BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76281)
(Xem: 62988)
(Xem: 40395)
(Xem: 31991)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cũng gọi là một chuyến đi

03 Tháng Tư 20178:10 SA(Xem: 16944)
Cũng gọi là một chuyến đi
55Vote
47Vote
32Vote
21Vote
14Vote
3.419

MỘT CÁI VÉ XE ĐI ĐÀ LẠT. ĐI BẤT cứ ngày nào ta muốn. Giai đoạn phải canh chừng thời gian và nô lệ vào Hàng Không Việt Nam đã cáo chung. Tôi rất thích thú nhìn các cô bán vé máy bay ở các quầy Sàigòn – Đà Lạt, Sàigòn – Nha Trang ngồi ngáp vặt. Hoàng hôn của nền “xe đò bay” sắp tới. Và sắp tới cả đêm đen của nó. Khi xe lửa kéo còi, khi xe đò nối đuôi nhau chạy, ấy là lúc hoà bình mọc. Hoà bình mọc cho Hàng Không Việt Nam lặn. Ngay bây giờ, tôi đã hài lòng lắm, quốc lộ số 1 an ninh trăm phần trăm của quê hương tôi.

7 giờ 15 phút xe nhỏ Minh Trung rời bến. Đêm qua cùng Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Đinh Tiến Luyện “hội thảo văn nghệ” tận tình nên sáng nay ngả đầu trên thành ghế xe ngủ kỹ. Ngủ quên cả cảnh sát giữa đường. Đến nỗi cảnh sát phải đánh thức dậy xét giấy tình trạng quân dịch. Cảnh sát chiếu cố xe đò thật kỹ. Xe nhà được miễn, chạy phom phom. Sung sướng thay là những đứa trốn quân dịch nhà giầu. Và giả dụ mấy anh địch chở plastic hay claymore trên chiếc 404 mới toanh từ Đà Lạt về Sàigòn, chắc chắn, mấy anh yên ổn đấy ! Xe leo đèo Bảo Lộc. Mây lang thang đường đèo. Mây xuống thấp như thể mưa. Và lạnh, Chợt nhớ mùa này Đà Lạt mưa lạnh. Mình phong phanh chiếc áo mỏng…chịu sao thấu. Thôi thì, đã gọi là giang hồ vặt, đến đâu lo đó. 2 giờ 30 phút, xe đậu bến Đà Lạt. Trời hong nắng. Bắt một đường xe ôm lên phố. Ghé vô Shanghai. Đụng bố Vũ Khắc Khoan tức Khoan đầu bạc.

– Mày đi đâu đấy ?

– Tôi du sơn du thủy.

– Tại sao không rủ thằng Mai Thảo ?

– Tôi đi bất ngờ, ông ạ! Với lại, Đà Lạt thiếu món xích lô, dễ gì nhà văn lừng khừng, “nhà văn rong chơi ” của chúng ta chịu lên đây. Đại học phẹc-mê bu-tích”, ông xuất hiện có việc gì ?

– Tao đi họp.

– Chiều nay tôi mời ông ăn cơm.

– Không được. Tao bận họp.

– Ông vẫn tỏ vẻ bất cần đời, nay ông khoái họp với quý vị khoa bảng hơn là ăn cơm với tôi à ? Đây sẳn Patriarche, nếu ông thích, ta lai rai từ giờ tới giới nghiêm.

– Tao bị họp.

– Rỡn, Thành Cát Tư Hãn. Không khí họp hành ấy ông Mơ Hương Cảng thế quái nào nổi. Ta đang ngồi ở Thượng Hải, uống chăng ? Tôi khuyên ông nên uống, uống hết tiền đêm qua bọn nó biếu tôi.

– Mày lên muộn quá.

Ông Vũ Khắc Khoan nói một câu lãng nhách. Hình như tôi không có duyên với ông ta. Trước hết, không có duyên làm học trò của ông Khoan hồi tôi còn đi học. Nếu tôi được làm học trò của ông, hôm nay, theo đuổi cái trò văn nghệ như ông, vẫn gọi ông bằng thầy xưng con thì tuyệt. Cái tuyệt ấy, tôi chỉ gặp ở Tuy Hòa. Tôi sẽ kể sau ở bài bút ký này. Và tôi tin chắc người hay nhắc tôi nhiều nhất với mọi người sẽ là Vũ Khắc Khoan. Ít ra, ông cũng khoe “nó là học trò tôi đấy”! Cái vô duyên thứ hai là hễ mời ông uống rượu, y rằng không kiếm ra ông hoặc ông… bận họp. Sau hết, viết truyện dài cho báo Vấn Đề của ông phước thiện, mới viết được một số, Vấn Đề đã lăn đùng chết “bất đắc kỳ tử”. Vấn ĐềTuổi Ngọc có một giai thoại. Cùng chung tòa soạn, chung nhà in. Tuần báo ưu tiên hơn tạp chí. Xẩy ra chuyện hai số báo phát hành trùng một ngày. Ông Khoan giục thợ gấp đóng báo lẹ để kịp ngày ra. Tôi cũng giục thợ. Và tôi phóng ra một vế :

Vấn Đề không thành văn đề.

Ông Khoan cáu lắm. Dẫu là Thần Tháp Rùa ông cũng khó đối. Ông bèn nổi giận:

Tuổi Ngọc “đếch” ra tuổi ngọc.

Thế mà hay. Hay ở cái chỗ chúng tôi không thành cái gì, “đếch” ra cái gì nhưng vẫn là cái gì. Ông Khoan rất tếu, lạc quan nhất nước và khôi hài đỏ. Tôi nhớ một tối ở Đêm mầu hồng. Ông Khoan lên ngâm bài Hồ trường của Nguyễn Bá Trác. Đến câu “Trời đất mang ma…”, ông nâng ly rượu, đôi mắt ông vốn đã lồi, khi ông nhìn một người Mỹ ngồi đối diện, mắt ông càng lồi dữ dội, ông ngâm khơi khơi :

Trời đất mang mang ai người trí kỷ
Lại dây cùng TAO nhấp cạn một hồ trường
Hồ trường
Hồ trường
TAO biết rót về đâu ?

Dĩ nhiên, ông rót ly rượu cầm tay vào bao tử ông. Người Mỹ tỏ vẻ khó chịu. Ông Khoan chỉ vào mặt anh ta;

– Mày vừa nói cái gì ?

Người Mỹ vỗ tay :

– Ô kê, Ô kê !

Ông Khoan cười. Ông hát quan hộ. Ông làm… Tùng Lâm ! Ấy vậy mà hôm ông bắt tay tôi cám ơn tôi đã viết truyện dài cho báo ông và nói báo phải đình bản, khuôn mặt ông buồn thiu. Ông rời 38 Phạm Ngũ Lão một cách thảm não. Phải từng làm báo và phải cho báo mình chết mới hiểu nổi nỗi buồn của Thành Cát Tư Hãn Khoan đầu bạc.

– Tao phải đi họp mày ạ ! Sáng mai tao về. Mày có nhắn gì không ?

– Không.

– Lên đây mày ở đâu ?

– Chưa biết. Tôi đi cạo râu, gội đầu cái đã. Sau đó sẽ tính nơi ăn chốn ở. Nhưng Đà Lạt mưa và lạnh thế này, có lẽ, tôi sẽ đi tìm nắng ấm ở Nha Trang. Tôi không mang áo lạnh và tôi đang lạnh tâm hồn. Lên đây lạnh thêm thì phải cút gấp.

Chúng tôi chia tay nhau. Cả buổi chiều hôm đó tôi ngồi ở một quán cà phê có cửa kính nhìn con phố Đà Lạt trong mưa. Đà Lạt mà mưa là Đà Lạt chết, Đà Lạt phủ màu tang. Đà Lạt chỉ nên mưa ban đêm. Mưa bao nhiêu tùy ý. Mưa tha hồ. Mưa lớn, mưa nhỏ mặc sức. Bởi vì, khi ta ngủ, ta cần nhạc điệu của mưa. Mưa đánh thức ta dậy gầy dựng chiêm bao. Mưa làm ta “trở nghiêng gối mộng”. Mưa giúp ta soi rõ lối đi của “những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi”. Và mưa đêm “làm nhớ không gian”. Một điếu thuốc trên giường nghe mưa “rơi rơi dìu dịu rơi rơi” là một trời mộng tưởng hiện ra. Ta quên đời sống thật leo dốc đá nhọn, ta nhẩy múa hồn nhiên đời sống giả phiêu bồng tuyệt diệu. Đà Lạt chỉ nên mưa ban đêm. Buổi sáng nắng. Tha hồ nắng. Nắng cho khô mưa. Nhưng buổi chiều cấm cả mưa lẫn nắng. Buổi chiều mầu khói sương. Chiều êm. Chiều gió nhẹ cho ta tưởng tượng cuộc hẹn hò với người yêu trên đồi thông. Ôi, Đà Lạt chiều hôm nay mưa. Mưa xối xả, mưa vũ phu, mưa… mác xít. Mưa phải tiểu tư sản. Mưa tư bản cũng bị chê. Tôi ngồi nhìn mưa chả tìm được cảm hứng nào. Con gái Đà Lạt “cấm cung” ở nhà. Em đừng xuống phố những chiều mưa như chiều mưa hôm nay, dù em xuống phố để “đến thăm anh một chiều mưa”. Đà Lạt thiếu những gò má ửng hồng thiên nhiên của con gái là Đà Lạt vô nghĩa. Chiều nay vô nghĩa. Tôi ngồi chờ tối. Và đêm đó, tôi ngủ nhờ nhà người bạn Người Ảnh của tôỉ. Sáng sau tính đi Nha Trang. Câu chuyện ở cà phê Tùng kéo dài. Lúc nhớ chuyện đi, chuyến xe chót đã chạy. Nán lại Đà Lạt thêm một ngày. Lạnh thêm một ngày. Ngày mai quyết định về miền cát trắng.

o O o

10 GIỜ 30 TRÊN CHUYẾN XE NHỎ Đà Lạt – Nha Trang. Xe chuyển bánh, trời mưa lớn. Kệ mưa. Giã từ Đà Lạt mưa lãng nhách. Hẹn tái ngộ vào Giáng Sinh năm nay và hy vọng nhận thêm bó hoa hồng của những người sinh viên ở giảng đường Spellman năm ngoái. Xe lầm lũi chạy. Đến ga Cầu Đất, thấy cái đầu tầu xe lửa rỉ sét nằm tủi hận. Chợt nhớ Thanh Nam buồn ga nhỏ. Thanh Nam ơi, mày cần giã vợ đi giang hồ vặt một chuyến, mày cần đi xe đò để qua những ga nhỏ, mày sẽ buồn ga nhỏ thê lương hơn. Những ga nhỏ bây giờ thảm não vô cùng tận. Không còn vẻ buồn nữa. vẻ buồn thơ mộng xưa đã bị súng đạn bắn nát. Đạn làm trốc mái ga nhỏ. Đạn xuyên thủng tường ga nhỏ. Ga nhỏ hoang vu. Những cái bồn nước, chắc chắn, không còn một giọt. Nó cũng rỉ sét như cái đầu tầu ở ga Cầu Đất. Bồn nước tiếp nước cho xe lửa đang khát nước. Nó nằm cô độc bên đường rầy ở quãng vắng vẻ tương tư con tầu. Con tầu cũng tương tư nó. Con tầu, đường sắt, bồn nước tương tư hòa bình. Cơ hồ chúng ta tương tư hòa bình. Hòa bình, hạnh phúc của quê hương ta.

Cô hạnh phúc, gớm tôi chờ cô mãi
Xây dựng cô sứt mẻ những bàn tay
Trầy bà vai nhỏ máu những chân mày.

Tôi thương ga nhỏ, thương chiếc đầu tầu ở ga Cầu Đất, thương bồn nước bắt gặp dọc đường, thương những cột điện thoại của hỏa xa. Những cái đó đã xa cách nhau. Như lòng người đứt đoạn, chia lìa. Lòng người chỉ được chắp nối, gần gũi khi chinh chiến tàn lụi. Hồn ta chỉ được “vu vơ” khi nghe tiếng còi tầu xuyên Việt kéo dài xốn xang một ga lớn.

Và ta chỉ được hanh phúc khi ta biết “… Thương những chuyến tàu, ngàn đời không đủ sức đi mau”. Bởi vì, có những chuyến tàu, dù là không đủ sức đi mau (Cần chi đi nhanh, quê hương ta nhỏ bé, cứ tà tà đi chậm, đi nhanh ta không nhìn rõ cảnh đẹp quê hương) để ta thương nó là có hòa bình. Hòa bình cả tâm hồn.

Xe qua Cầu Đất, tôi vẫn nghĩ tới cái đầu tầu rỉ sét. Biết bao trái tim người Việt Nam đã rỉ sét trong chiến tranh. Thù hận, tang tóc, cằn cỗi. Con tầu phải qua ga Cầu Đất. Con người phải yêu thương. Người ta sinh ra đời đâu để chịu đau khổ. Chúng ta đau khổ nhiều rồi. Tôi muốn, nhân danh cái đầu tầu rỉ sét buồn thảm ở ga Cầu Đất, nói với những kẻ ham chơi trò giết chóc, phá hoại một điều duy nhất: Thôi đi chứ, người anh em, trò chơi của các anh vô tích sự quá. Hãy giã từ vũ khí cho những chuyến tầu ăm ắp tình người qua lại, mỗi ngày mỗi đêm, trên đất nước này.

Xe leo đèo Ngoạn Mục. Thấy hai cái ống dẫn nước to tướng từ núi cao dài xuống thung lũng mà tội nghiệp những ngọn đèn câu vàng khè ở các xóm ngoại ô Sàigòn. Tại sao công tác vĩ đại phục vụ người Việt Nam cứ gặp trở ngại ? Tại sao ngàn vạn thước dây điện, trăm ngàn cột đèn chở ánh sáng hạnh phúc Đa Nhim về cứ gặp trở ngại ? Tại sao vẫn đầy rẫy người Việt Nam mơ ước một cái điện kế riêng cho gia đình mình ? Người anh em ham trò chơi chiến tranh, các anh biết quá mà. Trả lời đi? Trả lời rằng các anh đã phá hoại hạnh phúc vừa tầm tay với của dân tộc anh. Trả lời rằng hạnh phúc các anh mưu đồ ở mãi hỏa tinh mà các anh chưa đủ sức phóng cái phi thuyền lên ngọn cây đa, dẫu là cây đa không có thằng Cuội. Các anh nhảm nhí, bố láo. Thôi kệ các anh, Trời Phật sẽ phán xét các anh.

Xe qua quận Đơn Dương. Xe đã xuống hết đèo. Tôi lại ngủ đến Tháp Chàm. Bây giờ, mưa lạnh Đà Lạt đã biến mất. Nắng gay gắt. Tôi chỉ thích nắng ngoan, mưa hiền. Tôi rất ghét nắng tàn bạo, mưa vũ phu, thứ mưa nắng… duy vật, không thơ mộng chút nào, thứ mưa nắng không làm dệt nên những vần thơ bồng bế của Nguyên Sa : Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông ; hay Trời hôm nay mưa nhiều hay nắng ít. Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay. Trời nắng ngạt ngào tôi ở lại đây…

Cho nên, với nắng gay gắt của bầu trời Phan Rang cuối hạ, tôi bèn ngủ gục. Ngủ tới lúc xe đưa tôi tới Nha Trang. Nha Trang đây rồi, tôi sẽ ghé thăm nhà văn Võ Hồng trước tiên.

o O o

nhavanvohong
Nhà văn Võ Hồng

ÔNG VÕ HỒNG – TA CỨ GỌI ÔNG là nhà văn tỉnh nhỏ đi, chắc chắn, ông không nổi giận và chắc chắn tác phẩm của ông chỉ có lớn lên – ở đường Hồng Bàng. Quen ông lâu rồi nhưng trở thành tri kỷ của ông từ mùa mưa năm ngoái, nhân chuyến đi trên Con đường vui với sư huynh Mai Tâm. Võ Hồng chung tình hơn một thi sĩ quá cố là Đông Hồ Lâm Tấn Phác. Đông Hồ khóc vợ chết vang vọng cả đất nước nhưng rồi vẫn tục huyền. Võ Hồng thì không khóc, cũng chẳng “làm thêm” tí vợ nào. Vợ hiền của ông bỏ ông bơ vơ giữa cõi đời hệ lụy, bay bổng lên một vùng trời cao để ông ngàn năm Hoài cố nhân, để ông làm kiếp gà trống nuôi con. Ngót hai mươi năm “lạnh lùng”, bây giờ những cánh chim đã đủ lông cánh bay khỏi cái tổ bên Con suối mùa xuân. Cô Hằng vô Sàigòn theo đại học. Cậu Hào qua Tây Đức ôm mộng làm đẹp quê hương. Cô Thủy sắp rời căn nhà đường Hồng Bàng. Ông Võ Hồng của tôi tính chuyện lên chùa ở. Ông lên chùa à? Làm gì? Ông già rồi, bộ tính lên chùa… trốn quân dịch ư? “Gần chùa gần bụt ta tu quách”, ông ơi, tôi sợ ông đi tu thấy mồ. Nghĩ tới Võ Hồng, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Bính trong bài “Giăng dối” :

Con nó đâu rồi bế lại đây
Để tôi hôn nó một vài giây
Trước khi nhắm mắt. Tôi thừa biết
Đời nó sau này hẳn đắng cay

Người chết ưa nghi ngờ người sống. Tôi tin rằng bà Võ Hồng “trước khi nhắm mắt” đã rất tin ông Võ Hồng. Và nay, những đứa con của ông bà đều đã nên người, chẳng “đắng cay” chút nào. Phần thưởng dành cho nhà văn gà trống nuôi con là các nữ độc giả của Võ Hồng mê văn ông đã đành, mê cả sự chung tình với vợ của ông. Tạp chí Văn vừa loan tin Võ Hồng giờ Như cánh chim bay, ông muốn nhào vô cơn Gió cuốn… lấy vợ ! Tại hạ có lời can. Ông ơi, “Cái vòng lấy vợ cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong chui vào”.

– Đường Hồng Bàng tới rồi, số nhà mấy ?

– 53.

Vài cái nhấn chân đạp, xe đậu trước cửa nhà ông Võ Hồng. Tiếng chó sủa ỏm tỏi. Võ Hồng từ trong phòng bước ra :

– A, tưởng ai.

– Sao lại tưởng ai ?

– Gió nào thổi ông tới đây ?

– Mưa… mác xít ở Đà Lạt, thứ mưa tồi tệ.

Vào phòng khách của nhà văn Võ Hồng. Thấy hai người trẻ tuổi, dáng dấp rất phong sương đang ngồi hút thuốc lá. Bèn xảy ra sự giới thiệu:

– Đây là Phạm Ngọc Lư, đây là Phạm Cao Hoàng…

Thôi khỏi lỉnh kỉnh nghi thức. Hai ông này báo Tuổi Ngọc đã từng được hân hạnh đăng truyện và thơ. Hỏi ông ra đây diễn thuyết. Diễn thuyết ư? Tôi chán cái trò này từ khuya. Diễn thuyết ở cái xứ này đã không được trả tiền thì chớ còn bị công kích vô tội vạ. Nhất là ở những buổi diễn thuyết có thảo luận. Nhiều vị tới nghe diễn thuyết với cả một bị câu hỏi hóc búa, tâm tâm niệm niệm đến dồn diễn giả vào chỗ bí để làm nhục chơi. Ta khiêm nhượng, dè dặt, quý vị ấy coi thường. Ta kiêu ngạo, lớn lối, quý vị ấy tạt nước lạnh vào mặt. Thôi bỏ đi tám. Trời không thèm nói. Người học đòi nói mà chi.

– Anh đến Tuy Hòa lần nào chưa ?

– Chưa.

– Anh không đi diễn thuyết hắn là du sơn du thủy ?

– Ý vậy. Tôi là con chuồn chuồn.

– Vậy mời anh ra thăm Tuy Hòa một chuyến.

Võ Hồng nói thêm:

– Cậu nên nhận lời. Tuy Hòa, quê hương tôi đó.

Mới hỏi:

– Ông về quê, ông dẫn tôi về thăm quê ông nhé!

– Bao giờ ? Mai được khộng ?

– Được.

o O o

SÁNG HÔM SAU, BỐN CHÚNG TÒI: thi sĩ Phạm Cao Hoàng, tác giả thi phẩm Đời như một khúc nhạc buồn, văn sĩ Phạm Ngọc Lư, “nhà văn tỉnh nhỏ” Võ Hồng và tôi đã có mặt ở bến xe đò. Nếu người ta cố tình hiểu tỉnh nhỏ là những gì tầm thường thì tôi lại thích những gì tầm thường đó. Như cái tầm thường ở bến xe đò Nha Trang – Tuy Hòa. Xe còn trống chỗ. Người tài xế bảo chúng tôi đi uống cà phê, lúc nào xe chạy sẽ kiếm chúng tôi. Và khi xe sắp chạy, quả nhiên, chúng tôi được tìm kiếm, khác với sự hào nhoáng đầy tính chất bịp bợm của bến xe đò Sàigòn. Đừng hòng tài xế đi tìm anh lên xe, dù họ có khuyên anh đi uống cà phê. Anh quên giờ là anh lỡ chuyến. Mất tiền. Anh lý sự, lơ xe có thể tặng anh một trận đòn hội chợ.

Chúng tôi ngồi hàng ghế thứ nhì. Cạnh chỗ tài xế là hai hành khách nhà binh. Một anh cụt một chân. Một anh cụt một tay. Đời còn đang chiến trường. Phải, đời vẫn còn đang chiến trường. Mà hai người lính đã bỏ “cuộc chơi”. Chắc họ bị loại, họ được giải ngũ và tìm về quê hương. Cả hai cùng mặc đồ dù, binh chủng tôi hằng ngưỡng mộ. Có ai cùng quê hai anh đã đi, đã chết ? Tôi thoang thoáng nhớ những câu thơ năm chữ đã đọc ở đâu, hồi nào ?

Quê ai không khăn trắng
Nhưng chắc có màu tang
Những người con đi vắng
Những mẹ già nhớ thương
Trời mưa dâng mầu xám
Bởi vì đâu thê lương
Hoa cỏ dâng mầu trắng
Đời còn đang chiến trường

Hình ảnh hai người phế binh hồi hương nhắc nhở tôi đời còn đang chiến trường, đời còn đang có những người con đi vắng, đi xa. Cám ơn họ. Cảm ơn họ đi vắng cho quốc lộ an toàn trăm phần trăm. Những cánh tay, những khúc chân lìa khỏi thể xác những chàng trai làm nên xa lộ êm ái này. Đừng bảo RMK làm xa lộ. Đừng bảo Mỹ làm xa lộ. Đừng vô ơn. Tôi móc gói thuốc lá, mời hai người phế binh làm quen.

– Thưa hai anh, hai anh ra Tuy Hòa chơi ?

– Chúng tôi về quê. Quê tôi ở Tuy Hòa, quận Hiếu Xương. Giải ngũ rồi.

Họ cười. Nụ cười không vương chút oán hận, thống trách kẻ còn lành lặn, quên lãng đời còn đang chiến trường như tôi. Những người chấp nhận chiến đấu thường cao cả. Tôi lại nghĩ tới những anh lính thủy quân lục chiến trấn giữ một bãi biển trên tuyến Mỹ Chánh tháng trước, nhân dịp tôi ra đó thăm họ. Họ thấy tôi như họ thấy Sàigòn. Tôi đem Sàigòn ra cho họ.

tuyhoaxua5
Tuy Hòa

 

Sàigòn giới nghiêm sớm, phòng trà đóng cửa buồn quá nhỉ ? Họ hỏi chuyện Sàigòn, người Sàigòn… Và không hề nửa lời trách móc dân Sàigòn. Điều đó làm tôi cảm phục, chiêm ngưỡng và, tận đáy lòng tôi, tôi thấy mình nhỏ bé. Ơi, những người con đi vắng để những mẹ già nhớ thương, xin biết ơn các anh. Thành thực biết ơn các anh. Xe đã xuống khỏi đèo Rù Rì. Tôi xấu hổ, không dám nói chuyện với hai người phế binh. Đoạn đường này, tôi lại bắt gặp đường rầy xe lửa, cột điện thoại hỏa xa và bồn nước rĩ sét. Cơ chừng có cả vết đạn đã xuyên qua. Tôi mơ hồ cảm thấy chút gì ghen tị của đường rầy. Nó nằm cô độc hồi tưởng một dĩ vãng thê thảm. Để làm khúc đường xe lửa Nha Trang – Tuy Hòa, bao nhiêu xương máu, mồ hôi, nước mắt của cu ly Việt Nam, tổ tiên nô lệ, đọa đầy của chúng ta ? Tôi không thích thù hận nhưng tận mắt ngắm những cây cầu đổ nghiêng, những khúc đường mìn giật tung, những ga nhỏ buồn thảm, những đầu tầu chết cạn, những dây điện đứt quãng, những đường rầy hoen rỉ, tôi đã thù hận những kẻ thích chơi trò phá hoại. Quê hương ta mấy ngàn đời nghèo khổ, chưa đủ sao, còn cắt đứt những mạch máu dẫn về tim, dẫn về nẻo hạnh phúc của dân tộc ? Người anh em, hỏi xem em bé Việt Nam muốn gi, bà mẹ Việt Nam muốn gì? Người anh em, bầy ra một bát canh ngon, thơm ngát tình yêu, bầy ra một manh áo mới rạng ngời hoa mộng cùng với cái thiên đàng rét mướt, cái ý thức hệ khô queo của anh em xem mẹ già, em nhỏ thích thứ nào ? Ngay cả cái đầu tầu ở ga nhỏ cũng chán ghét các anh. Hiểu thế chưa ?

Xe nhỏ chạy phăng phăng. Tôi cứ mải nhìn qua hai bên đường. Đây, ngôi trường Sơ Học Xuân Tự. Ngôi trường giống một cái đồn canh bị tấn công bằng đạn đồng. Sân cỏ mọc cao và dầy. Tường mái lỗ chỗ vết đạn. Như thể tường mái làm bằng đất đá ong ! Bốn bề trống vắng. Các em đi đâu tập đánh vần tiếng Việt Nam? Các em đến đâu cười đùa, hái hoa, bắt bướm ? Các em của tôi, bây giờ là 9 giờ sáng, giờ các em đang chăm chú ngồi trong lớp nghe thầy cô dạy bài học làm công dân Việt Nam lương thiện mai sau. Không cần làm công dân phi thường. Chỉ cần làm công dân lương thiện. Là đủ. Tất cả em bé Việt Nam, ngày khôn lớn, sẽ trở thành công dân Việt Nam lương thiện. Trong cái khối công dân lương thiện ấy, những tinh hoa sẽ thoát ra – những tinh hoa lương thiện – lãnh đạo khối công dân lương thiện. Là quê hương chúng ta rực rỡ hạnh phúc. Nhưng bây giờ là 9 giờ sáng, các em bỏ trường Sơ Học Xuân Tự, bỏ những ngôi trường như ngôi trường Xuân Tự đi đâu? Trời hôm nay không nắng. Lất phất mưa.

Trời mưa dâng mầu xám
Bởi vì đâu thê lương.
Hoa cỏ dâng mầu trắng
Đời còn đang chiến trường

Bởi vì đâu thê lương, bởi vì đâu đời còn đang chiến trường, hỡi những kẻ giả câm giả điếc trước nỗi mong ước cơn mưa đại hạn hòa bình của quê hương tôi! Bởi vì đâu thê lương, bởi vì đâu đời còn đang chiến trường, hỡi những kẻ điên rồ thúc giục đồng báo tôi ăn cháo cầm hơi, đi bộ rách da, cương quyết đánh nhau đến chết ! Nhân danh những em bé Việt Nam mất trường mất lớp, mất thầy mất cô, những em bé phải khóc mếu đau thương trong tuổi cười vui hồn nhiên, tôi lên án súng đạn. Tôi nghĩ miên man, tôi giận ngút ngàn. Tôi quên tôi đang ngồi trên chuyến xe vói ba người bạn của tôi. Đắm chìm vào trận mưa ý nghĩ và cơn lốc giận hờn, tôi quên luôn cả đường dài. Trời hửng nắng. Xe qua đèo Cổ Mộ, đèo Đại Lãnh lúc nào. Chết chưa, mình không được ngắm bãi biển Đại Lãnh, bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

Võ Hồng kể cho tôi nghe từng sự tích quả núi. Núi nào vua Lê Thánh Tông đã trèo lên dựng tấm bia bảo cho Chiêm Thành hay đây là biên giới Việt Chiêm. Vua Lê Thánh Tông cũng là tay leo núi vô địch. Bây giờ, muốn leo coi bộ rất khó cho ai muốn rõ nét chữ vua Lê khắc trên bia. Núi nào Võ Hồng đã ẩn trú chống quân xăm lăng Pháp. Này Vũng Rô. Nọ Mũi Dài. Có ghi rõ trên bản đồ đấy nhé! Mũi Dài đúng là trái núi muốn lớn. Càng ngày nó càng vươn dài ra biển.

Sắp đến thị xã Tuy Hòa rồi. Xe dừng ở bên đường thuộc quận Hiếu Xương. Hai người phế binh xuống trước nhất. Họ trở về khi đời còn đang chiến trường. Còn đang chiến trường ngay cả ở quê hương họ. Tôi nghĩ Phạm Duy cần làm lại lời cho bản nhạc Ngày trở về. Làm sao đã thấy ngày trở về có anh thương binh sống đời hòa bình ? Hai người phế binh vẫy tay chào tôi. Chúc hai anh trở về lấy được vợ hiền lành và vì thương yêu anh nên ngàv trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ.

Xe qua cầu Đà Rằng, cây cầu dài thứ nhì của Việt Nam sau cầu Long Biên. Gió thổi khốc liệt. không tiểu tư sản tí nào. Gió Nam đấy. Nó bớt tàn nhẫn hơn gió Lào tuy cùng một xuất xứ. Có lẽ, nó đi xa, nó băng nhiều núi, nó “hiểu đời” khá nhiều thành thử nó “độ lượng” đôi chút chăng ? Mùa này, cao nguyên mưa vũ phu nên nước sông Đà Rằng đỏ mầu đất. Nước từ cao nguyén đổ xuống, ra biển mà. Cây cầu bắc qua khúc ngắn nhất của một cửa sông rộng bao la. Xe vào thị xã. Bên trái là sông, bên phải là biển. Gió thổi mạnh đến nỗi, hồi chưa làm lan can, đi xe gắn máy bị gió mời cả xe lẫn người nhẩy xuống nước tìm cảm giác rụng rời.

Tôi đã vô thị xã Tuy Hòa giữa một ngày gió Nam lộng thổi.

o O o

BẾN XE TUY HÒA NOM THẬT ĐÌU HIU. Chả là, chỗ này nằm sát trung tâm thành phố, cách con phố chính của thị xã vài chục thước, anh em phế binh đã chú ý tận tình và chuẩn bị chiếm đất cắm dùi vào sáng sớm hôm sau. Ông tỉnh trưởng biết trước ý định của anh em. Nửa đêm, đúng giới nghiêm quạnh quẽ, ông tỉnh trưởng đích thân huy động thuộc viên, tới bến xe đò đánh thức tài xế, lơ xe dậy “di tản chiến thuật” gấp rút. Khi lực lượng phế binh xuất hiện, bèn thấy mục tiêu của mình đã trở thành bến xe đò mới. Đành rút lui. Do đó, không có chuyện đáng tiếc xẩy ra. Ông tỉnh trưởng Tuy Hòa giỏi chiến lược ghê ! Hiểu tại sao bến xe của một tỉnh nổi tiếng sò huyết ngon nhất thế giới, mật ong bổ nhất thế giới, thịt bò tuyệt nhất thế giới, đìu hiu rồi, tôi theo “nhà văn tỉnh nhỏ” Võ Hồng vào quán ăn Thanh Đạm mà Võ Hồng bảo “quán của cố nhân”. Hai tôi vô uống nước ngồi chờ Phạm Ngọc Lư, Phạm Cao Hoàng về nhà tin cho bằng hữu. Lúc ấy đã mười hai giờ. Thực khách vào ăn lẻ tẻ. Nhìn món ăn bầy trên bàn, tôi hỏi Võ Hồng :

– Quán này coi bộ ăn ngon đây hả, ông ?

– Nhất Phú Yên. Ông chủ là tay sành điệu cơm Tây trước ngày mở quán.

– Ông ấy thất chí ?

– Đúng.

Ông chủ Thanh Đạm có mấy người con đều là học trò của Võ Hồng. Ông ngỏ ý mời Võ Hồng và tôi dùng cơm với gia đình ông những ngày chúng tôi ở Tuy Hòa. Cậu trai út, cậu Bảo, là độc giả của tôi, thành khẩn mời chúng tôi. Nhưng Trần Huiền Ân đã tới. Rồi Nhã Nam tới. Họ nằng nặc kéo hai tôi đi. Thú thật, tôi khoái ăn cơm ở Thanh Đạm. Tôi không phải là đứa theo chủ nghĩa ăn uống hay khoái khẩu chủ nghĩa. Mà chỉ là đứa biết ăn vài món đã quen ăn ở nhà. Lên rừng, xuống biển, sáng cơm gà rô ti, chiều cơm thịt bò bí tếch. Cá biển, cá đồng, xin chào thua. Thịt rừng, chào thua luôn. Hồi tôi làm với ông Tôn Thất Đính, ông Đính khoái tôi, ra lệnh cho nhà hàng La Cave để tôi ăn biên bông mỗi ngày mà, dù La Cave có jambon từ Pháp đem sang, có đủ loại fromage thượng hảo hạng, có rượu chát Pommard trứ danh nhất nước Pháp, tôi vẫn không thú bằng ăn cơm với rau cải xanh nấu canh cá rô hay cua đồng và tôm đầu đặc trứng kho mặn vắt chanh. Ăn ở La Cave vài hôm tôi cũng chào thua. Ai mời đi ăn cơm Tầu, tôi thưởng thức có ba món : Súp cua măng tây, cơm chiên và…trái vải tráng miệng. Đêm về phải uống ly sữa hoặc vét cơm nguội chan nước dưa chua. Tôi rất ghét ăn cơm khách. Lại khách lạ càng ghét. Sợ thì đúng hơn. Người ta mời mình về nhà, quý hóa mình mà cứ tiếp vào bát mình những món cả đời mình không dám phiêu lưu như thịt thỏ, thịt vịt, thịt ếch, thịt… mỡ là “lúa” mình. Bỏ ra cũng bất tiện. Trót xã giao một miếng, đành ngậm miệng, giả vờ xin phép tìm “toa lét” để nhả ra và… ói ! Cho nên, đến miền xa lạ, gặp được quán ăn như Thanh Đạm, tôi rất thú. Tôi gầy ốm, có lẽ, suốt đời chỉ biết ăn cơm với thịt nạc kho. Bào ngư đi chỗ khác chơi ! Ngỗng quay Hồng-kông đi chỗ khác chơi ! Một tuần ở Nhật-bản, tôi sống bằng bánh mì trứng chiên và bánh ngọt cà phê sữa. Dạo tôi qua Mã-lai, nhân viên Bộ Thông tin Mã-lai mời chúng tôi tới quán cơm cà ry nổi tiếng nhất Kuala Lumpur, vừa bước vào tôi đã buồn mửa. Để cho có vẻ “pờ rô tô côn”, tôi lại giả vờ nhức đầu, cảm mạo thình lình. Và, trong khi cậu Hoàng Anh Tuấn say sưa thưởng thức cà ry Mã-lai, tôi bị uống Aspro, lót lòng bằng cái bánh ngọt với ly sữa nóng ! Tôi ghét xuất ngoại. Đời tôi, tôi chỉ mê sang Pháp, ở Paris, bởi nơi đó, tôi biết có nhiều quán ăn Giao Chỉ do quí vị một thời lãnh đạo đất nước Giao Chỉ “ra đi mang theo quê hương” bằng cách mở quán ăn có nước mắm chấm chả giò !

Vậy thì, do sự “huých chân chủ đề” của tôi, Võ Hồng nhân danh tình xưa nghĩa cũ, nhận lời mời của ông bà Thanh Đạm, ăn cơm trưa tại đây. Bữa cơm thật ngon. Ông chủ thao thao nói về sự thưởng thức cơm Tây, về cách uống rượu và ly uống rượu cho từng thứ rượu. Cậu Bảo, trong bữa cơm, trách nhẹ Võ Hồng :

– Thầy viết bài Một chuyến về Tuy Hòa, tả hết các quán ăn, thầy chỉ quên quán Thanh Đạm.

Tôi nói :

– Để tôi ca ngợi quán Thanh Đạm.

Hỡi những kẻ ưa giang hồ trên đời!

Khi nào bước chân lữ thứ dừng lại Tuy Hòa, xin mời đến Restaurant Thanh Đạm, quí vị sẽ vui lòng với chủ nhân, món ăn và rượu. “Có một chút Paris'” trong quán ăn Thanh Đạm. Nếu vị nào muốn tranh luận giữa cơm Tây và cơm Tầu cơm nào cầu kỳ, vị ấy sẽ được nghe chủ nhân luận về sự cầu kỳ của cơm Tây hạ sự cầu kỳ của cơm Tầu ” đít-zêrô”. Một bữa cơm Tầu, ta thưởng thức có món ngon của nước Tầu thôi. Chứ, một bữa cơm Tây cầu kỳ, ta thưởng thức nhiều món ngon của, ít nhất, dăm bảy nước. Như Caviar Nga xô-viết ở Hắc hải. Như Càry Ấn-độ. Như thịt bò Huê-kỳ. Như mì Ý-đại-lợi. Như vân vân… Riêng tôi, được “ăn cơm gia đình” ở Thanh Đạm, được thưởng thức món canh mồng tơi, rau đay,mướp nấu với tôm tươi lột vỏ giã nhỏ, tôi thấy nó còn ngọt ngào đến hôm nay.

Cơm rượu xong, Nhã Nam tới đón chúng tôi. Bây giờ tôi mới thực sự biết cái thị xã Tuy Hòa. Gió Nam thổi lộng. Cát bay tung. Trời không có nắng. Thị xã tiêu điều quá. Con phố chính mang tên Trần Hưng Đạo đã tiêu điều thê lương thì vui sao nổi! Tôi để ý một điều :

Có đến trên mười hiệu thuốc Âu Mỹ cho một thị xã vắng vẻ. Trường học, hiệu thuốc Âu Mỹ là hai điểm nổi bật của Tuy Hòa. Trường học nhiều thì mừng rồi nhưng hiệu thuốc nhiều thì đáng ngại cho sức khỏe của dân chúng. Một điểm đáng ghi nhận nữa là “kỹ nghệ xe thồ” được hợp thức hóa. Sàigòn gọi xe ôm. Tuy Hòa gọi xe thồ. Hãy ngồi sau chiếc xe Honda, ngồi kiểu gì tùy ý bạn (kiểu đàn ông, kiểu đàn bà, kiểu cụ già, kiểu con nít) và bảo chở bạn tới bất cứ nơi nào trong thị xã, bạn chỉ phải trả có 20 đồng. Rẻ nhé! Một cuốc xích lô, dài ngắn, giá 50 đồng. Bạn hào hoa, trả 100 đồng, người phu xích lô sẽ cúi khom lưng chào cám ơn bạn hàng chục lần. Và cả ngày hôm ấy bạn sẽ hắt xì hơi vì người phu xích lô nhắc nhở bạn, kể lể về bạn với đồng nghiệp, vợ con… Ở đây không đông đầy người Mỹ nên không có me Mỹ, không có rác Mỹ nên dân nghèo. Nhờ đó, Tình Người còn nguyên vẹn. Tôi bằng lòng thế. Mất gì cũng được, đừng mất tình người Việt Nam thôi. Tình của chúng ta còn, thế nào chẳng có ngày chúng ta làm lại quê hương chúng ta rực rỡ. Tôi vẫn thích câu: “Những đám mây sẽ bay đi, trời còn lại mãi”. Nghèo khổ, Ngu dốt, Cộng sản, Tư bản ví như những đám mây buồn trên bầu trời quê hương ta. Những đám mây rồi sẽ bay đi hoặc sẽ thành mưa tan biến. Và quê hương ta còn lại là quê hương hiền hòa, thơ mộng, một quê hương không biết hận thù, chỉ biết yêu thương, ấm no, hạnh phúc với những người Việt Nam mộng ước thật bình thường cho là mộng ước trong chinh chiến :

Em đã mơ gì em ơi
Lúa chín hai mùa no ấm
Chồng giết giặc về em vui

Bỗng tôi nhớ mấy câu thơ nói về những kẻ đã chết, những kẻ còn sống cho quê hương yêu dấu này :

Không ai còn ai mất
Ai cũng mất cả rồi
Cái còn vĩnh viễn là ngưòi Việt Nam

Phải lắm. Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam đôn hậu, người Việt Nam lãng mạn, người Việt Nam ca dao, người Việt Nam nhìn ngói đình cũng thấy tình yêu, ngắm nhịp cầu cũng dậy tương tư, ngưòi Việt Nam yêu nhau cởi áo cho nhau… Cái vĩnh viễn không là cái hiện tại u hoài. Cái vĩnh viễn, để có nó, chúng ta còn phải đau khổ, cần phải hy sinh. Hạnh phúc của người Việt Nam, tôi nghĩ, nằm trong sự đau khổ, trong nỗi u hoài ngàn năm. Nếu chúng ta không biết đau khổ, chúng ta đã mất quê hương. Tôi đã viết xong tập truyện Quê nội để tặng mấy đứa con có quê ngoại miền Nam của tôi. Và ở trang đầu, tôi viết những câu thế này:

Tý, Ki, Đốm yêu dấu,

Đây là chuyện quê nội Bắc kỳ của các con. Bố không có tài hề hay hơn được. Một mai các con sẽ về quê nội, sẽ thấy quê nội của các con đau khổ hơn chuyện bố đã kể. Chẳng sao đâu, các con ạ! Vì ý nghĩa của quê hương mình, của cuộc đời mình chỉ nẩy mầm, vươn lên từ nỗi đau khổ khôn nguôi. Chúng ta không mất quê hương, không mất cuộc đời vì chúng ta biết đau khổ. Và biết đau khổ nên chúng ta biết thương yêu.

Tôi cứ ước ao giá tôi là thi sĩ. Thì tôi sẽ ca ngợi sự đau khổ của quê hương tôi. Mải suy nghĩ vẩn vơ, tôi đã tới văn phòng ông Nguyễn Công Hoan. Ở đây, đầy đủ những khuôn mặt văn nghệ Tuy Hòa và toàn là học trò của nhà văn Võ Hồng, kể cả dân biểu Hoan, thi sĩ Phan Long Yên, tác giả thi phẩm Tình quê (nghề tay phải của chàng là Trưởng ty Thông tin). Lạ lùng nhất là, từ Trần Huiền Ân, Nhã Nam, Phạm Ngọc Lư, Phạm Cao Hoàng, Phạm Long Côn đều làm thầy giáo. Chỉ riêng Nguyễn Công Minh, thi sĩ, làm… Trưởng ty Điền địa. Có thể nói tôi đã gặp một nửa nhà giáo nổi tiếng và toàn thể văn nghệ Tuy Hòa. Chuyện văn chương nổ ròn. Nhưng tối mai văn nghệ sẽ gặp nhau, sẽ… “hội thảo văn nghệ”. Khách giang hồ vừa tới Tuy Hòa, xin phép cho nghỉ ngơi. Anh em dẫn tôi đến quán chè Cây Phượng, quán chè mà Mang Viên Long đã nói trong một truyện ngắn đăng trên Tuổi Ngọc. Chè ngọt như sự tiếp đón của chủ nhân, anh Minh, nhà giáo, người mơ ưóc có hai điều trong cuộc đời : Được đu ngoạn đất Bắc và viết một bộ địa lý Việt Nam dầy vài nghìn trang để con cháu sau này đọc mà yêu quê hương mình tha thiết. Tôi cảm động thấy mọi người lễ phép thầy thầy, con con vói Võ Hồng. Sư huynh Mai Tâm kính mến, Ngày Nhớ Ơn Thầy của Ngài nên tổ chức ở đây.

Ở quán văn nghệ Cây Phượng ra, trời đã tối. Trần Huiền Ân thết cơm chúng tôi. Thức ăn thật lạ, thật ngon. Nhưng tôi không dám phiêu lưu. Tôi chỉ ăn cơm với vài miếng dứa thái nhỏ.

Cơm nước xong xuôi, trời sắp… giới nghiêm. Mưa lất phất rơi. Nhưng mưa bị gió thổi dạt nên mưa biến thành mưa xuân hiền hòa. Chuyện văn nghệ được khơi dậy. Kỷ niệm về một ngôi trường cũ của thầy Võ Hồng và các trò Ân, Côn, Nam… được khơi dậy. Những tách trà nóng được mời mọc, chiếu cố. Văn nghệ Tuy Hòa quả là ấm áp chân thành. Một thị xã đìu hiu bề ngoài thường có bề trong rộn rã.

Ngày thứ nhất ở Tuy Hòa chấm dứt. Chúng tôi chia tay tại nhà Trần Huyền Ân. Ra tới đường đã nghe tiếng còi hụ của xe quân cảnh chạy dọc phố Trần Hưng Đạo. Nhà nhà tới tấp đóng cửa. Vì, mười phút sau sẽ có hồi còi hụ… giới nghiêm chính thức phát ra tự Tiểu Khu. Giới nghiêm ở Tuy Hòa cũng “hồn nhiên” ra phết! Đêm ấy, Võ Hồng và tôi ngủ tại căn nhà riêng của ông bà Thanh Đạm. Không hề nghe bom B 52 dội từ xa làm rung cửa kính. Không hề nghe tiếng đại bác câu đi. Đêm bình yên.

o O o

SÁNG HÔM SAU, TÔI ĐƯỢC GẶP khá đông độc giả của tôi qua sự loan tin của anh em văn nghệ Tuy Hòa. Nhà văn Võ Hồng trở về Tuy Hòa lần này để “thăm những Carnot” và để thăm ngôi mộ của một nữ nhân vật trong Hoài cố nhân của anh. Chuyện cảm động vô vàn. Người cha (bạn của Võ Hồng) đi kháng chiến. Rồi thất lạc. Đứa con gái lớn lên không bíết rõ về cha mình. Mẹ nó đã “lỡ bước sang ngang”. Nó sống với ngoại của nó. Mười lăm tuổi, tình cờ nó đọc Hoài cố nhân, nó khóc. Nó muốn biết cha nó bây giờ ra sao, thuở nó còn bé ra sao. Nó nhiều lần định vô Nha Trang tìm Võ Hồng hỏi thăm. Có lần nó đã vô nhưng nó ngại ngùng đứng trước ngôi nhà số 53 đường Hồng Bàng. Rồi mới đây, Phương Thảo (tên trong truyện Võ Hồng) chết. Cô bé vừa tròn mười chín tuổi. Hay tin cô chết và biết chuyện cô bé muốn gặp mình, nhà văn Võ Hồng đã xúc động đến quên ăn quên ngủ. Anh cũng chưa biết mặt cô bé như cha cô ta. Võ Hồng sắm hương nến, hoa, mời tôi ra nghĩa trang cùng anh. Chúng tôi phủ hoa lên mộ một nhân vật tiểu thuyết Hoài cố nhân, thắp hương và khấn vái. Tôi thấy Võ Hồng ứa nước mắt. Những bạn trẻ thích viết văn, bạn đã hiểu nhà văn cần có gì ngoài kỹ thuật và nghệ thuật viết ?

Chúng tôi được đưa đi thăm cây si hai trăm năm ở quận Hiếu Xương, sau đó. Không người đẹp nào xuất hiện để tôi trồng cây si. Hình như, gần một rễ phụ có giò lan, song nếu tôi “trồng cây si” bên cạnh, chắc chắn, anh em văn nghệ Tuy Hòa sẽ bứng cây si của tôi đi ngay. Phải vậy chăng, thi sĩ Phạm Cao Hoàng?

Tôi quên chưa kể ở Tuy Hòa có hai nhà sư rất văn nghệ. Toàn chức sắc của trường Bồ Đề. Một trong hai nhà sư này cũng đến cây si. Cây si, với nhà sư, chỉ là cây… bồ đề. Tôi bị giục về. Vì những bữa cơm. Đến hơn ba vị mời ăn cơm. Cơm nước làm ta bận rộn, làm ta mất cái thú ngao du sơn thủy. Tuy Hòa biết bao thắng cảnh, núi ta chưa leo, biển ta chưa xuống, ta chỉ còn hôm nay mà lại ăn cơm khách thì nản quá chừng. Tôi tự nhủ lần sau giã vợ đi giang hồ, đến đâu ta cứ âm thầm đóng vai kẻ lãng du, đôi mắt ta ngắm cảnh, đói bụng ta ghé quán chọn… cơm gà (phải gà Giao Chỉ cơ, gà Mỹ ta chê) ta ăn là thú nhất. Ta chưa sống cho ta một phút nào riêng với Tuy Hòa.

Trở lại thị xã, Võ Hồng và tôi… chia đôi. “Nhà văn tỉnh nhỏ” ăn cơm với ông Chủ Tịch Hội Đồng Tuy Hòa. Tôi ăn cơm với anh em văn nghệ. Còn nơi thứ ba xin… hẹn dịp khác! Tuy Hòa gió lộng mà ruồi nhiều phát khiếp. Tôi vô duyên cười há hốc miệng, bị hai bạn ruồi noi gương phi công Thần Phong nhào vô. Phải uống liền tù tì hai ly bia mới… cứu nguy nổi bao tử. Bia nốc đầy rồi, tôi xin phép anh em được cô đơn vài tiếng đồng hồ. Gọi xích lô mà dạo quanh thị xã Tuy Hòa.

– Ông bạn cho tôi tới một quán cà phê nào ngon nhất ?

– Ở xa lắm.

– Mãi đâu ?

– Nhà ga cũ, đường Nguyễn Huệ.

– Xa cũng tới.

Người xích lô có vẻ… văn nghệ nhân dân lắm. Anh ta thong thả đạp thay vì đạp lấy “giải chết” như quý vị xích lô trẻ Sàigòn. Một lát, người văn nghệ nhân dân của tôi đã đưa tôi tới quán Nhớ. Uống cà phê ở Nhớ về sẽ nhớ nhung. Nhớ ai ? Ai nhớ ? Nhớ ai ai nhớ bây già nhớ ai ? Nhớ ai ai nhớ mai về nhớ ai ? Nhớ giò Cầm Lan ? Nhớ cô hàng cà phê tỉnh nhỏ ? Nào đã biết. Bởi vì, hình ảnh đi vào nỗi nhớ thường đi rất chậm, đi rất thong thả.

Rất nhiều khi, nó mới đi chút xíu đã quay gót.

– Thầy về ngay chứ ?

– Uống cà phê đâu về ngay được. Ông bạn có thể neo xe chờ tôi. Nếu bạn “văn nghệ” xin mời vô uống cà phê với tôi.

Người xích lô cười. Tôi bước vào quán Nhớ. Ngụm cà phê đầu đã thấy nhớ vợ, nhớ con. Chẳng nhớ nổi ai. Hết rồi, tâm hồn tôi đã hết chỗ cho một nỗi nhớ.

Rời quán Nhớ, tôi bảo người văn nghệ nhân dân đưa tôi tới các quán cà phê ở Tuy Hòa làm một cuộc quan sát. Tuy Hòa khá đông quán cà phê văn nghệ. Những ngày gió Nam lộng thổi, trời không có nắng, ngồi quán cà phê tâm sự vụn thì tuyệt. Phải vì thế chăng mà dân Tuy Hòa nhiều người làm văn nghệ ? Kìa Võ Hồng “trưởng lão “. Nọ Khánh Linh, Nhã Nam, Trần Huiền Ân “thiếu hiệp”. Đạo diễn Bùi Sơn Duân dễ thương cũng dân Tuy Hòa đó. Tuy Hòa, tỉnh lỵ duy nhất ở Việt Nam, có nhà in offset. Tuy Hòa, đặc biệt quán Cây Phượng dán đầy bích chương quảng cáo sách báo văn nghệ và tủ sách bày bán văn chương bớt những…sáu mươi phần trăm. Sàigòn tôi đang sống, Đà Lạt tôi đã lên, Nha Trang tôi đã tới, Huế tôi đã ra và tôi đã chịu khó đến các quán cà phê. Nhưng không ở đâu có không khí văn nghệ đúng nghĩa của văn nghệ như ở Tuy Hòa. Nghĩa là người ta đến quán cà phê, uống cà phê, thủ thỉ với nhau về chuyện gì đó chứ không phải chuyện văn nghệ. Sẽ khó chịu lắm nếu ta thấy ở bất cứ quán cà phê nào một vài anh lý luận văn nghệ to tiếng, một vài anh vác máy chữ tới viết văn, một vài anh ngồi quay lưng ra ngoài, hì hục làm thơ!

Biết sơ qua về Tuy Hòa văn nghệ qua các quán cà phê, tôi trở lại nhà anh Hoan. Tối hôm đó, tôi dự đêm văn nghệ trên lầu một của Ty Điền Địa, nơi thi sĩ Nguyễn Công Minh “ngự trị”. Nghe nói, ở đây, anh em văn nghệ Tuy Hòa thường tụ họp làm thơ xướng vịnh và liên ngâm. Cảm khái thật. Tôi đã nghĩ không sai: Bây giờ, những bài thơ hay thường được sáng tác ở tỉnh nhỏ. Tôi vào cái nghề văn bút đã tròn mười hai năm, lần đầu tiên, mới dự đêm văn nghệ với những người văn nghệ. Văn nghệ có gì ? Bánh mì, cà ri, chả giò, nem nướng bầy trên giấy báo thay mâm và đặt trên nền nhà thay bàn. Bia đổ ngâm nước đá trong cái thùng múc nước. Ly là lon sữa bột Guigoz. Ăn chí tình. Nói văng mạng. Ngâm thơ. Hát. Văn nghệ đấy chứ ? Thú thật, tôi không khoái văn nghệ kiểu này. Nó ồn ào mà văn chương đòi hỏi sự cô đơn tuyệt đối. Mỗi nghệ sĩ là một con ốc trôi dạt trên bãi cát. Anh ta không được nói về anh ta. Anh ta không được nói về người khác. Bởi anh ta đã nói quá nhiều. Trong tác phẩm của anh. Nhưng ở tỉnh nhỏ, sinh hoạt văn nghệ lối văn nghệ Tuy Hòa nó mang tính chất đoàn tụ thân mật. Tôi đã hỏi một câu : Tại sao anh em văn nghệ Tuy Hòa thương yêu nhau thế ? Họ chỉ cười. Quả thật, họ thương yêu nhau thắm thiết. Họ thật. Họ sống với nhau, cho nhau. Không có đố kỵ nhỏ mọn, ghen tài ti tiện, oán ghét hạnh phúc riêng của nhau. Tàm hồn họ phơi phới như gió lộng trên cầu Đà Rằng. Tâm hồn họ cao như đỉnh núi Nhạn. Ở Sàigòn khan hiếm sinh hoạt văn nghệ cởi mở. Ở Sàigòn, văn nghệ. chỉ tụ tập từng bàn tại quán Cái Chùa với thời khắc khác nhau để nói xấu những kẻ vắng mặt. Thỉnh thoảng, lò dò tới vài anh văn nghệ lộn sòng ưa nói phét, thứ văn nghệ viết lách rất tồi song đọc ai mấy anh ấy cũng đè ra chê bai ầm ỹ như cảnh mổ bò, giết trâu, xưng xưng mình là ngự sử văn chương. Ôi, những con mối gặp mưa lúc nhúc bò dưới đất, đáng thương biết mấy ! Những con mối văn nghệ Sàigòn chưa gặp mưa – và sẽ trốn mưa bằng áo tơi của chúng rất giỏi – lên giọng khinh miệt, làm như độc giả thưởng ngoạn toàn người mù. Mù nên mới không hiểu nổi cái huyền diệu trong văn chương ế mốc của chúng.

o O o

KHI MỌI NGUỜI ĐÃ NGÀ NGÀ MEN BIA thì một nhà sư văn nghệ tới. Nhà sư chức sắc của trường Bồ Đề. Nhà sư có dáng dấp Chiêu Lỳ Phạm Thái. Đẹp trai. Cao lớn. Thích ngâm vịnh. Tôi muốn nhà sư ấy ngồi cụng bia bằng lon Guigoz, nhấm nháp thịt gà cà ry. Tôi muốn nhà sư ấy cởi áo cà sa trải xuống làm đệm ngồi như nhà sư Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu phơi áo cà sa trên ghế, vào bàn xì phé trầm tư mặc tưởng một ván bài nghi ngờ bị tháu cáy. Thế mới Người, mới Cuộc Đời, mới Văn Nghệ. Văn chươrg đòi hỏi phóng khoáng, tự do. Ràng buộc vào cái gì đó, văn chương khó thoát. PhạmThiên Thư phá giới thơ sẽ hay nhất nhân loại. Bởi chưa phá giới, lại vác thơ dự thi nên chỉ ăn giải an ủi. Phạm Công Thiện sẽ xuất chúng nếu đừng tu hành giả vờ! Nhưng nhà sư Tuy Hòa không chịu cởi áo cà sa, thành thử, tôi mất hứng. Và tôi bỏ ngang cuộc vui, đi tìm cà phê Nhớ. Đêm về ngủ với thi sĩ Phan Long Yên, đọc thơ Tình quê để ngẩn ngơ tiếc mai mình đã rời Tuy Hòa. Phan Long Yên tả quê hương Tuy Hòa đẹp quá, nên thơ quá. Tình yêu quê hương nồng nàn của anh trải dài mấy ngàn câu thơ mà chưa dứt. Anh Phan Long Yên, hẹn cùng anh ngày nào đó, vào mùa lúa chín, sẽ về thăm Tuy Hòa và bắt anh đưa đến cánh đồng Ô Long vàng rực tương lai.

Tạm biệt Tuy Hòa, tạm biệt Trần Huiền Ân, Nhã Nam, Khánh Linh, Nguyễn Công Minh, Nguyễn Công Hoan, Phạm Ngọc Lư, Phạm Cao Hoàng, Phan Long Côn, Phan Long Yên, tạm biệt Minh, chủ nhân Cây Phượng, người tôi quý nhất vì giấc mơ viết bộ Địa lý Việt Nam của anh, tạm biệt tất cả. Tôi sẽ đi bằng xe lửa ra thăm các anh. Tôi sẽ lên đỉnh núi Nhạn nhìn xuống thấy Tuy Hòa bình yên, thấy Tuy Hòa xanh ngát. Tôi sẽ về Hiếu Xương kiếm hai người thương binh trên chuyến xe đò. Đời thôi chiến trường rồi, hẳn họ đang sống hạnh phúc bên vợ hiền có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ. Ngôi trường sơ học Xuân Tự chắc đã rộn ràng tiếng hót chim khuyên. Tôi sẽ về Tuy Hòa túi không thẻ căn cước, không thẻ nhân dân tự vệ, không giấy tờ tình trạng quân dịch phiền toái. Những bót cảnh sát dọc đường đã thu dọn. Sư đoàn Bạch Mã của Đại Hàn đã về xứ họ, mang theo những chiếc bảng cấm sọ người trắng hếu sợ hãi. Không sợi thép gai nào sót lại đe dọa làm chảy máu chân ta, tay ta, mình mẩy ta và quê hương ta. Chúng ta có thể nằm ngoan trên võng bắc qua hai cây ngọc lan ngâm ca dao, tập lẩy Kiều. Hay chúng ta vào hang núi làm thơ tương tư bãi biển. Hay chúng ta đứng giữa cầu Đà Rằng viết văn chờ đợi gió Nam, chờ đợi nước nguồn ra bề. Chúng ta nằm. Chúng ta ngồi. Chúng ta đứng. Suốt đêm.

Đồng hồ vất đi. Chẳng còn hồi còi hụ giới nghiêm. Chỉ còn tiếng sáo diều vi vu lơ lửng bầu trời. Chỉ còn tiếng gió luồn qua lá. Tiếng nước đùa chân cầu, Tiếng thầm tình tự của những người yêu nhau. Đời không còn chiến trường. Đời không còn những người con đi vắng. Đời không còn những người mẹ già nhớ nhung.

Em có mong ngày ấy anh về thăm quê em không, em gái Tuy Hòa ?

Vũ Mộng Long

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn