BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73900)
(Xem: 62308)
(Xem: 39503)
(Xem: 31223)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ba Mươi Năm Sau, Những Biến Chuyển Mới

20 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 884)
Ba Mươi Năm Sau, Những Biến Chuyển Mới
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Từ năm 1975 cho đến nay, tình hình thế giới thay đổi lớn lao, trong đó quan trọng nhất là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Từ đó, tình hình Việt Nam cũng thay đổi theo, và riêng năm 2005, tức đúng ba mưới năm sau ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, có những dấu chỉ cho thấy một khúc quanh mới trong bang giao quốc tế của Việt Nam.

1- ĐỒNG CHÍ KHÔNG ĐỒNG MINH

Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, trên thế giới còn bốn nước cộng sản là Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cuba. Việt Nam nằm sát Trung Quốc và chế độ hiện nay ở Việt Nam muốn cùng Trung Quốc bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ muốn bảo vệ xã hội chủ nghĩa trong nước Trung Quốc mà thôi và không muốn cùng Việt Nam bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới. Nghĩa là Trung Quốc sẵn sàng làm đồng chí với Việt Nam, nhưng không làm đồng minh với Việt Nam (BBC, 10-12-2004).

Điều nầy có nghĩa là tuy hai bên cùng theo chủ nghĩa xã hội (dầu đã biến thái), nhưng không cùng "cộng sản" quyền lợi. Trung Quốc vẫn đặt quyền lợi của Trung Quốc lên trên tình đồng chí cộng sản. Đây là chính sách của Trung Quốc đối với Liên Xô ngày trước, tuy cùng xã hội chủ nghĩa, nhưng mỗi bên có quyền lợi riêng tư, và hai bên đã từng đem quân đánh lẫn nhau vào năm 1969 tại biên giới vùng sông Ussuri (Ô Tô Lý Giang), phía đông bắc Trung Quốc, và sau đó năm 1972, Trung Quốc liên kết với Hoa Kỳ chống Liên Xô.

Chủ trương không đồng minh với Việt Nam của Trung Quốc còn nằm trong kế hoạch lâu dài của Trung Quốc do âm mưu bành trướng xuống phía nam. Âm mưu nầy lộ rõ vào cuối thế kỷ vừa qua. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) đã ép Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) ký kết hai hiệp ước nhượng đất (30-12-1999) và nhượng biển (25-12-2000). Không dừng chân tại đây, CHNDTH càng ngày càng ức hiếp Việt Nam, lấn đất, lấn biển và gần đây nhất, ngày mồng 8-1-2005 vừa qua, binh sĩ Trung Quốc nổ súng bắn giết ngư dân Việt Nam trong lãnh hải Việt Nam và còn bắt nhiều người làm tù binh.

Lỗi lầm lớn nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) là động binh tiến đánh miền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Cuộc chiến đã làm tiêu tan tiềm lực quốc gia ở cả Bắc lẫn Nam Việt Nam. Nếu tiềm lực nầy được sử dụng để xây dựng kinh tế thì Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc. Ngoài ra, sau khi VNCH không còn nữa vào năm 1975, thì không còn trở lực nào từ phía miền Nam hay từ phía những nước tư bản đồng minh với miền Nam, nên CHNDTH tự do bành trướng xuống phía Nam. Hoa Kỳ vừa bỏ đi năm 1973 thì năm 1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Khi Liên Xô phải bận đối phó với tình hình bất ổn tại Đông Âu năm 1988, thì tại Biển Đông, Trung Quốc tiến thêm bước nữa, đưa Hải quân hiện diện thường xuyên ở Trường Sa trên các đảo Chữ Thập (phía tây) Subi (phía bắc), Châu Viên (phía nam) và vài đảo trung tâm như Gaven, Kennan, Gạc Ma. Tại Gạc Ma, Trung Quốc đánh chìm ba chiến thuyền của CSVN ngày 14-3-1988. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, CSVN quy phục CSTH. Cũng vì miền Nam không còn, CHNDTH mới buộc được chế độ Hà Nội phải ký hai hiệp ước nhục nhã nhượng đất và nhượng biển cho CHNDTH.

Trong thời Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979, các tài liệu học tập của CSVN đều viết rằng Việt Nam có hai kẻ thù là Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ ở xa trong khi Trung Quốc ở gần. Nếu thế, tuy không nói ra, sau năm 1995, khi làm bạn với Trung Quốc và Hoa Kỳ, CSVN tự biết rằng Hoa Kỳ ở xa còn Trung Quốc ở gần.

Ngày nay, 30 năm sau ngày cưỡng chiếm miền Nam, CSVN phải đối diện với hai thực tế sau đây: Thứ nhất ở trong nước, CSVN phải cải tổ kinh tế do đòi hỏi của dân chúng, do sự phát triển chung của đất nước sau khi mở cửa, do việc giao thương với nước ngoài càng ngày càng phức tạp, nhất là dự tính tham gia Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO). Thứ hai, ở ngoài nước, sức ép của Trung Quốc tuy chậm chạp nhưng càng ngày càng nặng nề, nhất là trên Biển Đông vì Trung Quốc chẳng những muốn bành trướng về phương nam, mà Trung Quốc còn cần tìm kiếm những mỏ dầu hỏa để phục vụ cho nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc. Vì Trung Quốc chỉ chấp nhận đồng chí chứ không đồng minh với Việt Nam, nên Việt Nam mới vỡ lẽ ra, phải đi tìm đồng minh mà không cần đồng chí nữa, miễn sao giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn trên mà thôi.

2- ĐỒNG MINH KHÔNG ĐỒNG CHÍ

Để giúp Việt Nam giải quyết hai vấn nạn trên đây, trên thế giới hiện nay, chỉ có Hoa Kỳ là cường quốc duy nhất có thể đáp ứng được mà thôi. Vì quyền lợi của mình, Hoa Kỳ lại sẵn sàng đồng minh với bất cứ nước nào mà không cần phân biệt chế độ chính trị của nước đó.

Hoa Kỳ hiện diện ở Việt Nam vào đầu thập niên 50 không phải để chống lại Bắc Việt mà để ngăn chận CHNDTH. Để kích động lòng dân trong nước, và lôi cuốn sự giúp đỡ của khối Cộng sản và các nước chống Hoa Kỳ, Hà Nội đưa ra chiêu bài "Chống Mỹ cứu nước" khi xâm lăng miền Nam. "Chống Mỹ cứu nước" đâu không thấy, khi Mỹ vừa quay lưng đi sau Hiệp định Paris (27-1-1973), thì Hải quân CHNDTH đánh chiếm Hoàng Sa (18-1-1974). Quần đảo nầy không phải là của riêng VNCH, mà VNCH chỉ tạm thời quản lý tài sản chung do tổ tiên để lại.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Trung Quốc tiếp tục con đường hiện đại hóa, càng ngày càng phát triển về mọi mặt, và trở thành đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ, mặc dầu hai bên vẫn giao thương và tư bản Hoa Kỳ đổ vào Trung Quốc khá lớn lao. Tuy nhiên tham vọng bành trướng của Trung Quốc xuống Biển Đông làm cho Hoa Kỳ lo ngại vì hai điều. Thứ nhất, gần đây, những cuộc nghiên cứu cho thấy Biển Đông có nhiều tiềm lực dầu hỏa, là thứ nhiên liệu cần thiết cho kỹ nghệ hiện đại mà cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn khai thác. Thứ hai Biển Đông là con đường chiến lược tiến xuống các nước Đông nam Á và cả Úc Châu nữa. Vì vậy, Hoa Kỳ cần tìm cách kiềm chế việc Trung Quốc bành trướng xuống phía nam và chủ động kiểm soát ở Biển Đông trước khi Trung Quốc ra tay.

Trong khi đó, nằm sát cạnh phía nam Trung Quốc và nằm ở phía bắc các nước Đông nam Á, Việt Nam là lá chắn giữa hai bên. Trong lịch sử, Việt Nam là nước có nhiều kinh nghiện đánh trả những cuộc xâm lược của Trung Quốc, bảo vệ độc lập, cũng như kinh nghiệm sống chung với Trung Quốc sau chiến tranh. Về phía Hoa Kỳ, trước đây, vào năm 1972, Hoa Kỳ đã từng liên kết với Trung Quốc để chống Liên Xô. Ứng dụng bài bản cũ, Hoa Kỳ sẵn sàng liên kết với VNCS kiềm chế Trung Quốc. Với Hoa Kỳ, con domino đỏ hay trắng không thành vấn đề. Vấn đề là con domino đó hữu hiệu trong công cuộc phòng thủ của Hoa Kỳ.

Do nhu cầu của cả hai phía, vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, VNCS và Hoa Kỳ càng ngày càng nhích lại gần nhau. Kết quả sự nhích lại gần nhau giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là việc ngoại trưởng Madelaine Albright chính thức viếng thăm Việt Nam năm 1997, rồi tổng thống Bill Clinton đến thăm Việt Nam từ 16 đến 18-11-2000. Tiếp theo đến việc ký kết Hiệp ước Thương mại Việt Mỹ tại Washington D.C. ngày 13-7-2001. Việt Nam cộng sản cũng lo ngại phản ứng của Trung Quốc, nhưng nếu có Hoa Kỳ làm đối trọng, thì Trung Quốc sẽ bớt đi những đòi hỏi đối với VNCS. 3- NHỮNG BIẾN CHUYỂN MỚI

Từ đó cho đến nay, hai bên cử người qua lại dò dẫm từng bước một. VNCS muốn được Hoa Kỳ giúp đỡ nhưng đừng can thiệp vào chuyện nội bộ Việt Nam. Hoa Kỳ chủ trương thâm nhập để thay đổi, nếu không muốn nói để khuynh loát, nên sẵn sàng bắt tay với VNCS. Từ đầu năm nay (2005), xảy ra các sự kiện quan trọng liên tiếp nhau cần chú ý trong quan hệ Việt Mỹ.

Thứ nhất, tại San Francisco (bắc California), ngày 21-3-2005, sau mười năm tái lập bang giao Mỹ Việt, ông Michael W. Marine, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã tổ chức một cuộc tiếp xúc với một số người Mỹ gốc Việt. Ông Marine là đương kim đại sứ Hoa Kỳ tại VNCS, nghĩa là ông nắm rõ đường lối và chính sách Hoa Kỳ hiện đang thực hiện tại Việt Nam. Ông Marine là gạch nối giữa Hoa Kỳ và chế độ Hà Nội, nghĩa là ông cũng nắm rõ hiện tình mối liên lạc ngoại giao song phương. Trong cuộc tiếp xúc nầy, ông Marine đọc một bài diễn văn soạn sẵn, có nghĩa là ông không ngẫu hứng phát ngôn, mà cẩn thận phát ngôn theo đúng đường lối chính sách của chính phủ Hoa Kỳ.

Ngoài phần trình bày kết quả mười năm tái lập bang giao Mỹ Việt, mà theo ông rất tốt đẹp trong các lãnh vực đầu tư, mậu dịch, hợp tác trong việc tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích (MIA), hợp tác chống buôn lậu ma tuý..., ông Marine nhấn mạnh rằng từ nay những người Mỹ gốc Việt, nếu về Việt Nam hoạt động chống chế độ Hà Nội mà bị bắt giữ," thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thể can thiệp cứu họ. Ông Marine còn chính thức loan báo ông Phan Văn Khải (thủ tướng từ 25-9- 1997) sẽ viếng thăm Washington D.C., cũng như chiến hạm nguyên tử Gary của Hoa Kỳ sẽ ghé cảng Sài Gòn, và nhất là Việt Nam sẵn sàng để cho các tàu thuyền Hoa Kỳ thả neo ở bất cứ cảng nào trên đất nước Việt Nam...

Điều quan trọng trong bài diễn văn của ông Marine không phải chỉ là những sự kiện trên đây, mà còn là sự xác nhận chính sách mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong đoạn giữa của bài diễn văn như sau:

"The U. S. respects Vietnam’s sovereignty and territorial integrity and forthrightly opposes any efforts at separatism or other challenges to Vietnam’s borders. Instead we have many areas of mutual interest in regional and international security. Our current defence co-operation represents the first steps in finding an appropriate way for our nations to meet the 21st century’s security challenges together." (Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và cương quyết chống lại bất cứ cố gắng nào nhằm phân chia hay nhằm gây rối biên giới Việt Nam. Trái lại, chúng ta [Hoa Kỳ và Việt Nam] có nhiều lãnh vực lợi ích chung về an ninh khu vực và thế giới. Mối hợp tác quốc phòng hiện nay của chúng ta tượng trưng cho những bước đầu tiên trong việc tìm kiếm một đường lối phù hợp để hai nước cùng nhau đương đầu với những thách thức an ninh trong thế kỷ 21.)

Hoa Kỳ "cương quyết chống lại bất cứ cố gắng nào nhằm phân chia hay nhằm gây rối biên giới Việt Nam," có nghĩa là trong nước Việt Nam, Hoa Kỳ cương quyết chống lại những nỗ lực chống đối nhà cầm quyền Hà Nội và ở ngoài nước Hoa Kỳ chống lại những vụ vi phạm biên giới Việt Nam. Câu văn nầy sao hơi giống điều khoản 23 hòa ước bảo hộ Pháp tại Việt Nam ngày 25-8-1883 rằng Pháp sẽ bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, chống các cuộc xâm lăng từ bên ngoài, và cách mạng ở bên trong. (Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH, Quân sử III, tr. 184.)

Thứ hai, gần như đồng thời với lời tuyên bố của đại sứ Marine ở San Francisco, tại Việt Nam, một nhân vật CSVN quan trọng, ông Nguyễn Minh Triết, uỷ viên Bộ Chính trị đảng CSVN, bí thư Thành uỷ TP.HCM (tức thành phố Sài Gòn trước 1975), tuyên bố rằng Việt Nam muốn mở rộng quan hệ tay đôi với Hoa Kỳ (Đài RFA ngày 23-3-2005).

Thứ ba, VietBao Online số 3658 ngày 8-4-2005, đã dịch đăng một bản tin bằng Anh ngữ do Việt Nam đưa ra ngày 7-4, về việc ký kết hiệp ước Hợp tác Mỹ Việt, với nội dung tóm lược như sau: Từ 31-3 đến 7-4-2005, ông Lê Văn Bàng, thứ trưởng bộ Ngoại giao CSVN đã đến Washington D. C. thương thuyết với các viên chức Hoa Kỳ thuộc bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia, bộ Nông nghiệp, bộ Giao thông, Phòng Đại diện Mậu dịch Hoa Kỳ, Sở Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và nhiều công ty và hội ngoài chính phủ. Ông Lê Văn Bàng cũng họp với Thượng nghị sĩ John Mc Cain, dân biểu Lane Evans, hai đồng chủ tịch Nhóm thân hữu Nghị viện Mỹ Việt (US-Vietnam Parliamentarian Friendship Group), và một số nhân vật Quốc hội Mỹ.

Cũng theo Việt Báo: "Trong các buổi họp nầy, hai phía đã so sánh các ghi nhận về các quan tâm chung. Họ bàn về các biện pháp để cải thiện và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước. Họ cũng đồng ý tăng cường các buổi họp cấp bộ và cấp sở của hai nước. Phía Mỹ đồng ý ủng hộ cho CSVN gia nhập WTO [World Trade Organization tức Tổ chức Mậu dịch thế giới]."

Thứ tư, sau khi trở về nhiệm sở ở Hà Nội, đại sứ Marine họp báo ngày 13-4-2005, tuyên bố rằng "Quan hệ [Mỹ Việt] càng ngày càng thân, nếu không muốn nói là tình thân kết chặt rất là thân, trong 10 năm qua trên nhiều phương diện khác nhau... Có những cuộc thảo luận về chuyến viếng thăm cấp cao bởi phía Việt Nam tới Mỹ năm nay. Cả hai phía đều ráo riết làm cho điều nầy hiện thực..." (Việt Báo Online số 3664, ngày 14-4-2005)

Ráp nối các mẩu tin nầy, mọi người sẽ dễ nhận thấy các mẩu tin nầy bổ túc cho nhau. Về phía Hoa Kỳ, Hoa Kỳ tuyên bố tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và sẵn sàng giúp Việt Nam bảo vệ lãnh thổ. Bảo vệ lãnh thổ chống lại sự đánh phá của ai? Không lẽ của người Việt lưu vong? Vậy thì chỉ còn Trung Quốc, cường quốc bá quyền phương bắc. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn giúp VNCS về nhiều mặt khác nữa như nông nghiệp, giao thông, mậu dịch nên ông Lê Văn Bàng mới gặp các giới chức liên hệ của Hoa Kỳ. Về phía VNCS, Việt Nam đồng ý để thuyền bè Hoa Kỳ vào các cảng của Việt Nam.

Hoa Kỳ trở lui Việt Nam vì quyền lợi của Hoa Kỳ. Quyền lợi Hoa Kỳ hiện nay ở Đông Á đang bị CHNDTH cạnh tranh mạnh mẽ về tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, nhất là từ đầu thế kỷ 21 nầy, khi CHNDTH vươn vai đứng dậy thành người khổng lồ trên thế giới, thách thức địa vị bá chủ của Hoa Kỳ. Trong lúc triển khai lực lượng để "bảo vệ" biên giới Việt Nam, trong đó có các hải đảo trong Biển Đông, thuyền bè Hoa Kỳ được quyền vào các hải cảng Việt Nam là điều thuận lợi cho Hoa Kỳ, vì từ khi rời Việt Nam và Phi Luật Tân từ giữa và cuối thập niên 70 cho đến nay, Hoa Kỳ không còn hải cảng nào ở Đông nam Á để hạm đội Mỹ dừng chân, nhất là hiện nay, sau cuộc chiến Irak, các tổ chức Hồi giáo tại các nước Đông nam Á tăng cường hoạt động chống Hoa Kỳ.

Về phương diện kinh tế, tiềm lực dầu hỏa ở thềm lục địa Việt Nam trong Biển Đông là món hàng hấp dẫn các nhà tư bản Hoa Kỳ. Các mỏ dầu vùng thềm lục địa Việt Nam tuy không dồi dào và tốt như các mỏ dầu Trung đông, nhưng vẫn rất quý trong trong thời buổi loại nhiên liệu nầy trên thế giới càng ngày càng khan hiếm.

Đứng bên cạnh Hoa Kỳ, nếu không muốn nói là sau lưng Hoa Kỳ, còn có các nước Nam Triều Tiên, Nhật Bản, và các nước Đông nam Á. Các nước Nam Triều Tiên và Nhật Bản rất lo ngại sự cạnh tranh về kinh tế của Trung Quốc. Hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn so với hàng hóa cùng loại của Nhật Bản hay Nam Triều Tiên, vì vật liệu, nhân công Trung Quốc rẻ hơn, nên Trung Quốc dần dần lấn giành thị trường của hai nước nầy.

Các nước Đông nam Á lo ngại Trung Quốc tràn lấn xuống Biển Đông và hăm dọa các nước Đông Nam Á. Giấc mộng xâm lăng xuống phía nam là giấc mộng truyền kiếp lâu đời của các triều đình phong kiến Trung Hoa cho đến chế độ CHNDTH hiện nay. Biển Đông chẳng những là vị trí chiến lược tỏa xuống Đông nam Á, mà dưới đáy Biển Đông (tương đối không sâu) còn có nhiều tiềm lực dầu hỏa.

Như thế, đảng CSVN, sau 20 năm "chống Mỹ cứu nước" (1954-1975) tiêu phí biết nhiêu xương máu của dân tộc, thêm 30 năm hô hào chống "diễn tiến hòa bình" (1975-2005), để rồi cuối cùng mới ngộ ra rằng cần có đồng minh chứ không cần đồng chí, nên phải nhờ Washington D.C. để chống lại "diễn tiến Hán hóa" từ phương bắc.

Có một thời điểm cần chú ý: năm 2008 là năm Trung Quốc đứng ra tổ chức Thế vận hội. Hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư, đổ nhiều tiền của xây dựng cơ sở vật chất để chuẩn bị cho các nước đến tham dự Thế vận hội và để thu hút du khách thế giới. Vậy liệu từ đây cho đến đó, nếu xảy ra những biến chuyển lớn lao trong bang giao Mỹ Việt, liệu Trung Quốc có ra tay khuấy động để đưa đến những căng thẳng ngoại giao bất lợi cho Thế vận hội của Trung Quốc không?

Trần Gia Phụng
(Toronto, 20-4-2005)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn