BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72630)
(Xem: 62055)
(Xem: 39151)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chùa Ba Vàng, Mạt Pháp hay Mạt Quốc?

25 Tháng Ba 20196:49 SA(Xem: 1489)
Chùa Ba Vàng, Mạt Pháp hay Mạt Quốc?
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41

Một xã hội mà ở đó, các thầy tu mượn áo tu để làm chuyện xằng bậy của yêu ma quỉ quái, giới quan lại mượn ghế lãnh đạo để để lộng quyền bất chính, nhất định xã hội đó phải trong thời mạt quốc.

Chữ Mạt Quốc cần được nhấn mạnh ở đây thay vì nói rằng Phật Pháp bây giờ thời Mạt Pháp. Nói đạo Phật đang thời mạt Pháp là sai lầm và không hiểu gì về chữ Pháp.

Bởi lẽ, Pháp là một khái niệm siêu hình, nó không thuộc về duy lý hay phân tích, Pháp cũng không thể ký thác hay ẩn mình trong một sinh mệnh phàm phu tục tử nào đó với bộ áo khoác nhà tu.

Nói như vậy để thấy rằng câu chuyện ở chùa Ba Vàng mà mấy hôm nay đang trở thành đề tài nóng trên các trang mạng xã hội, thậm chí trên các trang báo quốc tế và không ít trang nhìn nhận đó như một sự củng cố niềm tin về Mạt Pháp.

Chua Ba Vang
Trên thực tế, Pháp chỉ tồn tại khi các giá trị đạo đức, phẩm hạnh và tâm linh còn trong trẻo, không vẩn đục. Một khi đạo đức đen tối, phẩm hạnh u ám và tâm linh vẩn đục thì Pháp nào xuất hiện hay tồn tại ở đó được mà luận đến chuyện Mạt hay Thịnh?!

Một quốc gia mà các thầy chùa múa may quay cuồng, đám quan lại xun xoe, toa rập với đám thầy chùa để diễn kịch mị dân, kiếm tiền và thao túng quyền lực, điều đó chỉ cho thấy rằng quốc gia đó đang mạt vận và điều này chẳng liên quan gì đến Pháp, bởi sự nhiệm màu chưa bao giờ xuất hiện ở quốc gia đó.

Một quốc gia may mắn, trước nhất phải nói rằng đó là quốc gia không nằm trong nhóm “vô đạo”. Bởi nhờ không vô đạo mà con người biết sợ những gì ngược với đạo đức, ngược với phẩm hạnh và ngược với tiếng nói tâm linh sâu thẳm.

Thời Việt Nam Cộng sản xã hội chủ nghĩa, nói xa hơn một chút, thời Việt Nam Cộng Hòa, dường như Pháp Phật vẫn chưa chạm đến quốc gia này, hay nói cách khác là Việt Nam không có may mắn hay mảnh đất tâm hồn của số đông, rất đông người Việt không đủ trù phú để hạt mầm Phật Pháp nảy nở.

Bằng chứng của vấn đề này là từ những năm 1963, đã có nhiều kẻ khoác áo tu hoạt động nằm vùng và tạo ra những chiến tuyến nảy lửa với nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Hòa trên danh nghĩa “tranh đấu Phật Giáo” nhưng thực chất, đó là một kiểu vận động chánh trị được khoác áo tôn giáo.

Và, khi chế độ Cộng sản lên nắm quyền trên cả hai miền đất nước, những cái cây “tranh đấu Phật Giáo” lại đâm thêm cành nhánh, đơm bông, kết trái và mọc thêm hàng ngàn, thậm chí hàng triệu cây con để cho đến lúc này, chúng đã hoàn toàn trưởng thành và thể hiện sức mạnh của một thứ sứ mệnh mượn danh tôn giáo để gây cảm tình chính trị, để bóc lột kinh tế.

Chưa bao giờ đáng sợ và tởm lợm hơn bây giờ, khi các đại đức, tỳ kheo chỉ ngót nghét ba mươi, bốn mươi tuổi nhưng xưng “thầy – con” với người già bảy mươi, tám mươi tuổi một cách không ngượng miệng.

Tôi từng chứng kiến một tỳ kheo chưa đầy ba mươi, gọi một Phật tử già 80 tuổi, bằng tuổi bà của anh ta trong lúc mời trà tôi một cách phách lối chưa từng thấy. “Tư…! Lên thầy bảo! Con pha cho thầy thêm một bình trà ngon!”. Bà cụ lật đật miệng dạ chân chạy để pha trà cho ‘thầy”. Lúc này tôi mới hiểu, cái người bị gọi “Tư…” nghe đầy gầm ghè của “thầy” là một bà cụ chân yếu tay run! Tôi cũng hết muốn uống trà với “thầy”.

Kể ra một chuyện nhỏ như vậy để thấy rằng hầu như hiếm có, thậm chí là không có người tu nào có thể chạm đến Phật Pháp, bởi ngay từ đầu, người ta đã chấp thủ và tự đặt mình vào vị trí “thầy” của cuộc đời cho dù chỉ mới lóp ngóp bước lên vị trí tỳ kheo (đại đức) mà nguyên gốc của nó là kẻ đi theo chân thầy để phục vụ cuộc đời. Ở đây, không có kẻ đi theo chân thầy để phục vụ đời mà chỉ có kẻ ngồi phốc lên vị trí ấy để đời phục vụ.

Nói cho cùng, đến thời điểm này, làm gì có Phật Pháp ở các chùa, các thầy với đủ các chiêu trò nhươn sao, giải hạn, đuổi vong, đổi vong, ốp đồng, ngoại cảm…?!

Mà một khi không chạm được Phật Pháp thì làm gì có Mạt Pháp với Thịnh Pháp?!

Tại sao người ta dùng chữ Mạt Pháp ở đây? Và ai dùng?

Xin thưa, đó là cách nói lấp liếm, lấy vải thưa che mắt thánh của những kẻ cơ hội, những kẻ buôn thần bán thánh vẫn cố gieo rắc vào người mù mờ luận điệu rằng Phật Pháp vẫn đang phát triển bởi các chư tăng ở các chùa, chỉ có một vài tên phá đám, một vài tên cơ hội làm hôi hám chốn thiền môn và điều ấy như một chỉ dấu về sự mạt pháp.

Khi ngày càng lòi ra nhiều gương mặt ăn chơi sa đọa, trác tán, nhiều kẻ lừa đảo nhân danh tôn giáo, nhân danh Phật Giáo thì người ta lại cho rằng đó là Mạt Pháp.

Nhưng trên thực tế, ở một đất nước mà quan tham cấu kết với sư hổ mang để làm những điều tệ hại, đê tiện thì chắc chắn quốc gia đó chưa bao giờ chạm tới sự huyền nhiệm của Phật Pháp. Đặc biệt, những kẻ tuy mang chức sắc lớn trong giáo hội, cộng đoàn nhưng nhân cách méo mó, tư cách xoàng xỉnh thì chắc chắn một điều là những kẻ này không có bất kì thứ tư cách nào để nói đến tâm linh hay Phật Pháp.

Một quốc gia tràn đầy những kẻ khoác áo nhà Phật nhưng lại tham lam và lợi dụng vào sự cuồng tín của nhân dân để đẩy nhân dân đến chỗ mê lầm và mượn danh đạo pháp để giáo huấn chính trị, lái con người đến chỗ vong thân, vong nô thì quốc gia đó không đủ tư cách để bàn về khái niệm Phật Pháp hay Mạt Pháp. Bởi nó đang trong thời Mạt Quốc.

Một khi rơi vào thời Mạt Quốc thì giới quan lại thỏa sức bóc lột, giới khoác áo tu cũng thỏa sức bắt tay với quan lại để bóc lột người dân bằng cách hủ hóa, mê tín hóa và ngu dân hóa, đẩy đám đông đi từ mê tín đến cuồng tín và mê lầm.

Đáng buồn là chúng ta đang ở vào thời kì ấy, cái thời kì mà chúng ta không đủ tư cách để bàn hay nhận hai chữ Mạt Pháp. Bởi chúng ta đang rời vào thời kì Mạt Quốc. Nếu không tỉnh ngộ, giữa Mạt Quốc và Vong Quốc chỉ cách nhau chưa tày gang! Bởi Mạt Quốc là tiền đề của Vong Quốc.

Viết Từ Sài Gòn
Nguồn Blog Viết Từ Sài Gòn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn