Giới thanh niên đang đứng dậy đấu tranh khắp thế giới; ngay tại những nước độc tài khét tiếng như Egypt, Saudi Arabia.
Những cuộc biểu tình chống chế độ của giới trẻ đều bộc phát, không thể đoán trước. Và thường bắt đầu từ những biến cố nhỏ. Các cuộc biểu tình đã đạt được những mục tiêu đầu tiên, như ở Hồng Kông, Ecuador, Chile, Lebanon… dù chưa thành công hoàn toàn. Nhưng sau khi tập hợp xuống đường người ta mới thấy những vấn đề lớn lâu nay vẫn bị chìm lấp có cơ hội nổi bùng lên. Cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục.
Thanh niên khắp nơi ngó về Hồng Kông; cả trong nước Việt Nam, Hồng Kông cũng là đề tài được theo dõi và bàn luận nhất trên các mạng xã hội.
Tại Barcelona, nước Tây Ban Nha, thanh niên đã hô hào nhau “Làm như Hồng Kông!” khi tiến đến chiếm phi trường! Họ xuống đường khi nghe tin một lãnh tụ của phong trào bị tòa xử án tù và bị bắt giam ngày 14 Tháng Mười, vì hô hào vùng Catalan ly khai. Ngay sau đó một thông điệp được truyền đi trên mạng, giống hệt như các thanh niên Hồng Kông đã gởi, kêu gọi nhau “Tiến về phi trường El Prat.” Thanh niên Barcelona còn truyền cho nhau cả đoạn phim dùng hoạt hình, “Cẩm Nang Chống Bom Cay Mắt” mà các bạn trẻ Hồng Kông tung lên trên mạng!
Tại sao giới trẻ xuống đường?
Giới trẻ khắp nơi cảm thấy lòng phấn khởi lên cao trong năm qua khi theo dõi các cuộc biểu tình ở Cộng Hòa Czech, Algeria, Sudan và Kazakhstan, tiếp theo đến Bolivia, Iraq, Nga, Tây Ban Nha trong những tháng trước.
Chính quyền thường không thể nào đoán trước được khi nào giới trẻ tức giận nổi lên! Các cuộc biểu tình thường bắt đầu vì những nguyên nhân rất nhỏ mà các ông nhà nước xưa nay vẫn làm và dân chúng vẫn lặng im chịu đựng.
Ở Chile, nguyên nhân chính là vé xe buýt và xe điện ngầm tăng giá. Dân Ecuador nổi lên vì tăng thuế xăng. Ở Lebanon lý do gây bất mãn đầu tiên là chính phủ đặt thêm thuế tiêu thụ đánh trên việc sử dụng WhatsApp để gọi điện thoại. Tại Saudi Arabia, các ông hoàng tàn bạo chưa bao giờ tưởng tượng người dân dám biểu tình. Nhưng cả một phong trào phản đối bùng lên trên mạng sau khi nhà nước tính đánh thuế 100% trên các tiệm ăn có “hút thuốc điếu” (hookahs). Thực ra đó không phải là những thứ “điếu cầy” rẻ tiền như ở Việt Nam mà là loại điếu bằng thủy tinh hoặc bằng đồng, khói chạy qua một bình chứa nước; giống điếu thuốc lào của người Việt nhưng thường rất sang trọng.
Chính quyền các nước Chile, Lebanon, Ecuador, Saudi, đều phải nhượng bộ, xóa bỏ ngay những quyết định của họ. Giống như Trung Cộng đã phải cho chính quyền Hồng Kông rút lại dự luật dẫn độ châm ngòi cho các cuộc biểu tình.
Nhưng sau khi được nhượng bộ rồi, các phong trào thanh niên không chấm dứt mà lại bắt đầu mở rộng các mục tiêu của họ. Vì họ đã đánh thức người dân chung quanh tỉnh dậy để nhìn thấy những vấn đề lớn hơn: nghèo đói, bất công, tham nhũng, và sau cùng là cả hệ thống chính trị do một băng đảng độc quyền thao túng!
Lâu nay, người dân vẫn cam chịu các tệ nạn đó mà không dám chống đối. Giới trẻ là những nạn nhân chịu cảnh bất công nặng nề nhất. Chỉ cần một hành động nhỏ của chính quyền là đủ thành giọt nước làm tràn ly. Thanh niên đứng dậy. Và người dân hết sợ hãi.
Chile là quốc gia giàu nhất trong các nước Châu Mỹ La Tinh, nhưng cũng là xã hội bất công nhất. Người dân nhìn ra rằng những quyết định tăng vé xe buýt hoặc đánh thuế điện thoại là tiêu biểu cho các chính sách nhằm bóc lột đa số dân nghèo, còn bọn người giàu nhất nước vẫn tiếp tục hưởng thụ. Trong ngày dân chúng biểu tình chống mấy đồng tăng giá xe buýt thì báo, đài tiết lộ bức hình ông Tổng Thống Sebastián Piñera đang ăn trong một tiệm cơm Ý sang trọng nhất.
Người dân Lebanon thấy thanh niên xuống đường phản đối thuế đánh vào việc dùng điện thoại WhatsApp thì họ cũng nhớ ra rằng lâu nay họ vẫn cúi đầu chịu đựng cảnh tham nhũng, bất công mà đáng lẽ họ phải phản đối.
Tiêu biểu cho cảnh thối nát của bộ máy chính quyền là bản tin tiết lộ ông Thủ Tướng Saad al-Hariri đã tặng món quà trị giá $16 triệu cho một cô người mẫu mặc bikini ông quen ở quần đảo Seychelles năm 2013.
Điều trớ trêu là trong năm nay đời sống của người dân Lebanon đã được cải thiện, điện, nước không còn bị cắt ngang như năm ngoái. Nhưng người dân vẫn đứng dậy lên tiếng. Họ không chỉ đòi thay đổi một chính phủ hay một lãnh tụ độc tài như Mùa Xuân Á Rập 2011, mà họ lên án tất cả “giai cấp chính trị” vẫn nắm quyền nhờ bản Hiến Pháp lỗi thời.
Giới trẻ Lebanon dẫn đầu những đoàn biểu tình đòi thay đổi cả hệ thống chính trị. Họ nói: “Chúng tôi đến đây không phải chỉ vì chống thuế trên WhatsApp. Chúng tôi đến đây vì đủ các thứ, xăng dầu, bánh mì, thực phẩm, vì đủ các thứ khác!”
Nhưng trên hết, giới trẻ ở thủ đô Beirut đang đòi phải xóa bỏ cả hệ thống chính trị đã ngự trị nước Lebanon từ thời thành lập quốc gia thế kỷ trước. Lebanon có nhiều tôn giáo đã từng xung đột cho nên khi lập quốc người ta đã thỏa hiệp để các giáo phái đều hài lòng. Hiến pháp Lebanon ấn định các giáo phái chia phần những địa vị trong chính quyền, như các phái Sun Ni và Shia trong Hồi Giáo, các nhóm theo Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo ít người khác.
Cơ cấu chính trị đó tạo cơ hội cho thủ lãnh các nhóm tôn giáo lợi dụng, họ dùng quyền hành được hiến pháp bảo đảm để chia quyền lợi cho phe đảng của cá nhân. Những người có khả năng nhưng không thuộc băng đảng nào thì không được dùng! Trong các cuộc biểu tình mới đây tại Lebanon, thanh niên thuộc các tôn giáo khác nhau đã đoàn kết lại, đòi thay đổi bản Hiến Pháp chia phần gây cảnh bất công này. Mà đó cũng là một nguồn gốc của tham nhũng!
Trong những cuộc nổi dậy dẫm máu ở Iraq, các thanh niên cũng theo đuổi mục tiêu này. Sau khi giết Saddam Hussein người Mỹ lập ra một chế độ phân chia quyền bính giữa những người Iraq theo phải Shi A (đa số) Sun Ni và người Kurd (thiểu số). Nhưng cơ cấu tưởng là công bằng đó đã tạo ra cảnh bất công và tham nhũng. Bởi vì, cũng giống như tại Lebanon, giới lãnh tụ tôn giáo và chính trị ở Iraq cũng lạm dụng phương pháp chia phần này để phe đảng trục lợi, còn những thanh niên có khả năng đều bị gạt ra ngoài.
Một điều đặc biệt trong phong trào xuống đường ở Iraq là giới trẻ đã tấn công vào tòa Tổng Lãnh Sự của Iran ở thành phố Karbala. Trong thế kỷ trước hai nước đã đánh nhau ít nhất hai lần rất nặng nề. Chính quyền Iran, theo phái Shi A, hiện nay ủng hộ chính phủ Iraq đồng thời vẫn yểm trợ các đạo dân quân cùng giáo phái, thao túng chính trị Iraq. Dân biểu tình ở Karbala hô khẩu hiệu: “Karbala giải phóng! Iran cút đi!” Có mấy người chết trong cuộc biểu tình này.
Những cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây thường do những người trẻ khởi xướng, rồi sau đó được “người lớn” ủng hộ và tham dự. Như ở Hồng Kông, Lebanon, Chile. Các hành động bộc phát này thường cũng không có ai “đứng đầu,” mà chỉ do các mạng xã hội bảo nhau
Nhìn lại các cuộc xuống đường của giới trẻ khắp nơi, nguyên nhân khởi động thường là kinh tế nhưng dân những quốc gia này còn sung túc hơn dân Việt Nam. Theo cách tính dựa trên mãi lực (PPP) của IMF, lợi tức bình quân một năm của người Việt Nam tương đương với $7,510 (đứng hạng 121); dân Lebanon đứng hạng 86, được $14,684; dân Iraq được $17,659, hạng 76; còn dân Chile đứng hạng 56 trong số gần 200 nước, có lợi tức bình quân với mãi lực bằng $25,978.
Với lợi tức gấp hai tới gấp bốn lần dân Việt như vậy, thanh niên các nước trên nổi dậy vì động cơ chính là họ chống bất công, chống tham nhũng, rồi chống cả cơ cấu chính trị tạo ra tham nhũng, bất công.
Dân Việt Nam chắc chắn chịu đựng bất công, tham nhũng còn nặng nề hơn Chile, Lebanon hay Iraq. Và chịu đựng lâu hơn. Thanh niên Việt Nam trả hàng mấy chục ngàn đô la để được đi làm “lao công nô lệ” ở nước ngoài, chắc chắn phải cảm thấy nhục nhã và uất ức hơn.
Giống như dân Hồng Kông nổi lên chống áp lực của Trung Cộng, dân Iraq liều mình chịu chết để chống Iran, thanh niên Việt Nam đã nhiều lần nổi dậy chống bá quyền Trung Cộng.
Giới trẻ thế giới đang đứng dậy không phải chỉ vì chống cái ác mà còn để đề cao cái thiện. Hàng triệu thanh niên đã bãi khóa, biểu tình từ Melbourne đến Mumbai, đến Berlin và New York, cho tới những hòn đảo nhỏ xíu trong Thái Bình Dương, cùng với Greta Thunberg, cô nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển hô hào loài người bảo vệ môi trường sống.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt