BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39443)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Để Nhớ Một Người

01 Tháng Tư 199712:00 SA(Xem: 2043)
Để Nhớ Một Người
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
 Nhà Văn Duyên Anh, Vẫn nợ nhân gian một trận cười
Bằng chuyện phiếm Cá Tháng Tư


Tin nhà văn Duyên Anh vừa mãn phần đăng trên báo, đã làm tôi sững sờ. Không phải vì tôi là bạn cố cựu thân thiết của anh, hay là một độc giả rất ngưỡng mộ anh như nhiều người, để tiếc nhớ đã viết về anh, trong những ngày gần đây. Ngược lại, tôi lại là người bạn rất mới; chúng tôi chỉ mới quen nhau vào dịp anh từ Pháp qua Hoa kỳ ra mắt cuốn sách "Hồn Say Phấn Lạ".

Tình tuy mới nhưng không sơ, vì chỉ qua vài lần gặp gỡ, hai chúng tôi đã khá thân thiết, tình nghĩa đậm đà. Nguyên nhân quen biết của chúng tôi cũng khá ngộ nghĩnh, kỳ thú. Chợt nhớ tới anh, tôi đã trở dậy vào quá nửa đêm để ghi lại mối duyên "kỳ ngộ" của chúng tôi, để tưởng niệm anh, một người bạn vướng nhiều hệ lụy với đời, mà tôi trọng mến. Và cũng để giúp anh trả món nợ nhân gian, vì tôi nghĩ rằng, anh cũng như tôi, đều:

Trăm năm dâu bể soi kim cổ
Vẫn nợ nhân gian một trận cười


Từ Duyên văn chương, bài phiếm "Giả Cầy Luận":

Tôi vốn là một chàng "đội mũ lệch" đi vào đời; mọi chuyện lớn nhỏ đều coi như một trận đá banh. Lâm trận thì tả xung hữu đột, khi thắng thì cười nổ như pháo ran, bô lô ba la với anh em đồng đội, bạn bè; lỡ bại thì nằm lăn ra sân cỏ chổng vó lên trời cười như mếu, ngửa mặt chửi thề cho đã tức, nghỉ cho đỡ mệt rồi phủi quần đứng dậy đi về, chờ khi có dịp lại hăm hở lao vào cuộc đấu mới.

Dở, hay âu cũng tính trời, nên ngay trong địa hạt văn chương, thi, nhạc, tôi cũng vẫn bị bạn bè, anh em thân thiết liệt tôi vào phường khinh bạc, vì chẳng thấy tôi xưng tụng một đấng nhà văn, nhà thơ đương thời nào. Phạng tôi như vậy là quá oan uổng! Vì tuy có đọc nhưng đâu có nhớ, làm sao mà hoa lá cành khen tụng, mà dài mỏ chê bai? Đến tên người yêu đầu đời, vào "Cái phủa phương phì" (cái thuở đương thì) mà còn quên béng nữa là!

Kiện tướng trong làng văn thì phải kể tới "Đại Văn Hào" Mai Thảo. Ông là thống soái của nhóm Sáng Tạo, có trong tay tờ Văn để múa. Khi còn ở trong nước, có lần tôi trót dại lân la đọc những áng văn sáng tạo rất mới của nhóm ông, báo hại về say ngất ngư con tàu đi; vì văn chương quý vị chiếm lãnh một đỉnh văn học này, được Mẽo "đặt hàng" đổ vào hàng vài ngàn Đô-la rượu Martell V.S.O.P. mỗi số. Tuy chỉ có duyên liếc vội văn ông rồi ù té chạy, nhưng thơ của ông này thì có câu tôi lại thuộc nằm lòng vì vẽ nên bức hình Mai Thảo đúng y boong! Hiêu hiêu, cao đại, đứng chót vót trên đỉnh văn học, hai tay cầm bút, một chiếu lên trời, một chỉ xuống đất:
Ta thấy hình ta những miếu đền
tên ta sử chép cả ngàn chương!

Chỉ cần có hai câu thơ, bằng ngàn trang giấy, (tự) lột trần như nhộng Mai Thảo, văn chương trác tuyệt đến thế là cùng! Vẫn tiếc hùi hụi một điều là không có cái "cổ" (Trống), để Mai Thảo gõ thùng thùng, ắt hẳn chúng ta đã có một Nễ Hành ngạo nghễ, trong giới văn chương, thi phú hải ngoại.

Bước sang thánh địa thi ca, ngước mắt nhìn lên chiêm ngưỡng, đã thấy Thi phiệt Nguyên Sa đại hoàng đế, ngồi chồm hổm trên đỉnh cao chót vót. Thơ ông này tôi rất mê... độc một bài "Áo Lụa Hà Đông"; mon men tìm đọc tiếp, thì gặp phải:
Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Thế thì tôi hoảng! Thứ nhất, phục ông Nguyên Sa như lăn chiêng, như đổ đèn: văn chương, thi phú mà dám toọng hai tiếng "như" vào một câu thơ ngắn cụt thùn lủn. Đọc xong tôi phải thốt lên: "Ông này chơi bạo, định qua mặt Thôi Hiệu". Đến đây, xin được phép ba-điều-bốn-chuyện về Thôi Hiệu cho có đầu đuôi, có xuôi ngược. Họ Thôi này tôi biết nó quá mà. Ngày xưa nó chăn trâu cho ông cố nội tôi, quê ở Biện Châu, tỉnh Hà nam. Vậy mà nó đốt lá học lỏm đậu tới Tiến sĩ năm Khải nguyên, đời vua Đường Huyền Tông - tức thời thịnh Đường - Tính tình nó ngang bướng, láo lếu, đụng ai cũng chọc quê (chắc giống tôi quá!); lại ham mê đĩ điếm, bài bạc rượu chè, nên bị đời dè bỉu chê bai. Tuy vậy, tài thơ của nó thì lại số dách. Đời Đường có ba thời: sơ Đường, thịnh Đường, trung Đường (sau này văn học thêm vào thời vãn Đường nữa), mà con nhà Thôi Hiệu được xưng tụng là Đệ Nhất Thi Hào. Bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của nó đề trên vách tường lầu Hoàng Hạc. Một bữa nọ, lão Lý Bạch lếch thếch đem nghiên bút tới, tính đề một quả thơ, ai ngờ nhìn lên tường thấy thơ Thôi Hiệu, đọc xong, họ Lý tè mẹ nó ra quần ướt nhèm hết; hỏi tại sao? Lý Bạch run sợ, mà rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thơ tại thượng đầu

Mà cái đau như bị hoạn cho con nhà Lý Bạch là bài thơ đó, thất niêm thất luật.

Dám tọng nhiều tiếng trùng nhau vào một câu thơ như đương kim Thi-đế-tự-phong Nguyên Sa; hoặc sáng tác đường thi phá bỏ niêm luật, mà trác tuyệt, phải là bậc võ nghệ thượng thừa, chuởng lực cực kỳ thâm hậu trên thi đàn. Môn võ này, thằng tây nó gọi là "répetition" - Sở dĩ tôi học lỏm được từ này, là vì tôi cũng đã được tây-du như ông Nguyên Sa. Cũng được nhiều phen làm ông tiên nho nhỏ, tưới nước cam lồ xuống giòng sông Seine thơ mộng. Nhưng kém may mắn hơn ông (Nguyên Sa), là khù khờ để một con quỷ cái, mẹ mìn sinh viên dụ dỗ, cướp mất cái ngàn vàng, đành ôm hận mà quy cố hương - Còn mấy anh ba tàu, cha đẻ Đường thi, thì dùng "điệp ngữ" hay "điệp từ". Trên thi đàn Việt Nam, trong những bậc sư của môn võ kể trên, phải kể đến Phế-Thi-bá Tản Đà, (đã bị ông Nguyên Sa cướp ngôi) một thời đã đặt bàn tọa trên chót đỉnh thi-sơn. Đặc biệt nhất là cụ Tản Đà khoái dùng điệp ngữ "ai". Sau đây là giai thoại văn chương mà cụ thường kể lúc trà dư tửu hậu: Có hai vợ chồng trẻ mới cưới; chị vợ e thẹn, không biết xưng hô với chồng bằng gì. Dùng tiếng "nhà" thì quê ơi là quê! Tiếng "mình" thì suồng sã; tiếng "em" thì mới! Sau cùng chị bí quá, đành nói trống không vậy, tỉ như: "Này, ai ơi, tắt đèn đi ngủ", "Ấy ai, đừng làm thế, em nhột". Anh chồng tức lắm, nhất định dồn cho chị vợ phải xưng hô cho rẽ-ràng. Dịp may đã đến, khi anh này đang phơi lúa ngoài sân, chị vợ muốn gọi chồng vào ăn cơm, nên gọi: "Ai ơi! Vào mà ăn cơm", anh chồng hỏi lại: "Cơm ai thổi?", chị vợ bí và cuống quá, nguýt anh chồng một cái sắc như dao cau, ngoe nguẩy vừa đi vào vừa trả lời: "Thổi chứ ai!"

Cự phách hơn cả là thơ Nguyễn Bính:
Sáng nay vô số lá vàng rơi
Người gái trinh kia đã chết rồI
có một chiếc xe màu TRẮNG đục
Hai con ngựa TRẮNG xếp hàng đôi


Đem theo một chiếc quan tài TRẮNG
Và những vòng hoa TRẮNG lạnh ngườI
Theo bước những người khăn áo TRẮNG
Khóc hồn trinh TRẮNG mãi không thôi.

Mấy anh chàng thợ thơ, không lượng tài sức, tập tễnh học đòi dùng "điệp từ, điệp ngữ", thì như cái thằng ngọng tập nói, sẽ bị bà Hồ Xuân Hương bỡn cợt:
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
nó bảo nhau rằng ấy ái uông.

Ngược lại, là trường hợp của các vị vương bá tự phong trên văn đàn, đã tạo được một chút tiếng tăm, do một vài ba sáng tác hợp thời thượng, có một số độc giả ưa thích. Được một vài bạn bè, anh em cũng tài cùn, chí đoản, ếch ngồi đáy giếng như mình, hùa nhau kẻ tung người hứng, vác ống đu đủ hậu môn nhau mà phồng mang trợn mắt thổi; riết rồi, như mấy con ếch, của thi hào thơ ngụ ngôn Pháp lang sa Lã Phụng Tiên, cứ tưởng mình to bằng con bò thật. Tự phong là đệ nhất thiên hạ văn vương, thi bá. Mỗi lời ta phán phải là lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu; lập dị, tự đẻ ra những quái thai được khoác cho cái tên sáng tạo. Đưa vào văn đàn mùi phó mát ca-măm-be, mắm nêm Phú Quốc; báo hại thiên hạ mắc bịnh chửi thề.

Trở lại vấn nạn làm thơ đường bất chấp niêm, luật. Anh chàng Thôi Hiệu ngang tàng, đem bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" thất niêm thất luật nhưng là một kiệt tác, đề trên vách lầu Hoàng Hạc, chình ình trước thị chúng chơi, với ý cao ngạo: "Thơ ông thất niêm, thất luật thế đấy, thằng nào giỏi sửa coi?", thật là ngạo mạn, ngông nghênh, nhưng cũng biểu lộ đức tin mạnh mẽ vào tài năng thiên phú của mình. Ngoài anh chàng này ra, cũng còn có nhiều bậc thi nhân nổi danh vào đời Đường — vì lý do khác — đã làm những bài thơ bất chấp niêm, luật. Riêng Việt Nam ta có Thi bá Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu, ví dụ như hai câu thơ sau của ông hoàn toàn thất niêm thất luật, mà tôi cho là hay tuyệt! Phàm trong nghệ thuật thi ca, muốn lời xứng với ý, phải chú trọng đến phần nhạc bởi lời (từ) mà có (Thi trung hữu nhạc). Để tả nỗi niềm uất ức và sự chán nản đến buông thả, Thi bá Tản Đà đã viết:

Tài cao phân thấp, chí khí khuất
giang hồ rong chơi trên quê hương


Câu đầu có năm tiếng vần trắc; đọc lên ta thấy phần nhạc đã diễn tả tài tình, trọn vẹn, nỗi phẫn uất của chàng trai có tài mà phần hẩm. Câu tiếp bảy tiếng vần bằng kéo liền tù tì một lèo, cũng diễn tả qua âm thanh, sự buông thả, chán nản, rã rời. Âm thanh nhẹ và kéo dài như tiếng chân bước lê đi của chàng lãng tử, lấy thú giang hồ nay đây mai đó, để tìm quên lãng, cả quê hương lẫn niềm phẫn hận, bất đắc chí.

Không phải thi bá Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không rành, hoặc quá chén, nên quên hết niêm luật, mà đây là ông cố ý "tình phụ" niêm luật để tạo nhạc. Tài ba điêu luyện của nhà thơ và cái hay tuyệt vời của câu thơ là chỗ đó.

Vì, như (lại như) đã biện giải ở trên, nên tôi mới phục như lăng chiêng, như đổ đèn câu thơ của thi phiệt Nguyên Sa đại đế. Nghĩ cũng tiếc, Nguyên Sa đại đế không hạ tiếng "ghẻ" thay tiếng "ốm", con chó ốm thì sẽ nằm thiêm thiếp bằn bặt, còn con chó ghẻ thì nhức nhối, ngứa, đau sẽ rên ư ử, thỉnh thoảng lại gâu gâu nho nhỏ; con mèo Nga ngái ngủ năm trong lòng đại thi hào cũng sẽ phải rên ư ử, kêu meo meo nho nhỏ nũng nịu; như vậy có phải câu thơ có hồn, sống động như câu thơ: "trái lê tỉnh thức trong hồn áo" của một thi sĩ miệt vườn mà tôi tình cờ đọc được; khi đọc lên ta thấy hai trái lê trong trí tưởng tượng của ta nó nhảy tưng tưng, hết tuýt sang rumba, rồi cha cha cha… Nếu thay thế từ "ốm" bằng từ "ghẻ" thì, dù trí tưởng tượng có nghèo nàn đến mấy, cũng thấy con mèo Nga làm nhiều trò ngoạn mục lâm ly, khỉ ơi là khỉ, trong lòng ông Nguyên Sa.

Cái phục thứ hai là thi phiệt đại đế Nguyên Sa dám có can đảm rỡn với mèo. Cái phục này bắt nguồn từ tính sợ mèo của tôi mà nảy sinh. Số là thủa nhỏ, nghịch tinh, nắm đuôi con mèo tam thể nhu mì yểu điệu của nhà mà kéo, nó quắc mắt trông rất dữ, quay lại cào cho một quả, đau thấy mồ! Từ đó cứ thấy mèo là tránh xa. Lớn lê, thời gian xóa mờ nỗi sợ mèo, lại dở trò đùa rỡn theo cái kiểu mà "bà chằng" vợ tôi mỗi khi giận, la rằng: "Anh là thằng vô tích sự, chỉ giỏi cua mèo!" Tuy bị vợ la rầy nhưng chứng nào vẫn tật nấy, cứ lén đi cua hàng tá mèo, đủ loại, mướp, tam thể, xiêm la, đen, trắng, cua tuốt không chê mèo nào. Cho đến khi – phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí – bị một loại mèo, không bảo nhau, cùng đá tôi một lượt (lần này không bị cào). Bàn tọa xưng to như cái rổ, đi làm cũng phải thủ cái gối bông mang theo để dưỡng cái bàn tọa. Như vậy, làm sao tôi không phục như lăn chiêng, như đổ đèn thi phiệt Nguyên Sa cho được. Đọc tiếp bài thơ, mới chợt khám phá ra một cái hay vô tiền khoáng hậu khác: Trong chỉ có ba câu thơ mà thi phiệt Nguyên Sa, ngoài tài chơi trò điệp ngữ, điệp từ, lại sáng tạo – xin phép "văn xu", ấy chết, xin lỗi, "văn hào" Mai Thảo cho thuống chữ của ông — một cái mới thật mới khác, cho nghệ thuật sáng tác thi ca: Tượng Mùi. Thật quả xứng đáng ngồi chồm hổm trên đỉnh thi sơn, vì tự xưa đến nay, các vị thi hào, thi bá, thi vương khác, chỉ cho ta: mắt đong đưa đọc, miệng ư ử ngâm, tai xập xình nghe thi phú, nay thi phiệt đại đế Nguyên Sa còn ban cho ta cái thú sướng rên mé đìu hiu là… ngửi mùi thơ của ông (mùi cá ươn): "Đôi mắt cá ươn sắp sửa se mình." Nghĩ thật đáng giận cái nhà anh phê bình gia mới lên, khen xỏ nhà thơ "nhớn" của ta, rằng thì mà là: "Nguyên Sa là người đầu tiên đã can đảm đưa vào thi ca những danh từ như bánh gratten, chó ốm, coóc sê, xì líp, gants, solex…" (đọc, Những Nhà Thơ Hôm Nay, Nguyễn Đình Tuyến, Đại Nam xuất bản, dòng ghi chú, trang 204). Vừa phải thôi chứ anh! Còn một từ khác, rùng rợn hơn mấy từ mà anh kể, từ: "MÓT", thi phiệt Nguyên Sa sắp phạng vào mặt nàng Ly tao, tỷ như (lại như): "Anh ơi! Em mót…ừ ư ứ… ư… lấy… ừ…ư…ừ…chồng." Chỉ một từ "mót" đem phạng vào thơ, là câu thơ trở nên toàn bích, hay cóc chịu được! Vừa tượng hình, (Ngồi chồm hổm như nhị vị văn phiệt thi phiệt Mai Thảo Nguyên Sa, trên hai đỉnh núi văn học), tượng ý (giống như đài Little Saigon quảng cáo bánh cuốn ‘anh ôi, em thèm quá rồi!’), tượng mùi, (cái mùi: "thứ nhất Quận công, thứ nhì… đồng"; hay cái mùi xuất ra từ – nói theo kiểu bà Nữ thi sỡi Hồ Xuân Hương "khi hết ‘mót’, nổ đùng ra chiếu").

Trèo lên đỉnh non cao, lên đỉnh non cao của nhạc sơn, thì ta sẽ gặp "bố già" Phạm Duy với mái tóc cước trắng, bồng bềnh, sexy hết cỡ thợ mộc. Tôi với ông này chẳng xa lạ gì nhau vì khi còn trẻ đã ở cùng tỉnh. Nếu nhớ không lầm, thì xừ Duy ở cùng chung một ngõ hẻm Nguyễn Thiện Thuật với gia đình ba chị em Mai Trâm, Hằng và Nga – tam kiều, nổi danh tài sắc một thì – Nàng Trâm đẹp rất đẹp, đã từng là hoa khôi của Air Việt Nam. Các nàng đều là học trò của trường nữ Ngõ Nghè, gần trường Bonnal, tức trường Nam công lập tại thành phố cảng Hải Phòng. Thời bấy giờ, tại phố cảng Hải Phòng, hát hay thì có nữ ca sĩ Thương Huyền, nam ca sĩ Kim Tiêu. Những văn nghệ sĩ này đã nâng những bài tình ca của Văn Cao lên chỗ tuyệt vời. Nhạc sĩ thì có Văn Cao nghèo mạt rệp, Hoàng Quí, Phạm Ngữ đàn ghi ta số một, Tô Vũ, em Hoàng Quí và Nguyễn Đình Thi. Đám trẻ tuổi hơn chơi nhạc thì nhiều, nhưng đặc biệt chơi đàn phong cầm accordéon, có ba tên, trong đó có tôi với lại Nguyễn Đình Thanh, em của Nguyễn Đình Thi, Bạch Thái Hải, anh của Bạch Thái Minh. Minh là cựu phi công lái máy bay "bà già" Morane đầu tiên của Việt Nam, hiện ở Orange County. Phạm Duy thì có lớp quần chúng mê cải lương biết đến nhiều vì tay này mới đúng là "con bà lang trọc", đội mũ lệch vào đời, bỏ nhà đi hoang, theo mấy gánh hát cải lương. Trong những phút ăng-tở-rắc, (tạm nghỉ), thì chàng có nhiệm vụ ôm cây đàn tây ban cầm, tửng từng tưng chám chỗ thời giờ trống. Mỗi khi ghé phó cảng Hải Phòng là chàng lân la đến yết kiến "sư phụ" Văn Cao để xin mấy bài hát mới sáng tác để hát. Phạm Duy là người đầu tiên hát bản Buồn Tàn Thu của Văn Cao và hát rất tới, sau Thương Huyền. Tôi đã gặp chàng này mấy lần tại nhà Văn Cao. Khi đó ba đứa tôi — Thái, Thanh, Hải — vì chơi đàn lại ở trong hội hướng đạo, được mấy đàn anh làm nhạc, o bế dữ lắm. Văn Cao cũng có một thời vào đoàn Hướng Đạo, thường xuyên sinh hoạt và đi cắm trại. Cũng trong một dịp cắm trại trên Yên Tử Sơn, anh đã sáng tác bản Yên Tử Sơn rất hay. Bản Thanh Niên Hành Khúc, Suối Mơ, tại trại thanh niên (camp de jeunesse) Ba Vì. Bản Bến Xuân, sau đổi tên thành Đàn Chim Việt cho hợp với không khí "cách mạng tháng tám", lời ca sửa đổi đầu cua tai nheo, rất dở. Trong nguyên bản mở đầu, có câu "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước (cầu Ngự), Em đến đây một lần"; EM đây là em Trâm, tôi viết ở trên; em đến có một lần rồi không bao giờ trở lại. Tình chưa kịp ngỏ, mà tình đã bay xa, làm chàng nhạc sĩ đa tình nhưng chung thân nhút nhát, trút mối tình sầu vào mấy cung đàn và lời ca thật trữ tình. Bản tình ca Bến Xuân làm xong chưa kịp ráo mực, chàng nhạc sĩ si tình đã gọi tôi xách đàn đến rượt và hát, hầu phổ biến sâu rộng cho đàn anh. Văn Cao có thói quen vừa soạn nhạc vừa làm lời. Có thằng dám nhận vơ là làm lời bản Bến Xuân cho Văn Cao là láo lếu. Ngay cả Đỗ Hữu Ích, vừa là bạn thân, vừa ở gần nhà nhau (phố La côm - Bến Ngự), thường chạy qua chạy lại, thỉnh thoảng góp lời bàn thối khi một bản nhạc vừa mới ra lò, lại chia sẻ cùng Văn Cao nhiều về vật chất, theo kiểu "anh em, con chấy cắn làm đôi", nên Văn Cao mới để tên Ích làm lời cho nhiều bản nhạc của anh mà thôi.

Sau cái được gọi là "cách mạng mùa thu", Phạm Duy vào làm thành viên ban kịch Sao Vàng, còn tôi thì nhảy vào nhà băng Năm Sao tại Hải cảng sống dưới trướng Nguyễn Bình, Nguyễn Đăng: Bình là Tổng Tư Lệnh, Đăng "râu" làm tham mưu trưởng Đệ tứ Chiến Khu. Viễn đen và tôi được ủy nhiệm lập đội Tuyên truyền xung phong Liên khu ba; tôi vì lanh lợi, tán róc hay, nên được anh em bầu làm chỉ huy phó, phụ trách quân sự, tuy chẳng biết chút quân sự nào. Trong đội thâu nhận khá nhiều nghệ sĩ tài hoa, như họa sĩ Văn Tú, anh Văn Cao, vẽ hoạt họa khỏi chê! Cao Thưởng, nhạc sĩ sáng tác bản "Thanh Niên Cộng Sản Hành Khúc" được đại hội quốc tế thanh niên cộng sản Helsinki chọn làm bài ca chính thức, sau bài Quốc Tế Ca. Nhạc Cao Thưởng hùng, được thanh niên toàn thế giới chọn, nhưng người thật Cao Thưởng nhát hơn thỏ đế. Trong trận đánh cầm cự với một trung đoàn quân Trung Hoa cho toàn quân rút lui, do tôi chỉ huy, tôi vì dốt quân sự, muốn tỏ ra can đảm, đứng sừng sững vung gươm võ sĩ đạo Nhật điều khiển chiến đấu, đâu có biết ánh gươm do mặt trời phản chiếu làm đích cho địch bắn súng máy vào như mưa, lá tre rụng như gặp cơn gió bão. Cao Thưởng sợ quá! Mắt gần lồi ra sau cặp kính cận, cuống cuồng, cứ nhè bụi tre mà leo lên trượt xuống, mặt mũi, tay chân bị gai tre cào tươm máu. Tôi giận quá, vung gươm chặt đứt tiện khúc tre trên đầu Thưởng làm anh này sợ, buông tay ngã chỏng gọng xuống đất. Sau trận đánh, lôi anh này ra kiểm thảo và tôi đã phạt Thưởng đứng lập chính (nghiêm) hết que hương. Chúng tôi – đội tuyên truyền L.K.3 – hát những nhạc sáng tác bởi Hoàng Quí, như bài Đoàn Quân Du Kích, Nước Non Lam Sơn; Văn Cao: Tiến Quân Ca, Hải Quân, Không Quân, Chiến Sĩ VN, Đàn Chim Việt, Bắc Sơn; Nguyễn Đình Thi: Diệt Phát Xít v.v và v.v., chứ không có ca khúc nào của Phạm Duy. Chỉ khi sau kháng chiến chống Pháp bùng nổ mới có những ca khúc Phạm Duy. Có lẽ đến khi đó, anh hoa mới phát tiết, còn trước, thời kỳ thai nghén, "mót" mà "rặn" không ra. Có điều ngẫu nhiên hay cố ý chẳng biết, Văn Cao sáng tác bản Thiên Thai bất hủ, thì lẽo đẽo theo sau, thiên tài "bố già" Phạm Duy phải rặn cho ra bài Tiếng Sáo Thiên Thai; Bài Trương Chi ra đời thi có bài Tiếng hát Trương Chi, bản Chiến Sĩ Việt Nam, theo sau phải có bài Lục Quân Việt Nam. Có một đề tài Phạm Duy chọn và làm thành bài ca trước, sau đó Văn Cao mới thuổng ý sáng tác theo, là bài (ngắn ca) Sông Lô của Phạm Duy với bài Trường Ca Sông Lô của Văn Cao. Ngắn ca tuy sinh trước mà chịu phận ngắn thấp cả nhạc lẫn lời. Sau này để bù lại, Phạm Duy rặn thêm một quả Trường Ca Con Đường Cái Quan, mang nhiều âm hưởng ngũ cung đượm màu dân tộc, nhờ mang râu dân ca ông miền này, cắm vào cầm dân ca bà miền kia; nhưng về giá trị nhạc thì Phạm Duy nên nghiên "kíu" kỹ hơn bản Trường ca Sông Lô của đàn anh Văn Cao để nắn nót lại bản Trường ca Đường Cái Quan, ngõ hầu tạo cho bản này được "Em hơn anh, là nhà có phúc." Mấy bản kể trên tuy lẽo đẽo theo sau, nhưng phải công nhận là những bản nhạc ấy Nghe Ra Thì Thật Là Hay, hay gần bằng mấy bản của Văn Cao. Riêng phần tôi thì tôi yêu nhạc của cả hai người; nhạc của Văn Cao thì tôi thuộc nằm lòng, nhạc Phạm Duy tôi chỉ thuộc lõm bõm câu được câu mất. Duy chỉ có một bài tôi thuộc nằm lòng là bài Lục Quân Việt Nam. Bài này, sáng nào tôi cũng "bị" gân cổ hát khi vác súng lên đường đi tập tại quân trường võ bị. Tôi có một giai thoại về bài này, xin kể để bà con nghe chơi: Có lần tụi tôi vừa đi vừa hát, qua một đội lính Pháp đang làm cỏ vê trong trại, bỗng thấy mấy anh lõ mũi này, đứng phắt dậy, nghiêm như trời trồng, chào kính đoàn quân An nam ta. Bèn làm một quả thăm dò cho biết sự tình. Vỡ lẽ ra, là vì bài Lục Quân Việt Nam mang âm hưởng bản Marseillaise, Quốc ca Pháp.

Lần sau, đi qua lại gân cổ hát bài ca hùng của Phạm Duy – để chúng chào mình chơi – Ai ngờ chúng phùng mang trợn mắt, dơ nắm đấm chửi: Meẹc, xà lù, bú dù, cô xoong! Đã thế thì, lần nào đi qua, chúng ông cũng hát bài "cuốc" ca Pháp bằng nhạc Phạm Duy, lời Việt, cho tụi bay lộn xà ngầu trong đầu trong óc. Trên đây, tôi vừa trình bày – với tác phong cầu thủ đá bóng cuộc đời – về cái nhìn rất "bựa" của tôi đối với những đỉnh cao (tự phong) văn hóa hải ngoại.

Tôi cũng như mọi người, bị ném vào giòng đời cuồn cuộn chảy ở cái xứ văn minh cơ khí này, bị quay mòng mòng, tả tơi hoa lá, mệt phờ râu trê, tinh thần bẩn chật mệt mỏi rã rời, nên chỉ thích đọc mấy loại văn phiếm luận, xả hơi xúp páp những ẩn ức bực bội cuộc đời; như Ngày Lại Ngày của Tú Rua, Phiếm Dị của Đào Nương; đọc xong rồi cũng quên. Duy có một lần, có lẽ do duyên nợ ba sinh, nhặt được, của ai bỏ lại, trên ghế ngoài bãi biển, tờ tạp chí Ngày Nay số 65/10-11-12/1987 (tôi còn giữ đến bây giờ), trong đó có bài "Giả Cầy Luận", trong mục Phép Phù, tác giả Đồng Nai Tư Mã. Bài Phiếm rất dài, chiếm chọn sáu trang, cỡ chữ nhỏ. Tôi đọc liền tù tì một lèo, từ trang đầu đến trang cuối; lấy làm một sự thống khoái, gật gù khen: "Thằng chả viết tới quá!" Nhưng không biết thằng chả là thằng cha nào? Bèn về gọi điện thoại cho Nguyễn Đức An, đại diện tạp chí Ngày Nay tại quận Cam, mới biết, Đồng Nai Tư Mã là bút hiệu của nhà văn thời danh Duyên Anh. Nếu bút pháp của Tú Rua sắc như dao cạo, trì triết, quyết liệt, dồn con mồi vào tuyệt lộ mà mặc tình phanh thây xé xác. Thì ngòi bút của Duyên Anh như đường gươm võ sĩ đạo phù tang, đủ tứ tuyệt: bén ngọt, nhanh gọn, chính xác, lại bay bướm; ánh gươm vừa lóe sáng, lưỡi đã trở về nằm gọn trong bao và trái táo đã được chia ra làm tám miếng đều đặn. Nếu móng vuốt phiếm dị của Đào Nương nhọn sắc, uyển chuyển, dẻo dang tung tung, hứng hứng, khi bắt khi thả, khi chộp khi vồ; "dáng O uyển chuyển dịu dàng; tâm O địa ngục, thiên đàng trời hay!" Thì Phép Phù Duyên Anh chỉ xoay quanh có một tiếng "giả", mà thiên biến vạn hóa, hô phong hoán vũ; giaû đứng trước thì thối: Giả danh, giả mạo, giả nhân, giả nghĩa, giả sử… gia v.v.. "Giả" đứng sau thì thơm: Vương giả, thức giả, sứ giả v.v.. Từ đó anh luận ra, "tất cả những gì đứng trên hết, trước hết cao hơn hết như Chủ tịch mặt trận, chủ tịch ủy ban yểm trợ, chủ tịch đảng, chủ tịch nghị hội, toàn lại nặng mùi cóc chết." Vì toàn là giả danh, giả trá, giả nhân, giả dối. Vừa khện Kháng chiến giả Hoàng Cơ Minh, Yểm trợ giả Phạm Ngọc Lũy chưa xong, Duyên Anh biến chiêu rất ư là ngoạn mục, quay sang phạng Hội Người Việt Hỗ Trợ Ủy Ban Quốc Tế Trần Văn Bá của Trần văn Tòng, giả danh Trần văn Bá quyên tiền.

Chưa đã giận, anh mần thịt luôn mấy anh chính danh ăn cắp bản quyền văn học, mà lại biết giả danh "bảo tồn văn hóa", để che sự nghiệp ăn cắp. Cơn phẫn hận của Duyên Anh chưa hạ hỏa. Anh quay sang đả một thứ giả khác: Giả Chay: "Thế mà khối vị chân tu khoái giả chay mới phiền phức!… Ăn chay để giản dị hóa hệ lụy cơm áo, để lòng sạch để hồn thơm mà đưa đức tin lên cao. Ăn giả chay là giả vờ với chính mình, là nói dối mắt mình, mũi mình, miệng mình. Nhà chân tu ăn giả chay thì lòng còn nặng tham sân si, khó siêu thoát. Phật tử ăn giả chay thì khó được Phật Tổ độ trì."

Đến đây anh lại sang "ton" cái vụ – xin lỗi ông Phạm Duy, xâm phạm nghề nghiệp ông tí ti : "Duy có giả ba ba và giả cầy là đáng đề cao." Rồi luận về nghệ thuật làm món Ốc Nhồi hấp lá gừng, hạ liền một câu: "Than ôi, mùi lá gừng quyện lấy mùi ốc, mùi thịt tuyệt cú mèo! Ta liệng lá gừng đi. Mày "yêu" kỹ rồi, đến lượt ông "yêu", ta thong thả chấm nước mắm gừng, thong thả nhai, thong thả nuốt…" Luận tiếp: "ốc giả ba ba, một Mặt trận thống nhất ốc, thịt, đậu phụ rán, chuối xanh, hột mít, mắm tôm, mẻ, bột nghệ bún và lãnh tụ tối cao tía tô, không bao giờ cần tâm thư chửi bới lẫn nhau. Các đồng chí này đoàn kết và hạ quyết tâm cùng về chiến khu bao tử con người một lúc…. Ta húp xùm xụp. Ta uống quê hương ta. Ta tìm ra nguồn an ủi: Quê hương ta, ngoài đảng cộng sản bất nhân, ngoài Mặt Trận thống nhất bất lương, vẫn còn ốc giả ba ba."

Và giả cầy nữa chứ. "Cương lĩnh" của giả cầy hao hao "cương lĩnh của thật cầy nhưng chó là chó. Chó khó có thể giống người, dù đôi khi người chó má hơn chó". Anh biện giải: "Chó ăn cứt nhưng miệng chó không thối, răng chó trắng tinh khỏi cần Close-up, Colgate. Và chó sủa không phóng ra mùi xú khí. Người ăn cơm nhưng miệng người hôi, cần hàn chải và Hynos. Và người chính trị, người chủ tịch, nhiều khi phát ngôn văng cả vỏ tôm ươn."

Sau cùng anh xác nhận là anh vốn là kẻ nghiện thịt chó, sang đây không được phép sử dụng đả cẩu bổng, không được phép hạ cờ tây, không được phép "Sống Trên Đời" (sống trên đời ăn miếng dồi chó). "Ta đành lấp vô nỗi tương tư cấu nhục của ta bằng cách ăn giả cầy". Anh cao giọng ngâm thơ của Beaudelaire: L’âme du vin, Lý Bạch tây có thơ in ngay trên chai rượu:
Un soir, l’âme du vin chantait dans les bouteilles
"Homme, vers toi je pousse, ô cher déshérité
sous ma passion de verre et mes cires vermeilles
des chant pleins de lumiêre et de fraternité

Anh xuống xề sáu câu vọng cổ rằng: Uống linh hồn rượu chát và ăn linh hồn giả cầy với bằng hữu, lại nói chuyện thi ca, âm nhạc hoài hương, tưởng nỗi sầu xa xứ cũng nguôi ngoai phần nào.

Đọc đi đọc lại nhiều lần, càng đọc càng thích, chợt khám phá ra rằng: "Thằng chả cũng nhiều uẩn ức cuộc đời như mình, chắc dám giống mình, ngày ngày, mỗi khi lên "cơn" nặng, lại vào phòng rửa mặt đóng cửa, nhìn vào gương, xả xúp páp, chửi vung tán tàn: chửi thằng giặc Hồ có bộ râu dê, chửi chùm chửi lớp, chửi bâng quơ và một đôi khi, chửi luôn... cả chính mình, vì thấy cái bản mặt mình trong gương sao mà dị hợm!

Tú Rua, Đào Nương, đập ngoạn mục, đập tơi bời hoa lá, bọn giả yêu nước thương nòi, giả tu hành v.v., nhưng mỗi lần chỉ một đối tượng; Duyên Anh, trong một bài "Giả Cây Luận", như hiệp sĩ phò nguy diệt bạo, mỗi lần sát phạt là "Đầu rơi trước kiếm như hoa rụng". Và anh công khai thách thức - anh biết những thứ "Giả" mà anh tấn công, đều là những hạng sát thủ thứ "thật" : "Người ta đã nướng Hoài Điệp Tử, bắn Cao Thế Dung, dọa Nguyễn Đạt Thịnh, đe Khánh Ly, hăm Nguyễn Hữu Nghĩa... Ta đang thèm chết để khỏi sống ở cõi thừa giả trá, giả mạo, giả hiệu, giả hình này. Xin sớm giúp ta siêu thoát. Cam đoan vợ con sẽ không trình báo phú lít...". "Họ" đã chuẩn y và cho anh "Muốn thì được, Ước thì thấy"... có nửa vời. Nên ta mới thấy một Duyên Anh tàn phế, nhưng đầy nghị lực, viết hăng viết khỏe, hơn bao giờ hết, bằng bàn tay trái còn lành lặn. Tôi là kẻ "Diệt Cộng" (không biết chống, chỉ biết diệt) bất kể sống chết, hung hãn nhất nước một thời. Nhiều lần nhờ trời, phật độ trì, thoát chết trước mưu đồ ám sát của địch thủ cộng sản. Và thường xuyên là nạn nhân của, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác – tuyên truyền bôi lọ, rỉ tai "bứng cây sống, trồng cây chết"– của thù trong, địch ngoài. Nên không chịu ảnh hưởng vì những tin đồn truyền miệng rất xấu về anh. Vẫn dành cho anh, người bạn chưa hề gặp mặt, cảm tình nồng hậu nhất; cho đến khi nào có những bằng chứng cụ thể quy tội, bất khả phủ nhận, tố cáo bởi – không phải một, mà nhiều – nạn nhân của tội ác, anh đã thật sự phạm, trong thời gian bị cộng sản giam cầm. Riêng chỉ với một bài phiếm Giả Cầy Luận, anh đã tự tạo "Nghiệp" trùng trùng!

Khởi từ bài phiếm Giả Cầy Luận, tôi bắt đầu tìm đọc thêm sách của Duyên Anh, như "Một Người Nga ở Sài Gòn" và một vài cuốn khác, quyển cuối cùng là quyển "Hồn Say Phấn Lạ". Đến đây, tôi lại khám phá thêm một điều mới, là Duyên Anh chống cộng, chống mãnh liệt, chống có đường lối, có kế hoạch, do anh tự vạch ra trên địa hạt sở trường của anh: văn hóa. Nhờ kỳ khu, nhẫn nại, kiên tâm, trì chí, anh cũng đã đạt thành quả tốt đẹp, là có được sự hỗ trợ của một số nhân vật văn hóa và nhà xuất bản ngoại quốc, để có thể cất lên tiếng nói chính nghĩa chống cộng của anh, trên văn đàn quốc tế. Làm cho dư luận Âu châu biết đến sự thật, về nỗi đau khổ của dân tộc Việt Nam dưới ách cộng sản. Anh lừng lững như con voi già chéo ngà đơn độc, kéo lê tấm thân tàn phế vì đòn thù của Giặc Trong, trên con đường lý tưởng mà anh tự vạch ra. Xa lánh "cái gọi là" mà anh ta thán: "Của nhà ta, luôn luôn khép chặt với cái gọi là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, sau cuộc biển dâu, ta càng nhìn rõ ‘Cái Gọi Là’ này."

ĐẾN DUYÊN ẨM THỰC, MÓN GIẢ CẦY:

Bỗng đến một ngày, sau gần mười năm qua đi, 1987-1997, Nguyễn Đức An một đàn em và cũng là một người rất mê, phục văn chương Duyên Anh, gọi dây nói cho tôi. An nói: "Anh Duyên Anh mới sang Mỹ để ra mắt sách. Em có ca tụng tài nấu món giả cầy của anh, là món mà anh Duyên Anh rất mê, nhưng cứ phàn nàn là không tiệm ăn nào tại Mỹ, biết nấu món này. Duyên Anh ngỏ ý muốn thưởng thức món giả cầy do anh nấu." Tôi trả lời rất hoan nghênh và rất mừng được làm quen với Duyên Anh, vì tôi rất "Mê Tín" bài phiếm "Giả Cầy Luận" của anh.

Tôi sửa soạn làm món Giả Cầy Nhựa Mận để thết Duyên Anh khá kỳ khu, nhưng cũng không đạt được những tiêu chuẩn "kỹ thuật" nấu nướng như anh đã diễn tả trong bài phiếm Giả Cầy Luận: Thay vì phải nấu trước hai ngày để có vài lần lửa, tôi chỉ kịp nấu trước có một ngày. Bù lại, tôi "phù phép" cho màu da heo mang màu của trái mận chín.

Gần đến giờ hẹn thì An gọi xin triển giờ vì Duyên Anh còn đang ở nhà Mai Thảo; hai giờ sau anh và An mới tới; xem chừng đã nhậu nhẹt hơi đa đã. Tôi ra đầu cầu thang đón anh lên. Thấy anh dùng gậy chống để đi có vẻ khó nhọc, An phải dìu anh lên thang lầu. Giọng anh nói cũng không được bình thường; tất cả, là hậu quả cú atémi mà "Họ" đánh anh dạo nào !

Trong bữa ăn, chúng tôi nói đủ thứ chuyện, chuyện đời, chuyện văn chương thơ phú, chuyện nghệ thuật ẩm thực, vài chuyện tếu vui… Tôi có cho anh biết ngày xưa, có thời gian tôi làm báo… phiệt, anh lấy làm lạ, hỏi nghề gì mà là nghề báo phiệt? Tôi bèn nói rõ là tôi làm phó tổng giám đốc nhà phát hành Thống Nhất, lại phụ trách về cả phát hành lẫn tài chánh. Anh nhà báo nào không biết điều, thì tôi cho lỡ chuyến gửi báo vài lần và chậm trả tiền, là trông thấy "bà cả đọi" đến gõ cửa. Nên tôi được mấy anh chủ báo o bế, mời đi ăn hít, nhảy nhót hàng ngày hàng đêm. Thế không phải báo phiệt thì là gì? Chúng tôi mang bài Giả Cầy Luận ra bình giải. Chỉ với những đề tài trong bài này không thôi, cũng bàn mười ngày không hết chuyện. Anh nói chuyện dí dỏm, hiền hiền, vui vui. Tôi đùa bảo anh rằng, anh thích món giả cầy, vậy sao anh không viết một "Giả Cầy Đức Tụng"? anh cười, khen ý kiến hay.

Ngay từ đầu, anh, vì có mặc cảm, cứ muốn gợi chuyện để phân bua về vụ những lời đồn xấu về anh. Tôi thì vì tế nhị đã tránh nhắc đến chuyện đó,mà còn tránh nhắc đến thời gian anh bị cộng sản giam cầm. Nên gạt đi và trấn an anh rằng tôi không bao giờ tin theo lời đồn đãi vô căn cứ. Vậy anh yên chí khỏi nhắc đến những chuyện thị phi ấy làm gì. Tôi nói thêm rằng, theo tôi nhận xét, nếu đem so sánh với những người chê trách anh, thì anh đã làm tại hải ngoại, nhiều việc, trong lãnh vực văn hóa, để phục vụ Tổ Quốc dân tộc, hơn họ gấp bội phần. Tôi và anh trở nên thân thiết. Khi anh về, tôi xin phép vào lấy và in từ trong máy vi tính, mấy bài thơ của tôi để tặng anh xem chơi như món quà văn nghệ. Sáng hôm sau, khoảng tám giờ, anh gọi giây nói và cho biết, đêm hôm qua anh đã đọc mấy bài thơ của tôi. Rất ngạc nhiên, cứ tưởng thơ tôi cũng già như tuổi. Ai ngờ rất trẻ lại hay. Anh nói: "Nhiều người nhờ tôi viết tựa, tôi rất hiếm nhận lời; nhưng nay, tôi không phải yêu cầu mà xin anh cho tôi viết tựa". Anh nhắc đi nhắc lại mấy lần từ XIN làm tôi vừa ngượng nghịu, vừa bối rối. Anh bảo: "Thơ anh hay lắm (?!), phải in ra cho thiên hạ đọc kẻo phí." Tôi rất cảm động và nhận lời. Anh hứa sẽ viết ngay; tôi bảo không cần, vì tôi chưa có tiền in. Đợi khi về Pháp, có không khí văn nghệ hơn ở Mỹ, anh viết chắc hơn. Anh hẹn về Pháp thu xếp, rồi sẽ sang lại và ở Mỹ (dự định ở chung với Mai Thảo) và sẽ mang bài tựa sang cho tôi. Nay anh đã mãn phần. Nhắc lại để ghi nhớ tấm thịnh tình của anh đối với tôi.

Chúng tôi còn gặp lại nhau thêm bốn lần nữa; hai lần tôi đến đón anh đến tôi nhậu. Tôi đưa anh vào hàng bán rượu, và bảo anh cứ chọn chai rượu nào mà anh cho là ngon nhất– không kể giá tiền. Anh cười, nói đùa, muốn làm bánh hả? Và chọn một chai ngon vừa.

Hai lần sau, anh đến tôi, cũng là mượn cớ "chén chú chén anh, chén tạc chén thù" để hàn huyên tâm sự. Anh yêu cầu tôi cho anh ăn rau muống luộc, chấm nước mắm chanh, nước rau đánh với quả cà chua, thịt heo ram mặn. Trong câu chuyện — lúc này đã rất thân mật — anh thổ lộ tâm sự cùng tôi nhiều nỗi buồn phiền, mà nay tôi nghĩ không nên nhắc lại, nên để anh làm hành trang mang theo sang bên kia thế giới.

Mặc dù tôi gạt đi nhiều lần, thỉnh thoảng trong nửa chừng câu chuyện, anh lại muốn tôi nghe anh nói về "nỗi oan" của anh. Anh kể cho tôi nghe những thủ đoạn thâm độc của cộng sản, gây nghi ngờ chia rẽ, căm thù giữa anh em tù cải tạo. Tôi cười nói cùng anh rằng, đó là "nghề của chàng", vì tôi đã chính là kiến trúc sư của chiến dịch diệt cộng tại miền trung Việt Nam, mà ba đài phát thanh cộng sản, Nga Sô, Trung Cộng, Việt Nam, chửi tôi ra rả mấy tháng ròng. Tôi đã bắt đi "Chỉnh Huấn" hàng ngàn cán bộ cộng sản từ cấp nhỏ đến cấp cao. 90% trong số này đã được thả về. Họ đã bị tôi "Đẩy qua sông rút mất cầu"; 100% số cựu cán bộ cộng sản được khoan hồng, giúp đỡ làm lại cuộc đời, không có ai bỏ lên núi, hoặc hoạt động lại cho cộng sản. Điều đó chứng tỏ cho anh thấy rằng, tôi gian ác, thủ đoạn, quỷ quyệt hơn bọn cộng sản gấp bội nên mới thành công trong lãnh vực "chỉnh huấn" (thật) bọn chúng; còn bọn chúng, "Cải Tạo" các anh, một thời gian dài, có người đến mười năm, mà hễ thả anh nào ra, là anh nấy tìm đường vượt biên. Vậy thì những mẹo vặt, thủ đoạn dỏm của chúng mà anh vừa kể, đối với tôi chỉ là trò con nít. Tôi không thể mắc lừa C.S. để có cái nhìn sai lệch về anh. Tôi tiết lộ cho anh biết rằng, không phải chỉ nghe đồn, nghe kể về những "tội lỗi" của anh trong tù, mà còn đích thân làm một cuộc điều tra cho rõ trắng đen; vì tôi bị méo mó nghề nghiệp, giao tiếp với ai là phải tìm hiểu để biết rõ người ấy. Tôi hỏi những người cùng học tập, khác trại, cùng trại với anh, mười người thì đến sáu bảy người kể xấu về anh; đến khi tôi hỏi họ có phải là nạn nhân của anh không và có biết ai là nạn nhân thật sự của anh không? Họ đều trả lời không phải và không biết. Đáng buồn hơn nữa, có người còn đem thuyết nhân quả ra để bàn đi tán lại về hậu quả tàn phế mà anh phải gánh chịu vì bị "đòn thù"; để đi đến một kết luận chắc như bắp là anh đã phạm những tội mà họ vừa, hay đã, nghe kể. Tôi liên lạc với mấy anh em quen biết trong giới văn hóa tại Paris – có người đã thường đi nhậu nhẹt với anh và anh Vũ anh Đạt– một người bạn rất quí mến anh, một số anh em văn nghệ sĩ tại Hoa Kỳ, tất cả đều chưa hề là nạn nhân, cũng chẳng cho tôi được một tên người nào hiện diện trên cõi đời này, đã từng là nạn nhân của những cái được gọi là "Tội ác" của anh, mà họ kể hoặc nghe kể lại. Những kẻ lương thiện thì đều trả lời, chỉ nghe mà không biết rõ. Vui câu chuyện, họ cũng đã phẩm bình anh về những "nghiệp" anh tạo thành qua những bút hiệu "Thương Sinh," "Nã Cẩu Cầm Tròng," "Đồng Nai Tư Mã", v.v.. Họ phẩm bình chính xác và vô tư.

Tôi kể anh nghe một câu chuyện xưa: "Có một tay võ hiệp trẻ, vừa xuống núi, tuân lời thầy dại, quyết tâm đi lùng kiếm bọn ma vương, quỉ dữ để tiêu diệt, hành đạo cứu nhân, độ thế. Hiềm nỗi, bè lũ yêu ma quỉ quái, giỏi thuật biến hình đổi dạng nên phát giác ra chúng không phải dễ dàng. Vị này có một người anh đạo sĩ, pháp thuật cao cường, bèn tìm đến thăm và thỉnh cầu dạy cho phép nhận diện được bọn này những mặt giả mỹ miều, nhân nghĩa. Người anh bèn tặng cho vị hiệp sĩ một cái kính chiếu yêu; dùng kính này chiếu vào loài yêu giả hình giả dạng, thì thấy chúng hiện nguyên hình trong gương. Có một lần, diệt quá nhiều quỉ dữ, máu chúng đẫm bàn tay, khô lại như keo gắn chặt nắm tay vào chuôi gươm bèn tìm đến bên bờ suối hầu rửa gỡ tay ra khỏi cán gươm. Khi cúi mình, cái gương chiếu yêu rớt xuống giòng nước. Ánh gương phản chiếu khuôn mặt nhà hiệp sĩ. Ông ngạc nhiên đến kinh hoàng, vì khuôn mặt ông là một con quỉ vương dữ tợn hơn loài quỉ ma mà ông đã tiêu diệt." Tôi trầm giọng nhỏ nhẻ hỏi: "Có khi nào anh lấy gương chiếu yêu soi thử diện mạo mình ra sao chưa?" Anh không trả lời, cúi mặt trầm ngâm ra chiều suy nghĩ. Tôi tâm sự: Trong cuộc đời cách mạng nghiệp dĩ của tôi, mặt trận đấu tranh cam go, dai dẳng, và khó thắng, chỉ chực bị thua, không phải ngoại cường địch, mà là chính nội tâm địch; làm sao cho mình thắng được chính mình, để mình luôn luôn còn là mình, giữ được lòng ngay, tâm chính, trí sáng. Đúng mẫu mực của người quân tử: Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năngkhuất. Lại làm sao biến những khuôn vàng thước ngọc đó, thành một thứ "bản chất tự nhiên thứ hai" (second nature), đem áp dụng vào đời sống hàng ngày dễ dàng và cần thiết như hơi thở; không gượng gạo khó khăn, càng không phải để làm duyên, làm dáng. Nói cách giản dị hơn, sống sao "cho ra cái giống người." Anh tán đồng, gật gù nói: Anh nói đúng, quả là khó, khó thật! Có lẽ vì lời tâm sự này, buổi sáng anh gọi để báo tin đã đọc hết mấy bài thơ của tôi, anh có nói: Tôi thích nhất bài ‘Ta Vẫn là Ta’. Anh hỏi tôi vì nguyên do cớ sự nào, mà tôi lại vào làm Phó Tổng giám đốc nhà phát hành Thống Nhất để trở thành một thứ "báo phiệt". Tôi cười phá lên và bảo: "Báo phiệt" khỉ mẹ gì, nói đại ngôn cho vui vậy thôi. Tôi được anh em thương, nên khi lo trả nợ họ đều đều, thì họ kéo đi ăn sáng, ăn trưa – vì mình sống một mình ở Sàigòn. Có anh cho ăn sang thì mình đi ăn sang; có anh rủ đi ăn cơm Bà Cả Đọi, thì mình theo đến Bà Cả Đọi; bà này có mấy cô con gái khá kháu khỉnh, đến vừa được ăn vừa được tán cũng khoái vậy. Chỉ có anh nào, lên mặt chủ nợ, thì mình giả đò năn nỉ, xuống nước, nhưng một tuần sau, bỗng nhiên thấy báo bán số lượng sụt xuống khoảng 500 tờ, là tá hỏa tam tinh chạy đến năn nỉ, ỉ ôi "từ nay xin chừa", theo sau là một chầu nhót Queen Bee, hoặc Tự Do, Mỹ Phụng là mọi chuyện trở lại bình thường ngay. Tôi trả lời câu anh hỏi rằng: tôi là Tổng Giám Sát Tổng Hội Cựu Chiến Sĩ, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ làm chủ tịch. Ban chấp hành, Hội đồng Giám sát, toàn cấp đại tá trở lên, chỉ có tôi là thằng Cắc ké kỳ nhông. Nhà phát hành báo chí Thống Nhất cơ quan kinh tài nuôi sống Tổng Hội CCS, nợ các nhà báo hàng chục triệu. Các nhà báo nhất quyết đòi trả hết nợ; nếu không trả được thì lấy luôn cơ sở này, đuổi Hội CCS ra cửa và tự điều hành lấy. Huyên Tạo, Tổng Giám Đốc Tổng nha Thông tin, triệu tập một phiên họp giữa hội CCS, đại diện, có Trung tướng Chủ tịch Nguyễn Ngọc Lễ và Tổng giám sát là tôi, và các nhà báo gồm đủ quý vị chủ nhiệm, chủ bút, hung hăng, dơ vuốt, nhe nanh. Chúng tôi, như bị liệng vào giữa bầy sư tử– không lãng mạn một chút nào (tên một tác phẩm của anh), chỉ chực cắn xé con mồi. Suốt mấy tiếng đồng hồ, bầy "beo" dữ xé xác Trung tướng Lễ tơi bời; tôi chỉ ngồi hút cigaro HavaTampa, lơ đãng nhìn khói bay lên trần nhà. Cuối cùng các nhà báo đưa tối hậu thư đòi tiếp thu nhà Thống Nhất, để điều hành trừ nợ; họ sẽ xuất thí cho Tổng hội CCS một số tiền hàng tháng để điều hành hội. Nếu không chịu, thì họ sẽ lập nhà phát hành riêng để tự phát hành. Trung tướng chủ tịch của tôi thì bó tay chịu trận. Chỉ đến lúc đó tôi mới lên tiếng phản công lại; nhân danh hội đồng giám sát bác bỏ hoàn toàn đề nghị của bên báo chí. Đưa phản đề nghị: chỉ nhường chức vụ Tổng giám đốc nhà phát hành Thống Nhất cho một đại diện nhà báo. Tôi cho họ biết, họ có thừa khả năng tổ chức nhà phát hành riêng; nhưng phải có thời gian là sáu tháng mới hoạt động được đều đặn. Trong sáu tháng đó tôi sẽ đích thân chỉ huy chiến dịch giết hết báo nhỏ, thương lượng với ba tờ báo lớn, trả nợ đàng hoàng và phát hành đều đặn. Tôi phân tách cho họ thấy, dù xử dụng biện pháp pháp lý, nhờ sự can thiệp của chính quyền cũng mất một quãng thời gian, đủ để tôi "giết" hết các anh. Hạ tối hậu thư, trả lời trong 24 tiếng. Rồi đứng dậy đi về; Huyện Tạo cố níu lại không được. Chung cuộc, báo chí đề cử Ngô Quân – gà nòi của anh Trần kim Tuyến – chủ nhiệm báo Sàigòn Mai làm Tổng giám đốc nhà Thống Nhất. Tổng hội CCS đề cử tôi làm phó, phụ trách về phát hành, kiêm tài chánh. Như vậy là tôi nắm trọn quyền hành cơ sở này.

Tôi kể tiếp cho anh nghe, Ngô Quân dùng quyền Tổng giám đốc; bà Bút Trà cho con dâu lai đẹp như Hằng nga, kê bàn trước văn phòng tôi, cả hai toa rập chặn tiền và tôi phải đối phó ra sao. Bà Bút Trà bị tôi kê tủ đứng vào họng để triển hạn trả tiền, lại phải xì ra ba chục ngàn tiền thưởng cho tôi chi cho các khoản nhảy nhót, du hí– Đè "thứ dữ" (Gà nòi của bà Ngô Đình Nhu) ra bóp cổ lè lưỡi lấy tiền, đúng điệu Thương Sinh, Minh Vồ Con Ong –Anh cười thú vị lắm! Nhưng tôi cảm thấy giọng cười của anh có nhiều ẩn ức, dằn vặt, thiếu một tràng cười ròn tan, vang vang thoải mái. Cho đến khi lìa trần, anh "vẫn nợ nhân gian một trận cười". Một lần khác, anh gọi giây nói nhờ tôi đến đón anh từ nhà anh Mai Thảo để đưa anh về chỗ trọ. Lần sau cùng là lần tôi đến dự buổi ra mắt sách của anh. Qua những lần gặp gỡ này, tôi nhận ra ở nơi anh, một tinh thần cang cường phấn đấu rất cao: Xe nhỏ của tôi, lúc đó đem đi chùa. Tôi phải đón anh bằng xe van, bực leo lên xe rất cao. Anh nhất định tự leo lên xe, từ chối không cho tôi giúp anh. Ý chí quật cường đã được biểu lộ, không qua lời nói, nhưng qua ánh mắt và nét mặt. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao, với tấm thân tàn phế, đáng lẽ chỉ có ngồi mà thở, anh lại có thể làm việc cực nhọc trăm chiều, để trải tim óc lên những trang giấy, cấu thành những tác phẩm đầy khí thế sắc bén đấu tranh. Trực diện tấn công vào chế độ cộng sản phi nhân đang còn kềm kẹp dân tộc Việt Nam. Số lượng tác phẩm sáng tác sau ngày tị nạn của anh phải nói là nhiều, rất nhiều; có mục tiêu lý tưởng phục vụ Tổ quốc và dân tộc rõ rệt, bất khả phủ nhận. Ngoài ra mất anh lại là một thiệt thòi lớn lao cho nền văn hóa dân tộc.

Người xưa có câu: "Cái quan định luận", tôi mong ước, từ nay trở đi, cái chết sẽ làm tan bao giận hờn; bụi thời gian sẽ vùi lấp những lời đồn vô căn cứ, con người anh sẽ được phẩm bình vô tư, công bằng và rộng lượng; hầu trả lại anh vị trí đích thực, trên văn đàn, trong lòng mọi người; xứng đáng với những đóng góp lớn lao của anh cho nền văn học và tổ quốc, dân tộc. Cho công cuộc, Diệt Cộng Cứu Nước.

Tôi biết và gần gũi anh — trên tinh thần — qua một bài phiếm luận "Giả Cầy Luận". Bẵng đi một thời gian dài đến mười năm, do một tình cờ, rất định mệnh, chúng tôi đã được gặp gỡ, kết thân qua một món ăn tuyệt cú mèo mà cả hai đều ưa thích: Giả Cầy Nhựa Mận. "Chưa vui xum họp đã sầu chia phôi", chúng tôi gặp gỡ, chuyện trò, kết thân vỏn vẹn chỉ có năm lần. Tôi viết bài Phiếm Luận này để tưởng niệm anh và cũng để ghi lại mối duyên quen biết khá ngộ nghĩnh và "tếu". Muốn gợi lại văn phong, "phá phách, chọc quê" thiên hạ của anh, nhưng vốn nhát xít, không dám chọc mấy ổ kiến lửa có nanh có đọc, đành nhè ba vị Thái Sơn, Bắc Đẩu của Nhạc, Thi, Văn đàn, mà trong mấy lần gặp nhau, anh thường nhắc đến với cảm tình rõ rệt. Lại chọn dịp Con Cá Tháng Tư (Poisson d’avril), mà theo truyền thống người ta có quyền châm chọc, đùa cợt, chọc quê rất nhả nhớt — dù quá đáng đến đâu, "nạn nhân" cũng phải cười vang thoải mái, không được cười như mếu và nhất là không được giận hờn, dù trong chốc lát.

Duyên Anh ơi!

Cứ tưởng tượng, bên kia thế giới, anh nhìn thấy "bộ diện khó coi" vì bị đem ra diễu dở, của ba đấng "chình ình" của nền văn, thi, nhạc hải ngoại, cũng là bạn quí của anh trên cõi thế này, anh sẽ cười phá lên một trận cười dài. Như vậy là tôi đã giúp anh trả nốt nợ đời, vì anh vẫn:

trăm năm dâu bể soi kim cổ
vẫn nợ nhân gian một trận cười


Khứa Lão Sinh Viên

Bang Cali, quận Cam
Mùa Cá tháng Tư, 97


Bài này được đăng trên tạp chí Non Sông (thuộc Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California phụ trách). Xuất bản năm 1997, số 85. "Khứa Lão Sinh Viên", đã qua đời, là bút hiệu của ông Trần Quốc Thái, thân phụ của luật sư Trần Đình Định hiện đang sống và làm việc tại Quận Cam, California.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn