BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77532)
(Xem: 63340)
(Xem: 40787)
(Xem: 32420)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhân đọc bài viết của ông Nguyễn Đăng Khoa

15 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 1354)
Nhân đọc bài viết của ông Nguyễn Đăng Khoa
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
11Vote
2.52
LTS: Bức thư ngỏ dưới đây, do tác giả Trần Phong Vũ gởi đến Người Việt, có đoạn ghi chú ở cuối bài, như sau: “Thư ngỏ này, trước hết, được gửi tới ban giám đốc bốn nhật báo lớn ở Nam California: Người Việt, Sàigòn Nhỏ, Viễn Đông, Việt Báo (thứ tự này được ghi theo mẫu tự đầu) Thứ Năm 11 tháng 10 năm 2012, ngày an vị Di Cốt nhà thơ Thomas More Nguyễn Chí Thiện tại Vườn Tưởng Niệm (Memorial Garden) Nhà thờ Chánh Tòa Giáo Phận Orange (Christ Cathedral) -tên cũ là Cristal Cathedral tức Nhà Thờ Kiếng, tọa lạc tại số 12141 Lewis, Garden Grove, CA 92840. Người viết mong mỏi tiếng nói bộc trực này được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, chúng tôi tuyệt đối tôn trọng sự lựa chọn đăng hay không đăng của quý vị.” Nay tòa soạn quyết định đăng tải nguyên văn bức thư này.

***

Sau khi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (NCT) qua đời, tiếp theo là những ngày cùng một số anh em tiếp tay ông bà Nguyễn Công Giân, bào huynh người quá cố lo tang lễ cho anh, một phần vì mệt, phần khác vì còn nhiều chuyện phải làm, tôi không quan tâm tới những điều thị phi chung quanh sự ra đi của anh, nhất là chuyện anh tuyên nhận niềm tin Kitô Giáo.

Linh cữu thi sĩ Nguyễn Chí Thiện được gia đình và bạn hữu đưa đến nhà quàn Melrose Abbey ở thành phố Anaheim để hỏa thiêu. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Sáng nay (Thứ Hai, 08 tháng 10, 2012) một người bạn bên Pháp chuyển cho tôi bài viết của ông Nguyễn Đăng Khoa (NĐK) được ghi xuất xứ cuối bài là Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ.

Tôi đã tính bỏ qua, nhưng do ý kiến của vài người bạn, trong số có giáo sư Lưu Trung Khảo, cho rằng tôi cần lên tiếng vì tác giả bài viết trực tiếp đề cập tên tôi. Do đó, chẳng đặng đừng, tôi viết thư ngỏ này.

Tác giả bày tỏ những suy nghĩ của ông sau khi nghe thông tín viên đài RFA -cô Ngọc Lan-, phỏng vấn tôi khoảng 9 giờ sáng Thứ Ba 02 tháng 10, 2012 về sự ra đi của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện Trong bài, ông Nguyễn Đăng Khoa nhắc tới tên tôi bốn lần.

Sau đây là những điểm then chốt tôi thấy cần làm sáng tỏ:

1. Ông viết: “...Ông Trần Phong Vũ được miêu tả là ‘người kề cận, chăm sóc nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong những ngày ở bệnh viện’”.

Cô Ngọc Lan nói tôi là người kề cận nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong những ngày ở bệnh viện quả không sai. Nhưng nói tôi là người chăm sóc anh trong những ngày này thì chỉ đúng một nửa.

Tôi rất vinh dự để xác nhận rằng những giờ phút tôi ở bên anh Thiện trong 6 ngày anh nằm điều trị tại bệnh viện là những thời khoảng quý giá, là những ân huệ trong đời tôi. Nếu ông NĐK biết rõ mối thâm tình giữa tôi và anh Nguyễn Chí Thiện -mối thâm tình đã bén rễ sâu xa giữa chúng tôi trong hơn một thập niên qua-, kể từ khi anh ân cần nhờ tôi cùng GS Trần Huy Bích đọc tác phẩm Hỏa Lò của anh trong buổi ra mắt tại TT/CGVN Giáo phận Orange năm 2001, và sau đó chính anh nhận đọc cuốn Phan Văn Lợi, Người Là Ai? của tôi cùng năm, tiếp theo là tác phẩm biên khảo Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Đại cũng của tôi ở hai miền Nam, Bắc California, HK năm 2005 (trong vòng 5, 6 năm gần đây, mỗi tuần hơn một lần tôi đón anh ra sinh hoạt bên ngoài, như cùng anh em tham dự những cuộc hội thoại thường xuyên trên các hệ thống truyền hình. Những năm đầu trên hai đài SBTN, VHN và suốt vài năm gần đây cho đến lần cuối cùng trên đài VNA 57.3 TV ngày 24 tháng 9 năm 2012, ngót 40 tiếng đồng hồ trước khi anh vào cấp cứu trong bệnh viện (1) hẳn ông sẽ hiểu được sự có mặt không thể thiếu của tôi bên cạnh anh trong những ngày anh nhập viện. Tôi hiểu anh cần tôi và chính tôi cũng rất cần anh. Có điều phải nói ngay là không phải với mục đích “vô liêm sỉ” như ngôn ngữ thiếu cân nhắc của ông NĐK ở đoạn sau bài viết.

Tôi không ngần ngại nói rằng, trong lúc kề cận bên anh NCT, tôi đã trao đổi, tâm tình với anh thật nhiều. Chúng tôi đã tay trong tay, nhìn sâu vào mắt nhau thật lâu để truyền thông cho nhau tín hiệu chan hòa, nồng ấm của tình bằng hữu, hiểu nhau, kính trọng nhau, yêu thương nhau như hiểu, kính trọng và yêu thương chính mình. Tôi đã gượng đùa vui trong khi vuốt tóc, lau mặt anh, nhẹ nhàng xoa bóp chân tay anh để anh quên đi những hơi thở nhọc nhằn. Tôi cũng thay anh đón tiếp những bạn bè thân sơ tới thăm anh. Trong số những người bạn này tôi phải kể đến nhà văn Phan Nhật Nam (trong 6 ngày anh NCT nằm bệnh viện, anh PNN ghé thăm không dưới 4 lần, không kể sau ngày anh trút hơi thở cuối cùng). Ngoài ra còn có BS Nguyễn Văn Quát, nhà bình luận Trần Bình Nam, giáo sư Trần Huy Bích, nhà văn Huy Trâm, cô Đỗ Thị Thuấn, nhà báo Đinh Quang Anh Thái và rất nhiều bè bạn gần xa mà vì khối óc mỏi mòn của một người đã bước qua ngưỡng cửa 80 tôi không nhớ hết. Đấy là chưa kể tới đông đảo những người thân quen của tôi và anh trong nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân và nhóm Gioan Tiền Hô.

Nếu hiểu những cử chỉ ấy là chăm sóc thì quả thật nó nặng về tinh thần nhiều hơn là chăm sóc về thể lý cho một bệnh nhân. Công việc sau này tôi xin dành cho hai người bạn của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Người thứ nhất là chị Diana Tăng, và người thứ hai là chị Lâm Thiên Hương từ Connecticut qua sau khi hay tin anh Thiện phải nhập viện. Chính hai chị -nhất là chị Diana Tăng- là những người đã có những chăm sóc đúng nghĩa đối với tác giả Hoa Địa Ngục.

(Để tránh ngộ nhận về bản chất trong sáng, minh bạch trong cung cách xử kỷ tiếp vật của nhà thơ vĩ đại, đáng mến của chúng ta, vì trách nhiệm lương tâm đối với một người bạn nghĩa thiết, những ngày tới đây tôi sẽ viết về những mối liên hệ sòng phẳng, sáng rỡ như ban ngày của anh đối với những người khác phái mà tôi biết được.)

2. Sau khi nhắc lại chi tiết trong bài phỏng vấn của Ngọc Lan, là: “LM Cao Phương Kỷ, linh hướng Diễn Đàn Giáo Dân đã tới để cử hành bí tích Thanh tẩy và xức dầu lần cuối...”, ông Nguyễn Đăng Khoa hoài nghi đặt câu hỏi: “Đó có thật là ước nguyện của nhà thơ NCT hay không?” Rồi ông mỉa mai: “Chỉ có ông Trần Phong Vũ và Chúa của ông mới biết được mà thôi. Ông nói sao thì chúng tôi nghe vậy...”

Chuyện ông NĐK tin hay không là quyền của ông.

Bỏ qua cái giọng phỉ báng ‘Chúa của ông’ theo nếp nghĩ đầy thành kiến của tác giả bài viết, tôi xót xa trộm nghĩ: Liệu ông Khoa có hiểu rằng cách đặt câu hỏi như thế là ông gián tiếp khinh thường nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và hàm ý rằng việc anh tuyên nhận đức tin CG không phải là ước nguyện của người đã khuất? Muốn biết ước nguyện thật của mẫu người “chí thiện” ấy ra sao thì ngoài Linh Mục Cao Phương Kỷ, BS Trần Văn Cảo, ông NĐK có thể kiểm chứng với Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Trang, hai chị Diana Tăng, tức chị Hạnh (2) và Lâm Thiên Hương, khi ông không có cơ hội ở gần nhà thơ NCT để nhận ra rằng: Hiện diện trong giây phút thiêng liêng ấy, ngoài cá nhân tôi, anh chị BS Trần Văn Cảo, còn có hai người phụ nữ đã chăm sóc anh trong những giờ phút cuối đời và nhất là Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Trang, người mà do một định mệnh rất tình cờ, kỳ diệu, đã có mặt để chứng kiến từ đầu đến cuối lúc anh Nguyễn Chí Thiện tuyên xưng đức tin Công Giáo. Cả ba nhân vật ngoài GHCG này đều đã nghe câu trả lời rành rẽ của anh Thiện với LM Cao Phương Kỷ khi cha đề cập tới vấn đề giáo lý. Đại ý anh nói: “Trong tù cha Lý đã hướng dẫn con nhiều về giáo lý và Kinh Thánh Công Giáo”. Dịp này anh cũng nhắc tới cha Nguyễn Văn Vinh mà anh quen gọi là cha Chính Vinh, vị linh mục anh thường công khai bày tỏ lòng kính trọng và cảm phục về tinh thần sắt đá, bất khuất đã chết rũ tù trong trại Cổng Trời. Chi tiết này từng được người bạn tù của anh là cựu đại úy Kiều Duy Vĩnh tường thuật trong loạt bài ký sự lén gửi ra từ Hà Nội, được đăng tải trên tạp chí Thế kỷ 21 của nhà báo Phạm Phú Minh cách đây mấy năm.

Có cần nói thêm rằng khi hay tin Kiều Duy Vĩnh nhận bí tích Thanh tẩy để trở thành tín hữu Công Giáo năm ngoái, anh Nguyễn Chí Thiện đã góp với anh em DĐGD một số tiền để tặng người tù kiệt xuất họ Kiều, người đã được nhà văn Bùi Ngọc Tấn đưa vào tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000 của ông?

3. Cũng do lối suy nghĩ, nhận định và xét đoán sự việc theo cảm tính, tác giả bài viết đã nêu lên câu hỏi sống sượng sau đây.

“Tại sao cứ mỗi lần có nhân vật nào có chút tên tuổi trong cộng đồng mất đi, người ta lại cố gán cho họ ‘trở lại đạo Công Giáo’ để làm gì...?”

Và ngay sau đó, ông bày tỏ quan điểm riêng hàm ngụ một lời lăng mạ:

“Tôi cho đấy là một việc làm chẳng mang lại một chút ý nghĩa gì, nếu không muốn nói là vô liêm sỉ.”

Cụm từ “vô liêm sỉ” ông phát ngôn bâng quơ, nhưng ai cũng hiểu là ông muốn gán ghép cho những tín hữu Công Giáo, trong đó có cá nhân tôi. Với sự công bằng và sòng phẳng, tôi xin trả lại lời lăng mạ này cho tác giả bài viết.

Khi nêu lên câu hỏi và những lời miệt thị trên đây, không hiểu tác giả nghĩ thế nào về trường hợp BS Đặng Văn Sung, giáo sư triết học Trần Bích Lan tức nhà thơ Nguyên Sa cách nay trên một thập niên, nhà thơ Bàng Bá Lân cuối thế kỷ trước (chính xác là năm 1988) và gần đây là nhà thơ Hà Thượng Nhân Phạm Xuân Ninh? Những khuôn mặt tên tuổi trên chính trường, trong văn học này đã nhận bí tích Thanh tẩy để trở thành Kitô hữu ra sao rất nhiều người đã rõ. Vì thế tôi không cần phải nhắc lại.

(Xin nói nhỏ với ông NĐK là chính bà quả phụ nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan khuê danh Trịnh Thúy Nga -nguyên GS hiệu trưởng trường Văn Học ở Sàigòn, nơi đào tạo hàng ngàn học sinh dọn thi tú tài II trước tháng 4 năm 75- cũng mới trở thành tín đồ Công Giáo mấy năm gần đây.)

Liệu tôi có cần phải nhắc tới trường hợp nguyên Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn, cựu Tướng Nguyễn Khắc Bình (Bắc California, HK), giáo sư Vũ Quốc Thúc (Pháp), những người đã công khai tuyên xưng đức tin Công Giáo giữa lúc đang khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn và đang sinh hoạt giữa chúng ta? Riêng ông Nguyễn Bá Cẩn mới qua đời trong năm qua sau rất nhiều năm tin nhận Đấng Cứu Thế.

Nếu cần thêm chứng liệu, ông Khoa cũng có thể tìm gặp nhà văn kiêm giáo sư, khoa học gia Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh để tìm hiểu về những chuyển đổi quan trọng gần đây trong đời sống tâm linh của nhân vật danh tiếng này.

Theo dõi thời sự trong nước vài tháng qua, hẳn ông cũng không thể không nhận được tin những bạn trẻ thuộc hàng ngũ đối kháng chế độ Hà Nội như các cô Huỳnh Thục Vy, Hoàng Vy, Trịnh Kim Tiến đã can đảm và công khai tìm về với đạo Công Giáo. Nếu cần kể thêm xin được nhắc tới nữ LS Lê Thị Công Nhân, người tuyên bố đã đọc hết bộ Kinh Thánh Tân & Cựu Ước trong mấy năm ngồi tù CS để trở thành tín hữu Tin Lành và Blogger Tạ Phong Tần, xuất thân đại úy công an CS cũng đã được rửa tội ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà nhiều năm trước. Tôi dùng từ 'can đảm' gán cho những người trẻ tìm về với đức tin Thiên Chúa Giáo tại quốc nội vì họ đã dám lội ngược dòng. Giữa một xã hội vô luân, vô thần, tôn giáo bị truy diệt, bách hại vậy mà họ đã liều mình vượt lên tất cả để biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa. Tôi nói ‘công khai’ vì tất cả những ai theo dõi tin tức trong nước đều đọc được những bản tin tường thuật nghi lễ rửa tội kèm theo hình ảnh cụ thể về những biến cố này.

Vì giới hạn của một thư ngỏ tôi chưa nói tới trường hợp ngài Bảo Đại, vị Hoàng Đế cuối cùng của triều Nguyễn đã tìm về với GH Công Giáo ra sao cũng như rất nhiều học giả danh tiếng ngoài đời như Sảng Đình Nguyễn Hy Thích (3), Bửu Dưỡng, gần đây nhất là Bác Sĩ Nguyễn Viết Chung mà sau khi vào đạo đã trở thành những linh mục danh tiếng, đạo đức, thánh thiện. Hai LM Nguyễn Hy Thích, Bửu Dưỡng đã qua đời, riêng cha Chung, một mục tử ở lứa tuổi trung niên hiện đang lăn lộn bên những nạn nhân phong cùi ở miền Cao nguyên, ngay giữa lòng chế độ cộng sản hôm nay.

4. Trong đoạn kế tiếp, tác giả viết:

“Cũng nên nhắc một chút về đạo Thiên Chúa được mấy ngài làm nghề đánh cá học trò của một ông thợ mộc, truyền lại cho đời sau với những dụ ngôn là dùng lưới đi bắt cá về cho Thiên Chúa. (Ý nói đi mở mang nước Chúa.) Cá bị giăng lưới bắt về chứ có con cá nào vui vẻ tự nguyện chui vào lưới đâu. Chẳng có con cá nào muốn được theo về với đạo Thiên Chúa hết.”

Tạm gác ra một bên cái ý tưởng mỉa mai, ngạo mạn hàm ngụ đàng sau ngôn từ, chữ nghĩa và cách viết lủng củng của tác giả, chỉ xét riêng sự hiểu biết về “dụ ngôn” của đương sự, người đọc không khỏi ngao ngán. Ông không hiểu rằng phần đông trong số 12 môn đồ tiên khởi của Chúa Kitô đều là những người xuất thân hành nghề lưới cá. Đấy là lý do Ngài lấy chuyện lưới cá để ám chỉ một sứ vụ cao cả hơn của các ông. Sứ vụ đó là rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân. Những người chậm hiểu nhất cũng nhận ra. Vì hiểu sai -hoặc cố tình hiểu sai- nên ông mới hồ đồ cho rằng Chúa sai các môn đệ “giăng lưới để bắt cá về cho Thiên Chúa”. (!!!)

Chưa hết. Sự hồ đã đạt tới mức khó hiểu khi ông viết tiếp:

“Cá bị giăng lưới bắt về chứ có con cá nào vui vẻ tự nguyện chui vào lưới đâu. Chẳng có con cá nào muốn được theo về với đạo Thiên Chúa hết”.

Đến mức này thì thú thật với ông NĐK, tôi không biết nói gì hơn nữa!

5. Trước khi kết thúc bài viết, ông NĐK viết:

“Đối với ông Trần Phong Vũ, một trí thức Công Giáo, tôi hơi buồn nhưng không ngạc nhiên. Dù là trí thức nhưng ông cũng không vượt qua được cái bản chất cố hữu của người tín đồ thuần thành Thiên Chúa Giáo. Ông đã được đào tạo như vậy nên phải hành xử như vậy thôi”.

Ông NĐK buồn, đó là quyền của ông.

Ngôn từ, chữ nghĩa bề ngoài mang vẻ hiền lành, thiện chí, nhưng hàm ngụ bên trong đầy mật đắng, ẩn giấu một thái độ trịch thượng, mỉa mai, miệt thị!

Xin thưa với ông Khoa, tôi không xứng đáng và cũng chưa bao giờ tự nhận mình “là một trí thức Công Giáo” khi nghĩ tới những tên tuổi lớn trong GH tôi như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Hàn Mặc Tử thế kỷ trước và những khuôn mặt đáng trân trọng hôm nay, trong số có những người bạn mới trong đức tin của tôi, đã khuất như hai cha Thích, Bửu Dưỡng, BS Đặng Văn Sung, giáo sư, thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, các nhà thơ Bàng Bá Lân, Hà Thượng Nhân... hay vẫn còn hiện diện giữa chúng ta như GS Vũ Quốc Thúc, GS Trịnh Thúy Nga, phu nhân cố thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, GS khoa học gia Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh... mà tôi có dịp đề cập trong đoạn trên.

(Tưởng cần mở dấu ngoặc ở đây để nói lên một chút quan điểm của riêng tôi về vấn đề tôn giáo, nói chung. Đối với tôi, bất cứ tôn giáo nào có cùng đích là đặt trọn niềm tin nơi một Thượng Đế mà người bình dân VN gọi là Ông Trời để trong những ngày sống hữu hạn biết hướng về sự thiện, cố gắng sống chan hòa, tử tế, khoan dung, yêu thương con người... đều rất đáng trân trọng. Vì quan niệm như vậy nên khi còn ở trong nước cũng như ở đây, tôi có khá đông bạn bè ngoài Công Giáo, trong số có không ít những người bạn thân thiết, gặp gỡ thường xuyên như các GS Lưu Trung Khảo, Nguyễn Đình Cường, Phạm Quân Hồng, Nguyễn Ngọc Kỳ, Phạm Cao Dương, Bùi Mỹ Dương, Nguyễn Thị Hiếu và người bạn đời của chị (anh Nghiêm Xuân Khuyến). Nếu cần nói thêm, tôi có thể kể tới những anh em cùng làm chung với tôi ở đài Phát thanh Sàigòn, nhật báo Sóng Thần trước 75 hiện có mặt tại Mỹ như Lê Phú Nhuận, Tiến Sơn, Lê Thiệp, Nguyễn Duy Đăng, Nguyễn Sỹ Hưng, Lý Đại Nguyên đặc biệt là Uyên Thao, người bạn tâm giao hiện cùng tôi đang trực tiếp lo tủ sách Tiếng Quê Hương.

Quan điểm về tôn giáo sau đây của Đức Đạt La Lạt Ma là một quan điểm tuyệt với, rất đáng trân trọng. Đước biết, khi ông Leonardo Boff, thần học gia Ba Tây hỏi ngài: “Thưa ngài, theo quan điểm của ngài thì tôn giáo nào tốt nhất?”, không một giây suy nghĩ, Đức ĐLLM trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa ta đến gần Đấng Tối Cao nhất; là tôn giáo biến ta thành con người tốt hơn”. Lời vị đại sư làm sáng tỏ một điều: Đó là con người có lý do và có quyền được chọn cho mình một tôn giáo. Đồng thời nó cũng đặt ra một giới hạn là không ai có tư cách hay có quyền áp đặt một người theo một tôn giáo mà đương sự không muốn. Ai vi phạm điều này thì đúng là kẻ “vô liêm sỉ” như lời lên án của ông NĐK.

Đọc kỹ lại bài viết của ông NĐK, với thiện chí và thiện ý, tôi cố tin là ông lầm. Mà với người lầm thì không đáng trách. Trên thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đấng chết cho nhân loại đã cầu khẩn cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha! Xin tha tội cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”.

Tự xét, tôi sẽ còn phải tiếp tục sống và hành xử niềm tin Công Giáo của tôi nhiều hơn nữa, phải biết sống chan hòa, biết bao dung và sống chân thật nhiều hơn nữa để xứng đáng với điều ông NĐK gán cho: “Là một tín đồ thuần thành Thiên Chúa Giáo” -dĩ nhiên không mang ý nghĩa đắng đót mà ông hàm ngụ-, để đến cuối cuộc đời được thanh thản ra đi như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Điều tâm nguyện tha thiết của tôi là mong ông đọc và suy nghĩ thật kỹ những gì tôi viết trong thư ngỏ này để trả lại cho đồng đạo của tôi những gì “thật sự” là của chúng tôi, của tôn giáo chúng tôi, chứ đừng cố chấp với những luận cứ hàm hồ, võ đoán theo cảm tính gói ghém trong bài viết của ông.

Lá thư không niêm này được viết trong tâm tình một công dân Việt Nam có tín ngưỡng Công Giáo luôn cố gắng dấn bước trên con đường hoàn thiện, biết tôn trọng Sự Thật và mong Sự Thật được tỏa sáng trong đời, đặc biệt trên quê hương chúng ta.

Tôi chưa hề quen biết ông Nguyễn Đăng Khoa, nhưng trong thâm tâm, tôi mong được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với ông để tránh những ngộ nhận không cần thiết. Cũng trong tinh thần ấy, tôi tán đồng đề nghị của người bạn trẻ Hồn Nhiên gửi ra trên NET về một cuộc nói chuyện thẳng thắn, diện đối diện với những vị còn hoài nghi về con người, cuộc đời và nhân cách cố Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, sau khi anh đã vĩnh viễn ra khỏi thế gian.

Trân trọng,

Trần Phong Vũ

Nam CA, ngày 08-10-2012 (Chỉnh lại lần chót tối 11-10-12)

Theo Người Việt

Các ghi chú trong bài:

1. Một chi tiết khá đặc thù khác là khoảng trung tuần tháng 8-2012 vừa qua, khi nhà văn Uyên Thao, người chủ trương tủ sách Tiếng Quê Hương layout xong tuyển tập thơ văn mới nhất gồm ba tác phẩm đã tuyệt bản của tôi, anh gửi cho tôi để chuyển qua Đài Loan in. Nhận được, như thường lệ tôi chuyển tiếp cho anh Nguyễn Chí Thiện đọc trước khi có sách. Nhưng thật bất ngờ. Đầu thượng tuần tháng 9 vừa qua, anh Thiện gửi lại cho tôi bài anh đọc tuyển tập, nhắn tôi gửi cho nhà văn Phạm Phú Minh để nhờ post lên Diễn Đàn Thế Kỷ. Trong nỗi bồi hồi xúc động tôi làm theo ý anh, nhân tiện gửi luôn cho anh Lã Mạnh Hùng để đưa lên mạng Đ.C.V Online và cho đăng trên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, tạp chí Kỷ Nguyên Mới trên DC số phát hành tháng 10-2012. Các bài trên hai tờ báo điện tử đã đến với cư dân mạng khoảng 10 ngày trước khi tác giả vào bệnh viện.

Sở dĩ tôi coi sự kiện này là điều bất ngờ và cũng khiến tôi xúc động vì đây là lần đầu tiên anh viết một bài điểm sách, mà lại là sách của tôi. Trong vòng hơn 10 năm quen thân anh, cá nhân tôi đã mời anh đọc và giới thiệu sách của tôi cũng như bạn bè quen thân tôi như nhà biên khảo Minh Võ, GS triết học Đỗ Mạnh Tri, phu nhân tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi, nhà văn Chu Tất Tiến... trên dưới cả chục lần. Lần nào cũng vậy, anh đều nói buông không văn bản viết sẵn, do đó vết tích để lại có chăng chỉ là những mảng tường thuật vắn tắt trên những trang báo. Và đây được coi là bài điểm sách bằng văn tự đầu tiên và là bài viết cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trước khi anh đi vào chốn vô cùng lúc 7 giờ 17 phút sáng Thứ Ba 02-10-2012 nhằm ngày 17-8 năm Nhâm Thìn.

2. Trong bài “Vĩnh Biệt Người Tù Lương Tâm Nguyễn Chí Thiện” của giáo sư, nhà báo Bùi Văn Phú đề ngày 06 tháng 10 năm 2012, tôi đọc được chi tiết sau đây:

“Cô Hạnh kể đi đâu cô cũng mang tập thơ “Hoa Địa Ngục” để mọi người trong bệnh viện biết, nên ai cũng làm hết sức giúp anh. Sáng nay có một linh mục vào làm phép bí tích cho anh nhưng cô không nhớ tên. Lúc sau cô điện thoại, để lại trong máy lời nhắn cho tôi biết đó là cha Cao Phương Kỷ. Ước nguyện cuối đời của anh là được trở thành người Công Giáo và anh đã chọn tên Thánh là Thomas More”.

Ghi chú của Trần Phong Vũ: Khi tôi hỏi chị Hạnh về họ tên chị muốn ghi trong một văn bản, chị cho hay là Diana Tăng (họ Tăng là họ phu quân của chị mà tôi đã có dịp gặp gỡ trong bệnh viện và trao đổi nhiều nhân dịp tôi chở anh chị và chị Lâm Thiên Hương ra ngoài ăn trưa). Vì tôn trọng, khi viết thư ngỏ này tôi vẫn dùng danh xưng Diana Tăng. Cho đến khi đọc chi tiết trên đây trong bài viết của tác giả Bùi Văn Phú, tôi xin phép được ghi tên quen thuộc là chị Hạnh.

3. Khi là LM ngài có tên là J.M Nguyễn Văn Thích. Trong một tác phẩm do GS Đoàn Khoách, một môn sinh ngoài CG của cha hiện định cư ở San Diego thực hiện, bên dưới nhan sách Sảng Đình Thi Tập ghi là của J.M Thích. Sách được ấn hành tại California, HK năm 2001. Ngày 03 tháng 8 năm ấy GS Khoách đề tặng tôi một cuốn và đích danh mời tôi đọc và giới thiệu thi tập này tại TTCGVN Giáo phận Orange một thời gian sau đó. Cố LM J.M Thích xuất thân trong một gia đình quý tộc nhiều đời thấm nhuần Khổng Giáo. Thân phụ là cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, đậu phó bảng hai khoa 1885-1889 và làm quan trong triều cùng thời với cụ Ngô Đình Khả. Cha đã lìa bỏ gia đình nhập đạo Công Giáo rồi đi tu làm LM. Thuở sinh thời cha Thích được nhiều người mộ mến về lòng bác ái và nếp sống đạm bạc theo gương Chúa Giêsu của cha. Phát biểu trong buổi ra mắt Sảng Đình Thi Tập hôm ấy, tôi đã được nghe một hậu duệ của cha kể rằng: Mỗi lần lãnh lương ở Đại Học Huế trên đường đạp xe về nhà xứ, cha phân phát hầu hết số tiền lương của ngài cho những gia đình nghèo không phân biệt tôn giáo. Khi qua đời, tài sản của ngài được nhà xứ trao cho thân nhân, ngoài vài bộ quần áo, chỉ có cây thánh giá và mấy bộ sách cũ. Hai chữ J.M trước tên gọi là chữ viết tắt tên thánh Giuse và Maria của cha.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn