạch trần các trò gian dối và lừa bịp của cấp lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, những kẻ đang tìm cách tiếp tục kìm hãm đất nước.

Câu hỏi quan trọng đặt ra cho tất cả những người Việt Nam yêu nước là chúng ta đón nhận cơ hội lịch sử này như thế nào? Chúng ta phải làm gì cùng nhau để mang lại một nền dân chủ thật sự cho Việt Nam?

Việt Hoàng

Theo Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn