Từ địa vị “cốt yếu” nâng lên địa vị quyết định, nhiều nhà quan sát quốc tế thấy có một chuyển hướng; vai trò của thị trường sẽ mạnh hơn, chính quyền sẽ giảm bớt quyền can thiệp. Đặc biệt, họ lại nhắc đến vai trò của thị trường trong việc “phân bố tài nguyên,” khiến người ta thấy sẽ có một cuộc cải tổ trong việc điều hành hệ thống ngân hàng, để cứu nguy cả nền tài chánh.
Hội nghị Trung ương Đảng thứ ba, sau đại hội thứ 18, quyết định sẽ lập một “ủy ban” với mục đích “cải tổ sâu xa” hơn theo chiều hướng kể trên. Nhưng chưa biết việc thi hành sẽ ra sao. Hội nghị còn đưa ra quyết định thành lập một “hội đồng an ninh quốc gia,” như một cơ quan cùng tên trong chính phủ Mỹ. Xưa nay, các bộ và cơ quan lo việc an ninh, quốc phòng không nằm trong một tổ chức kiểu đó; quyết định mới này sẽ tập trung thêm quyền hành vào tay Chủ tịch Tập Cận Bình. Mặc dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện lớn hàng thứ hai trên thế giới, chỉ thua nước Mỹ, nhưng số tiền đó còn nhỏ so với ngân sách của các cơ quan an ninh; vì mối lo trước đe dọa nội loạn cũng hiển nhiên hơn các mối lo từ bên ngoài.
Cũng vì mối lo dân chúng luôn luôn bất mãn, nếu kinh tế tiếp tục suy yếu thì bạo loạn có thể xẩy ra, cho nên Tập Cận Bình đã thuyết phục được 205 người trong Ban Chấp hành Trung Ương chấp nhận nhích một bước về phía trước. Kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc độ tăng trưởng trong hai năm qua, hậu quả của một quyết định thay đổi đường lối, tỷ lệ gia tăng của Tổng sản lượng (GDP) chỉ còn khoảng 7.5% thay vì 9 đến 10% trước đây. Đó là một chính sách nhằm chuyển hướng cả nền kinh tế, vì người Trung Hoa biết rằng “mô hình kinh tế” mà Bắc Kinh theo đuổi từ mươi năm nay dần dần đi đến một ngõ cụt nguy hiểm. Trước đây họ chỉ bơm tiền dự trữ của nhà nước cho chính quyền các địa phương cho các công trình xây dựng lớn, nhằm giữ những con số và một hình ảnh tốt đẹp. Đường lối này được các cán bộ địa phương hoan nghênh; vì họ có thể trưng ra các con số chứng tỏ địa phương mình vẫn “phát triển tốt.” Mặt khác, mỗi công trình xây dựng lại là một dịp cho các quan lớn, quan nhỏ rút ruột. Để thực hiện chính sách này, đảng Cộng sản Trung Quốc dùng các ngân hàng do nhà nước làm chủ bơm tiền vào nền kinh tế, bằng cách cho vay với lãi suất nhẹ, mà nếu không trả lại được cũng bỏ qua. Tổng số nợ ở nước Trung Hoa đã tăng từ 125% lên tới 210% GDP từ năm 2006 đến 2012. Nhưng các món tiền cho vay đó được dùng như thế nào? Rất nhiều “thị xã ma” đã xuất hiện, gồm những ngôi nhà và cao ốc mọc lên mà không có ai mua hay thuê. Nhiều thứ hàng hóa được sản xuất được chất đống trong nhà kho, bến cảng, từ than đá, đồ chơi, cho tới các máy điện dùng trong nhà, không có người tiêu thụ.
Đường lối đó không thể kéo dài mãi, vì các ngân hàng ngày càng nhiều nợ xấu sẽ đến lúc phá sản; và nhà nước lại phải bơm thêm tiền vào để cứu chữa. Số nợ trong các ngân hàng ở Trung Quốc đã gia tăng trong năm năm qua tới tình trạng giống hệt như ở Nhật Bản, Nam Hàn và Thái Lan trước khi các nước này bị tơi vào khủng hoảng tài chánh khiến kinh tế suy sụp. Nhà kinh tế Mao Vu Thức (Mao Yushi) ở Quảng Đông chứng kiến cảnh chính quyền các tỉnh, huyện ngày càng mang nợ nhiều, đã nói thẳng: “Tôi cảm thấy sợ đến chết!”
Cho nên, từ năm ngoái Bắc Kinh đã giảm bớt việc đổ tiền vào những dự án đầu tư phí phạm để tránh mối lo lạm phát và sự suy sụp của cả hệ thống tài chánh. Quyết định để cho thị trường đóng vai trò quan trọng hơn trong việc phân bố tài nguyên cho thấy Bắc Kinh đã công nhận phải thay đổi.
Phân bố tài nguyên ở đây hiểu theo nghĩa giản dị nhất, là sử dụng tiền để dành của công chúng vào việc gì. Dân Trung Hoa tiết kiệm trung bình 45% số tiền họ kiếm được. Nhưng các đồng tiền đó được gửi vào ngân hàng, do nhà nước kiểm soát, chỉ mang lại một lãi suất thấp, luôn luôn thấp, lãi suất do nhà nước quyết định. Hậu quả là các ngân hàng của nhà nước thì dư tiền, tha hồ cho các xí nghiệp nhà nước đầu tư theo cách phung phí; trong khi người dân thì không đủ tiền tiêu thụ. Lý do chính yếu là nhà nước can thiệp, nắm quyền quyết định chuyển các đồng tiền của dân đẻ sử dụng vào những việc gì. Thay vì dân được dùng đồng tiền để thiêu thụ, nhà nước đã bắt dân kham khổ, chuyển tiền cho các cán bộ ngân hàng. Như bà Yuriko Koike, cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, đã nhận xét về sức mạnh kinh tế của nước láng giềng: “Có hơn một tỷ người Trung Quốc, một nửa vẫn còn sống trong cảnh cực kỳ nghèo khó.” Trong khi đó giới tư bản đỏ ngày càng thêm nhiều tỷ phú đô la.
Vì con đường phát triển theo lối đó đang đi vào ngõ cụt, cho nên đảng Cộng sản Trung Quốc mới nhích thêm một bước cải tổ kinh tế, khi họ tuyên bố “Thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài nguyên.” Đây có thể là một quyết định của Tập Cận Bình nghiêng theo ý kiến của chủ tịch Ngân hàng Nhân dân, ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), đứng đầu ngân hàng trung ương từ năm 2002.
Đáng lẽ ông Chu Tiểu Xuyên đã mất chức này từ Tháng Ba, vì năm ngoái ông đã 65 tuổi, bị mất ghế trong Trung Ương Đảng. Người được coi sẽ thay thế ông là Tiêu Cương (Xiao Gang), chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), mới được bầu vào Trung Ương trong kỳ đại hội 18. Nhưng Tập Cận Bình vẫn giữ Chu Tiểu Xuyên ở Ngân hàng Nhân dân, vì muốn thực hiện một số cải cách mà ông Chu vẫn cổ động.
Chu Tiểu Xuyên chủ trương tăng thêm cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng, và tạo cơ hội cho các ngân hàng tư nhân nhỏ xuất hiện, cũng như nhận thêm vốn đầu tư của của người ngoại quốc. Một đề nghị của ông là cho các ngân hàng tự quyết định lãi suất trả cho người gửi tiền, ki1hc thích cạnh tranh họ với nhau. Biện pháp đó cũng giúp cho người dân bình thường có thêm tiền trong túi, có thể tiêu thụ nhiều hơn; đúng chủ trương chuyển tài nguyên từ các vụ cho vay đầu tư phí phạm sang người tiêu thụ. Ông cũng đề nghị thành lập một Quỹ bảo hiểm cho Người Gửi tiền (trương chủ), giống như cơ quan FDCI ở Mỹ. Cơ quan Federal Deposit Insurance Corporation bảo đảm nếu một ngân hàng khánh tận thì nhà nước Mỹ sẽ trả lại tiền cho người có trương mục, tới mức 100,000 đô la. Hiện nay các trương chủ ở Trung Quốc gửi tiền vào ngân hàng đều không có bảo hiểm. Tất cả hệ thống chạy được vì ai cũng tin rằng chính phủ đóng vai nhà bảo hiểm, sẽ bỏ tiền cứu các ngân hàng khi khánh tận nếu không đòi được nợ. Nếu thành lập một Quỹ bảo hiểm cho Trương chủ như FDCI ở Mỹ sẽ giúp cho các ngân hàng tư và nhỏ có thế mạnh hơn. Chính các ngân hàng tư này sẽ cho các xí nghiệp tư nhân nhỏ và trung vay tiền, thay vì bao nhiêu tiền dân để dành bị các ngân hàng của nhà nước chuyển cho các xí nghiệp quốc doanh. Đó chính là ý nghĩa của quyết định cho thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài nguyên. Nếu được thực hiện thì trong mười năm tới kinh tế Trung Quốc sẽ thay đổi rất nhiều. Đó cũng là ý nghĩa của lời văn được công bố sau hội nghị, nói sẽ “tăng cường quan hệ giữa nhà nước và thị trường” với mục đích giúp nền kinh tế có hiệu quả và sản năng cao hơn.
Một điều hiển nhiên ai cũng phải biết là khi tài nguyên của cả xã hội được trao cho các cán bộ sử dụng thì không có hiệu quả bằng đưa vào tay các nhà kinh doanh tư. Thị trường hóa việc điều hòa và phân bố tài nguyên chắc chắn sẽ giúp cho cả xã hội cùng tiến bộ.
Nhưng bước tiến kinh tế mới của đảng Cộng sản Trung Quốc có thể thực hiện được hay không? Tất cả còn tùy thuộc quyền lực của Tập Cận Bình, liệu ông ta có khả năng bắt các cán bộ cấp dưới thi hành chính sách mới hay không. Từ năm ngoái, khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố chuyển hướng nền kinh tế, nhiều chuyên gia nổi tiếng đã tỏ ý nghi ngờ hiệu quả.
Giáo sư Liêu Kim Chung (Liao Jinzhong), Đại học Hồ Nam, đã diễn thuyết nhiều lần cho các cán bộ nghe trong Trường Đảng ở Hồ Nam, khuyên họ không nên chỉ nghĩ đến các công trình xây dựng lớn lao, trong khi “Chúng tôi chỉ muốn thấy có một hệ thống ống cống thoát chất phế thải chạy tốt hơn!” Thành phố Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam công bố tỷ lệ kinh tế gia tăng tới gần 13% năm ngoái, nhờ đầu tư vào nhiều công trình giao thông. Giáo sư Liêu kể rằng sau khi ngồi nghe xong, các cán bộ đều bắt tay khen ngợi ông đã can đảm, dám nói thẳng. “Nhưng chính họ lại nói rằng họ không thể thay đổi được!”
Tại sao các cán bộ Trung Cộng lại ù lì như thế? Vì hệ thống đảng khuyến khích các cán bộ làm sao báo cáo các con số cho đẹp, chứ không cần biết đến các vụ đầu tư ích lợi thiết thực do dân hay không. Ông Liêu Kim Chung giải thích: “Tất cả guồng máy chạy vì các cán bộ ai cũng chỉ lo thăng quan tiến chức mà thôi. Tôi không thấy triển vọng mọi sự sẽ sắp được thay đổi.”
Chỉ khi nào đảng Cộng sản chịu cải tổ hệ thống chính trị, thì lúc đó mới hy vọng có được một chính quyền “của dân, do dân và vì dân.”
Ngô Nhân Dụng
Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn