Cẩn trọng nâng ly rượu trên tay, anh nói tha thiết, “Chúng mình hãy cầu cho báo chí nhà nước năm 2015 được mở miệng!”
Những người khác, đa phần là báo giới và nghệ sĩ, hơi ngẩn người vì ngạc nhiên bởi lời chúc bất thường ấy. Nhưng ngay sau đó, tất cả đều đồng thanh ồ lên. Lần này là “trăm phần trăm,” không sót giọt nào. Nhà báo truyền hình nhìn thẳng vào tôi - người viết báo độc lập. Ánh mắt anh run run những giọt chia sẻ.
Lời cầu chúc trên được thốt ra vào một buổi chiều Tết Nguyên Đán 2015.
Hãy biết xấu hổ!
Sau Tết Nguyên Đán không lâu, vào đầu Tháng Ba, cái tít nổi bật trên các trang mạng “Việt Nam hãy chọn hoa xấu hổ là quốc hoa” chợt đập vào mắt tôi. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ đó là một bài viết trên “lề trái.” Nhưng khi mở ra, tôi thực sự bất ngờ. Bài viết này ngự ngay trên mặt tiền của báo Đất Việt - một trong số ít những trang mạng “lề phải” được dư luận đánh giá có tính phản biện cao nhất.
Đất Việt kể, câu chuyện bình chọn quốc hoa cách đây ba năm mấy ngày nay lại nóng trở lại khi Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch được giao chủ trì phối hợp với các tổ chức có liên quan để nghiên cứu đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và cách lựa chọn suy tôn quốc hoa. Đến thời điểm này, trên trang web bình chọn quốc hoa của bộ, hoa sen được bình chọn (hơn 62%), tiếp theo là hoa đào (hơn 15%), hoa mai (hơn 14%), hoa ban (4.4%).
Nhưng Đất Việt đã đưa ra một góc nhìn hoàn toàn ngược chiều: Ngay từ cái tên của mình, hoa xấu hổ đã gợi nhắc một phẩm chất cần có của con người: lòng tự trọng. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng, đó là điều vô cùng cần thiết, thậm chí không thể thiếu. Với những phẩm chất và đặc tính như vậy, hoa xấu hổ xứng đáng trở thành quốc hoa của Việt Nam!
Những năm trước, thậm chí cách đây chỉ chừng nửa năm, khó ai hình dung lại có một ý tưởng lộng hoạt đến thế trên một tờ báo nhà nước.
Cắt đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa?”
Một không khí phản ứng ngấm ngầm không tuyên bố như đang lan ra báo giới nhà nước từ trước Tết Nguyên Đán 2015. Một vài dấu hiệu đặc biệt và rất đặc biệt đã khuấy động tâm trạng thụ động ngủ ngày kéo dài trước đó. Sự kiện có thể được xem là bước ngoặt đối với xu thế chuyển động tâm lý chính trị và xã hội Việt Nam là sự xuất hiện có vẻ đột ngột nhưng bùng nổ đến mức đe dọa của blog Chân Dung Quyền Lực (CDQL).
Nếu giới báo chí nhà nước đã gần như đồng loạt “ra quân” khi chạy theo những thông tin cực kỳ nhạy cảm và sốt dẻo của CDQL, tại sao không thể nghĩ rằng sự bùng nổ của blog này là giọt nước tràn ly để tạo cảm hứng hé miệng và bắt đầu mở miệng của những nhà báo quốc doanh không hẳn là vô cảm hoặc còn giữ lại chút tâm huyết?
Lần đầu tiên, vài nhà báo quốc doanh đã dám đặt câu hỏi không quá vòng vo đối với Ban Tuyên Giáo Trung Ương - cơ quan đảng nặng thói cầm tay chỉ việc đối với báo chí, “Có phải Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc?” Cho dù còn lâu câu hỏi này mới được giới tuyên giáo thỏa mãn, vẫn có thể nhận ra là thái độ e sợ của cấp dưới trước cấp trên đang có chiều hướng vượt qua lằn ranh đỏ.
Quy luật xã hội học của nền chính trị đang trở nên tung tóe khi những mâu thuẫn nội bộ biến thành xung đột, và hơn nữa là xung đột rất có thể đi đến chỗ một mất một còn. Đó cũng là lúc mà giới báo chí nhà nước bắt đầu tỉnh giấc khỏi cơn mộng du trùm mền. Họ bắt đầu công khai bình phẩm về những khuôn mặt chính khách đã nhiệt tình phá nát đất nước bằng các chính sách sai lầm và thủ lợi kinh tế, về tai họa hoàn toàn không còn trừu tượng từ Trung Nam Hải đối với tổ quốc, và còn nhận ra buổi hoàng hôn của đảng cầm quyền đang ngả sang bóng đêm không thể cưỡng lại...
Cũng là lần đầu tiên, một trong những tờ báo có truyền thống phản biện như Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã dám ẩn ý “Chuyển sang nền kinh tế thị trường định vị đảng lãnh đạo” khi đăng bài góp ý cho dự thảo Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 12 vào đầu năm 2016.
“Định hướng xã hội chủ nghĩa” đã bị một số trí thức, chuyên gia công khai xem là “mục tiêu xa lạ,” “xa dân,” “viển vông...,” bất chấp lời cầu thán “không biết đến cuối thế kỷ 21 có được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hay không” của người cầm đầu đảng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Những tin tức mới mẻ cũng đang trở thành một làn gió mới ngấm ngầm tỏa vào bầu không khí tranh luận. Nghe nói tại các trường đại học và ngay cả trong ban cán sự đảng một số cơ quan trọng yếu, số ý kiến công khai đòi bỏ cụm từ “định hướng XHCN” đang chiếm đến 50%.
Một số nhà báo còn đoan chắc rằng nếu đưa cụm từ xa lạ trên ra dân chúng để trưng cầu dân ý, sẽ chỉ có chưa đầy 10% số người được hỏi đồng ý giữ lại cái tinh thần mà đã kềm hãm dân tộc Việt và làm lợi cho vị thế độc quyền của các nhóm lợi ích trong ít nhất bốn chục năm qua.
Mở miệng!
Cũng như giới tiểu nông, người tiêu dùng và nhất là những dân oan đất đai bị dồn đến chỗ không nhà cửa, báo chí nhà nước chỉ có thể mở miệng khi bị dồn đến chân tường. Sát Tết Nguyên Đán 2015, một giọt nước tràn ly khác đã tung tóe: một trong những tổng biên tập được coi là có thành tích chống tham nhũng nhất Việt Nam - ông Kim Quốc Hoa của tờ Người Cao Tuổi - đã bị cả Bộ Thông Tin và Truyền Thông cùng cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công An hùa nhau tấn công và khởi tố. Thân phận ông Hoa cho tới giờ này vẫn chưa thực sự nằm trong trại giam là do cái thế thiểu số của những người muốn bắt giữ ông mà thôi.
Báo chí lại càng được nhân lên chất xúc tác để phản ứng. Họ đã nhận ra rằng nếu từ năm 2014, khi ngay cả giới đại gia cũng không thể tránh thoát được cuộc chiến “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết,” thì báo chí cũng không và sẽ không phải là ngoại lệ.
Những gì mà họ đã thấm nhuần trong các trường trung cấp và cao cấp chính trị về triết lý “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” của triết gia Karl Marx, nay lại có cơ hội để ứng dụng, dù tất cả chỉ mới ở giai đoạn tự phát.
Và dù chỉ mới tự phát và tự trào, 2015 này cũng sẽ chứng kiến tư thế bắt đầu mở miệng của báo giới quốc doanh - những người đã phải chịu đựng quá lâu tinh thần áp đặt lẫn áp chế từ khối đảng cầm quyền và những kẻ phá hoại đến tàn mạt chân đứng kinh tế quốc gia.
Chỉ mới đây thôi, lần đầu tiên giới báo chí nhà nước đã hòa cùng giọng với truyền thông xã hội, nhân sự kiện ngày 14 Tháng Ba, kỷ niệm 27 năm lính Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ công binh hải quân nhân dân của chúng ta, chiếm đoạt bãi đá Gạc Ma ngày 14 Tháng Ba, 1988.
Vào thời điểm trên, một số người dân thủ đô Hà Nội đã tập trung trước khu vực tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết Tử Cho Tổ Quốc Quyết Sinh (bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) để dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận chiến không cân sức chống giặc ngoại xâm. Nhưng hoạt động tưởng niệm này đã bị một số thanh niên ngăn cản. Nhóm thanh niên này tự xưng là “dư luận viên,” trên áo của họ có logo với dòng chữ “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc.”
Hàng loạt tờ báo nhà nước đã đồng loạt lên tiếng về sự kiện này. Trong bài “Một hành động không thể chấp nhận được,” báo Giáo Dục Việt Nam yêu cầu công an thành phố Hà Nội cần phải huy động lực lượng, cần phải tìm ngay những kẻ gây rối tại buổi lễ tưởng niệm, cần phải đưa nhóm này, ít nhất là ra trước tòa án dư luận để những kẻ ngông cuồng đang đi ngược lại quyền lợi quốc gia, dân tộc, đi ngược lại đạo lý làm người nhận thức được hành động của chúng cũng là tội lỗi. Việc nhanh chóng tìm ra nhóm người này không phải là để an ủi vong linh các liệt sĩ đã ngã xuống cho nước Việt, cho người Việt có cuộc sống hôm nay mà là lời xin lỗi của những người đang sống gửi tới vong linh các liệt sĩ vì đã không dạy bảo lớp người trẻ tuổi đến nơi đến chốn, để có những kẻ dám xúc phạm đến cả những điều thiêng liêng nhất trong đạo lý dân tộc.
Dường như một kỷ nguyên mới dành cho báo chí nhà nước đang khởi rạng. Bài học hồi sinh tự do báo chí ở Miến Điện mấy năm trước vẫn chưa hề phai mờ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn