BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73437)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những đứa trẻ Thái Bình – Thấp Thoáng Chia Ly (100 – 102)

22 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 1382)
Những đứa trẻ Thái Bình – Thấp Thoáng Chia Ly (100 – 102)
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
44

PHẦN NĂM


THẤP THOÁNG CHIA LY


100

Anh mới đọc cuốn Tuổi trẻ của Karl Marx, thấy Marx chủ trương con người hoàn toàn tự do, từ công trường nhà máy đến mái nhà gia đình. Karl Marx luận về tự do báo chí, cho rằng báo chí như huyết quản của nhân dân. Giết chết báo chí cũng giống bóp nghẹt huyết quản, nhân dân chết theo. Marx luôn luôn đúng và hay. Bọn người phản động thì cho tự do cộng sản là tự do của con ốc trong guồng máy. Con ốc chỉ tự do giới hạn với những con ốc. Khi nó mòn teo, thay con ốc khác. Con ốc không có quyền tự do với các bộ phận trong guồng máy. Cứ thế, con ốc và bộ phận guồng máy quay vun vút. Nghĩ lầm về Karl Marx. Sư tổ vô sản thật lý tưởng. Sống tràn đầy hạnh phúc bên vợ đẹp con khôn. Vô sản mà tình cảm cứ lượn bay y hệt tiểu tư sản. Thất bại ở Đức, Marx lưu vong sang Anh, làm bò cho con cưỡi trên lưng, làm thơ tình cho vợ ngâm nga. Người cộng sản lãng mạn và mộng mơ. Karl Marx là thí dụ.

Đã nhiều lần, Kỳ Bá nói chuyện với Khoa. Lần cuối cùng, Khoa đề cập tới vấn đề nhạc cũ, nhạc mới; bộ đội cũ, bộ đội mới. Kỳ Bá không đủ thì giờ dành cho Khoa. Hôm nay, Kỳ Bá hẹn Khoa lên hồ Mơ, để đấu tranh tư tưởng cho Khoa bắt kịp đường lối của Đảng.

Hồ Mơ có hai đường dẫn tới. Một, đường đi qua cánh đồng. Một, đi theo đường làng bằng phẳng từ quán Nghỉ. Hồ Mơ ở dưới, miễu Vang ở trên, sát khít bên nhau. Kỳ Bá đến đây tự buổi chiều, chờ bộ đội tân binh mãn tan lớp chính trị, anh sẽ vào giảng chính trị ban đêm.

Khoa đã đến.

- Em lên muộn, anh đừng trách nhé!

Kỳ Bá cười độ lượng:

- Ở nhà quê, thì giờ đi chậm lắm.

Khoa nói:

- Anh lúc nào cũng bận bịu. Vào nhà em chơi có một lần, không cơm nước chi cả. Sao vậy anh?

Kỳ Bá đáp:

- Anh bận thật. Nói chuyện với em, anh thường quá thì giờ đã định.

Khoa tinh ranh hỏi:

- Thế với chị Thi?

Kỳ Bá không trả lời. Anh muốn tâm sự với Khoa thật nhiều, chiều nay.

- Chúng mình ngồi xuống bờ hồ đi.

Kỳ Bá khoác tay lên cổ Khoa:

- Năm xưa, em thường ra hồ Mơ bắt trăng sao với Liên, hả?

Khoa buồn rầu:

- Liên xa rồi, anh ạ!

Kỳ Bá xúc động:

- Ở đời, người ta gặp nhau rồi người ta xa nhau. Đó là lẽ thường trong trời đất. Như anh Vũ gặp anh rồi xa anh, rồi biết đâu chả gặp lại nhau. Như anh em mình. Hà Nội cách Thái Bình 100 cây số, em sẽ gặp lại Liên.

Kỳ Bá rẽ sang một lối khác:

- À, anh em mình… đấu tranh tư tưởng một tí, nhé!

Khoa nhún vai:

- Đấu tranh tư tưởng, hả anh? Em có tư tưởng gì đâu mà đấu tranh?

Kỳ Bá cúi đầu:

- Làm cho em hiểu rõ một chuyện gì đến nơi, đến chốn gọi là đấu tranh tư tưởng. Em thì cho rằng chữ mới anh dùng bây giờ, là danh từ chính trị, khó hiểu đối với em. Đã đến lúc cách mạng phải cách mạng ngôn ngữ. Cứ dùng ngôn ngữ cũ, không phải cách mạng nữa. Em không thích chữ mới, anh nói chuyện bằng chữ cũ vậy.

- Anh thử nói ngôn ngữ cách mạng xem nào!

- Hôm nay, anh em mình đấu tranh tư tưởng, để em nắm vững một vấn đề mà em chưa thông, hoặc em ngoan cố chưa chịu thông suốt!

Khoa cười rũ rượi:

- Cách mạng ngôn ngữ khiếp quá!

Kỳ Bá cười theo:

- Rồi sẽ thấy chẳng ai khiếp nữa. Bắt đầu, nông thôn tập nói. Nói không cần hiểu ý nghĩa. Riết rồi, họ sẽ hiểu ý nghĩa, họ nói trôi chẩy. Thành phố sẽ học tập cách nói ở nông thôn, sẽ học tập khi có hòa bình và thành phố hết bị giặc Pháp chiếm đóng. Cứ dạy nhân dân nói như vẹt, lâu dần cách mạng sẽ thành công về ngôn ngữ. Cách mạng phải cách mạng muôn mặt.

- Tại sao không cách mạng ngôn ngữ từ 1945?

- Không có cuộc cách mạng nào thành công tất cả ngay từ lúc sơ khởi. Năm 1945, cách mạng tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, đưa nhân dân đến chỗ độc lập, tự do đã là thành công vĩ đại của cách mạng rồi. Em còn bé…

- Em lớn rồi.

Kỳ Bá lắc đầu:

- Em còn bé lắm, Khoa!

Khoa vênh khuôn mặt:

- Súng giặc Pháp nổ trên bầu trời Tường An, đạn giặc Pháp bắn đêm ngày biến ruộng đồng thành ao chuôm và giặc Pháp hiếp dâm đàn bà Việt Nam thê thảm, em đã nhìn thấy, đã nghe thấy. Em lớn lên, lớn thật sự ở làng Tường An. Em hiểu được những gì anh nói.

Kỳ Bá liếm mép:

- Thế thì em giỏi đấy! Chiến tranh xâm lược của Pháp đã làm em lớn lên, làm tuổi thơ mất hết hồn nhiên trong trắng…

Khoa nói nhanh:

- Và bị quăng vào lửa.

- Ở Tường An?

- Không, ở Đồng Đức. Năm xưa, em tưởng câu thơ viết trên tường đình làng mình chỉ tố láo thực dân Pháp, không có thật. Bây giờ thì rõ rệt quá.

- Câu thơ ra sao?

- Trẻ thơ đã tội tình gì

Bị quăng vào lửa chỉ vì thực dân

- Hay quá!

- Anh hiểu tại sao làng em tin tưởng vào cách mạng?

- Tại sao?

- Vì những câu thơ viết trên tường đình làng.

- Em đọc anh nghe.

- Thực dân ơi hỡi thực dân

Đằng nào thì cũng một lần về thôi

Việt Nam của Việt Nam rồi

Cướp làm sao nổi đất người Việt Nam

- Hay.

- Ngôn ngữ cũ đấy ạ!

Kỳ Bá thấy Khoa chưa bằng lòng ngôn ngữ mới. Anh cố gắng nói ngôn ngữ cũ để chinh phục Khoa ngôn ngữ mới:

- Anh nói tiếp chuyện cách mạng 1945, nhé!

- Vâng.

- Cướp chính quyền thành công xong, cách mạng phải lo đến giáo dục, kinh tê, tài chính, xã hội… Cách mạng là cách mạng tất cả, thẳng thừng và không nề hà sự chống lại của cái cũ. Như em đã biết, cách mạng chưa làm được việc gì, giặc Pháp đã tràn vào xâm lược thủ đô Hà Nội, các thành phố, các thị xã của chúng ta. Lại còn bị các đảng phái ghen tức, giành giật. Năm 1946, ta tổ chức bầu cử Quốc Hội, phần đông các đảng phái đại diện nhân dân. Ta yếu quá đành thua thiệt. Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà toàn người của đảng phái và thượng thư của triều đình Huế. Ta ở vào thế kẹt, đành hô hào toàn dân đoàn kết về hậu phương trường kỳ kháng chiến chống giặc Pháp. Trong kháng chiến, ta loại được đảng phái ra khỏi quốc hội và thượng thư triều đình Huế ra khỏi chính quyền. Ta đủ sức mạnh đè bẹp những thành phần phản động. Đảng lao động ra đời. Đảng nắm hết chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đảng cách mạng giáo dục quân sự… Đảng thay đổi hết những tên ta thường gọi: Chính Phủ là Nhà Nước, Ủy Ban Kháng Chiến Và Hành Chính là Ủy Ban Nhân Dân, Vệ Quốc Quân là Quân đội Nhân Dân… Người ta đồn nhau thay đổi hàng loạt chữ cũ thành chữ mới là Đảng muốn nhân dân học tập danh từ chính trị khó hiểu và ngô nghê. Người ta không hiểu, đó là công cuộc cách mạng toàn diện phi thường của Đảng.

Khoa không phản đối, cũng không cắt ngang, Kỳ Bá hiểu Khoa đã hài lòng. Muốn chinh phục nhân dân, cần chiến thắng Khoa. Kỳ Bá sẽ nói thật với Khoa.

- Anh có tiếc nhớ Vệ quốc quân không?

- Tiếc nhớ vô cùng.

- Họ còn ở trong Quân đội nhân dân chứ?

- Còn. Họ làm chính ủy như anh hết. Vệ quốc quân, lính tiểu tư sản trí thức thành phố, họ về nông thôn năm xưa, được dân mến dân thương ghê lắm, vì họ giỏi, học hành cao. Ngoài chiến trường, họ chiến đấu rất ngoạn mục. Những chiến thắng sông Lô, sông Đà do họ làm nên. Chiến tranh nuốt khá nhiều lính tiểu tư sản. Họ trở nên khan hiếm, khó tuyển mộ tân binh. Em biết các thành phố của ta bị Pháp tạm chiếm đóng, vào tự do sao được! Đành tuyển mô nông dân vào bộ đội, chiến đấu cho giai cấp của họ. Họ tưởng vậy, và ta cứ giai cấp nông dân thổi mạnh, đánh giai cấp tiểu tư sản, làm cho họ say máu giết giặc Pháp. Em đã thừa hiểu giai cấp tiểu tư sản là thầy Hoan, thầy Đàn, là bao nhiêu người chính ủy lãnh đạo khác trong quân đội. Có phải nông dân lãnh đạo đâu! Nói cho cùng, Vệ quốc quân chỉ là quân Vệ Quốc, nhỏ bé quá. Nước nào trên thế giới cũng có quân đội to lớn, hùng mạnh. Trước năm 1950, Vệ Quốc Quân được. Sau năm 1950, Quân Đội Nhân Dân mới đủ sức đối phó với Quân Đội Pháp. Em thấy chưa?

- Tại sao những bài hát của Vệ quốc quân hay thế?

- Những bài hát trước năm 1950 đều tuyệt diệu cả. Đó là nhạc lãng mạn cách mạng, thích hợp cho truờng kỳ kháng chiến. Nếu trường kỳ kháng chiến còn dài, nhạc lãng mạn cách mạng còn đưọc lính tiểu tư sản hát vang lừng. Trường kỳ kháng chiến đã chuyển sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, lính tiểu tư sản hết rồi, thay bằng lính nông dân, bài hát cũng đổi hàng loạt. Cho nó thực tiễn và hết lãng mạn. Cách mạng mà nề hà chống lại cái mới, đâu còn gọi là cách mạng. Em yên chí đi, khi chúng ta đánh tan giặc Pháp, hòa bình trở về đất nước chúng ta, lại hàng loạt bài hát cách mạng ra đời để ngợi ca con người, tình yêu và hạnh phúc. Lúc ấy, chúng ta quên nhạc cũ, chỉ những xương cùng máu. Đã có cuộc chỉnh huấn trên trung ương. Các nhạc sĩ, thi sĩ tham dự đồng loạt đều đồng ý với Đảng, nhạc thơ từ năm 1946 đến cuối năm 1949 trở thành lạc hậu rồi. Chính những nhạc sĩ sáng tác nhạc lãng mạn lại sáng tác nhạc lao vào lửa đấu tranh.

- Anh nói với dân làng Tường An như thế, à?

- Nói với em thôi. Nhân dân Tường An được mấy người thông minh như em? Chính sách của Đảng chỉ đem ra thi hành, không mất công giải thích. Em là người thân với anh nên anh có bổn phận làm em hết thắc mắc. Em hết thắc mắc chưa?

- Thưa anh, em hết thắc mắc rồi. Mấy tháng trước, em chê nhạc mới và bộ đội mới. Lòng em vẫn tưởng nhớ nhạc cũ và bộ đội cũ. Người lính tiểu tư sản thành phố và nhạc lãng mạn cách mạng của họ đã đi vào hồn em như một kỷ niệm khó phai mờ.

- Em cứ coi là kỷ niệm bất diệt, chẳng sao. Lính tiểu tư sản và nhạc kháng chiến đã đi vào tâm hồn nhân dân, em ạ!

- Thật vậy chứ anh?

- Thật.

- Em vẫn nhớ họ.

- Còn anh, tim vẫn hé mở để lính tiểu tư sản đồn trú.

Khoa ôm chặt lấy Kỳ Bá. Tự nhiên, Kỳ Bá nhớ thầy Hoan, thầy Đàn, chú Nam Anh và những người tiểu tư sản trí thức đang hoạt động cho Đảng, cho nhân dân. Những người đó có đáng ghét không? Kỳ Bá sợ phải học tập khinh ghét những người thương yêu mình, cứu sống mình và dẫn dắt mình đi trên con đường cách mạng, một ngày nào đó. ồ, chả có ngày nào đó đâu. Tình người mãi mãi hừng hực trong chúng ta. Căm thù không nuốt trọn một đời người, chỉ khoảnh khắc, rồi quên dần đi mà nghĩ tới tình yêu và hạnh phúc.

Kỳ Bá cũng rơm rớm vài dòng lệ.

- Em hoàn toàn sung sướng rồi chứ?

Khoa đưa ống tay áo, thấm nước mắt.

- Vâng, em hoàn toàn sung sướng, anh ạ!

Đợi Khoa buông người mình ra, Kỳ Bá bảo:

- Bây giờ, anh nói một chút tình cảm giữa anh em ta và gia đình ta, nhé!

Khoa đáp:

- Vâng.

Giọng đượm tình yêu gia đình, Kỳ Bá nói:

- Anh đã nhắc bố mẹ em lần trước, rằng em Tú, em Mai đang tuổi thèm đi học. Em cũng vậy. Bố em lại sinh sống bằng nghề buôn hàng chuyến. Dạo này, xe Con Voi đã sắp chạy Thái Bình-Nam Định. Hà Nội-Hải Phòng thì chưa. Bởi đoạn đường số 10, từ Đống Năm đến Phụ Dực, nhiều cầu cống bị ta phá, nhiều khúc đường bị ta đào hố chữ chi, ô tô không chạy được. Bố em nên vào thị xã. Thị xã bị tạm chiếm. Tường An bị tạm chiếm. Sống ở đâu cũng thế thôi. Bố em vào thị xã, tiện nơi buôn bán và tiện cho các em đến trường học.

Khoa buồn bã:

- Tường An còn có anh.

Kỳ Bá nuốt nước miếng:

- Anh đóng quân bất cứ nơi nào cũng tạm bợ. Lính mà em. Anh về Tường An để tuyển tân binh, huấn luyện họ và lại đi. Bộ đội khác sẽ về. Một điều hệ trọng, em nói ngay cho bố em biết, em đừng nói với ai: Bộ đội mới có thể sai chính sách của Đảng, thi hành lầm lẫn. Gia đình em sẽ gặp nhiều điều oan trái. Vậy anh còn ở đây ngày nào, gia đình em nên vào thị xã ngay.

Kỳ Bá đứng dậy:

- Hôm nay, anh coi như từ biệt em. Gửi lời chào nồng thắm của anh tới bố mẹ và hai đứa em gái.

Tiếng còi trên miễu Vang rít lên. Như giục chính ủy Kỳ Bá giờ học tập chính trị.

- Giã từ em. Hẹn gặp ngày giải phóng thị xã Thái Bình.

- Tạm biệt anh.

Khoa ngồi bên bờ hồ Mơ, thả mắt trông theo Kỳ Bá. Đêm đã tới. Khoa nhìn Kỳ Bá bước nhanh. Cứ tưởng thằng Vọng ghẻ tầu đang dẫn bóng trên sân cỏ và sút cú ngả bàn đèn…

101

Một buổi tối mùa đông rét buốt. Bên ngoài, mưa dầm như cuộn theo gió bấc, vun vút qua cửa liếp. Bên trong, cả nhà quây quần trên ổ rơm gây chút ấm áp. Me Thi, Thi, thằng Pháng và con Lý ngồi chung một ổ. Không ai để ý cái lạnh giá nó ướp hồn mình. Cha Thi, ông Hanh, Kỳ Bá cũng ngồi ở ổ rơm kế cận. Tối nay, chẳng có công tác gì. Kỳ Bá muốn một đêm thật rảnh rỗi, thưa chuyện với cha mẹ Thi về chuyện anh và Thi yêu nhau. Đêm nay, cả nhà xum họp, đúng là ước nguyện của Kỳ Bá.

- Rét quá nhỉ, lập đông chắc.

Ông Hanh nói.

- Lập đông từ lâu rồi mà.

Bà Hanh nói.

- Ngày nào cũng lập đông vậy. Mùa đông mới sinh ra ổ rơm. No cơm tấm, ấm ổ rơm. Ngủ ở ổ rơm như có lửa sưởi quanh mình. Chỉ thương mấy anh chiến sĩ giết giặc ngoài biên cương, ai đã gửi áo trấn thủ ra tặng?

Ông Hanh vừa than thở vừa với tay ra ngoài ổ, kéo cái bình trà nóng, đựng trong cái ấm tích và cái điếu cầy lại gần. Ông rót nước vào hai cái chén tống:

- Uống nước đi anh, kẻo nguội.

Kỳ Bá nâng chén trà:

- Mời hai bác sơi nước, ạ!

Ông Hanh nhấp một ngụm, rồi lấy điếu vê thuốc bỏ vào cái nõ. Ông châm đóm ở cái đĩa đèn dầu lạc, thắp bằng bấc, do chỉ vải kết lại. Đưa ống điếu lên môi, ông Hanh rít một hơi hả hê. Ông nhả khói và đưa điếu cho Kỳ Bá:

- Làm một điếu cho ấm.

- Thưa bác, cháu không dám hút thuốc.

- Sợ gì?

- Sợ quen đi rồi nghiện.

- Nghiện đã sao?

- Người lính trong thời chiến bị cấm hút thuốc ban đêm. Hút thuốc lá, ánh lửa lóe lên trong đêm tối, là dịp tốt cho địch bắn mình. Hút thuốc lào còn nguy hiểm nữa. Có khi địch câu moóc chê, chết như sung rụng.

- À, ra thế. Tội nghiệp binh lính quá.

Kỳ Bá đợi hết tuần trà nước mới thưa chuyện. Anh đưa mắt nhìn Thi. Thấy đôi mắt Thi long lanh dưới ánh đèn dầu lạc. Như thầm bảo nói đi, đừng sợ. Tự ngày xuống Đông Cao, làm tổng khởi nghĩa ở Tiền Hải, vào lính đánh giặc Pháp tại Hưng Yên, Hải Dương, Kỳ Bá không nghe thấy hai tiếng sợ hãi bao giờ. Hôm nay, hỏi vợ cho mình, sao Kỳ Bá run run và sợ hãi thế!

- Thưa bác…

- Gì vậy anh?

- Cháu muốn thưa với hai bác chuyện em Thi…

- Em Thi nó hỗn với anh à?

- Không…

Thi mỉm cười, nhéo tay mẹ. Thằng Pháng, con Lý mải ăn ngô rang, không để ý gì. Thi bắt muốn phì cười, thấy chính ủy trung đội 23 giảng chính trị cho bộ đội nghe thì oai phong lẫm liệt lắm. Mà nói với ông dân Hanh chuyện hỏi vợ thì lính qua lính quýnh. Mới hay, đảng viên Đảng cộng sản Kỳ Bá vẫn là con người.

- Con Thi hay diễu cợt anh, hả?

- Không…

- Dạo này nó hư lắm. Cứ gọi chính ủy là anh không. Anh giận nó chứ gì?

- Không… cháu và Thi đã…

- Sao?

- … phải lòng nhau!…

Ông Hanh tủm tỉm cười. Ông lấy điếu hút một bi nữa. Và ông nhấp ngụm trà đầy mới nhả khói thuốc.

- Tưởng cái gì. Chứ phải lòng nhau thì tốt thôi…

Bà Hanh nói:

- Con Thi cho tôi biết rồi. Nó yêu anh Kỳ Bá, anh Kỳ Bá yêu nó.

Ông Hanh hỏi Thi:

- Con phải lòng anh Kỳ Bá?

Thi nũng nịu một lát, rồi cô ôm lấy mẹ:

- Vâng…

Và ông Hanh hỏi Kỳ Bá:

- Anh phải lòng con Thi không?

Kỳ Bá đáp:

- Vâng. Cháu yêu Thi, yêu tha thiết…

Ông Hanh khoan khoái:

- Thế thì được rồi. Hai đứa yêu nhau, trời có cấm, sợ chẳng nổi. Vợ chồng tôi bằng lòng cho con Thi lấy anh làm chồng. Đời này là đời sống mới, cái gì cũng mới, cũng nhanh. Anh nhắm cưới con Thi ngày nào?

Ông tiếp:

- Chả cần môn đăng hộ đối. Nhà tôi là nông dân nghèo. Được anh chiếu cố là may rồi.

Kỳ Bá ân cần thưa:

- Từ giờ, con gọi hai bác bằng thầy bu như em Thi con vẫn gọi. Thưa thầy bu, chính tên con là Vọng, sinh ở làng Kỳ Bá, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Bố con làm nghề thợ điện. Mẹ con làm nghề bán hàng rong. Bố mẹ con đều chết cả rồi. Thuở nhỏ, con được học đôi chút ở thị xã. Rồi con vào bộ đội, nay về đóng tại Tường An. Nhà con cũng nghèo khổ. Thầy bu thương con, gả em Thi cho con, con không bao giờ dám quên ơn đức của thầy bu…

Bà Hanh nói:

- Anh nghĩ phải đấy.

Ông Hanh trở về câu hỏi:

- Anh nhắm cưới con Thi ngày nào?

Kỳ Bá đáp:

- Con chờ thầy bu bằng lòng, sẽ viết thư trình lên cấp trên cho phép con lấy vợ. Thầy bu đã hiểu, thời chinh chiến, vợ không được theo chồng. Cấp trên có cho phép, con lấy Thi rồi đi. Có thể, ngày mai, ngày kia, hay ngày nào đó, con sẽ rời Tường An, đồn trú ở những nơi không ai biết. Thì cấp trên cho phép hay không cũng vậy thôi. Hôm nay, con thưa thầy bu về chuyện đám hỏi em Thi. Như em Thi đã lấy con rồi. Ngày mai, con đi, em Thi sẽ ở lại cùng thầy bu. Con sẽ về làm lễ cưới em Thi và sống suốt đời bên nhau ở làng Tường An, khi giặc Pháp tan rã và nước mình được giải phóng.

Câu chuyện đang vui, bỗng trở nên buồn bã. Thằng Pháng và con Lý ăn hết ngô rang, lăn ra ngủ trên ổ rơm. Bốn người vẫn còn thức, đăm đăm nhìn vào ngọn lửa của đèn dầu lạc hắt hiu cháy. Ông Hanh lặng lẽ hỏi vu vơ:

- Bao giờ giặc Pháp tan rã?

Kỳ Bá trả lời:

- Chúng ta đã đẩy cuộc trường kỳ kháng chiến lên cuộc phản công. Nghĩa là đánh chứ không nhịn nhục. Như thế mất năm năm. Từ phản công, chúng ta tiến lên tổng phản công. Giặc Pháp nhất định phải thua. Chỉ năm năm nữa, chúng ta tổng tấn công, giặc Pháp sẽ tan rã, hòa bình sẽ đâm chồi nẩy lộc trên quê hương chúng ta. Hòa bình sẽ rạng rỡ ở Tường An.

Nhìn ngọn đèn sắp sửa tàn, cái bấc đã cháy lụi dần, ông Hanh nói:

- Vậy là xong chuyện con Thi với anh Vọng. Tắt đèn, đi ngủ…

102

Đầu tháng 12, trăng lưỡi liềm còn tỏa ánh sáng mờ nhạt. Đêm đầy sao. Sao không đủ sức làm ấm lòng người, vì vẫn mùa đông. Trời đã hết mưa dầm, và gió bấc nghỉ xoáy những cơn lạnh buốt. Trên bến Đợi, Thi ngồi sát bên Kỳ Bá. Dòng sông Trà Lý êm đềm. Con đò buộc vào bến bất động, thiếu sóng đập vỗ mạn thuyền. Nên chuyện tình ai nghe man mác.

- Em có học những cuốn Quốc văn giáo khoa thư không?

- Có ạ!

- Anh đố em bài này ở cuốn nào, nhé!

- Vâng.

- Ba năm trấn thủ lưu đồn

Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan

Chém tre đẳn gỗ trên ngàn

Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai

Miệng ăn măng trúc măng mai

Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng

Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng

- Lớp sơ đẳng.

- Giống anh không?

- Giống sao được. Người ta là lính thú ngày xưa, anh là lính cách mạng ngày nay!

- Lính giống nhau hết, dù là lính ngày xưa hay lính ngày nay. Chỉ công tác là khác nhau thôi. Lính thú ngày xưa phải đốn gỗ, chém tre, coi là khổ lắm, không bạn bè, ăn cơm với măng, buồn tẻ. Lính cách mạng ngày nay, như anh, phải huấn luyện chính trị mỏi miệng, dạy đường lối của Đảng phờ râu, cũng không bạn bè, ăn cơm với nhân dân, sung sướng chi! Lao động của lính thú ngày xưa là lao động chân tay. Mệt nằm lăn ra ngủ. Còn mơ mộng nhìn cá nó vẫy vùng dưới giếng. Lao động của lính cách mạng ngày nay, như anh, là lao động trí óc. Có ngủ được đâu, có mơ mộng được đâu? Phải chi anh là lính thú ngày xưa, đã rông dài những Ba năm trấn thủ lưu đồn để em sinh ra hai thằng con trai với anh. Sung sướng chưa?

- Sung sướng lắm. Anh ạ, lính thú ngày xưa không giống cách mạng ngày nay. Nghĩ làm gì cho buồn!

- Anh đố em đấy chứ?

- Đố và đừng nghĩ.

- Rồi.

- Đố đi.

- Ngang lưng thì thắt bao vàng

Đằu đội nón dấu vai mang súng dài

Một tay thì cắp hỏa mai

Một tay cắp dáo quan sai xuống thuyền

Thùng thùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa

- Lớp sơ đẳng.

- Đúng. Tranh vẽ diễn tả bài này?

- Cảnh chiếc thuyền, lính thú xếp hàng xuống, một anh quay lại, nước mắt anh ta chẩy ròng ròng, nhìn vợ anh ta bế con đi tiễn, cũng khóc ròng ròng.

- Buồn hả?

- Vâng.

- Người lính thú ngày xưa hơn người lính cách mạng ngày nay. Khi họ ra trận, còn đưọc vợ con đi tiễn. Người lính cách mạng bị cấm đoán điểm này. Họ không được nhìn thấy nước mắt của vợ con để họ khóc theo. Nếu họ chết giữa sa trường, thiệt thòi quá.

- Lại nghĩ.

- Không, anh đoán cảnh tượng hai chúng ta, những ngày sắp tới.

Những ngày sắp tới, chưa biết là ngày nào. Phải tới ngày đó. Sáu mươi sáu đồng chí bộ đội tân binh huấn luyện, thế là xong. Về quân sự, họ tiến bộ. Chỉ cần họ bắn súng có đạn thật, ném lựu đạn thật, gài mìn thật là hoàn tất chu đáo. Cấp trên cấm tiếng nổ của súng đạn ở Tường An, Đồng Đức và Đại Đồng. Cho nên, họ phải học tập bổ xung ở trung đoàn 84. Về chính trị, họ đã nắm vững vàng những vấn đề đòi hỏi họ. Sáu mươi sáu đồng chí bộ đội tân binh xứng đáng lính của giai cấp nông dân.

Ngày nào đó, cấp trên ra lệnh phải đôn tân binh về nơi nào đó, Kỳ Bá sẽ tuân lệnh, dẫn quân âm thầm rút khỏi Tường An. Anh cũng âm thầm ra đi, không được cho Thi biết. Kỳ Bá và Thi sẽ chia ly. Chia ly trông đợi Pháp đầu hàng và Kỳ Bá trở về xum họp với Thi. Khi người lính hít hà hương thơm của da thịt đàn bà, đâm ra yếm thế và sợ chết.

- Em.

- Dạ.

- Em có tưởng ngày anh rời Tường An bí mật không?

- Em đã tưởng.

- Bí mật cả với em?

- Tưởng hết. Nỗi buồn của em, của anh, của đôi ta.

- Em có sợ gì bất trắc xẩy ra cho anh?

- Không. Lấy chồng thời chiến, không sợ chi sốt cả. Nhưng mà…

- Sao?

- Ai cấm đoán được ưóc mơ?

- Em mơ ước gì?

- Hết giặc Pháp, anh về với em.

Kỳ Bá nức nở khóc. Thi khóc theo. Hai người ôm chặt nhau. Nước mắt của người này hòa chung nước mắt của người kia, tràn đầy hai khuôn mặt. Trăng mờ đi. Cơ hồ sóng vỗ vào mạn thuyền. Không ai nhìn rõ những giọt nước mắt của thời chinh chiến cuốn chặt lấy cuộc tình.

Khoảnh khắc, Kỳ Bá cùng Thi đã quên hẳn không gian và thời gian. Họ hình tưởng nỗi chia ly trên bến Đợi. Sông Trà Lý lặng lờ trôi. Đêm đã khuya. Con đò dìu Kỳ Bá và bộ đội sang sông. Thi đứng bờ bên này vẫy tay và lệ rơi lã chã. Con đò tới giữa dòng. Kỳ Bá vẫn trông về không chớp mắt. Và rồi, phút giây cực kỳ lãng mạn, Kỳ Bá ngỡ rằng mình là thi sĩ ca dao, ngâm vang tình non nước:

- Em đã mơ gì em ơi

Rất đơn giản và bình dị, dân tộc lên tiếng:

- Lúa chín hai mùa no ấm

Chồng giết giặc về em vui

Dòng sông Trà Lý êm đềm. Bến Đợi hôn môi kỷ niệm buổi chia tay của hai người son trẻ. Hình như, chia ly trong nỗi nhớ có mùi thơm bàng bạc…

Khoa thẫn thờ bước. Đường lắc đầu, chẳng hiểu gì. Khoa lần xuống hồ Mơ. Nó soi bóng nó dưới nước. Khoa tưởng như cái bóng của nó là Liên, và tưởng như những lời Đường vừa nói, với nó, là Liên đang nói với nó. Khoa, mơ hồ, nghe tiếng hát vang vọng… đi diệt thù cứu quê, giặc tan-đón em về… (1).

Khoa nói cho cái bóng nghe:

- Khoa sẽ đón Liên về, ngồi trên cầu Chờ, những đêm trăng sáng.

(1) Bản Anh em, nhạc Nguyễn Đức Toàn-

 

(còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn