BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi kí và thơ Duyên Anh

10 Tháng Ba 198912:00 SA(Xem: 1690)
Hồi kí và thơ Duyên Anh
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 nhị cú tam niên đắc
 nhất ngâm song lệ lưu
 tri âm như bất hưởng
 quy ngọa cố sơn thu


 Anh Duyên Anh,

 Cuộc đời trôi chảy, nếu có một buổi nào tôi gặp anh ở một góc phố, bên một trạm métro. Tóc anh còn xanh, hồn anh còn lãng mạn. Chắc chúng ta sẽ nói chuyện nhiều. Anh là nhà báo, anh là nhà văn, anh là nhà thơ. Anh còn làm nhạc thơ! Biết bao nhiêu điều anh có thể nói.

 Anh đã viết đến trăm quyển truyện. Nhưng than ôi! Tôi không còn thời gian nữa để đọc Thư tình trên cát của anh; tôi không còn tâm hồn nữa để đọc những truyện ngắn mà anh đã viết cho Tuổi Ngọc. Tôi đã không có dịp và sẽ không bao giờ có dịp đọc những bài báo ngày xưa của anh. Nhưng tôi đã đọc hai quyển hồi ký của anh: Nhà tùTrại tập trung. Tôi cũng đã đọc tập Thơ tù của anh. Và tôi hay thường tĩnh tâm nghe Quỳnh Giao hát Hôn em kỷ niệm, tập nhạc thơ của anh.

 Anh đã viết rất nhiều. Anh là nhà văn chuyên nghiệp. Văn thơ của anh dễ dàng, lai láng, tràn đầy. Anh có thể, theo truyền thoại, viết một trăm trang giấy mà không trở bút.

 Rồi đây, biết đâu, anh có thể sẽ ngồi viết một bài báo, với những lời văn của ký giả, với những lời văn của bút phóng hỷ nộ, bi ai để kể một câu chuyện. Anh sẽ viết về một tai nạn. Anh kể lại - như chuyện của một người khác - chuyện bôn côn đồ đánh anh tàn phế gần chết ở đất hứa: Quận Cam, thị trấn Thiên Thần của Hiệp Chủng Quốc. Dù đó là sự bất hạnh xảy ra trong đời anh. Vì anh là thi sĩ, nên anh biết nhìn rõ sự bất hạnh trong hạnh phúc và đồng thời cái hí kịch của sự bất hạnh. Anh chắc sẽ nói lên tất cả sự thật và những lời vu họa. Dù chuyện bọn côn đồ đã đụng đến một văn hào như anh là một điều ô nhục cho tất cả chúng ta, cho chính anh và cho tôi, cho những người Việt Nam đã biết oai hùng di tản, đã biết oai hùng đi chui để tìm lý tưởng traong cái giàu sang của người, trong cái nhà tù phù hoa máy móc của Âu Mỹ. Anh chắc sẽ nói đến đám trí thức đó, đồng bào của chúng ta, lỗi thời và không tương lai. Họ tự nhận là tiếng nói của người Việt tha hương. Họ tự lừa chính họ, khoác lên cái cà sa văn hóa dân tộc; họ khóc lóc những giá trị cũ kỹ ngày xưa, mà có lẽ chính họ chưa bao giờ đã từng có. Họ lập trung tâm văn bút, họ ra báo văn học, họ tổ chức làng văn. Nhưng họ úy kỵ tài của anh. Họ sợ cái sứ mệnh tôn trọng nghệ thuật của anh. Họ sợ cái sứ mệnh chân chính làm nhân chứng của anh. Nên nếu họ không trả tiền bọn côn đồ để đánh anh, thì họ đã đứng cổ võ. Nếu họ không cổ võ, thì họ đã hèn mạt khuyến khích. Nếu họ không khuyến khích, thì họ đã câm miệng luốn chui chỗ đằng sau của những chính khách kinh niên, những ông lãnh tụ đảng phái già nua, những thằng tướng hèn đào ngũ hạp lập công ty kháng chiến, rao truyền cương lĩnh lạc quyên đốn mạc cho sự ăn cắp công khai. Phải! anh đã tố cáo sự giả dối đê hèn của thời đại, và bọn côn đồ đã đánh anh. Hỏi có một trung tâm văn bút nào, một tờ báo Việt Kiều nào (chống cộng hay nữa, theo cộng) đã công khai phản kháng, hô hào cộng đồng truy nã những thủ phạm. Sự im lặng đốn mạt, sự úy kỵ công khai đã đào sâu them mấy thước cho cái Hầm Phân mà trong đó đám trí thức của chúng ta đã chôn mình.

 Anh sẽ nói lên tất cả và ngạo nghễ đi lên trân tất cả. Và chúng ta chắc sẽ lại có - tại sao không? - một tác phẩm của văn bút phóng hài hước và phẫn nộ. Một tác phẩm văn học nói về một chuyện đốn mạt. Đó cũng là một khía cạnh của nghệ thuật - một khía cạnh mà rất nhiều học giả của chúng ta đã dẫn chứng bằng bức tranh Đôi giầy bẩn của Van Gogh.

 Nhưng thật, nếu tôi được gặp anh, tôi sẽ không nhắc chuyện đó. Tôi muốn được nghe anh nói những chuyện chiêm bao không thực tế và phi lý. Nghe anh lý luận suông về những tư tưởng bay bổng xa vời, dù ở bên góc phố hay quanh hai chén trà nhạt.

 Mà tôi đã u mê rồi sao? Hay tôi vẫn còn như muốn được đọc những lời văn bóng bẩy, những câu thơ tình diệu đẹp.

 Mà tôi đã quên rồi sao? Đối với Duyên Anh: giai đọan tiểu thuyết lẩm cẩm, tùy bút tửu điếm, phòng trà lăng nhăng đã chấm dứt. Anh đã nguyện đem hết tài năng của nhà văn, của nhà thơ để phụng sự cho Sự Thật và Lẽ Phải.

 Sự thật gì? Sự thật của cuộc đời. Sự thật của một dân tộc, của một con người đã sống qua một thời đại tàn bạo của lịch sử. Lẽ phải gì? Lẽ phải của người đã bị tù tội, áp bức bởi những bạo quyền phi nhân phi lý, bởi những Ngụy Quyền, bởi những Phỉ Quyền. Chân chính của người đã trưởng thành từ thống khổ và vẫn đi tìm - rồi có được hay không? Đó không phải là vấn đề - những lý lẽ cho bước tiến lên của dân tộc mình, của tổ quốc mình.

 Tôi đã đọc văn thơ của anh - không trái với lời tự phụ và tự tin của anh - như tôi đã đọc văn thơ trầm lặng nhưng bão táp, phẫn nộ nhưng lãng mạn bi ai của Cao Bá Quát. Phải, tôi đã đọc hai tập hồi kí và tập Thơ tù của anh, như tôi bị lôi cuốn theo cơn gió lốc tâm hồn của một nhân vật điển hình trong bi kịch, một nhân vật đứng chẹn trước hai bánh xe lăn của lịch sử, một nhân vật bơi ngược giòng sông của định mệnh.

 Nếu tôi được gặp anh, chắc chúng ta sẽ nói chuyện nhiều. Và tôi sẽ thầm lặng để nghe anh. Anh chắc sẽ nói cho tôi nghe tất cả cái uất ức chứa chấp trong tâm hồn anh, những thù hận đè nặng trái tim anh, vì những mù quáng, những ghen tuông bần tiện của xã hội. Anh chắc sẽ nói cho tôi nghe những thống khổ, những bất hạnh của con người. Của chính anh, công dân của một dân tộc, một dân tộc còn phôi thai vẫn chưa tìm được một cơ sở truyền thống chính đáng. Của chính anh, phần tử của một đồng đội, của một giai cấp mà anh gọi là Tiểu Tư Sản, là Trí Thức, một tập đoàn còn bập bẹ chưa tiếp nhận được cái sứ mệnh lịch sử của mình. Anh sẽ nói cho tôi nghe tất cả những hoài bão, những ước mơ của tâm hồn anh, của trái tim anh, mở rộng trước cái thương đau của anh, trước cái thương đau của đồng bào, của dân tộc, của đất nước anh.

 - Anh là Vũ Mộng Long?
 - Phải.
 - Anh là nhà văn Duyên Anh?
 - Phải.
 - Kể từ giây phút này, chúng tôi bắt anh!

 Năm giờ chiều, ngày 8 tháng 4 năm 1976! Anh đã bị bắt vào tù và đi trại lao cải cho đến ngày 11 tháng 9 năm 1981. Tất cả là 5 năm 5 tháng 3 ngày! Vào tù không án, như không bao giờ sẽ có ngày ra. Đi trại tập trung như vĩnh viễn là một hình tội nhân. Xa vợ, xa con. Khi vợ ốm, khi con thơ. Khi nước loạn. Anh phải gánh nước, xúc phân. Anh phải học chặt cây, cào đất, gỡ mìn. Tay anh viết văn, tay anh viết thơ, nhưng anh phải dầm mình lao động khổ sai, để gột rửa tư cách nhân phẩm của anh, để vứt đi hết những tư tưởng trong tiềm thức của anh, để không bao giờ nữa lại có những ước mơ của trái tim anh. Anh phải rập tuân theo những luật, những lệnh bất ngờ để anh mất đầu mất óc. Mỗi ngày anh phải ngửa tay nhận thí bát bo bo. Anh phải co mình nằm trong xà lim cùng với hàng trăm người. Tạp cơm, đói ăn, đau lỵ, ghẻ lở. Có học giả chết vì thiếu thuốc phiện. Có chính trị gia ăn cắp nằm rên tiếc của. Có đứa vô lại nhớ xì ke. Có thi sĩ hấp hối. Có nhà văn héo hắt. Có đồng bạn đang mất tư cách con người. Có Choé, có Thanh Tâm Tuyền, có Doãn Quốc Sĩ... Đó là lúc anh sợ cho chính bản thân, trên cái dốc không cùng rơi dần vào cái Hầm Phân, mà ở đó anh sẽ không còn là người nữa. Đó là lúc anh sợ cho anh, một nhà văn, một nhà thơ trở thành một gia súc. Trước những thằng trẻ cai tù ngớ ngẩn, trước những cán bộ chấp pháp vô học. Mà trong tâm anh, anh thừa biết cũng đều là nạn nhân, cũng đói, cũng khổ. Anh bắt đầu thấm thía cái tàn bạo mà lịch sử đã dành cho dân tộc anh. Những thù hận giả tạo. Những phân chia giai cấp mù quáng. Đồng bào hành hạn đồng bào. Chủ nghĩa ngoại bang, phi nhân phi nghĩa. Những đảng phái quá khích. Những lãnh tụ ăn cắp và bán nước. Những lãnh tụ già nua, vẫn ôm những ảo tượng u mê, có tội với quốc gia, với đất nước. Và khi đó anh đã đóng cửa tâm hồn lại, để tự tạo cho mình một cõi hoang vu, một cõi sa mạc khôn cùng. Chốn ngự trị của Sư Tử. Trong thâm tâm, anh phải phỉ nhổ tất cả, không tha thứ một sự yếu hèn, giả dối, một cung cách gian lận, hiềm nghi, ghen tuơng, bần tiện, vụ lợi vụ danh. Phải! để anh bắt buộc tự cứu anh, bắt buộc nhận cái sứ mạng tranh đấu tồn tại làm người. Trong cõi rừng thâm sâu, trong cái đêm tối không trăng và sao, một tiếng động nhỏ cũng dội hưởng, một ánh đèn thoi thóp cũng là một ngọn đuốc thăng hoa. Hai tập hồi kí và tập Thơ tù của Duyên Anh! Tôi đã biết đọc như vậy. Những lời, những tiếng thét của tâm hồn. Không có ngày, không có tháng. Sự kiện thật hay ký ức mơ hồ. Thực tế hay mê sảng. Tất cả chỉ là mưa, là gió. Những lời phẫn nộ, những lời nguyền rủa. Và SAU CÙNG HẾT? - sau cùng hết là một ước mơ tuyệt vời, Duyên Anh đã biết tồn tại làm người, những chấn song nhà tù bẻ gẫy, những ngu hèn chủ nghĩa quá khích không còn, những tị hiềm ghen ghét hại nhau quên đi. Anh đã tự cứu anh trong Sự Thật và Lẽ Phải, và cùng một lúc cứu những người bên anh, cứu dân tộc anh.

 SỰ THẬT?
 LẼ PHẢi?
 Đó là Cầu mơ, tôi xin cầu chúc anh đi tới.

 Và nếu trên chặng đường anh đi, chúng ta có một điểm hội ngộ, tôi sẽ xin chân thành cùng anh nâng ly rượu:

 ...
 Giã từ em nhé, đề lao
 Giã từ tha thiết với bao chân tình
 Mai anh làm chuyến viễn hành
 Nhờ em nên mới trưởng thành biết chưa
 Giã từ em, thế đã vừa
 Sáu năm cuộc rượu say sưa tỉnh rồi
 Anh về với đất với trời
 Với hoa với lá với đời khác xưa
 ...

 Bước qua cổng trại..., đi một quãng, tôi nhìn lại hàng rào dây kẽm gai... Giã từ ngục tù nhỏ, tôi vô ngục tù lớn. Gió mát rượi. Tôi lững thững bước. Văng vẳng đâu đó những lời ca mượt mà theo nhạc điệu của muôn loài chim êm ái:

 Tôi ca ngợi tôi
 Ngụp giữa biển đời
 Sóng gầm bảo nổi
 Tôi vẫn là tôi
 Tôi vẫn là người

 Anh vẫn là Duyên Anh, anh vẫn là người. Ngục tù không đánh ngã được anh. Ngục thất không làm anh mất trí. Từ những ghẻ lở, từ những đói khát, từ những tuyệt vọng trong khổ sai, trong cô đơn của hầm sâu, từ những nheo nhóc đê tiện sống giữa tù nhân như giữa súc vật, anh trái lại đã trưởng thành. Thi văn của anh đã trưởng thành. Vẫn lãng mạn, nhưng lời văn của anh nay có chiều sâu, vang tiếng của sắt, của đá. Vẫn tình cảm, nhưng đây là tiếng nói của tình yêu rộng, có tin tưởng, có thất vọng, đối với sự chân chính của con người, đối với sự khát khao sống và yêu của con người, đối với sự khát khao cho và nhận của con người.

 Anh vẫn là Duyên Anh, anh vẫn là người. Nghĩa là sống, sáng tạo, và nói lên! Và vì chính những lẽ đó, than ôi, anh đã phải liều mình với số mệnh, làm một thuyền nhân di tản. Để trốn ra khỏi cái Ngục tù lớn của sự ngu dốt độc đoán, của sự độc tài chuyên chế đòi cấm đoán cả những vẫy vùng tự do của tâm tư. Cái Ngục tù lớn của bọn lãnh tụ già nua, mù quáng trong lý thuyết, đòi rập khuôn cả tâm linh của con người. Phải, anh đã liều mình ra đi, rời bỏ đất nước của anh, rời bỏ thành phố thân yêu của anh. Và anh đã đứng lên làm nhân chứng. Với tài nghệ, anh đã nói lên một sự kiện đã sống, một suy tư thực nghiệm. Và chúng ta đã có một bài học cho xã hội sau này của chúng ta, cho con người sau này của chúng ta.

 Nhiều khi, tôi tự hỏi? Nếu chiếc thuyền của anh bị đắm chìm trong sóng biển, nếu bọn hải tặc chúng nó không tha anh, nếu cánh buồm của anh bị lạc mất vào cái khôn cùng của nước mặn... thì... chúng tôi đã không có anh, chúng tôi đã không có hai tập hồi kí và tập Thơ tù của anh. Thì... những người tha hương, di tản, chúng ta chắc đã mất một phần hồn. Mọi kinh qua lịch sử của chúng ta có còn chăng lý nghĩa? Những thử thách rùng rợn của thuyền nhân vượt biển, những gian nan của kẻ trốn độc tài, của người tìm lý tưởng: Để làm gì? Để chúng ta, những người Việt, làm người tỵ nạn, làm công dân ở các nước giàu sang Âu Mỹ. Chúng ta, bao nhiêu người đang hồng hào hưởng thụ, bao nhiêu người đang vênh váo phì nộn trong chiếc xe hơi rất đẹp,trước bàn rượu thịt? Cuộc đời tăm tối ở quê nhà nay đã rực rỡ sáng giá ở quê người! Chúng ta là một bầy được rớt vào hũ gạo của nhà giàu. Trong cái nhà tù trống rỗng của sự phồn hoa máy móc, trong cái lâu đài mạ vàng của kẻ mới giàu, của kẻ được bạc, của kẻ trúng xổ số! Chúng ta, chúng ta có còn chăng cái bản chất sơ nguyên? Rồi giữa chúng ta, cũng có những kẻ tự vỗ ngực là lãnh đạo, là triết gia, là thi nhân; họ làm báo, họ tổ chức tập đoàn "Kháng Chiến". Họ nói chơi chơi rằng chúng ta duy trì truyền thống của giống nòi, chúng ta phải tích cực tranh đấu để khôi phục tổ quốc. Nhưng than ôi! Tất cả chỉ là giả dối. Để họ làm tiền, để họ có thể tự dối mình, tự đề cao mình trong những buổi tiệc tan rượu hết. Trí thức, nhưng không học hỏi, còn úy kỵ ghen tuông tị hiềm. Cách mạng, nhưng không bao giờ suy nghĩ thế nào là phải tương lai của đất nước, là tinh hoa tiến triển của dân tộc. Họ hoài vọng? Những cái thối nát rồi của chúng ta, những cái đã chết rồi của chúng ta, của một quá khứ không bao giờ trở lại, của một chế độ đã mục rữa, một chế độ của bọn tướng giả, ăn cắp, đào ngũ và thất trận.

 Tôi tự hỏi? Và tôi tự hỏi? Vì Duyên Anh, anh đã biết sợ cho cái trầm đọa mê muội của chúng ta. Vì Duyên Anh, anh đã biết tố cáo những giả dối ngu hèn, đê tiện của chúng ta. Đời sống không bao giờ được định nghĩa là sự thụ hưởng vật chất. Đời sống không bao giờ có thể thăng hoa bằng sự đóng cửa của trí óc, bằng những lúc tự kiêu tự gắn những gôi sao trên cầu vai, bằng những lúc tự hóa trang, mang mũ mangcẫn đai để diễn trò. Đời sống chúng ta phải có một ý nghĩa thâm sâu. Vì chúng ta đã mất mát, đã nghèo nàn, đã đau khổ qua chiến tranh, qua tù tội. Chúng ta vẫn còn đây những hoài niệm tuyệt vời với cái làng tre xưa của tuổi trẻ. Chúng ta vẫn còn đây tiếng hò đưa trong ngôn ngữ của cha ông. Chúng ta vẫn còn đây cái gắn bó dòng máu của dân tộc. Chúng ta vẫn còn đây cái khắc khoải cùng thương cùng đau với những người bạn, với những người thân ở quê hương. Đời sôngcúa chúng ta còn phải cao cả hơn nữa! Trong thâm tâm, trong tiềm thức, môtlần chúng ta đã ra đi, tha hương và tị nạn, không phải vì chúng ta cầu phú, cầu an, mà vì chúng ta đã muốn quật khởi, phản kháng, phủ nhận mọi độc tài áp chế, mà vì chúng ta muốn có quyền thực hiện cuộc sống hiên ngang làm người, một cử chỉ tầm thường, một suy tư nhẹ nhàng cũng đều phải có sự chân chính tự trọng của con người, cũng đều có thể có cái khát khao tiến lên của con người. Phải! Đó là tiếng nói của Duyên Anh, đó là tiếng gọi của Duyên Anh. và... anh đã là con người tiêu biểu, con người điển hình cho chúng ta. Mười năm nữa, hai mươi năm nữa,hay một trăm năm nữa, lịch sử sẽ nhìn lại cuộc di tản, vượt biên của triệu người Việt Nam trong thế kỷ này. Lịch sử có thể định giá đúng mức thật của sự kiện. Lịch sử cũng có thể thi vị hóa, lý tưởng hóa những thuyền nhân vượt biển của thời đại. Và nếu như vậy, tôi nghĩ chắc chắn là vì trong những thuyền nhân đã có một Duyên Anh; anh đã một lần quyết định liều mình ra đi để viết hai tập hồi ký, nói lại những ngày những tháng anh đã sống sao trong ngục tù, trong trại tập trung, anh đã liều mình ra đi để giữ cái quyền tự do sáng tác và suy nghĩ.

 ...
 Quê nhà anh cằn cỗi thê lương
 Như chim hạc hồng anh vội trốn mùa đông
 Đôi cánh mỏng chĩu cong tâm sự
 ...
 Tổ quốc mình còn ho lao quá khứ
 Đã ung thư một hiện tại qua phân
 ...
 Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê
 ...

 Anh bỏ nước ra đi, nhưng anh không ruồng bỏ tổ quốc. Trái lại! Cái điểm mà ở đó tôi như đã gặp anh rồi, chính là cái điểm ở trong trái tim của anh, ở trong tình thương của anh đối với đất nước, ở trong sự gắn bó của anh đối với dân tộc. Những lời nguyền rủa là những lời phẫn nộ của một con người bi oan khiên tù tội nhưng cũng là tiếng thét của một tâm hồn xáo động, muốn đập, muốn phá để cho trời đất, cho tất cả phải đáp ứng mối tình hăng say tuyệt vời của anh đối với lời văn tiếng nói của mẹ đẻ, đối với những mảnh đất bình thường của quê hương:

 ...
 Anh đến cùng em, anh đến thật gần
 Với lòng anh bản đồ ngày xưa vẽ dở
 Em nắng vàng xoài, mưa xanh vú sữa
 Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê
 Sông miền Nam chẳng ai thích ngăn đê
 Nên tình cảm mênh mông biển nước
 ...

 Anh là con người chung thủy đó. Anh ôm chặt mối tình hướng về tổ quốc. Anh ngông cuồng, anh ngạo mạn, anh phỉ báng. Chỉ vì anh muốn thức tỉnh chúng ta, tố cáo những phần tử đê tiện trong chúng ta, những trầm đọa trong tâm hồn chúng ta. Và chúng ta! Chúng ta câu nệ hay đáp ứng gì? Hỏi chúng ta đã một ai cố tìm hiểu Duyên Anh? Anh đã viết hai tập hồi kí, lời văn ra riết, những câu thơ thâm trầm. Nhưng anh đã viết cho ai, anh ước mộng gì? Tôi đã đi tìm hoài ở khắp nơi chỉ một chút gì thôi, một chút gì chân thành vang hưởng!

 Chúng ta, người Việt Nam, anh đã viết, người hơn ta, là y rằng ta không phục, ta không tranh đua mà tìm cách bôi bẩn. Ôi, chúng ta, người Việt Nam, Nguyễn Tuân cũng đã từng nhận xét, chúng ta, đôi khi nghĩ tới người này, người nọ, thì chúng ta chỉ quen nhớ những lúc họ đánh đổ, đánh vỡ một cái gì! Mà bao nhiêu mặt nạ bằng sứ, bao nhiêu thần giả bằng đất bị đạp đổ, đạp vỡ dưới ngòi bút của Duyên Anh. Nhưng chúng ta không thể đọc những trang hồi kí của Duyên Anh một cách lãnh đạm rẻ rúng. Chúng ta không thể nhận những lời văn thống thiết của Duyên Anh mà không tự tạo cho mình một suy tư sâu đọng. Chúng ta không biết mở trái tim để tìm hiểu? Chúng ta chỉ biết ghen tuông, chúng ta chỉ biết úy kỵ, chúng ta chỉ biết tị hiềm? Truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam? Một dân tộc nông điền, cuộc sống thôn dã khó khăn và eo hẹp, cuộc đời thu hẹp trong khóm làng xã nhỏ, bao bọc bởi những lũy tre! Những lũy tre đạ giúp chúng ta biết thế nào bảo vệ và duy trì đất nước, những lũy tre cũng áp chế tầm nhìn xa của chúng ta. Cuộc sống khó khăn eo hẹp đã cho cha ông chúng ta một triết lý chính đáng của sự thanh đạm, của sự nhẫn nhục, nhưng cũng đưa dẫn chúng ta đến cái nhìn cố hữu và những ý nghĩ nhỏ nhen. Chấp nhận những sự tầm thường. Bảo thủ và cố chấp. Ôm ấp những hiềm thù. Nhìn qua những trang sử của chúng ta, Duyên Anh! anh cũng đã viết, chúng ta chỉ thấy gì, triều đại sau phá hủy những công trình của triều đại trước. Phải, tôi đã đi trên đường phố của kinh thành Thăng Long để được thấy di tích cho tôi biết đây xưa là lâu đài nhà Vua, đây xưa là cung nhà Chúa. Phải! và tôi không nhớ đã thấy gì, mà như chỉ thấy thảm thiết hư vô mãi trong tim tôi hình ảnh của Ngọc Hân công chúa, ôm hai đứa con thơ vô tội, bị hãm dần vào cái vòng lưới oan nghiệt của thù hận. Và như chỉ nghe rả rích hư vô mãi trong tim tôi những câu thơ oan khổ bi ai của Cao Bá Nhạ, bị trói chặt trong cái thừng cương lĩnh của thù hận. Thù hận cá nhân. Thù hận gia tộc. Thù hận tập đoàn. Và nay nữa thù hận đảng phái, thù hận giai cấp! Anh đã thán tức cho cái phận anh nằm trong cái vòng cương tỏa hệ lụy khôn cùng đó của dân tộc. Đọc anh, tôi cũng phải chợt nghĩ và thán tức cho cái phận tôi. Tối thấm thía hiểu tại sao Nguyễn Du đã có cái nhìn yếm thế về xã hội, về lịch sử. Tôi thấm thía hiểu tại sao những văn hào chúng ta gần đây, như Nguyễn Tuân, về cuối đời, đã chỉ viết dông dài để không nói gì, nếu không là đưa đẩy giữa hai dòng chữ vài ý nghĩ tiêu cực ngạo mạn và khinh thế, rủ áo trước cái xã hội không thầy không tớ, không tôn trọng những đóng góp chân chính, thù hay bạn, xa hay gần, cá nhân của mỗi người.

 Sự bất hạnh, sự thật phũ phàng trong quá trình lịch sử đã qua, trng quá trình lich sử hiện đại của nước Việt Nam! Anh đã sống tất cả, trả giá bằng tù tội, bằng hèn thù của sự ngu dốt, của sự đê tiện. Anh đã sống tất cả, trả giá bằng những vết thương tàn phế trên thân mình: Tôi hơi hơi khiêm tốn để nói rằng tôi đã sống đầy đủ với thời đại của tôi và được chia sẻ đầy đủ nỗi nghẹn ngào với đồng bào của tôi. Nhưng tôi, tôi không đến tìm anh để an ủi. Tôi chỉ muốn đến để được chia sẻ cái ý chí của anh, vẫn ngang tàng, vẫn tin tưởng ở tương lai. Vì dù sao, anh đâu có thoái vị. Anh đâu có từ bỏ dòng máu chủng tộc trong huyết quản. Anh đâu có chối từ chia sẻ cùng đồng bào cái gia tài mong manh của tổ quốc. Đứa con thơ xin nhận miếng cơm hẩm từ tay của mẹ. Đứa con đã lớn rồi vẫn xin trở về thừa nhận chiếc áo rách của cha. Anh là thi sĩ. Anh là nhà văn, nên anh biết nhận thấy ra hạnh phúc trong sự bất hạnh của chính mình, của dân tộc mình. Hạnh phúc của người nghèo nên biết cho và biết nhận với trái tim trong trắng. Hạnh phúc của người con ở một gia đình thanh cảnh nên biết nhìn thấy trước mắt mình cả một tiền đồ để mơ mộng, để xây dựng và đóng góp.

 Chúng ta hãy nhìn về tương lai. Quay đi những trang thư của cuộc đời. Tin tưởng ở những ngày mai sẽ phải đến. Không một sức mạnh nào có thể hàn gắn cho anh những vết thương của thân thể, đền bù được cho anh, trả lại được cho anh những năm tháng anh đã phải sống trong oan khổ tù đày. Nhưng trong gần nửa thế kỷ qua, trên đất nước chúng ta đã có bao nhiêu xác chết, ở quê hương chúng ta đã có bao nhiêu tâm hồn bị thương tàn, trong gia đình chúng ta đã có bao nhiêu cuộc đời bị đổ vỡ. Bao nhiêu hy sinh, tù tội. Bao nhiêu phân ly, nước mắt. Trong cái bể của sự đau khổ chung, vết thương đau của một người, riêng biệt, đâu có còn chi lý nghĩa. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta - một con người riêng biệt - không có quyền gào thét, không có quyền phẫn nộ. Hai tập hồi kí của anh và tập Thơ tù của anh, vì văn tài, vì sự thật thực nghiệm, sẽ là những trang sách để chúng ta suy tư, tìm hiểu về xã hội, văn hóa của chúng ta. Nó có tính cách điển hình. Lời nói của riêng anh đã là lời nói của chung. Để dù sao, chúng ta không nên tiêu cực thụ động. Chúng ta sẽ luôn luôn tranh đấu tìm hiểu sự thật của lịch sử. Vạch rõ trách nhiệm của những đảng phái, của những tập đoàn, của những lãnh tụ trước bàn án của lịch sử. Những cơ hội đã lỡ, những nhầm lẫn đa đoan, những mù quáng chủ nghĩa, những quá khích ngu đần, vô nhân đạo. Nguyên nhân nào đã biến nước chúng ta thành một chiến trường tranh chấp bành trướng của các cường quốc? Nguyên nhân nào đã biến cuộc tranh đấu giải phóng dân tộc thành một nội chiến tương tàn giữa anh em cùng xương cùng máu? Phải, chúng ta sẽ không tiêu cực. Chúng ta tranh đấu để không có trên đất nước chúng ta một chế độ mù quáng, độc tài chủ nghĩa, không có ở đâu hết một chính sách, mọ luận điệu ly tán dân tộc, không tìm hiểu, không tôn trọng sự đóng góp của mọi phần tử. Chúng ta tranh đấu để không còn nữa những nhà tù giam lỏng, những ngục tù khổ sai, những trại lao cải cho một Trần Dần, một Hoàng Cầm, một Doãn Quốc Sĩ,... một Duyên Anh. Dẫu rằng lịch sử Việt Nam đã đến giai đoạn dung hòa, cải tiến. Sau bao nhiêu năm, gió bão tan xương, đổ máu, đất nước chúng ta phân chia, dân tộc dang dẽ Nam Bắc, đã đến lúc, chúng ta phải biết tìm gần lại nhau để hàn gắn những vết thương, đã đến lúc, chúng ta phải biết nhìn nhận lại nhau cùng chung một dân tộc. Những mệnh danh hô hào bạo động Phục Quốc, những mệnh danh hô hào Trả Thù Xương Máu, những mệnh danh hô hào Tố Khổ, Truy Nã Phản Động chỉ là những sáo ngữ của một bọn vô lại, của những lãnh tụ già nua cố vị không đầu không óc. Đã đến lúc, chúng ta phải tĩnh tâm chân thành tìm hiểu, cho chính bản thân cá nhân chúng ta, thế nào sẽ là tương lai xã hội, văn hóa của dân tộc. Chúng ta không tiêu cực. Dẫu rằng, như anh nói, chúng ta hiện chỉ có sự tin tưởng ở thời gian, thời gian sẽ cho chúng ta biết đường lối để cùng đi. Như anh nói, chúng ta hiện chỉ mang trong chúng ta một Cầu mơ, cầu mơ đưa tất cả chúng ta cùng về Sự thật(?) nguyên thủy, cùng về Lẽ phải(?) uyên nguyên. Như anh nói, chúng ta hãy nhìn về tương lai, và chờ đợi ở tuổi Trẻ của Dân Tộc, tuổi trẻ của Thăng Long, tuổi trẻ của Gia Định, tuổi trẻ của Sông Hương...

 Tin tưởng và chờ đợi. Chấp nhận cái đa dạng của cuộc đời, cái đa dạng của xã hội. Nhưng quên những quyền lợi nhỏ nhen của một người, của một giai cấp, sự lười biếng tầm thường đóng cửa để hưởng thụ. Chúng ta hãy cùng nhau đóng góp vào tiền đồ chung với toàn sức lực của mình. Dù trên cái phận tha hương, dù trên những thương tàn của thân thể. Và trước hết, chúng ta hãy cùng nhau đạp đổ tất cả những công trình ngoại bang, xây bằng đá hoa, xây rất cao để chế ngự tâm tư của dân tộc. Chúng ta hãy tố cáo những pho thư lừa bịp, những tranh sách báo vô nghĩa của những người hề tự gán cho mình, cho đồng loại mình, những tước vị hư ngụy trước bàn án của lịch sử. Phải, trong thời tao loạn, tranh tối và tranh sáng, anh đã muốn chúng ta hãy cùng hết chí đi tìm cái văn miếu cổ độ của tâm linh. Phải chăng? Anh đã có một giấc mộng nhỏ nhoi đi lại trên tất cả những con đường của đất nước từ Chi Lăng cho đến Bến Hải, từ Hoa Lư cho đến xứ Chiêm xứ Chàm để nhìn lại những di tích của tiền nhân, những ngôi chùa, những thềm gạch rêu xanh, tìm lại cái cội nguồn sơ nguyên của dân tộc. Chúng ta hãy biết thoát ly cái hệ lụy của sự mù quáng chủ nghĩa. Chúng ta hãy biết lột trần những chính trị gia rập khuôn, những Đồ Nho Hương Nguyện, luôn mồm nói về khoa học, biện chứng lịch sử, phương pháp xã hội kinh tế, nhưng mang cả một đầu não thụ động, mặc cảm trước văn minh cơ giới, bị áp đảo bởi sự phù hoa của máy móc. Sau những bạo động, những chiến tranh giết hại, anh tuyên bố chúng ta đã đến ngưỡng của rồi của CHÍNH NGHĨA, ngưỡng cửa của một thời đại mới, thời đại của thi nhân, triết nhân, nghệ sĩ chân chính. Của một người thợ biết để hết tâm tình và kỹ xảo của mình ra xây một cửa chùa. Của một Ali Hùng, trong hồi kí Nhà tù, khi cái chết gần kề, vẫn biết hát lên một bản nhạc thơ Phản Bạo Động, Phản Chiến, nói cái huyền ẩn tuyệt vời của cuộc đời, cái lung linh của tình yêu. Của những thi nhân, biết đi trở về với Nguyễn Du, đi trở lại cho đến tận tiền Nguyễn Du, và cũng đi trở về sau qua tất cả những lộ trình của hậu Nguyễn Du, nhưng không đi để viết những lời bình khuôn sáo, những biện chứng lập lòe, mà đi để tìm lại Nàng Kiều như môtcặu hỏi (Bùi Giáng), tìm ra cái tĩnh của dân tộc, đã có từ đời Lý, đời Trần, bắt nguồn tự uyên nguyên Trung Hoa, tự Đạo Phật Dạo Lão, để đi tìm lại cái động, cái động luân lưu cứu cánh, cấu tạo lâu đài tư tưởng, ngôi nhà văn học của dân tộc. Cái triết lý, cái nhân sinh quan, cái thế giới quan, nguyên thủy và biến chuyển, phù hợp với thiên nhiên ngàn năm của đất nước, phù hợp với tiềm thức vĩnh cửu của dân tộc, với những hoài bão nhân đạo, dung hòa và tĩnh lặng, về con người, về xã hội, về gia đình. Duyên Anh viết và viết hàng ngàn trang giấy để chúng ta cùng tìm lại con người nhân bản của chúng ta, con người nằm ngoài mọi mâu thuẫn lịch sử hay biến sự tức thời. Giữa đống vàng thau lẫn lộn, chúng ta hãy biết cố tìm những viên gạch quý, những hòn đá ngọc để cùng xây cái lâu đài văn hóa chân chính của dân tộc. Chỉ trong mọt lâu đài văn hóa chân chính của dân tộc, chúng ta may mới tồn tại, thi nhân nghệ sĩ mới có khả năng sáng tác, đất nước chúng ta mới có tiềm năng tiến triển. Phải, chúng ta hãy chân thành đọc những bài thơ của Hoàng Cầm, những câu thơ của Bùi Giáng; chúng ta hãy biết tự hào suy nghiệm trước một bức sơn dầu của Bùi Xuân Phái, vì bức tranh sơn dầu đó đã thuộc về gia tài chung của dân tộc chúng ta. Và... để không bao giờ nữa trên đất nước chúng ta sẽ lại có một xã hội đảo lộn, cấu xé, những biểu ngữ hùa lên sùng bái một ông Mười, một ông Sáu mà chà đạp học giả Đào Duy Anh. Và... để không bao giờ nữa trên đất nước chúng ta hay ở một vòm trời nào lại có những anh chấp pháp coi tù, những đứa côn đồ vô học được ra lệnh, được trả tiền để bắt giam một nhà văn, hãm hại một nhà thơ.

 Nằm trong trại giam Sa Ác, anh chắc đã nghĩ đến tất cả những nhà tù đã có tự bao xưa, qua các chính thể, qua các triều đại, trên đất nước của chúng ta. Anh chắc phải nghĩ tới những trại tù đày của những ước mơ lãng mạn, của những con người hiên ngang và quật cường; những trại khổ sai ở Côn Lôn, ở Trung Nguyên, ở Lào Cai, ở xứ độc. Nằm trong trại giam ở Sa Ác, chắc anh phải nhận thấy bao nhiêu cái chua chát của lịch sử. Vì đây là ngục thất của ý thức hệ, của chủ nghĩa nhân đạo nhưng phi nhân, khoa học xã hội nhưng duy tâm và duy lý, mệnh danh vì tương lai của con người nên đã muốn rập khuôn con người, muốn anh phải từ bỏ cái trà thất riêng tư, những ước mơ, những uẩn khúc lung linh tuyệt vời của bản ngã. Nằm trong trại giam Sa Ác, anh đã nhìn, qua những chấn song sắt, những hàng rào kẽm gai, ngọn cỏ, ngọn cây, đám mây trắng bay phù du, và anh đã tự hỏi đâu là chốn anh sẽ đi tới. Một linh cảm của định mệnh đã thầm cho anh biết rằng anh sẽ rồi lại ra đi, cho tới một vùng nào đất hứa của sự giả dối, của sự hèn thù, và của sự lãnh đạm vô tri.

 Nhưng vẫn nhất định tồn tại làm người, là nhà thơ là nhà văn, anh đã tự ôn tất cả những câu thơ của tiền nhân, tự viết cho mình, không giấy không bút, mọt bài thơ. Phải, tôi đã đọc hai tập hồi kí và tập Thơ tù của ah như nguyên một bài thơ. Nghĩa là tôi không chờ đợi một lý luận, một cấu đồ mật thiết nhưng tôi đã đọc như một bản trường ca, một nhịp thơ không cùng hòa tấu, có điệp khúc, có láy lái, có mông lung mâu thuẫn, có rạt rào của lớp thủy triều và cũng có cái thầm lặng của một lời thì thào tự thán. Tôi không nhận rằng tôi đã hiểu anh như tôi phải hiểu anh. Nhưng ai có thể cho tôi biết rõ được đoạn đường nào chúng ta có một điểm hội ngộ. Nhưng nào ai cho tôi biết được Con Đường Rừng của nghệ thuật; trước một bức tranh, trước một điệu nhạc, trước một bài thơ, chúng ta chỉ có thể thu nhận cái váng hưởng huyền ân mà nghệ sĩ đã, vô tình hay hữu ý, gợi cho chúng ta ở chốn không định, không lời của tiềm thức.

 Anh Duyên Anh! Tôi quá yêu lời văn tiếng nói của đất nước chung ta, tôi quá yêu cái nền văn học có thể rất thô sơ, nhưng nhẹ nhàng sâu đọng của dân tộc chúng ta. Và tôi thường suy tư, tìm hiểu. Tôi tin rằng rồi đây, khi không còn những sóng khuấy của nghịch thù, khi tất cả đều lắng lại, khi tất cả đều trầm lại để đi tới Sự Thật và Lẽ Phải của con người, của xã hội, của lịch sử. Phải, rồi đây, khi văn học lịch sử của dân tộc chúng ta biết nhìn lại cái thời đại tang thương này, thì thi ca của anh sẽ là một chứng thư - một chứng thư độc thoại, có văn tài có bút pháp - một chứng thư với những ước mơ cùng thất vọng, với những hận thù cùng một chút gì thầm lặng tha thứ, với bao nhiêu mất mát và đau khổ nhưng mang mang một niềm tin thơ trẻ ở một ngày mai, ở những bình minh sẽ phải đến.

 Ngô Văn Tao
 10-3-1989


 Ngô Văn Tao là bút hiệu khinh bạc và ngạo mạn của một giáo sư toán học tại các đại học Canada. Năm 1988, ông được mời sang Pháp, dạy ở đại học Montpellier và đầu tháng 5-1989, ông gửi cho Duyên Anh bức thư dài và tập thơ Nuages của ông, sáng tác bằng Pháp ngữ, Anh ngữ và Hoa ngữ. Về bức thư, ông chỉ đề cập tới hai tập hồi ký Nhà tù, Trại tập trung và thi phẩm Thơ tù. Duyên Anh cho in bức thư của Ngô Văn Tao lên những trang mở đầu tác phẩm Ngược dòng chữ nghĩa để tỏ tình với Ngô Văn Tao và đổi tựa Hồi kí và thơ Duyên Anh thành Coi như bài tựa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn