(Viết để kính tặng Má)
Chỉ hơn một tháng sau ngày Saigon sụp đổ, tháng 6 năm 1975 chế độ quân quản ban bố lệnh tập trung học tập cải tạo, người đi học mang theo đồ dùng mọi thứ kể cả đồ lạnh, để tiêu xài trong một tháng đi đường, vâng, đọc kỹ có chữ đi đường trong thông cáo, phải tuân theo hành lệnh kỳ hạn trong 3 ngày từ lúc công bố.
Một số người tinh thông bấm độn, đoán số rỉ tai tôi nói đừng để người thân "vướng bận thê noa", hãy
hối thúc chồng tôi đi trình diện ngày thứ sáu 13 tháng 6 năm 1975, ngày ấy rơi vào ngày mùng 5 âm lịch tháng nào thì tôi quên mất rồi, đi ngày xấu ấy sẽ tránh được nhiều tai ương hoạn nạn.
Chiều tối hôm đó, chồng tôi cùng đi trình diện với anh H., bạn cùng binh chủng, cùng cấp bậc, cùng có 4 đứa con như chúng tôi, nhà ở Bà Chiểu, Gia Định. Anh H. đi bộ mang ba lô qua nhà tôi bên Tân Định để cùng chồng tôi đi trình diện tại địa điểm tập trung là Đại học xá Minh Mạng ở trên Ngã Bảy Chợ Lớn.
Hai người bạn cùng đi du học ở Pháp, cùng phục vụ trong một binh chủng, cùng ở một đơn vị chỉ huy, cùng ở Saìgòn, được 2 người vợ tiễn đưa hai kiểu khác nhau. Chị H., dũng cảm, kiên quyết, mặc quần đen áo bà ba trắng đi xe đạp sườn ngang (xe của anh hay của con trai anh ?), nói là chị sẽ ngủ nhờ ở nhà một người bạn có tiệm buôn đồ gỗ ở ngã bảy gần cổng Đại Học Xá Minh Mạng để tiễn chồng. Còn tôi , ngược lại, yếu đuối, hay khóc lóc, được chồng dặn dò theo lối cổ điển: "Em ơi, em ở lại nhà, em ơi..." Không có vườn dâu em đốn , mà có mẹ già và các con thơ dại em trông .. Đầu óc tôi nặng trĩu ảnh hưởng của sách tố cộng đọc thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Lúc còn là sinh viên, tôi đã đọc ngấu nghiến những quyển sách như "Chúng tôi muốn sống", và tôi vẫn còn nhớ rành rành cuốn "Ba người con gái của Lương phu nhân" của văn hào Pearl Buck. Tôi tiễn chồng ra cửa khóc và thốt lời vĩnh biệt chàng với quyết tâm "em phải sống !" Sống để lo cho mẹ đã trên 70 tuổi, để lo cho đàn con thơ 4 đứa mà đứa lớn nhất chỉ mới có 12 tuổi và đứa nhỏ nhất chỉ mới biết đi chập chững bi bô gọi "ba, ba .."
Ra đến cửa, cái ba lô hành trang chứa mền, mùng , quần áo, đồ dùng, và cả một cái chiếu nhỏ nặng trĩu trên lưng, chàng quay lại dặn tôi: "Nhà mình đơn chiếc, em nhớ chăm sóc mẹ và lo nuôi dạy các con, chắc lâu lắm may ra còn sống sót thì anh sẽ được về ! Em nhớ tối thả hai con chó ra sân cho tụi nó giữ nhà. Đừng lo gì cho anh cả. Nhớ khoá chặt cửa trong và cửa rào."
Trong ánh chiều tà, tôi và mấy đứa con đứng nhìn theo dáng chồng tôi và anh H đi xa dần, chị H dắt chiếc xe đạp đi phía sau. Bóng tối ập xuống như một tấm màn đen nặng nề, đầy đe dọa .. Tôi nhìn hình bóng chồng tôi nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hẳn ở đầu ngõ, nước mắt dằn xuống không chảy ra khóe mắt mà chảy ngược vào lòng đau nhói, không muốn nghĩ rằng đây là lần cuối cùng được nhìn thấy người thương.
Chàng đi .. Tối hôm đó, vào khoảng 1 giờ khuya, mọi người đang yên giấc thì bỗng có tiếng chó sủa vang, có tiếng thét hung tợn như tiếng cướp ở ngoài cửa: "Mở cửa! Mở cửa! Không mở sẽ bắn bỏ!" Tiếng đập cửa bằng vật cứng vào cửa hàng rào sắt tưởng như sắp sập cửa đến nơi: "Rầm! Rầm!" Tôi bước xuống gường, tỉnh táo nhưng hai chân tự nhiên sụm xuống, có lẽ vì trong đời chưa bao giờ bị đe doạ đến như vậy. Tôi vén màn cửa sổ trên lầu ngó ra cổng thấy lố nhố rất đông người, vô số nòng súng AK lấp lánh dưới ánh đèn vàng của đèn đường và của ngọn đèn nhỏ trước cổng nhà.
"Sao bất tuân không chịu mở cửa ?". Có tiếng người gằn giọng hỏi tôi khi tôi bước ra cửa. "Thưa giữa đêm, chó sủa tôi tưởng trộm, sợ không dám ra.
Tay run lẩy bẩy một hồi rồi tôi cũng mở được khóa cổng. Nhìn đoàn người đằng đằng hung tợn, súng lên nòng, chân đi dép râu hay đi chân đất, tôi hối tiếc sao mình lại dám mở cửa, nhưng tiếc thì cũng đã muộn. Họ tràn vào sân, rồi tiến vào phòng khách. Mẹ già đau yếu lò dò bước ra nhìn run sợ, 4 đứa con từ 12 đến chưa đầy 2 tuổi lấm lét đứng bên cạnh bà nhìn những người xa lạ có cái vẻ "ào ào như sôi".
"Tên ngụy quân nhà này ở đâu ? Ra mau!" Mẹ tôi khóc òa lên "Rể tôi đã tuân lệnh đi trình diện từ sớm mà bây giờ các ông bỏ nó ở đâu rồi lại đi kiếm nó? Hu hu hu ..!" Bà té ngất xuống chiếc ghế dài,
mấy đứa con tôi chạy lại ôm lấy bà gọi "Bà ngoại, bà ngoại, tỉnh dậy ngoại ơi ..!
Trong cơn bấn loạn tôi chợt tỉnh người và hỏi xin cho phép coi lệnh xét nhà. Tôi nghĩ tổ tiên nhà đã phù hộ nên tự nhiên những người hùng hổ vào nhà tôi lại ngó nhau rồi có một tên cầm súng hất hàm ra lệnh cho cả bọn rút ra cửa. Tôi vội vàng đóng cửa nhà lại. Mẹ từ từ tỉnh lại. Chưa bao giờ tôi thấy lạc lõng như vậy, lạc lõng trong một xã hội hoàn toàn xa lạ không có an ninh trật tự gì cả với bao nỗi đe doạ khủng khiếp không ngờ trước được.
Hai ngày sau chị H đến nhà tôi báo tin "các ông ấy đã được chở đi hết rồi, có người nói đoàn xe đi về
hướng Long Thành, Long Khánh." Chị H hỏi tôi sao tôi có vẻ lơ là với tin tức chị báo, tôi ngập ngừng nói dối tôi bị bệnh hôm trước nên người hơi lừ nhừ, xin chị bỏ qua cho. Từ đó chị H ít thích đến gặp tôi vì thấy tôi thiếu nhuệ khí , có vẻ thụ động chờ thời.
*
Thành phố Saigon sau đợt trình diện học tập cho "ngụy quân ngụy quyền cao cấp" thì đến lệnh trình diện cho quân đội cũ các cấp úy, cấp hạ sĩ quan, học ngắn hạn cho binh lính. Cả Saigon đi "học tập." Sau đó đến giới buôn bán chịu hoạn nạn, nào đấu tranh diệt tư sản ngoại bản, nào cải tạo công thương nghiệp, tiểu thương tiểu chủ, đến các tiệm buôn bán hàng tạp hóa tương chao trong xóm cũng bị kiểm kê.
Sống trong cảnh ngày ngày gặp những "đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi" người Sài Gòn sợ hãi len lén rủ nhau đi vượt biên, bảo nhau tượng Đức thánh Trần ở Bến Bạch Đằng đưa tay chỉ ra phía sông có nghĩa là chỉ đường ra khơi và phải có Bác tức có tiền mới ra đi lén lút được. Đi vượt biên bị bắt thì phạm tội phản quốc, bị bỏ tù.
Đổi tiền đợt đầu, 500 đồng hình Đức Thánh Trần Hưng Đạo đổi ra 1 đồng mới, mỗi hộ chỉ được đổi
200 đồng mới. Dân Sài Gòn sau đợt đổi tiền vẫn còn tiền, nhà nhà chưa được nghèo bình đẳng như nhau nên lâu lâu lại có đợt đổi tiền nữa. Lương thực thực phẩm nhu yếu phẩm đều được phân phối theo đầu người có đăng ký hộ khẩu thành phố, rồi phân phối theo chế độ cho cán bộ công nhân viên nhà nước. Nhà nhà xếp hàng dài dài mua gạo mục, khoai sùng , bo bo cứng ngắc. Ngày xưa bà mẹ ghẻ chỉ trộn lẫn lúa và gạo cho nàng Tấm lựa, ngày nay dân Sài Gòn phải lựa thóc, lựa sạn, lựa bông cỏ, lựa những con sâu gạo mập ú béo tròn ra khỏi phần gạo nhà nước bán, lựa gạo tháng này qua tháng khác sức lao động bỏ ra gấp bội so với cô Tấm ngày xưa.
Người dân có sức lao động dư thừa vậy thì nên đi lao động xây dựng vùng kinh tế mới, nhà nước nhận xét và khuyến khích. " Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Đất khô cằn thì phải làm thủy lợi, "Con kênh ta đào có anh và có em", không có người khỏe thì phải có tiền mướn người đi làm thủy lợi, đi lao động dùm. "Lao động là vinh quang", đâu đâu cũng thấy treo khẩu hiệu như vậy. Mọi người phải vào đoàn thể học tập. Bô lão, phụ nữ, bà con trong tổ dân phố, sinh viên học sinh, nhi đồng đều có hội họp. Nhà nhà và người người đi họp. Bị quay cuồng trong bộ máy sàng lọc của chính quyền mới, bề ngoài nhiều gia đình có vẻ không còn sức nghĩ tới những người thân đang ở trong trại cải tạo, nhưng thật ra vết thương chỉ có vẻ hàn trên da chứ bên trong vẫn đau đớn không lành.
Mấy năm sau, người trong trại cải tạo mới được tiếp hơi. Tôi nhận được thư chồng đóng mộc bưu điện ở Yên Bái. Lâu lâu chàng lại được phép gởi cái phiếu quà thăm nuôi về cho gia đình, cái phiếu nhỏ xíu chưa đến nửa bàn tay in trên giấy vàng khè, lúc đầu phải đợi người thân gởi về ở nhà mới gởi quà ra được, về sau mua chợ đen lén lút ở ngoài bưu điện Saigon, mua mấy phiếu cũng có, kỹ thuật in và loại giấy giống như phiếu thiệt.
*
Kỷ niêm nào đáng nhớ hơn là chuyến làm khách của đoàn tàu Thống Nhất mùa hè năm 1979 của tôi. Để đi ra Bắc, tôi phải ra ga xe lửa Bình Triệu. Đừng bao giờ thắc mắc vì sao cảnh leo lên con tàu ra Bắc luôn luôn diễn ra vào chập choạng tối! Cổng vào ga là một cái cổng nhỏ đầy kẽm gai mở một chút xíu đủ để một người xách giỏ hay gánh hàng luồn lách qua, nếu có bị chen thì thế nào cũng bị té nhào vào kẽm gai xé người, rách áo, tét tay chảy máu, giày dép rớt rơi, tóc tai sút sổ, chưa kể bị móc túi, lắc dây chuyền, mất đồ đạc. Qua được cổng thở hắt ra và mệt nhoài, tôi không hiểu sao mình vẫn chưa hóa kiếp sau khi bị đẩy một cái té nhào, rồi phải đứng dậy chạy ra xe lửa để còn giành chỗ nhét hành lý trên và dưới chỗ ngồi trên tàu. Biết thân yếu, tôi đã xin các chị có con trai nhờ cậy theo ủng hộ và bảo vệ như trong chuyện ngày xưa. Sao đi xe lửa trả tiền mà khổ thế.
Chuyến đi thăm nuôi lần đầu tiên ngoài Bắc, tôi tập tành kinh nghiệm đi buôn gọi là buôn-chuyến trên đường xe lửa. Tôi tự an ủi cố gắng đừng để bị cụt vốn vì trộm cắp, chứ tôi làm gì biết sành buôn bán để có lời. Trong xách tay tôi mang theo thức ăn nấu chín như cơm vắt, thịt chà bông, quà bánh khô ăn đi đường, và một cái "can" nhựa 4 lít đựng nước uống với một cái ly nhựa nhỏ, khăn mặt quần áo để tới Đà Nẵng tắm tẩy trần bụi đường xa. Ngoài ra trong túi xách tôi còn có 3 gói cau khô mua ở đường Võ Di Nguy ngay dọc Cầu Kiệu bên Phú Nhuận để làm quà tặng cho các cụ già ở Hà Nội ăn trầu, theo lời khuyên của các chị bạn, còn nếu không quen ai thì sẽ đem bán ở Vinh (Thanh Hóa). Các bạn tôi nói các cụ miền Bắc ăn trầu chỉ ăn vỏ cau khô, khác với các cụ trong Nam ăn hột cau. Các chị bạn tôi còn dặn nhớ mua quài cau tươi ở ga Bình Triệu hay cùng lắm là ở ga Mường Mán để bán, nhớ lựa quài nhiều trái tròn tươi, nhớ treo ở gần cửa sổ cho cau tươi. Buôn bán cho vui 3 ngày 4 đêm ngồi trên xe lửa, tôi tự nhủ, chứ lời lãi gì các thứ quà rẻ tiền.
Chen hụt hơi qua cổng, lội bộ trong bóng đêm rồi leo lên tàu chen mãi đến cuối toa mới có số ghế của mình, tôi thấy chỗ trên kệ để hành lý đã chật, chỗ dưới chân cũng chật luôn. Có một bà cụ người Bắc ngồi phân nửa cái ghế gỗ, tôi khẽ gật đầu chào bà cho gọi là có phép rồi ngồi xuống, để giỏ đồ tùy thân dưới chân. Ngay sau đó, có một chú bộ đội kéo một cái ba lô to đùng để phịch xuống, ngồi lấn vào bà cụ. Thế là cái băng ghế 2 người ngồi giờ có thật sự 3 hành khách, tôi là người bị lép vế bị lấn trào ra ngồi không có chỗ tựa lưng. Tôi thầm nghĩ ngồi như thế này làm sao đi đến Hà Nội, quay qua nói với chú bộ đội chỗ ngồi này là của tôi. Chú bộ đội hất hàm, gằn giọng phách lối " Chị nói chỗ này là của chị à, còn tôi nói chỗ này là của tôi !"Mọi người ngồi trên xe lửa đều êm re. Một bà người Nam đi tranh chỗ ngồi với một "yên hùng" bộ đội về phép, bậy quá, bậy quá !!! Đến khi một người có nhiệm vụ trên tàu mặc đồng phục hỏa xa đi qua, tôi trình vé đi Hà Nội và cố phân trần về chuyện chỗ ngồi. Người này có vẻ yếu đuối, sợ tay bộ đội ra mặt, nói với tôi "chị hãy đợi tôi sẽ gọi người đến giải quyết". Chờ cả hơn thế kỷ mới thấy một chú công an đường sắt xuất hiện và hỏi giấy chú bộ đội. Sau khi coi giấy xong chú công an đường sắt bỏ đi mất ! Chắc công an đường sắt không muốn đụng độ với bộ đội biên phòng về phép ! Còn tôi đi thăm nuôi ngồi sao cũng được, ông công an đường sắt không hề đoái hoài hỏi xét vé của tôi, chỉ không đuổi tôi khỏi toa vì tôi có giấy tờ hợp lệ.
Không khí trên xe lửa nặng nề làm sao, nặng còn hơn tải trọng của 3 người ngồi chen chúc trên chiếc băng gỗ nhỏ xíu. Ai cũng có vé, vậy là cứ ngồi, xe cứ chạy. Đến tối xe lửa sắp sửa vào Long Khánh, mọi người chuẩn bị ngủ đêm đầu tiên trên xe lửa. Chú bộ đội lấy chiếc võng cột một đầu vào thành ghế dựa, đầu kia thì chú nhìn quanh nhìn quất tìm chỗ để cột. Ở cuối toa có một cái cần màu đỏ trên vách để kéo còi báo động khi cần kíp, chú liền cho đầu võng vào tay cầm của cần báo động, cột thật chặt. Tôi nhìn thấy như vậy thì hết hồn , nhưng không dám nói, cứ để yên cho chú bộ đội làm. Ánh mắt tôi có vẻ làm cho chú khó chịu, nhưng chú vẫn ngang nhiên leo lên võng nằm. Chú bộ đội vừa ngả lưng xuống võng thì còi hụ báo động vang lên điếc cả tai, đoàn xe lửa đang chạy ngừng lại, tỏa khói khét nghẹt.
Đoàn tàu tắt máy. Mọi người nhốn nháo. Công an đường sắt chạy rầm rập tới toa, sau khi nhìn ra cớ sự liền mời chú bộ đội qua toa công an để nói chuyện. Chú bộ đội đi khỏi, tôi ngồi ngả lưng xuống kế bà cụ già. Xe vẫn ngừng. Một số hành khách leo xuống xe hóng mát. Có mấy người thợ đường sắt xuống xem bánh xe và lắc đầu. Một lúc sau chú bộ đội trở lại, mở chiếc võng ra gói vào ba lô, có công an đường sắt theo hộ tống. Tôi ngồi dựa lưng vào ghế, nhắm mắt ngủ gà ngủ gật. Đến sáng thì thắng nguội, hết dính vào đường rầy, xe lửa mới bắt đầu chạy được.
Ra đến Quảng Ngãi, tôi bắt chước mấy người trên xe mua đường. Đường bán bao 10 ký, phải coi chừng người bán để mặt đường trắng, phiá dưới là đường vàng, mỡ gà! Còn nhiều loại đường khác như đường phổi, đường phèn, mạch nha, nhiều loại kẹo như kẹo đậu phọng, kẹo gừng , kẹo mè trắng mè đen, mặc sức mà mua cho người học tập!
Qua ga Gà, hành khách ăn miến gà, gà luộc chấm muối tiêu, muối ớt, mua cả con rẻ rề, xé ăn với xôi gà để lấy sức ngồi trên xe lửa nghe tiếng bánh xe chạy trên đường sắt rùm,rùm, rùm .. người ngồi trên xe lửa đến ga Gà vào chập tối chỉ thấy một điệu múa mâm nhôm trắng bạc chạy dài theo ga dọc theo các toa tàu, trên mâm có những tô phở gà hay miến gà bốc khói, có tô điểm cọng hành xanh, trái ớt đỏ, miếng gà vàng, vàng ghê, thêm bởi ánh đèn cầy lung linh trong gió đêm. Ăn phải trả tiền trước vì người bán phòng hờ xe chạy không đòi được tiền, mất vốn. Nhiều chuyến xe lửa ra Bắc vào Nam gặp nhau ở ga này, người buôn bán chạy bước chân nghe huỳnh huỵch, giấy bạc nhồi vào túi áo trào ra, bạc cắc xu hào rơi rớt phải hò hét đám con nít đi lượm mót, tiếng người la hét ồn ào náo động cả
sân ga.
Đến ga Đồng Hới, có một thứ để mua: trứng luộc, rất rẻ, 1 chục 16 trứng. Trứng gà, tôi còn nhớ ngày xưa đọc "Trống Mái" của Tự Lực Văn Đoàn, có nói đến cô bán hàng mời mua "Trấng", đến ga này tôi nghe lời phát âm y như trong sách văn học đọc hồi ấu thơ, mời mua "trấng" (trứng), mua "chúi"(chuối).
À còn chuyện mua dừa Tam Quan:
"Công đâu công uổng công thừa
Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan".
Người ra miền Bắc hay mua dừa rám khô đập bỏ nước, ăn cơm dừa dòn dòn, beo béo, ngọt ngọt. Tôi chỉ nhìn hành khách xung quanh ăn dừa vì tôi không có sức khoẻ đập bể trái dừa khô. Bâng khuâng nhớ đến quê nhà lục tỉnh Hậu Giang, uống nước dừa xiêm nạo, còn dừa khô nạo nhuyễn vắt nước cốt làm thức ăn mặn hay ngọt như chè bánh, .. ít ăn xác dừa ..
Tàu đến ga Đà Nẵng, hành khách kéo nhau đi mua nước tẩy trần. Các bạn tôi dặn nên mặc đồ màu tối, ngồi lựa chỗ lộ thiên khuất vừa vừa rửa sơ sơ mặt mũi tay chân, không nên mắc cỡ, xấu hổ đi vào những nơi vắng coi chừng bị mất bóp, mất tiền, mất vé xe lửa, chú trọng chuyện sạch sẽ quá e sẽ gặp họa vào thân!
Xe lửa ra Bắc đi qua 3 đèo, đèo Cả, đèo Hải Vân, và đèo Ngang. Đèo Cả dài nhất. Tôi phải khâm phục những người làm ngành đường sắt đã làm con đường hầm xuyên sơn phá thạch cả trăm năm về trước xây dựng đường xe lửa xuyên Đông Dương chạy nhanh nhất express có 2 ngày 2 đêm từ Saigon ra Hà Nội lên Lào cai. Vậy mà bây giờ năm 1979 xe đi 2 ngày 2 đêm đi chưa được nửa phần chiều dài của quê hương! Tiện nghi không thấy đâu, chỉ thấy toàn thắc thảm lo âu khi xe lửa bắt đầu vào đường hầm.
Qua đèo Cả, tôi đã trở thành người đấu võ rừng bất đắc dĩ chống kẻ cướp giật trong bóng đêm. Bà cụ già người Hà Nội ngồi cạnh tôi vào Saigon để lãnh một số quà tặng của thân nhân trước khi người này đi định cư ở ngoại quốc. Trong bóng tối của đường hầm có một bóng người lẻn vào đứng trước mặt tôi, đưa tay kéo mấy túi đồ. Tôi sợ quá, chợt nghĩ rủi tên trộm lấy nhầm gói đồ các bạn bè tôi gởi cho thân nhân thì làm sao ? Tôi lấy hết sức dùng móng tay cấu mạnh vào cánh tay tên trộm, chân tôi mang đôi sa bô gỗ đạp túi bụi vào chân kẻ lạ đứng trước mặt tôi, còn bà cụ kéo giỏ đồ lại, la lớn "Cướp, cướp!" Có ánh đèn vàng chớp lóe lên một tia nhỏ trong toa xe lửa, trong xe hỗn loạn, tôi sợ điếng người. Lúc xe sắp ra khỏi đường hầm, tên cướp bỏ chạy sau khi đấm cho tôi một cú vào mặt đau thấu trời xanh, mái tóc tôi cột gọn ghẽ bị sổ tung toé. Lúc xe lửa ra khỏi đường hầm, trong ánh đèn lù mù của toa xe lửa là hình ảnh của tôi, đầu bù tóc rối, mặt đỏ ké sau khi bị một cú đấm vào mặt.
Sau khi làm người bảo vệ bất đắc dĩ cho người già cô đơn, tôi được bà cụ ngồi kế bên nhìn với ánh mắt thân tình. Thế là trên quãng dường còn lại đi Hà Nội tôi có bạn đồng hành để trò chuyện. Bà cụ thấy tôi hay ngắm nhìn phong cảnh và hay mua sắm quà lặt vặt nên đổi cho tôi được ngồi kế cửa sổ. Tới ga Đà Nẵng bà cụ cùng tôi chia nhau coi hành lý để mua nước tẩy trần bụi đường xa, mua cơm mua nước uống thoải mái để tiếp tục cuộc viễn hành.
Xe vào ga đổi đầu máy kéo và một đầu máy đẩy để qua đèo. Xe lửa chạy chầm chậm như người già đi bộ nhờ vậy tôi có nhiều thời gian để ngắm phong cảnh quê hương, cảnh sơn thủy hữu tình của dãy Trường Sơn và của biển Đông. Bên núi, bên biển, phong cảnh hữu tình bát ngát nghìn trùng sóng vỗ nhìn từ đỉnh đèo cao nhất của quê hương: đèo Hải Vân . Mây trắng bao phủ đèo Hải Vân tùy thời điểm xê dịch qua lại như chiếc khăn quàng cổ bay bay, làm dáng cho nàng tiên núi. Dãy Trường Sơn trải dài như cột sống của đất nước, một dãy bình phong có sắc xanh đậm nhạt khác nhau.
Xe lửa đến Bình Trị Thiên. Các món ăn của Huế của Thừa Thiên được các cô bán hàng gánh đến ga, các cô mặc áo dài nâu tứ thân, nón lá yểu điệu như trong tranh vẽ ngày xưa; cháo cá, mì quảng, bánh ít lá gai .. Phong cảnh Thừa Thiên êm ả, nước sông trong vắt. Có một người mù ôm cây đàn guitar đi trên sân ga, hát một bản tình ca thời xưa về những đồi hoa sim tím .. "Sim đây ! Sim tím đây!" tiếng rao hàng làm tôi chạnh nhớ câu ca dao: "Đói lòng ăn nửa trái sim, Uống lưng bát nước đi tìm người thương".
Từ Đà Nẵng tới đây đã bắt đầu xài tiền miền Bắc, tôi muốn xài thử mà chưa rõ giá trị đối với vật giá ra sao, bảo cô bé bán cho tôi một đồng sim. Cô bé bán hàng ngước mặt lên cửa sổ toa xe tôi ngồi, nói to: "Hãy đưa cái gì đựng sim cho mau, xe sắp chạy rồi!" Ngồi trên xe gần cửa sổ, nhìn quanh nhìn quất tôi thấy chỉ có cái nón lá bài thơ để đội lúc đi đường vào trại vì các bạn tôi nói xe xích lô ở Hà Nội không có mui, không có nệm giống chiếc xe ba gác. Tôi đưa cái nón bài thơ cho cô bé, nghe tiếng đổ rào rào, cái nón bài thơ nặng trĩu trên tay tôi, có tiếng niềng tre mỏng manh gãy răng rắc dòn tan. Tôi đã xài hớ tiền để mua những quả sim rừng tím mộng mơ và đã làm đau cái nón lá bài thơ, cái nón mà các cô gái đất thần kinh chỉ dùng để che nghiêng mặt chữ điền !
Xe lửa đến đèo Ngang, đèo nằm ở dãy núi mọc ngang đất nước, dãy Hoành Sơn, tôi còn nhớ giọng các thầy dạy Văn, Sử ngày nào dõng dạc đọc lời sấm tiên tri của người xưa. "Hoành Sơn nhất đới, Vạn đại dung thân"
Tới đèo Ngang xe lửa chỉ có một đường rầy nhỏ gập ghềnh chạy theo triền núi, qua đèo phải ngừng để ưu tiên cho xe từ miền bắc vào. Xe ngừng trời chập choạng tối, tôi chạnh nhớ mấy câu thơ cổ:
"Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa.."
Chỉ có thơ của Nữ Sĩ Thanh Quan mới lột tả được cái đẹp tự nhiên thơ mộng của núi rừng cùng tâm trạng "mảnh tình riêng ta với ta" của người xưa ..
Xe lửa qua cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17 phân chia đất nước từ hiệp định Geneve 1954. Qua khỏi cầu Hiền Lương, địa phận buồn thiu, không còn cảnh buôn thúng bán bưng các đặc sản vùng quê, không còn cảnh ăn uống dọc đường ì xèo, xe lửa đã vào phía đất nước xây dựng xã hội chủ nghĩa chính quy mấy chục năm. Thức ăn khô đem theo đã mốc meo, thiu thúi vì trời nóng hầm hập, người ngồi trên xe chật như nêm. Uống nước mới thấy thở được, trời nóng tôi uống cạn trong chớp mắt can nước đem theo.
Tôi nếm vài trái sim chát còn sót lại trong chiếc nón, vị sim chát lại đắng và bắt đầu có mùi thui thúi .. tôi len lén bóc vỏ từ từ từng trái sim tím đen bẩn bằng 2 đầu ngón tay, vừa ngẫm nghĩ người xưa vì sao chỉ dám ăn có nửa trái sim, uống lưng bát nước, còn tôi ăn cả nón sim, uống không biết bao nhiêu lít nước trên đường xe lửa Thống Nhất để đi tìm người thương của mình!!!
Gió lào thổi sang nóng hầm hập, tôi lại nhớ đến ngọn gió tây mà cụ nghè Tam nguyên Yên Đỗ đã tả:
" Cái nóng nung người nóng nóng ghê
Mong được Nồm Nam cơn gíó thổi
Đàn ta, ta gảy khúc Nam nghe!"
Xe đến Vịnh. Nhưng hố bom đã được thiên nhiên hàn lại bằng những thảm cỏ xanh. Cỏ ở đây khác với cỏ ở miền Nam vì mọc trên vùng đất khô của đá vôi. Vùng Thanh Nghệ Tĩnh, người đông nhưng có nét dò xét, đăm chiêu, không buôn bán xởi lởi, không vui vẻ chút nào! Xe vào Nam Định, Phủ lý, khởi sự náo nhiệt hẳn lên. Lời nói có âm thanh L, N đặc biệt nghe vui tai nhưng nhanh có lúc khó hiểu.
Xe lửa vào đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội cũng vào lúc tối trời. Người trên tàu ào ào đẩy những kiện hàng lậu trốn thuế xuống các bụi rậm dọc đường sắt. Bà cụ ngồi kế bên tôi nói nhỏ với tôi:"Coi chừng hành lý nghe!". Xe lửa từ từ vào sân ga, đèn đuốc trong sân ga sáng trưng, công nhân đường sắt ăn mặc tề chỉnh, có huy hiệu trên áo, đội nón kết viền đỏ. Trong ga không có người dỡ hàng thuê. Tôi đang phân vân không biết làm sao kéo đồ xuống khỏi xe lửa thì có một người đàn ông đi Hà Nội ngồi cùng toa nói:" Tôi sẽ phụ chị kéo hàng xuống xe và kéo qua cổng, cảm phiền chị cầm dùm tôi một chiếc quạt điện, tôi mua một cái ở Sài Gòn và được tặng một cái, nếu ra cửa 2 cái quạt điện sẽ bị thuế." Tôi mừng như được phao cấp cứu. Hè hụi, ì ạch rồi tôi cũng ra được cửa ga hàng cỏ lúc gần 9 giờ đêm.
Tôi có nói với bà cụ ngồi gần tôi là tôi sẽ hợp đồng xe xích lô để hai người đi chung. Tôi sẽ xuống trước khi đến khách sạn Đường Thành, và bà sẽ được phu xích lô chở về nhà, giá cả tôi sẽ trả. Bà cụ đồng ý. Thân nhân của bà cụ đến đón, bà cụ nói nhỏ chi với họ, họ liếc nhìn tôi rồi hăm hở dìu bà cụ cùng hành lý của bà ra cổng sau khi ném một cái nhìn đầy nghi nghờ về phía tôi y như tôi đã dụ dỗ người già ! Ông khách nhờ tôi xách cái quạt điện ra khỏi ga cũng có thân nhân đến đón. Giã từ đường ai nấy đi. Chỉ còn có tôi ngồi với đống quà trước sân ga Hàng Cỏ, càng về khuya vắng càng thấy nó nặng và to sồ.
Một người công an kinh tế đến mời tôi đi đóng thuế buôn chuyến. Tôi nhìn mớ quà thăm nuôi, lòng đau xót kể như sắp mất trắng vào tay các quan thu thuế. May quá có người ra hỏi và tôi vụt nhớ lời chị C đã đi thăm nuôi dặn tôi ai hỏi thì nói đi tiếp tế. Tôi cố hết sức lịch sự nói:"Thưa cán bộ, tôi đi tiếp tế." Mấy chữ "tiếp tế" mới kỳ diệu làm sao, cán bộ đường sắt hỏi tôi chị đi tiếp tế ở đâu. "Dạ đi Hà Tây." Cho lãnh hàng ra ! Miễn thu thuế.
Tôi về đến khách sạn Đường Thành lúc 1 giờ khuya, mệt nhoài. Không thể nào hát nổi tâm sự cuả một người tha thiết nhớ nhung Hà Nội: "Tôi xa Hà Nội khi tôi mười tám khi vừa biết yêu .."
Đến Hà Nội sau gần 4 ngày trời trên xe lửa, tôi không mơ tìm thấy bầu trời Hà Nội về đêm, thành Đại La có rồng vàng bay lên để có biệt danh mà sử sách một thuở còn ghi: Thăng Long Thành!
Hà Nội đã trở thành xa xôi vô cùng trong tôi. Giấc mơ đi du học ở thủ đô như các bậc cha chú của tôi đã biến mất từ 1954. Năm 1979, sau một phần tư thế kỷ tôi đến thủ đô không phải là du học sinh, không phải là du khách, mà là người đi nuôi tù cải tạo từ Nam ra Bắc!
Mệt mỏi chán chường, đường xá trơ trọi quạnh hiu, không một người thân! Tôi bước vào khách sạn. Nhờ được các chị bạn đi thăm nuôi giới thiệu nên tôi được người ở quầy ghi khách đến tiếp đãi niềm
nở, đưa chìa khóa phòng, xách hộ quà vào phòng, chỉ dẫn nơi giặt giũ, tẩy bụi đường xa .. Sau gần 4 ngày trên xe lửa, sau những giấc ngủ chập chờn trên băng ghế, bây giờ tôi mới có dịp ngã lưng xuống để ngủ tai tôi vẫn còn nghe tiếng xe lửa chạy trên đường rầy rùm, rùm, rùm ..
.....
Trong óc tưởng tượng của tôi, Hà Nội vẫn là Hà Nội 36 phố phường với những cô bán hàng duyên dáng trong tác phẩm của Thạch Lam. Ra tới cửa Đông, tôi lại nhớ đến chuyện người đẹp trong tranh, nàng tiên Giáng Kiều của chàng thư sinh phong nhã Tú Uyên ..
Tôi đi chợ Hà Nội, không phải với tâm trạng phụ nữ thời xưa:
"Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra .."
Trái lại, tôi có mang theo danh sách gửi và chỉ dẫn nơi mua với giá ước lượng để khỏi mua lầm. Quà khô, thuốc men đã gói sẵn theo rồi, giờ tôi chỉ mua sắm nhanh, đủ để mang vào trại Hà Tây. Tôi chỉ cần mua quà tươi và nhu yếu phẩm. Đặt mua bánh mì xong, tôi ra chợ hàng Gà để mua vải thiều . Tôi định mua bánh chưng thì có một người đi chợ nói nhỏ với tôi bánh này chị không để dành ăn lâu được đâu. Tôi hỏi vậy chứ bánh chưng đặc biệt của người miền Bắc thì mua ở đâu, thế là tôi được chỉ đường ra cửa nam chợ Đồng Xuân.
Trên đường ra chợ Đồng Xuân, tôi giở cẩm nang đi đường mang theo, thấy ra đó có thể mua nhãn nhục cho người thân. Đến chợ tôi gặp 1 cảnh khó quên: Mấy hàng thịt chó bày bán y như mấy hàng thịt heo quay ở Chợ Cũ. Tôi an ủi thì giống như Ngã Ba Ông Tạ vậy chứ gì, đâu có gì phải lo lắng ngạc nhiên. Thật ra từ nhỏ tôi chỉ thấy mấy hàng thịt chó từ xa xa chứ đâu có dịp len lỏi đến gần và được chào mời như bây giờ ! Tôi vụt nhớ một bài ca dao xưa:
"Con gà mà gáy ó o
Đi chưa đến chợ đã lo ăn quà
Bánh nếp chen lẫn bánh đa
Củ từ, khoai mỡ, nào là cháo kê
Ăn rồi ngả nón ra về
Thấy hàng chả chó lại lê chân vào
Chả này bà bán làm sao
Ba đồng một mớ lẽ nào không mua
Nói dối rằng mua cho chồng
Đi ra quãng đồng ngả nón ngồi ăn
Về nhà còn khóc băn khoăn
Nào mẹ đi chợ có ăn quà gì!"
Tôi thấy có ông dắt con chó con nhỏ tròn trĩnh tung tăng chạy theo chủ, lưỡi hồng thè ra, mắt đen tròn xoe, đuôi cong cong, có đeo lục lạc leng keng. Vụt có tiếng nói, 150 đồng, có tiếng trả giá 200 đồng. Tôi nhìn con vật đáng yêu và vội vã rời khỏi chợ Đồng Xuân, hết thiết tha đi mua sắm ở chợ Bát Hoa kế bên.
Tôi ra phố Hàng Buồm, dặn xe xích lô như lời chị C giới thiệu. Đi qua phố Hàng Ngang, buôn bán đông đúc, có một địa chỉ em của người bạn, tôi đến gần hỏi thăm thì thấy mặt tiền là chỗ người ta buôn bán. Dãy nhà kiến trúc thời xưa có nhà kho, nhà bếp nhà gia nhân, bây giờ phần trong cùng chật hẹp của ngôi nhà là nơi chủ nhân xưa kia của toàn bộ căn nhà cư ngụ, không hiểu sao một gia đình đông đúc sống chật chội như vậy mà chịu nổi! Ở một góc nhà tôi nhìn thấy có một số sách chưởng Kim Dung bị liệt kê vào loại sách "đồi trụy" nay nằm ở góc giải trí cùng một số băng "nhạc vàng". Diện tích nhà quá chật hẹp nên điều kiện vệ sinh quá thô sơ, không dám nhớ tới!
Đi qua phố Hàng Bè có em của bà cụ láng giềng ở Sài Gòn để nhắn lời bà cụ thăm hỏi và để được có người giúp đỡ nếu tôi cần, không ngờ đi đến phố ấy tôi gặp rắc rối. Vào nhà chào hỏi, tôi được ông cụ chủ nhà mời uống trà xã giao. Ông cụ là người khiếm thị nhưng rành đường phố Hà Nội, tôi hỏi ông và được chỉ đường rõ ràng, tôi chép vào 1 tờ giấy để nhớ.
Ra khỏi nhà tôi bị 2 người công an kè về đồn, xét hỏi giấy tờ, bóp, tiền trong người. Sau vài tiếng đồng hồ tôi được trả tự do, bảng vẽ đường ghi chép bị tịch thu. Sau này về Sài Gòn tôi thuật lại và các bạn tôi nói tôi đã dại dột đi vào khu buôn bán tiền, vàng nên mới ra nông nỗi!
Tờ mờ sáng hôm sau chú X chạy xe xích lô đến đúng hẹn và tôi hợp đồng một số tiền hậu hĩ kèm ba bữa ăn sáng trưa, chiều cho chú. Tôi nói ghé chỗ nào kha khá, ăn được thì chú ghé ăn và tôi cùng ăn, tôi trả tiền. Xe chạy đường vòng né tránh các trạm thuế đến Hà Đông thì hừng sáng. Nhà cửa vùng này khá khang trang, nhà xây cao có hòn non bộ, trồng hoa kiểng, có bậc thang giữa vào cửa chính, có tam cấp hai bên , có cửa sắt và lan can hoa văn trang trí rất đẹp, có cả giếng nước trước nhà.
Chú X ghé hàng phở chui, bán cho người lao động đến sáng là hết. Phở rất ngon hay tôi đói ? Ăn xong bà chủ bán đưa tăm xỉa răng. Tôi hỏi bà có gì uống không? Có ạ, bà nói, tôi ngồi đợi và thấy bà dọn ra một bình rượu ba xi đế hâm nóng với cái chung rượu nhỏ xíu đính kèm. Tôi trả tiền phở và rượu vì lỡ kêu. Chú xích lô hỏi bà chị không uống thật à. Tôi gật đầu và mời chú uống phần rượu nếu chú thích. Lúc ra xe tôi mới thấy lời mời của mình là tai hại khi phải ngồi trên xe xích lô của một ông chếnh choáng hơi men, đạp nhanh như gió, nói chuyện râm ran khó hiểu và ca hát huyên thuyên.
Rút kinh nghiệm, đến khi ăn trưa tôi không hé miệng kêu thức uống. Có một bà cụ ở căn nhà kế bên cho một cô bé lễ phép mời tôi qua cho bà cụ gặp mặt. Tôi hơi sợ, nhưng bác bán cơm và chú xích lô nói dân Hà Đông vậy chứ hiền lắm, đừng sợ. Tôi đi, gặp một bà cụ mặc đồ lụa trắng, vấn tóc ngồi trên ghế không di chuyển được. Bà rất đẹp lão, gọi tôi lại gần, vừa vuốt trán tôi, vừa lẩm bẩm "những tưởng .. nào ngờ .. mợ còn trẻ quá ..!" tôi lắp bắp lí nhí lời chào hỏi sức khỏe, thấy mình rõ thật vô duyên vì không hợp tình cảnh, rồi cúi chào bà và nói mình phải đi kẻo trễ. Xe đi ngang qua bưu điện, đi ngang qua bệnh viện Hà Sơn Bình rất lớn. Một hồi sau xe hết chạy trên đường tráng nhựa, chỉ còn đường đá, rồi đến đường đất gập ghềnh. Đường càng lúc càng xấu và nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt
dần.
Xe đi ngang một bảng nhỏ đề tên Thường Tín. Tôi vụt nhớ quê bà Huyện Thanh Quan, và bài "Thăng Long Thành Hoài Cổ" vụt hiện lên trong trí tôi:
"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương"
Tôi thấy một ngôi nhà thờ có rào chắn chung quanh, nhìn vào có tượng Saint Michel diệt con ác quỷ, ngôi nhà thờ có lẽ còn sót lại từ thời Pháp thuộc. Có bóng mấy cụ già lặng lẽ đi lễ sớm ở một ngôi nhà gần đó ..
Dấn dần không còn nhà của dân cư, đường đất cỏ may mọc đầy chứng tỏ không ai qua lại. Tôi leo xuống đi bộ. Chú xích lô có vẻ mừng vì đỡ được trên 40 ký lô trên đường nhiều mô đất hố trũng gập ghềnh. Bông cỏ may vương đầy, tôi lại chạnh nhớ một bài hát ngày nào: "nhũng ngày chưa nhập ngũ, anh hay đón em về vùng ngoại ô có cỏ bông may .."
Gần đến trại tôi thấy có đường rải đá trắng trên nền đất đỏ. Nhìn hai màu trắng toát và đỏ đậm dưới chân tôi cảm thấy thương sức những người trong trại cải tạo đã đổ bao mồ hôi công sức làm đường này. Chưa bao giờ biết trại tù, tôi thấy cổng trại nghèo nhưng có trồng hoa kiểng, có nền cao lót gạch nung, có chút tường vôi khá chắc chắn. Chú xích lô không được vào, chỉ đem đồ đến gần tới cổng rồi chỉ hướng chú sẽ gặp tôi khi tôi thăm thân nhân xong. Tôi bắt đầu kéo lê đồ vào trại từ từ theo lối kiến tha ..
Tôi vào trình giấy tờ. Văn phòng chính treo lá cờ đỏ sao vàng to tướng và khẩu hiệu "không có gì quý hơn độc lập và tự do" , tôi nhìn là cảm thấy chóng mặt.
Tôi vào trại sớm nên được thấy các đội lao động, từng đội có một người công an cầm súng đi trước, đoàn người hàng một đi từ từ, sau cùng có một người công an bồng súng AK đi theo. Một tổ lao động đi ra cổng, bắt đầu làm việc sau nhà khách viếng, người lặng lẽ toả ra các hướng, một dòng người câm nín không có chút âm thanh. Tôi nhớ cảnh lao động ở Tây Bá Lợi Á trong phim Doctor Zhivago, khác chăng là khí hậu nóng của Hà Tây và khí hậu băng giá của Liên Sô .. Những người tù vẫn vậy, điển hình trong bộ quần áo sọc xanh đậm nhạt không đều, quần áo rộng rãi vì người tù nào cũng ốm o nhỏ hơn chuẩn đồ phát, dép lê, xách lon "gô" đựng nước, đội nón vải, nón lá đủ thứ loại để che nắng. Có những đội có người cầm đòn gánh và cái thùng rỗng để xách nước. Có người đẩy cái xe cút kít mà tôi nhớ hồi lâu lắm rồi thời 1945 có vài đội tù đi làm đường đẩy ngang nhà ở lục tỉnh quê
trong Nam. Tôi nhớ đến những người tù trong trại Auschwitz thời Đức Quốc Xã, những quân nhân Mỹ bị cầm tù ở "khách sạn Hilton", hỏa lò Hà Nội .. Đều mặc đồ tù mà tôi đang thấy ở trước mắt mình.
Lúc tôi đang lo sợ, thấy rơi vào tuyệt vọng, nước mắt sắp tràn ra thì có tiếng kêu tên tôi vào gặp cán bộ quản giáo trại. Người này dáng dấp nhỏ thó, khô đét, "mặt sắt xanh dờn ", nghe các chị đã đi thăm nuôi dặn tôi phải không được khóc, đừng bao giờ lộ nét bi ai, khóc lóc sẽ bị cán bộ đuổi ra, giờ thăm sẽ bị rút ngắn. Cũng theo lời các chị bạn tôi, người cán bộ quản giáo này là một anh hùnh chiến sĩ Điện Biên vì lên cơn ghen đã lỡ tay "làm chết vợ" nên bị đày lên khiển tù lao động ở nơi hoang vắng nàỵ
Tôi chào cán bộ, được hỏi ngay là chị từ miền Nam ra, có biết chính sách của đảng và nhà nước hay không. Thế là người cán bộ ào ào trả bài về ba dòng thác cách mạng, về sự tất thắng của cách mạng ở chiến trường miền nam, về chuyện hạt thóc hạt gạo cắn làm ba, nghĩa vụ quốc tế cao cả ở chiến trường Tây Nam, tinh thần quốc tế cao cả, vv .. và vv .. Tôi ngồi mở mắt nhìn, không phải là nhìn người nói, mà nhìn phong cảnh ngoài cửa sổ sau lưng người cán bộ, giống như học sinh lơ đãng, có ngồi có nhìn chăm chú nghe lời giảng bài, nhưng thật sự tôi đang thả hồn ra cửa "tinh thần ở ngoài lao"!!! Chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi.
Có một đội người già, ốm yếu thấy rõ so với các đội đi lao động hồi nãy, ra dọn dẹp quanh nhà khách, xách nước tưới kiểng, làm cỏ, dọn cỏ, chỉ nghe âm thanh dụng cụ lao động như cuốc xẻng, còn người lặng lẽ như những cái máy.
Sau đợt công tác tư tưởng đả thông đường lối của đảng và nhà nước, cán bộ nói đến phần học tập nội
quy gặp thân nhân, tóm tắt dúng như lời các chị bạn tôi đã ra thăm người thân từ tết 79 là không được khóc, không được hôn chồng, nếu không tuân theo sẽ không được thăm 20 phút!!! Lý do không khóc thì còn hiểu nổi vì phải tỏ tinh thần cách mạng hồ hởi, phấn khởi, còn lý do thứ nhì thì phải hiểu theo lời cán bộ trại, đó là thái độ không đúng, biểu hiện tình cảm của tiểu tư sản mại bản!!! Nói chuyện lúc thăm gặp phải nói to, để cho cán bộ ngồi cuối bàn thăm nuôi nghe kỹ !!!!
Sau phần nghe giảng chính trị và chờ đợi vài tiếng đồng hồ, đến hơn 11 giờ trưa thì tôi được báo có thân nhân ra gặp. Hồi hộp vì sợ nước mắt tuôn rơi, tôi vội nhìn vào vách tường vôi vàng vàng ngang tầm mắt, tay bấm chặt đầu ngón taycái như lúc còn nhỏ sợ bóng tối phải bấm tay niệm chú trừ tà! Tôi đã sắp xếp trong đầu chuyện phải kể cho chồng, kể từ hỏi thăm sức khoẻ chồng, những gì anh cần, chuyện mẹ già, chuyện các con từ đứa lớn tới đứa nhỏ, còn chuyện của bản thân mình sau cùng vì sợ hết giờ thăm.
Tôi nghe tiếng chân bước lên thềm, tiếng nói "chào cán bộ", giọng nói trầm ấm của chồng tôi. Tôi quay lại nhìn thấy chàng, người ốm đi, da đen hơn, mặc quần áo tù không có số. Ánh mắt chàng trìu mến pha lẫn ngạc nhiên như thầm hỏi: "Làm sao em ra được nơi đây, không một ai quen ở ngoài Bắc hết .." Chàng định hôn tôi, cái hôn thân ái thông thường của vợ chồng, nhưng tôi liếc nhìn thấy tên cán bộ quản giáo đang ngó chúng tôi trừng trừng, vội khều tay chàng và nói anh ngồi xuống tụi mình nói chuyện cho nhau nghe. Bao nhiêu chuyện từ lúc xa cách nhau năm 1975, nay tôi chỉ có 20 phút để nói với chồng.
Tôi không còn nhớ mình đã nói những gì, chỉ nghe chồng hỏi rồi vâng dạ, chứ không theo quy trình dự tính ban đầu kể chuyện cho chồng nghe. Chiếc bàn thăm nuôi sao bỗng trở nên dài vô tận như giòng sông Tương: "Quân tại tương giang đầu, Thiếp tại tương giang vĩ". Cùng thấy nhau mà nghìn trùng xa cách bởi bao nhiêu điều cấm đoán vô lối !!!
Giờ thăm nuôi đúng 20 phút thăm nuôi đã hết, tôi hỏi chàng được một câu "sao anh không có số" chàng nói tù thường phạm có án áo mới có số! Giã từ mắt chàng đỏ hoe, tôi nói nhỏ với chàng là em không được khóc, để về Nam em sẽ khóc. Trái tim tôi quặn thắt khi tôi nhìn chàng đẩy quà thăm nuôi trên chiếc xe bù ệt một bánh gọi là xe cải tiến, tôi dõi theo bóng chàng đến khi chàng đi khuất ở khúc quanh gần nhà thăm nuôi.
Trên đường ra chỗ hẹn với xe xích lô để về Hà Nội, tôi cất bước mà nước mắt lã chã tuôn rơi, người tôi mệt nhoài, rã rời. Có một đội đi lao động về, có một người gầy yếu ngồi nghỉ ở một viên đá ven đường, thấy tôi đi gần đến thì vỗ vỗ vào viên đá rồi đứng lên theo đội hướng về trại tù. Tôi hội ý, cố quăng chiếc nón lá đội đầu cho bay về hướng viên đá, lượm chiếc nón , ngồi lên chỗ người tù hồi nãy như nghỉ mệt, lấy khăn tay lau nước mắt. Tôi liếc nhìn thấy một xấp thơ viết có bao và không bao lộn xộn nhưng cột chặt để dưới viên đá, tôi cúi xuống vờ như sửa dép, rồi đẩy mớ thư vào xắc tay để dưới chiếc nón lá, không đội nón lá lên đầu dù trời chiều còn nắng chói chang ! Hồi hộp nhưng tôi thầm nghĩ về khách sạn tôi sẽ lựa thư, một số bỏ bưu điện Hà Nội, một số đem về Sài Gòn bỏ tiếp. Nghĩ lại, nếu bị bắt chắc không có dịp trở về nhà mà bị đi cải tạo ở một trại tù khác nơi chồng ở lắm.
Tôi về tới khách sạn thì trời đã tối, vừa nghỉ một chập thì có người lên báo là có một đôi vợ chồng nói là người quen muốn gặp. Tôi ngạc nhiên định nói không quen ai , nhưng tọc mạch muốn coi ai ở Hà Nội mà biết mình nên bước ra xem, hoá ra đó là ông khách đi cùng chuyến xe lửa ra Bắc, người nhờ tôi cầm hộ chiếc quạt máy lúc xuống ga Hàng Cỏ. Ông ấy giải thích là muốn cho cô vợ chưa cưới của mình, cô nàng là văn công rất xinh xắn, được biết một người phụ nữ Sài Gòn đã vượt đường xa lặn lội thăm chồng ở trại Hà Tây. Hai người mời tôi đi ăn ở một tiệm ăn của giới nghệ sĩ thủ đô. Đúng là có "lộc thực" ! Hà Nội có chút xíu, đi bộ một chốc là tới nơi, ăn uống, kể chuyện và giã từ, không hẹn gặp lại ! Có nhà hàng ở khá gần mà tôi không biết, vì kể ra mình không có tiêu chuẩn để vào ăn!
Tôi về đến khách sạn nghỉ đêm khóc sưng vù cả hai mắt ..
Tờ mờ sáng ngày hôm sau, nghe tiếng xe điện chạy, tôi vội chạy ra đón để ra ga Hàng Cỏ cho sớm. Phòng bán vé chưa mở cửa nhưng đã có nhiều người nằm la liệt ở ga từ lúc nào! Tôi ngồi xuống tam cấp ga và chờ phòng vé mở cửa giống bao người khác, lòng bỗng nhớ đến những chuyện bạn tôi nói khi mình không quen ai mà không dám mua vé chợ đen vì sợ vé giả thì chỉ có cách xếp hàng và có thể kẹt ở Hà Nội cả tháng trời!!!
Khi phòng vé vừa mở cửa, chỉ mới có ánh đèn vàng hiện lên bên trong phòng vé chứ chưa bắt đầu bán vé thì mọi người rần rần chạy đến, chen lấn để sắp hàng dài từ chỗ bán vé tới cuối sân ga. Tôi thấy mình đứng trong vài người cuối!!! Mùa hè trời sáng rất nhanh, dòng người xếp hàng không thấy nhúc nhích, tôi nghĩ chắc mình sẽ ở Hà Nội dài dài, lòng chán ngán đến cùng cực .. Có bao giờ mình gặp tiên như trong cổ tích!
Nàng tiên hiện ra, một cô bé người Nam lễ phép lại gần nói nhỏ với tôi, má cháu mời bác lên trên kia để cùng mua vé, sao bác ra trễ vậy, má cháu đợi hoài bây giờ bác mới tới! Hội ý chớp nhoáng với "nàng tiên" đời nay của tôi, con gái của chị Th., theo mẹ ra Bắc thăm bố ở trại Hà Tây, tôi vội vàng đi nhanh đến đứng cạnh chị Th. Chị Th vừa bấm tay tôi vừa phân bua với mọi người xung quanh là "em tôi đi lạc đường mới đến ga!".
Tôi chỉ mua được vé ngồi, còn má con chị Th với tài ngoại gia khéo léo và đứng được sát quầy vé đã mua được vé couchette, Nắm được chiếc vé xe lửa bé xíu mua bằng tiền miền Bắc để về Nam, tôi cứ ngỡ mình nằm mơ, lòng vô cùng cảm tạ chị Th đã thương người đồng hội đồng thuyền. Tôi giã từ sau khi cám ơn chị Th và con gái đã giúp tôi phương tiện trở về nhà. Sau này chúng tôi vẫn còn gặp nhau mấy lần khi đi thăm nuôi và tôi gặp lại chị Th định cư ở Mỹ tại tiểu bang Virginia.
Còn chút thời gian, tôi quyết định đi viếng thủ đô theo lối express! Tôi ghé nhà chú lái xích lô hôm qua, nói chú chở tôi đi dạo Hà Nội một vòng vì đến chiều tối tôi sẽ trở lại Sài Gòn. Kiến trúc của thủ đô Hà Nội và của thành phố Sài Gòn sao có nhiều nét tương đồng, tôi tự hỏi ngày xưa có lẽ chỉ dùng một bản vẽ thiết kế đô thị cho đỡ tốn kém hay không? Tôi đi ngang nhà hát lớn, toà đô chính bưu điện . Trường Bưởi làm cho tôi vụt nhớ đến người đẹp nuôi chồng thời xa xưa trong "Gánh hàng Hoa" của Nhất Linh và Khái Hưng .. Chú xích lô đưa tôi ra quảng trường Ba Đình, được biết "lăng bác" đang đóng cửa để chỉnh trang. Tôi ở miền Nam mà không được "thăm lăng bác", mùa hè nóng nực, lăng đóng cửachỉnh trang hay vì mở cửa cho khách viếng không đủ khí lạnh sợ hư xác ướp? Tôi biết minh không được xếp vào diện cháu ngoan Bác Hồ, nên đến chết không nhìn nhau!
Tôi thăm khu Hoàn Kiếm, có Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc .. lúc đang nghĩ sao cầu Thê Húc nhỏ quá, tôi vụt nhớ lời người giáo sư dạy Sử ngày xưa dặn chúng tôi có nhìn công trình lịch sử của đất nước thì phải nhớ nhìn với con mắt của lịch sử .. Tôi cố thu vào óc những cảnh mình thấy, và mơ về thời Lê Lợi được thần Rùa trao gươm báu để giết giặc ngoại xâm, sau khi chiến thắng trở về thì thần Rùa nổi lên lấy lại kiếm báu, lặn sâu xuống nước, một giai thoại thần kỳ oai hùng biết bao trong sử Việt Nam. Từ lúc nhỏ, tôi vẫn mơ về Hồ Hoàn Kiếm trong ảnh của Nguyễn An Ninh, đẹp như tranh vẽ, in trong tạp chí Revue du Sud-East Asiatique, bây giờ mới có dịp thấy tận mắt.
Qua khu Đống Đa tôi nhớ đến Quang Trung đại phá quân Thanh nhưng thấy mình khó hình dung giai đoạn lịch sử này vì gò thấp quá ! Tôi đến nhìn sông Hồng, nghĩ đến tác phẩm "Vỡ Đê" đọc ngày nào, tưởng tượng đê đập kiên cố chứ nào ngờ ngoài đời bờ đất dễ trôi, dân cư sống và trồng trọt rau màu giữa đê chính và đê phụ .. Tôi thấy cầu Thăng Long đã xây xong nhưng do chiến tranh biên giới ViệtTtrung lúc bấy giờ nên không xử dụng ..
"Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Bến thu phong đứng rũ tà huy .."
Tôi vào bưu điện Hoàn Kiếm để gởi thơ vào trại Hà Tây, báo tin cho chồng là tôi đã mua được vé xe lửa trở về. Tôi mua một số tem và phong bì bỏ một số thơ nhắn tin ở miền Bắc, sao chép địa chỉ viết trên những tờ giấy đủ cỡ viết lên bao thư, thư của những người tôi không hề quen biết, chỉ biết là cùng chung số phận ở Hà Tây như người thân của tôi .. Thử xem điện tín đánh từ thủ đô ở bưu điện Hoàn Kiếm có đến Sài Gòn nhanh hay không, tôi điện về:"Mẹ về nhà chuyến tàu Thống Nhất ngày .. tháng 7 năm 1979." Cái thú thử trò truyền tin điện tử này còn hại tôi dài dài, tôi sẽ kể ở phần sau.
Chiều tôi vào ga Hàng Cỏ, chen lấn tưởng chết ngộp, may là không có hành lý nhiều như lúc đi, cũng còn lách được vào toa tàu. Vé tự mua, không có ai tranh chỗ, nhưng chỗ ngồi gần phòng vệ sinh của toa "thơm lừng"
Trên đường về 3 ngày 4 đêm, ngồi nhìn phong cảnh dọc theo cửa sổ xe lửa, tôi nhớ bài hát phổ nhạc từ thơ Hồ Dzếnh:
"Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây .."
Tôi nhớ chồng sống đọa đày lao khổ trong trại tù Hà Tây, nhớ Hà Nội, vụt nhớ 2 câu thơ Bà Huyện Thanh Quan:
"Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường."
Về nhà, mẹ tôi hỏi con đi Hà Nội thấy ở đó ra sao, thăm chồng con thấy nó thế nào. Tôi đáp thấy cảnh Hà Nội đẹp, mẹ tôi hứ một tiếng , con này mới đi Hà Nội mà đã mê lậm!
Tôi nhớ hai câu thơ của Trần Dần trong Nhân Văn Giai Phẩm:
"Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ .."
Tôi thầm nghĩ, tôi đi Hà Nội thấy phố xá cũ xì, công an đầy dẫy, cuộc sống người Hà Nội che dấu, nhưng cũng còn có người Hà Nội tốt .. Tôi mếu máo ôm chầm lấy mẹ tôi và nói:"Mẹ ơi, chồng con là tù không án không số, biết bao giờ ra!!!
Mẹ tôi vuốt tóc tôi, lau nước mắt trên mặt tôi, an ủi tôi "Rồi con sẽ đi thăm nuôi nữa, hè sang năm ráng thu xếp cho mấy đứa nhỏ đi thăm ba tụi nó."
Sau ba ngày 4 đêm đi xe lửa tôi về tới nhà, cái điện tín gởi từ bưu điện Hoàn Kiếm vẫn không thấy đâu
cả. Một ngày sau khi tôi về tới nhà, điện tín tới, nhưng tôi bận đi chợ không có ở nhà, về nhà thấy
trong thùng thơ có giấy báo ra bưu điện Sài Gòn nhận bưu tín! Tôi vò bỏ, nghĩ điện tín chậm như rùa bò, không thèm lãnh vì chính tôi gởi. Không ngờ vài hôm sau có giấy báo của công an phường bảo tôi lên gấp hỏi tại sao không đi lãnh điện tín gởi từ Hà Nội! Tôi trình bày cớ sự, chú công an phường nói à, chị quả là có xin phép ra Bắc, thôi chị về nhà nghỉ ngơi ! Về nhà tôi tâm sự với ngưới hàng xóm gốc Hà Nội, các bác bên hàng xóm nói với tôi sao chị không biết chuyện dân Sài Gòn có gốc ở Bắc đã ra ngoài ấy cùng bà con đi vượt biên, nghe nói dễ đi hơn trong Nam, mấy trại tỵ nạn ở Hồng Kông tràn ngập người là người!
Chuyến thăm nuôi về sau nhờ có kinh nghiệm nên không có gì đáng kể. Thân tình của những người vợ, người con đi thăm nuôi ngày càng thắt chặt, tạo thành một mạng lưới của giới "thân nhân học tập cải tạo". Tháng này chị A đi thăm chồng ở Hà Tây, tháng tới cô X ra thăm bố, người nào đi thì nhận mang quà của những người khác. Tin tức từ trại nhắn về, người ở nhà biết được những thứ cần phải gởi, những thứ không dùng được, người tù sống được là do gia đình muôi, trại tù không có gì phải lo lắng nên cứ giữ tù dài dài.
Sau gần năm năm trời đi thăm nuôi ở miền Bắc, chồng tôi được chuyển vào Nam gia đình tôi đi thăm nuôi ở Long Khánh. Qua đèo Mẹ Bồng Con của núi Chứa Chan thì tới, đi bằng xe hơi bao đón ở Bình thạnh, An Đông .., đưa rước cả chuyến đi vào trại. Về Sài Gòn chúng tôi thường đùa với nhau theo giọng người Nam: núi chứa chan, chán chưa ? Chưa chán cho nên tháng nào cũng ráng gởi quà hoặc ráng đi thăm theo phép trại để cho thân nhân đỡ sống thiếu thốn. Năm 1987 trại cải tạo thả một số tù về với gia đình, trong số đó có chồng tôi, chấm dứt 13 năm trời thăm nuôi.
Năm 1991 gia đình tôi được định cư ở Mỹ theo diện HO. Tôi lại sống đời đi thăm nuôi, không phải vất vả nuôi chồng ở trại cải tạo mà cùng chồng đi thăm các con ở các trường đại học, rồi sau đó khi các con thành tài, lập gia đình , thì đi thăm con , thăm dâu thăm rể, thăm các cháu. Tính ra cũng đã gần 14 năm trên đất Mỹ, cuộc đời chỉ có niềm vui vươn lên, chứ không tràn đầy nước mắt tủi hờn bị đọa đày của một thời 13 năm trời đi nuôi chồng từ Bắc vào Nam của một người vợ HO.
Kính tặng má của chúng con
KAREN N. NGUYỄN
Gửi ý kiến của bạn