BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73471)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bò sữa gặm cỏ cháy (1)

08 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 2502)
Bò sữa gặm cỏ cháy (1)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Bò gặm cỏ cháy thì không có sữa hoặc có sữa thì cũng chỉ là sữa độc. Khi quê hương còn những người tuổi trẻ nổi loạn vô duyên cớ, còn những bàn tay không được xây dựng, ngứa ngáy đi phá hoại; khi đất nước còn thiếu một thế hệ xâm mình ngăn cản giặc xâm lăng thì trách nhiệm đối với chế độ thiếu nhi còn được đặt ra. Và được đặt ra trước lương tâm mỗi người lớn.

DUYÊN ANH

Tháng tám mùa thu năm 1945 tôi vừa mười tuổi. Nhà tôi nghèo nên cha mẹ không làm bánh, đãi tiệc sinh nhật tôi. Nếu tôi đã được thổi tắt mười ngọn nến thì, ba hôm sau ngày tôi đầy 10 tuổi là ngày 19 tháng 8, dưới chân cột đèn phố Julet Piquet- đổi thành phố Lê Lợi, một phố chính của thị xã Thái Bình – tôi và những đứa bé bằng tuổi tôi tụ họp đông đảo để say sưa học bài hát mới:
Nhanh bước nhanh nhi đồng.
Theo cờ đỏ sao vàng.
Kìa lời gió ngàn.
Kìa lời sông núi.
Kìa lời gió ngàn.
Kìa lời sông núi.
Nhắc nhở em rằng.
Tuy mình đang còn thơ ấu.
Nhưng nhất tâm trật tự.
Vâng lời vâng lời người trên.
Tập tành sao thân hình em được nở nang.
Trở nên sau này anh tài hiên ngang.
Ơn nước non em nguyền dám đâu sao rời.
Em trọn đời trung với Việt Nam.

Trẻ con ham mê lắm. Lại dễ tin và chán cái gì củ kỹ. Tôi không thèm nhớ những bài hát dễ thương của Hoàng Qúy hay những bài nhạc phổ thông Âu Mỹ được đặt lời Việt Nam như bài Oh, My darling:
Đôi cây tiêu điều.
Dăm cây tiêu điều.
Ngàn thông gió cuốn
Ắt tan tiêu.
Lê Chân da ngà.
Xót thương cha già,
Vì quân Hán giết.
Dấy can qua…..

Bây giờ tôi là người chống Cộng sản. Chống Cộng sản để vợ con lo âu, bạn bè ngại ngần. Chống Cộng sản không ăn cái giải gì, không mưu đồ một tham vọng gì. Yêu tự do cá nhân, thích dân chủ, khoái được viết lách vung vít, ham tán vợ, nựng con bất cứ lúc nào nên tôi đã chống Cộng sản. Nhưng bấy giờ, hai mươi lăm năm trước, thuở nhi đồng mười tuổi quần đùi áo may ô chạy rông khắp phố chẳng chút ngượng ngùng, tôi đã nhanh bước nhanh theo tiếng gọi của người lớn và tưởng chừng cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong tâm hồn mình. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã diễn tả tâm sự não nề của lớp đàn anh tôi Lạc đường vào lịch sử. Ở trang đầu cuốn sách, Nguyễn Mạnh Côn đề tặng nhà văn Lan Khai, người đầu tiên thuộc thế hệ trên dưới năm mươi hôm nay, đã Lạc đường vào lịch sử. Ngay lớp cha anh tôi mà còn bị huyễn hoặc bỡi những người đến nỗi bị lạc đường, và thân bại danh liệt. Thì trách chi bọn nhi đồng, cháu yêu Bác Hồ, bầy nhi đồng tháng tám có thần tượng bất hủ là anh Kim Đồng quê hương Việt Bắc xa mù… Chớp mắt là thấy ảnh “bác Hồ”, ảnh “bác Hồ” treo la liệt. Muốn “bác Hồ” khắc hẳn vào tâm trí non nớt của nhi đồng để lớn lên chúng không quên, không phản bội bác Hồ, người Mác xít tổ chức những cuộc thi vẽ “bác Hồ” theo trí tưởng tượng. Trên những sân cỏ mênh mông, hàng ngàn nhi đồng lay hoay vẽ “bác Hồ”.

Tôi cũng đã vẽ “bác Hồ” theo trí tưởng tượng. Một bài hát dạy tôi:
Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng.
Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng.
Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh.
Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài.
Bác chúng em nước da nâu vì sương gió.
Bác chúng em thề cương quyết rửa thù nhà.
Hồ Chí Minh oai phong.
Bác đã bao năm bôn ba nước ngoài vì giống nòi.
Bác nay tuy đã già rồi.
Già rồi nhưng vẫn vui tươi.
Ngày ngày chúng cháu ước mong.
Mong sao bác sống muôn đời.
Để dìu dắt nhi đồng thành người và kiến thiết nước nhà bằng người.
Hồ Chí Minh oai nghiêm.
Chúng cháu chúc bác Hồ Chí Minh sống muôn năm …

Và tôi tưởng tượng kỹ hơn trí tưởng tượng của tôi. Tôi vẽ hai ngôi sao, tô màu vàng làm mắt “bác Hồ”. Dáng người, râu, nước da “bác Hồ”, bài hát dạy thế nào tôi cứ thế mà vẽ, mà tô màu. Bức tranh ấm ớ của tôi trúng giải nhất. Ông Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Tân Trào bế bỗng tôi lên trong tiếng hoan hô vang dội. Ít lâu sau tôi nhận được bức thư ban khen của “bác Hồ”. Tôi cố nhớ, nội dung như vầy:
Gửi cháu Vũ Mộng Long,
Bác đã nhận được bức họa chân dung bác của cháu. Cháu vẽ đẹp quá, rất xứng đáng làm cháu yêu của bác, nhi đồng tháng tám. Bác gửi lời hỏi thăm các cháu nhi đồng Thái Bình.
Hôn cháu
Bác.
Hồ Chí Minh.

Dưới bức thư viết trên giấy dầy, có chữ ký và triện son. Ngày tôi run run nhận thư của “bác Hồ” là ngày quan trọng của thiếu nhi xã tôi. Biểu tình mít tinh nhộn nhịp. Tôi hãnh diện vô cùng. Bọn nhóc xã tôi mơ ước đựoc nhận thư ban khen của “bác Hồ” như tôi. Và người lớn bảo hãy làm thế này, thế nọ để “bác Hồ” yêu, bác sẽ gửi thư ban khen. Lúc ấy, quả thật, tôi yêu “bác Hồ” hơn yêu mẹ tôi. Lớn lên và không còn ở vùng “bác Hồ” nữa, tôi mới biết “bác Hồ” làm quái gì có thì giờ viết thư cho tôi. Một anh cán bộ đặc trách về nhi đồng đã chích vào máu tôi mũi thuốc học tập suy tôn lãnh tụ. Bằng những mũi thuốc đó, hằng triệu nhi đồng đã hôn mê để khôn lớn, trong đầu óc chỉ biết ngợi ca một Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là thần tượng bằng xương bằng thịt. Thơ dại em yêu “bác Hồ”, trưởng thành yêu thêm Đảng. Bác và Đảng, hầu như được nhắc nhở từng giây từng phút.
Đảng lao động Việt Nam.
Đảng của chúng ta.
Vì giai cấp cần lao.
Đảng mưu giải phóng nước nhà.
Đảng chúng ta là mặt trời.
Hồ Chí Minh là mặt trời.
Dìu dắt cho muôn lớp người vùng lên.

Từ năm 1945 đến năm 1960 là 15 năm. Lớp nhi đồng 10 tuổi nay đã 25 tuổi. Trưởng thành rồi. Những cây nhỏ uốn nắn kỹ, tất nhiên chúng phải mọc thẳng hàng. Hạt giống người Mát xít ném xuống đất, kết quả thật trọn vẹn. Lứa tuổi ấy hò hét:
Đi lên thanh niên.
Làm theo lời bác.
Không có việc gì khó.
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển.
Quyết chí cũng làm nên.

Họ không hề biết lời bác dạy là những lời “thuổng” của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Bác Hồ cầm nhầm tư tưởng Nguyễn Bá Học y hệt Mao Trạch Đông tỉa tót tư tưởng của Khổng Tử. Lớp tuổi ấy chúng ta đã gặp họ ở những mặt trận miền Nam với lời nguyền sắt thép “sinh Bắc tử Nam”. Họ xâm mình “chống Mỹ cứu nước” và giải phóng miền Nam, giải phóng một miền mà không cần giải phóng. Gớm thay cái sự gieo mạ nhi đồng của người Cộng sản ! “Vì xã hội chủ nghĩa, vì Bác và Đảng, thanh niên tiền phong tiến lên”. Cái này in chữ đậm dưới cái măng sét đỏ chói của tuần báo Tiền Phong. Đám tuổi trẻ trên dưới 25 tuổi được “hâm” căm thù từ thuở lên mười. Thuở ấy, “bác Hồ” là nguồn mến yêu và anh Kim Đồng là tấm gương chói sáng:
Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít.
Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu.
Kim Đồng – quê hương Việt Bắc xa mù.
Kim Đồng – thay cha rửa mối quốc thù.
Anh Kim Đồng ơi – anh Kim Đồng ơi.
Tuy anh qua đời – gương anh sáng ngời.
Đoàn tôi cố noi.
Bao phen giao thông trong rừng.
Gian lao nguy nan muôn trùng.
Xung phong theo gương anh hùng.
Đùng đùng đùng
Đoàng đoàng đoàng
Anh vẫn đi.
Kim Đồng, tên anh muôn kiếp không mờ.
Kim Đồng, tên anh lừng lẫy chiến khu.

Tôi dám nói không một ai cùng tuổi tôi mà không thuộc bài “Kim Đồng” . Kim Đồng trong âm nhạc. Kim Đồng trên sân khấu kịch. Nghe tin cha bị phát xít giết. Kim Đồng xin đi rửa hận. “Kim Đồng là con ông bà Hương” Tiểu sử của anh vỏn vẹn 7 chữ. Nhưng anh đã bất diệt. Người bộ đội bảo anh muốn rửa thù cha phải có can đảm. Bộ đội đòi chặt một tay Kim Đồng. Anh đưa cả hai tay, mắt long sòng sọc nhìn đám khán giả chúng tôi. Những trái tim ngừng đập. Lo sợ cánh tay Kim Đồng bị chặt. Bộ đội liệng kiếm, vỗ vai Kim Đồng: Em anh dũng lắm. ! Và Kim Đồng được nhận làm liên lạc viên. Chúng tôi vỗ tay hoan hô Kim Đồng. Khi Kim Đồng lọt lưới địch, địch dụ dỗ đủ điều, anh từ chối. Địch tra tấn anh đến chết. Tấm màn thô sơ khép lại. Máu căm thù cuồn cuộn trong tim tôi. Kim Đồng nhân vật bịa đặt đó, đã một thời quyến rũ tôi mãnh liệt. Đến nỗi tôi bỏ nhà đi, xin chân liên lạc viên cho đại đội 4, một đại đội chủ lực của tỉnh tôi, đeo lựu đạn thối, vác cây sắc thông nòng súng Badôca, ra cái điều anh dũng. Đại đội 4 qua xã nào là nhi đồng xã ấy nhìn tôi thèm nhỏ dãi. Giá bố tôi không lôi cổ tôi về, có thể tôi đã đi đứt cuộc đời hay đang trên đường xâm nhập miền Nam.

Nghĩ lại tôi rất phục người Cộng sản. Nắm xong chính quyền, họ giáo dục thiếu nhi ngay. Họ biết áp dụng câu ca dao: “Dạy con dạy thuở còn thơ”. Những thằng Mít nhỏ, được Tây hay Mỹ giáo dục, lớn lên, tâm hồn nó là tâm hồn Tây, Mỹ. Đừng đem chuyện dân tộc nói với chúng nó. Đừng hy vọng nhiều một tinh thần quốc gia cực đoan ở đa số bọn Mít hồi hương từ Tây, từ Mỹ. Nếu tôi có tài và có quyền, tôi sẽ đánh bật bọn họ khỏi guồng máy cai trị của đất nước tôi. Quê hương tôi phải do những người sinh ra trong khổ đau, thể nghiệm mọi khổ đau mới hiểu đau khổ để làm cho quê hương hết đau khổ. Tôi thù ghét họ như thù ghét những thằng bửa óc ra, chỉ thấy giáo điều Cộng sản. Đừng hòng chiêu hồi chúng.

Tôi không bao giờ tin tưởng một cách ngu xuẩn rằng, với những tờ truyền đơn liệng xuống mật khu, với những chương trình chiêu hồi Tiếng chim gọi đàn ngớ ngẩn trên vô tuyến điện thị hay trong vô tuyến truyền thanh, với những týp lãnh tụ chiêu hồi của chúng ta, mà có thể lôi cuốn nỗi những thằng Cộng sản được giáo dục từ thuở còn là nhi đồng. Cái thế hệ xâm mình bảo vệ miền Nam, ngăn cản, chặn đứng thế hệ xâm mình “giải phóng” của miền Bắc không có. Vì miền Nam không có người lo gieo mạ cho mùa gặt tương lai. Miền Nam không chú trọng nhi đồng. Tôi dám nói mà không sợ lộng ngôn rằng, nếu ngày ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh là ngày ông biết “nắm” nhi đồng ngay, mười năm cai trị, ông đã tạo được một thế hệ thanh niên trung thành tuyệt đối. Thế hệ này nằm giữa đường thách thức xe tăng đảo chính, hằng ngàn xe tăng hung hãn cũng sẽ lùi trước đám “vệ binh” của ông Diệm.

Vệ binh đỏ của Mao Trạch Đông là gì? Đó là một thế hệ thanh niên được giáo dục từ trứng nước. Vệ binh đỏ mạnh hơn vũ khí nguyên tử. Muốn trừ khử Mao chủ tịch, phải giết hết vệ binh đỏ. Và điều này luôn luôn là trở ngại lớn của những kẻ toan lật đổ Mao Trạch Đông. Người Cộng sản hơn chúng ta ở chỗ họ chấp nhận hiện tại ẩm ương để tạo dựng tương lai tuyệt hảo. Dĩ nhiên tuyệt hảo theo kiểu Mác xít. Bất cứ bằng phương tiện nào nhồi vào tâm hồn non dại của nhi đồng lòng căm thù và tình yêu Bác và Đảng, và chiến sĩ, họ đều sử dụng. Một người bạn tôi, qua cuộc hành quân trong vùng Cộng sản chiếm đóng, đã lượm được cuốn tập của em bé lớp tư, đem về tặng tôi. Đây là bài tập đọc:

HĂNG HÁI ĐI TÒNG QUÂN

Mấy bữa nay không khí trong xã thật là rộn rịp. các anh chị thanh niên hăng hái ghi tên lên đường diệt Mỹ.

Nhà ông Hai đã có ba người con đi tòng quân. Lần này, ông Hai chuẩn bị cho anh Út lên đường. Ông vui vẻ nói với mọi người: Tôi chỉ còn một thằng Út. Nếu còn hai, ba đứa nữa chuyến này tôi cũng cho đi hết để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược….

Thêm bài chính tả:

LÒNG MẸ THƯƠNG CON

Chị Hai có con chưa đầy một tuổi, Con chị bụ bẫm da trắng hồng mắt đen láy. Mấy tuần nay con chị chẳng có một giấc ngủ yên. Ban đem pháo địch bắn gần bắn xa. Ban ngày máy bay địch quần đảo. Chị Hai thường phải ẩm con xuống hầm. Con chị khóc nhiều. Càng thương con chị càng căm thù giặc Mỹ.

Và đây bài tính đố:

Năm anh du kích đi tấn công An Hữu. Tổng số lính trong thành là 453 tên. Anh nhất và anh nhì diệt được 196 tên, anh ba và tư diệt ít hơn 44 tên. Hỏi anh thứ năm diệt được bao nhiêu?

Năm anh diệt được hết lính ở đồn An Hữu là chắc rồi! Ở những vùng xôi đậu miền Nam, nhi đồng được dạy căm thù như thế đó. Các em hát:

Em có năm ngón tay.
Không đủ đếm máy bay.
Của quân xâm lược Mỹ.
Rơi trên đất nước này.


Và học thuộc lòng:

Em có cây bút chì.
Vẽ cái thằng giặc Mỹ.
Sợ anh lính Giải phóng.
Mặt mũi nó xanh rì.


Các em còn được dạy cho ngu thêm bằng cách dùng khúc củi chỉa lên trời bắn máy bay. Vì máy bay của “giặc Mỹ” làm bằng giấy ! Biết bao đứa đã chết vì muốn trở thành anh … Kim Đồng bắn máy bay Mỹ? Thật tội nghiệp nghe trẻ thơ nhâng nháo ca:

Đêm hôm qua sáng sao.
Gió đưa về nơi nào.
Lòng em càng lưu luyến.
Này anh chiến sĩ ơi.
Đánh cho Mỹ tan hoang.
Đánh cho Mỹ tơi bời.


Chưa đủ, người Cộng sản Việt Nam còn dạy trẻ thơ yêu quê hương Liên xô, Trung quốc:

Quê hương chúng ta xanh ngắt cánh đồng bao la.
Noi gương Trung quốc, Liên xô ta xây cuộc đời,
Quê hương chúng ta toàn dân trường kỳ kháng chiến.
Tiến bước dưới cờ Man le cốp vinh quang.


Được giáo dục kỹ như thế nên từ bé đã:

Lập công ta dâng lên Bác.
Chúng ta là con của người.
Luôn luôn lúc nào cũng nhớ.
Trung thành với Đảng với dân.


Có hàng vạn bài thơ, bài hát cho nhi đồng. Nhà văn đầu hàng Cộng sản Tô Hoài đã cho xuất bản tuyển truyện nhi đồng, trong đó mười bức thư của thiếu nhi tháng tám gửi bác Hồ là một bằng chứng không thể phủ nhận rằng Cộng sản đã chích thuốc mê vào máu nhi đồng. Thư văn, sách báo cho nhi đồng thật đầy đủ. Nhà nước Cộng sản đầu tư “vốn liếng” Mác xít vào thế hệ tuổi ngọc. Và họ chỉ thấy lãi. Tôi viết về sự nắm gọn một thế hệ rường cột của người Cộng sản như thế, tạm coi là đủ cho những ai muốn biết người Cộng sản đào tạo người của họ ra sao. Và tại sao, thứ cắc ké Nguyễn Văn Trỗi, trước giờ hành quyết còn hô lớn Hồ Chí Minh muôn năm để sau đó được phong làm liệt sĩ, cái mồi nhử những anh Cộng sản mầm non lao vào chỗ chết ngu xuẩn mà vẫn tưởng gục ngã cho cách mạng và hòa bình. Cộng sản giáo dục nhi đồng để sử dụng nhi đồng khi tuổi trưởng thành như thế đấy. Đồng ý người Cộng sản chỉ nhồi sọ và huyễn hoặc mầm non cho mục đích của họ. Để đạt được mục đích, người Cộng sản không dè dặt bất cứ một phương tiện nào. Còn người quốc gia chống Cộng, chúng ta đã nghĩ gì về nhi đồng? Làm gì cho nhi đồng?

 


(còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn