Hôm nay anh chị em di dân gốc Thuận Nghĩa sống trong miền thành phố Sài Gòn họp nhau mừng lễ giỗ thứ 175 của thánh Phê-rô Vũ Đăng Khoa tử đạo ngày 24-11-1838. Thánh Vũ Đăng Khoa gốc làng Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là 1 trong 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam được Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mừng kính trọng thể ngày hôm nay. Ta hãy đặt câu hỏi: đâu là ý nghĩa của ngày lễ này đối với chúng ta.
Tử đạo hay chứng nhân
Suốt hơn ba thế kỷ đạo Chúa Ki-tô có mặt tại Việt Nam, đã có cả trăm ngàn tín hữu đã chết để làm chứng cho Chúa. Con số 117 vị được tôn phong hiển thánh năm 1988 mới chỉ là một con số tượng trưng trên tổng số những người đã chết vì Chúa Ki-tô. Các vị thánh được gọi là “tử đạo” (chết vì đạo) trong tiếng Việt chúng ta, thì theo nguyên ngữ Hy-lạp cũng như La-tinh có nghĩa là “chứng nhân”. Trước và trên hết mọi sự, các ngài là những người đã tin theo Chúa Ki-tô, đã trở thành chứng nhân của Ngài trong cuộc sống, cuối cùng là qua cái chết. Chính vì tầm quan trọng của việc làm chứng mà chúng ta đã có những thánh như Ma-ri-a Go-rét-ti hay Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, các ngài vẫn được ghi vào danh bạ các thánh tử đạo, cho dù không phải theo nghĩa thông thường. Ma-ri-a Go-rét-ti là một thiếu nữ bị anh bạn hàng xóm hãm hiếp rồi đâm chết; dù mới ở tuổi hoa niên, thiếu nữ đã chấp nhận thà chết chứ không phạm tội làm mất lòng Chúa, như thánh Phao-lô khẳng định trong bài đọc 2: “Cho dầu là sự chết hay sự sống… không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8,38-39). Còn Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê là một linh mục Phan-xi-cô, người tù trong một trại tập trung thời Đức quốc xã, chấp nhận chết thay cho đồng bạn bị kết án tử hình.
Tử đạo, chuyện lỗi thời?
Lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có ý nghĩa gì với chúng ta hôm nay? Phải chăng chúng đang tốn công nhắc lại chuyện tử đạo, một chuyện đã lùi xa vào quá khứ? Nói cách khác phải chăng tử đạo đã là chuyện lỗi thời? Nhìn lại lịch sử truyền giáo, từ đầu thế kỷ XVII thời Chúa Nguyễn trong Nam và Chúa Trịnh ngoài Bắc, nhất là thời các vua triều Nguyễn, các cuộc bách hại có lúc hết sức tàn khốc đã dẫn đến cái chết của trên 100,000 Ki-tô hữu. Người có đạo nếu không công khai chối đạo bằng lời nói hay cử chỉ như giẫm đạp lên cây thánh giá thì phải chịu tù đày, chịu tra tấn dã man, cuối cùng bị treo cổ, bị chém rồi bêu đầu hoặc thả xác trôi sông, hay phải chịu một cực hình dã man khác. Đúng là những cách đối xử man rợ như thế với người có đạo ngày nay không còn nữa.
Từ biến cố 1975 đến đầu thập niên 90, tình hình tôn giáo còn rất khó khăn, nhưng sau đó, từ từ mọi chuyện đã trở nên dễ dàng, từ chuyện xây cất các cơ sở tôn giáo đến chuyện đào tạo linh mục, tu sĩ. Du khách đến Việt Nam, chứng kiến các cơ sở tôn giáo đồ sộ khang trang, có khi lộng lẫy, các cuộc lễ lúc nào cũng đầy ắp tín hữu, khó có thể nghi ngờ về sự tự do tôn giáo trong nước Việt Nam cộng sản hôm nay. Nhưng cái giá phải trả để được các thứ “tự do” đó, là đạo chỉ được phép đóng khung trong khuôn viên nhà thờ, trong các nghi lễ tôn giáo. Trong khi đó, sứ mạng người Ki-tô hữu không đơn thuần chỉ là thực hành một số nghi thức, mà phải là men, là muối trong thúng bột nghĩa là trong xã hội, thì lại không có điều kiện thi hành sứ mạng thiêng liêng cao cả của mình, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, y tế, xã hội. Chính quyền cộng sản tự nhận là vô thần nên chỉ chấp nhận thứ tôn giáo lễ hội, đó là việc của họ. Nhưng khi người có đạo hài lòng với thứ tôn giáo lễ hội đó, liệu có còn trung thành hay không với Chúa Ki-tô, Đấng đã ra điều kiện phải vác thập giá cho ai muốn theo Ngài.
Bây giờ để tiếp tục triển khai ý tưởng tử đạo là làm chứng hay trở thành chứng nhân, tôi xin đưa ra mấy ví dụ cụ thể mang tính thời sự.
Chứng nhân của lòng yêu nước: Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Năm nay tại Hoa Kỳ, tại Úc và nhiều nước Châu Âu, người Việt quốc gia tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại vì yêu nước, vì muốn giữ chủ quyền quốc gia, không chấp nhận cho quân đội Mỹ ồ ạt vào Việt Nam. Chính quyền Mỹ đã vịn cớ chống độc tài và gia đình trị, dùng bàn tay Phật giáo để lật đổ nền Đệ nhất cộng hoà và giết tổng thống Ngô Đình Diệm. Và như thế tổng thống Diệm đích thực là một anh hùng dân tộc, một người hy sinh vì tổ quốc, một chứng nhân của lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ta hãy nghe Đức Cha Nguyễn Văn Long, một tu sĩ Phan-xi-cô làm giám mục Phụ tá Melbourne, Úc Châu, nói về tổng thống Diệm, dịp lễ Các Thánh 2012 và cũng là giỗ thứ 49 của tổng thống Diệm như sau: “Hôm nay cũng là ngày tưởng nhớ một vị mà cả cuộc đời, khi nhìn theo lăng kính Ki-tô Giáo, đã được định nghĩa bởi Tám Mối Phúc Thật, cũng như đã hiến mình cho quê hương dân tộc. Quả thế, tôi mạnh dạn dùng những lời này để nói về vị nguyên thủ quốc gia và người khai sinh ra nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, cụ Gio-an Bao-ti-xi-ta Ngô Đình Diệm. Cuộc sống giản dị của cụ, ngay cả khi cụ có đủ điều kiện để hưởng thụ, đã phản ảnh đức tin được thấm nhuần và tôi luyện ngay từ thuở còn thiếu thời. Người ta có thể phác họa nhiều hình ảnh tiêu cực về cụ; thậm chí nhiều kẻ đã bóp méo lịch sử để triệt hạ cả danh dự của cụ. Nhưng ít ai còn chút lương tâm có thể phủ nhận một con người liêm khiết, đức độ, nhân ái, một tinh thần ái quốc, kiêu hãnh với chủ quyền đất nước và trung kiên với vận mệnh dân tộc.
Ở một góc cạnh nào đó, cụ là một con người thật bất hạnh… Nhưng nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính đức tin, thì phải chăng cụ là người có phúc vì cụ đã “bị giết hại vì lẽ công chính”? Phải chăng, cuộc đời và sự hy sinh của cụ phản ảnh một sự hiến thân hoàn toàn của Đức Ki-tô? Phải chăng cụ – như Thầy Chí Thánh – là phiến đá mà người thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường? Phải chăng tấm gương vị quốc vong thân, phải chăng ước mơ xây dựng một triều đại chính trực trên quê hương của cụ sẽ mãi mãi làm ngọn đuốc soi đường cho thế hệ mai sau?”
Điều đáng nói là trong khi tại khắp nơi trên thế giới, tại những nơi có người Việt quốc gia, lễ tưởng niệm 50 năm biến cố đau thương 2-11-1963 được cử hành hết sức trọng thể, thì ngay tại Việt Nam, ngay trong các cộng đoàn Công Giáo, tổng thống Diệm vẫn không được nhắc tới, ít là một cách công khai. Người ta giả vờ quên biến cố đau thương là người công chính, người yêu nước bị sát hại, và cũng giả vờ không biết rằng biến cố đó đã dẫn đến thực tế phũ phàng là dân chủ, tự do đã mất, mà độc lập quốc gia cũng không còn. Dù vậy, tại Sài Gòn, sáng ngày 1-11 vừa qua, ban truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế đã dẫn đầu một nhóm bạn trẻ tới dâng thánh lễ và cầu nguyện trước mộ phần Tổng Thống. Trong số các hình ảnh được truyền đi trên mạng, nổi bật nhất là hình cô bé Phương Uyên ôm bó hoa huệ đứng bên mộ phần Tổng Thống, khiến ta nghĩ đến lời trăn trối của vị anh hùng dân tộc: “Tôi tiến, hãy theo tôi, tôi lùi, hãy giết tôi, tôi chết hãy nối chí tôi”. Phương Uyên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam đang đi theo con đường dấn thân cho chính nghĩa độc lập và chủ quyền quốc gia. Như thế, tổng thống Ngô Đình Diệm đã thể hiện lời Chúa Giê-su: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13). Và đến đây, ta có thể khẳng định: Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thực là một chứng nhân của Chúa Ki-tô.
Chứng nhân của tình yêu đồng bào, yêu tổ quốc
Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,16), nếu yêu tha nhân là dấu chỉ để nhận ra người môn đệ Chúa Giê-su (x. Ga 13,35) thì dưới cái nhìn của người Ki-tô hữu, những người yêu mến tha nhân, xả thân cho đồng loại, hy sinh cho dân tộc, cho đất nước, vẫn là chứng nhân của tình yêu, của Thiên Chúa, được Chúa Ki-tô nhìn nhận là môn đệ. Trong hoàn cảnh bi thảm của đất nước hôm nay, trong cái xã hội tan nát vì độc tài, tham nhũng, vì áp bức, bất công, nền đạo đức hoàn toàn băng hoại, nền độc lập quốc gia đã mất, lãnh thổ hết còn toàn vẹn, thì những con người Việt Nam mạnh mẽ và kiên cường đấu tranh cho sự thật, cho tự do, công lý, cho chủ quyền quốc gia, bất chấp mọi gian khổ, chấp nhận bị sách nhiễu, bị bắt bớ, bị đày ải, những con người đó đích thực là nguyên khí quốc gia, là chứng nhân của tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Xin miễn kể ra đây những tên tuổi đã được công luận biết đến nhiều trong những năm qua, chỉ xin đưa ra một tấm gương bạn trẻ làm ví dụ, đó là cô Đỗ Thị Minh Hạnh, năm nay 28 tuổi.
Minh Hạnh là một sinh viên trường Cao Đẳng Kinh Tế, sinh năm 1985 trong một gia đình mà ông nội là lão thành cách mạng, bà nội là liệt sĩ. Lên 18 tuổi, cô đã tham gia công tác xã hội. Năm 2005 cô đến Hà Nội giúp đỡ dân oan khiếu kiện. Năm 2007 cô tổ chức cho công nhân người Việt bị áp bức tại các công ty nước ngoài biểu tình và đình công để được tăng lương và bảo đảm an toàn lao động. Tết Canh Dần, cô cùng hai người bạn rải truyền đơn “Ngàn năm Thăng Long”, trả lời phỏng vấn các đài truyền thanh nước ngoài tố cáo nhà cầm quyền cộng sản, cảnh báo công luận về nguy cơ mất nước, về hiểm hoạ xâm lăng của giặc Tàu. Tháng 2 năm 2010 Minh Hạnh bị bắt vì bị cáo buộc “xúi giục” công nhân của một công ty giày da tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công. Ngày 27-10-2010 Minh Hạnh bị xử 7 năm tù giam với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân. Vào tù, Minh Hạnh tiếp tục đấu tranh phản kháng sự áp bức bóc lột sức lao động của các tù nhân từ các công an trại giam. Ta hãy nghe lời Minh Hạnh nói với Mẹ: “Con rất là đau buồn, con không buồn cho thân thể con, ở tù bao nhiêu năm cũng được… Họ bảo con hãy nhận tội đi rồi sẽ được giảm xuống 4 năm, nhưng không, ở đời thì chết chỉ có một lần mà thôi… để cho họ thấy rằng, họ không được phép coi thường tinh thần bất khuất của dân tộc. Làm sao để cho mọi người hiểu rằng, trước hết là phải bảo vệ danh dự của dân tộc… họ đánh đập công nhân, lấy giầy ném vào mặt công nhân, làm sao con có thể chịu đựng được, rồi sỉ nhục dân tộc, nói phụ nữ Việt Nam đi làm đĩ, họ có quyền gì để nói lên điều đó, mà tại sao Nhà Nước không bảo vệ công nhân mà lại đi bảo vệ chủ?” Tháng 10 vừa qua Minh Hạnh bị chuyển trại, trong xe thùng đặc chủng trên đường ra Bắc bị còng tay, xích chân, ngất xỉu. Chắc trong tình cảnh đó của cô mà từ Hoa Kỳ, thi sĩ Trần Trung Đạo viết tặng cô bài thơ mang tựa đề “Đất nước mình không có hôm nay” diễn tả lòng cảm phục của thi sĩ trước sự hy sinh cao cả của cô sinh viên 28 tuổi: Xin đọc những đoạn trích sau đây:
Em ra đời
Mười năm sau cuộc chiến
Bom đạn đã thôi rơi, sao tiếng khóc chưa ngừng,
Câu hát hòa bình, sao nước mắt rưng rưng…
Tuổi thơ em
Được nuôi bằng những giọt tình thương
Mẹ vắt ra từ bầu sữa cạn,
Bằng giọt mồ hôi cha trong sớm chiều lận đận
Cõng cuộc đời trên chiếc lưng cong.
Những nỗi nhọc nhằn đã làm em khôn lớn thêm nhanh
Để biết thương yêu đồng bào lao động…
Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em.
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?
Em bước vào tù khi tuổi mới hai mươi
Tuổi đẹp nhất của thời con gái
Bên ngoài trại giam, mùa xuân đang qua
và không trở lại
Nhưng trong trái tim em, xuân mãi mãi không tàn.
Hạnh phúc của em là hạnh phúc của dân oan
Của những con người không có quyền được nói.
Niềm vui của em là niềm vui của đàn em thơ mới lớn
Của những mái đầu bị xóa mất màu xanh.
Đảng xô em
vào vũng bùn đen lọc lừa, giả dối, gian manh
Em lọc ra những giọt nước ngọt ngào, tinh khiết.
Đảng trồng trong nhận thức em cây hận thù chém giết
Em chăm sóc cây để trổ trái tình người.
Đảng đốt cuộc đời em bằng ngọn lửa bạo tàn rực đỏ khắp nơi
Em thổi tắt để thành nguồn sưởi ấm.
Đảng biến em làm con sâu đo
uốn mình quanh bốn vòng cửa cấm
Em thoát thân thành cánh bướm vàng.
Hôm nay
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại…
Đừng gục xuống, đừng than thân trách phận
Hãy mỉm cười như một chuyến đi xa.
Mẹ sẽ chờ em dù năm tháng trôi qua
Sông núi chờ em trong ngày hội lớn.
Những uất hận ngày nào chảy theo dòng sông Hát
Đang trở thành những lớp phù sa.
Tác giả Trần Trung Đạo cũng như bất cứ ai quan tâm đến vận mạng đất nước đều có thể thấy nơi Đỗ Minh Hạnh cũng như tất cả những ai đang chấp nhận bao gian truân khổ ải là những chứng nhân của lòng yêu nước, khiến ta dám tin rằng hoàn cảnh đất nước có bi thảm đến đâu, ta cũng không có quyền tuyệt vọng.
Kết luận
“Thiên Chúa không chấp nhận làm người thua cuộc”. Đó là lời Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong bài giảng ngày 7-11-2013 vừa qua tại nhà nguyện thánh Mác-ta khi giải thích ý nghĩa dụ ngôn người nội trợ đốt đèn tìm đồng tiền đánh mất và người mục tử vượt suối băng ngàn đi tìm con chiên lạc. Đức Giáo Hoàng nói: để không làm người thua cuộc, Thiên Chúa đã cất công đi tìm. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời cấm đạo tại Việt Nam, các thánh Tử Đạo đã chấp nhận trả giá để đi tìm cho được tự do đích thực của người tin, tìm cho được sự sống muôn đời, và đã trở nên nhân chứng của Thiên Chúa Tình Yêu. Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đỗ Thị Minh Hạnh, cũng như tất cả những người đang chấp nhận bao oan khiên, bao đau khổ thể xác và tinh thần để đi tìm tự do dân chủ, để dành lại quê hương đã mất, đã trở thành nhân chứng của tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Dưới cặp mắt đức tin, chúng ta nhận ra những con người đó đã và đang thể hiện Lời Chúa Giê-su: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nay liệu chúng ta sẽ làm gì để xứng đáng là con cháu các thánh Tử Đạo, là con dân nước Việt, là tín hữu Chúa Ki-tô?
Hội Trường Học Viện Phan-xi-cô Thủ Đức,
ngày 17 tháng 11 năm 2013
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
địa chỉ mới: pascaltinh2011@gmail.com
Gửi ý kiến của bạn