BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73510)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tưởng niệm người lính già

09 Tháng Tám 200212:00 SA(Xem: 1234)
Tưởng niệm người lính già
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 Khẩu trọng pháo chủ lực trên mặt trận đấu tranh cho dân chủ đã im tiếng.

 Bọn độc tài mừng rỡ. Tối nay, chúng mở sâm-banh, nói cười hể hả, chúng nâng cốc chúc nhau trường thọ. Đêm nay, những người bị tước đoạt tự do không ngủ, lặng lẽ nuốt nước mắt vào lòng.

 Anh Trần Độ không còn nữa.

 Thế là từ nay vĩnh viễn vắng bóng người lính kiên cường bất khuất, người bảo vệ tự do, người đấu tranh cho dân chủ, người phát ngôn của nhân dân thèm khát tự do.

Nguyễn Thanh Giang không sai chút nào khi viết rằng cái chết của Trần Độ không phải là cái chết bình thường. Nếu không có vụ người nhà nước trấn lột trên đường phố, cướp trắng của anh tập bản thảo Nhật Ký Rồng Rắn, làm anh uất lên đến ngã bệnh nặng, Trần Độ còn có thể sống lâu hơn nữa với chúng ta. Cái chết của anh là sự bức tử.

 Trong bức thư cuối cùng gửi cho tôi, cách đây một tháng, tôi còn thấy Trần Độ cố gắng chống lại cái chết đang tới gần. Anh dặn tôi hãy gửi gấp cho anh một số thuốc mà anh cần. Nếu như có một cái gì đó làm tôi chột dạ, một câu nói gở, thì đó là trong bức thư ngắn ngủi anh nhắc tới hai lần lời cảm ơn những người bạn anh không hề biết mặt, thậm chí không biết tên, đã thường xuyên chăm lo sức khoẻ cho anh. Anh chỉ biết và nhớ tên một người là Đinh Quang Anh Thái, người bạn trẻ cần mẫn đều đều làm công việc chuyển thuốc về cho anh, bằng đủ mọi con đường khác nhau. Có lần Thái gửi thuốc về, do sự hớ hênh của người mang giùm, bị nhà cầm quyền phát hiện và tịch thu, lại phải gửi gấp thuốc thay thế cho kịp. Thái lo lắng: “Không biết lần này có bị mất nữa không? Anh em mình không thể để cho anh Độ thiếu thuốc được”. Có thể nói trong những năm gần đây Trần Độ không phải dùng tới một viên thuốc của nhà nước, mà anh tránh phải dùng từ lâu. Trần Độ nhắc tới Thái nhiều lần, với giọng âu yếm. Anh vui biết Thái lấy vợ, anh còn vui hơn nữa khi biết Thái đã có con. Anh cũng biết rằng trong những người bạn vô danh đang làm công việc tiếp đạn cho những người đang đấu tranh cho tự do, có những người trước đây ở bên kia chiến tuyến với anh. Điều đó làm anh sung sướng: “Giờ đây tất cả những người yêu tự do đều ở một phía. Phía bên kia là bọn độc tài”.

 Tôi yêu Trần Độ không phải vì anh là một con người khác mọi người, một con người tài ba xuất chúng, hay một con người có hấp lực đặc biệt đối với chung quanh. Anh là một người bình thường, như tất cả chúng ta, bất kể trong cương vị nào, khi anh còn là một quan chức lớn trong bộ máy cầm quyền, cũng như khi anh trở về với bộ cánh dân dã. Anh giản dị như trái tim thật thà của anh, trái tim lúc nào cũng tràn trề tình thương yêu đối với mọi người.

 Mới cách đây mấy ngày anh Nguyễn Chí Thiện còn phàn nàn với tôi về một nhận định của Trần Độ về Lê Duẩn trong cuốn Đổi Mới, Niềm Vui Chưa Trọn. Trong cuốn đó Trần Độ khen Lê Duẩn, còn chúng tôi, những người tù nhiều năm không có xét xử, nạn nhân hiển nhiên của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, chúng tôi biết quá rõ về tội ác của hai tên độc tài này. Để Thiện đừng khe khắt quá, tôi nhắc Thiện nhớ đến một kỷ niệm của chúng tôi với Trần Độ. Trong một bài viết của Trần Độ chỉ trích sự cai trị phản dân chủ của nhà cầm quyền Hà Nội, anh có dùng một số từ quen dùng ở miền Bắc nhưng rất không dễ nghe đối với người miền Nam, tôi và Nguyễn Chí Thiện khuyên anh nên thay bằng những từ khác, thì ở đầu dây đàng kia, Trần Độ cười khì khì: “Mình sơ ý, do quen miệng mà, các cậu sửa hộ mình nhá!” Hôm đó cuộc điện đàm không bị cắt và Nguyễn Chí Thiện nói rất lâu với Trần Độ, có lúc vui đùa, có lúc gay gắt, nhưng tương đắc lắm. Thiện bảo tôi: “Có lẽ, vào hồi viết cuốn Đổi Mới, Niềm Vui Chưa Trọn, ông ấy mới chỉ nhận ra được đến thế”. Trần Độ, theo tôi, không phải là người hiểu nhanh những điều chúng tôi, những người được kiểm nghiệm cái gọi là chuyên chính vô sản trên da thịt mình, đã hiểu. Trong nhận thức, Trần Độ tiến từng bước, nhưng rất vững chắc trong những bước đi ấy. Trái tim của anh luôn thông minh hơn cái đầu. Chính vì thế, bằng sự thực thà của anh, anh chiếm được cảm tình của Nguyễn Chí Thiện rất căm thù chế độ cộng sản, là điều không dễ dàng có được đối với một người cộng sản lâu năm và một thời có chức có quyền như anh.

 Tôi thích tiếng cười sảng khoái của Trần Độ khi anh vui. Một lần nói chuyện với các bạn trẻ ở Đông Âu, có một cậu rất trẻ nói với Trần Độ: “Bác ơi, Đảng nói Đảng là trí tuệ, là ánh sáng, là khoa học, mà sao Đảng tối dạ thế: “phải tiến hành chống tham nhũng từ cấp cơ sở”? Có khác nào quét nhà mà lại quét ngược từ tầng dưới lên tầng trên?” Trần Độ cười vang, đến nỗi không nói tiếp được nữa. Tôi phải cắt ngang để nói với anh rằng giá phải trả cho điện thoại viễn liên không rẻ đâu. Anh đành thôi cười, bảo tôi: “Cậu thấy không? Nhân dân đấy. Thông minh lắm. Mà hóm lắm. Đảng không biết học ở dân thì chỉ có mỗi ngày một khô héo về trí tuệ mà thôi”.

 Tôi nhớ một buổi tối tôi gặp anh trong đám bạn bè để nghe một bạn trẻ trình bày một chương trình đầy chất lãng mạn của anh nhằm biến Việt Nam thành một vườn địa đàng với những kế hoạch vĩ đại phục hồi nhiên nhiên nhiệt đới đã bị chiến tranh và những nhà lãnh đạo nông cạn làm cho tan hoang. Anh bạn trẻ của chúng tôi đã gõ mọi cửa để xin được nghe anh, nhưng mọi cánh cửa đều khép chặt. Nhưng Trần Độ biết việc này, anh tự tới để nghe. Chúng tôi nghe bạn mình với vẻ hoài nghi. Chương trình đó nhiều tính ảo tưởng, bởi nó không sao thực hiện được trong một chế độ độc đảng, lại là một đảng tự thị, không bao giờ chịu nghe ai. Nhưng Trần Độ nghe chăm chú. Tôi tin rằng sau đó anh đã tới những nơi cần đến, nhưng kết quả cũng vẫn là con số không. Nhưng biết đâu đấy, chính nhiệt tình của anh bạn trẻ trong buổi tối hôm đó đã lây sang anh mạnh mẽ để rồi chuyển biến thành nội dung của một nghị quyết phá tan cái xiềng xích hợp tác xã để giải phóng sức lao động cho nông dân, thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, với Trần Độ là cánh tay phải. Và chính sự gần gụi văn nghệ sĩ đã làm cho Trần Độ khi có quyền trong tay đã tìm đủ mọi cách “cởi trói” cho nền văn nghệ quan phương, đòi văn nghệ sĩ phải dũng cảm không uốn cong ngòi bút chỉ để xu nịnh chính quyền. Là người cầm trịch nền văn nghệ do đảng lãnh đạo, Trần Độ tuyên bố: “Nhân dân đủ thông minh để chọn món ăn tinh thần cho mình, không cần ai chọn hộ”. Chẳng cần nói ra thì ai cũng biết “ai” đó chính là đảng cộng sản.

 Hậu quả của sự nghe theo trái tim là sự tuột dốc trên hoạn lộ. Ngay cả ông Nguyễn Văn Linh, người một thời tin tưởng Trần Độ, rồi cũng đâm ra sợ những lời nói thẳng của anh, xa lánh anh. Trần Độ không lấy thế làm buồn. Anh tin rằng mình đúng, mình có lẽ phải. Và sau hết, anh có nhân dân ở bên anh. Anh tiếp tục lên tiếng. Anh vạch ra những sai lầm của các ban lãnh đạo nối tiếp nhau của đảng cộng sản, bắt đầu bằng những lời lẽ từ tốn, khoan hoà, rồi sau càng ngày càng dữ dội. Đảng cộng sản không chịu nổi anh nữa. Đảng khai trừ anh. Anh cười: “Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu đảng không khai trừ tôi thì có lúc tôi phải ra khỏi cái đảng này. Tôi không thể chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị, chuyên chế, phản dân chủ. Còn với xã hội chủ nghĩa, tôi không hề chống. Tôi chỉ không tán thành cái thứ chủ nghĩa xã hội đã thất bại trên toàn thế giới và đã gây nên nghèo đói ở Việt Nam. Đảng bây giờ là đảng gì? Đảng của ai? Đảng đang làm gì có lợi cho dân và đảng đang làm gì có hại cho dân? Các ông cần bí mật, chứ tôi, tôi cần nói với nhiều người, tôi cần cả thế giới nghe tôi. Và trong thời đại này, đã có điều kiện như thế.”

 Không ai được đọc cuốn Nhật Ký Rồng Rắn bị cướp trắng giữa ban ngày. Nhưng anh em ở trong nước cho biết trong cuốn đó Trần Độ đã đi tới một kết luận bất ngờ đối với nhiều người: “Chế độ này là sự kết hợp giữa cái ngu muội của Tần Thuỷ Hoàng và sự tàn bạo của Hitler”. Bất ngờ vì Trần Độ là con người tình nghĩa. Anh đối với bạn bè rất ân tình, bao giờ cũng trọn vẹn, chung thuỷ. Không phải dễ dàng mà anh có thể dứt tình với đảng của anh. Nhưng vì tình yêu đối với nhân dân, anh đã dứt khoát với đảng cộng sản, với chế độ mà anh là một trong những người đầu tiên xây dựng.

 Trần Độ đã nêu một tấm gương sáng cho những người cách mạng chân chính, chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Cái gì không phục vụ mục đích ấy là cái đáng nghi ngờ. Nó có thể là cái phản lại mục đích. Nó có thể là cái chỉ lợi dụng mục đích để mưu cầu lợi riêng. Trong cuộc chiến đấu gian nan vì mục đích cao cả này Trần Độ là người lính già không mệt mỏi.

 Bây giờ anh có thể an nghỉ rồi, anh Chín ơi. Xin anh tin rằng cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục không có anh. Ngày anh ra đi là ngày Nhóm Dân chủ Việt Nam công khai ra đời, bất kể đảng cộng sản cho phép hay không cho phép. Trong hàng ngũ những chiến sĩ dân chủ Việt Nam, anh vẫn có mặt như khi anh còn sống, bởi trái tim nóng hổi và đôn hậu của anh, bởi nhân cách lừng lững của anh.

 Xin đất mẹ hãy đón vào lòng đứa con xứng đáng của Mẹ.

 Đêm 9 tháng 8 năm 2002
 Vũ Thư Hiên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn