BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Kiến nghị 5 điểm cho Dự thảo Báo cáo chính trị

08 Tháng Hai 200612:00 SA(Xem: 1246)
Kiến nghị 5 điểm cho Dự thảo Báo cáo chính trị
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
12Vote
34
Tiểu sử Nhà báo Phan Thế Hải

Họ và tên: Phan Thế Hải
Sinh ngày 10/07/1959
Tại Hoa thành- Yên Thành- Nghệ An
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân - Hà Nội
Chuyên ngành Tài chính - Tiền tệ

Các chức vụ đã qua:
Trưởng ban biên tập Tạp chí Vietnam Business (1997-1999)
Trưởng ban phóng viên báo Vietnam Economic News (2000-2001)
Thư ký toà soạn báo Vietnamnet (2002-2004)
Giám đốc Trung tâm Vietnamnet Ratings (2005)
Hiện là Phóng viên VietnamNet.

Tác phẩm đã in:
- Cuộc khủng hoảng đã được báo trước - NXB Thanh niên 1999
- Đặng Tiểu Bình- Nhà cải cách kinh tế hàng đầu thế kỷ XX - NXB Thanh niên 2000
- Sửa mình để thích ứng với cuộc chơi - NXB Thanh niên 2003
- Một số truyện ngắn trên các báo
- Đồng tiền khôn - NXB Thanh niên 2005

Tác phẩm sắp in:
Sàng khôn xứ người

Giải thưởng:
Giải nhì về Phóng sự- Bộ Bưu chính Viễn thông cho tác phẩm: Hải Nam - Thiên đường xứ đảo.




1. Gỡ “nút cổ chai” cho nền kinh tế tăng tốc và cất cánh


Ngày 3/2/2006, trên các báo lớn đã đăng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng với tiêu đề: “NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG, PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN TỘC, ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, SỚM ĐƯA NƯỚC TA RA KHỎI TÌNH TRẠNG KÉM PHÁT TRIỂN.”

Ngay tiêu đề báo cáo đã thấy một thiện chí của Đảng ta:... Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới... Vượt qua mọi sự cám dỗ của những cuộc vui đầu xuân, tôi kiên trì đọc từ đầu đến cuối bản báo cáo này. Với 32 trang A4 khoảng hơn 20.000 chữ, Dự thảo báo cáo kỳ này khá ngắn gọn. Đây được coi là ưu điểm thứ nhất. Phần kiểm điểm 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội 9 với những lời lẽ khá khiêm tốn, chừng mực, có thể coi là ưu điểm thứ hai. Phần 9, nói về đổi mới và chỉnh đốn đốn Đảng đã nêu được quan điểm: “Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô phải gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương.” Điều này không mới nhưng, khi Đảng nêu công khai trong một văn kiện đã thể hiện phần nào bản lĩnh của một đảng cầm quyền. Đây có thể coi là ưu điểm thứ ba.

Cùng với những ưu điểm, báo cáo còn có vô số những hạn chế vẫn thường thấy như trong các báo cáo chính trị trước đây. Như đã nói ở trên, với tiêu đề “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” nhưng ý tưởng trong báo cáo thì sự đổi mới toàn diện vẫn chưa thấy đâu. Hầu hết vẫn là giọng văn cũ, khái niệm cũ, có nhiều thứ không còn hợp thời.

Báo cáo đã nói nhiều về những đột phá, những tăng tốc, những con đường chấn hưng nền kinh tế nước nhà, nhưng cần phải bắt đầu từ đâu? đột phá ở những khâu nào? Cố gắng tìm kiếm ở các đoạn trong báo cáo nhưng chưa có câu trả lời thoả đáng. Các giải pháp đề ra vẫn chung chung, chưa cụ thể. Cũng chính vì vậy mà sau hai mươi năm đổi mới, nền kinh tế nước ta chưa đạt được trình độ phát triển như cả dân tộc mong muốn. Nếu cách mạng Việt Nam vẫn phát triển theo tinh thần của báo cáo này, không ai dám chắc rằng, nền kinh tế Việt nam sẽ tăng tốc trong nhiệm kỳ tới.

Muốn có một đô thị đẹp, phải bắt đầu bằng một quy hoạch khoa học, hợp lý. Muốn đất nước phát triển, phải bắt đầu bằng hệ tư tưởng, bằng Hiến pháp khoa học, bằng một báo cáo chính trị đúng hướng. Cách đây hơn 200 năm, nước Mỹ từ một vùng thuộc địa của Anh đã từng bước vươn lên thành một cường quốc số 1 thế giới và đứng vững ở vị trí này hơn 100 năm qua chính là nhờ một bản hiến pháp ngắn gọn, khoa học. Nước Nhật, nước Pháp, Hàn quốc cũng bắt đầu công cuộc phục hưng đất nước bằng cách như vậy.

Việt Nam chúng ta đã có một bản Hiến Pháp tuyệt vời do Bác Hồ chủ trì soạn thảo và được Quốc hội khoá I thông qua năm 1946 với 7 chương, 70 điều. Đây được coi là đường băng cơ bản với những hành lang thông thoáng. Thế nhưng, sau nhiều lần sửa đổi, không những bản hiến pháp ấy không hay hơn mà còn ngày càng lệch lạc, bị “lấn chiếm”, tạo ra không ít nút cổ chai. Việc phải trả lại giá trị pháp lý của Hiến pháp năm 1946, có thể ví như việc giải phóng mặt bằng cho những nút cổ chai do bị lấn chiếm trước đó.

1- Định nghĩa rõ, nhà nước ta là Đảng quyền hay Pháp quyền


Muốn tăng tốc và cất cánh, cùng với việc xây dựng những xa lộ, chúng ta phải mua sắm những phương tiện hiện đại để chạy trên đường băng ấy. Qua hai mươi năm đổi mới, một số đoạn xa lộ đã được mở, nhưng vẫn còn đó không ít nút cổ chai chưa được dỡ bỏ. Còn phương tiện, trong nền kinh tế toàn cầu, mỗi năm có hàng trăm loại phương tiện hiện đại ra đời, thế nhưng chúng ta vẫn kiên trì một phương tiện cũ kỹ từ thế kỷ XIX. Trên tinh thần đó, tôi xin đề xuất một số phương án khơi thông những nút cổ chai và sử dụng phương tiện nào cho nền kinh tế tăng tốc và cất cánh.

Đây là câu hỏi mà thực tiễn đặt ra đã lâu nhưng trong báo cáo chưa có câu trả lời thoả đáng. Trong phần XIII với tiêu đề: “PHÁT HUY DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA” báo cáo nói nhiều về nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng bản chất của nhà nước pháp quyền này là gì thì chưa giải thích thoả đáng. Tôi đã dùng câu này để hỏi nhiều cán bộ lãnh đạo trung cao cấp. Câu trả lời là không thống nhất và thường là chia làm hai luồng:

Nhóm ý kiến thứ nhất cho nhà nước ta là Pháp quyền lý giải rằng: Đâu đó, có vẫn có khẩu hiệu: Sống và làm việc theo pháp luật, rằng chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nhóm ý kiến thứ 2 cho rằng nhà nước ta là Đảng quyền lý giải rằng, Điều 4 Hiến Pháp Việt Nam ghi: “ĐCSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả Dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”. Ở một số diễn đàn quan trọng, các vị lãnh đạo đều cho rằng: Đảng lãnh đạo một cách tuyệt đối và toàn diện. Cũng chính vì lý do này, một số phiên toà trọng điểm đều có sự chỉ đạo trực tiếp của Ban bí thư. Dân chúng thay vì phải học luật là học nghị quyết....

Sự nhá nhem này đã xẩy ra không ít chuyện hài ước: chính quyền xã khi xác nhận hồ sơ cho công dân xin việc, phần phía dưới thường ghi: “Bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng...” mà không cần quan tâm rằng, với tư cách công dân, anh ta có phạm luật hay không! Khi cán bộ còn không định nghĩa được nhà nước ta là Pháp quyền hay Đảng quyền thì việc nâng cao ý thức pháp luật của dân chúng là điều vô cùng khó khăn.

Nhân loại đang nỗ lực hoàn thiện một xã hội pháp quyền, trong đó quyền công dân được ghi rõ trong Hiến pháp. Nếu chúng chúng ra muốn hội nhập với thế giới, không nên luyến tiếc điều 4 của Hiến pháp, khi nó không còn hợp thời. Thêm nữa, nếu đảng tự tin vào chính bản thân mình, hãy để cho nhân dân tự đánh giá, tự phán xét. Không ai khác, nhân dân sẽ lựa chọn đảng mà không cần bất cứ một sự áp đặt nào. Việc thể chế hoá bằng luật chỉ là biểu hiện của một sự thiếu tự tin, sự không minh bạch mà thôi.

Đó là chưa nói đến việc, từ chính sách Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đã đẻ ra một bộ máy khổng lồ song trùng với chính quyền. 64 tỉnh thành có 64 ông chủ tịch, 64 ông bí thư, 64 bộ máy tỉnh uỷ. Hơn 600 huyện cũng vậy. Chúng ta có một hệ thống chính quyền kép. Chính quyền lồng trong chính quyền ở cả bốn cấp, rất cồng kềnh nhưng không ai chịu trách nhiệm chính. Một doanh nhân nói với tôi: Khi dự án của ông đã được UBND tỉnh thông qua, nhưng theo lời khuyên của một chuyên viên, ông buộc phải sang xin ý kiến của tỉnh uỷ. Nếu ông Bí thư tỉnh uỷ chưa có bút phê thì đừng hòng triển khai nổi.

Sự song trùng của bộ máy không chỉ làm tăng biên chế, tăng chi phí cho bộ máy mà còn tạo thêm một cửa, một sự phức tạp, thêm một nút cổ chai cho các thủ tục hành chính.

Chính vì cách thức tổ chức bộ máy này, hiện nay Việt Nam có 6 triệu người ăn lương. Con số này của Thái Lan là 2 triệu. Thế nhưng bộ máy của chúng ta không phải vì thế mà hoạt động có hiệu quả hơn. Không những thế, bộ máy song trùng còn tạo thêm một cửa buộc các nhà đầu tư phải đi qua. Khi dự án đã được duyệt ở UBND tỉnh, nhưng tỉnh uỷ không đồng ý, dự án đó nghiễm nhiên bị ách lại. Muốn qua được cửa này buộc phải thoả hiệp, phải “đi đêm”, nếu không đừng hòng triển khai. Khi xác định được nhà nước ta là pháp quyền, các cơ quan Đảng sẽ tự động thu hẹp lại và chỉ là một bộ phận kiêm nhiệm trong hệ thống chính quyền. Theo cách này, chúng ta không những minh bạch hoá nền chính trị đất nước mà còn giảm được khoảng 1 triệu công chức trong các cơ quan đảng và các đoàn thể.

Bộ máy song trùng và đồ sộ của nước ta đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua, ai cũng thấy rằng nó là cồng kềnh và kém hiệu lực, nhưng giải quyết thế nào để giải thoát sự cồng kềnh ấy, sự kém hiệu lực ấy thì báo cáo không hề đề cập đến. Nếu chúng ta định nghĩa rõ, nhà nước Việt nam là Nhà nước Pháp quyền, Đảng có mặt trong những khâu quan trọng của bộ máy mà không hình thành một bộ máy riêng, ăn lương ngân sách sẽ từng bước giải quyết được vấn nạn này.

2.- Vận dụng chủ nghĩa Marx thế nào ?


Phần II, đánh giá khái quát 20 năm đổi mới, dự thảo có nói: “... trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh...”.

Nền tảng chủ nghĩa Marx- Lenin được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong dự thảo. Đây là một điều xưa cũ mà các báo cáo chính trị của 9 kỳ đại hội trước đã từng nói đến và nay vẫn nhắc lại.

Cùng với điều 4 của Hiến pháp, cách thức tổ chức, tuyên truyền, áp đặt vào hệ thống đào tạo ở các cấp, vô tình hiện nay Việt Nam có một thứ tư tưởng thống soái trong mọi hoạt động kinh tế- xã hội, văn hoá, tư tưởng đó là Chủ nghĩa Marx- Lenin.

Bất cứ một cán bộ nào muốn được đề bạt, không chỉ cán bộ công quyền mà còn cả lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đều phải trải qua học viện chính trị, trong đó, các môn học về chủ nghĩa Max- Lênin chiếm đến hơn 50% thời lượng.

Chủ nghĩa Marx là một học thuyết đồ sộ gồm ba lĩnh vực chính: Triết học, Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Không bàn sâu vào học thuyết này, nhưng tôi chỉ xin được dẫn ra một số điểm quan trọng sau đây:



Năm 1848, tại London, Marx và Anghen cho xuất bản: “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, đây được coi là cột mốc quan trọng của việc hình thành chủ nghĩa Marx, một “bóng ma ám ảnh châu Âu” (chữ của Marx) và nhân loại. Về hoàn cảnh lịch sử, giữa thế kỷ XIX là thời đại văn minh cơ khí với đặc trưng là đầu máy hơi nước.

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, với nền văn minh kỹ thuật số. Cứ cho Chủ nghĩa Marx là một công trình khoa học đi nữa thì với những hạn chế của hoàn cảnh lịch sử, sẽ có không ít những điều bất cập.

Tuy nhiên bản thân chủ nghĩa Marx ngay từ nguyên thuỷ cũng đã chứa đựng rất nhiều yếu tố sai lầm và cực đoan. Xin được dẫn ra 2 sai lầm quan trọng của Marx là:

Thứ nhất, về động lực phát triển của xã hội loài người, ngay dòng đầu tiên, của “Tuyên ngôn của đảng cộng sản” Marx viết: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp.”

Marx đã tuyệt đối hoá vai trò đấu tranh giai cấp, mà không nhìn thấy vai trò của đấu tranh dân tộc, tôn giáo, văn hoá v.v.... trong quá trình phát triển của lịch sử loài người.

Marx đã tuyệt đối hoá vai trò của giai cấp công nhân, chỉ toàn nhìn thấy măt tốt mà không nhìn thấy mặt hạn chế của giai cấp này. Ngược lại Marx lại chỉ nhìn thấy mặt xấu của giai cấp tư sản, mà không nhìn thấy mặt tốt của họ.

Từ những phiến diện này, Marx đã đưa ra những kết luận sai lầm về đấu tranh giai cấp. Marx chủ trương xóa bỏ giai cấp tư sản, thiết lập công hữu về tư liệu sản xuất và thực hịên chuyên chính vô sản...
Các trường phái tư tưởng triết học phương Đông đã không được Marx đề cập đến, nên triết học của Marx mang nặng mùi đấu tranh. Marx chí thấy tính Đối kháng, triệt tiêu lẫn nhau của các mặt đối lập mà không thấy tính thoả hiệp, tính khoan hoà giữa chúng.

Thứ hai, sai lầm về “bóc lột giá trị thặng dư” kể cả khái niệm lẫn bản chất. Khi nghiên cứu nền kinh tế, Marx bắt đầu bằng hàng hoá. Marx phân tích cấu trúc giá trị thành ba thành phần: C + V + m Trong đó, C là tư bản bất biến, V là tư bản khả biến, và m là giá trị thặng dư.

Theo Marx, m là giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao động của người công nhân làm thuê sáng tạo ra bị nhà tư bản chiếm không. Trong đó Marx đã quên hẳn vai trò tổ chức, quản lý của nhà tư bản; vai trò sáng kiến, vai trò ý tưởng, đặc biệt là bản quyền sáng tạo của nhà tư bản nên đã có những kết luận lệch lạc.

Trong tư duy Marx bị mắc bệnh tuyệt đối hoá và trong phương pháp Marx mắc bệnh quy nạp phiến diện. Khi nói về về duy vật lịch sử, Marx đặt trên cơ sở nghiên cứu lịch sử phát triển xã hội châu Âu.

Cuốn “Tư bản” được viết trên cơ sở nghiên cứu lịch sử phát triển của kinh tế - xã hội nước Anh thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.

Cũng có lẽ do hoàn cảnh lịch sử, nên trong các tác phẩm của Marx, ông không đề cập đến nhiều khái niệm như: toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại, thương quyền, thương hiệu... là những khái niệm rất quan trọng của xã hội ngày nay.

Nhìn một cách xuyên suốt, ngoài những bất cập trên, học thuyết Marx còn đầy rẫy những mâu thuẫn.

Marx say sưa với vẫn đề công hữu hoá tư liệu sản xuất, nhưng ông đã "quên" mất vấn đề tối quan trọng là công hữu hoá quyền lực, trong các tác phẩm của mình, ông không đề cập đến cách thức tổ chức xã hội theo kiểu nghị viện, với sự tôn trọng những ý kiến khác biệt.

Marx tôn thờ phép biện chứng nhưng ông lại mắc bệnh tuyệt đối hoá giai cấp, quá tin tưởng ở những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân mà quên rằng nó cũng có đầy những tính xấu như bất cứ giai cấp nào hay con người nào khác.

Hậu quả của kẽ hở này là ở các nước đi theo mô hình của Marx, đảng cộng sản sau khi nắm được chính quyền đã trở thành giai cấp thống trị mới còn tệ hại hơn giai cấp thống trị cũ, do nó được biện minh bởi học thuyết mới.

Với giai cấp tư sản cũng vậy, ông chỉ nhìn thấy mặt hạn chế của giai cấp này mà không nhìn nhận thấy mặt tốt của họ. Marx cho rằng, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là mâu thuẫn đối kháng và chủ trương “đào mồ chôn CNTB”. Thực tiễn đã cho thấy, sau khi lập đổ giai cấp tư sản, thiết lập được nền chuyên chính vô sản, các nước cộng sản đều đưa nền kinh tế đi vào ngõ cụt.

Với công thức công hữu hoá, đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý. Nhưng chính quyền lại là sở hữu riêng của đảng cộng sản, đảng không chia sẻ quyền lực cho ai, nên trong các nước theo mô hình CNXH, đều trở thành những chế độ phong kiến kiểu mới - chế độ phong kiến không vua, hay đúng hơn là không ngai - đảng cộng sản ở những nước này, trở thành những chính đảng giàu có, trở thành các siêu địa chủ - tư sản, do họ trở thành chủ sở hữu thực tế của toàn bộ tài sản quốc gia - điều ngay cả một ông vua phong kiến cũng không sánh nổi.

Sau này Lenin có phát triển học thuyết Marx lên một bước cao hơn, nhưng ông cũng chỉ đi sâu vào chuyên chính vô sản, vào đấu tranh giai cấp. Đặc biệt, Lenine là người tuyệt đối sùng bái Marx mà không nhận ra những sai lầm quan trọng mà Marx mắc phải.

Cũng chính vì những hạn chế này, nên ngay trên quê hương ông, ở nước Đức, Chủ nghĩa Marx đã từng có mặt hơn 40 năm (ở Đông Đức) nhưng cuối cùng đã thất bại. Còn nước Anh, nơi chủ nghĩa Marx ra đời, hiện không có một sự cấm đoán nào về tư tưởng nhưng người dân vẫn nói không với chủ nghĩa Marx.

Thậm chí, có người còn cho rằng, đó chỉ là một waste theory (lý thuyết bỏ đi). Một số đảng cộng sản trước đây đã từng coi chủ nghĩa Marx là hệ tư tưởng nay cũng đã thay đổi cương lĩnh.

Chúng ta đã trót yêu chủ nghĩa Marx, chúng ta không bài xích chủ nghĩa Marx nhưng coi nó là một quốc đạo như xưa nay vẫn làm thì quả là không ổn. Đó là chưa nói đến chuyện, ngoài học thuyết Marx còn có vô số học thuyết khác cần phải nghiên cứu, tham khảo.

Trong phần XIV- ĐỔI MỚI VÀ CHÍNH ĐỐN ĐẢNG, NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG” ở đoạn 1, dự thảo có đoạn: “Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng; phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.”

Một đảng cầm quyền, tiên phong dẫn dắt dân tộc trong thế kỷ 21 mà vẫn khư khư coi chủ nghĩa Marx- Lenin là nền tảng, khi ngay trên quê hương sinh ra nó, chủ nghĩa này đã bị người ta loại bỏ không luyến tiếc là một điều không bình thường.

3.- Định hướng CNXH và quốc hiệu XHCN


Trong suốt hơn 32 trang Dự thảo báo cáo, cụm từ CNXH và XHCN được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đặc biệt nó được gắn chặt vào những khái niệm, phạm trù kinh tế xã hội của đất nước như: Nhà nước pháp quyền XHCN; định hướng CNXH; Tổ quốc Việt Nam XHCN... nhưng chưa có một dòng nào giải thích rõ ngữ nghĩa của khái niệm này.

Phải chăng đây cũng chỉ là sự sáo rỗng như thường thấy trong các báo cáo chính trị của các kỳ đại hội trước đây.

Cụm từ Xã hội chủ nghĩa được thêm vào quốc hiệu nước ta kể từ tháng 4/1976. Nói đúng hơn thì nó đã được thay thế cho cụm từ Dân Chủ đã được Bác Hồ lựa chọn cho quốc hiệu và đã được dùng suốt trong 30 năm từ 1945 đến 1975.

Thể chế Xã hội chủ nghĩa là một mô hình nhà nước của Liên Xô, được xây dựng theo học thuyết của Marx, Lenin và Staline.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Mười (11/1977), Liên Xô đã long trọng tuyên bố “xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội” và tiếp tục tiến lên xây dựng Chủ nghĩa cộng sản. Chính vì vậy, đến 1991 Liên Xô đã sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của khối Xã hội Chủ nghĩa và sự phá sản hoàn toàn của mô hình kinh tế, xã hội này.

Việt Nam, kể từ 1955 (ở miền Bắc) và từ 1975 trên phạm vi cả nước cũng đã từng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” và tự nhận là “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa”. Chính vì lý do này, cuộc chiến tranh chống Mỹ càng trở nên khốc liệt, làm hàng triệu người chết và tàn phế và đất nước bị tàn phá nặng nề với những hậu quả kéo dài nhiều thế hệ.

Cũng chính vì định hướng CNXH theo tư tưởng của Staline mà Việt Nam đã tiến hành các chính sách như: Cải cách ruộng đất (1953- 1956) Cải tạo tư sản tư thương (1958- 1959); Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam (1977- 1978)... thực chất là huỷ diệt lực lượng sản xuất tiên tiến, phá hoại nền kinh tế, nhiều nhân tài bị giết hại, đầy ải, vô số tài sản, nhà cửa, ruộng đất của nhân dân bị cướp đoạt, y tế, giáo dục, đạo đức, văn hoá, nghệ thuật, khoa học…. đều xuống cấp trầm trọng, luật pháp, kỷ cương, truyền thống văn hoá dân tộc bị phá hoại, đảo lộn nghiêm trọng, đời sống nhân dân khốn cùng.


Từ sự khốn cùng của nền kinh tế, đến sự khốn cùng của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân, hàng triệu người bỏ nước ra đi. Cùng với làn sóng vượt biên, di tản là cả một thể chế đứng bên bờ vực của sự sụp đổ.

Đại hội đảng lần thứ V (tháng 3/1982), đảng ta vẫn một mực khẳng định đường lối “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” của đại hội IV và lớn tiếng lên án chính sách “Cải cách”, “Khai phóng”, “Bốn hiện đại hoá” của Trung Quốc là “kẻ phản bội lớn nhất trong phong trào cộng sản quốc tế”.
Vào những năm 80, khi nền kinh tế Liên Xô đi vào ngõ cụt, có nguy cơ tan rã, Đại hội đảng lần thứ 27 (tháng 3/1985), Tổng bí thư Gorbachev đề ra chính sách Peretroika (Cải tổ) và Glasnost (Công khai) thì đảng ta mới “tiếp thu” họp đại hội VI (tháng 12/1986) đề ra chính sách Đổi mới và Nói thật. Có ý kiến cho rằng, đây thực chất là một sự ăn cắp bản quyền hay “ăn theo nói leo”.

Nếu nhìn vào lịch sử, thực chất đây là chính sách “đổi cũ”, quay lại các chính sách kinh tế thị trường mà loài người đã trải qua hàng trăm năm. Ở Việt nam kinh tế thị trường cũng đã từng có thời Pháp thuộc và đặc biệt, nền kinh tế thị trường đã phát triển ở trình độ khá cao trước năm 1975 ở miền Nam.

CNXH là gì, thực chất của định hướng CNXH sẽ đưa đất nước đến đâu? Đây là một câu hỏi không quá khó. Liên Xô đã có 70 năm vô ích, các nước đông Âu cũng đã từng đi đến bờ vực vì cái định hướng này.

Chính vì lý do đó, gần 500 triệu dân ở khối này đã tỉnh ngộ và quyết định, đập đi làm lại từ đầu. Dẫu có mất ổn định một vài năm, nhưng nay họ đã vào đường băng và đang cất cánh.

Như đã nói ở trên, thực chất của công cuộc đổi mới là “đổi cũ”, thôi không cấm đoán sức sáng tạo của dân chúng, thôi không kìm hãm sức sản xuất của khu vực dân doanh, thay thế chính sách cai trị bằng quản lý. Trên thực tế, nước ta đã từ bỏ con đường Xã hội Chủ nghĩa đói nghèo trước kia, không đi theo vết xe đổ trước đó.

Nhưng nếu cứ định hướng CNXH, trên lý thuyết, nước ta vẫn bị buộc phải đi theo con đường đau khổ đó và cũng không ai dám chắc là, vào một ngày xấu trời nào đó, vào một phút ngẫu hứng nào đó, đảng ta, với tư cách là người cầm quyền độc tôn, sẽ diễn lại các chính sách “cải tạo tư sản” hay “Quốc hữu hoá” sao cho đúng cái “định hướng xã hội chủ nghĩa”

Cũng chính vì lý do này, không phải doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng toàn tâm toàn ý làm giàu, toàn tâm toàn ý lo mở rộng sản xuất. Không ít doanh nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vừa làm vừa nghe ngóng, động tĩnh, diễn biến của các chính sách của Đảng. Khi bàn chuyện làm ăn, một cán bộ phát biểu: “Đất nước này không cho ai giàu quá 20 năm.”

Xin được nói thêm, ông này hiện đang là thứ trưởng một bộ quan trọng. Đến cán bộ cao cấp mà còn chưa đủ niềm tin thì những người dân đen hoài nghi là điều dễ hiểu.

Một doanh nhân nói với tôi, cái “định hướng XHCN” như một bản án có sẵn treo lơ lửng trên đầu, khi nào cần trưng thu tài sản, Đảng ta sẽ dùng đến nó. Thực chất của chính sách đổi mới chỉ là sự “vỗ béo” các doanh nghiệp để, khi cần Đảng đem ra “giết thịt.”

Có lẽ vì lý do này, Việt Nam là một trong số những nước nghèo nhưng có nhiều tài khoản ngoại tệ gửi ở các nhà băng nước ngoài. Một lượng không nhỏ nguồn lực của đất nước bị phân tán chỉ vì cái định hướng này.

Cũng có ý kiến cho là Chủ nghĩa xã hội không phải là cái đã sụp đổ đó. Nó là cái khác, cao đẹp hơn nhiều… Nhưng như vậy thì Chủ nghĩa Xã hội là cái gì? Nó là một khái niệm mơ hồ, chưa rõ hình hài? Nó là một mô hình không có trong thực tiễn? Tóm lại nó chỉ là một ảo tưởng? Vậy tại sao ta lại định hướng cho đất nước theo một ảo tưởng?

Lại có ý kiến cho rằng Chủ nghĩa Xã hội chính là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhưng nói như vậy là nhận vơ, là ăn cắp bản quyền.

“Quốc phú, Dân cường” là lời của Khổng Tử, được coi là tiêu chí của Nho giáo.

“Công bằng, Dân chủ, Văn minh” là thực tiễn của các nước Tư bản tiên tiến, được hình thành từ lý tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của Cách mạng Nhân quyền và Dân quyền Pháp 1789.

Một cá nhân đạo văn là một điều đáng trách, còn một đảng cầm quyền làm như vậy thì khó mà làm gương cho dân chúng.

Một lý do khác, trong số hàng trăm quốc gia đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, không nước nào giàu lên bằng con đường “kiên định CNXH”. Sự kiên định CNXH là không có cơ sở khoa học.

Về phương diện ngữ nghĩa, xin được nhìn dưới 4 góc độ khác nhau:

- Thứ nhất, nếu nó là cái đã sụp đổ thì đó là cái tên xúi quẩy, tất nhiên không nên vận vào mình.

- Thứ hai, nếu nó là đích siêu việt, cái không định nghĩa được, là cái không có trong thực tiễn, thì không nên ôm ảo tưởng. Ít ra thì ta chưa nên mang danh mà ta chưa đạt được, đây là sự trung thực cần thiết của một đất nước có thiện chí đổi mới.

- Thứ ba, nếu nó là cái mà nhân loại tiến bộ đã đạt được hoặc đang xây dựng, phấn đấu, thì ta hãy làm giống họ, không việc gì phải “treo đầu dê, bán thịt chó”. Có nước tiên tiến nào mang danh Xã hội chủ nghĩa đâu!

- Thứ tư, cho dù có thể chứng minh được CNXH là cái tuyệt vời, nhưng con đường tiến đến nó cực kỳ khó khăn, đến nỗi chưa nước nào đạt được, thì liệu chúng ta có cần nhất thiết phải mạo hiểm đi đến đó không, khi tất cả những nước đi trước đều đã thất bại thảm hại và có rất nhiều nước khác không hề đi theo con đường đó, đều đã đạt được đến cái đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”?

Tại sao ta không học tập những nước đã thành công, lại cứ nhất định đi theo những nước đã thất bại?

Sách Luận ngữ của Khổng Tử có câu: “Danh bất chính tất ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tất sự bất thành”. Hơn hai ngàn năm trôi qua, nhưng chân lý đó vẫn luôn đúng.

Chúng ta hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để trả lại tên nước mà Bác Hồ đã đặt cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” Đây là cũng là hành động cụ thể để tôn trọng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc dựng nước.

4.- Mạnh dạn trút bỏ những trói buộc do mình tạo ra


Trong mục 2 của phần III, khi nói về “Mục tiêu và phương hướng tổng quát 5 năm 2006 – 2010” dự thảo có viết: “..nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;...”

Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy tốt sức mạnh toàn dân tộc? làm thế nào để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới? làm thế nào để huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực? thì vẫn chưa có giải pháp thoả đáng.

Các biện pháp như: “Phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa; đổi mới hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của Nhà nước và chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc... là những đoạn văn khẩu hiệu cũ kỹ, không tạo được bước đột phá về tư duy.

Ai dám chắc rằng, với những biện pháp như thế, chúng ta sẽ gỡ được vô số những nút cổ chai đang cản trở nền kinh tế!

Trong một thời gian dài, chúng ta đã mất công tạo ra vô số sự trói buộc. Từ chuyện ngăn sông cấm chợ, xoá bỏ tư hữu, cấm kinh tế tư nhân, cấm giao lưu với tư bản nước ngoài, cấm phát ngôn trái với đường lối chủ trương của Đảng... và hàng ngàn thứ cấm khác.


Ngày đầu xuân, trong cuộc trao đổi với một cán bộ ngân hàng, chị này cho biết, hiện nay, mọi cán bộ ngành này muốn đi nước ngoài đều phải có tờ trình để thống đốc ngân hàng duyệt.

Tôi hỏi: ông Thống đốc làm như vậy thì lấy đâu ra thời gian làm việc khác? chị bảo: Không những là những chuyến đi công tác ra nước ngoài mà cả những chuyến đi du lịch trong những ngày nghỉ, muốn xuất ngoại phải trình thủ tục trước đó ít nhất là cả tuần. Hình như quy định này có sự thống nhất với Tổng cục Hải quan.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, tự trói mình là tự sát. Từ khi có chính sách đổi mới, từng bước cởi trói đã giải phóng được rất nhiều nguồn lực, đời sống kinh tế, xã hội phát triển vượt bậc, quan hệ quốc tế trở nên thân thiện hơn... Tuy nhiên, dường như chúng ta còn lưu luyến với không ít những trói buộc ấy.

Sự cởi trói mới chỉ dừng lại ở một số chính sách ở tầm vi mô, còn lại những chính sách vĩ mô chưa cởi được bao nhiêu.

Thử đặt câu hỏi: Tại sao phải trung thành với học thuyết Marx- Lenin, trong khi học thuyết của hai ông này ra đời cách đây hơn một trăm năm và có rất nhiều điều không còn phù hợp với tình hình hiện nay? Mục tiêu của chúng ta là "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" hay là " kiên trì chủ nghĩa xã hội”?

Sự nhầm lần giữa mục đích và phương tiện khiến chúng ta tự trói mình vào những cách nghĩ, cách làm xưa cũ, không phù hợp với dòng chảy hiện đại.

Với khoảng 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngoài Việt Nam, chỉ còn 3 nước theo con đường CNXH là Cuba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Phải chăng đây là khuôn vàng thước ngọc để Việt Nam nhất thiết phải tuân theo. Phải chăng, chúng ta thông minh hơn phần còn lại của thế giới? Chúng ta có thực sự là “đỉnh cao của trí tuệ” không khi là một trong những nước nghèo nhất thế giới và tham nhũng nhất thế giới?

Tự trói buộc mình vào những khuôn phép giáo điều, những quy luật kinh tế riêng có của CNXH đã đưa đất nước đến đâu, kết quả thế nào đã rõ. Khi tự cởi trói cho mình đã góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo nên một thời kỳ phát triển mới của dân tộc.

Tuy nhiên, để có những thành tích cao hơn, cần phải tiếp tục việc cởi bỏ những trói buộc do mình tạo ra. Đó cũng là cách làm hiệu quả để giải quyết những vấn nạn nhức nhối hiện nay.

5.- Tôn trọng những ý kiến khác biệt


Đây là câu mà Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói trong cuộc họp tổng kết năm 2005 của Hội đồng lý luận được chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt nam đưa ngày 24/01/2006.

Thực chất của điều này cũng chỉ là quyền tự do ngôn luận của nhân dân đã được ghi vào Điều 69 Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. (Hiến pháp CHXHCNVN sửa lần thứ tư 1992).

Tại cuộc mít tinh kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng 3/2 tại Hà Nội, trong diễn văn kỷ niệm, ông Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên BCT, Bí thư thành uỷ Hà Nội cũng nhắc lại: “Sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khác nhau” của các tầng lớp nhân dân. Điều này đã khẳng định tính ưu việt của Đảng ta, một đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong 75 năm qua.

Thêm nữa, theo Công ước Quốc tế về quyền con người mà Nhà nước ta đã tham gia ký kết từ 1982, điều 19 về quyền dân sự và Chính trị của Công ước Quốc tế ghi rõ:

“Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ”. (Việt Nam với Công ước Quốc tế về quyền con người. Nhà xuất bản Sự Thật 1992).

Về mặt lý thuyết là vậy nhưng thực tế diễn ra không phải vậy. Một tổng biên tập một tòa báo hoặc một phóng viên đều có thể bị sa thải bất cứ lúc nào chỉ vì đưa tin bài "không thích hợp" với định hướng của Ban Tư tưởng văn hoá, thậm chí chỉ là khác với cách nghĩ của một số người đang nắm quyền. Có người còn bị bắt bớ, giam cầm dăm bảy ngày chỉ vì những lý do tương tự.

Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân. Quyền của dân phải được trả lại cho dân và thực thi đầy đủ. Một xã hội dân chủ như vậy sẽ tạo ra không gian không hạn chế cho tinh thần kinh doanh, trí sáng tạo của mọi tầng lớp, của mỗi người Việt Nam.


Trong một xã hội thực sự sôi nổi, sống động như vậy, mỗi người có thể trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho việc quản lý xã hội, đóng góp cho quê hương, cho đất nước.

Lịch sử loài người đã chứng minh, chỉ khép kín trong nội bộ chính quyền, bộ máy nhà nước chưa bao giờ tự chấm dứt được quá trình quan liêu hóa, phình to ban bệ, chưa bao giờ tự mình gột rửa được khỏi tham nhũng, tư lợi và lạm dụng chức quyền.

Chỉ có dân mới giúp được Nhà nước làm được việc đó, dân phải được giám sát, dân phải kiểm tra, dân phải bãi miễn mới cải cách được Nhà nước. Và dân phải tự tổ chức để tự quản đời sống địa phương, làng xóm.

Ngày Xuân năm Bính Tuất, dẫu thời gian không nhiều nhưng tôi đã kịp đi thăm một vài công trường trên địa bàn thủ đô. Không khí làm việc thật náo nhiệt và phấn khởi. Không chỉ Hà Nội, trên mọi nẻo đường của quê hương, đất nước yêu quý của chúng ta đang trở thành công trường xây dựng lớn trở thành công xưởng lớn và trường học lớn, nhưng vẫn còn đó vô vàn lực cản chưa được dỡ bỏ.

Muốn làm giàu, cả nước phải trở thành một doanh nghiệp khổng lồ, trong đó, Bộ Chính trị là Hội đồng quản trị, Chính phủ là Ban giám đốc điều hành cái doanh nghiệp khổng lồ ấy.

Muốn tạo cơ hội cho mỗi bàn tay, mỗi khối óc của mỗi người dân Việt Nam có thể phát huy hết năng lực vào công cuộc kiến thiết nước nhà phải đổi mới một cách toàn diện, không chỉ chính sách vi mô mà còn cả vĩ mô, cả hệ tư tưởng.

Trong lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại, Việt Nam không phải là dân tộc hèn kém. Dân tộc Việt nam phải tiến mạnh hơn nữa trong công cuộc cải cách, xây dựng cái mới tốt đẹp và chữa trị những căn bệnh kinh niên đã kìm hãm đất nước hàng chục năm nay.

Trong đó, nguy hiểm nhất là căn bệnh dối trá, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Tham nhũng, quan liêu, cửa quyền cũng là con đẻ của căn bệnh này. Năm điều kiến nghị với Đảng với đầy thiện chí. Hy vọng sẽ được lắng nghe và phản hồi.

Trân trọng cám ơn quý vị đã quan tâm!

Nhà báo: Phan Thế Hải - Báo Vietnamnet Số 4 Láng Hạ- Ba Đình- Hà Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn