BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đối thoại...?

27 Tháng Ba 200812:00 SA(Xem: 1310)
Đối thoại...?
53Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.54
Trước đây trong bài viết “Nỗi buồn mang tên Việt Nam” tôi đã viết về những suy nghĩ và những cảm xúc đầy cay đắng, chua xót của tôi cũng như của bạn bè tôi khi quyết định bày tỏ thái độ về việc Trung Quốc ngang nhiên có những động thái xác nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam nhưng lại không được Nhà Nước cho phép!



Trong bài viết đó, tôi đã nói một ý rằng đối với những người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc, “sự cay đắng lớn nhất nhiều khi không phải từ những gì phải nhận từ phía chính quyền mà từ những người chung quanh. Người ta sẽ nhìn chúng ta như những kẻ rỗi hơi thừa giờ đi làm những việc tào lao, những kẻ thiếu khôn ngoan hoặc cố tình lập dị, hoặc bất tài, thất bại, có điều gì bất mãn cá nhân nên đâm ra bất mãn xã hội, còn nếu ta không thất bại mà lại có chút thành đạt trong công việc của mình, thậm chí thuộc loại có tiền thì chắc là…muốn chơi trội để gây chú ý!…”.

Thậm chí có người còn bảo: lại bị bọn xấu xúi giục đây! Khi những người dân oan từ các tỉnh kéo lên thành phố ăn dầm nằm dề ngủ bụi ngủ bờ trước cửa Văn phòng 2 của Quốc hội ở đường Hoàng Văn Thụ-Sài Gòn, tôi cũng đọc thấy có bài báo viết rằng dân chúng bị “kẻ xấu” kích động, xúi giục! Cứ thử nghĩ mà xem, đất đai nhà cửa của người nông dân bị giải toả rồi đền bù với giá rẻ mạt không thoả đáng, trong khi đó họ lại chứng kiến những người khác mua đi bán lại những miếng đất đó với giá cao gấp bao nhiêu lần, làm giàu trắng trợn ngay trước mắt họ, mà khi họ đi khiếu kiện hết năm này qua tháng nọ thì không ai giải quyết cho; chính nỗi đau, nỗi uất ức đó mới có thể khiến họ khăn gói từ làng quê xa xôi lên thành phố ăn chực nằm chờ cả tháng như vậy chứ chẳng phải vì “kẻ xấu” nào đó xúi giục, dúi cho ít tiền mà khiến họ phải bỏ ruộng bỏ nhà đi làm cái việc kêu oan một cách vô vọng. Mà nếu có trường hợp nào như vậy thì đó chỉ là cá biệt, thiểu số, còn nỗi oan về đất đai là có thật và đang là vấn đề bức xúc nhất của nông dân ở nhiều nơi.

Là một con người, sống trong một đất nước, một xã hội, nếu chưa bị vô cảm hoặc quá hời hợt đến mức chẳng quan tâm đến bất cứ chuyện gì trái tai gai mắt, bất công, phi lý đang xảy ra chung quanh hàng ngày, người ta chắc chắn phải có những cảm xúc, chính kiến, quan điểm, thái độ chính trị-xã hội. Nhìn chung không ai lại không mong muốn cho cái xã hội mà họ đang sống trong đó ngày càng tốt đẹp hơn, phát triển một cách nhân bản hơn, các quyền tự do dân chủ và quyền làm người của nhân dân phải được tôn trọng hơn. Nhưng trong một xã hội được điều hành bởi một thể chế độc tài, khoan nói đến sự khó khăn trong quá trình đối thoại giữa nhân dân với chính quyền -điều này gần như…vô vọng; trước hết ngay cả việc đối thoại giữa con người và con người với nhau trong xã hội đó phải nói rằng cực kỳ khó khăn.

Đọc những cuốn tiểu thuyết của Solzhenitsyn viết cách đây mấy mươi năm về xã hội Nga Xô dưới thời Xtalin cho tới những cuốn tiểu thuyết gần đây của Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện về xã hội Trung Quốc bây giờ, có thể thấy từ bầu không khí xã hội, môi trường sống cho tới cách hành xử giữa con người và con người với nhau chẳng đổi khác gì bao nhiêu. Vẫn là một sự ngột ngạt, một nỗi sợ hãi bao trùm, người này nghi kỵ dò la người kia, sẵn sàng tố giác nhau, sẵn sàng nhảy xổ vào nhau lên án nhau là “ bọn phản động, có âm mưu chống lại chế độ, chống lại lãnh tụ, huỷ hoại thành tựu xã hội chủ nghĩa…”

Khi phải sống quá lâu trong một thể chế phi dân chủ, giống như khi phải sống quá lâu trong một môi trường bị ô nhiễm nặng nề, con người bị mắc nhiều thứ bệnh mà không biết.

Dạng thứ nhất là do được giáo dục, cung cấp thông tin suốt bao nhiêu năm theo kiểu một chiều và chỉ có một nửa sự thật, rất nhiều người đã thành thật tin vào những điều mà mình được giáo dục, được thông tin đó đến mức không thể chấp nhận có vô vàn những điều dối trá sai lầm trong đó. Và nếu có ai nói bất cứ điều gì khác với những điều họ đã được dạy, đã tin vào, lập tức họ quy kết ngay cho những người đó là phản động, bôi bác chế độ, có mối hằn thù cá nhân gì đó đối với chế độ…và khăng khăng cho rằng mọi thông tin trái chiều đó là bịa đặt, sai trái…Những người như vậy không thể đối thoại và cũng không thể thay đổi.

Một dạng khác cũng là một trong những căn bệnh trầm kha dễ thấy nhưng khó chữa ở người dân sống trong một thể chế độc tài toàn trị lâu ngày, đó là bệnh hèn hạ, bạc nhược, sợ hãi tất cả mọi thứ và chỉ muốn an thân. Nỗi sợ hãi ấy nặng nề đến nỗi không những người ta tự “biên tập”, tự “kiểm duyệt” mọi hành vi thái độ lời ăn tiếng nói của mình mà người ta còn kiểm duyệt dùm cho cả người khác hoặc né xa người khác nếu thấy người đó có những quan điểm, thái độ chính trị có thể…gây liên lụy cho mình. Nếu so với những năm 50,60, 70 hay 80… nỗi sợ hãi ấy nhìn bên ngoài tưởng như đã bớt đi vì bây giờ ít nhất từ người dân thường cho tới người trí thức nào cũng đầy bức xúc và có thể nói toang toang với nhau về những bất công, phi lý, tệ nạn này kia của xã hội. Nhưng sâu xa hơn thì nỗi sợ ấy vẫn còn nguyên như thế trong mỗi người, khi cần phải công khai, danh chính ngôn thuận có một thái độ về một vấn đề gì đó là người ta lập tức rụt lại ngay.

Cũng có những người thấy được, hiểu được vấn đề nhưng sợ mọi sự thay đổi, mọi xáo trộn. Và cái thói quen bạc nhược, chỉ muốn cầu an khiến người ta tự động tìm ra những lập luận, cách lý giải mọi chuyện theo hướng…AQ. Một trong những lập luận rất hay được chính quyền và cả những người như vậy đưa ra, là xã hội nào mà chả có vấn đề, xã hội nào mà chả có tham nhũng, bất công, có người giàu kẻ nghèo…, ở Mỹ nó cũng có khối vấn đề đó thôi. Hoặc so với thời bao cấp thì bây giờ mọi người sướng hơn nhiều quá rồi, hoặc dù sao ở nước mình cũng ổn định về chính trị còn hơn khối nước cứ tối ngày có nạn khủng bố, đảo chính, vả lại dân trí nước mình còn thấp đa đảng để mà loạn à, VN mình đã từng bị chiến tranh đổ máu nhiều rồi bây giờ tuyệt đối không thể nào để cho bất cứ chuyện bạo động, thay đổi gì xảy ra nữa v.v và v.v.

Không ai chối cãi rằng bây giờ bộ mặt kinh tế của Việt Nam đã và đang thay đổi nhiều, đời sống người dân đỡ hơn nhiều so với thời bao cấp trước kia…Nhưng đừng quên rằng trong khi chúng ta đang tiến lên thì thế giới vẫn không hề dừng lại và mọi lý luận bao biện cũng không thể phủ nhận một sự thật rằng đất nước chúng ta chắc chắn sẽ phát triển tốt đẹp hơn và nội lực của cả dân tộc sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nhiều nếu với một thể chế chính trị tự do hơn, dân chủ hơn, trong đó không chỉ cần có sự cạnh tranh về kinh tế mà cả sự cạnh tranh về chính trị; trong đó con người phải được giải phóng khỏi mọi nỗi sợ hãi, mọi suy nghĩ một chiều, mọi sự áp chế vô hình về mặt tinh thần; giữa chính quyền và nhân dân, giữa con người và con người trong xã hội phải đối thoại được với nhau…

Đối thoại -một điều tưởng như đơn giản mà không hề đơn giản chút nào. Trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người, nếu không thể truyền thông, không thể đối thoại được với nhau-bi kịch chắc chắn sẽ xảy ra. Mối quan hệ giữa một nhà nước với nhân dân cũng vậy. Mọi Nhà Nước chuyên chế độc tài luôn luôn tìm mọi cách để né tránh phải đối thoại trực tiếp với người dân, một mặt chơi bài vờ như không biết không nghe không thấy những căn bệnh của xã hội và nỗi bức xúc của người dân, một mặt sử dụng giáo dục + truyền thông để tiếp tục nhồi nhét những thông tin một chiều, đánh tráo khái niệm, bưng bít sự thật, và không ngần ngại sử dụng sức mạnh để đàn áp mọi sự đòi hỏi, phản kháng của người dân khi cần thiết. Điều đó chỉ tạo nên một sự ổn định giả tạo trên bề mặt, những căn bệnh ung thư không được chữa sẽ vẫn tiếp tục huỷ hoại cái cơ thể xã hội với một mức độ phá hoại ngày càng lớn và khi có điều kiện để hồi phục thì sự hồi phục ấy cũng vất vả hơn, chậm hơn hàng thế hệ.

Có rất nhiều người trí thức có tài và có tâm hiện nay, khi ý thức được tình trạng không thể đối thoại được với chính quyền cũng không hy vọng gì vào một sự thay đổi một sớm một chiều, họ đành chọn giải pháp ráng làm người tử tế trong một xã hội mà điều tử tế trở thành hiếm hoi, rán không xả thêm rác vào xã hội, rán làm những điều nhỏ bé nhất có thể trong phạm vi của mình để đóng góp thêm một làn hơi nhỏ nhoi vào sự dịch chuyển cái cỗ xe nặng nề của đất nước trong đó cứ một người đẩy lên lại ngàn người kéo lùi lại. Điều đó thật đáng quý biết bao, nhưng… lại một lần nữa…phải thở dài ngậm ngùi mà nhắc lại rằng, trong khi chúng ta lãng phí hàng bao nhiêu thứ, từ thời gian, tài nguyên của đất nước cho đến vốn quý của xã hội là con người để chỉ nhích lên một milimét thì thế giới không hề dừng lại để chờ đợi !

Song Chi
ngày 27/03/2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn