BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73798)
(Xem: 62286)
(Xem: 39481)
(Xem: 31206)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trường hợp của nhạc sĩ Tô Hải

01 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 1351)
Trường hợp của nhạc sĩ Tô Hải
514Vote
43Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.817
Khi quyển: “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” được ra mắt tại vùng Nam California ngày 13 tháng 06 vừa qua thì đã được độc giả nồng nhiệt đón tiếp.

Ấn bản đầu của quyển sách nầy (ở Tủ Sách Tiếng Quê Hương) đã bán hết sạch. Ngay sau buổi ra mắt cũng có các bài viết phê bình (Nhạc Sĩ Tô Hải, Hèn Hay Không Hèn? của tác giả Đỗ Văn Phúc đăng ở vài trang web và diễn đàn khác nhau, không ghi rõ ngày tháng), và ở bài khác (Bức Chân Dung Tự Hoạ của Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất). Nội dung chính trong hai bài viết kể trên chỉ nhằm phê bình vào tác giả Tô Hải là người con trai “mất dạy” vì đã “ra lệnh đập vỡ tấm bia mộ” của thân sinh mình.

… ” Hội đồng gia tộc trong họ của anh ta đã họp lại và nhất quyết khai trừ khỏi họ hàng “thằng con mất dạy” dám đập mả bố nó.” (trích trong: Bức Chân Dung Tự Hoạ, Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất) và “Tô Hải đã biểu lộ bản chất CS mất dạy của mình bằng cách lớn tiếng chửi bới và ra lệnh đập vỡ tấm bia mộ cha mình”. (trích trong: Nhạc Sĩ Tô Hải, Hèn hay Không Hèn? Đỗ Văn Phúc).

Ở đây, PTV (tác giả) không bàn về các bài viết kể trên cũng như về quyển sách Hồi Ký Của Một Thằng Hèn (HKCMTH), hoặc viết về tiểu sử của nhạc sĩ Tô Hải (vì đã có các bài viết của tác giả khác về các chuyện nầy rồi) mà chỉ muốn trình bầy cho quí độc giả các bài viết khác của ông, để xem con người ông ra sao? Trong trường hợp nào mà ông tự nhận là: MỘT NGƯỜI HÈN.

Nhạc sĩ Tô Hải có HÈN như lời ông bộc bạch không? Thực ra từ rất lâu, nhạc sĩ Tô Hải đã viết các bài viết ngắn như bút ký, tự sự … về những chuyện quá khứ trong đời ông đã trải từ lúc ông còn là một Vệ Quốc Đoàn (thời 9 năm đánh Tây), các tản mạn về những sự việc đã, đang xẩy ra trong nước của những lúc gần đây (Dự án xa lộ Đông Tây, vụ biểu tình về Hoàng Sa-Trường Sa…), về bạn bè (những cựu bộ đội đồng khóa VI trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, về các họa sĩ Lưu Công Nhân, Dương Bích Liên, các văn-thi sĩ Phùng Cung, Phùng Quán, Tuân Nguyễn …), và những thực tế trong xã hội đã làm ông sáng mắt (những người dân thành thị miền Nam sau ngày 30-4-1975). Những bài viết của ông được đặt tên là những điều đang “từ hiện tại” làm ông nhớ phải đến quá khứ “, những “suy nghĩ lẩm cẩm vào đầu năm” hoặc về các cá nhân nổi tiếng như ông Trần Thiếu Bảo (Giám Đốc Nhà Xuất Bản Minh Đức trong vụ án văn hóa Nhân Văn-Giai Phẩm trong cuối thập niên 1950), về anh nhạc sĩ trẻ Nguyễn Thanh Toán (Toán Xồm) và với cá nhân Lê Khả Phiêu cũng như cả với lãnh tụ Hồ Chí Minh nữa. Ta hãy đọc các đoạn viết dưới đây của ông:

Những ngày tháng trong giai đoạn 30-4-1975:

… ” Và đi đâu tớ đều thấy cái THỰC TẾ RÀNH RÀNH là miền Nam sướng gấp trăm lần miền Bắc, dù tiếng súng chỉ mới im lặng sau miền Bắc có hơn 2 năm trời (chỉ tính từ khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc). Hàng hóa, thực phẩm từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy thừa mứa, rẻ rề. Trong khi ở miền Bắc, miếng đậu phụ, lạng thịt cũng phải có phiếu thì ở miền Nam, bác ngư dân Hai Tường ở Cà Mâu có thể ngồi tại nhà quờ tay xuống nước vớt lên cả một cần xé cá, tôm đang còn giãy đành đạch, chiêu đãi đoàn nhạc sỹ cánh tớ nhậu suốt một ngày! Buồn cười Huy Du, có tiếng là thật thà còn hỏi nhỏ bác chủ nhà: “Ba bữa nhậu ngày, một bữa cháo rắn hổ mang đêm, thế này, có làm bác tốn kém lắm không”? Bác ta cười ha hả trả lời: “Tôm cá dưới sông, rắn nằm trong bụi, có mất tiền mua đâu mà tốn với kém!”. Nói rồi, bác cầm bao “555″, rút một điếu, xé giấy, vứt đầu lọc, nhồi thuốc vào… nõ điếu thuốc lào, rít một hơi dài, rồi nói thêm trong khói thuốc: “Các chú thế là chưa biết gì về miệt Cà Mâu này rồi! Chim trên trời, cá tôm dưới nước, thiên nhiên này nuôi sống chúng tôi bao đời nay! Chẳng lo phải thiếu miếng ăn đâu mấy chú ạ! Bây giờ hòa bình rồi, tha hồ mà đi khơi, đi lộng, chẳng lo tên bay đạn lạc, lo tàu Hải Quân xục sạo tìm Việt Cộng, cản trở làm ăn, thế là sướng rồi! Nào! Nhậu đi mấy chú!”. Thế đấy, một người ngư dân bình thường đã “tuyên truyền” về cái sướng vật chất (và có lẽ cả tinh thần?) hơn hẳn của miền Nam bị “kìm kẹp”, cho chúng tớ quá đơn giản nhưng cực kỳ … thuyết phục!

Tớ không đến nỗi bất ngờ mà phải “ngồi xuống vệ đường mà khóc vì thấy mình bị đánh lừa” như Dương Thu Hương. Trái lại tớ lo, lo cho tương lai của bác ngư dân này khi “bị” vào hợp tác xã, phải bán sản phẩm cho Mậu Dịch, phải cấm cả miệng mình ăn một con tôm do chính tay mình câu lên (một trong những điều cấm của các hợp tác xã đánh bắt thủy hải sản ở Đồ Sơn, ở Cát Bà, Cát Hải mà Sở Thủy Sản Hải Phòng đã tổ chức cho một đoàn nhạc sỹ chúng tớ đi thực tế để …trái tim thấy nhiều lần nhói lên về cái thực tế phũ phàng này!). Trên đường về, trên xe, một trong những đề tài thường được chúng tớ tranh luận là: Miền Nam có thể nào đi theo con đường tiến lên XHCN kiểu miền Bắc không? Và gần như ai cũng nhận thức được “Cái mảnh đất giầu có trời cho”, cái con người miền Nam sống tự do như dân vùng Cà Mâu này khó có thể chịu cái cảnh sống của ngư dân Đồ Sơn, Cát Hải được! … Tuy nhiên, đêm đó tại căn hộ của tớ cũng nổ ra một cuộc tranh luận về đề tài: Liệu “Ta” có cải tạo tư sản, có cấm buôn bán, liệu có đóng cửa hết mọi cửa hàng ăn, các cafeteria, các bar như Rex, Givral, Maxim’s … không? Chỉ riêng tớ là dám nói: “Sẽ cấm!” Còn tất cả đều ngờ vực … Vì tớ là một anh ăn nói liều mạng nhất nên tớ dám phát ngôn “vô trách nhiệm” là …trong tay ông X, ông Z thì … mười Chợ Lớn các ông ấy cũng phá tan như không! Chủ nghĩa xã hội đâu chấp nhận cái cảnh giai cấp trung gian (tức là thương nghiệp), đâu có chấp nhận công cụ sản xuất (nhà máy) nằm trong tay bọn tư sản!

Nhân đây cũng xin kể một chuyện vui mà có thật 100%. Em ruột tớ (Tô Hiền), nhân có dịp các văn nghệ sỹ miền Bắc vào cũng có ý “khoe” tớ và đám bạn bè tớ cho mấy anh em trí thức văn nghệ sỹ miền Nam, bèn tổ chức một bữa tiệc mừng tại biệt thự Tĩnh Tâm của bố tớ để lại. Trong lúc Tô Hiền đang còn dài dòng giới thiệu chưa xong thì, họa sỹ Lưu Công Nhân, bạn học của Hiền thời kỳ Pháp thuộc, bỗng cầm cốc rượu Napoléon lên, đứng phắt dạy, ngắt lời: “Này thôi thôi! Mời các vị nâng cốc uống mau đi, kẻo ít nữa chẳng có … đéo gì nữa mà tiệc với tùng đâu!!”. Cử tọa lặng người vì câu nói quá “bá láp” của cái ông họa sỹ cộng sản này! Kể ra LCN nói cũng thiếu … văn nghệ một chút nhưng những điều anh nói ra rõ ràng là sau này trở thành sự thật khi nhu yếu phẩm, từng lạng thịt, thìa bột ngọt cũng phải chia về cơ quan, khối phố! Cũng xin nói thêm sau này chính anh là người thứ hai, sau Dương Bích Liên xin ra Đảng và còn cười giỡn và nói: “Tao vào Đảng sau mà lại được ra trước, khối thằng vào trước tao mà cũng chưa được ra!”. Chuyện này trong giới văn nghệ miền Bắc còn kể cho nhau nghe mãi về sau … khi anh đã không chiụ “lệnh trục xuất” về Bắc của ông Bảy Bảo Định Giang mà sẵn sàng ra khỏi biên chế để được ở lại miền Nam làm một anh “họa sỹ tự do” cho đến năm 2007 thì qua đời ở Đà lạt. Thực tế ở miền Nam nó phản tỉnh vào tâm hồn con người văn nghệ sỹ bằng nhiều cách nhưng nói chung là mọi nhân sinh quan, mọi lập trường, quan điểm nó đảo lộn tất cả trong mọi cái đầu và trái tim của những người đã từng làm văn nghệ minh họa (mà đại tá nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết lời ai điếu). Dẫn chứng gần nhất là lời tuyên bố của nhà văn nổi tiếng là khôn, Nguyễn Khải, trên giường bệnh lúc sắp giã từ cuộc đời được đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 11/1/2008 là: “Miền Bắc cho tôi Độc Lập, miền Nam cho tôi Dân chủ và Tự do”, thì đủ biết THỰC TẾ MIỀN NAM đã giải phóng cái đầu và trái tim tụi tớ như thế nào! Và chẳng phải một mình giới văn nghệ, giới chính trị cũng phải nhận thức ra “Không thay đổi cách nhìn, cách lãnh đạo là … nguy to! Và … “Đổi Mới” đã ra đời … Cả hai miền đã đuợc … “cởi trói” tiến vào kinh tế thị trường nhưng … đang còn vướng cái đuôi … XHCN???????? ( trích trong: Đi thực tế miền Nam mới “giải phóng”).

… “Cho nên, tớ càng thấy mến phục những nhân tài thật sự của miền Nam bao nhiêu thì lại càng … thương cho mấy bác văn nghệ bị ăn quá nhiều “lạp xường” ở miền Bắc bấy nhiêu. Cứ tưởng Đảng ta thắng về quân sự phen này thì văn nghệ của Đảng cũng đại thắng ở vùng mới giải phóng … Sự thật ra sao, cho đến ngày hôm nay, sang năm con chuột mậu (chưa dịch) này từ con nít cũng biết Văn Nghệ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa đã “hô biến” trên thị trường! Diễn biến của cuộc đấu tranh ai thắng ai trên mặt trận văn hóa văn nghệ này là cả một quá trình trên 30 năm, trong đó có tớ tham gia 11 năm rồi “bỏ của chạy lấy người” (về hưu năm 1986)…

… “Bởi vậy, chưa giải phóng miền Nam mà tại miền Bắc đã vang lên từ các gia đình cán bộ đến quán trà đầu phố những tiếng hát Thái Thanh, Lệ Thu, Hà Thanh, Elvis Phương và nhất là Khánh Ly, cái giọng ma quái đã hút hồn kể cả nhưng nhà lãnh đạo “có cỡ” bằng những ca khúc của Trịnh Công Sơn, chẳng ủng hộ ai mà cũng chẳng chửi ai cả!”. (trích trong: Thần Tốc Vô Sài Gòn).

… “Phải nói thẳng ra rằng: Tớ yêu Sài gòn, yêu miền Nam chẳng vì bất cứ cái lý tưởng chính trị nào mà chỉ thèm được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, bè bạn và được sống, ăn, ở, mặc, đi lại, ít nhất cũng bằng bác cai Thư, chuyên làm loong toong sai vặt cho Sở của bố tớ trước 45! Nói trắng ra rằng: Tớ hoàn toàn tin tưởng ở cuộc sống vật chất của miền Nam hơn hẳn miền Bắc ngay từ những khi còn đi học, huống hồ 30 năm viện trợ Hoa Kỳ đổ vào, lẽ nào vô Sài gòn tớ không có cuộc sống vật chất gấp 100 lần khi còn ở miền Bắc sao? Với niềm tin không thể lay chuyển đó, tớ đổ bộ xuống sân bay Tân Sơn Nhất mà người cứ lâng lâng như say rượu, cứ ngơ ngơ ngác ngác, luống ca luống cuống kể cả tới khi khi leo lên chiếc xe Ford 8 máy ra tận máy bay đón bọn tớ! Có lẽ cậu lái xe (cháu nhà văn Nguyễn Văn Bổng) muốn khoe “Hòn Ngọc Viễn Đông” để “hù” mấy anh văn nghệ miền Bắc nên anh đã cho xe chạy đi khắp cả những con đường đông vui nhất, nhiều nhà hàng, khách sạn nhất…trước khi đưa bọn tớ về cái building 83 Phan Kế Bính, nơi tạm đặt trụ sở của Nhà Xuất Bản Giải Phóng!”. (trích trong: Sài Gòn, những cú sốc liên tiếp…).

… ” Và tớ tin hoàn toàn vào những gì mà các bạn trẻ hôm nay và mai sau sẽ còn được đọc nhiều “những trang đời” rất thật của nhiều tác giả khác nữa sau này … trong đó có tớ! Tóm lại là, như tớ đã viết trong một entry, văn nghệ sỹ miền Bắc chúng tớ, so với anh em ở miền Nam thì … thua đứt đi cái Tự Do Sáng Tác! Họ không phải viết theo yêu cầu của một cơ quan, đảng phái hay một tổ chức, nhà nước nào, không ăn lương của ai để làm văn nghệ! (tất nhiên không thể tránh được cũng có một số nào đó dùng văn nghệ để kiếm chác tí chính trị). Nhưng phải khẳng định là họ tự do, tự do và tự do … kể cả tự do làm … hại cái chính thể mà họ đang phải sống! Có người còn mang tiếng “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản!? “(tội nghiệp Trịnh công Sơn, cho đến nay vẫn bị gán là “Đặc Công Đỏ” mà chết rồi vẫn chưa được Đỏ tặng cho một danh hiệu, một giải thưởng gì so với các nghệ sỹ cải lương Phùng Há, Diệp Lang, Bạch Tuyết!)!”.

Nỗi buồn của ông về ngày 5 tháng 5, kỷ niệm miền Bắc mở đường Trường Sơn:

…”Chẳng biết có “lực lượng thù địch” nào xúi giục hay không mà lúc sắp từ giã cuộc đời, ông Võ văn Kiệt lại phát biểu và viết ra nhiều ý kiến ở “lề bên trái”, thậm chí “nghênh ngang giữa đường” như thế? Nào là: “Đảng không thể giữ độc quyền yêu nước”, nào là “mỗi khi tháng 5 về có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn … “. Có lẽ khi ông Kiệt nói đến “triệu người buồn”, ông chỉ tính đến những người bị… buồn là những người ở “phía bên kia”, những người chết trận, những người chạy trốn chủ nghĩa cộng sản, những gia đình có người làm mồi cho cá đại dương, những người “trót” ở lại vì tin vào lời ông Trần Văn Trà là mọi gia đình có một người tham gia cách mạng cũng được coi là “gia đình cách mạng”, cùng các gia đình có con em được khuyến cáo đi “đăng ký học tập mang theo lương thực 20 ngày”, để rồi… mất hút ở những nơi thâm sơn cùng cốc hoặc có trở về cũng ít nhất sau … 10, 15 năm … để rồi tiếp tục ra đi theo diện HO, hợp thành một cộng đồng di cư bỏ nước ra đi lớn nhất khắp thế giới” …

… Không hẳn thế đâu ông ạ! Tôi và nhiều người “ở phía bên này” cũng là trong số người “buồn” đấy. Ngay từ những ngày đầu vào SÀI GÒN, tôi đã không đến nỗi như Dương Thu Hương phải ngồi xuống bên lề đường mà khóc vì thấy mình bị lừa đâu! (lời của bà DTH tuyên bố với toàn thế giới). Tôi chẳng những buồn mà lại còn lo cho số phận của hàng triệu gia đình trong đó có gia đình tôi, bạn bè, thân thích của tôi … sẽ phải chịu đựng tất cả những gì mà miền Bắc đã phải chịu đựng. Nghĩa là không thể không có đấu tố, tịch thu ruộng đất, công cụ sản xuất, tiền bạc, tài sản, cải tạo công thương, nhà đất … nghĩa là tất cả sẽ được nhà nước quản lý, tất cả sẽ trở thành sở hữu toàn dân … nghĩa là tất cả sẽ phải tem phiếu, xếp hàng … nghĩa là nhà nước sẽ quản lý con người từ lúc mới sinh ra đời đến lúc chết, kể cả quản lý cái đầu và con tim!. Và một nửa nỗi lo đó của tớ đã thành sự thật những năm cuối của thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80. Nói là một nửa vì miền Nam đã thoát được cái “đại họa” lớn Đấu Tố, Cải Cách Ruộng Đất (dù đã có chỉ thị “đến năm 80″ phải tiến hành xong hợp tác hóa nông nghiệp), một sai lầm lớn nhất, đẫm máu và gây hận thù dai dẳng nhất không kém hận thù gây ra cho hơn 2 triệu con người bỏ quê hương xứ sở mà ra đi (theo con số ước đoán mơi nhất thì sau 34 năm con số này đã tăng lên tới trên 4 triệu người). Nỗi buồn và lo của bọn tớ, những người có học, có đọc, có nghe, có tí chút tư duy độc lập và nhất là, bị cuộc sống thực tế của “thiên đường xã hội chủ nghĩa” quăng quật suốt 30 năm trời mà đành cam chịu câm miệng! Ai mà không biết cái chủ nghĩa “tư bản nó giãy chết” là điều vô cùng láo khoét. Ai mà không biết cuộc chiến vừa qua là cuộc chiến để áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên cả thế giới này. Chẳng có ma nào “xâm lược nước ta cả”. (trích trong: Tháng 5 Buồn, Tháng 5 Vui).

Hồi ức của ông về cuộc chiến biên giới Việt-Hoa vào tháng 2 năm 1979.

… “Hỏi: -Mày còn nhớ ngày 17 tháng 2 là ngày gì không? Sau một hồi ú ớ … trả lời: -Ngày gì? Sinh nhật ông à? Của khỉ! Lú lẫn hết rồi à? Ngày mày xuýt chết cùng Takano trên Lạng Sơn, quên dễ thế à? -À, à, ừ, ừ, nhớ chứ, nhớ chứ nhưng nhớ mà làm gì thêm tổ … bực mình khi “người ta” đã muốn chúng ta phải quên đi! … Thế rồi anh kể một lô, một lốc những chuyện cũ, những đơn vị, những con người, những địa điểm, những tên đồi có đánh số, điểm cao nào có hai đại đội đã hy sinh gần hết … mà suốt thời gian đi làm phóng sự tại chỗ, anh đã thoát hiểm để có được những thước phim, phát trên Tivi tố cáo “tội ác trời không dung đất không tha của quân bành trướng Trung Quốc” … được vài lần rồi … xếp kho”.

… “Tớ cũng được xem ảnh “Nghĩa trang Vị Xuyên”, nhìn rõ những tấm bia mộ của 1600 chiến sĩ hy sinh vì cuộc chiến ngắn ngủi nhưng nhiều người bị giết hại nhất. Tớ cũng được nghe những lời phỏng vấn các bà mẹ như Hoàng Thị Lịch, 72 tuổi, đang còn là nhân chứng sống cho cuộc tàn sát đẫm máu tại thôn Tung Tháp, xã hưng Đạo, huyện Hòa An-Cao Bằng. Ở đó, 43 người bị giết chết một cách thảm thương trong đó 21 phụ nữ (7 người đang có mang) và 20 trẻ em. Tất cả đều bị (Tàu khựa) chặt bằng dao kiếm thành nhiều khúc rồi vứt xuống giếng và, khi đã quá đầy, chúng bèn vứt rải rác các mảnh xác người khắp hai bờ suối quanh làng. Cũng được nghe chính ông Lương Đức Toa, bí thư chi bộ xã này thời đó nay còn sống, (người đã tự tay mình vớt từng mảnh xác đồng bào mình từ giếng lên), giắt một blogger có tên tuổi đi thăm lại cái “giếng căm thù ngày xưa”, nay đã bị bỏ hoang, cây cỏ mọc rậm rịt che hết lối vào. Và các ông Quế, mẹ Dự … những người có con là tự vệ công nhân đường sắt đã hy sinh ngay trong trận đầu khi ngăn chặn bước tiến của các “đồng chí bốn tốt” từ phương Bắc tràn vào … , nói lên nỗi căm hờn kẻ thù truyền thống, về nỗi oan ức của họ khi không được nhận bất cứ một danh hiệu “chiến sỹ thi đua” hay “anh hùng diệt giặc” Tầu nào! Và càng đắng cay hơn, khi đến ngày kỷ niệm “chiến thắng biên giới” như thường thấy trước khi “bình thường hóa quan hệ”, người ta đã lờ tịt đi tất cả, coi như không hề có cái cuộc chiến này bao giờ !?”. (trích trong: 17 Tháng 2 Ngày Dzì Dzậy?).

Để rồi ông cũng đã tham dự (biểu tình) chung với những người trẻ trong nước về vụ Hoàng Sa-Trường Sa:

… “Cả tuần nay, lòng yêu nước bẩm sinh bỗng trỗi dậy. Không làm việc được. Không ngủ được. Không ăn được. Càng không thể ngồi vào computer “kể chuyện xưa” cho các friends nghe nữa. Ôi! Cái thân già ngoài 80 lúc này thấy bất lực đến thảm hại … Nghe mọi lời kêu gọi trên các Blog, khắp nơi tham gia biểu tình chống bọn Tầu cướp đất mà thấy nôn nao trong lòng. Định chỉ hưởng ứng bằng … keyboard, ủng hộ các cháu, các con bằng lý lẽ thì bỗng dưng qua khe cửa ai đã nhét vào một tờ giấy in vi tính hẳn hoi (như một lời đe dọa): “Không tham gia mọi cuộc biểu tình do bọn phản động, bọn khủng bố Việt Tân (?), bọn này, bọn khác … Tóm lại ai đi biểu tình ngày 16 tháng 12 này sẽ là bị bọn phản động đủ mọi mầu sắc … lợi dụng và sẽ có nguy cơ ra tòa lãnh án không phải chống chính phủ Trung Quốc mà là chống Chính Phủ và Đảng CS Việt Nam là cái chắc! Thế là tớ không còn nén được nỗi uất hận nữa. Tớ vùng lên khỏi giường bệnh, mặc quần áo quân phục (lúc nào cũng ghim sẵn cả đống huân chương) và … quyết tâm lên đường.

… Đúng 9 giờ tớ có mặt tại ngã tư Hai Bà Trưng-Nguyễn Thị Minh Khai! Eo mẹ ơi là cá lớn, cá nhỏ, hàng rào ngăn chặn đường vào Tòa Lãnh Sự của ông Anh! Tớ càng nổi khùng, … cứ tập tễnh, chống gậy quẹo phải … Một con cá non choẹt hỏi tớ: “Bác đi đâu?” Tớ điên tiết trả lời: “Đi yêu nước!” và cứ lừng lững tiến về hông nhà Văn Hóa Thanh Niên, sẵn sàng gây xì-căng-đan nếu mấy tên này cấm đường đi lại của công dân! Có lẽ thấy cái lão già sắp chết này cũng chẳng mấy nguy hiểm cho an ninh quốc gia nên họ đành lờ. Tớ hiên ngang (nhưng hơi lập cập!), cứ nhằm chỗ nào có nhiều người gác, chỗ nào có nhiều bọn chỉ điểm tay luôn bấm điện thoại di động mà không bị bọn mặc cảnh phục “ý kiến” là xông tới! Tớ vào thẳng cổng chính Nhà gọi là Văn Hóa Thanh Niên để định chất vấn hẳn chú Nguyễn Thành (chưa)Tài về tại sao chú nuốt lời hay chú nhận được lệnh của Hà Nội cấm không cho biểu tình theo như chú đã hứa tuần trước. Lập tức có hai tên “cánh tay phải” của Đảng ra trả lời thẳng thừng: “Không có gì trong này hết! Mời bác đi tới, đi tới đi! Đi! … Đi!”. Có một điều hơi lạ là: Có rất nhiều chú Tầu con, mặc đồ xi-vin, đứng rải rác 4 góc cái nhà văn hóa đó, liên tục gọi nhau dưới sự “cho phép rõ ràng” (hoặc đồng lõa) của lực lượng an ninh Việt! Sở dĩ tớ dám chắc là bọn an ninh Tầu hoặc nhà báo Tầu vì bọn này có lẽ coi thường thằng già ở cái … huyện Việt Nam này không biết tiếng Tầu (!) nên chúng cứ nói oang oang thoải mái!

… Tớ theo dõi một con đĩ trạc 35-40 tuổi, nó dắt một chú công an trang bị đủ thứ công cụ đàn áp (súng, dùi cui, còng số 8 …) đến từng người mà nó yêu cầu “dẫn đi” (hầu hết là những người trong tay có khẩu hiệu rất biết điều như “TS, HS là của Việt Nam”… nhưng không làm vừa lòng các đồng chí Tầu vì các đông chí đó vừa được Quốc Vụ Viện thông qua là của các đồng chí đó!). Tớ chờ đến cuộc “dẫn đi” thứ ba và tớ bắt đầu la lớn lên: “Tại sao lại bắt người yêu nước!”. Cái con mụ này, từ nãy nó chỉ điểm bắt ba người rồi đồng bào ơi!”. Thế là đồng bào vây tới. Bọn chúng vớt vát … “Ấy! … ấy … có bắt bớ gì đâu bác!? Chỉ giải thích để họ đừng làm khó cho việc ngoại giao của nhà nước thôi mà”. Thế là, tớ được dịp được nói lên tất cả những gì ấm ức trong lòng mình. Tớ nói rất hăng về quá khứ của cánh tớ đi bảo vệ tổ quốc đâu có phải để ngày hôm nay mất dần mất mòn vào tay bọn kẻ thù ngàn đời phương Bắc. Nhưng cái tớ muốn để mọi người nghe nhất lại là cái tuyên bố mới nhất của thằng Tần Cương, cái trang web của Bộ Ngoại Giao Tầu mới tung ra mọi văn bản mà Đảng và Chính Phủ Việt Nam đã “lỡ ký” khi đang còn chung một lý tưởng đỏ hóa khắp thế giới này, dù phải hy sinh 500 triệu người dân Trung Quốc (nghĩa là đất nào khi không còn biên cương, đều chả là của giai cấp vô sản toàn thế giới chứ! Ai quản lý nó chẳng được). Tớ cũng nói lên cái ý nguyện của lớp trẻ ngày nay quyết không chấp nhận những ký kết bất bình đẳng đó … Tớ cũng không quên gọi tên những đồng chí của tớ đã chết để tổ quốc quyết sinh ra … Tớ đập ngực tớ bình bịch và tuyên bố: “Hôm nay tôi đến đây để … chết tại chỗ, để bị bắt cùng đồng bào yêu nước của tôi! Tớ hăng quá đến nỗi mất tự chủ và không thở được nữa, thần kinh hoàn toàn mất điều khiển, chỉ còn nhớ có gương mặt bà xã, từ nãy đến giờ đứng lẩn trong đám đông, xuất hiện cùng cô Thục, báo SGGP, ở cùng chung cư, dìu tớ vào một phòng nào đó của nhà Văn Hóa Thanh Niên. Có một anh “Sáu gì đó” ra định đối thoại với tớ nhưng tớ không thèm nói chuyện với bọn nhãi nhép! Và tớ đành nghe lệnh bà xã lên xe … về nhà … để lại cái dư âm gì đây cho cuộc “tụ tập đông người” này không biết? … Cuộc tham gia “tụ tập không có phép” này, tớ chỉ làm được có thế. Tuổi già, sức yếu, chân què … cuối đời mong đóng góp tí chút cho lớp trẻ về lòng yêu nước, tớ chẳng mong được cái lợi lộc gì, ngoài cái … nửa ngày nằm không thở được, không ăn được cho đến bây giờ … 5 giờ chiều, ngồi dậy là mở máy viết báo cáo này gửi các friends yêu quý rằng: NHÁT SĨ BẠO THỬ đã có … tí ti tiến bộ mà chẳng cần ai kích động, mà chẳng để kẻ phản động này lợi dụng chống kẻ phản động kia cả! Và biết đâu đấy, từ hôm nay, trong sổ đen của An Ninh Quốc Gia, chẳng có tên tớ đứng cùng 100, 1000 loại phản động đủ mọi mầu sắc rồi? (trích trong: Tớ Đi Bầy Tỏ Lòng Yêu Nước).

Những bất nhẫn của ông khi thấy hình ảnh về nhà riêng của một đầy tớ nhân dân Việt:

… “Nhân tiện laptop của tớ chưa shut down, tớ giới thiệu để các cụ xem một lô ảnh mà đồng hương Thanh Hóa của Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã chụp nhân dịp đến thăm tác giả “Mênh mông tình dân”. Nhìn cặp ngà voi to tổ đùng đang ôm gọn tấm chân dung nguyên tổng bí thư. Nhìn cái trống đồng “O-la-zin” bầy chình ình giữa phòng khách … , nhìn bức tượng đồng nguyên TBT to gần bằng tượng Hồ chủ tịch ở nhà khách chính phủ, nhìn mảnh “vườn tự động” dành riêng cho bữa ăn của TBT … , các bạn có biết các cụ đã có những ý nghĩ khác nhau thế nào không?

- Cụ A: Có thiệt thế không? Liệu có phải là ảnh lắp ghép không nhỉ?

- Cụ B: Đây là bọn phản động nó bịa ra nhằm bôi xấu Đảng mình đó thôi!

- Cụ C: Có đấy! Có đấy! Tớ mới được xem cái này tuần trươc do con tớ, thỉnh thỏang thấy gì “hay hay”, nó thường gọi tớ vào phòng riêng cùng nhau xem rồi bình luận rất là … dân chủ … ! Tuy nhiên, vì nó đang là bí thư Đảng ủy của một công ty lớn nên nó luôn thận trọng dặn dò tớ: “bố biết vậy thôi. Chẳng nên nói lại làm gì, rách việc lắm, để xem “các cụ” xử lý thế nào khi chuyện này được tung hê lên internet. Quả là xấu xa nhục nhã cho một tổng bí thư của một Đảng vô sản lấy chủ nghĩa Mác-Lê Nin là mục tiêu đấu tranh suốt đời”! Tớ vừa giả vờ “ngây thơ cụ” đặt ra một câu hỏi: “Nếu những tấm ảnh này là có thật thì sao nhỉ? … “. Thì chẳng cụ nào hỏi ý kiến cụ nào đều hăng hái phát biểu: “Thì cho “Nó” vào … tù chứ còn sao nữa …Tội tham ô tài sản quốc gia rõ rành rành như ban ngày … Chẳng còn đường chối cãi … “. Có cụ còn nói: “Cái thằng nào nó chụp những tấm ảnh chết người này quả là “chơi khăm” anh Phiêu và uy tín của Đảng dễ sợ!”. Một cụ thận trọng hơn: “Để xem các bố ở Bộ Chính Trị xử lý vụ này thế nào!”. Tớ vội báo cáo bổ xung: “Xử lý rồi, xử lý rồi!” … Và thông một cái tin cũ với tớ nhưng … mới toe với các lão đồng chí của tớ biết rằng: “BCT đã giao cho ông Lê Hồng Anh “điều tra làm rõ” … KẺ NÀO ĐÃ CHỤP VÀ ĐƯA NHỮNG TẤM ẢNH CÓ HẠI CHO ĐẢNG LÊN INTERNET, … chứ không phải là điều tra xem chú Phiêu lấy đâu ra tiền mà sắm sửa những thứ đáng giá cả triệu đô la đâu! … Thế là gần như tất cả các cụ, chẳng ai bảo ai, đều buông tiếng thở dài: “Nếu thế thì … khốn nạn cho cả nước đến nơi rồi! … “. (trích trong: Gặp Lại Các Cụ Chiến Sĩ).

Ông viết về Trần Thiếu Bảo (Giám Đốc Nhà Xuất Bản Minh Đức, một nạn nhân trong vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm trong cuối thập niên 1950):

… “Chuyện xảy ra cách đây chỉ còn thiếu hai tháng nữa là đúng … 60 năm! Có một con người mê văn nghệ và yêu văn nghệ sỹ tới mức … luôn đi theo các bậc “tiền bối”, những vị mà ông ta cho là các “trưởng lão” trong làng văn nghệ nước nhà để thực hiện những chuyện … “điếu đóm” cho các “thầy”, và sẵn sàng làm … “bà đỡ” cho các “đứa con” của các thầy khi chúng đã tới lúc cần cất ba tiếng khóc chào đời! Nghĩa là ông sẵn sàng bỏ tiền túi ra, ứng trước cho văn nghệ sĩ, sẵn sàng chạy nháo nhào bằng chiếc xe đạp cà tàng, từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, vào tận nhà dòng Bùi Chu để kiếm chỗ in bằng được những tác phẩm của các tác giả mà ông … mê.!

… “Ông chính là người đầu tiên, dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đã làm cái công việc “đỡ đẻ” cho tác phẩm, không vì kinh doanh lời lãi. Ông dám tự mình đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân về các xuất bản phẩm mà ông đã góp sức tạo ra. Đặc biệt nhất, ông là người tôn trọng, thậm chí tôn sùng những con người mà theo ông là đặc biệt nhất, là vĩ đại nhất, là có tài nhất trong giới văn nghệ. Vì họ, ông sẵn sàng hy sinh cả tài sản, cả quyền lợi bản thân, chỉ mong sau này có những tác phẩm xuất sắc nhất ra đời lại có tên ông: “bà đỡ đẻ” Minh Đức … Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm kết thúc, ông trở về Hà Nội tiếp tục làm nghề xuất bản tự do … một cách vất vả … Tuy nhiên, ông vẫn nắm vững phương châm hoạt động “xuất bản không phải là cách kiếm sống” mà là chọn đưa tới người đọc những gì là “của ngon vật lạ” nhất để họ thưởng thức. Từ ngôi nhà ở nhờ một người bạn tại ô Quan Chưởng, ông chuyển trụ sở về 25 Phan Bội Châu. Và chính “ngôi nhà định mệnh này”, nơi ông thường tổ chức các cuộc “tao ngộ chiến” trên bàn rượu, đã đưa ông đến với những Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Thụy An … Và ông lại quyết tâm làm “bà đỡ” cho những người mà ông vô cùng cảm phục này. Số phận của ông từ đầu năm 1956 đã được ông tự quyết định, không tính toán, không ân hận. Sẽ … vinh quang hay “mạt rệp” cùng những con người này, dù ông chưa từng trực tiếp cầm ngòi bút, chưa hề có cao vọng lớn như các bậc tiên chỉ, đàn anh mỗi khi phát biểu hay viết lên giấy trắng mực đen! Nói chính xác: Ông chỉ là người thực hiện phổ biến không quá 3 tập của Giai Phẩm và Đất Mới! Nghĩa là trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, ông chỉ có xoay sở cho ra mắt bạn đọc được có phần Giai Phẩm. Còn Nhân Văn, đã có ông bạn cùng quê Nguyễn Hữu Đang, với uy tín sẵn có, nhiều lính tráng cũ đang nắm các nhà in, lo cả!. Đầu năm 1959, sau các vụ đấu tố, xử lý cho đi cải tạo, cấm sáng tác, cấm xuất bản hàng loạt văn nghệ sĩ … thì vụ án gián điệp thông qua một số văn nghệ sĩ và Nhà Xuất Bản Minh Đức do De Bon Fils (cái tên “Con trai tốt” này thật dễ nhớ!) chỉ đạo, qua gián điệp Thụy An, được mang ra xét xử … bí mật!. Đây không hề là một vụ án văn nghệ mà đơn thuần chỉ là một vụ án gián điệp. Riêng Nhà Xuất Bản Minh Đức thì bị coi như là người “nắm tài chính của kẻ thù cung cấp” để phá hoại tư tưởng ngay trong đội ngũ những văn nghệ sĩ của Đảng!!! Toàn tuyên án riêng Giám Đốc Nhà Xuất Bản Minh Đức Trần Thiếu Bảo 11 năm tù giam … Thế nhưng, chẳng hiểu sao (có lẽ bận việc chạy bom Mỹ? hay … do không cải tạo tốt?) mãi đến tháng 4 năm 1973, ông mới được trở về với gia đình. Vẫn đam mê với sách báo, ông mở một xạp hàng bán sách báo cũ tại số 5 Bát Đàn … Và chính ở cái sạp sách báo nhỏ xíu này mà tớ thường hay lui tới thăm hỏi nên “xuất bản gia” Minh Đức Trần Thiếu Bảo đã phổ biến cho tớ cũng như nhiều đồng hương, “đồng chí” cũ (Tớ sinh tại Hà Nội nhưng quê hương gốc gác lại chính là Tiền Hải Thái Bình) tất cả những gì là áp đặt, là vô căn cứ, là mớm cung trong cái “vụ án gián điệp chết người” mà nhóm các ông bị kết án … Nhưng gay go nhất là bị hỏi về những mối quan hệ với nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm … Ai cung cấp thuốc phiện, bàn đèn cho Hoàng Cầm, Tử Phác? … Tiền ở đâu mà tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm, nhậu nhẹt ở 25 Phan Bội Châu? Toàn những câu hỏi mà ông Minh Đức chỉ lỡ miệng một chút, là được … “cho đi dựa cột” ngay. Ông nói: “Chết thì chết, tớ không bao giờ nhận cái tội phản bội Tổ Quốc, phản bội dân tộc. Tớ cũng khai ra các ông Việt Minh cỡ bự nào đã được gia đình tớ chăm sóc, nuôi dưỡng … Tớ chỉ kiên trì một ý: “Tôi chỉ phục vụ những văn nghệ sĩ mà tên tuồi và tác phẩm đã nổi tiếng khắp trong nước và thế giới … Nay mấy ông này không làm các vị vừa lòng, tại sao các vị lại giận cá chém … thớt là cái thằng làm xuất bản nghèo kiết xác như tôi”?. (trích trong: Có một giám đốc xuất bản tư nhân).

Ông viết về một vụ CS Hà Nội xử án kiểu “Muốn diệt ai thì diệt”:

… “Ngoài những vụ cho đi cải tạo hàng chục năm không xét xử mà cả thế giới đều biết thì có một vụ công khai đưa ra toà, một vụ án “văn nghệ đồi truỵ”. Gọi là vụ Toán Xồm (bây giờ chắc được gọi là “nhạc sĩ” Nguyễn Thanh Toán là cái chắc) mà tớ là người được hân hạnh mời dự từ đầu đến cuối, để … học tập (hay là để răn đe cũng rứa vậy thôi), không phải ai cũng biết.

… “Ngày … tháng … năm, tại Thư Viện Trung Ương (?) sẽ có phiên toà “xét xử công khai vụ văn hoá đồi truỵ” do Toán Xồm và Kiên Già chủ mưu. Các cơ quan sắp xếp cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ, nhạc công đến dự đông đủ. Cầm tờ thông báo có chữ phê: “đ/c Tô Hải bố trí toàn thể cán bộ biên tập đi dự đầy đủ” của thủ trưởng Nhà Xuất Bản Âm Nhạc Nguyễn Đình Tính (một người rất tốt nhưng chỉ phải mỗi cái tội chẳng biết âm nhạc nó là cái giống gi mà tớ đã có lần giới thiệu ở một entry trước), tớ giật mình cái thót năm bảy phát. Lý do:

1- Ai chứ cái tên Toán Xồm này tớ và một số nhạc sĩ có thẻ của Hội và ăn lương của nhà nước, thường hay lui tới thăm hỏi vì:

a/. Anh ta là một người tuy bề ngoài hơi … Hippy một chút, râu chỉ lười cạo nên thường mọc tua tủa, chứ chưa “xồm nhân tạo” như mấy cụ nghệ sĩ trẻ mà làm ra xồm ngày nay đâu! Gọi anh ta là Toán Xồm kể ra cũng hơi oan cho anh ta thiệt! Nhưng Toán là một người tớ có thể khẳng định là có văn hoá âm nhạc, hiền lành, dễ thương và có văn hoá (Dân Lycée Albert Sarrault đàng hoàng chứ đâu phải trung học chuyên khoa tốt nghiệp lớp 10 ở rừng về!).

b/. Do có nhiều quan hệ gia đình hay bạn bè gì đó mà Toán luôn có máy nghe nhạc, có những đĩa hát rất “up to date”, thậm chí toàn là dĩa Steréo ngay những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, khi mà cánh nhạc sĩ chuyên nghiệp như tớ đang phải nghe nhạc bằng những chiếc électrophone mono của Liên Xô, chỉ hơn cái máy quay tay Béka chút đỉnh! Nghĩa là đến Toán Xồm để được nghe nhạc cho ra nhạc nhờ, và thỉnh thoảng có cái đĩa nào thích thì … tán anh … mua lại!

c/. Nhà Toán ở cách cơ quan tớ không đến 30 mét trên đường Tô Hiến Thành nên tớ vẫn nghe hàng ngày tiếng ghi ta điện (lần đầu tiên có ở miền Bắc XHCN), do Toán tự chế từ một ghi ta thùng, âm thanh được đưa vào một ampli cũng tự chế bằng một hộp bánh bích-quy gồm 2 bóng đèn điện tử to tổ đùng, rồi dẫn tới một thùng loa một chiếc, có đóng bafle bằng gỗ thông, nghe cũng có bass có treffle tạo nên được các “âm thanh lạ” mô phỏng gần đúng các âm thanh ghi trên các đĩa của bọn “xét lại”!

Thế là, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Nhà Toán Xồm càng ngày càng đông người lui tới đặc biệt là đám trẻ mới lớn lên lại càng mê anh Toán Xồm. Nhất là từ ngày anh tập hợp thêm đuợc Lộc Vàng ca sỹ kiêm batteries tự chế từ những cái trống thiếu nhi,một vài cái cymbale còn sót lại từ thời “Đế Quốc Sài Lang” và “Kiên Ha Vai” (guitare hawaienne).Tiết mục chỉ là bắt chước trên các đĩa hát “xét lại” được phép bán công khai và phát oang oang ở ngay cửa hàng Ngoại Văn giữa phố Tràng Tiền! Chẳng cần đến ai “phối khí, hoà âm” gì như thời nay người ta thượng ngộ nhận! Một “dàn nhạc nhẹ tư nhân không chuyên” đã ra đời “tự nhiên như không khí, chẳng cần lý thuyết , lý luận gì” (trích l’aventure Pop của H.Leproux) và được một “đa số tối thiểu” (Jacques Juillard) ưa thích vì đã quá ngán với những bài hát chiến đấu và sản xuất. Tiếng “lành” đồn xa đã đến tai một ông giám đốc Công Ty Ăn Uống và ông đã dám mời ban nhạc Toán Xồm ra biểu diễn live ở khách sạn Phú Gia mỗi tối thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Thế là chuyện bé đã xé ra to. Tiếng “dữ” đã đồn về mấy ông “tham mưu âm nhạc” cho Đảng và nhất là những tay văn nghệ-chính trị-cơ hội đã không bỏ lỡ dịp này để leo lên bằng cách ngăn chặn và dẹp ngay cái thứ âm nhạc “phi chiến đấu tính, phi nhân dân tính, phi đảng tính” này ngay tắp lự … Và họ đã “ra tay” để cánh cáo những kẻ nào đang manh nha muốn làm cái thứ nghệ thuật … chỉ vì nghệ thuật … , chỉ để giải trí!

Toán Xồm là một con vật bị đem tế thần chung với một nhà nhiếp ảnh cùng thời với nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên. Thời ấy, ngoài hai tờ nhật báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân, chẳng còn tờ báo nào mà lên án, xét xử, phân tích tội trạng, kết án trước cả toà án ầm ỹ như bây giờ, nên chỉ những người nào yêu mến nhóm Toán Xồm mới biết tin khi đến thăm anh. Riêng tớ, cả tuần không nghe tiếng éo éo của cây ghi ta điện tự tạo của anh, tưởng anh ốm đau gì, sang hỏi thăm mới hay anh đã bị còng tay giải đi vì tội công khai “tuyên truyền văn hoá đồi truỵ”. Tuy nhiên, ở cái thời hậu Nguyễn Hữu Đang-Thuỵ An … những người biết “Sợ” như tớ vẫn nghĩ tới một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra cho Toán là … “có yếu tố chính trị nước ngoài”, thì lần này Toán chỉ có mà đi tù mút mùa. Hơn thế nữa, những người hay ra vào nhà Toán, cũng như ông giám đốc Công Ty Ăn Uống, có khi cũng ít nhiều … bị liên quan chưa biết chừng nên … miễn bình luận là thượng sách.

Cho đến cái ngày nhận được “giấy mời” tham dự phiên toà tớ mới hiểu thêm: Đây là một vụ án văn nghệ đầu tiên được mang ra xét xử công khai. Không hề có chuyện chính trị, không có “bàn tay thù địch” nào kích động … Tất cả chỉ là làm văn nghệ không theo đúng đường lối của Đảng, làm văn nghệ theo tiếng gọi của … thú tính cá nhân, sa đoạ, truỵ lạc, làm hư khiếu thẩm mỹ của thanh thiếu niên … vv và vv (trích các lời buộc tội, lời kết án của ông chánh án, lời xác minh của các giám định viên mà tớ vừa nghe vừa muốn cười vừa muốn khóc). Một phiên toà hiếm có mà người buộc tội cũng như bị cáo đều như hai người … ngoại quốc, người này nói mà người kia chẳng hiểu là nói cái gì! Tớ xin trích vài câu hỏi và đáp của toà với “can phạm” để các friends cười năm phút:

Chánh án: - Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?

Toán Xồm: - Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!

Chánh án: - Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?

Toán Xồm: - Dạ! Paloma là của nước bạn Cuba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà Xuất Bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!

Chánh án: - Vậy anh có biết Cha Cha Cha là cái gì không? (chắc có một “thày dùi” nhạc sỹ nào đó mách nước).

Toán Xồm: - Dạ! Có ạ! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cuba ạ!

Chánh án: - Thế còn Tango Bleu chắc anh cũng đổ cho Cuba hết hả?

Toán xồm: - Dạ không! Tango là một điệu nhảy ác–giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa đều xử dụng cả ạ!

Chánh án: - Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác!!? Đừng có ngụy biện!

Toán Xồm: - Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn, … chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!

Chánh án: - Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!

Cái cuộc xét xử, toà án thì ở hội trường Thư Viện Trung Ương, quan toà (một ông già tên Vinh hay Vĩnh gì đó) nói gần như hết buổi và khi thấy mình bị “hố” thì luôn xử dụng cái câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa (lúc này cái chức danh luật sư đã bị gạt ra khỏi tự điển Việt Nam), ngay thời điểm ấy đối với tớ cũng là một trò hề vô văn hoá. Nó phơi bày sự ngu dốt, kể cả trong biên bản giám định của Vụ Âm Nhạc (được tòa đọc lên chứ không có cá nhân nào đứng ra trình bày trước tòa) đều toát lên cái ý đồ từ đâu đó muốn “dằn mặt những ai muốn xa rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh của Đảng mà thôi”. Đây chính là ý kiến của anh Văn Cao tâm sự với bọn tớ buổi chiều vào thăm anh trong bệnh viện khi anh được đưa từ Tây Bắc về vì chảy máu dạ dày.

2- Còn cái vụ nhiếp ảnh truỵ lạc của ông già Kiên, cánh tay phải của ông Tổng Thư Ký Hội Nhiếp Ảnh Đinh Đăng Định một thời, cũng kéo dài một ngày. Tuy nhiên, cụ Kiên thì ít lời tự bào chữa vì khó mà cãi được khi mà hoạ sĩ vẽ nude còn phải vẽ “chui” và có trường hợp đã có hoạ sĩ phải gọi lên đồn CA “làm việc” vì bị hàng xóm tố cáo! Đằng này cụ lại dám chụp ảnh nghệ thuật nude bằng cách bố cục một cái tẩu hút thuốc, gác ngang cặp kính râm, zoom vào giữa “cái ấy” của người đàn bà. Làm người xem cứ tưởng là cụ chụp trên một quả đồi cỏ mọc um tùm! Tội to quá đi chứ nhất là khi có giám định viên lại tán “rộng và sâu” đến chết người rằng. Đây là có ý đồ équivoque (hai mặt-hiểu thế nào cũng được) muốn diễn tả pháo binh của ta trên đồi A1! Có một điều lạ là: Tất cả mọi người dự phiên toà chẳng ai được chứng kiến tận mắt những “tấm ảnh đồi truỵ” mà cụ Kiên chụp cả! Tất cả chỉ được xem bằng … tai, nghĩa là toà tả lại cụ thể từng tấm mà thôi! (Có lẽ toà sợ làm hư hỏng, truỵ lạc hoá cử toạ chăng?).

Và sau 3 ngày làm việc toà tuyên án Toán Xồm, Nguyễn Duy Kiên 7 năm tù giam vì “tuyên truyền văn hoá đồi truỵ”. Không có đụng đến một chức danh nhạc sĩ hay nhiếp ảnh gia nào! Vụ án khép lại và cũng chẳng cần đưa lên báo, kênh truyền thanh, truyền hình như ngày nay. Tuy nhiên, trong giới văn nghệ không ai không biết “Đây chỉ là một đòn cảnh cáo cho những ai muốn ôm lấy những tàn dư của văn hóa … Đế Quốc” hoặc “Những ai muốn theo chân bọn xét lại … Hãy coi chừng!”.

Cho đến hôm nay, trước tình hình âm nhạc loạn cào cào mà còn được bảo kê công khai, nghĩ lại, thấy thương cho Toán Xồm, cho cụ Kiên vô cùng. Trước khi viết bài này, tớ có gọi điện hỏi thăm mấy người thân của Toán còn sống trên đường Tô Hiến Thành-Hà Nội thì được biết: Anh đã qua đời, không vợ con, thân thích cách đây 4 năm … vì buồn, vì giải sầu bằng … rượu nên anh đã chết một cách rất thê thảm. “Chết đường chết chợ”, ngay khi vừa ra khỏi một quán rượu nhỏ ven đô … Người ta đưa anh vào nhà xác và ở đấy, không biết báo cho ai, người ta đã chôn anh như một cái xác vô thừa nhận. Nếu tin này là chính xác thì quả là số mệnh anh đúng bị ngôi sao quả tạ chiếu vào thật!

Một nén nhang thắp viếng hương hồn anh.! Nỗi oan của anh hôm nay đã có tôi và nhiều người lôi ra ánh sáng. Mong anh “dưới ấy” thanh thản được phần nào. Riêng nhiếp ảnh gia Nguyễn Duy Kiên, nếu nay còn sống chắc phải đã qua tuổi 100. Điều này không thể có với một “người tù oan sai” vì ngay khi nhận bản án, cụ đã 72 tuổi. (trích trong: Một vụ án văn nghệ).

Và, đặc biệt khi viết về Hồ Chí Minh, người mà nhạc sĩ Tô Hải cho là KHỔ NHẤT THẾ GIỚI như sau:

… “Vài lời phi lộ về nhân xưng. Trong entry này, tớ xin phép những người ghét hai chữ Bác Hồ mà vẫn dùng hai chữ đó chỉ khác ở chỗ chữ “bác” của tớ không viết hoa vì tớ luôn coi ông Hồ cũng như ông Nguyễn Tuân, ông Tú Mỡ, cụ bơm xe, bà bán bún chả … Ai đã hơn tớ tuổi, tớ đều có quyền và thậm chí phải gọi là ông, là chú, là bác … thế thôi, đừng có nghe thấy hai tiếng Bác Hồ viết hoa đã nhảy dựng lên nhé! Tớ viết “bác Hồ” hoặc “bác ấy” là cái sự học thời Tây nó dạy, viết văn là như dzậy đó.!!.

… Mấy tuần nay, để viết một entry “độc đáo” về sinh nhật bác Hồ, về những kỷ niệm cá nhân của tớ về bác ấy, về những nghĩ suy, đánh giá về Bác ấy, nên tớ phải lên mạng để cập nhật liên tục, muốn phát ốm! Nào ngờ, càng đi sâu tìm hiểu thì tớ mới thấy là tớ đã đi lạc vào một rừng tư liệu làm rối tung cái đầu và tớ … phát ốm thật. Tớ tự trách tớ: Ai bảo đi vào con đường của những nhà “Việt Nam Học”, “Hồ chí Minh học”, có lương tâm nghề nghiệp làm gì! Họ có nhiệm vụ làm sáng tỏ thêm hay bác bỏ các lập luận của các nhà đã viết ra những tập sách nổi danh về Hồ Chí Minh như William J.Duiker, Sophie Quinn Judge, Douglas Pike, Anatoli Sobolov … và cả trăm ngàn hồ sơ mới được “bạch hóa” từ các cơ quan KGB, STASI … sau cuộc sụp đổ tan tành cái khối cộng sản tưởng như bất khả xâm phạm. Ngoài ra, tớ tin tưởng ở các nhà nghiên cứu có lương tâm, đã mê say nghề nghiệp này sẽ chẳng ngại xin phép nhà nước hoặc tự bỏ tiền túi ra bay ngay qua Nga, qua Pháp để được đọc nguyên bản những gì Hồ Chí Minh đã làm, đã viết đang còn được lưu trữ rất cẩn thận ở trung tâm lưu trữ hồ sơ hải ngoại (C.A.O.M). Vạn dĩ nhà nước không cho tiền thì các học giả nào biết tí chút ngoại ngữ và biết xử dụng computer đâu có cần ai mách đường chỉ lối, đều có thể cập nhật hàng vạn tài liệu khi gõ vào “Ho Chi Minh, biography”. Riêng tớ, vì quá câu nệ là “nói phải có sách, mách phải có chứng” nên tớ đâm … loạn tài liệu và đành … STOP và xin mời các tiến sĩ, các học giả, cũng như các vị tiến sĩ-giáo sư cấp tướng như các bác (hay chú?) Nguyễn Hồng Dung (Viện Lịch Sử Quân Đội), Vũ Quang Hiển (Đại Học Quốc Gia Hà Nội) hãy “dấn thân” để bạch hóa cái màn đen đang phủ kín lên sự nghiệp, lên uy tín của một con người. Còn nếu như các vị đó lại chỉ lập luận bằng những chứng cứ lấy từ … Bảo Tàng Hồ Chí Minh hay đọc toàn sách của nhà Xuất Bản Sự Thật hay Chính Trị Quốc Gia vì không biết tiếng Tây thì … than ôi! … than ôi! Riêng tớ, tài hèn sức mọn và với cái bản chất văn nghệ là chuộng biểu hiện bằng hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc chứ không ưa những con số, những dẫn chứng cụ thể nên chỉ xin nói thật cái gì mà tớ cảm nhận và yêu, ghét bác Hồ Chí Minh mà thôi.! Cho nên tớ mới kể ra cái quá trình tớ đã từ yêu đến ghét bác ấy và cuối cùng thương bác ấy như sau:

1- Ngay từ tấm bé, tớ là một người thích đọc, xem những cái gì “cấm trẻ con” (interdit aux enfants), rồi đến lúc biết tìm hiểu suy nghĩ, trình độ tiếng Pháp đã đủ để có thể đọc được những tác phẩm chính trị, triết học và báo chí Pháp (mỗi tuần đều được gửi qua sở PTT của bố tớ do các quan Tây, quan ta đã com-măng). Thế là tớ quen cái tên Nguyễn Ái Quốc từ đầu những năm 42, 43 gì đó … Đối với tớ, mỗi khi bố tớ (ngày nay được quy tội nhẹ nhàng là lợi dụng chức vụ, làm trái ấy mà!) mang những thứ “quốc cấm” ấy về, ông đều hạ giọng nói nhỏ vào tai tớ: “Đừng có đọc, đừng có cho ai mượn kẻo Tây nó không muốn cho dân Anamít ta biết những thứ này đâu! Tù mọt gông đấy!”, thì lại càng làm tớ thêm tò mò. Và tớ luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi … đọc ngốn, đọc ngáo các thứ quốc cấm đó. Cái tên Nguyễn Tất Thành sau luôn thay đổi, các bản chụp đơn xin học ở trường thuộc địa (trung tiểu học?) ở Pháp, các lệnh truy nã, thậm chí cái mandat gửi tiền về cho ông Nguyễn Sinh Sắc … và sau này … những tài liệu truy tố ông, thậm chí ông bị đưa ra các thứ tòa án “đế quốc”, ông vẫn thoát hiểm. Chỉ riêng cái tài thiên biến vạn hóa của ông như thay tên, đổi dạng để mật thám Tây,Tầu chẳng biết đâu mà lần cũng đủ làm ông, dưới mắt tớ, quả là một “điệp viên, tình báo ngoại hạng” (Tớ vốn là độc giả trung thành của những Conan Doyle, Yang Flemming, Ken Follett mà.

“Oai danh” cuả ông cả thế giới đều biết, thế mà khi có phong trào Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật, ông anh họ tớ, ở chiến khu về cho biết “Nguyễn Ái Quốc đã về nước lãnh đạo toàn dân đấy” thì tớ mừng như bắt được của … và trở thành fan của ông tức thì! Càng lạ lùng hơn là khi ông lại xuất hiện với cái tên lạ hoắc: Hồ Chí Minh đến nỗi một lãnh tụ cộng sản ở Miền Nam phải thốt lên: “Hồ chí Minh? Thằng nào dzậy?” và khi được chính thức phổ biến là Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc thì Trần Văn Giầu và các đồng chí Xứ Ủy Nam Bộ mới chịu chấp hành lệnh Tổng Khởi Nghĩa! Xem thế mới biết cái chuyện đổi tên của ông nó lợi hại đến mức nào. Nếu đúng như ông có tới 40 cái tên (theo Douglas Pike) hoặc thậm chí 145 tên đủ loại Pháp, Anh, Mỹ, Tầu, Nga … (theo Anatoli Sokolov) thì càng làm cho tớ thêm kính phục về con đường bôn ba hải ngoại làm cách mạng của ông mà thôi!

Tớ càng cực kỳ phục ông về những hành động “cao cả, sáng suốt, khiêm tốn, giản dị” có một không hai là:

a/. Khi đã có chính quyền trong tay, ông tuyên bố cùng thế giới ngay lập tức GIẢI TÁN ĐẢNG CỘNG SẢN, ký Tạm Ước 6 tháng 3, thiết tha đề nghị được Độc Lập trong Khối Liên Hợp Pháp, mở cửa cho quân đội Pháp trở lại Việt Nam, đuổi được hàng vạn quân Tầu phù về nước. … và trước những thắc mắc của đồng chí, đồng bào, nhất là ở miền Nam, ông lên đài thống thiết vỗ ngực: “HỒ này không bao giờ bán nước!”.

b/. Thành lập Chính Phủ Liên Hiệp, gồm đa số những người không cộng sản và mời cả những Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Phan Kế Toại, Nguyễn Tường Tam … ra thành lập nội các với cố vấn tối cao là nhà vua Bảo Đại, mặc cho sau khi thành lập xong chẳng có mấy nước tư bản cũng như cộng sản công nhận.!? Phải mãi 1950 Mao Trạch Đông nhúng tay vào Việt Nam thì “phe ta” mới manh nha hình thành với nhiều thắc mắc như “Hồ Chí Minh có thật là cộng sản không?” hoặc “Hồ Chí Minh chỉ là một tên theo … cải lương chủ nghĩa”? Kèm theo những câu trả lời báo chí hoặc do chính bác ấy tuyên bố khi tìm đến chủ nghĩa cộng sản là: Đây là “cái chúng ta cần” để giải phóng quê hương rồi!. Vậy là Hồ chí Minh chỉ coi Chủ Nghĩa Cộng Sản là PHƯƠNG TIỆN chứ không coi nó là MỤC ĐÍCH … Cho nên báo chí Pháp một thời gian dài thậm chí cả đến những nhân vật một thời đối đầu với bác ấy (Sainteny–Histoire d’une paix manquée) cũng đều viết và nói: “Hồ Chí Minh, trước hết và trên hết là một người yêu nước” (HCM, avant tout et surtout un patriote)!?

c/. Tất cả trong tớ về huyền thoại Nguyễn Ái Quốc dần dần, qua thực tế trước mắt, đã biến thành một chính trị gia thiên tài bậc nhất mà người ghét bác ấy thường dùng từ “thủ đoạn, mưu mô” … , là “lừa đảo” … mà theo tớ thì có ai làm chính trị mà không thủ đoạn miễn là thủ đoạn gì có lợi cho nhân dân cho đất nước chứ không thủ đoạn để an vị trên ngôi vàng, cho mình, cho con cháu, chút chít mình suốt đời nọ sang đời kia … Tớ cứ bám vào những sự tự biện minh như thế để tiếp tục “theo chân” bác ấy, thậm chí không ít văn nghệ sĩ đã xúc động thật sự trước những hình ảnh “Bác hành quân ở chiến dịch Đông Khê”, “Bác vừa đi vừa phơi quần áo trên một cành cây vác trên vai”, “Bác câu cá, đập ruồi”, “Bác về thăm nông dân, lội ruộng, đạp guồng nước với bộ quần áo nâu, khăn mặt khoác vai cùng “đôi dép lốp” muôn đời vẫn thế”, mà cho ra nhiều tác phẩm đến nỗi bác ấy trở thành người được đi vào thi ca, văn học, sân khấu, điện ảnh … đồ sộ, đến kinh khủng, vượt mọi kỷ lục của mọi thời gian, mọi không gian. Không một anh hùng dân tộc của bất cứ dân tộc nào, thời đại nào lại có thể được nhiều người sáng tác xưng tụng mình bằng những ngôn từ hoa mỹ, đại ngôn đến mức … hết cả chữ trong tự điển mà cứ phải nhai lại của người khác và của chính mình đến rỗng tuếch như thế như Bác là vầng dương, là lương tâm của nhân loại”, “Bác là niềm tin, là ước mơ của nhân loại” (tớ cũng đã có góp phần được ghi trên bằng “Giải thưởng nhà nuớc” ngay đợt đầu bằng “Chúng ta không muốn đói” và “Nông dân biết ơn Bác” đấy!

Còn khá nhiều bài viết khác của nhạc sĩ Tô Hải mà tác giả bài viết nầy không thể kể hết ra ở đây. Như vậy, ta thấy là nhạc sĩ Tô Hải đâu có phải là một người HÈN như lời ông nói. Rõ là nhạc sĩ Tô Hải, người đầy đủ phẩm cách của một trí thức đức hạnh. Nội cái việc sống giữa bầy Sói Cộng Sản mà ông vẫn cố sức giữ tư cách riêng cho bản thân mình, khéo léo để tránh cảnh bị chúng “làm thịt” vì gốc gác (thân sinh là công chức cho Pháp và toàn gia đình ông gồm bố-mẹ và 6 người em ruột đã di cư vào Nam năm 1954), ông phải sống trong … đối phó và luôn luôn sợ hãi về những nỗi ám ảnh sẽ bị đấu tố, kết án … cả bao nhiêu năm trời như vậy (và ông thoát được), thì ông phải rất gan dạ. Giờ đây! Ông, một cụ già 83 tuổi, sống qua 5 chế độ, đã chứng kiến tận mắt những chuyện đau lòng suốt 65 năm làm người (của chế độ CS mà ông đã phục vụ). Vậy mà ông vẫn nặng lòng với đất nước Việt, vẫn cố sức trải lòng mình ra trên trang Blog của riêng ông (có khi bằng văn phong hài hước) để nói lên những nỗi buồn và niềm vui của riêng ông về quê nhà cùng những người Việt xa xứ … Bài viết dưới đây của ông (sau một đợt dưỡng bệnh, nghỉ viết tới 100 ngày):

… “NIỀM VUI:

1- Tình hình thế giới và trong nước đang được bánh xe lịch sử vận hành đúng như những điều mà tớ và bạn bè tớ mong ước. Chỉ qua một cuốn tiểu thuyết “Thời của thánh thần” dày hơn 600 trang của Hoàng Minh Tường lại được chính nhà xuất bản của Hội Nhà Văn TW do Tổng Biên Tập Trung Trung Đỉnh và Nguyễn Khắc Trường chịu trách nhiệm xuất bản (biên tập Tạ Duy Anh), cũng đủ thấy được cái chữ “Sợ” của cụ Nguyễn Tuân đã không còn nữa ở những nhà văn này. Vậy là 1 số văn sỹ (sau Nguyễn Khải, Đào Hiếu, Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo … ) đã đến lúc xuất hiện những tên tuổi mới, dám nói lên hoặc ủng hộ những cái gì mà lâu nay, vì … Hèn mà đành “im hơi lặng tiếng”. Trên các Blog, dù đã có nhiều răn đe, nhưng mọi người vẫn cứ “nghĩ gì nói nấy” vì tất cả đều tin là mình đang đứng về phía sự thật. Tiện đây tớ cũng xin nhắn nhủ với tất cả các bạn trẻ hãy bỏ thì giờ vào mạng (Việt Nam Thư Quán) đọc cuốn tiểu thuyết nói trên. Với tớ, đó là những trang sử có thật của đất nước từ năm 45 tới đầu thế kỉ XXI này. Các bạn sẽ gặp ở đó tất cả những nhân vật điển hình cho mọi thành phần giai cấp, đã sống qua cái bi hài kịch hãi hùng đau đớn nhất của dân tộc, của mọi gia đình, mọi tầng lớp: Những điều mà không ít các nhà văn, nhà viết sử chân chính từng ấp ủ, từng mơ ước (cũng như bản thân tớ), chưa có “gan”, chưa có khả năng làm. Quả là “hậu sinh khả úy”, khi một nhà văn sinh sau tớ cả hai chục năm lại viết được những gì mà chính chúng tớ cả gần nửa thế kỷ sống trong thực tế đau buồn, bi thảm kéo dài đó, đã anh dũng nói hộ lũ già nua hèn-kém chúng tớ!. Dù có một số sơ xuất khi phải xử dụng tài liệu, nhân vật có thật xen lẫn với hư cấu, nên đôi chỗ, những kẻ “không ưa nghe chuyện cũ” có thể dễ khép anh vào tội “xuyên tạc”, “nói xấu” hoặc cho là anh “bịa”, nhưng tớ xin đem cái mạng già này ra mà bảo đảm rằng: “Tất cả mọi chuyện xảy ra trong cuốn “tóm tắt lịch sử Việt Nam 60 năm này” của H.M.T là hoàn toàn có thật! Nó rất đáng để các bạn trẻ đọc và tin ở nó! Nó có thể thay thế tớ đóng góp cho cái nhìn của lớp trẻ lâu nay bị “quáng gà lịch sử”, muốn biết rõ thêm về những điều mà các nhà viết sử chính thống muốn dấu kín!(Ý đồ của bản thân tớ khi blogging cũng chỉ mong kể về “những chuyện có thật”, qua những entry “kể chuyện xưa” qua từng vụ việc, từng con người …). Vậy là, tớ đã có đồng minh và nhiều đồng minh khác nữa sẽ thay thế tớ sau khi tớ không còn ở trên cõi đời này! Làm sao không vui được giữa lúc phải đóng đinh trên giường mà lại có trong tay một cuốn sách “cực kỳ” như thế để quên đi cái lão Thần Chết đang cầm liềm đứng ngoài cửa sổ muốn “hái” tớ đi.

2- Chính trong cái thời gian 3 người đồng đội, dòng dõi nhà vua của tớ khi xưa “ra đi cứu nước” lần lượt qua đời (Bảo Tân, Bửu Huyền, Vĩnh Cường) với danh nghĩa … “chiến sĩ lão thành-hưu trí-bạch vệ” thì chẳng hiểu sao, lệnh từ đâu (?) người ta lại công khai xét lại cách đối xử “không công bằng” với các triều đại của chúa Nguyễn, lên án việc hủy bỏ những cái tên đường phố như Nguyễn Hoàng, Phan Thanh Giản, Tự Đức … là sai lầm, là ấu trĩ, giáo điều.? Mà nào có phải lời lẽ của 3 anh cầm bút trẻ người non dạ gì cho cam . Tòan những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Viện Khoa Học Lịch Sử nước nhà cả. Tiếc rằng mấy người bạn mang giòng họ Vĩnh, Bửu … nói trên không còn đươc hưởng cái “niềm vui mới” đó để dịu bớt đi nỗi đắng cay của những ngày người ta đấu tố mình trong các cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn, ép mình phải nhận rõ cha ông mình là … “Kẻ Thù Giai Cấp”!

3- Sau khi cho ra mắt các tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trần Dần, Tuân Nguyễn … Người ta long trọng tổ chức lần đầu “100 năm ngày sinh của giáo sư Trương Tửu” tại trường Đại Học Sư Phạm-Hà Nội! Trong các bản tham luận hua-ra (có quay phim đưa lên VTV), các giáo sư, tiến sĩ có uy tín nhất nước đã công khai “tung hô” “tên tờ-rót-kít cực kỳ nguy hiểm”, “tên kích động sự bất phục tùng và phản kháng” trong giới văn nghệ sĩ, kẻ muốn “tách văn nghệ ra khỏi chính trị hàng đầu” … như là “người đầu tiên đi vào phê bình văn học cách mạng “, “giáo sư hàng đầu”, “người đặt nền móng cho khoa lý luận văn học trong trường Đại Học” … “người phát triền lý luận văn học cách mạng” … vv và vv… Điều ngạc nhiên lại chính là những tiến sĩ, giáo sư đã từng là học trò của ông nhưng đã từng phải “tẩy não” để lên án thầy về “tư tưởng cực kỳ phản động” qua những điều ông nói và viết như “chất men bất phục tùng và phản kháng của người nghệ sĩ”, … “Nhiệm vụ lãnh đạo con tim của người cầm bút”.! Cũng chính do những lập luận này mà không ít kẻ đã lợi dụng để “giết” ông, đẩy ông về vườn nhẫn nhục và câm nín làm nghề châm cứu trên 20 năm cho đến lúc qua đời (tìm đọc tài liệu chửi Trương Tửu trên Talawas). Những niềm vui nói trên, tới hôm nay, tuy vậy, vẫn chưa lấy gì làm vững chắc vì trên một số tờ lá cải vẫn còn không ít những kẻ (chẳng biết đi lề bên phải hay bên trái?), vẫn tung ra những bài phê phán ngược chiều.! Cũng may, đó chỉ là những tên cầm bút vô tên tuổi, cơ hội chủ nghĩa, không một xu uy tín với người đọc, chẳng một gam tín nhiệm với lớp trẻ hôm nay. Nhưng cứ cho là có một áp lực nào đó phải cải chính lại “những niềm vui” của tớ đi thì ít nhất cũng là những “tiếng pháo cấm” đã đì đẹt nổ báo hiệu mùa xuân!

Và bây giờ nói đến NỖI BUỒN

Với một người ham sống, mê làm việc, đói thông tin như tớ thì 100 ngày qua là … 100 năm Buồn Bực và một ngàn nỗi … Buồn Đau! Thôi thì chỉ kể ra những “nỗi buồn cơ bản” nhất.

1- Buồn vì, năm 2008 vừa qua, đời sống của nhân dân lao động trong đó có gia đình tớ chẳng thấy đuợc “tăng trưởng” dù chỉ 1, 2, 3%, mà chỉ thấy, theo bà xã tớ thì thụt lùi … thậm chí đến 100%! Bả đưa ra những con số mà đố ông thống kê nhà nước nào dám cãi lại. Đó là gạo năm ngoái bả mua có 5000 đồng một ký thì nay … 12.000 đồng! Thịt năm ngoái 35000 đồng thì nay là … 55-60000 đồng! Rau cải từ 1000 đồng nay vọt lên 3000 thậm chí có lúc lên đến 5000 đồng! Còn chuyện học hành của đứa con gái tớ, từ ngày lên cấp tú tài thì … bất kể! Có tháng lên cả tiền … triệu! Tớ lại nghĩ tới hàng vạn công nhân thất nghiệp hoặc … ” không có việc” (nhà máy đóng cửa, giám đốc nước ngoài bỏ trốn như báo chí đã không thể không đăng), nghĩ tới những người nông dân phải chở lúa, gạo lên Saigòn bán cho người tiêu thụ với giá rẻ mạt mà … buồn cười cho những con số thống kê chẳng có tác động gì đến nồi cơm của hàng triệu con người cũng như của gia đình tớ! Tớ lại buồn và … bực cho những cảnh đời trái ngược khi nghĩ tới: Năm 2008 có triệu kẻ đói, thèm miếng cơm ngay trên vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (qua bài viết của Võ Đắc Danh đăng trên báo Tuổi Trẻ), trên vùng Mã Pì Lèng-Tây bắc (qua VTV), thì trong các quán bar, nhà hàng, khách san, những đêm vui chơi thác loạn, những cuộc lễ hội hoành tráng kỷ niệm, kỷ niếc 100 năm, 120 năm thành lập Tỉnh này, Hội nọ, Ban kia … (dù cho Thủ Tướng đã gần như ra lệnh “hãy màn màn” để chống suy thoái, lạm phát.!), với nhưng chương trình chẳng ra múa, chẳng ra rước, chẳng ra kịch câm, aerobic, hay diễn võ-tuồng Tầu … dài cả 5 chương, 7 màn … vẫn cứ diễn ra đều đều (kỷ niệm 310 năm thành lập thành phố Biên Hòa-Đồng Nai, nơi có số công nhân đình công lớn nhất vừa qua). Tớ lại liên tưởng đến số tiền người ta đổ ra để chỉ may mặc cho cả ngàn diễn viên, giá mà đem đổi lấy vài ngàn cái áo, cái quần để mặc cho mấy em bé người Mông trần truồng của một bản người Mông mà VTV đã cố tình đưa lên sóng khi quay về chuyến “vượt gian khổ đi xóa đói giảm nghèo” ở một cái xã rất khó đọc tên mà ông chủ tịch xã, người địa phương 100%, lại xuất hiện trước camera để “cảm ơn Đảng và Chính Phủ” với com-lê-cà vạt và bộ mặt … chẳng đói tí nào! Tóm lại chỉ đọc báo nhà nước, xem Tivi nhà nước thôi rồi đối chiếu ngay với cái xã hội quanh tớ và ngay nhà tớ thì tớ chẳng còn tin gì ở những con số lạc quan đươc người ta tung hê ra mà biết chắc chẳng có ma nào kiểm tra nổi! Bị coi là con nít, bị coi là quần chúng vô học, dân trí thấp kém, dễ đánh lừa, dễ “bảo sao-nghe vậy”, làm sao mà không buồn và bực cơ chứ.

2-Về đời sống chính trị của xã hội thì tớ thấy càng buồn hơn: Thì ra … ở ngay sát ta, nước bạn Kam Pu Chia, người ta được tự do hơn hẳn cái nước “đã giải phóng họ khỏi nạn diệt chủng”. Qua Internet, cứ nhìn và nghe thấy họ đã cho tự do lập Đảng, lập Hội, tự do bầu cử có quốc tế kiểm soát, tự do báo chí để rồi cuối cùng cái Đảng Nhân Dân Cách Mạng của Hun Xen, với tôn chỉ và mục đích hoàn toàn “Đổi Mới” đã được nhân dân tín nhiệm tới mức mấy ông lãnh đạo Funcipec cũng phải xin gia nhập thì … ở nước ta, chẳng có gì tiến bộ mà chỉ có … thụt lùi. Vẫn là “kiên trì đường lối Mác-Lê Nin”, vẫn là “kinh tế thị trường” nhưng có định hướng xã hội chủ nghĩa??? Trong khi đó, ở nước Tầu, họ đã khai trừ không tuyên bố mấy cái ảnh to đùng của Mác-Lê-Mao khỏi chủ tịch Đoàn Đại Hội Đảng … và trong các báo cáo văn kiện chính thức của họ sau Đại Hội, họ cũng không hề nhắc tới cái cụm từ “kiên trì đường lối Mác-Lê Nin, Mao Trạch Đông”. Trái lại ở xứ này, người ta lại làm rùm beng trong những ngày sinh, ngày chết của các ông Mác, ông Lê, ngày kỷ niệm CM tháng 10 … Thật là buồn nhưng sau đó là buồn … cười! Tớ càng thấy bài thơ “Tại sao bố mình không giỗ lại giỗ bố thằng hàng xóm?” của Lê Phú Khải quả là … chí lý!

3- Sau cùng là nỗi buồn về sự “lật thế cờ” của cái Ác chống cái Thiện. Nỗi buồn này trong tớ là có thật. Nó có thể là nỗi “buồn … tiêu cực” nhưng tớ cứ nói ra. Mong các friends giúp tớ giải tỏa nó đi vì tớ cảm thấy nó sẽ theo tớ mãi mãi khi đã … vào lò thiêu, khó mà theo khói bay lên trời. Cụ thể là:

a/. Những vụ “tiêu cực vĩ đại” như Pờ Mu 18, vụ Nguyễn Đức Chi, vụ Điện Kế Dỏm, vụ PCI, vụ Sừng Tê Giác, vụ New Century, vụ Ăn cắp có tổ chức dính líu tới 58 người VN tại Nhật … và còn hàng trăm vụ “nhục quốc thể” khác mà báo chí thế giới, và trong nước đã phanh phui … đưa tới cắt viện trợ ODA, vẫn ù lì giậm chân tại chỗ (có vụ kéo dài cả 4, 5 năm mà “Trên” vẫn họp bàn nên xử thế nào? “Xử ai”, “xóa tội” cho ai? Vẫn chưa đến hồi kết thúc!). Thậm chí có vụ dư luận còn bị những cú “rơ-ve” đến tỉnh người như vụ Thứ trưởng-đảng viên gương mẫu Nguyễn Việt Tiến! Thế cờ đã bị lật ngược bằng cách bỏ tù những ngươi đã “bịa” ra những tin tức không hề có cho ông ta! Gần đây,trên báo chí, các trang mạng chính thức của “Ta” đã cải chính công khai cho cái mà chính các nhà báo đã đăng tải là “New century, ổ ăn chơi sa đọa ngay sát công an quận Hoàn Kiếm và Sở Công An Hà Nội suốt 4 năm trời” là … chỉ có phạm “tội kinh doanh rượu không dán tem” mà thôi! Không những thế, chủ của cái tổ quỷ đó lại còn thách thức pháp luật trên các trang Net là: “Ngay cả tội kinh doanh rượu của ông ta cũng hoàn toàn hợp pháp mà nếu ra tòa, ông ta sẽ đủ giấy tờ chứng minh cho sự hợp pháp này”. Ông ta còn lập luận về “sự cần thiết phải có chỗ vui chơi cho giới trẻ thủ đô trong thời đại văn minh tiến bộ của thế giới!”. Tóm lại: Ông ta có công chứ không có tội. Còn cái việc huy động một lực lượng công an cả mấy trăm người để bắt gần ngàn các em về đồn thử phản ứng thuốc lắc là … có ai đó chủ tâm ghép ông ta vào cái tội tầy đình vì lắc hay không lắc là “chuyện của các em” chứ ông ta không kinh doanh những thứ đó. Ôi! Đọc những tuyên bố hùng hồn của cái ông Đại Dương này mà buồn cho … những người đang ra sức tuyên truyền cho phong trào “học và làm theo Đạo Đức Hồ Chí Minh”, và ngượng thay cho Ai (?) đã chỉ huy cái lực lượng công an của Bộ đã đánh “nhầm” phải cái điểm “bất khả xâm phạm” này! Liệu có bị ra tòa như các ông Quắc, ông Huynh không? Một lần nữa giữa cái Ác và cái Thiện có phải đã có một cuộc chiến mà cái Ác đã thắng?

Sau cùng (cũng phải tạm sau cùng thôi vì tớ đã lợi dụng sức và thời gian học thi của con tớ quá nhiều rồi), đó là:

Việc bắt bớ và ra tòa hoặc vào tù, hoặc phong tỏa, “mời làm việc”, khám nhà, tịch thu máy tính, điện thoại, cắt Internet của quá nhiều những người mà tớ luôn theo rõi lời nói, bài viết … trên các trang web, trên blog của họ. Không một ai hô hào lật đổ, nổi loạn … mà chỉ đòi hỏi những gì mà mọi người trên trái đất này cần có tối thiểu. Đó là: Tự do lập Hội, tự do làm báo, tự do phát biểu kể cả “trái chiều”, tự do được biểu tình phản đối bất cứ kẻ nào xâm lược dù một tấc đất của cha ông. Vậy mà, Phạm Thanh Nghiên, bị bắt giam chờ ngày ra tòa vì dám ngồi tại nhà (tọa kháng) với những khẩu hiệu (chỉ treo trên tường nhà mình ) lên án nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lược, sau khi cùng bạn bè làm đơn “xin phép biểu tình” bị bác bỏ. Còn Hoàng Hải đã bị tù giam (về tội “trốn thuế-cho thuê nhà”). Một bản án nặng nề chưa từng có tại Việt Nam vì có đến hàng vạn người đang cho thuê nhà mà không hề nộp thuế, kể cả các cán bộ cao cấp, về hưu mà tớ và bà xã tớ có thể “chỉ điểm” cho các cơ quan thuế hàng lô, hàng lốc! Rõ ràng đây là cái ” tội” dám làm chủ trang Web “Câu Lạc Bộ Các Nhà Báo Tự Do”, làm chủ Blog Điếu Cày và đã từng ba lần “phạm tội” giương cao khẩu hiệu đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa công khai giữa đường phố Sài Gòn, giăng hàng ngang đứng ngay giữa thềm nhà hát thành phố .

Có lẽ cũng do vụ án quá bất hợp pháp này mà cái thông tư quản lý Blog đã ra đời để sau này có bắt ai thì đã có “luật pháp quy định”? Kèm theo các lời giải thích của các vị có nhiệm vụ kiểm soát cái đầu và trái tim của hơn 80 triệu dân này thì, rõ ràng là một cái tóc cũng sẽ là một cái tội. Vì Blog chỉ là nhật ký cá nhân, không có chức năng thông tin và nếu Blog lại trở thành “báo chí công dân” thì sẽ xử theo luật báo chí nghĩa là sẽ theo hai anh Hải-Chiến ra trước vành móng ngựa tắp lự! Báo nhà nước còn thế nữa là báo cá nhân! Mới thấy cái roi mây đập mấy phát xuống giường kèm theo vài lời “Nằm xuống! Liệu hồn!” mà tớ đã thấy một số “giai téo” vội vàng “đóng Blog”, im hơi lặng tiếng cả mấy tháng trời! Có vị “giáo sư” còn vội vàng cải chính về những trang hồi ký tung lên mạng “có hại cho uy tín lãnh tụ”, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh đất nước là “tôi không hề tự tay tung lên Internet”(?) … là “tôi viết chỉ để … giải tỏa … không hề có ý này ý nọ”. Chỉ còn thiếu “Em lạy các anh công an, em trót dại nghe các “thế lực thù địch” nên trót lỡ … Đừng bắt em, ội nghiệp!”. Đọc những bản viết như thế sao mà không buồn, nhưng mà … buồn nôn!

b/. Đã thế mấy trang web của người Việt hảỉ ngoại mà tớ thường hay lướt qua thì thấy … càng ngày họ càng … tự đánh phá nhau thậm tệ. Trang này chửi bới trang kia bằng những lời lẽ chưa hề có trong văn viết bao giờ. Đọc xong thấy lợm cả giọng. Và ở Mỹ, ở Pháp, ở Balan, nếu quả là có thật như những bài báo chuyên nghề chửi bới, vạch mặt nhau thì … “Phản gián Việt cộng quả là giỏi nhất thế giới!”, một màng lưới “đặc công đỏ”, “dân chủ cuội”, “Công an trá hình” đã được phản gián Cộng Sản, dùng khổ nhục kế và dùng hàng triệu đô la để cài người đánh phá “cộng đồng người Việt tự do” ngày càng ác liệt?! Cha chả! … Còn “phong trào dân chủ “, khối 8406 trong nước ư? Toàn là những đồ “đi tù giả”, “dân chủ cuội”, “phản tỉnh vờ” … Chẳng một ai không bị chửi, ngoài hai nhà tu hành: Thích Quảng Độ và Linh mục Nguyễn Văn Lý!?

Thế đấy! tại quốc nội thì sự đàn áp ngày càng khắt khe, băng keo dán miệng đã cùng với cả một lô quyết định, thông tư … sẵn sàng ban bố, kể cả CẤM TƯ NHÂN KHÔNG ĐƯỢC XỬ DỤNG INTERNET cũng có thể ra đời. Đuổi cổ Google, Yahoo ra khỏi cái đất nước tự do theo kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là điều rất có thể!.

“Mặc ai phản đối kêu trời,
Nhân quyền, Dân chủ kiểu tôi, tôi làm”!

Thách 10 bà Loretta Sanchez, thách trăm ông Nghị EU, cứ vào đây coi … Tôi sẽ đếch cấp visa như 4 vị vừa qua với lý do “không bảo đảm an ninh” thì … cứ ngồi ở bên Tây, bên Mỹ mà đòi cái nhân quyền theo kiểu các vị!

Làm sao không buồn cho cái thế giới phẳng này đang bị đào bới, xới lộn, đặt “lô cốt”, kẹt xe … y hệt các con đường ở thành phố Hòn … “Ngọc Viễn Đông” chẳng dũa chẳng mài này chứ!

Còn ở quốc ngoại thì “Người Việt Tự Do” bị chia năm xẻ bẩy! Ai cũng có thể trở thành “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, ai cũng có thể là “công an cộng sản nằm vùng”, là “đặc công đỏ”, nếu không theo đúng chủ trương, đường lối của nhóm này, nhóm nọ … (trích trong: Tớ trở lại sau 100 ngày).

Nếu gọi những người từng một thời là đảng viên CS hay tôn thờ chủ nghĩa CS mà nay đã bỏ đảng hoặc thôi không “ủng hộ” lý tưởng CS nữa là những người phản tỉnh thì thực tế là hiện nay con số người như vậy có rất đông tại quê nhà. Trước đây thì có người đã phản tỉnh ngay sau khi họ tận mắt chứng kiến cảnh đấu tố giết người vô tội trong Cải Cách Ruộng Đất như trường hợp của Võ Hải, Hồ Mậu Đề, Lê Hoan, Trần Lãm … đã trở thành những tá tướng ở “phía bên kia” với những cái tên hoàn tòan mới. Đó là những anh lính lục quân Trần Quốc Tuấn, sau chiến dịch Điện Biên về tiếp quản Hà Nội đã … tranh thủ thời gian 300 ngày, theo hiệp định Giơ-neo, được “tự do lựa chọn nơi làm ăn sinh sống” đã tranh thủ xuống Hải Phòng mà “một đi không trở lại”! Họ đã tự mình xóa bỏ mọi thành tích “chiến đấu giải phóng dân tộc” để tự nguyện chuyển sang hàng ngũ những người chống cộng hàng đầu (trích trong: Gặp lại các cụ chiến sỹ).

Có người thì sau khi tập kết ra sống ở miền Bắc mới sáng mắt (khi đã biết xã hội CS) rồi nhân có cơ hội hồi kết (trở về miền Nam), cũng đã bỏ hàng ngũ CS như trường hợp của nhà văn Xuân Vũ, ca sĩ Bùi Thiện … Hoặc ngay cả khi họ đang ngồi trong hàng những tù binh Bắc Việt được chính quyền miền Nam VNCH trao trả lại cho CS tại sân bay Lộc Ninh năm 1973. Có người thì phải đợi đến khi có sự sụp đổ của Liên Xô và khối CS Đông Âu thì họ mới phản tỉnh (như trường hợp của Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ…). Dù vậy, vẫn có người kiên trì tin vào lý thuyết CS cho đến khi những hình ảnh Đầy Tớ Nhân Dân thành Tư Bản Đỏ xuất hiện đầy rẫy ở trong nước (cùng sự lấn ép của bọn Tàu Cộng) thì họ mới chịu rũ bỏ niềm tin vào lý tưởng CS. Có thể nhạc sĩ Tô Hải nằm trong trường hợp (hết còn kiên nhẫn nổi với bọn CS) người phản tỉnh sau cùng nầy … dù muộn màng. Phản tỉnh với chủ thuyết CS và mong muốn thay đổi cái chế độ đương thời tại quê nhà. Với người viết bài nầy, dù nhạc sĩ Tô Hải cho mình là HÈN (khi viết quyển sách HKCMTT kể trên) vì ông cho là đã im hơi-lặng tiếng khá lâu với những điều “trông thấy mà đau đớn lòng”, có khác gì là thỏa hiệp, là đồng lõa với chế độ CS. Thì với các bài viết của ông kể trên đây (cùng quyển HKCMTH), nhạc sĩ Tô Hải vẫn còn hơn nhiều người trong hàng ngũ CS hiện nay (trẻ hay đã lão thành) vẫn “… còn đó một vài cái mặt trơ, trán bóng hoặc ù lỳ ngồi xe lăn hưởng lộc trời” (trích trong: Một entry lạc đề). Vả lại, sự im lặng của ông cũng giúp ông … yên ổn tấm thân, để biết nhiều chuyện trong xã hội CS Việt Nam mà nay ông mới có cái để nói cho chúng ta được biết.

Thực ra thì ngay cả những đảng viên cao cấp của CS Việt Nam hiện nay còn mấy ai tin vào lý thuyết CS nữa? Cứ nhìn vào lối sống cá nhân và gia đình của họ. Họ không còn tin tưởng gì với chủ thuyết CS nhưng vẫn bám vào chủ nghĩa nầy để hưởng lợi cá nhân. Họ cũng là những con người “phản tỉnh” với lý thuyết CS nhưng lại không muốn thay đổi bằng một chủ thuyết khác. Nói cách khác là quyền lợi của bọn người nầy gắn liền với sự tồn tại của cái gọi là nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (việc Tao, Tao nói. Việc Mầy, Mầy cứ làm hoặc Tao nói vậy mà không phải vậy, Mầy nghe chưa?) hiện nay, dù người đó có là một đảng viên CS hay là một người từng có thời đứng trong hàng ngũ miền Nam VNCH trước đây. Họ câu kết (làm ăn) với nhau để cùng làm băng hoại đất nước Việt. Khi đất nước Việt còn phân qua hai miền Nam-Bắc thì chế độ miền Nam VNCH là nơi để cho những người phản tỉnh CS chạy đến. Nay thì thực thể miền Nam VNCH không còn nữa, nơi để nhũng người phản tỉnh, những người đấu tranh cho tương lai nước Việt nhắm đến chính là một nhà nước Việt Nam có Dân Chủ-Tự Do thực sự trong mai hậu.

Dù sao, thái độ của nhạc sĩ Tô Hải rất đáng trân trọng và mong rằng ngày càng sẽ có thêm nhiều điển hình: TÔI LÀ MỘT THẰNG HÈN như trường hợp của ông ở nước Việt. Bất cứ ai biết mình đã từng HÈN (vì im lặng quá lâu trước điều Ác, sai trái…) nay mới dám nói (tố cáo) ra (sự việc đã không dám nói) thì người đó đã hết HÈN. Thái độ đó khác xa với thái độ (của bọn người) miệng oang oang: Ghét Điều Giả Dối, Thích Sự Trung Thực như các tay đầu lãnh nhà nước CS Việt Nam bây giờ.

Phạm Thắng Vũ
(July 01, 2009)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn