BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77463)
(Xem: 63329)
(Xem: 40777)
(Xem: 32395)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vận động chính trị bằng truyền thông: Tiền đề đa đảng ở Việt Nam

23 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 1005)
Vận động chính trị bằng truyền thông: Tiền đề đa đảng ở Việt Nam
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73
Đại hội 12 của đảng Cộng sản Việt Nam khác với các đại hội trước như thế nào? Cơ chế ‘tách đảng’ có thể từ đó mà ra đời. Rất nhiều khả năng cơ chế này sẽ xuất phát từ chính trong lòng nội bộ đảng Cộng sản VN, để đến một thời điểm không quá xa, đảng cầm quyền sẽ thực sự bị phân rã và chia tách thành ít nhất hai đảng phân liệt.

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN


Vũ khí cực kỳ hiểm nghèo

Thời thế thay đổi và lòng người không thể trung thành mãi với dĩ vãng. Nhất là khi lòng tham đã át hẳn ý thức hệ.

Có ít nhất một đổi khác trần trụi và dã man: giới chính khách Việt biểu dương thói xấu moi móc triệt hạ nhau bằng truyền thông.

Khác biệt rất lớn với giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho các kỳ đại hội đảng trước đây, tâm lý giới lãnh đạo trung - cao và cả trí thức, người dân đã bắt đầu quen thuộc lẫn tương tác hỗn độn với hiện tượng trang blog Chân dung quyền lực (CDQL) - một năm trước Đại hội 12.

Nếu trước các đại hội đảng trong quá khứ, mâu thuẫn và xung đột phe nhóm được biểu hiện chủ yếu bằng đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi theo đường nội bộ qua từng cấp hoặc cùng lắm là vượt cấp, còn các thủ đoạn tranh quyền đoạt vị chủ yếu được tiến hành bằng biện pháp tổ chức, thì vào thời nay truyền thông mạng xã hội đang trở thành vũ khí sắc bén và hiểm nghèo nhất để dìm đối thủ chính trị xuống bùn đen. Đây chính là một đặc thù nổi bật của ‘giới lãnh đạo tinh hoa’ trong ráng chiều đỏ quạch hoàng hôn đảng.

Trang CDQL là minh chứng tiêu biểu, được đẩy lên tầm mức phức tạp và hỗn mang hơn hẳn các biện pháp tổ chức trước đây: không những công kích thẳng vào một số ủy viên Bộ Chính trị về tham nhũng, tài sản cá nhân và nhân thân chính trị, mà hình thức còn được công khai hóa và mang tính lan truyền hết sức rộng lớn thông qua mạng xã hội.

Những bản sao của Chân dung quyền lực

Mặc dù Internet đã vào VN từ năm 1997, nhưng có lẽ chỉ đến Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012, mạng xã hội mới bắt đầu được các lực lượng chính trị lợi dụng mạnh mẽ để đấu tranh quyền lực. Tiêu điểm của thời gian đó là trang blog Quan làm báo Tusangnhamhiem. Hai đối tượng chính bị tấn công là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

34 triệu người VN sử dụng Internet không phải là con số nhỏ. Tỷ lệ người dân dùng Internet ở VN vượt hơn hẳn tình trạng bị cấm khẩu mạng ở rất nhiều nơi thuộc Trung Quốc. Và cho dù có đến 85-90% trong số người dùng Internet ở VN chỉ để giải trí, song tâm lý tò mò và dễ bị kích thích, kích động lại là một đặc trưng của lớp thanh thiếu niên Việt trong thời buổi gần hết các giá trị đạo lý, văn hóa từ lung lay đến lộn nhào.

Tò mò lại cộng hưởng với phản ứng hành vi và có thể dẫn đến phản ứng xã hội vốn đang tích tụ đầy tràn. Không quá khó hiểu khi CDQL thu hút được số lượng truy cập đến vài ba triệu/tháng - gấp hàng chục lần lượng truy cập bình quân của một trang báo điện tử loại trung bình của nhà nước, kéo theo cả một cú chạy nước rút của báo chí chí quốc dân lẫn giới tuyên giáo quốc đảng liên quan đến vụ việc Trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh ‘bị đầu độc’ - theo nhiều dư luận.

Những thông tin dồn dập về Nguyễn Bá Thanh lại xảy ra cùng thời gian với chiến dịch tấn công một số ủy viên Bộ Chính trị trên trang CDQL vào thời điểm Hội nghị trung ương 10 đầu năm 2015, cùng lúc diễn ra cuộc bỏ phiếu thăm dò trong Ban Chấp hành trung ương về vị trí tổng bí thư đảng cho Đại hội 12. Hai đối tượng bị tấn công quyết liệt là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đến lúc này, phản ứng xã hội đã không chỉ dừng ở mức độ tò mò thông thường mà đã trở thành phản ứng chính trị: những người truy cập CDQL và các trang mạng đăng lại bài của CDQL phẫn nộ chửi rủa giới quan chức tham tàn và tham quyền cố vị. Ở vào giai đoạn đầu của thời kỳ ‘quá độ lên chủ nghĩa xã hội’, CDQL đã mở ra chiến tích bi tráng cho một cuộc vận động hành lang thoán đoạt các vị trí chính trị chủ chốt.

Một thời kỳ mới cũng tiếp biến trong cuộc chuyển giao không hề êm thắm của chính trị VN: nếu mạng xã hội là khởi đầu cho phong trào xã hội dân sự thì truyền thông xã hội, chứ không phải báo chí nhà nước, lại là mốc khởi nghiệp cho xu hướng công kích nội bộ và có thể dẫn đến hệ quả tách đảng, tan vỡ đảng cầm quyền trong những năm tới.

‘Văn hóa phản biện’

Tuy thế và đối chiếu với lịch sử, điều được gọi là văn hóa công kích nội bộ ở VN đương đại còn xa mới ngang bằng với làn sóng phản biện và công kích chủ yếu về chính sách và ý thức hệ mà ít đả kích đời tư cá nhân ở Liên Xô lẫn Đông Âu vào những năm 90 của thế kỷ trước.

Hầu như né tránh những vấn đề then chốt về ý thức hệ như chủ nghĩa Mác - Lênin, điều 4 hiến pháp, định hướng xã hội chủ nghĩa, lực lượng vũ trang phải trung thành với ai…, các trang Quan làm báo, Tusangnhamhiem hay CDQL chỉ chuyên chú đả kích cá nhân trong chính giới, với một văn phong thấp hơn nhiều so với những trang mạng phản biện truyền thống trong nước như Boxit, ngoài nước như Thông luậnDiễn đàn.

Sau khi trôi qua thời gian tương đối êm ả ở Hội nghị trung ương 11 vào giữa năm 2015, đến trước Hội nghị trung ương 12 vào cuối năm 2015 lại nổ ra những đơn thư tố cáo và chụp mũ quan điểm chính trị được phổ biến trên mạng xã hội. Tướng Phùng Quang Thanh và Thủ tướng Dũng lại một lần nữa trở thành ‘nạn nhân’. Tuy mức độ của chiến dịch này thua kém CDQL về quy mô và chiều sâu, nhưng mạng xã hội vẫn được các lực lượng chính trị trong đảng coi là phương tiện hành xử nhanh gọn và có hiệu quả nhất để ‘kết liễu’ đối thủ.

Song song với đả kích cá nhân, giới dư luận viên của các lực lượng chính trị cũng nâng cấp một mức về ‘tầm vóc bình luận’. Trước, trong và sau Hội nghị 12, khá nhiều thông tin về khả năng, các phương án dự kiến nhân sự cho ‘tứ trụ triều đình’ và đặc biệt là chức vụ tổng bí thư đã được tung lên mạng. Cung cách hòa trộn mập mờ của những thông tin này mang đậm nét thủ thuật ‘tuyên truyền xám’ và cả ‘tuyên truyền đen’ mà vẫn thường bị giới tuyên giáo đảng tố cáo ‘các lực lượng thù địch lợi dụng để diễn biến hòa bình’.

Tư bản dã man và khuynh hướng ‘tách đảng’

Có thể không quá ngượng miệng để nói rằng hoạt động vận động chính trị bằng truyền thông ở VN đang ở vào giai đoạn tư bản dã man. Tương tự với nền kinh tế VN đã bị các nhóm lợi ích thi nhau xâu xé từ nhiều năm qua, chủ nghĩa tư bản man rợ thời kỳ đầu đang ám ảnh nặng nề ý thức tranh hùng xưng bá vị của giới quan chức lãnh đạo VN.

Gần đây đã xuất hiện một số bài viết trên báo chí nhà nước, đề cập về ‘vận động hành lang’ trong chính trị, mang hơi hướng cổ súy cho hoạt động này và coi đó là một hoạt động bình thường. Rất có thể, dạng bài viết này xuất phát từ một nhóm quyền lực nào đó đang mưu tính chiến lược lâu dài của họ ở VN.

Tuy thế, hoạt động này chỉ được coi là bình thường trong bối cảnh nền chính trị và tư cách, phong cách chính khách đã trải qua một thời gian đủ dài được nâng cấp về văn hóa. Thế nhưng điều này lại gần như trống vắng nơi giới lãnh đạo VN, để rất dễ dẫn đến hậu quả những cuộc tranh giành quyền lực đầy thô thiển cùng hành vi đầy thô bạo.

Bao giờ thì báo chí nhà nước sẽ chuyển từ trạng thái kín hở sang chính thức công khai tham gia vào cuộc chiến tranh giành quyền lực trên? Đây là một câu hỏi mà có lẽ sẽ sớm được trả lời. Với điểm khởi phát phần lớn bằng hoạt động PR cho lãnh đạo, có thể vào thời gian sát Đại hội 12 sẽ xuất hiện hiện tượng một bộ phận nhỏ trong báo chí nhà nước vào hùa cùng trang mạng xã hội để tấn công moi móc lẫn nhau giữa giới lãnh đạo quốc gia.

Cũng sát thời điểm Đại hội 12, CDQL có thể tái xuất hiện, nhưng tất nhiên không phải nguyên thể mà bằng những phiên bản khác.

Trong những năm trước mắt, thật khó hy vọng rằng sự nghiệp ‘vận động hành lang chính trị’ ở VN, nếu có thể gọi bằng những mỹ từ này, sẽ diễn ra theo đúng bài bản, đúng nghĩa và tương xứng văn hóa của nó. Có lẽ không thể khác và trong một đất nước có cả rừng luật nhưng vẫn ưa dùng luật rừng, nhiều việc cần được giới chính trị gia giải quyết với nhau bằng nắm đấm.

Đó cũng là những dấu hiệu lồ lộ và tiền đề đầu tiên cho thấy sau Đại hội 12, bất cứ phe nhóm chính trị nào bị thất bại cũng sẽ có khuynh hướng thua keo này bày keo khác bằng hoạt động truyền thông ‘lề trái’ với mức độ ghê gớm đến mức sống còn. Khi đó, những đòi hỏi của phe bị mất quyền đối với phe giành được quyền không chỉ đơn thuần là ‘minh bạch tài sản’, mà còn là thay đổi về chính sách, khung pháp lý về quyền lực và còn có thể ‘cách mạng’ cả điều 4 Hiến pháp. Trong đó, đòi hỏi về thành lập đảng chính trị mới để ‘bảo đảm tranh cử tự do và công bằng’ rất có thể là một điểm then chốt.

Cơ chế ‘tách đảng’ cũng từ đó mà ra đời. Rất nhiều khả năng cơ chế này sẽ xuất phát từ chính trong lòng nội bộ đảng Cộng sản VN, để đến một thời điểm không quá xa, đảng cầm quyền sẽ thực sự bị phân rã và chia tách thành ít nhất hai đảng phân liệt - một tình trạng khá tương đồng với cơ chế đa đảng hậu Liên Xô những năm 1990.

Phạm Chí Dũng

Nguồn Blog Phạm Chí Dũng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn