BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77473)
(Xem: 63332)
(Xem: 40779)
(Xem: 32402)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gửi tiếng Việt tặng người Việt tị nạn

21 Tháng Chín 20227:51 SA(Xem: 1046)
Gửi tiếng Việt tặng người Việt tị nạn
50Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
1.52

Đảng Cộng sản Việt Nam lo lắng giúp người Việt tị nạn hoặc di cư sống ở nước ngoài. Họ lo dân Việt xa quê có ngày sẽ không còn đủ tiếng Việt để xài nữa, dù có cố gắng tiết kiệm, chỉ dần dần xài mỗi ngày một chút cho đỡ tốn. Cho nên, để giúp đỡ hơn 5 triệu người Việt ở 130 quốc gia trên thế giới, Đảng đã chọn ngày 8 tháng Chín làm ngày đề cao Tiếng Việt.

Theo ký giả Sen Nguyen, trên the South China Morning Post ở Hồng Kông ngày 10 tháng Chín, 2022, một ông phó thủ tướng tên là Phạm Quang Hiêu (Hiếu, Hiệu, hoặc Hiểu, …), nói đã có một “kế hoạch 8 năm” nhằm viện trợ tiếng Việt cho đồng bào ruột thịt!

Trong khi chờ đợi “kế hoạch 8 năm” được thi triển, bà con di cư tị nạn muốn nếm thử một chút ít “tiếng Việt Cộng” có thể tìm đọc ngay trên báo Nhân Dân, là Báo Nhân Dân ngày 19 tháng 9 năm 2022, có một bản tin về “tai nạn giao thông nghiêm trọng” hôm trước. Một chiếc “ô-tô tải” do một anh tên Triều lái đã tông vào một “xe mô-tô” do một anh khác lái chở theo một Việt kiều từ Mỹ về chơi.

Thay vì viết anh Triều “lái” chiếc xe, “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước ...” đã viết rằng chiếc xe do anh “điều khiển lưu thông.” Người lái chiếc mô-tô cũng được mô tả là “điều khiển” chiếc xe gắn máy. Sau đó, chiếc ô-tô tải bị lật nhưng lại đụng vào một chiếc xe đạp do một “học sinh lớp 10 điều khiển.” Không nói “Lái xe,” xe hơi, xe bình bịch hay xe đạp, phải nói “điều khiển.

Thêm một chữ nữa: “va chạm.” Báo Nhân Dân viết tiếp, “Sau khi va chạm vào mô-tô,” chiếc xe tải “tiếp tục va chạm” vào chiếc xe đạp, chúng tôi in chữ nghiêng. Thông thường người Việt dùng hai chữ “va chạm” để tả hai vật hay hai người đụng chạm hoặc va nhau, một cách nhẹ nhàng. Nhưng trong báo Nhân Dân các “va chạm” đó làm chết hai người!

Trên cùng trang nhất tờ báo này, thấy “vụ việc một du khách nước ngoài va chạm với đoàn xe lửa Lào Cai-Hà Nội,” may mắn thoát chết! Nhưng “Đoàn tàu … va chạm với du khách” đã “phải dừng lại giải quyết sự cố, tuyến đường … ùn tắc.” Tốt nhất, bà con ở nước ngoài, dù gặp cảnh “sự cố ùn tắc” cũng nên tránh không “va chạm” với chữ nghĩa của các ông cộng sản.

Hai chữ “sự cố” cũng như chữ “sự kiện” được dùng tự do, thả dàn trên báo đài trong nước. Một tờ báo viết về cô ca sĩ: “Bà mẹ một con … trẻ trung, xinh đẹp như thiếu nữ đôi mươi tại sự kiện.” Tại “sự kiện?” Những “sự kiện” đó là cái gì!

Một bài khác viết về Nữ hoàng Elizabeth II, nói bà thích một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng, bà “thường xuyên được bắt gặp đeo thương hiệu đồng hồ … đến các sự kiện xa hoa, … bà thậm chí còn cho mượn đồ của mình khi đi sự kiện.” Bà nữ hoàng “đi sự kiện.” Tức là bà đến dự một lễ lạc. Bà lại “được bắt gặp” đeo đồng hồ! Đây là những cách nói tiếng Việt mới lạ chưa từng thấy. Người ta dùng chữ “sự kiện” để dịch nguyên văn chữ “event” trong tiếng Anh, vì lười, không muốn tìm những tiếng Việt chính xác hơn!

Chữ “Event” hay “sự kiện” nói về nhiều thứ khác nhau. Có thể viết “sự kiện” thay vì lễ hội, tập họp, một buổi trình diễn, trưng bày nghệ thuật, một tổ chức, hội thảo, một trận đấu thể thao, một trường hợp, hoàn cảnh, nghi lễ, sự việc, vân vân. Những chữ sự cố, hay biến cố, nói về một chuyện đã xảy ra, chữ “cố” với ý nghĩa là đã xong rồi, cũng được thay thế bằng chữ “sự kiện.

Nếu ông Phạm Quang Hiêu muốn viện trợ ngôn ngữ cho đồng bào ở nước ngoài, ông có thể gửi những chuyến máy bay chở 1,000 thùng chữ “điều khiển,” 1,000 thùng chữ “va chạm,” 15,000 thùng những chữ “điều khiển,” “sự kiện,” “sự cố,” vân vân, tặng cho bà con người Việt sống ở Paris, Los Angeles hoặc Melbourne. Họ sẽ mở mắt ra, thấy không cần dùng những chữ như cổ lỗ như “lái xe,” “buổi họp” hay “bữa tiệc” nữa.

Nhưng báo Nhân Dân còn có thể cung cấp nhiều hơn những chữ lẻ tẻ như “sự kiện,” “va chạm” hoặc điều khiển.” Ông Hiêu có thể gói tặng bà con những đoạn văn dài đầy chữ nghĩa. Mời quý vị đọc thử mấy câu dưới đây (xin ngưng đọc ngay, nếu cảm thấy khó thở, chóng mặt, hoặc buồn nôn).

Đây là văn chương báo Nhân Dân: viết về “Công nghiệp văn hóa.”

“Công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều cơ hội học tập mới cho người lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nói chung. ... Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng. Di sản văn hóa trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú cho nhiều ngành công nghiệp như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử, từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và nhận diện thương hiệu cho những ngành này ở thị trường trong nước, cũng như thị trường khu vực và thế giới.”

Cảm tưởng đầu tiên là nó “Rất khó tiêu!”

Đọc hết cả đoạn trên cũng chưa hiểu “Công nghiệp văn hóa” là những thứ gì. “Thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí” là thế nào? “Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ văn hóa” nghĩa là gì? Di sản văn hóa cung cấp “nguyên liệu đầu vào”… “cho nhiều ngành công nghiệp!” Nghe như kể chuyện một nhà máy xay lúa!

Đây là một căn bệnh thâm căn cố đế trong các chế độ cộng sản: Ăn to, nói lớn. Khoe khoang chữ nghĩa. Hô khẩu hiệu! Xác định lập trường! Không khác gì nhà giàu hợm hĩnh khoe của.

Căn bệnh này không chỉ xuất hiện trên báo chí mà đã lan truyền trong cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người. Bên bờ hồ Hoàn Kiếm quý vị có thể thấy hai tấm bảng treo trên một cửa ra vào, viết giống hệt nhau, một cái treo ngoài đường, một cái ở trước cửa bên trong.

Một nhà vệ sinh công cộng bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Một nhà vệ sinh công cộng bên bờ hồ Hoàn Kiếm.


Tấm bảng xanh lá cây viết bốn hàng chữ trắng, tất cả viết hoa, như thế này:

CÔNG TY TNHH NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ

XÍ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ SỐ 2

NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG – TOILET

ĐỊA CHỈ: SỐ 8 LÊ THÁI TỔ, HOÀN KIẾM, HÀ NỘI – ĐT : 043.8288072 – 043.9288508

Tất cả tấm bảng 41 chữ và số, cuối cùng, chỉ có một chữ mọi người cần biết, là “Toilet!” Người đi đường, các du khách chỉ cần đọc chữ “Toilet” hay “Toa Lét” là hiểu ngay! Không hiểu tại sao người ta phải đọc 25 chữ VIẾT HOA lòng thòng rồi mới được thấy chữ “Toilet!” Cũng không hiểu tại sao phải ghi cả địa chỉ cái toa lét này? Người đi tìm toa lét có ai chọn một địa chỉ trước, đúng địa chỉ mới vào, hay không? Lại còn số điện thoại nữa! Có cần gọi điện thoại xin hẹn trước, giữ chỗ, mới được dùng toa lét hay không?

Người Việt Nam sống ở nước ngoài chắc không ai muốn dùng tiếng Việt theo đường lối nhiêu khê của Đảng!

Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn