BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76254)
(Xem: 62978)
(Xem: 40381)
(Xem: 31980)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bầu cử chủ tịch xã: thực tế hay bánh vẽ

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 968)
Bầu cử chủ tịch xã: thực tế hay bánh vẽ
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42
Sau 63 năm giành được độc lập từ thực dân Pháp, chính quyền cộng sản Việt Nam đã quyết định "mở rộng dân chủ" bằng cách cho phép người dân bầu trực tiếp chức vụ "chủ tịch xã". Báo chí Việt Nam đã hết lời ca ngợi chủ trương "cởi mở" và "dân chủ" này của "đảng cộng sản Việt Nam quang vinh và muôn năm". Tôi cũng thấy "mừng", vì với kiểu "dân chủ tiệm tiến" này thì khoảng... 200 năm nữa người dân Việt Nam sẽ có cơ hội bầu... chủ tịch nước (tổng thống).

Trong nhiều bài viết đề cập đến vấn đề "mở rộng dân chủ" cho Việt Nam tôi đã đưa ra đề nghị là hãy thay đổi (chuyển đổi) dân chủ từ "trên xuống" thay vì theo kiểu "từ dưới lên". Có nghĩa là phải mang dân chủ đến cho tầng lớp lãnh đạo trước, tầng lớp trí thức và có văn hoá trước. Hãy cọ xát và chấp nhận "trò chơi" dân chủ ở những người có hiểu biết và sau đó rút ra kinh nghiệm, bài học thực tiễn rồi mang ra áp dụng trên diện rộng, đến từng làng xã, thôn xóm trên toàn quốc.

Dân chủ không phải là một thứ hàng hoá hay đặc ân mà có thể ban phát. Dân chủ là một quá trình nhận thức, học hỏi và thích nghi. Đây là một quá trình gian nan, vất vả và cần phải có hiểu biết lẫn quyết tâm. Dân chủ với Việt Nam cũng như một cuộc "cách mạng" bởi nó mang lại nhiều thay đổi, nhiều biến động, nhiều tích cực và cũng có cả tiêu cực.

Dân chủ là lắng nghe, là đối thoại, là hợp tác, là chấp nhận lẫn nhau, vì thế nó cần thực hiện ở những người có «văn hoá cao» trước. Nếu đưa "dân chủ" đến những người ít hiểu biết mà không hướng dẫn được họ thì nhiều khi hại sẽ nhiều hơn là lợi. Mô hình chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ theo kiểu Đài Loan hay Hàn Quốc rất đáng để học hỏi và suy ngẫm. Hãy thay đổi từ trên thượng tầng chính trị trước rồi đem ra "áp đặt" cho dân chúng sau.

Một cuộc thay đổi (hay thậm chí là đảo chính) trong chính phủ hay quốc hội sẽ tốt hơn nhiều so với một cuộc cách mạng trên đường phố, từ những người dân bất mãn và bất trị.

Chính quyền cộng sản Việt Nam có truyền thống "quí báu" là luôn làm mọi việc ngược đời và luôn chạy theo đuôi... người dân. Việc bầu cử chủ tịch xã cũng đúng như vậy. Trong nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề này thì tôi tâm đắc nhất với ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong bài viết "Nông dân cần trợ giúp để hưởng tài sản dân chủ" đăng trên Vietnamnet ngày 6-10-2008. Ông cho rằng xã là đơn vị hành chính đơn giản nhất vì thế đó là nơi phải tiến hành vấn đề dân chủ muộn nhất, do trình độ nhận thức, dân trí, văn hoá, xã hội. Ông khẳng định rằng làng xã là nơi cuối cùng mà bước tiến dân chủ có thể lan tỏa tới chứ không phải lấy nơi đó để thí điểm bước đi dân chủ.

Là một nhà văn gắn liền với người dân ông Nguyễn Quang Thiều rất đúng khi cho rằng mối quan tâm của những người ở nông thôn rất cụ thể, đó là điều kiện lao động, y tế, học hành, hạ tầng cơ sở... nhưng những việc đó chính quyền cấp xã đâu có khả năng giải quyết ?

Và cũng vì "xã không có quyền quyết định ngân sách, không vạch ra đường lối, không thể cung cấp phương tiện lao động, không trợ cấp thuốc men, không thể giảm đi đóng góp của nhà trường", cho nên "người dân chỉ thực sự cần vai trò của ông chủ tịch xã nếu chữ ký của ông ta quyết định được những vấn đề liên quan đến công ăn việc làm, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, việc học hành của con cái họ".

Ông kết luận: "Tại sao chúng ta không làm ở bậc cao hơn, có thể là ở phường, hoặc nơi đô thị ? Thí điểm trước ở nông thôn, theo cá nhân tôi, là chúng ta đang làm ngược. Dân chủ thực chất đòi hỏi người dân một khả năng sống phức tạp hơn và rất khoa học trong khi lúc này, những người nông dân vẫn sống phần nhiều theo bản tính tự nhiên và duy cảm".

Bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều là tiếng nói phản biện rất đáng để suy ngẫm nhưng với một chế độ toàn trị thì mỗi khi "Đảng đã quyết" thì dân "cứ thế mà làm", sai hay đúng tính sau. Giả sử bây giờ tôi cũng đưa ra một đề nghị giống ông Nguyễn Quang Thiều rằng: thay vì bầu chủ tịch xã hãy cho phép bầu "thị trưởng các thành phố" liệu đảng ta có chịu không ?

Bây giờ chúng ta hãy cùng bàn đến việc là nên bầu cử "đồng chí chủ tịch xã" thế nào cho dân chủ mà không mang tính hình thức ? Hay nói như tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng là đừng có tốn tiền của dân để rồi bầu cử vẫn chỉ là việc "rút thăm" để làm "chủ tịch xã".

Ngay từ những phát biểu đầu tiên của các "ông lớn" trong Bộ chính trị thì người dân cũng đã có quyền nghi ngờ tính trung thực và khách quan của việc "bầu chủ tịch xã" qua những "ý kiến chỉ đạo" như kiểu "các cuộc bầu cử phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của đảng" hay "phải tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ", "phải thông qua mặt trận tổ quốc"...

Vậy làm sao để các cuộc bầu cử có chút kết quả dù là khiêm tốn ?

Trong quá trình bầu cử thì "uỷ ban bầu cử" và "uỷ ban giám sát" rất quan trọng, nhiều khi người dân bầu cứ bầu nhưng khâu kiểm phiếu lại không có giám sát, như vậy kết quả kiểm phiếu hoàn toàn có thể bị thay đổi. "Hội đồng nhân dân xã" cũng sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của chủ tịch xã. Để tránh trường hợp "Hội đồng nhân dân" chỉ là bù nhìn thì vai trò giám sát của hội đồng phải cụ thể hoá, trong đó hội đồng phải có chức năng bãi miễn chức chủ tịch xã nếu trong hội đồng đạt được hai phần ba số phiếu thuận.

Câu hỏi tiếp theo là "Hội đồng nhân dân", "Ủy ban bầu cử" và "Ủy ban giám sát bầu cử" sẽ được bầu ra như thế nào để vừa đơn giản vừa dân chủ, vừa công khai minh bạch ? Theo ý kiến của tôi thì tất cả các các "uỷ ban" và "hội đồng" nêu trên không cần phải bầu vì thực tế đã có sẵn ! Đó chính là các vị «Trưởng thôn».

Câu chuyện súc tích nhất về việc "mở rộng dân chủ" kiểu này đã được các nhà đạo diễn Việt Nam đưa lên màn ảnh truyền hình và đã chiếm được rất nhiều cảm tình lẫn quan tâm của dân chúng đó là bộ phim Người vác tù và hàng tổng. Quan niệm "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp", "con gà ghét nhau tiếng gáy", chuyện dòng họ... vẫn còn ghi đậm dấu trong đời sống người dân quê. Việc các "trưởng thôn" trở thành các "uỷ viên hội đồng nhân dân xã" sẽ đảm bảo được "sự công bằng" vì họ đại diện cho tất cả các thôn trong xã. Đảm bảo được "dân chủ" là vì họ đã được người dân bầu lên. Đảm bảo ít tốn kém vì không phải bầu đi bầu lại.

Sẽ có ý kiến cho rằng những vị trưởng thôn sẽ không làm nổi những công việc này vì nhiều người trong số đó vốn là nông dân. Để khắc phục điều này thì trong những trường hợp phải đưa ra các quyết định quan trọng hãy cho họ một thời gian nhất định để họ có thể tham khảo ý kiến của những người dân. Chính trách nhiệm nặng nề đặt trên vai họ sẽ khiến họ phải suy nghĩ đắn đo khi đưa ra các quyết định. Trong trường hợp đặc biệt như bầu cử thì các vị trưởng thôn có thể có từ một đến hai người cố vấn do họ tự chọn để tham gia việc tổ chức bầu cử và giám sát bầu cử.

Số lượng các ứng cử viên cũng không cần hạn chế, mỗi người muốn ra ứng cử phải thu được chữ ký của khoảng một trăm người dân là đủ. Bầu cử chỉ cần một lần, ai có số phiếu cao nhất sẽ trở thành "chủ tịch xã", chức "phó chủ tịch xã" sẽ được tân chủ tịch xã giới thiệu và phải được sự nhất trí của hai phần ba các uỷ viên hội đồng nhân dân xã (tức các trưởng thôn).

Điều quan trọng nhất để chức "chủ tịch xã" có thực chất là phải tăng cường trách nhiệm lẫn quyền hạn cho chủ tịch xã, trong đó có việc phân bổ các nguồn vốn quốc gia dành cho y tế, giáo dục, xây dựng hạ tầng, học hành, cơ hội việc làm, phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn... Chỉ cần nhà nước công khai ngân sách dành cho các xã là được còn việc giám sát và theo dõi nguồn vốn đó sẽ đi đâu, về đâu là trách nhiệm của "hội đồng nhân dân xã", các vị trưởng thôn. Trách nhiệm của chủ tịch xã sẽ được đánh giá qua các việc họ sẽ làm được chứ không còn đơn giản là làm trọng tài phân xử các vụ tranh chấp lặt vặt hay dừng lại ở việc "chứng thực" (đóng dấu) chuyện "sinh tử" hay người này nghèo, kẻ kia khổ. Phải có cơ chế để chủ tịch xã trở thành tác nhân của sự phát triển trong khu vực mình lãnh đạo chứ không chỉ là "rình bán đất" hay ăn chặn mấy đồng tiềm còm của người dân khi phải đến uỷ ban xin giấy chứng nhận.

Đường lối mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên theo đuổi là "nâng cao dân trí", có nghĩa là cung cấp thông tin đầy đủ và khách quan cho người dân để họ hình thành cho mình một chính kiến. Đây là con đường canh tân đất nước mà nhà cách mạng Việt Nam lỗi lạc Phan Châu Trinh đã đưa ra gần một trăm năm trước. Đó cũng chính là quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong việc dân chủ hoá đất nước, đó là sự kiên trì cổ vũ cho một sự đồng thuận để tạo thành sức mạnh cho quần chúng và trên hết sự đồng thuận đó phải đặt trên các giá trị nhân bản và tiến bộ mà loài người đã đạt được. Đồng thuận để đi đến các giải pháp chung cho cả đất nước. Đồng thuận phải dựa trên sự hiểu biết chứ không mang tính áp đặt, đồng thuận phải là kết quả của tri thức và sự tự nhận thức. Đây là một quá trình gian nan và vất vả nhưng sẽ mang đến dân chủ bền vững vĩnh viễn cho dân tộc Việt Nam.

Trên tinh thần đó Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn luôn mong muốn đối thoại, trao đổi, tham gia vào các cuộc hội đàm của tất cả các tổ chức chính trị nếu các cuộc đối thoại đó có tính chất nâng cao hiểu biết cho người dân và có thực chất lẫn thực tâm mang lại dân chủ đích thực cho dân tộc Việt Nam.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn