BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73817)
(Xem: 62292)
(Xem: 39486)
(Xem: 31212)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lời Đầu (NIỀM TIN)

11 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 2097)
Lời Đầu (NIỀM TIN)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
"Bò gặm cỏ cháy thì không có sữa hoặc có sữa thì chỉ là sữa độc. Khi quê hương còn những người tuổi trẻ nổi loạn vô duyên cớ, còn những bàn tay không được xây dựng, ngứa ngáy đi phá hoại; khi đất nước còn thiếu một thế hệ xâm mình ngăn cản giặc xâm lăng thì trách nhiệm của chế độ đối với thiếu nhi còn được đặt ra. Và được đặt ra trước lương tâm mỗi người lớn"(1).

Thế nhưng, vô số người lớn đã tỏ ra vô trách nhiệm với thiếu nhi. Trước cũng như sau 1975. Họ thi đua làm giàu. Tranh giành quyền bính. Giáo dục con trẻ mau chóng trở thành bác sĩ, kỹ sư để nở nang mày mặt gia đình, nhằm tỏ ra có quyền uy với đồng loại. Vì thế, họ đã quên một điều rất hệ trọng: "Đất nước còn, dân tộc còn. Đất nước mất, mất tất cả". Đại nạn 30 tháng 4 đã làm họ ăn năn, hối hận da diết trong nhà tù, trại tập trung cộng sản. Nhiều người bị căng thẳng thần kinh vì lúc nào cũng phải đối phó với sự nguy hiểm, ngay cả trong khi ăn, khi ngủ... Rồi những lần vượt biển gian nan, kề cận nỗi chết khiến họ cắn dứt lương tâm vì đã không có hai chữ "Tổ Quốc" trong óc. Những ngày tháng lê thê trong các trại tị nạn, buồn phiền, chán nản, suy nghĩ về quá khứ mà tiếc nuối một dĩ vãng thật đẹp, thật dễ thương, thật hào hùng ở quê nhà, rồi hối hận vì không gìn giữ hai tiếng "Dân Tộc" trong tim.

Cuối cùng, họ, những người may mắn thoát được ngục tù Việt Nam. Tìm đến được quê hương thứ hai. Tư do. Một thiên đường rộng mở. Họ thành công xứ người. Họ vất bỏ những quá khứ đau thương, những kỷ niệm ứa máu, những nhục nhã đắng cay, những kinh nghiệm chết người, những sợ hãi triền miên, những đêm thiếu ngủ, những ngày thiếu ăn xuống đại dương. Buồn thay, họ quăng luôn Tổ Quốc và Dân Tộc vào biển cả. Từ đó, họ bắt đầu tụ họp "bàn chuyện" quê hương đất nước. Trong khi đó, linh hồn Tổ Quốc đang trôi giật giờ, vô hạn định giữa sóng nước mênh mông. Tôi không biết những Việt kiều vô trách nhiệm đó, trong những chuyến "qui cố hương", ngồi trên phi cơ có bao giờ ngóng cổ xuống biển xanh bao la để tìm kiếm linh hồn Tổ Quốc? Nhưng tôi biết chắc một điều rằng họ thừa trách nhiệm để "đàn áp" những tiếng nói gióng lên nhằm tìm lại Dân Tộc, Tổ Quốc. Một trong những tiếng nói vang dội nhất, uy lực nhất, sâu sắc nhất, tiếng nói của nhà văn Duyên Anh, bị hạng người chối bỏ Tổ Quốc bôi lọ tận tình nhất.

Nhiệm vụ của chúng ta, những người tuổi trẻ cần thiết phải tìm về sự thật. Phải biết tìm kiếm lẽ phải, chân lý để nhà văn Duyên Anh được hạnh phúc trên thiên đường. Để không uổng công hàng ngàn trang sách Duyên Anh viết về tuổi trẻ, cho tuổi trẻ. Với mục đích đó, quyển sách này ra đời. Nhằm vinh danh nhà văn Duyên Anh. Chưa đủ. Tôi ao ước các bạn trẻ, những người mà Duyên Anh thường nhắc nhở đến nhiều nhất trong suốt cuộc đời văn chương của ông ta, hãy kiên trì, nhẫn nại, dấn thân thực hiện cho bằng được những tư tưởng, những hoài bảo, những ước mơ của ông. Nhưng, thưa các bạn, nhà văn Duyên Anh mơ ước gì nhỉ?

nhavanduyenanh1972
Nhà văn Duyên Anh (1972)

Từ tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý gồm những truyện ngắn làm rung động lòng người. Các truyện ngắn đó thật buồn, buồn muốn khóc. Buồn đến mức mà một độc giả sau khi đọc Hoa Thiên Lý xong phải thở dài, than rằng: "Ông Duyên Anh, tôi bắt đền ông đấy. Truyện của ông buồn quá". Với Hoa Thiên Lý buồn muốn khóc, Duyên Anh đã đi xa thật xa. Từ một nhà văn viết cho tuổi trẻ Việt Nam sáng giá nhất, nhiều độc giả nhất, Duyên Anh đã đến và tới vùng trời văn học Âu Châu để làm vẻ vang dân tộc Việt. Cũng bằng lối viết cũ nhưng nay thêm độc giả mới, Duyên Anh đã thật sự làm xúc động lòng người ngoại quốc. Ông khẳng định rõ rệt, minh bạch: "Thiếu tổ quốc, hình như không có lịch sử, và mọi chuyện đều vá víu tạm bợ. Vậy thì tham vọng văn chương của tôi, bây giờ, là ngày mai của tổ quốc tôi. Muốn có ngày mai của tổ quốc, tôi phải chiến đấu. Văn chương của tôi là văn chương chiến đấu, là tư tưởng dấy động, là chữ nghĩa lên đường, không thể là văn chương chết, là tư tưởng ngồi, là chữ nghĩa nằm. Văn chương ấy phải làm cho thế giới xúc động mà cảm thông nỗi khổ của dân tộc tôi".

Thưa các bạn, Duyên Anh đã thật sự làm thế giới Tây phương xúc động. Ông ta phơi bày bộ mặt trơ trẽn, bỉ ổi, giả nhân, giả nghĩa, độc tài, tàn bạo... của chính quyền Hà Nội trước công luận thế giới. Từ ngày Duyên Anh ra tù, 1982 cho đến ngày ông ta bị đại nạn, 1988, chỉ vỏn vẹn 6 năm "tự do" nhưng Duyên Anh đã làm được những điều mà vô số nhà văn được hoàn toàn tự do sau 30/4/1975 không thể làm nổi là: "Mang được tiếng nói đẹp đẽ vào mặt trận tư tưởng để tranh đấu giải phóng quê hương và dân tộc Việt Nam".(2)

Từ Hoa Thiên Lý đến Đồi Fanta, từ chập chững vào "nghề" đến "một nhà thơ lớn, một niềm hãnh diện và vẻ vang cho quốc gia" (3), Duyên Anh luôn luôn trung thành với tuổi trẻ và tổ quốc Việt Nam. Ông ta viết văn để giáo dục, xây dựng tuổi trẻ nhằm làm những việc ích lợi cho tổ quốc, cho đồng bào. Ông ta viết tiểu thuyết như ông ta đi chiến đấu cho tổ quốc Việt Nam vậy.

Với nhi đồng, Duyên Anh trìu mến:

Trang vỡ lòng thầy dạy
Đánh vần chữ Việt Nam
Con ơi, nước con đấy
Đẹp tự bốn nghìn năm


Với thiếu niên, Duyên Anh thiết tha: "Các con ơi, các con hãy yêu lịch sử nước ta. Trang sử nào của nước ta cũng đẹp cả. Tổ tiên ta đã dùng mồ hôi, nước mắt, xương trắng máu đào viết lên lịch sử của nòi Hồng Lạc. Các con yêu lịch sử là các con yêu tổ quốc quê hương. Và, mai sau, các con sẽ viết thêm sử sách những trang hào hùng hơn. Nếu các con yêu sử nước nhà, không bao giờ các con để mất quê hương, không bao giờ các con nỡ để tổ quốc điêu đứng..."

Với thanh niên, Duyên Anh nhắn nhủ: "Muốn tiếng nói của mình dõng dạc trên một thế đứng vững chãi, muốn bàn tay của mình khỏi bị trói buộc, muốn thế hệ mình làm nổi gió cho quê hương, người tuổi trẻ phải trường kỳ tranh đấu. Âm thầm và nhẫn nhục. Chấp nhận lép vế hôm nay cho kiêu hãnh ngày mai...", khẳng định: "Chẳng có bão tố nào thiếu tuổi trẻ nổi gió. Chẳng có dấy động nào thiếu tuổi trẻ tiên phong. Chẳng có cách mạng nào thiếu tuổi trẻ mở đường", thôi thúc: "Đã đến lúc tuổi trẻ đã tự đội nón đứng lên chưa?"

Với người cầm bút, Duyên Anh vạch rõ: "Bổn phận của nhà văn là lay động cái bóng tối u mê phủ kín những tham vọng đê tiện làm què quặt dân tộc, làm u ám quê hương", chua xót: "Người ta đã khước từ cái sứ mạng cầm bút đó. Rốt cuộc, mặt trận mà cộng sản sợ hãi nhất là Mặt Trận Văn Hóa thì hoàn toàn im lặng, thụ động. Thụ động buồn tênh trong cái thế tư tưởng quốc gia đối kháng tư tưởng mác xít, chủ nghĩa nhân bản đối kháng chủ nghĩa phi nhân".

Với thế giới bên ngoài, Duyên Anh thấu hiểu: "Nhân loại vẫn chưa vỡ lẽ cộng sản đâu. Chúng ta cần giáo dục nhân loại: dưới chế độ cộng sản, sống đã nhục nhã mà chết càng nhục nhằn. Muốn sống không được sống, muốn chết không được chết!"

Cứ thế mà thẳng tiến. Duyên Anh cô đơn, lầm lũi đi làm đẹp dân tộc, làm đẹp tổ quốc. Thiếu hậu thuẫn của đồng bào. Vắng trợ giúp của đồng nghiệp. Một chút ủng hộ của các hội đoàn, trung tâm văn bút cũng không có! Nhưng Duyên Anh vẫn chiến đấu, một mình: "Ở bất cứ một cảnh huống nào, con người bị hạ giá, con người bị bạo lực chế ngự, chữ nghĩa phải dấy động, tư tưởng phải lên đường. Người cầm bút phải có thái độ với bạo lực, bất kể bạo lực đến từ phía nào. Khi bạo lực còn đe dọa con người hàng ngày, thi ca và văn chương không thể là thứ trang trí cho hạnh phúc giả tạo, khiêu vũ trên thống khổ của đồng loại... Đi về phía trước, đó là tín hiệu dấn thân quyệt liệt của chữ nghĩa. Trong mọi hoàn cảnh, khi bạo lực diễn hành khiêu khích, khi chủ nghĩa quất xuống thân phận con người những ngọn roi nghiệt ngã, khi lưỡi lê độc tài đâm chẩy máu dân chủ, tự do, khi hứa hẹn biến thành phản phúc, những khi ấy sẵn sàng nổi giận. Là người, chúng ta ngẩng mặt chiến đấu"(4).

Thưa các bạn, tôi hoàn toàn không đủ chữ nghĩa để vinh danh nhà văn Duyên Anh. Trước 30/4/1975, đã có Nguyễn Mạnh Côn, Nguyên Sa, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, các trường đại học, các trường trung học v.v... ca ngợi, tán thưởng nhà văn "tuổi trẻ" này. Sau 30/4/1975, cộng sản Việt Nam "tặng" Duyên Anh cấp bậc "biệt kích văn nghệ miền Nam". Nhiều nhà văn ngoại quốc ví Duyên Anh như Soljenytsine Việt Nam, như Vercors. Nhiều nhà báo ngoại quốc, các đài truyền thanh, truyền hình phỏng vấn Duyên Anh. Việt Nam hải ngoại thì có "Duyên Anh và mặt trận quốc tế vận" của Phạm Kim Vinh, "Biệt kích văn nghệ Duyên Anh" của Vũ Trung Hiền v.v... Những dẫn chứng tôi vừa nêu trên, sẽ được đề cập trong quyển sách này, đủ để chứng nhận rằng: "Duyên Anh, nhà văn bất hủ của Việt Nam cuối thế kỷ 20".

Do đó, nội dung quyển sách này chỉ là đúc kết những tư tưởng, suy tư của nhà văn Duyên Anh rải rác trong các tiểu thuyết, tác phẩm dành cho tuổi trẻ, tuổi già trong suốt cuộc đời của ông ta. Qua đó, các bạn sẽ nhận thức được rằng: Duyên Anh, không chỉ là một nhà văn mà còn là một chiến sĩ chống độc tài cộng sản, chống gian xảo tư bản, chống bất công phi lý, chống quốc gia dơ bẩn vân vân và vân vân. Các bạn sẽ được nghe những tâm sự của Duyên Anh giành cho tuổi trẻ. Những ưu tư, tâm huyết của ông ta đối với thanh niên, tổ quốc. Các bạn sẽ được nhắc nhở lại những bài công dân giáo dục ngày xưa. Các bạn sẽ được nhắn nhủ về trách nhiệm và bổn phận của các bạn đối với quê hương, đất nước. Để làm gì? Để chúng ta không bị xa lìa tổ quốc mặc dầu chúng ta đang sống trên đất người. Để chúng ta đoàn kết một lòng tìm về non sông, dân tộc. Để chúng ta cùng nhau xây dựng một niềm tin mãnh liệt về một nước Việt Nam tự do, nhân bản đầu thế kỷ 21.

Lê Dinh


1 Bò sữa gặm cỏ cháy - Duyên Anh - 1967

2 Duyên Anh và mặt trận quốc tế vận - Phạm Kim Vinh - 1987

3 Giới thiệu nhà thơ Duyên Anh của Pierre Chaunu: nhà văn, sử gia, nhà xã hội học, tư tưởng gia nổi tiếng của Pháp

4 Sự dấn thân của văn chương - Đề tài này được Duyên Anh phát biểu khi được mời đại diện cho người Việt Nam để tham dự Đại Hội Các Nhà Văn Quốc Tế có mặt tại Pháp, do cơ quan văn hóa Pháp tổ chức tại Montreuil trong hai ngày 10 và 11 tháng 4 năm 1987
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn