BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 78637)
(Xem: 63530)
(Xem: 41017)
(Xem: 32615)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hội nhà báo hay hội báo cáo?

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 955)
Hội nhà báo hay hội báo cáo?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Dư âm “bịt mồm” của Đại hội Nhà văn kết thúc hôm 6-8-2010 chưa kịp tan thì nay lại đến Đại hội lần IX của Hội Nhà báo diễn ra tại Hà Nội trong 3 ngày 10, 11 và 12.

Mấy chữ “Đại hội bịt mồm” là của Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Hảo đã bêu riếu như thế để phản ứng lại việc ông bị tắt âm thanh vô cớ trong lúc phát biểu trước Đại hội hôm 5-8 (2010) ở Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo những Nhà văn từng học ở đây thì vì là ngôi trường cao cấp của đảng nên không bao giờ bị cúp điện và hệ thống âm thanh cũng không bao giờ được phép để cho bị trục trặc, do đó Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho là Ban Tổ chức có chủ ý nên ông đã quyết định rút tên ra khỏi Hội Nhà văn.

Năm nay Hội Nhà báo của Chủ tịch Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Trung ương đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân không chọn ngôi trường này hay Hội trường Ba Đình như năm 2005 mà đã tổ chức đại hội ở Cung Văn hóa hữu nghị tại 91 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trung tâm này được xây bởi tiền viện trợ của Liên bang Xô Viết cũ nên tên nguyên thủy của nó là “Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt – Xô”.

Nhưng sự lựa chọn khôn khéo này của Hội Nhà Báo có làm cho vai trò làm báo của 17.763 hội viên thay đổi không ?

Tất nhiên là không, bởi vì chỉ riêng Bản Điều lệ thôi cũng đủ để nói lên sự mất tự do hành nghề của làng báo trong nước.

Cũng giống như Hội Nhà văn, Điều 2 của Điều lệ này viết rằng : “Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam”, và “Hội Nhà báo Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chịu sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội”.

Về Mục đích hoạt động thì Hội này phải tập trung vào 3 nhiệm vụ:

1. Hội Nhà báo Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên các nhà báo phát huy tài năng sáng tạo, cùng các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, kinh tế, văn hóa và nhân dân cả nước phấn đấu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng,dân chủ, văn minh.

2. Hội Nhà báo Việt Nam (gọi tắt là Hội) đại diện quyền làm chủ, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của những người làm báo Việt Nam. Hội góp phần xây dựng báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân.

3. Hợp tác và tham gia các tổ chức báo chí dân chủ, tiến bộ của các nước, khu vực và quốc tế, tích cực góp phần vào việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ở đây cần nói rõ rằng nếu nhà báo đã tuyên hứa “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, tức là bảo vệ cái nhà nước độc tài, độc đảng theo chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin thì cái mũ nhà báo làm sao che hết được mặt của một cán bộ đảng ?

Còn chuyện “thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng,dân chủ, văn minh” ư ? Chắc các nhà báo vẫn chưa quên vụ án viết bài chống tham nhũng của từ giữa năm 2007 của hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) vì họ đã dám đưa tin sự thật về vụ tham nhũng của hàng loạt cán bộ trong vụ PMU-18.

Cũng vì liên hệ đến vụ án mà Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã ra lệnh thu hồi Thẻ Nhà báo của 4 ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên, Bùi Văn Thanh, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Kim Sánh, Tổng thư ký Toà soạn báo Thanh Niên, ông Dương Đức Đà Trang, Trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

Khoảng 25 Nhà báo khác cũng đã bị công an điều tra với tư cách nhân chứng trong vụ án báo chí này.

Hơn nữa khi báo chí tự coi mình là “tiếng nói của Đảng, Nhà nước” hay ra sức đóng góp vào việc “thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước” thì báo chí Việt Nam dành chỗ nào cho diễn đàn của dân?

Bằng chứng thì vô số, nhưng hãy kể ra đây các vụ hàng loạt người dân kéo nhau đi khiếu kiện đòi công bằng, đền bù, xử oan ngay ở thủ đô Hà Nội hay các vụ người dân bị công an đàn áp ở Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Toà, Loan Lý, Cồn Dầu v.v.

Vụ công an tra tấn anh Nguyễn Văn Khương cho đến chết ở Bắc Giang cho đến vụ cán bộ dâm ô tồi bại Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Giang bị mất chức, bị loại khỏi đảng mà các nhà báo vẫn không dám vào cuộc điều tra cho ra ngọn ngành vụ mua dâm học trò của khoảng 10 viên chức có máu mặt ở tỉnh này thì họ là “nhá báo” hay “cán bộ” của Ban Tuyên giáo chỉ hành động khi nào thông tin có lợi cho nhà nước ?

Đã thế, nếu có đưa tin thì lại nói theo giọng lưỡi xuyên tạc, bôi nhọ người dân và các giới chức Tôn giáo của chính quyền như trong trường hợp của các báo Hà Nội Mới, An Ninh Thủ Đô, Công an Nhân dân trong vụ Đồng Chiêm và Thái Hà ?

Vậy khi báo chí đứng ngoài nhìn vào các vụ đàn áp dân hay vu oan cáo vạ cho dân của lực lượng công an thì Hội Nhà báo ở đâu, làm gì hay họ chỉ biết tiếp tay cho Nhà nước kìm kẹp báo chí như đã ghi trong Điều 7 của Điều lệ, đó là :

1.Tham gia với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, góp phần xây dựng và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thông tin, báo chí.

2.Tham gia ý kiến với các cơ quan quản lý báo chí trong việc thực hiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ báo chí; xét khen thưởng hoặc xử lý vi phạm của hội viên - nhà báo.

3.Phản ánh, tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách đối với những người làm báo, các cơ quan báo chí và việc quản lý báo chí để báo chí không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả xã hội.

4.Phối hợp với các tổ chức hữu quan, các cơ quan báo chí để bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức, nghiệp vụ cho các hội viên - nhà báo.

Tưởng làm như thế đã đẹp lòng đảng, ai ngờ đảng vẫn chưa đồng ý nên trong Nghị quyết 5 tháng 8 năm 2007, Ban Chấp hành Trung ương đảng X đã trách mắng thậm tệ đội ngũ báo chí còn lơ là với công tác tư tưởng, vẫn còn nặng đấu óc thương mại, chỉ biết khai thác những mặt xấu của xã hội thay vì đề cao những việc tốt và người tốt theo ý đảng muốn.

Nghị quyết này, tuy đã cũ mất 2 năm nhưng đảng vẫn lấy đó làm “khuôn vàng thước ngọc” để bắt báo chí phải cấp bách khắc phục.

Nghị quyết này viết: “Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục, tính chiến đấu còn hạn chế, chưa sát thực tiễn và chưa linh hoạt; chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những quan điểm mơ hồ, sai trái; thiếu quan tâm giáo dục lí tưởng, đạo đức, lối sống. Chất lượng sinh hoạt tư tưởng trong tổ chức đảng thấp, thiếu tính chiến đấu. Phạm vi tác động, ảnh hưởng của công tác tư tưởng có dấu hiệu bị thu hẹp. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn bị động, hiệu quả thấp. Xuất hiện xu hướng hạ thấp chức năng giáo dục, xa rời các chức năng cao quý của văn học, nghệ thuật cách mạng. Nội dung, phương pháp công tác tư tưởng chậm đổi mới, công tác tư tưởng trở nên lạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới.”

Về mặt lý luận, Nghị quyết phê bình: “Công tác lí luận còn lạc hậu trên một số mặt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đất nước đặt ra; chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học lí luận chưa cao; lí luận chưa làm tốt chức năng ịinh hướng cho hoạt động thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trình độ đội ngũ cán bộ lí luận còn bất cập so với yêu cầu mới. Công tác lãnh đạo, quản lí các hoạt động lí luận, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lí luận chính trị trong nhà trường chậm đổi mới, chưa theo kịp trình độ phát triển và yêu cầu của xã hội.”

Riêng đối với báo chí, nhiều lần trong 2 năm qua đảng vẫn tiếp tục phê bình đội ngũ làm báo không những chểnh mảng nhiệm vụ đảng giao phó mà nhiều cơ quan còn không chịu làm, hay làm sai theo ý riêng, đi ra ngoài chủ trương hoặc có nơi còn làm ngược lại đường lối của đảng ghi trong Nghị quyết 5 viết như sau:

“Trong hoạt động báo chí, một số yếu kém, khuyết điểm được nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm khắc phục, có mặt, có lúc, có nơi còn trầm trọng hơn. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng tư nhân hoá, thương mại hoá báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng. Các cơ quan báo chí quan trọng của Đảng, Nhà nước chậm đổi mới, nội dung và hình thức chưa hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền không cao, chưa chi phối, làm chủ thông tin và định hướng được dư luận xã hội. Công tác chỉ đạo, quản lí báo chí còn nhiều hạn chế. Hệ thống đài phát thanh, truyền hình phát triển thiếu quy hoạch, gây lãng phí, tốn kém lớn.”

Như vậy thì Đại hội Báo chí IX có thảo luận về những yếu kém vẫn còn kéo dài không hay nghe xong rồi chuyện đâu vẫn để đó vì chuyện cha chung có ai muốn khóc ?

Mà có khóc cũng chưa chắc đã có người khóc theo bởi vì hiện tượng đảng nói đảng nghe đã rất phổ biến trong dân nên giới nhà báo có tuyên truyền cách mấy cũng không làm gì hơn được.

Bằng chứng là Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ trích báo chí trước Đại hội ngày 12-08 (2010) như thế này: “Báo chí cũng còn những thiếu sót, khuyết điểm cần kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Đó là tình trạng một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, sa vào giật gân, câu khách tầm thường, để lọt những thông tin sai sự thật, lộ bí mật quốc gia, làm tổn hại đến lợi ích chung của nhân dân, của đất nước; đưa thông tin tiêu cực một chiều, lại thiếu sự phân tích, bình luận khách quan làm cho xã hội phân tâm. Một số ít nhà báo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của giới báo chí.

Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua tuy đã có cố gắng làm nhiều việc, nhưng ở nhiều tổ chức Hội hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu. Việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam chưa đạt hiệu quả như mong muốn.”

Khác với diễn văn “nhẹ nhàng” và “trách khéo” Nhà văn “chưa có các Tác phẩm đỉnh cao” của Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương tại Đại hội Nhà văn hôm 6-8-2010, Nguyễn Phú Trọng đã lên lớp Báo chí rằng: “Nội dung thông tin báo chí cần trung thực, khách quan. Cách diễn đạt và chuyển tải thông tin cần chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn; trước những vấn đề mới, phức tạp hoặc những sự kiện lớn, quan trọng trong nước và quốc tế, cần có phân tích, bình luận sắc sảo, thuyết phục nhằm hướng dẫn nhận thức, dư luận xã hội một cách đúng đắn theo quan điểm, đường lối của Đảng”.

Ông Trọng còn khuyến cáo báo chí: Tránh cách đưa thông tin phiến diện hoặc suy diễn, vũ đoán; loại bỏ những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tích cực biểu dương, cổ vũ cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán, lên án những thói hư tật xấu, các hiện tượng tiêu cực, suy thoái về đạo đức lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Ở đây đòi hỏi người làm báo phải có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp”.

Nói như thế nhưng ông Trọng có sờ lên gáy xem đảng đã kìm kẹp báo chí ra sao ? Đảng nói tôn trọng tự do ngôn luận, bảo vệ quyền được thông tin và lên tiếng của dân nhưng đảng lại cấm không cho ra báo tư nhân, không cho phép chỉ trích những việc làm xấu hay hành vi quan liêu, tham nhũng của các quan chức cao cấp trong đảng, nhất là Bộ Chính trị 15 người đứng đầu bởi Tổng Bí thư đảng Nông Đức Mạnh.

Vì vậy đảng đã ra lệnh cho Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Luật Báo chí để kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là đối với các mạng báo điện tử và báo chí cá nhân, hay còn được gọi là bloggers đang phát triển mạnh ở Việt Nam.

Tuy nhiên Luật Báo chí đã sửa đồi đến 10 lần mà vẫn còn nhiều vướng mắc nên Quốc hội phải hoãn lại không thảo luận trong kỳ họp vừa qua. Có nhiều Đại biểu còn muốn gác lại sau Đại hội đảng XI (tháng 1/2011) rồi sẽ tính chứ bây giờ không có thời giờ nghiên cứu vì họ còn mải vận động để được đảng cho ra ứng cử thêm nhiệm kỳ nữa !

Luật Báo chí năm 1989 đã được sửa đổi một số điều khoản năm 1999, nhưng xem ra đảng vẫn chưa hài lòng. Trong lần sửa đổi năm 1999, đảng đã quy định Báo chí có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;

2- Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

3- Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;

4- Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;

5- Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam;

6- Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".

Tuy nhiên, sự ràng buộc trách nhiệm của người làm báo còn lệ thuộc vào nhiều Quy chế và Chỉ thị của đảng và chính phủ, chẳng hạn như Quy chế 9 điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2008 được mạng điện tử “Nghềbáo.com “của Việt Nam như sau:

Quy chế gồm 9 điều, quy định việc cung cấp thông tin cho báo chí và việc sử dụng thông tin để đăng, phát trên báo chí, trong đó có việc thông tin về những vụ án, vụ việc tiêu cực còn đang được điều tra hoặc chưa xét xử, chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin phải thể hiện rõ nguồn tin do cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin.

Phải đảm bảo tính nguyên vẹn, chính xác của thông tin

Đối với các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử và các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo nguồn tài liệu của mình nhưng phải viện dẫn nguồn tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã đăng, phát.

Cơ quan báo chí phải đảm bảo tính nguyên vẹn, chính xác của thông tin được cung cấp, không được đăng, phát những thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân.

Cơ quan báo chí khai thác các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu thư riêng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đã đăng, phát.

Phải ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả

Khi sử dụng tin, bài để đăng phát trên báo chí, cơ quan báo chí phải ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả. Trường hợp tác giả ghi bút danh thì cơ quan báo chí phải biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả.

Đối với loại thông tin về chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới mà chưa được kết luận thì chỉ đăng trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành và phải có chú dẫn xuất xứ tư liệu.

Người đứng đầu cơ quan báo chí là người chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan chủ quản và trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin đăng, phát trên báo chí.”

Ngoài những chuyện quá quắt này, đảng khoe báo chí không bị kiểm duyệt nhưng lại phải “Nộp lưu chiểu”, có nghĩa là sau khi phát hành hay đưa tin thì các Báo, đài phải gửi báo cáo nội dung cho Ban Tuyên giáo xem và kiểm soát lại.

Luật Sư-Tiến Sĩ Phan Đăng Thanh viết về vấn đề này trong - báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 18/7/2008 như sau:

“Báo chí của chúng ta không bị nhà nước kiểm duyệt. Thực tế công việc “kiểm duyệt” này lâu nay nằm trong trách nhiệm của tổng biên tập báo hoặc giám đốc đài. Nhưng chúng ta lại có chế độ nộp lưu chiểu.

Dự án Luật Báo chí (LBC) mới quy định thời gian nộp lưu chiểu cho các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí “chậm nhất là hai giờ kể từ thời điểm phát hành”. Thực tế các báo ngày thường phát hành khoảng hai hoặc ba giờ sáng. Vậy thì phải nộp lưu chiểu chậm nhất lúc bốn hoặc năm giờ sáng. Vào thời điểm “ngủ” đó, có cơ quan quản lý nhà nước nào đọc, kiểm tra nội dung, phát hiện vi phạm để xử lý kịp thời hay không? Mà theo Nghị định 56 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa-thông tin thì hành vi nộp lưu chiểu sản phẩm báo chí không đúng địa điểm, thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng! Không nộp thì bị phạt từ 1,5 đến 3 triệu đồng!”


Như vậy thì có khác gì “kiểm duyệt” đâu mà nhà nước CSVN cứ khoe ầm lên từ bấy lâu nay ?

Sự việc cũ như miếng giẻ rách này có khác chi với việc Đinh Thế Huynh lại được tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Nhà báo thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa (2010-2015) y hệt như chuyện Chủ tịch Hữu Thỉnh của Hội Nhà văn được lưu nhiệm hôm 6-8-2010.

Phạm Trần
12/08/2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn