1. Chưa lộ thì DANH GIÁ, lộ rồi thì...
Báo Tiền phong ngày, 02/03/2008 viết "...Cuốn sách dày trên 350 trang, vừa ra mắt cuối năm 2007 với số lượng 6.000 cuốn, mỗi cuốn 50.000 đồng, mà theo nhân viên ở đây thì Tổng Cty “bị” mua hàng trăm cuốn. Lục giở thử, thấy doanh nhân Chủ Tịch HĐQT COSEVCO Trần Xuân Đính được dành cho một bài viết dài 13 trang với những lời ngợi ca hoành tráng của một nhà báo khá tên tuổi ở phía Bắc. Trong đó, ông Đính hùng hồn phát biểu: “Một đời làm doanh nghiệp với một trái tim nóng, một cái tâm trong sáng, một tầm nhìn rộng lớn thì sẽ vượt qua những khó khăn thách thức, vững bước đi lên ...”; rồi doanh nhân phải có nghị lực, có trí tuệ, có đạo đức của một người chiến sĩ kiên cường và “Đức, Trí, Dũng” vẫn là tiêu chí hàng đầu cho mỗi doanh nhân ...”.
Sự “ngây thơ” của nhà báo nọ nghĩ cho cùng cũng chẳng có gì khó hiểu! Vì trên phòng làm việc của vị CTHĐQT Trần Xuân Đính cũng như hàng trăm vị CTHĐQT khác đều được trang trí đỏ rực các bằng khen của Bộ Trưởng bộ Xây dựng và cả của Thủ Tướng chính phủ.
Bởi vì: Cũng như các lãnh đạo khác chưa lộ thì DANH GIÁ, lộ rồi thì...
2. Sự lộng quyền
Ở bài "Đa đảng là ấm no, hạnh phúc. Không phải là tự sát !" tôi đã phân tích: "Trước đây, việc quản lý các xí nghiệp quốc doanh theo mô hình kế hoạch hoá tập trung thì trì trệ không phát triển được “cha chung không ai khóc”…phải chuyển sang “giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp”. Vậy là, tiền thì của nhà nước, của tập thể lại giao cho một người có quyền quyết định từ đó dẫn đến lộng quyền tha hồ cầm tiền đi mua máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, thiết bị rởm của nước ngoài miễn là có % bỏ túi, tình trạng này vẫn kéo dài tới tận giờ mà không ngăn được càng ngày càng lớn như vụ 40 nhà máy đường đã làm cả nước mất đi hàng chục ngàn tỷ đồng."
Cụ thể ở đây đã chứng minh rất rõ điều đó: "Suốt nhiều năm liền, COSEVCO hoàn toàn thuộc “quyền sinh quyền sát” của Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đính, dù “thành tích” về gây lỗ, nợ và thất thoát của doanh nghiệp do ông này lãnh đạo thuộc hàng kỷ lục. Về lỗ: năm 2003 lỗ 68 tỷ, 2004 lỗ 14 tỷ, năm 2005 lỗ 138 tỷ; về nợ, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (công bố tháng 3/2007): Đến 31/12/2005, COSEVCO nợ 4.143 tỷ (gấp 31,8 lần vốn chủ sở hữu!), nợ bảo lãnh cho các đơn vị thành viên 1.500 tỷ, lãi vay phải trả hàng năm lên tới 150 tỷ; để mất vốn trên 360 tỷ đồng..." (báo TiềnPhong, 01/03/2008)
Một "công trạng" không hề nhỏ của vị chủ tịch HĐQT COSEVCO - một doanh nghiệp nhà nước. Và không hề "thua kém" các vị chủ tịch HĐQT của 40 nhà máy đường Nhà nước đã nói ở trên.
3. Mua - Bán chức tước có bảo hành.
Bài báo TiềnPhong, 01/03/2008 viết tiếp: "Nhưng ngạc nhiên là vẫn không ai “đụng” đến được ông, ngược lại có tới 2 vị Chủ tịch HĐQT, 3 Phó TGĐ, nhiều GĐ các đơn vị thành viên cùng nhiều cán bộ thẳng thắn, tâm huyết bị buộc phải ra đi, mà nạn nhân gần nhất là TGĐ Ngô Khiết."
Điều này chả có gì là ngạc nhiên cả, ở bài: Sập cầu Cần Thơ là do: không đa đảng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nói: “Bây giờ mới phát hiện là đã có bao nhiêu đơn thư tố cáo về ông Đào Đình Bình, ông Nguyễn Việt Tiến, ông Bùi Tiến Dũng được gửi đến các cơ quan Đảng và Chính phủ, có dấu biên nhận, có thư trả lời hứa sẽ xem xét từ những năm 2002 nhưng các ông đó vẫn được đề bạt, vẫn được dự kiến vào những vị trí còn cao hơn nữa, và đã lọt qua tất cả các khâu thẩm định về lý thuyết rất chặt chẽ của tất cả các cơ quan từ bên Đảng đến bên Chính phủ. Đó có phải là biểu hiện của chạy chức không? Đã có dư luận số tiền chạy chức lên tới cả triệu USD."
Khi vị Bộ Trưởng đã mua được chức thì họ sẽ phải bán cái quyền mà chức đó đem lại, Bán nhiều thứ trong đó có việc bán chức Chủ Tịch HĐQT...
Ở thời kinh tế thị trường mua, bán cái gì mà chả có bảo hành, chứ có vô trách nhiệm như thời kinh tế tập trung quan liêu bao cấp của mấy cha cộng sản gộc đâu? Mà hàng hoá giá trị đặc biệt như "Quan Chức" thì càng cần sự bảo hành đặc biệt! - Không thế ai dám bỏ đống tiền ra mua?
Đây mời các bạn xem cái sự bảo hành uy tín nhất thế giới của Bộ Trưởng bộ Xây Dựng nước CHXHCN Việt Nam: báo TiềnPhong, 01/03/2008 viết: "Cuối năm 2003, do có quá nhiều đơn thư tố cáo, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào kiểm tra một vài đơn vị, rồi kết luận “lỗ 14 tỷ”, sau đó Bộ ra quyết định cảnh cáo cho thôi chức Chủ tịch HĐQT xuống làm TGĐ đối với ông Đính. Nhưng ông Nguyễn Công Huấn - người thay thế làm Chủ tịch HĐQT sau đó ít tháng cũng “được” cho nghỉ hưu sớm, vì đã thẳng thắn phản ánh sai phạm của ông Đính. Tháng 3/2004, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Xây dựng) Phạm Hữu Minh được điều vào làm Chủ tịch HĐQT. Phát hiện những dấu hiệu không bình thường tại COSEVCO, ông Minh yêu cầu TGĐ Đính giải trình hàng loạt những dự án đầu tư không hiệu quả, thua lỗ. Chưa kịp “được” ông Đính giải trình, ông Minh đã bất ngờ bị Bộ Xây dựng rút về làm Vụ phó Vụ Xây lắp, sau đó đành phải xin nghỉ chuyển qua ngành khác. Một vị Thứ trưởng của Bộ được điều vào vài tháng, sau đó lại rút ra, để rồi sau đó ông Trần Xuân Đính lại tái hồi vị trí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐQT.
Bảo hành như vậy thì ai mà "đụng" được vào ông ta?
4. Mua 1 bán 10 để có lãi to và có tiền duy tu.
Ở bài: Sập cầu Cần Thơ là do: không đa đảng tôi đã phân tích: "Vị Thủ Tướng được bầu ở chế độ “không ai tranh ai!” nên ông ta không có vị thế của người chủ thực sự của chính phủ, nên ông ta không được toàn quyền chọn các thành viên (bộ trưởng) của chính phủ mà công việc đó là của tập thể bộ chính trị, tập thể ban chấp hành trung ương, tập thể Quốc hội nhưng thực tế quyết định là của tập thể bộ chính trị và đương nhiên đứng đầu là vị Tổng Bí Thư Đảng. Mà thành viên Bộ chính trị trước đó đã được chia tương đối đều giữa các vùng miền, bây giờ đến lượt mình tập thể bộ chính trị cũng sẽ chọn các vị bộ trưởng theo 1 tỷ lệ về quyền lực đã định trước cho mỗi vùng miền...Đây thực sự là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn con ông cháu cha, bè phái, đồng hương, tệ nạn hối lộ để chạy chức, chạy quyền."
Ở đây, Khi ông Trần Xuân Đính đã mua được chức Chủ Tịch HĐQT COSEVCO, thì cũng phải bán cái quyền mà chức đó đem lại để thu hồi vốn chứ và ông vẫn cần phải có tiền để duy tu cái chức của ông hàng năm, để những việc sau này lại tiếp tục sai thành đúng!
Ào ạt lập dự án, mở công trình, ký kết hợp đồng mua bán hàng trăm tỷ đồng để kiếm lợi (Phần trăm) trong khi trong tay không có đồng vốn, bất chấp tất cả, phớt lờ tập thể lãnh đạo, đó là vỏ bọc “quyết đoán, dám nghĩ dám làm” của Trần Xuân Đính, để lại món nợ khổng lồ cho nhà nước.
Như dự án Nhà máy cán thép tại Đông Hà - Quảng Trị do ông Đính dựng lên từ năm 2002 với vốn đầu tư trên 254,499 tỷ đồng (được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân phê duyệt). Đến năm 2004, dù đang bị kỷ luật mất chức Chủ tịch HĐQT, nhưng ông Đính vẫn ngang nhiên phớt lờ cấp trên, đề nghị Bộ Xây dựng, và được điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cán thép lên 309,8 tỷ đồng. Để rồi đến tháng 8/2006, qua... 7 đời Trưởng BQL dự án, dự án giờ là bãi đất không!
Tại cuộc họp báo định kỳ của thanh tra Chính phủ, Tổng thanh tra Trần Văn Truyền cho biết: Riêng sai phạm ở nhà máy xi măng thuộc Tcty này, số tiền sai phạm hàng chục triệu euro (hàng trăm tỷ đồng).
5. "Gia đình trị" ở Cosevco là kết quả tất yếu
Cũng như hầu hết lãnh đạo của Việt nam hôm nay, ông Trần Xuân Đính từ lâu đã “gia đình trị” Cosevco không chỉ ở lối lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán, mà còn cài cắm hàng loạt con cái, em ruột, họ hàng, “chiến hữu” ... vào những chức vụ chủ chốt tại các đơn vị trực thuộc cũng như các dự án lớn.
Trong số 34 đơn vị thành viên, chỗ nào “ngon lành” nhất, nghĩa là làm ăn được, hoặc mới lập dự án, ký hợp đồng mua dây chuyền sản xuất, máy móc để hưởng %..., thì đều do người nhà ông Đính “cai trị”, bất chấp người đó có bằng cấp hay không và sự phản đối quyết liệt của CB-CNV trong nhiều năm liền, cụ thể:
Một là, Dự án nhà máy xi măng Sông Gianh (tại Quảng Bình) công suất 1,4 triệu tấn/năm có vốn đầu tư khổng lồ 3.197 tỷ đồng do ông Trần Quang Minh – con ruột ông Đính làm Phó BQL, sau khi hoàn thành đã rút ra lập công ty riêng mà theo nhiều người tại Cosevco, đó chính là “sân sau” của ông Đính. Dự án này, theo Thanh tra Chính phủ thất thoát lên tới gần 540 tỷ đồng !.
Hai là, Nhà máy xi măng Sông Gianh (nay đổi tên là Cty xi măng Sông Gianh) hiện do một người anh em gần gũi của ông Đính làm GĐ, và em ruột ông Đính là Trần Xuân Hải vừa được đề bạt từ phó lên chức Trưởng phòng kế hoạch.
Ba là, Một công ty lớn thuộc Cosevco là Công ty Cosevco 1 do ông Trần Xuân Sơn – em ruột ông Đính không có trình độ lên làm GĐ, và 2 em gái khác nắm giữ bộ phận kế toán.
Bốn là, Dự án nhà máy cán thép tại Quảng Trị với tổng vốn đầu tư trên 309 tỷ đồng, em ruột ông Đính là Trần Xuân Đoát được đưa lên làm Trưởng BQL. Dự án thất bại sau khi tiêu tốn của Nhà nước trên 1 triệu USD, ông Đoát được bổ nhiệm làm Phó GĐ Nhà máy gỗ MDF (nay là Cty CP gỗ MDF Geruco) cũng tại Quảng Trị (dự án nhà máy gỗ MDF vừa bị Cục C37 Bộ Công an khởi tố- PV).
5 là, Một em ruột nữa của ông Đính là ông Trần Xuân Tùng, nay là Phó GĐ Cty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng COSEVCO.
6 là, Con trai thứ hai của ông Đính là Trần Quang Thông đang là GĐ Cty CP Tư vấn xây dựng và Kinh doanh bất động sản COSEVCO...
Quyền “sinh sát” trong tay, suốt nhiều năm liền ông Trần Xuân Đính điều hành doanh nghiệp một cách chuyên quyền độc đoán. Tuyển dụng cán bộ chủ yếu nhận người theo sự quen biết, bất chấp tuổi tác, trình độ; nhiều trường hợp bổ nhiệm những người vừa bị kỷ luật do làm ăn thua lỗ ở một nơi để đưa lên chức vụ to hơn mà không theo quy trình, mà phần lớn do ông Đính tự quyết. (Báo Tiền phong ngày, 02/03/2008)
6. “Bóp nặn” đối tác
Ngày, 02/06/2007 báo Tiền phong đã đăng bài: Những 'chiêu độc' của Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đính
1 là: Biến Tổng Cty nhà nước thành “Công ty gia đình” như đã nói ở phần trên 2là: “Bóp nặn” đối tác
Từ những năm 1997-1999, qua quan hệ làm ăn, ông Trần Xuân Đính đã “khất nợ” số tiền 600 triệu của DN tư nhân Cty Cơ khí đúc Ánh Hồng (tại Nam Định), và buộc trừ dần vào tiền % hoa hồng các lô hàng mà ông Cường cung cấp. Hai anh em ông Đính, ông Sơn buộc ông Cường phải chi tiền hoa hồng, người 10%, người 5%, nếu không sẽ “tẩy chay” sản phẩm của Cty CPCK.
Sau đó, Cty Ánh Hồng bị ép bỏ vốn liên danh với Cty thi công cơ giới thuộc COSEVCO tại Đà Nẵng, lập ra Cty CP Cơ khí và Xây dựng COSEVCO (viết tắt là Cty CPCK), nếu không ông Đính sẽ không trả tiền nợ. Ngay khi liên danh ra đời, ông Đính đã nhanh tay ký hợp đồng mua máy phân tích nhanh (để kiểm tra thành phần hoá học sản phẩm) trị giá 1 tỷ đồng. Hợp đồng mua máy “xịn”, nhưng lại mua về máy “dỏm” của TQ với giá chỉ... 35 triệu đồng, nên không dùng được. Kết quả, sản phẩm thép hợp kim ra lò hỏng cả loạt, dẫn đến Cty CP CPCK thua lỗ nặng nề. Vụ việc này đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng cử người vào kiểm tra và kết luận, nhưng chưa thấy xử lý.
Sau hàng loạt sai phạm như vậy, báo chí đã đăng tin nhưng Bộ Xây dựng vẫn phớt lờ không xử lý mà lại tiếp tục chấp nhận việc làm sai quy trình sau đây của Trần Xuân Đính, tháng 8/2007, ông Trần Xuân Đính đã lấy tư cách Chủ tịch HĐQT mà không thông qua thường vụ cũng như cấp trên, ký văn bản miễn nhiệm chức TGĐ của ông Khiết với lý do “không hoàn thành nhiệm vụ”, nhưng thực chất chỉ vì vị TGĐ này thẳng thắn, không chấp nhận những việc làm sai trái của ông Đính.
Ngày 31/8, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) Ngô Minh Mẫn đã ký văn bản gửi Tổng Cty miền Trung (Cosevco), theo đó thống nhất đề nghị của ông Trần Xuân Đính - Chủ tịch HĐQT Cosevco về việc miễn nhiệm TGĐ Ngô Khiết.
Đây phải chăng vẫn là việc bảo hành chiếc ghế của ông Trần Xuân Đính đã được mua với giá đắt ?
Nên nhớ: Các Chủ tịch HĐQT khác cũng được bảo hành như thế !
Các lãnh đạo khác của cộng sản cũng được bảo hành như thế !
Lời Bàn: Giả định có một Đảng đối lập khác thì liệu họ có để cho Đảng cộng sản có những Cán bộ như thế? Lộng hành như thế ? Bán mua chức tước như thế ? Bảo hành bao che như thế? "Gia đình trị" như thế ? “Bóp nặn” đối tác như thế ?
Trung ngôn
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=113041&ChannelID=2
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=85880&ChannelID=2
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=113107&ChannelID=2
Gửi ý kiến của bạn