Hôm qua, sau khi tôi đăng bài viết “Giáo dục đang bị biến thành chợ đen?”, phản ánh tình trạng các nhà trường cấu kết với những “trung tâm” bên ngoài để bày ra đủ thứ “môn học” trên trời dưới đất, thì đã nhận thêm được rất nhiều thông tin từ những người đang làm giáo viên và cha mẹ học sinh trên nhiều địa phương khắp cả nước.
.
Tá hỏa, vì thấy mình biết quá ít! Không phải chỉ có “kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường, hoạt động trải nghiệm” mà còn nào là “bồi dưỡng nghệ thuật, bồi dưỡng thể thao, hoạt động củng cố, hoạt động tập thể”, v.v.. Rồi trong “Tiếng Anh tăng cường” lại có khi phải học cùng lúc mấy loại như “tiếng anh Ismart”, “tiếng anh Language”, “tiếng anh Stem…”. Đi kèm với với những môn học này là việc mua tài liệu với giá cắt cổ, rồi đóng tiền cho việc sắm thiết bị, kéo theo phải học bán trú, ăn bán trú… Thôi thì một rừng. Đây là hình ảnh của những cái chợ trăm người bán, triệu người mua. Không phải là thuận mua vừa bán mà là tranh cướp, bảo kê, ép buộc, cắt cổ; còn người mua thì ngơ ngác, ấm ức, hoang mang, sợ hãi, liêu xiêu…
.Các nhà trường phát cho mỗi phụ huynh những tờ “Đăng ký tự nguyện”, nhưng nếu ai không hoặc chưa kịp đăng ký thì liền bị gọi điện, nhắn tin, thúc giục, dọa nạt, “mời” lên trường “làm việc”. Rồi nếu vẫn cứng đầu không chịu “mua hàng” thì con cái sẽ phải ra khỏi lớp, lang thang nơi gốc cây, ghế đá sân trường trong giữa buổi học (vì nhà trường thường xếp những tiết học “tăng cường” này xen lẫn với các tiết học trong buổi chính khóa). Còn bao nhiêu sức ép và sự bất công tàn nhẫn khác nữa mà người ta có thể nghĩ ra để buộc những đứa trẻ và cha mẹ chúng phải “tình nguyện” để cho kẻ khác cưỡi lên lưng.
.
Số tiền bỏ ra cho một lúc bao nhiêu “món hàng tăng cường” này mỗi nơi một khác, nhưng ít cũng tiền trăm, nhiều lên đến tiền triệu mỗi tháng. Món lợi quá lớn đã hình thành nên một liên minh ma quỷ ngay trong trường học, khiến phụ huynh và học sinh vốn là những người yếu thế – phụ thuộc, trở thành những con mồi béo ngậy trước nanh vuốt của các thế lực tiền quyền.
.
Tôi đang có hàng trăm tin nhắn với đủ thứ nội dung, nào là tin nhắn “trao đổi” giữa nhà trường và phụ huynh, nào là văn bản quy định, ký kết, nào là giao dịch nộp tiền học, v.v., nhưng không tiện đăng tải vì sợ sẻ ảnh hưởng đến các em nhỏ và cha mẹ chúng. Bàng hoàng và đuối sức khi phải đọc hết chừng ấy những thứ tồi tệ không thể hình dung nổi… Đó là chưa kể hơn 500 bình luận công khai của người dân, giáo viên và phụ huynh bên dưới bài đăng, mà trong đó một tỉ lệ lớn là cung cấp thông tin và xác nhận sự thật của vấn nạn này.
Giáo dục quốc dân đã có hẳn một chương trình với đầy đủ cơ sở vật chất, con người, sách vở, giáo trình, được thiết kế cho sự đảm bảo học sinh “phát triển toàn diện”; nhưng nay, trước sự đổ bộ của hàng chục “môn học” hầm bà lằng không biết từ đâu rơi xuống đã và đang chiếm cứ, kiểm soát, lũng đoạn các nhà trường thì dường như những nơi này trở thành chiến lợi phẩm của một nhóm người có quyền và có tiền.
.
Đây là tình trạng có dấu hiệu đã vỡ trận với sự công nhiên thao túng hệ thống giáo dục, sử dụng học sinh như những con tin để làm tiền ngang ngược trên đầu phụ huynh, phá nát chương trình giáo dục quốc dân, biến nó từ một hệ thống quốc gia trọng đại bậc nhất trở thành cái đinh sắt để treo những “môn học” bát nháo đang mọc lên tràn lan và đổ bộ vào nhà trường như thác lũ.
.
Xin nhớ cho, không ai buộc phải đi học thêm, nghĩa là học sinh và phụ huynh hoàn toàn có quyền từ chối tham gia. Không những thế, khi thấy những sai trái thì chúng ta có quyền lên tiếng phản ánh, phản đối, tố cáo. Năm ngoái chính tôi đã làm thế và nhà trường nơi con tôi học vừa phải trả lại những món tiền thu sai quy định cho phụ huynh toàn trường, vừa phải hủy bỏ mấy “chương trình học” kiểu ấy. Tôi theo dõi sát sao xem nhà trường có phân biệt và trù dập con mình không, để lên tiếng đến cùng, tuy nhiên chuyện ấy đã không xảy ra.
Thưa quý vị, khi mình làm đúng thì đã có pháp luật bảo vệ. Một mình tôi lên tiếng mà nhà trường đã buộc phải sửa sai thì huống gì khi các vị đồng lòng? Chúng ta có các “cơ quan chức năng”, có hệ thống quy định của luật pháp trong tay, tại sao lại sợ những kẻ làm sai? Họ phải sợ mới đúng chứ?
.
Đây không phải chỉ là trách nhiệm của phụ huynh với con em họ, Nhà Nước, mà đại diện là Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan phải thực thi nhiệm vụ quản lý của mình. Tình trạng bùng phát nạn dịch mang tên “học tăng cường” này trước tiên thuộc về trách nhiệm của các cơ quan ấy. Không thể tiếp tục làm ngơ, bàng quan, thả nổi sự tranh cướp bát nháo này được nữa.
.
Bộ Giáo dục và các cơ quan liên quan cần lập tức hành động, quét sạch những thứ rác rưởi này ra khỏi môi trường giáo dục, trả lại sự yên bình, lành mạnh và trong sáng cho nơi trồng người thiêng liêng.
.
Thái Hạo
.
(Facebook)
Gửi ý kiến của bạn