Thứ nhứt do tư thế của Thượng Nghị Sĩ Kerry đã cùng với Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain vận động chính phủ Hoa Kỳ tái lập bang giao với Việt Nam và ủng hộ cho Hà Nội gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO).
Thứ hai John Kerry với tư cách một thủ lãnh phong trào phản chiến, đã điều trần trước Quốc Hội về kiến nghị chấm dứt chiến tranh, gây ấn tượng mạnh đến mức báo Boston Globe trích lời Tổng Thống Nixon thời đó công nhận “cực kỳ hiệu quả.”
Thứ ba lấy danh nghĩa một cựu chiến binh, thăm viếng lại những nơi ông tham gia chiến đấu và bị thương 3 lần. Nhưng lần này với tư cách là ngoại trưởng, ông tỏ thái độ bình dân, vận dụng tình cảm và sự thân thiện, khiêm tốn, đối xử vui vẻ với mọi người, kể cả việc bất chấp hàng rào an ninh bỏ tiền mua kẹo phát cho con nít chung quanh. Con gái ông, cô Vanessa Kerry cũng nói “Việt Nam là một phần cuộc đời tôi.” Tóm lại ông Kerry mua chuộc được lòng tin của một “đối tác chiến lược” trong vùng mà Hoa Kỳ đang cần để tách rời Việt Nam xa dần ảnh hưởng của Trung Quốc.
Đồng thời Mỹ cũng không muốn để cho Nga quay lại Á Châu một mình, độc quyền ôm lấy Việt Nam trong lúc Hoa Kỳ thực thi chính sách trục xoáy về khu vực Á Châu. Cho nên ông Putin vừa rời Việt Nam, ông John Kerry tới. Tờ Stratfor, chuyên phân tích thời sự thế giới, có bài viết: Việt Nam nằm trên vị trí bản lề ở Đông Nam Á, trên tuyến đường biển nối liền với Nga và hai nước đã có quan hệ từ hàng chục năm với nhau. Việt Nam đã từng là đối tác gần gũi nhứt với Nga trong giai đoạn mà cả hai nước phải tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Về quan hệ quốc phòng Nga cũng đã từng trợ giúp đắc lực Bắc Việt từ năm 1965 khi Bắc Kinh và Hà Nội rạn nứt khiến Trung Quốc rút toàn bộ viện trợ năm 1968.
Để nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ, Ngoại Trưởng Kerry tuyên bố tại Hà Nội ngày 16 tháng 12, 2013, Hoa Kỳ sẽ viện trợ $32.5 triệu cho các nước ASEAN để tăng cường năng lực kiểm tra mặt biển, trong số đó Việt Nam nhận $18 triệu để mua 5 tàu tuần tra cao tốc. Ngoài ra ông còn thông báo sẽ cấp vốn đầu tư ban đầu trị giá $4.2 triệu qua chương trình “Governance for Inclusive Growth” của USAID để giúp Việt Nam thực thi TPP.
Mục đích chuyến đi của Ngoại Trưởng Kerry là thắt chặt mối quan hệ thương mại, an ninh giữa hai nước. Trước khi ông Kerry đến Việt Nam, Đô Đốc Samuel Locklear, tư lệnh Thái Bình Dương, cũng đã tới đó, bàn với nhà cầm quyền Hà Nội, về vấn đề mà Mỹ và Việt Nam đang quan tâm nhứt. Chuyến viếng thăm của ông Kerry vào lúc 11 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, thương thuyết việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trước khi lên đường, Ngoại Trưởng John Kerry nhận được thơ của 47 nhà lập pháp Mỹ do hai nữ Dân Biểu Loretta Sanchez và Zoe Lofgren cùng 45 đồng viện lưỡng đảng ký tên hối thúc ông Kerry phải gắn liền đàm phán về TPP với tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Do đó ông Kerry vẫn phải nói xa nói gần với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng: “Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một trong những đối tác kinh tế chủ chốt của Mỹ trong khu vực, nhưng xã hội phải cởi mở hơn mới góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước, ông kêu gọi Việt Nam nắm lấy cơ hội này để bảo vệ quyền tư do cá nhân.” Ông xác nhận Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng đồng thời tin rằng những tiến bộ về nhân quyền và nhà nước pháp quyền là những điều kiện tiên quyết để tăng trưởng và ổn định lâu dài, cho quan hệ song phương như Việt Nam mong muốn.”
Các nhà lãnh đạo Việt Nam thừa biết Mỹ đang cần họ và hết lòng ve vãn, cho nên những lời nói của ông Kerry như “nước đổ đầu vịt” không có ý nghĩa gì đối với chủ trương độc tài, độc đảng, độc quyền cai trị. Dĩ nhiên vì lý do ngoại giao họ vẫn hứa sẽ cải thiện nhân quyền, nhưng rồi họ cũng sẽ bắt người chống quan thầy Trung Quốc, đàn áp tôn giáo, đánh đập những người phân phối bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc như họ đã và sẽ còn làm. Phần Hoa Kỳ cũng vì lý do ngoại giao và nhu cầu xây dựng trục xoáy Á Châu, vẫn chấp nhận Việt Nam có tiến bộ về nhân quyền để thu nhận vào TPP.
Bà Sanchez thừa biết Cộng sản Việt Nam luôn tráo trở, lật lọng, như họ đã một tay ký Hiệp Định Geneva và Hiệp Định Paris, một tay chuẩn bị vũ khí tiếp tục chiến tranh. Gần đây Hà Nội ký chấp nhận hiệp ước cấm đánh đập, tra tấn, ép cung nhưng công an, và cán bộ dân phòng vẫn tiếp tục bắt người và “bề hội đồng.” Vì biết rõ điều đó nên bà Dân Biểu Sanchez nhắc lại: “Còn nhớ khi muốn gia nhập WTO, Việt Nam đã trả tự do cho một số tù nhân đồng thời bày tỏ thiện chí sẽ cải thiện nhân quyền. Nhưng khi đã là thành viên của WTO thì họ tiếp tục chính sách đàn áp và bỏ tù đối lập. Hiện tại họ ngồi đó và yên trí thế nào cũng đạt được TPP. Còn chúng tôi thì tin rằng đã tới lúc phải nói không với một chính thể luôn chà đạp quyền lợi của người dân trong nước họ.”
Đó là nói về nhân quyền, riêng phần an ninh, tình hình thực tế đang giúp cho Việt Nam tháo gỡ bớt sức ép của vòng “Kim Cô” Trung Quốc làm bằng 16 chữ vàng cộng 4 cái tốt, đã tròng vào đầu ban lãnh đạo cộng sản Hà Nội. Bây giờ nhờ vào trục xoáy và kế hoạch bao vây Trung Quốc của Mỹ bắt buộc Bắc Kinh phải dè chừng hơn. Những sự dương oai theo kiểu cho máy bay không người lái tiến gần đảo Senkaku, cho tàu hải giám tiến sâu, tiến sát những hải đảo thuộc chủ quyền của Nhật hay Philippines, và đơn phương tuyên bố vùng “nhận dạng phòng không,” tất cả chỉ là hù dọa để chứng minh ta là đệ nhị anh hùng thế giới.
Nhưng biết đâu hai siêu cường có thỏa thuận ngấm ngầm chăng? Rằng “nước sông không động nước giếng.”
Vậy cũng nên suy nghĩ về lời phát biểu thẳng thừng của Chủ Tịch Tập Cận Bình với Tồng Thống Obama: “Thái Bình Dương đủ rộng cho hai cường quốc tự do hoạt động” và “tự do đi lại trên đường hàng hải sẽ được bảo đảm.” Những điều đó có ý nghĩa gì? Chẳng lẽ ông Tập phải khai thật rằng, ông đã nói với Obama là chúng tôi đã bắt tay nhau cùng thiết lập trật tự thế giới mới theo sự bàn cãi tay đôi ngày 8 tháng 6, 2013 tại California? Một cuộc họp không chính thức “sau bức màn kín đáo,” hai ông nói với nhau những gì không ai biết rõ. Chỉ suy diễn trên lời phát biểu của ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Trung Quốc, là: “Ý nghĩa lịch sử của cuộc gặp gỡ mang tầm cỡ 'lòng tin chiến lược,' đẩy mạnh quan điểm ‘đôi bên cùng có lợi', và đã hình thành khái niệm quan hệ trên 'mô hình mới'.” Mô hình mới đó là cái gì?
Phải chăng là những gây hấn bề ngoài chỉ để tỏ cho dư luận thấy mọi chuyện đều hợp lý, hợp cảnh mà thôi, chớ kỳ thực như trong quá khứ, lúc Mao Trạch Đông còn sống hô hào đã đảo đế quốc Mỹ, là kẻ thù số một của nhân dân ta, nhưng trong phòng đàm phán ông nói với Kissinger: Lâu lâu Trung Quốc cũng phải hô hào đã đảo đế quốc Mỹ nhưng giữa chúng mình hiểu nhau là được rồi.
Bởi vậy nếu có một sự hòa hoãn nào đó, nếu có một sự thỏa thuận ngầm nào đó, phân chia ảnh hưởng trên thế giới trong điều kiện “đôi bên đều có lợi” thì các nước nhược tiểu sẽ là nạn nhân bị phản bội trước tiên. Trong quá khứ thời Đệ Nhị Thế Chiến vừa chấm đứt, tại hội nghị Yalta, Stalin và Churchill chia các nước Đông Âu cho cộng sản, đổi lấy các thuộc địa cho Anh và Pháp. Hồi ký của de Gaulle và Churchill đều có nói điều đó. Giữa lúc chiến tranh, Mỹ, Anh, Pháp, yêu cầu vua Ba Lan đang tị nạn tại Anh, ra lệnh cho kháng chiến nổi dậy chiếm lấy Warsaw, nhưng rồi Đức bao vây thành phố, Mỹ không cho B29 tiếp tế khí giới đạn dược, vì xăng không đủ bay đi, bay về, còn Liên Xô không cho hạ cánh trên phi trường của họ để nhận thêm nhiên liệu. Kết quả quân Đức tàn sát cả triệu người Ba Lan. Chiến tranh Việt Nam, ai cũng biết Mỹ thỏa thuận với Mao Trạch Động cùng chống Liên Xô, bỏ rơi “tiền đồn chống Cộng” VNCH, chính Kissinger xác nhận trong một cuộc hội thảo tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng: Mất miền Nam Việt Nam là do Hoa Kỳ. Rồi đây quốc gia nào sẽ trả cái giá cho Trung Quốc và Hoa Kỳ thỏa thuận trong điều kiện “đôi bên đều có lợi”?
Võ Long Triều
Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn