Xã hội càng văn minh, càng hiện đại thì con người càng phải tin nhau. Xã hội mất niềm tin là mất tất cả: khi đó mọi giao dịch kinh tế, mọi hoạt động sống đều khó khăn. Kinh tế học cho ta thấy chi phí giao dịch trong xã hội khi mất niềm tin sẽ tăng vọt. Sống trong nghi ngờ luôn làm chúng ta lo âu, mệt mỏi.
Xã hội cần niềm tin nhưng trao trọn niềm tin, có nên không?
Tôi xin tiếp tục câu chuyện ngày 10.12.2013, tại trụ sở công an Phường Hòa Minh-Quận Liên Chiểu-Tp Đà Nẵng. Để có thể theo dõi câu chuyện, các bạn mới xin đọc trước bài này.
Khi tôi mang đơn trình báo bị đánh và bị cướp, một công an viên (hiện tôi không còn nhớ tên) tiếp tôi, anh ta nhận đơn và lấy ra một tờ giấy để lập biên bản, rồi anh ta lấy ra một tờ khác để lấy lời khai của tôi. Anh ta hỏi tôi một số câu hỏi và tôi trả lời. Tình tiết làm việc giống như một vụ đánh, cướp thật sự. Khi chúng tôi làm việc được một nửa thời gian thì viên Trung Tá Nguyễn Đắc Mười đến đứng bên cạnh. Nói thật, lúc đó tôi cố gắng trả lời cho xong “vở kịch” chứ trong lòng chán nản vô cùng. Tôi biết chân tướng sự việc nó như thế nào rồi.
Sau khi hỏi đáp xong, chép mỏi cả tay, anh công viên hỏi tôi còn nói gì nữa không? Tôi trả lời không. Anh ta bảo, chúng tôi sẽ điều tra, khi nào bắt được vụ nào đó ăn cướp, trong quá trình điều tra, nếu có tìm ra đường dây và nếu thu hồi được máy tính bảng thì sẽ gọi anh lên. Nghe đến đây, trong lòng tôi buồn tê tái và chán nản vô cùng. Như trong bài viết trước, tôi biết đó là câu chuyện vô vọng. Họ đâu có ngu mà đi tóm được kẻ đánh tôi, cướp đồ của tôi.
Trong tâm trạng uể oải, tôi xem lại, ký vào các biên bản làm việc, tôi hỏi còn phải làm gì nữa không? Anh công an viên trả lời hết, anh có thể đi về. Tôi nói: tôi có thể có một một tờ biên nhận hay tờ biên bản gì để làm bằng chứng cho việc tôi trình báo không? Anh công an viên bảo không. Anh nói tiếp “chúng tôi đã tiếp nhận đơn trình báo của anh, tôi sẽ trình báo lên lãnh đạo để cho người điều tra, làm rõ vụ việc, nếu có kết quả thì sẽ liên lạc với anh”. Tôi nhìn lên ông Trung Tá Nguyễn Đắc Mười, nãy giờ vẫn đứng bên cạnh quan sát chúng tôi làm việc. Tôi hướng về phía ông và nói “vậy tôi chỉ còn cách trao trọn niềm tin cho các anh?”. Ông ta bảo “đúng vậy, nhưng tôi biết riêng anh sẽ không tin đâu”. Vừa nói ông vừa cười hờ hờ có vẻ tràn đầy tự tin.
Nghe ông nói vậy tôi còn chỉ biết cười chua chát, nụ cười nở trên một khuôn mặt chán nản, não lòng. Tôi ra về, ngoài đường dòng người tấp nập ngược xui. Mấy ai trong số họ biết rằng, công dân Việt Nam khi đến làm việc chỉ có cách trao trọn niềm tin cho cơ quan công an. Không có một chứng tích, chứng từ gì chứng minh họ đã đến cơ quan công an làm việc trình báo, như hoàn cảnh hiện tại của tôi.
Một đôi trẻ trông có vẻ hạnh phúc, cô gái ôm sát, có vẻ âu yếm bạn trai, chạy xe chầm chậm qua tôi, họ vừa thông thả đi, vừa nói cười ríu rít. Bao quanh họ như một bầu không khí tràn ngập hạnh phúc của tình yêu. Rồi đây, như bao cuộc tình khác, sau một thời gian tìm hiểu, yêu đương, tin cậy nhau, có thể họ sẽ kết hôn với nhau. Tôi không biết họ có đủ hiểu nhau, tin nhau để có thể “trao trọn niềm tin” mà không làm giấy đăng ký kết hôn không? (Giả sử luật không bắt buộc họ đăng ký kết hôn).
Câu chuyện trao trọn niềm tin không chỉ xảy ra khi tôi làm đơn trình báo cho công an phường Hòa Minh. Sau khi tôi bị kẻ lạ mặt đeo bám, lạng lách, lấy cớ đụng xe để đánh tôi, tôi làm đơn trình báo lên giám đốc công an Tp Đà Nẵng. Người tiếp nhận đơn báo của tôi cũng nói là “đã tiếp nhận, sẽ chuyển lên lãnh đạo”. Như lần trước, tôi cũng chỉ còn cách trao trọn niềm tin rồi đi về trong bất lực.
Trong blog này, tôi có nêu ra câu hỏi “là công dân, chúng ta có quyền gì?”. Bàn về quyền công dân, sẽ có nhiều quyền và cũng còn đầy tranh cãi. Tuy nhiên, tôi nghĩ một trong những quyền đầu tiên của công dân là quyền nghi ngờ. Công dân có quyền nghi ngờ cơ quan nhà nước dối trá, tráo trở; không làm tốt, hoàn thành trách nhiệm được giao.
Theo các bạn, quyền trên có chính đáng không?
Mong nhận được tranh luận từ cách bạn.
Nguyễn Văn Thạnh
Email: thanhipi@gmail.com