BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quận Trưởng Triệu Phong - Chuẩn Úy Lê Đình Lời khóa 4/71

06 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 2110)
Quận Trưởng Triệu Phong - Chuẩn Úy Lê Đình Lời khóa 4/71
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Bài viết được nhật tu với sự trợ giúp của MX Nguyễn Văn Lãm,Trần Như Hùng, Trần Trung Ngôn, Võ Phước Tiêm, Nguyễn Ngọc Toàn.



Xe hậu trạm của TĐ3/TQLC chậm rãi chạy trên cầu nổi do công binh bắc tạm qua sông Mỹ Chánh, xe lúc lắc làm mười mấy sĩ quan vừa tốt nghiệp khóa 4/71 Trường Bộ Binh Thủ Đức có cảm giác như đang ngồi trên chiếc ghe bập bềnh sóng nước. Thời gian thụ huấn ở quân trường nghe nói nhiều về phòng tuyến Mỹ Chánh, một địa danh đã đi vào lịch sử của VNCH mà hôm nay các anh được đến đây và tận mắt nhìn thấy nó. Dòng sông hiền hoà, thượng nguồn là những nhánh suối nhỏ từ cao điểm 1102 Động Ba Le nhập thành Rạch Mỹ Chánh, trên đường chảy ra biển kết hợp thêm nhiều nhánh suối khác trở thành Sông Thác Ma, qua khỏi làng Mỹ Chánh gặp sông Ô Lâu rồi đổ vào Phá Tam Giang. Những ngôi nhà trong vùng này hầu hết đều bị hư hại, vết tích do đại bác cùng các loại vũ khí của khối cộng sản được quân đội CSBV xử dụng, cố gắng mở các cuộc tấn công, nhằm mục đích phá vở phòng tuyến Mỹ Chánh để tiến thẳng vô cố đô Huế, nhưng họ bị thảm bại nặng nề.

Vùng này chỉ có bóng dáng những người lính Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh, Địa Phương Quân cùng quân xa hối hả qua sông hướng về thị xã Quảng Trị. Vượt qua bãi tha ma gồm xác hàng chục chiếc xe không toàn vẹn cùng hàng ngàn oan hồn người dân vô tội bị địch quân sát hại như còn lẩn quẩn đâu đây, một cảm giác đau buồn, xót xa trong lòng các anh. Trên bầu trời hướng Tây-Bắc, phi cơ oanh kích đang đánh phá các mục tiêu, từng cụm khói đen bốc cao cùng tiếng nổ, văng vẳng xa đưa những hồi trống lệnh dồn dập, nhưng thực tế đó là tiếng đại bác càng lúc càng to dần. Xe quẹo phải ở ngã ba Diên Sanh, qua nhà thờ Hội Yên, hướng về Mỹ Thủy, tẽ trên đường 555 và dừng lại xóm nhà thuộc thôn Đơn Quế, nơi có Bộ Chỉ Huy của TĐ3/TQLC.

Ngày 27 tháng 7 năm 1972, Sư Đoàn TQLC nhận trách nhiệm thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù đánh vào thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng. Tiểu Đoàn 3/TQLC hoán đổi vùng trách nhiệm của Tiểu Đoàn 5/Nhảy Dù mà mục tiêu chính là Cổ Thành. Để tránh tổn thất, Trung Tá Lê Bá Bình TĐT/TĐ3 TQLC dự tính sẽ hoàn tất nhiệm vụ trước bình minh, nhưng khoảng 1 giờ sáng ông bị thương, Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh được trực thăng chở vào thay thế ngay lập tức. Kế hoạch bị chậm trễ, trời sáng hẳn thì đại đội đầu tiên của TĐ3/TQLC mới gặp đơn vị của TĐ5/ND ở Cô Nhi Viện Hài Đồng Trí Bưu, hai đại đội trưởng vừa bàn giao bằng miệng thì địch quân tập trung tấn công ngay. Trong vòng 2 tuần lễ, TĐ3/TQLC thương vong trên 300 quân nhân mới giữ vững vị trí, TĐ8/TQLC vào thay thế để TĐ3/TQLC lui về sau bổ sung quân số.

 

Sau thủ tục trình diện Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Cảnh, Thượng Sĩ Sinh Ban Quân Số Hành Quân đọc tên sĩ quan được BCH Tiểu Đoàn phân phối về các đại đội, Chuẩn Úy Đỗ Hữu Đôn, Lê Đình Lời và Trần Trung Ngôn được chỉ định về Đại Đội 2.

Thượng Sĩ I Võ Lách Thường Vụ Đại Đội 2 hướng dẫn ba ông sĩ quan trẻ về đại đội. Trên đường đi, cả ba người muốn biết sơ về đơn vị mình, với giọng nói từ tốn của vùng Ninh Hòa, Nha Trang, ông thường vụ kể vắn tắt từ lúc vượt tuyến xuất phát ngày 28 tháng 6 năm 1972.

- Đại Úy Giang Văn Nhân Đại Đội Trưởng bị thương, Thiếu Úy Nguyễn Văn Lãm Đại Đội Phó tạm thời chỉ huy đại đội. Ngày đầu tiên đang hoán đổi cho Nhảy Dù, Đại đội 1 bị địch tấn công, trước áp lực địch quá mạnh nên Đại Đội 1 bị tổn thất nhiều. Hai ngày sau Tiểu Đoàn Trưởng chỉ định Đại Đội 2 lên thế tuyến, Thiếu Úy Lãm điều động đại đội trên đường tiến lên, chưa thấy bóng dáng Đại Đội 1 ở đâu thì bất thần bị địch tấn công mãnh liệt, anh em phải chiến đấu ròng rã 3 ngày mới chiếm lại được vị trí lúc ban đầu. Hai trung đội trưởng là Thiếu Úy Nguyễn Văn San và Thiếu Úy Nguyễn Văn Nhái bị thương, vài ngày sau Thiếu Úy Lê Văn Môn hy sinh, lúc bấy giờ đại đội bị thương vong gần 40%, chỉ còn Thiếu Úy Lãm và Chuẩn Úy Khúc Thừa Thế ở trung đội súng nặng cố gắng giữ vững vị trí cho đến khi được đại đội của Đại Úy Bùi Phúc Lộc TĐ8/TQLC thay thế. Mới tuần trước đại đội được bổ sung Thiếu Úy Nguyễn Văn Phán của Đại Đội 3 và Thiếu Úy Thu từ Trung Tâm Huấn Luyện, riêng Thiếu Úy Thu chỉ ở vỏn vẹn 3 ngày là được lệnh rời khỏi tiểu đoàn.

Nghe câu chuyện mà Thượng Sĩ I Thường Vụ vừa kể, thêm vào hình ảnh đập vào mắt các sĩ quan Khóa 4/71 khi bước xuống phi trường Phú Bài, đó là những thương binh, tử sĩ của hai đơn vị tổng trừ bị chờ đợi phi cơ chuyển về Bệnh Viện Lê Hữu Sanh (TQLC) ở Dĩ An, hay Bệnh Viện Đỗ Vinh (Nhảy Dù) ở Sàigòn, hoặc nhà chung sự Nghĩa Trang Quân Đội ở Biên Hòa. Lúc đó cả ba người mới hiểu rõ tình hình chiến sự quá khốc liệt, cho nên sĩ quan Khóa 4/71 chọn về TQLC là có xe đón họ về Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm, không một ai có phép mãn khóa như thông lệ. Sau mấy ngày được huấn luyện căn bản đặc biệt của binh chủng TQLC, cùng các loại vũ khí mới được trang bị như Đại Bác 90 ly, hỏa tiễn XM.202..., xe chở các anh về trại Lê Thánh Tôn và ngày hôm sau bổ sung ngay ra hành quân. Một số bạn sinh quán ở Huế, trong lúc về hậu trạm ở Mang Cá chờ ra tiểu đoàn, tuy gần gia đình chỉ gang tấc (1 gang tay trên bản đồ 1/50,000 là 10 cây số) mà không sao gặp thân nhân được.

Sau khi trình diện Thiếu Úy Lãm, Lời nổi bật vì dáng to, chắc chắn và khỏe mạnh được chỉ định Trung Đội Trưởng Trung Đội 23. Ngôn dáng dấp thư sinh, có đôi mắt tinh anh, Trung Đội Trưởng Trung Đội 21. Riêng Đôn đi thực tập (OJT) với Trung Đội 22 của Thiếu Úy Phán. Buổi đầu gặp mặt, Thiếu Úy Lãm đã chuẩn bị sẵn mồi nhắm và những lon bia dành cho các Alpha (sĩ quan) tới tàn cuộc. Bên ngoài ba trung đội phó đang long ngóng chờ các ông thầy mới của mình, họ cũng được Thượng Sĩ I Thường Vụ mời đối ẩm bi đông rượu đế dưới bóng mát cây Sầu Đâu.

Chuẩn Úy Đôn được Trung Sĩ Trương Văn Hai và Thiếu Úy Phán dìu đi. Lời thì chân đá Nam, tay vung Bắc được Trung Sĩ I Trần Văn Nuôi kè về vị trí. Ngôn theo Trung Sĩ I Nguyễn Tấn Thành, anh đã tưới bia trộn lẫn thức ăn trên suốt đoạn đường về tuyến.

Tiếng chim hót làm Lời thức giấc, anh nhìn ra bên ngoài thấy từng nhóm đang ngồi quay quần bên ca inox cà phê, từng người một rít sâu hơi thuốc rồi chuyền tay cho nhau, họ trò chuyện rất mật thiết, không khí chung quanh có vẻ an bình, ngoại trừ những vết đạn lỗ chỗ trên vách nhà và người dân chưa được phép trở về vì đây là vùng lửa đạn.

Trước sự hiện diện của Lời, các tiểu đội trưởng bước tới chào. Trung Sĩ I Nuôi tuần tự giới thiệu: Hạ Sĩ I Điền (méo), Hạ Sĩ Nguyễn Minh Chánh, Hạ Sĩ Nguyễn Văn Phúc. Lời lắng nghe các tiểu đội trưởng kể về tiểu đội của mình, đây là lúc họ hồi tưởng như sống lại cùng các bạn đồng ngũ với nỗi buồn thoáng hiện trên gương mặt. Từ đầu cuộc chiến tại Đông Hà đến nay, một số quân nhân trung đội 23 hy sinh trong đó có Hạ Sĩ I Hoàng Cao Hiển ở Ái Tử, Trung Sĩ Trần Lê Ngải ở thôn Cu Hoan, riêng Thiếu Úy Nguyễn Văn Nhái chờ ra hội đồng phân loại, câu chuyện hấp dẫn của Hạ Sĩ Nguyễn Văn Phúc (lúc đó Binh I) bắn hạ nữ giao liên Việt Cộng trong khu vực An Lỗ, cô gái này có thành tích được ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh. Phóng viên báo chí cùng Ban 2 Chi Khu Hương Trà, Phòng 2 Tiểu Khu Thừa Thiên lần lượt đến chụp hình, lấy dấu tay thâu thập tin tức. Một việc khá ly kỳ nữa là Binh Nhì Trần Văn Voi (tên thật là Paul) xạ thủ đại liên nhận giấy gọi đi quân dịch của Toà Tổng Lảnh Sự Pháp do gia đình gởi tới, nhưng anh vẫn phớt lờ và hãnh diện ở lại cùng sống chết với anh em.

Lời quan sát sự sinh hoạt của trung đội, hầu hết họ đều trẻ và sinh quán trong miền Nam, quân ngũ đã gắn liền họ vào nhau qua bao hiểm nguy sinh tử, buồn vui đời lính trận. Sau những giây phút cận kề cái chết trên chiến trường, giờ đây họ có chút thời gian do tiểu đoàn chờ bổ sung quân số, niềm vui duy nhất của họ là còn ngồi dùng cơm với nhau, chuyền tay ca cà phê, hút chung điếu thuốc quân tiếp vụ. Sau phiên gác giặc, xong nhiệm vụ đốc canh họ có được giấc ngủ say dù rằng nơi này vẫn còn trong vùng chiến tranh không có dân chúng.

Âm thanh sóng vỗ vang vọng trong đêm, ánh sáng lấp lánh của hằng hà tinh tú trên bầu trời bao la, Lời chạnh nhớ những ngày hạnh phúc trong tình thương gia đình ở Suối Cụt, Trảng Bàng. Thuở thư sinh ở trường Trung Học Gò Dầu tỉnh Tây Ninh thật đẹp biết bao, nhưng làm sao an tâm học hành khi CSBV lợi dụng sự trung lập của Cao Miên, đưa quân qua biên giới đánh phá, giết hại người dân vô tội đang sinh sống tại các thôn xóm của hai tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa. Nhiệm vụ người trai phải tòng quân bảo vệ an lành cho dân chúng, và sự tự do của đất nước đang bị Cộng Sản mưu đồ nhuộm đỏ. Cùng chung chí hướng với Lời còn có hàng ngàn thanh niên khắp mọi nơi tề tụ về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở Hóc Môn.

Ngày 28 tháng 10 năm đó (1971) Khóa 4/71 bắt đầu bước vào cảnh nắng mưa thao trường và cuối tuần mong chờ niềm vui nơi vườn Tao Ngộ. Chương trình huấn luyện “bộ binh căn bản” của giai đoạn 1 ở Quang Trung cho các Tân Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan bao gồm vũ khí, cá nhân chiến đấu, đội hình tác chiến…, khi hội đủ điều kiện sẽ được chuyển tiếp giai đoạn 2 ở Đồi Tăng Nhơn Phú của Trường Bộ Binh Thủ Đức. Thời gian 6 tuần huấn nhục như một thử thách trước khi khóa sinh chính thức trở thành một Sinh Viên Sĩ Quan. Để hoàn tất khóa học này, họ được huấn luyện “bộ binh trung cấp” gồm các loại vũ khí cộng đồng như súng cối, đại bác không giật, đại liên, các loại hỏa tiển như M72, XM202, xử dụng bản đồ, la bàn, định hướng, xác định tọa độ trên mọi địa thế, chiến thuật căn bản cấp trung đội, đại đội. Họ được lãnh hội những kinh nghiệm về nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy mà người sĩ quan cần phải có để hướng dẫn, thuyết phục thuộc cấp hoàn thành nhiệm vụ bằng sự tự nguyện, xuất phát bởi lòng kính trọng nể phục, chớ không phải vì áp lực bắt buộc. Họ còn được học cơ bản về quân pháp, chiến tranh chánh trị, cách thức thu phục nhân tâm, đối xử nhân đạo với tù binh…tất cả những hiểu biết được trang bị cho họ để trong tương lai có điều kiện thăng tiến, xứng đáng lãnh trọng trách mà quân đội giao phó và tổ quốc mong đợi.

CSBV bất ngờ tập trung lực lượng vượt vĩ tuyến 17 tấn công vào Gio Linh, Đông Hà tỉnh Quảng Trị, rồi Lộc Ninh, Hớn Quản tỉnh Bình Long, kế tiếp là Kontum. Quân Lực VNCH đã giữ vững Bình Long, đập tan ý đồ của địch ở Kontum và đang phản công tại Quảng Trị. Tin tức chiến thắng dồn dập từ Hải Lăng, Mai Lĩnh, Ngã Ba Long Hưng của Sư Đoàn Nhảy Dù, Đột Kích Hải Lăng, Đổ Bộ Mỹ Thủy, Nhảy Vào Triệu Phong của Sư Đoàn TQLC, điều đó giúp Lời cùng Trần Trung Ngôn, Võ Phước Tiêm và Huỳnh Trúc Khanh, bốn người trai Tây Ninh tuy không hẹn nhưng cùng tình nguyện về binh chủng mũ xanh, quân phục ngụy trang sóng biển.

Từng đợt tân binh bổ sung về đại đội, lệnh kiểm soát áo giáp, mặt nạ nếu có trở ngại để xin thay thế, cấp phát thêm đạn dược cho các loại vũ khí trang bị, đặc biệt rất nhiều lựu đạn M67 và hỏa tiển M72. Không khí trong đại đội có vẻ nhộn nhịp khác thường. Trung đội Lời được 42 người, một cấp số thật lý tưởng như đã học ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh em vẫn sinh hoạt, buổi cơm chiều tiếng hát của Trần Văn Voi ở Vũng Tàu với bản nhạc “Chanson d’amour” hay âm điệu da diết “Sương Trắng Miền Quê Ngoại” của Lương Văn Tòng, Cần Thơ.

Chiều ngày 25 tháng 8, Đại Úy Đại Đội Trưởng xuất viện trở về đại đội với Chuẩn Úy Trần Tuấn Dũng Khóa 5/71. Đại Úy Nhân tập họp đại đội nói chuyện với toàn thể anh em về tình hình và nhiệm vụ sắp tới. Ngày hôm sau lệnh chuẩn bị, xe hậu trạm vào tiếp tế lương thực, đặc biệt có 3 ngày lương khô. Các sĩ quan dán liên hợp bản đồ tỉnh Quảng Trị, và nhận lệnh sẽ vào vùng hành quân vào sáng ngày mai. Lời và các bạn đồng khóa được hướng dẫn một vài căn bản về xử dụng khóa ngụy thoại trên bản đồ, ví dụ như khóa Hoàng Oanh, vị trí của đại đội hiện giờ là Hoàng Oanh phải 12 lên 9, vài quy tắc như vị trí bức tường cao của Cổ Thành, địch có thể quan sát ta dễ dàng, tránh bị bắn sẻ.

Lời nhìn Ngôn và Đôn, trong ánh mắt mỗi người đượm chút suy tư, tuy có được thời gian tiếp xúc với thuộc cấp, lắng nghe những kinh nghiệm quý báu, tâm tư thầm kín của họ, nhưng ngày mai đối diện quân thù, cách xử trí, điều động trung đội ra sao với trách nhiệm của người chỉ huy lần đầu tiên vào cuộc chiến. Trong phòng họp, Đại Úy Nhân, Thiếu Úy Lãm, Thiếu Úy Phán, Thượng Sĩ I Võ Lách, nét mặt họ vẫn bình thản vì đã bao lần xuất quân, chấp nhận những gì ở ngày mai như người đời thường ví “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” mà nhất là thân phận của người lính Tổng Trừ Bị.

Gần tới khu vực xuống xe đã thấy pháo nổ mịt mù trước mặt. Pháo binh TQLC đang bắn yểm trợ tạo một hàng rào cản ngăn ngừa địch tấn công, xen lẫn pháo của địch tác xạ gây thương vong ở khu vực hoán đổi quân. Xe vừa dừng lại, tất cả mọi người mau lẹ nhảy xuống và tạt rộng ra hai bên đường. Trung đội Lời bám theo trung đội của Thiếu Úy Phán chạy nhanh qua cầu Ba Bến (sau này mới biết đây là điểm chuẩn, có thể là hỏa tập của địch).

Theo chỉ định của Thiếu Úy Lãm, Lời cho trung đội theo chân người lính TĐ8/TQLC hướng dẫn đến hoán đổi vị trí một trung đội. Pháo 130 nổ rải rác trong khu vực. Lời làm theo phản ứng với người khinh binh phía trước, lúc chạy qua khoảng trống và bám vào những đống gạch. Từng bước gay go, may mắn cuộc đổi quân hoàn tất không bị tổn thất. Đại Úy Bùi Phúc Lộc TĐ8/TQLC cho biết phía trước địch cài chốt dày đặc, chúng ẩn núp trong các căn nhà đổ nát, khe hở là lổ châu mai, mọi di động trên mặt đất ban ngày sẽ là bia cho địch tác xạ từ trên cổ thành và các vị trí chốt bên dưới.

Chuẩn Úy Đổ Hữu Đôn hy sinh ngay buổi sáng đầu tiên tại chiến tuyến. Ban ngày án binh bất động, pháo 130 ly của địch và pháo 105, cùng 155 của ta đua nhau nổ, anh em ngoài nhiệm vụ canh gát, quan sát, chia nhau ngủ, ngụy thoại mọi liên lạc truyền tin, khi nghe cho con cái “mang mặt nạ” tức là chuẩn bị đánh địch vào ban đêm. Mỗi tiểu đội chia làm hai, do tiểu đội phó và tiểu đội trưởng hướng dẫn, họ thay phiên nhau làm nhiệm vụ, mọi người sẵn sàng tại vị trí và đợi chờ bóng đêm. Hỏa châu bỗng bựt sáng trên nền trời bên trong cổ thành, bức tường thành nổi bật lên, người lính gác phát hiện những đống gạch di động, lệnh báo động. Địch ném beta và bắt đầu tấn công. Phòng tuyến tiểu đội đại liên của trung đội súng nặng tăng cường bị địch chọc thủng. Lúc này Lời mới thấy khả năng chiến đấu của anh em cùng tài điều động, ứng phó nhanh lẹ của các Tiểu Đội Trưởng Chánh, Điền và Phúc. Lời nghĩ rằng điều quan trọng hiện tại là anh phải luôn luôn sát cạnh bên họ, quan sát, hướng dẫn, hổ trợ tinh thần, xin yểm trợ pháo binh, yêu cầu tiếp tế đạn dược và tản thương. Từ phía sau đại đội tăng cường toán súng cối của Hạ Sĩ I Nông Văn Quang, và biệt kích với Trung Sĩ Ngô Văn Đáo làm tuyến cản để ngăn chận địch tung thâm. Mãi 4 giờ sau địch hoàn toàn bị tiêu diệt.

Trong những ngày diệt chốt, quân số trung đội mỗi khi bị tổn thất lại được bổ sung thay thế ngay, dần dần Lời có kinh nghiệm chỉ huy, cách thức triệt hạ kiềng chốt, mở rộng khu vực kiểm soát của Đại Đội 2 đến sát tận hào nước. Hơn nửa tháng ròng rã, ngày nào cũng có thương binh, tử sĩ, mọi người mệt mỏi. Đại Úy Đại Đội Trưởng xin hoán đổi và được tiểu đoàn chấp thuận. Đại Đội 3 hoàn tất trên phòng tuyến vào buổi chiều, nhưng trung đội của Lời và Thiếu Úy Phán ở lại tăng phái. Đêm hôm đó Đại Đội 3 tiếp tục dồn hết mọi nổ lực vào cổ thành Đinh Công Tráng, Trung úy Nguyễn Ngọc Trà Đại Đội Phó ĐĐ3 điều động 2 trung đội chiếm được bờ thành lúc trời mờ sáng.

Thiếu Tá Trần Kim Đệ Tiểu Đoàn Phó TĐ3/TQLC điều động Đại Đội 2 thanh toán mục tiêu, trung đội Lời và Th/Úy Phán tiến lên trước, toàn bộ đại đội tiếp theo sau. Địch vẫn cố bám vào hầm hố và ẩn núp trong các vị trí đổ nát cầm cự, nhưng trước tinh thần chiến thắng vì đã vào được mục tiêu của TQLC, một số địch quân bị chết tại chổ, một số chống trả chờ bóng đêm để tẩu thoát hoặc ra hàng. Lời cảm thấy lần đầu tiên trong cuộc đời mình, nổi hân hoan kỳ lạ khó diễn tả. Ba trung đội gặp nhau bên những đống gạch chắn ngang vào lúc nữa đêm, sau khi diệt toán chốt tại đóng gạch cao to, trời mờ mờ sáng, nhận diện rõ chính là cổng thành đổ nát, Lời rút nhanh lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa, khinh binh Lương Văn Tòng reo hò mang lá cờ cùng anh em cả ba trung đội dựng lên trên đầu cổng thành Quảng Trị. Đó là sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972.

Lời không có may mắn được tiểu đoàn đề nghị đặc cách Thiếu Úy trong chiến thắng mà hình ảnh huy hoàng đó được phổ biến khắp miền Nam ngày hôm sau.

Tháng 11 đại đội vào thay thế tuyến thôn Nại Cửu, đêm 13 địch đồng loạt tấn công, Địch ném bê ta và dùng súng phun lửa xịt thẳng vào hầm trú ẩn của Lời. Khi nghe bê ta nổ, Lời đánh thức Minh và phóng nhanh ra khỏi hầm trước khi lửa chụp xuống. Trung đội 22 kế bên cũng bị tấn công tương tự, một số khác tấn công vào trung đội 21 và 24. Pháo binh yểm trợ và hỏa châu soi sáng trận địa. Địch thảm bại, thừa thắng các trung đội tiến chiếm vị trí của địch mở rộng vùng kiểm soát. Khinh Binh Chót và Minh hiệu thính viên tử trận, tịch thu toàn bộ 2 súng phun lửa của Nga Sô, 12 AK và 2 B40. Phòng Tâm Lý Chiến có đến BCH Tiểu Đoàn chụp hình chiến lợi phẩm với quân nhân ĐĐCH. Quân Cảnh 202 của binh chủng TQLC đến tuyến phòng thủ trung đội Lời triệu hồi anh Paul (Trần Văn Voi) ra khỏi vùng hành quân do yêu cầu của Tổng Lãnh Sự Pháp. Voi chỉ kịp bắt tay với anh em, trước mắt anh là Paris mảnh đất của Cha, bỏ lại sau lưng chiến trường bảo vệ quê Mẹ, những thằng bạn mới quen biết trong quân ngũ nhưng quá thân thiết vì sống chết bên nhau, chia tay khác chi chuyện sinh ly tử biệt! Nước mắt lăn dài trên má Voi và trong khóe mắt các bạn đồng đội.

Sau một thời gian ở bệnh viện Quảng Trị, qua trại Lê Huấn cũ, rồi đồi Dương đối diện ngã ba Long Hưng, sáng ngày 21 tháng 1 năm 1973 đại đội lên đường theo cánh B vào chợ Sãi hoán đổi TĐ1/TQLC. Sau ba ngày củng cố vị trí và quan sát tình hình địch ở chung quanh quận đường Triệu Phong (cách tuyến 100 thước), đêm 24 tháng 1 Thiếu Úy Phán bung trung đội ra xa khoảng 50 thước lập đầu cầu rồi cho hai bán tiểu đội tiến vào. Họ vào được dãy hầm đầu, tung lựu đạn làm cháy sáng thuốc bồi cùng tiếng nổ phụ. Địch bên trong bắn ngăn chận và ném bê ta. Sức nổ của bê ta ép chặt lòng ngực vài người, riêng Thạch Rong bị nghẹn thở, tản thương gấp về tiểu đoàn.

Đêm 25, sau khi pháo binh tác xạ bắn phủ đầu và trung đội của Thiếu Úy Phán vừa lập xong đầu cầu, Lời điều động trung đội tấn công vào mục tiêu. anh đã đánh bật địch ra khỏi chi khu vào lúc 3 giờ sáng ngày 26. Lời thấy trong chòm nhà xập có nhiều vật dụng linh tinh dường như đây là BCH hay T.O.C của chi khu Triệu Phong. Lựu đạn cùng bao cát từ cánh B tại chợ Sãi chuyển vào quận. Đại Úy Nhân xin được tăng cường 1 trung đội để điều động thêm trung đội của Trần Trung Ngôn vào. Trên máy PRC 25 tầng số nội bộ đại đội, tiếng nói trực tiếp của Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3/TQLC, ông chúc mừng kể từ giờ phút này, Chuẩn Úy Lê Đình Lời là Quận Trưởng Quận Triệu Phong. Ông hứa sáng mai sẽ gởi đơn vị tăng phái cho đại đội cùng chai rượu Hennessy.



Khoảng 5 giờ sáng địch bắt đầu phản công, súng cối pháo tập trung vào chi khu, hỏa lực bắn dữ dội vào khu vực đầu cầu của Trung Đội 22, từ bên kia bờ sông địch dùng đại bác 82 ly, đại liên tác xạ vào vị trí của Đại Đội 2, một quả đại bác rơi trước hầm trú ẩn của Đại Úy Nhân khoảng 4 thước, may mắn loại đạn xuyên phá hầm, đất rung mạnh. Hạ Sĩ I Nông Văn Quang chỉ huy khẩu đội súng cối 60 ly của đại đội đặt vị trí tại chợ Sãi, Thiếu Tá Dương Văn Hưng Tiểu Đoàn Phó hướng dẫn yếu tố tác xạ, bắn yểm trợ chính xác vào vòng ngoài chi khu (Chuẩn Úy Lời điều chỉnh). Địch ở bờ Tây sông Thạch Hản dùng M79 bắn tập trung vào chợ, hầm chứa đạn súng cối bị phá hủy. Bên ngoài Chi Khu địch đồng loạt xung phong vào trung đội. Lời đã đánh cận chiến trên đường lui quân về đại đội với một vệt máu dài trên má. Hỏa lực rào cản của trung đội 22 và pháo binh do đại đội trưởng điều chỉnh giúp hai trung đội lui về tuyến phòng thủ an toàn. Mất liên lạc với tổ đại liên, Binh I Huỳnh Ngọc Khanh hy sinh, Trần Văn Tâm cùng 7 thương binh được chuyển về tiểu đoàn.

Sáng ngày 27, Đại Đội 2 được hoán đổi về giữ BCH Tiểu Đoàn 3. Không gian đang vang ầm tiếng nổ của các loại vũ khí chợt ngưng hẳn, đúng 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973. Lệnh ngưng bắn có hiệu lực, cả hai bên cùng chạy ùa lên cắm cờ phân ranh giới. Ngày hôm sau Đại Đội 2 cho người vào chi khu Triệu Phong dùng poncho gói thi hài của bốn binh sĩ đã hy sinh đem về chợ Sãi, tại đây họ được bọc trong túi nylon rồi chuyển vô Huế.

Giữa năm 1973, Lê Đình Lời và Trần Trung Ngôn được thuyên chuyển về BCH Tiểu Đoàn 3/TQLC, Ngôn phụ trách Trưởng Ban Tâm Lý Chiến (B5), Lời thay Tr/úy Hào làm Trưởng Ban An Ninh Tình Báo (B2).

Năm 1975 Lời chịu chung số phận với Lữ Đoàn 147/TQLC tại Phú Thứ. anh trải qua các trại tù từ Tà Cơn, Cồn Thiên và Ái Tử. Cuối năm 1977, Đoàn 76 quản lý trại tù Ái Tử cổ động tinh thần người tù qua lời tuyên truyền trong nhiều buổi nói chuyện của từng phân trại

- Các anh là những thành phần được trại nhận định học tập tốt, vì thế chúng tôi tuyển lựa các anh ra làm việc (lao động) ở công trường tỉnh Thanh Hóa. Khi xong công tác trở về sẽ là ngày vinh quang của các anh.

Lời phục vụ An Ninh Tình Báo, các ngành khác như Chiến Tranh Chính Trị, Cảnh Sát Đặc Biệt, An Ninh Quân Đội, Quân Báo.. không ở trong thành phần tuyển chọn. Năm 1978, những người này bị chuyển giao trước cho Công An Bình Điền Huế.



Nhóm tù thân xác tơi tả từ Thanh Hóa, Nghệ An trở về Ái Tử, họ bị kiểm soát chặc chẻ, chờ ngày Đoàn 76 đếm đầu người giao cho Công An. Người Cộng Sản dối trá, phỉnh gạt ngay cả người dân ở miền Bắc để đạt mục đích mà chúng mong muốn, vì thế giờ phút vinh quang của người tù đâu chẳng thấy, tin bạn Lê Đình Lời đạp mìn chết trong khu vực trại 5 Bình Điền, để lại bao tiếc thương trong lòng các bạn còn đang chịu kiếp tù khổ sai. Tiếng Cú Mèo kêu trong đêm, phải chăng lại có điềm quái dị! Ai sẽ là người kế tiếp?

MX Giang Văn Nhân

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn