BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tuyên ngôn Độc lập 1945 [1]

03 Tháng Ba 200712:00 SA(Xem: 1087)
Tuyên ngôn Độc lập 1945 [1]
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945


Hôm mồng 2 Tháng Chín năm 1945, khi xuất hiện lần đầu tiên trước quốc dân đồng bào ở Công trường Ba Đình, Hà nội, ông Hồ Chí Minh đã đọc một bài diễn văn bốn trang bộ máy tuyên truyền Việt Minh đã tức khắc xiển dương là Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của dân tộc ta.

Trước khi có đôi lời bình giải về văn kiện này, tôi phải thưa với độc giả là trước đó gần sáu tháng, hôm 12 Tháng Ba, Vua Bảo Đại và tất cả sáu vị Thượng thư trong Hội đồng Cơ mật -Phạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Uý, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh Đạt và Trương Như Đính- đã ký tên vào một văn bản, long trọng tuyên bố "hủy bỏ hiệp ước thiết lập nền bảo hộ (Triều Nguyễn bị ép) ký kết với nước Pháp nên kể từ ngày hôm nay, nước Việt nam ta đã giành lại quyền Độc lập".[2]

Cũng nên biết là trước cả khi văn bản trên xuất hiện trên mặt báo thì cả nước đã hân hoan đón nhận tuyên ngôn của nhà vua nên tuy nhân dân vùng đồng bằng sông Hồng đang "chết co đầy đường", không ít người đã có cảm tưởng trông thấy một tia sáng ở cuối đường hầm: chính phủ một nước độc lập sẽ không để dân chết đói!

Không biết là rồi đây, Lịch sử sẽ xem văn kiện nào -văn bản có chữ ký của vị Hoàng đế cuối cùng Triều Nguyễn hay diễn từ của một nhà cách mạng Cộng sản Quốc tế- mới là Tuyên ngôn Độc lập của nước ta nhưng qua một số bài vè văn tự súc tích mà lưu loát, ý tứ cô đọng mà sắc bén thì từ trong tận đáy lòng, nhân dân ta đã ghi nhận sự kiện lịch sử này một cách rõ ràng, khó ai có thể hiểu khác.

Thực vậy, để mô tả tình hình sau ngày quân Nhật đảo chính chế độ Đông Pháp (9 Tháng Ba 1945), dân ta đã kháo nhau:
Tàu cười, Tây khóc, Nhật lo
Việt nam độc lập chết co đầy đường.

Giải thích dông dài một chút thì lúc đó, Thống chế Tưởng Giới thạch đã cầm chắc Trung hoa sẽ thắng trận nên người Tàu "cười" là phải quá đi rồi, còn Tây nó có "khóc" cũng là lẽ thường vì Đế quốc Pháp vừa bị quật nhào ở Đông dương, mà Nhật thì "lo" sốt vó vì Xứ Phù tang đang bị máy bay Mỹ oanh tạc 24/24. Chỉ dân Việt là vừa thoát gông cùm thực dân nhưng lại phải đối phó với một trận đói khủng khiếp!

Tuy nhiên, dưới con mắt đại chúng thì Việt nam đã độc lập từ Tháng Ba mà đến Tháng Tám, Cộng sản mới cướp chính quyền -chữ của Việt Minh!- mà hành vi ăn cướp đó lại chỉ nhằm vào cái ngai của một ông vua cùng quốc tịch với họ thì Hồ Chí Minh khó có thể nói phe ông ta đã có công "giành độc lập" cho đất nước!

Hiểu một cách đơn sơ thì lịch sử Việt nam năm 1945 chỉ là thế! Nhưng nếu phải hiểu chữ "độc lập" một cách sâu rộng hơn thì phe phái nào, nhân vật nào mới thiệt có công vãn hồi rồi hoàn thiện nền độc lập quốc gia?

Cũng nên biết là trong diễn từ đọc hôm mồng 2 Tháng Chín, họ Hồ đã trích dịch cả thảy 45 chữ trong hai văn kiện thuộc hàng trọng yếu nhất lịch sử chính trị thế giới —Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp (TNQP) và Tuyên ngôn Độc lập Mỹ (TĐLM)—và khi làm thế, ông ta rõ có ý hứa hẹn sẽ ban hành và tôn trọng tất cả các tự do cá nhân và nguyên tắc bình đăng, bình quyền giữa mọi người (như ghi trong TNQP) và cam kết tạo điều kiện cho nhân dân sống như những con người tự do và trong cuộc sống mới, ai nấy đều có quyền mưu tìm hạnh phúc (như ký lục trong TĐLM).

Bần bút thật không biết khi làm vậy, Hồ Chí Minh có hiểu hai câu văn ông trích dịch hay không nhưng chỉ mấy bữa sau, văn bản nào của Chính phủ Lâm thời Việt nam Dân chủ Cộng hòa (VDC) cũng có in tiêu đề: Độc lập Tự do Hạnh phúc—như thể đất nước mà độc lập thì nhân dân đương nhiên phải có tự do và hạnh phúc.

Một Hoa giáp sau khi họ Hồ "định nghĩa" Độc lập là thế, ta thử lấy vè dân gian rà soát xem Đảng Cộng sản Việt nam có giữ lời hứa được chút nào hay không.

Vì một nước độc lập thì phải có đầy đủ chủ quyền nên ở hạ bán Thế kỷ XX, nước ta chỉ độc lập nếu toàn dân thực sự làm chủ vận mạng mình—thực tế là có chính phủ dân cử và có quan hệ với nhiều quốc gia khác. Từ 1954 đến 1975, không những Hà nội chẳng tổ chức bầu cử gì cả nên chỉ được 20 nước nhìn nhận (Sài gòn có trao đổi đại sứ với 70 nước) mà Hà nội làm gì cũng phải hỏi ý kiến Bắc kinh và Mạc tư khoa (trong khi lãnh đạo Miền Nam, nhất là Tổng thống Ngô Đình Diệm, thì dứt khoát không để cho Mỹ xía vô nội bộ), thì không ai có thể bảo VDC "độc lập" hơn VNCH, lại càng không ai có thể nói VDC thì độc lập mà VNCH thì chỉ là một thứ thuộc địa hay bán thuộc địa! Nói cách khác, không ai có thể bảo chỉ phe Hồ Chí Minh là yêu nước thương dân, còn những người chống lại ông ta là phản quốc hại dân!

Nhưng càng về sau, cái "độc lập" của VDC lại càng bị hạn chế! Năm 1965, chẳng hạn, có hai tháng sau khi Thủy quân Lục chiến Mỹ "đổ bộ" ở Đà nẵng, Mao Trạch đông đã cho hàng vạn bộ đội nhập Việt mà chẳng cả nói Bắc kinh làm thế là nhằm mục đích gì. Nhưng như Chu Ân lai bảo với Tổng thống Ai cập Gamal Abdel Nasser và nhờ Ông Nasser nhắn lại với người Mỹ thì "Hoa thịnh đốn càng gửi nhiều quân sang Nam Việt thì chúng tôi lại càng hân hoan!"

Như thế là tại làm sao? Như thế là vì người Tàu vừa thí nghiệm thành công võ khí nguyên tử và họ chỉ lo Nga Mỹ âm mưu tàn phá các cơ sở hạch tâm của họ ở Tân cương.

Để cầm chắc người Mỹ không làm gì dại dột như thế, họ Chu còn nhờ lãnh tụ Tanzania Julius Nyerere nhắn với Tổng thống Lyndon Johnson là các cơ sở hạch tâm ở Hoa lục mà bị oanh tạc thì Bắc kinh sẽ tức khắc "đổ quân vào Bắc Việt, bất chấp Hà nội có chịu hay không" và sẽ tấn công quân Mỹ ở VNCH.[4]

Ấy vậy mà trước kia, nhiều người cứ ăn bả Việt cộng chê Chính phủ Miền Nam là yếu hèn để cho người Mỹ xài xể như một "bán thuộc địa", nhưng chỉ xem chuyện vừa kể thì chữ bán thuộc địa áp dụng cho VDC có phần đúng hơn!

Ai nghe đến đây mà còn nghi hoặc thì hãy nhớ lại hồi 1974, Hà nội đã phản ứng ra sao khi Bắc kinh lấy thịt đè người, đẩy Địa phương quân VNCH ra khỏi Quần đảo Hoàng sa. Hồi đó, chính quyền Hà nội đã im thin thít nên có người đã viết:
Việt nam Dân chủ Cộng hòa
Cúi đầu dâng đảo Hoàng sa cho Tàu.

Một phần tư thế kỷ sau, thái độ đốn hèn của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam (CXCV) còn rõ rệt hơn nữa. Khi hai nước ký với nhau mấy thỏa hiệp vạch lại biên thùy (1999 2000), không những phái đoàn CXCV đã nhường cho Trung Cộng Ải Nam quan, Thác Bản Giốc và cả chục bản làng ven biên mà họ còn nhượng luôn 10.000 csv lãnh hải trong Vịnh Bắc bộ, khiến dân làm vè không còn giữ mồm giữ miệng nữa. [5] Vì thế mà kho vè dân gian bây giờ mới có những câu như:
Tiên sư Cộng sản Việt nam
Cuối đời bán cả giang san nước nhà!

Đối với Liên Xô, giới làm vè đã không viết gì quá thô lỗ nhưng họ cũng rất hận vụ dựng tượng Vladimir Ilyich Oulianov ở Công viên Thống nhất nên đã nói mát:
Ông Lê nin ở nước Nga
Sao Ông lại đứng vườn hoa nước này?
Ông ưỡn ngực, Ông chỉ tay,
Ông xem như thể nước này của Ông!

Nhưng chuyện độc lập không phải chỉ là chuyện chủ quyền quốc gia mà thôi!

Từ đã lâu, người Việt mình đã quan niệm độc lập là điều kiện "cần và đủ" cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc nên khi thấy cả nước không còn bóng dáng một tên lính tẩy, mà ai nấy vẫn phải "nhá bo bo đến sái hàm" thì dân ta lại đã kháo nhau:
Từ khi ta có Bác Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào!

Nói cách khác, độc lập mà cơm không có mà ăn, quần áo không có mà mặc thì hạnh phúc ở đâu! Độc lập như thế thì cũng bằng không!

Chuyện tự do thì còn tệ hơn nên ngay mấy chú "Việt kiều yêu nước" cũng không còn bảo CXCV là nước có tự do. Nhưng có ở trong chăn mới biết chăn có rận nên chỉ dân trong nước mới biết rõ sự tự do của họ—tự do đi lại, chẳng hạn—bị hạn chế đến mức nào.

Chính vì thế mà tôi xin trích bài vè dài sau đây:
Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ đào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Đen đủi như Ăn gô la
Người ta cũng được đi ra đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào đi ra.
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra đi vào.

Lẽ dĩ nhiên, tự do cũng còn nhiều thứ: tư tưởng, tín ngưỡng, ngôn luận, lập hội, xuất bản... mà đề cập đến mỗi quyền tự do đó thì dù chỉ bàn sơ sơ thôi cũng đã mất năm bảy trang... Vì thế mà trong khuôn khổ bài viết này, tôi phải xin độc giả dùng trí tưởng tượng một chút.

Về tự do tư tưởng, chẳng hạn, ai nấy cứ thử ngẫm mà xem: một triết gia như Trần Đức Thảo thì đã nghĩ gì khi ông bị đày lên mạn ngược và nhờ có "Đảng ta khoan dung độ lượng" mới được giữ sổ sách cho một hợp tác xã làm chè.

Về tự do tín ngưỡng thì ta thử tưởng tượng Hòa thượng Thích Quảng độ đã mơ ước gì suốt 10 năm ông bị quản chế ở Xã Vũ Đoài!

Về tự do ngôn luận, ta chỉ cần đến cổng vào "Lăng Bác" lớn tiếng ngâm một bài vè thời đại xem Công an có để ta yên thân hay không...

Chuyện tự do lập hội thì còn thiên nan vạn khổ hơn nữa. Mới có ý lập đảng, mà là đảng chống tham nhũng, cũng đã bị bỏ tù thì còn tự do cái nỗi gì!

Còn tự do xuất bản sách báo thì chính bần bút đã có một kinh nghiệm khó quên: hồi sách CHỮ NHO & ĐỜI SỐNG MỚI mới in, tôi chỉ có ý tặng mấy bạn làng văn ở trong nước nên đã nhờ một người về thăm nhà cầm theo mấy cuốn... nhưng không như sách báo trong nước được bán tự do ở thế giới bên ngoài, bao nhiêu sách tôi gởi về đều bị tịch thu hết... Thật là xuẩn hết chỗ nói... Thế mà Hà Nội vẫn nói đã hết sức cố gắng hội nhập thế giới!

Gần đây hơn, mới hồi cuối Tháng Ba vừa qua mà thôi, nhân vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý bị Tòa Án Nhân dân Huế lôi ra trước vành móng ngựa và xử tám năm khổ sai—và trong dịp này, Công an Nhân dân (cái gì cũng nhân dân!) được thể diệu võ dương oai cho cả thế giới trông thấy "tính cách dân chủ siêu việt" của chế độ "đỉnh cao trí tuệ loại người" khi tên lính kín Nguyễn Minh Tân bịt miệng bị cáo già nua mà còn phải mang còng ở giữa tòa—dân ta lại đã lắc đầu ngán ngẩm:
Tòa án Cộng sản Việt nam
Trò hề bỉ ổi thế gian chê cười
Quan tòa một lũ đười ươi!

Chẳng trách từ đã lâu, kho vè dân gian đã có những câu như:
Bảng đỏ sao vàng, ta ấm no
Lộng kiếng Bác Hồ có tự do.

đọc lên thật không còn gì "phải đạo" hơn nhưng hiểu đúng nghĩa thì là: bao giờ bỏ đảng Sao Vàng thì ta mới có ấm no, bao giờ liệng cống Bác Hồ thì ta mới có Tự do!

Nhưng trong số những câu vè nói chuyện tự do dân chủ, tôi chấm nhất là câu:
Nước ta bầu cử tự do
Lọc qua, lừa lại toàn lò Mác Lê!

Chuyện mưu tìm hạnh phúc còn rõ hơn thế nữa! Tuy hạnh phúc là cái tương đối, không mấy ai có thể có hạnh phúc nếu thu nhập quá thấp, không đủ sống. Ấy thế mà đến Thiên niên kỷ III rồi mà lợi tức đầu người của dân ta còn chưa tới 500 Mỹ kim một năm thì không kể thiểu số ăn trên ngồi trốc, người mình chưa thể có hạnh phúc. Để ai nấy lường định được vị trí của nước ta trong bảng đối chiếu thu nhập ở Đông nam Á -ở đây, chỉ tính Việt nam, Tân gia ba, Thái lan, Nam dương- tôi phải trình thêm với cử tọa là giữa Thập niên 1950, lợi tức đầu người cao nhất là ở Tân gia ba (246 Mỹ kim), VNCH đứng thứ hai (144 Mỹ kim), Nam dương đứng thứ ba (87 Mỹ kim), Thái lan cầm đèn đỏ (64 Mỹ kim).

Nửa thế kỷ sau, bảng đối chiếu kia có gì là thay đổi? Theo Ông Il Houng Lee, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Hà nội, thì kinh tế CXCV đã tăng trưởng khá trong mười năm qua nhưng ngay như nước ta có giữ được tốc độ phát triển đó thì ta cũng phải mất 17 năm mới hi vọng san bằng cách biệt với Nam dương, 40 năm mới hi vọng bắt kịp Thái lan và đến Thế kỷ XXIII mới có thể sánh với Tân gia ba.

Tôi không rõ dân ta đã ngợ thế từ hồi nào nhưng từ lâu, họ đã kháo nhau:
Ở với Hồ Chí Minh
Cây đinh phải đăng ký
Trái bí cũng sắp hàng
Khoai lang cần tem phiếu
Thuốc điếu phải mua bông
Lấy chồng nên cai đẻ
Bán lẻ chạy Công an
Lang thang đi cải tạo
Hết gạo ăn bo bo
Học trò không có tập
Độc lập với Tự do
Nằm co mà Hạnh phúc!
&
Lương chồng, lương vợ, lương con
Đi ba buổi chợ chỉ còn
lương tâm [6]

Từ giữa Thập niên 1980, tình hình kinh tế còn đã xuống giốc thê thảm đến nỗi người dân Việt nam đã làm ra những câu vè rất là lếu láo:
Thằng Đồng, thằng Duẩn, thằng Chinh
Vì ba thằng ấy, dân mình lầm than.

Giờ đây, dân ta đã hết phải ăn bo bo nhưng vè dân gian còn "ác ôn" hơn nữa:
Đời đời dân biết, dân ơn
Nhờ Đảng dân biến thành đon mạ còi
Lòng dân ao ước ngút trời
Bao giờ mới được như hồi Mỹ vô!

Viết đến đây, tôi đã dừng tay để đọc lại bản nháp thì vẫn có cảm tưởng là hơn 10 bài vè chọn lọc chưa vẽ lên được một bức tranh sống động mà vẹn toàn về tình hình nước ta suốt 60 năm qua.

Để có một ý niệm thật rõ, ta phải biết là từ mấy thế kỷ nay rồi, Việt Nam đã là nước đất hẹp dân đông mà tuyệt đại đa số lại sống ở nông thôn nên muốn giúp nhân dân có điều kiện mưu cầu hạnh phúc cá nhân, giới cầm quyền nào cũng phải cố đề ra một chính sách điền địa lớp lang, đâu ra đó.

Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm có lẽ đều biết thế! Ở ngoài Bắc thì từ 1953 đến 1956, họ Hồ đã tiến hành Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) với sáu đợt "đánh địa chủ" cực kỳ dã man và ở Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) thì ngay sau khi nhiếp chính, họ Ngô đã đề ra một dự án Cải Cách Điền Địa (CCĐĐ) qui mô cực lớn, gọi là Người Cày Có Ruộng (NCCR).

Dự án NCCR ở trong Nam đã mang lại kết quả rất ngoạn mục: chỉ mấy năm sau, số gạo sản xuất hàng năm đã tăng từ 2,6 triệu lên 5 triệu tấn, số trâu bò heo lợn bột phát từ 1,3 triệu lên 5,4 triệu con, số cao su từ 54.917 tấn lên 75.374 tấn và chỉ khi họ Hồ mồi lại ngọn lửa chiến tranh thì sản xuất canh nông mới khựng lại. Cũng nên biết là hồi đó, bào huynh tôi, Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, đang làm Phụ tá cho Ông Wolf Ladejinski, Cố vấn CCĐĐ của Tổng thống Diệm, nên tôi biết câu chuyện khá rõ: trong chương trình NCCR, chính quyền VNCH đã trưng mua gần hai triệu héc ta ruộng của giới đại điền chủ rồi lấy số ruộng đó phát và bán trả góp cho dân cày nên không những đã không gây sáo trộn gì mà còn khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất rất nhiều.[7] Đợt CCĐĐ dưới thời Nguyễn Văn Thiệu cũng có kết quả ngoạn mục như thế: Từ 1970 trở đi, vô số nông dân đã có tiền mua máy cầy! Hồi đó, ông anh tôi đứng đầu tổ hợp Mekong, đại diện độc quyền loại máy cày John Deere, nên cứ đến nói chuyện với ông trong giờ làm việc là tôi lại có dịp thấy tận mắt mấy ông già búi tó củ hành, từ đâu tận Châu Đốc, Long Xuyên hay Rạch Giá gì đó lên Sài gòn, rút trong ống quần ra cả triệu đồng... trả tiền mặt... rồi lái máy cày đi nghễu nghện trên Đường Hai Bà Trưng để ra bến Chương dương, đáp ghe về dưới tỉnh.

Nhưng ở Miền Bắc, Việt Minh đã tiến hành CCRĐ ra sao?

CCRĐ đã bị Cộng sản "vặn" thành "đấu tố" nên chuyện con cái giết cha mẹ, học trò tố khổ thày giáo, hàng xóm láng giềng cáo giác nhau, thê lương không bút nào tả xiết. Vì thế mà nhân dân Miền Bắc còn nhớ một đôi câu đối lên án Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Chủ tịch Ủy ban Cải Cách Ruộng Đất Trung ương:
Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác Lê
Nhục ấy, đời chê thằng họ Đặng.
Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa
Tội kia, sách chép đứa tên Khu.

Không kể câu đối trên thì dân ta còn rất sợ vạ miệng nên chỉ dám nói xa nói gần:
Bác Hồ nói chuyện sửa sai
Sai thì cứ sửa, sửa rồi cứ sai!
Đảng ta thì rất anh tài
Sai hoài, sai mãi, sửa hoài, cứ sai!

Nhưng lâu lâu cũng có người giận quá hóa dại, đã nói huỵch tẹt ra hết:
Người hiền "dựa cọc" chờ ăn đạn
Quỷ dữ "tố bừa" lại thượng ngôi!
Làng mạc, quê hương tan nát cả
Gia phong, đạo lý đảo điên rồi...

Mấy câu vè tôi vừa trích chỉ có nghĩa là các đội CCRĐ đã làm cho làng mạc, quê hương tan nát đến nỗi gia phong, đạo lý đảo điên, số người bị đánh nhừ tử, bị chọi đá đến chết, bị bỏ giọ trôi sông, bị xử bắn ngay tại đấu trường đã lên đến 172.008 (mới theo số liệu của Hà Nội) mà Hồ Chí Minh và công ty cũng chẳng khi nào chịu nhận tội một cách gián tiếp hay trực tiếp. Không chừng họ Hồ và đồng đảng còn dốt nát đến không ngờ là chưa đầy 20 năm sau CCRĐ, chính sách lược đó đã đẩy giá gạo ở Hà Nội lên 1000%, làm cho 99% dân chúng đói đến dài cổ.

Nhưng thảm cảnh cuộc sống những năm CCRĐ thì thật là ngoài sức tưởng tưởng của chúng ta bây giờ!

Ấy thế mà ngay ở trong Đề cương Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương X (1956), họ Hồ cũng chỉ nói đến con số Đảng viên bị "truy bức, nhục hình" là 84.000 người hay 47% số Đảng viên ở thời điểm đó, chứ ông ta không đả động gì đến nhân dân, đến người ngoài Đảng!

Hơn nữa, không nói thì thôi chứ cứ đụng đến vụ này là họ Hồ lại lải nhải CCRĐ "căn bản đã thành công". Còn sai trái gì thì cả năm chục năm sau, mới có dăm ba bộ mặt ly khai ám chỉ là do lỗi cố vấn Trung Cộng đem kinh nghiệm nước họ áp dụng ở bên ta! Nhưng khi nói vậy, mấy chả đã quên lú đi một điều cốt yếu:

Chế độ VDC của mấy chả đã "độc lập" thì làm sao một dúm cố vấn -ngôn ngữ đã bất đồng- lại có thể bẻ lái được một sách lược dựng nước trọng đại mà họ Hồ chẳng làm hay chẳng thể, chẳng dám làm gì để ngăn chặn? Ngay thời Pháp thuộc, thực dân có cả một hệ thống kìm kẹp ghê gớm mà có bao giờ bắt được Triều đình Huế đưa ra những biện pháp bất nhân bất nghĩa như thế đâu?

Vậy thì cái độc lập của Việt nam Dân chủ Cộng hòa—nay đã hóa thân là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa -thì có hơn gì cái tự trị của Nam Kỳ Quốc, cái Nam Kỳ Tự Trị quái đản của Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh hồi năm 1946! Nhưng Bác sĩ Thinh còn có trường hợp giảm khinh: khi biết tội, mà tội ngu là lớn hơn cả, ông ta đã treo cổ tự vẫn... chứ trong hàng ngũ Việt Minh, có ông có bà nào ý thức được là mình ngu, mà còn ngu hơn Ông Thinh, nên chẳng ai nào chịu tự xử!

Từ 1945, nhân dân ta đã được Hồ Chí Minh cho ăn cái bánh vẽ dán nhãn hiệu Dân chủ Cộng hòa có nhân Độc lập Tự do Hạnh phúc -nhưng lại là thứ độc lập của loài kiến, thứ tự do của bầy ong, thứ hạnh phúc của giống lợn!

Đến bây giờ, gần 62 năm sau, tuy cái nhãn hiệu đã đổi là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa nhưng cái nhân thì thợ làm bánh thế hệ thứ hai thứ ba vẫn chỉ tô tô, vẽ vẽ lại chút ít chứ thật ra vẫn làm bằng những chất liệu cũ rích, có thể đã mốc xanh mốc đỏ, nên—nói như một anh bạn trẻ trời đánh—càng ngày càng có nhiều người ăn phải nên té re, ôm bụng kêu trời. Chỉ cần xem số nông dân ngày ngày lên Hà nội hay Sài gòn "đòi" ruộng đất—có nguồn tin bảo là số đơn khiếu nại của nông dân đã lên đến số triệu—thì ai cũng phải nhìn nhận vấn đề đã hết thuốc chữa.

Chẳng trách trong HOA ĐỊA NGỤC, Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã gọi cái độc lập đó là "chuyện hão", tả cái tự do đó là "tự do của tù lao", và châm biếm cái hạnh phúc đó là "khoác lác". Cũng chẳng trách người trong nước đã đọc tiêu đề Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam: Độc lập Tự do Hạnh phúc là "Độc tài Xã hội Chủ nghĩa Việt cộng đập dập Tự do, Hạnh phúc!", sổ toạc hết cả cái công lênh của cái Đảng "đểu" và thằng Bác "bịp".

Không hiểu có phải vì thế hay không nhưng cũng có người còn đọc là cái độc lập của ta là thứ "độc lập trừ tự do, trừ hạnh phúc!"

Không biết rồi đây ta có được bài vè nào có cái văn phong châm biếm đến độ cợt nhả đó hay không nên tôi xin đề nghị sáu câu thơ tự do sau đây:
Độc lập gì mà thiếu mọi thứ Tự do?
Hạnh phúc chi mà nhai toàn là bo bo?
Thứ độc lập kiểu X.H.C.N.[8] đó
Thì khác gì cái độc lập của cây cỏ?
Người Việt chúng ta ắt xem như đồ bỏ.
Cái sự đời nó giản dị như thế đó!

Có độc giả nào "chịu chơi" xin họa lại một bài cho vui làng nước...

Trong khi chờ đợi, tôi chỉ hi vọng bạn đọc cũng đồng ý là theo nhãn quan đại chúng, câu hỏi tôi đặt ở đầu bài -văn bản nào mới là Tuyên ngôn Độc lập lịch sử đích thực của nước ta?- đã có giải đáp rõ rệt.

Chẳng biết tôi viết thế có đủ phân minh hay không nhưng nếu chỉ căn cứ vào vè dân gian thì chuyện sòng phẳng đã quá rõ!

Nguyễn Ngọc Phách
(Úc)
Trích Thông Luận 2007


[1] Bài viết này là dựa trên thuyết trình của tác giả Nguyễn Ngọc Phách đọc vào hôm ra mắt cuốn VIỆT SỬ ĐƯƠNG ĐẠI QUA 200 CÂU VÈ BẤT HỦ ở Bonnyrigg, Sydney, N.S.W., Úc đại lợi, hôm 16 Tháng Sáu năm 2007. Bài này cũng có thể tựa đề là "Luận công xét tội Đảng Cộng sản Việt nam".

VIỆT SỬ ĐƯƠNG ĐẠI đã bán hết. Ấn bản thứ hai—bìa da simili, 450 trang chữ và hình ảnh cực đẹp, có cả Thư mục và Sách dẫn—sẽ được in vào cuối năm nay. Thư quán nào muốn có sách bán trong dịp Giáng sinh 2007 và Tết Mậu Tý (2008) thì có thể liên lạc với soạn giả ở địa chỉ sau đây: evennp@melbpc.org.au hay: 42 Blaxland Drive, Dandenong North, Victoria 3175, Australia.

[2] Vì không kiếm ra nguyên bản Việt ngữ, tôi đã phải dịch lại bản tiếng Pháp trong hồi ký của Vua Bảo Đại: "Le gouvernement du Vietnam proclame publiquement qu'à dater de ce jour, le traité de protectorat avec la France est aboli et que le pays reprend ses droits à l'indépendance".

[3] Hồ Chí Minh đã mượn trong TNQP câu Pháp ngữ Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits mà ông ta dịch là: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Nhưng dịch thế là dở ẹc. Cái gì mà câu văn tiếng Việt chỉ có 25 âm tiết mà đến 16 âm tiết là trùng phức! Tôi đề nghị dịch lại như sau: Mọi người sinh ra vốn dĩ đã tự do, bình đẳng, bình quyền nên chân lý đó ngàn đời cũng không thay đổi.

Câu Anh văn Ông Hồ trích trong TĐLM là như sau: We hold these truths to be self evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain inalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness. Thế mà họ Hồ dịch là: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản dịch của họ Hồ không những thiếu cả mệnh đề dẫn nhập mà câu cú còn lủng cà lủng củng, tôi xin dịch lại như sau: Mọi người sinh ra hiển nhiên là đã bình đẳng nên hễ cứ ra đời là ai cũng đã được Tạo hóa ban cho một số quyền bất khả nhượng, kể cả quyền Sống, quyền Tự do, và quyền mưu tìm Hạnh phúc.

Trong bài này, Ông Hồ còn nói đến việc thực dân tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu [1] và những việc họ làm nhằm ràng buộc dư luận [2], chứng tỏ ông ta đã quên cả tinh thần tiếng mẹ đẻ! Hồi còn dạy môn phiên dịch, tôi hay chê thứ văn dịch, thứ Việt ngữ đó là "sặc mùi bơ ôi". Thực vậy, khi viết hai đoạn văn trên, họ Hồ chắc đã nghĩ đến chữ bloodbath và thành ngữ to gag public opinion! Nhưng viết như thế có khác gì dịch tự nghĩa nên lắm khi không những sai sót mà còn ngớ ngẩn. Chính vì thế mà người Ý mới xính nói: Traduttore, traditore (Dịch là phản).

[4] Ai muốn biết về chuyện này thì có thể đọc trong mấy cuốn các sử gia Trung quốc vừa viết như CHINA & THE VIETNAM WARS của Zhai Qiang (Trác Cường), Nxb Viện Đại học North Carolina, 2000 và MAO, THE UNKNOWN STORY của Jung Chang (Trương Nhung) của Nxb Vintage Book, 2006.

[5] Tình hình trong vùng Biển Đông trong hồi gần đây còn đen tối hơn nữa. Hải quân Trung Cộng đã bắn chìm tàu đánh cá Việt nam, giết hại ngư phủ Việt nam mà Hà nội không cả dám phản đối. Xem "Bài Toán giữ nước" của Ban Biên tập báo Tổ quốc vừa đăng trên Thông luận số 217.

[6] Bài vè này chỉ có ba hàng nên tôi xin thêm một hàng nữa cho đủ chẵn bốn, không hiểu có được hay chăng:
Đỉnh cao trí tuệ loài người, thế ư?
Lương-tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc khen thầm là ngon!

[7] Để so sánh chuyện NCCR ở hai Miền, bạn đọc nên biết là từ 1953 đến 1956, bần cố nông Miền Bắc được chia có 180.000 héc ta đất (mỗi hộ độ 1000m2). Trong chương trình CCĐĐ ở Miền Nam, diện tích bình quân mỗi tá điền được cấp lên đến 3 héc ta (30.000m2) -tức là 30 lần diện tích đất bần cố nông Miền Bắc được cấp- và tổng cộng đất tái phân phối lên đến hơn 2.000.000 héc ta.

Khi nêu mấy chi tiết vừa kể, tôi không hề có ý bảo là chương trình NCCR ở trong Nam là hoàn hảo.

Chương trình này có hai khuyết điểm: [1] mỗi điền chủ còn được giữ tới 100 mẫu nên ở những vùng đất hẹp người đông, con số tá điền không giảm đi ở mức đáng kể và [2] người cày phải "mua trả góp" những thửa đất họ đã trồng trọt suốt những năm chiến tranh nên có người có cảm tưởng bị "bắt chẹt"... Nhưng viết như tôi bây giờ có thể bị trách là "nói hậu".

[8] Xin lưu ý độc giả là khi viết cụm từ xã hội chủ nghĩa, tôi đã bắt chước người trong nước viết tắt là XHCN nên ta còn có thể đọc là: xã hội chó ngựa, xàm hổng chê nổi, xạo hết chỗ nói, xấu hổ cả nước, xếp hàng cả ngày, xí hết chỗ ngồi, xóa hết chủ nghĩa, xóa hết chữ nghĩa, xuống hố cả nút... đọc sao cũng được!

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn