Nhân dân đáng lẽ có quyền quyết định những dự án như Bauxite Tây Nguyên, Đường sắt cao tốc, Điện hạt nhân. Người dân Hà Tây, Hà Nội đáng lẽ có quyền được trưng cầu về việc sáp nhập Thủ đô. Rồi thì dân Quảng Nam, Đồng Nai, cũng đáng lẽ có quyền có ý kiến về những dự án thủy điện đang đe dọa nguồn nước, rừng cây, sinh kế, đến những vấn đề phạm trù “môi trường sống”. Khi mà chúng ta đáng lẽ phải trưng cầu dân ý đối với những vấn đề liên quan đến đất nước, đến nhân dân nhiều như vậy.
Chữ “đáng lẽ” được Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo dùng, như ông cũng thẳng thắn trả lời nguyên nhân việc trưng cầu dân ý chưa bao giờ được thực hiện trên thực tế là bởi “Chúng ta chưa coi trọng”.
Mà trưng cầu dân ý thì thuộc về phạm trù “dân chủ trực tiếp”, thuộc về vấn đề quyền công dân.
Hôm qua, một số ý kiến đã “việt vị” khi đánh giá quy định này là “mới”.
Trưng cầu dân ý, hay bỏ phiếu toàn dân, từ năm 1898 đã diễn ra ở Canada liên quan đến việc Chính phủ muốn cấm rượu mạnh. Ở Việt Nam, Điều 21 của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 quy định rất rõ ràng: Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có liên quan đến vận mệnh quốc gia (Do Quốc hội quyết định). Quy định trưng cầu dân ý được nhắc lại trong điều 53 của Hiến pháp 1959 (do Ủy ban thường vụ QH quyết định). Tới Hiến pháp 1980, nó vẫn đàng hoàng nằm trong điều 100 và việc trưng cầu do Hội đồng nhà nước quyết định. Và Hiến pháp 1992, trưng cầu dân ý được quy định trong thậm chí 2 điều: 53 và 84, với thẩm quyền quyết định là Quốc hội.
Phải liệt kê dài dòng như vậy là để thấy những quy định về dân chủ trực tiếp ở ta chả phải thiếu. Cái thiếu là ở Việt Nam chưa từng có một cuộc trưng cầu dân ý, dù hàng năm, các quyết sách liên quan đến “vận mệnh quốc gia” vẫn được quyết đều đều.
“Theo ông thì quy mô, tính chất vấn đề như thế nào bắt buộc chúng ta phải đưa ra trưng cầu dân ý?”. Lao động hôm qua đã đặt câu hỏi với một trong những tác giả của Hiến pháp, Viện trưởng Thảo. Ông Thảo nói, đúng một cách tuyệt đối: Cái này sẽ được quy định trong luật.
Có lẽ, cũng không cần nêu thêm câu hỏi “bao giờ”, bởi đó là câu hỏi mà không ai có thể trả lời cho dân chúng được.
Nhưng từ năm 1946, luật trưng cầu dân ý vẫn đang là món nợ mà chúng ta đang nợ dân, một món nợ về quyền hiến định của họ. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Bởi có những quy định về dân chủ trực tiếp trong hiến pháp, đạo luật “mẹ của các luật”- là một chuyện. Cái quyền đó có được thực hiện trong thực tế hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Trước Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói trưng cầu đơn giản chỉ là việc “yes or no” (đồng ý hay không đồng ý) và nhiều nước trên thế giới, việc trưng cầu dân ý đã thành truyền thống. Nhưng để việc người dân có thể đồng ý hay không đồng ý, trước hết lại không phụ thuộc vào việc họ “yes or no”, mà phụ thuộc vào việc “chúng ta” có đồng ý hay không đồng ý, phụ thuộc vào việc chúng ta “yes or no” thời điểm món nợ với dân đang lần lữa suốt 66 năm nay.
Đào Tuấn
08-11-2012
Theo Blog Đào Tuấn
Gửi ý kiến của bạn