(Nhân đọc Lại lập lờ chuyện danh nhân văn hóa)
Thưa Ông,
Chuyện Ông nêu, thực ra nó "xưa như chuyện hàng ngày ở Huyện" (theo cách nói vui tại VN) rồi - có nghĩa là rất, rất nhiều người đã tường. Tôi biết Ông cũng rõ điều đó, nhưng vì họ "lại lên tiếng" nên Ông cũng "lại lên tiếng", và tôi cũng xin phép được "phụ họa" theo Ông. Tôi đang định đề cập đến chuyện này trong một bài viết tới đây và sẽ gửi tới Hưng Việt, vậy là… “quá tiện”, xin kể hầu Ông chuyện sau:
Tháng 6 năm nay Hà Nội đã đón một đợt nắng nóng khủng khiếp. Tôi không còn nhớ với tuổi ngoại thất thập của mình, không biết đã từng đón một mùa hè ác nghiệt như vậy vào năm nào chưa nữa?! Mọi người chỉ muốn trú trong nhà, không muốn đi đâu nếu không có gì bắt buộc. Một trưa, một người anh họ tôi đã 87 tuổi - một "lão thành cách mạng của đảng ta", đi xe đạp trên đoạn đường 5 km đến gõ cửa nhà tôi.
Mở cửa, nhìn anh mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt lại như thất thần, tôi nhanh chóng mở điều hòa, rót nước mời anh dùng và ngồi nghỉ.
Nhấp một ngụm nước nhỏ, có lẽ nước vừa qua họng anh đã vội vã nói như sợ bị ai “cướp” mất lời nói của ảnh vậy:
- Chú Hữu này, chú có biết hôm 4 tháng 6 [2010] vừa rồi ở CLB Ba Đình người ta nói gì liên quan đến ông Hồ không?
- Bác biết em là một thằng “bạch định”, luôn “nhọ đít” từ xưa đến nay, có câu lạc bộ với câu vừng bộ gì đâu mà biết chuyện gì với chuyện gì.
- Họ bảo ông Hồ không phải là danh nhân văn hóa Unesco chú ạ. Các cụ lão thành cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau như… không tin vào tai mình nữa! Thực ra thì không phải tất cả các cụ đều như vậy. Tôi để ý và nhìn thấy không ít cụ lặng lẽ nhìn nhau và… mủm mỉm cười.
- Em đã thưa cùng bác rồi mà bác có tin thằng em này đâu. Kể ra gần đây bác cũng… hơi được đấy! Cứ như trước thì em khổ với bác về những bài học “cảnh giác”, “diễn biến”, phải “kiên định” v.v… Em còn nhớ, sau khi xem phim Sự thật về HCM, em có hỏi bác rằng bác có tin không? Bác ngần ngừ rồi nói: Tin 50 phần trăm. Bác nhớ chứ? “Người cơ chế” như bác mà tin 50 % đã là quá tốt, hơi bị… hay hay rồi đó! Nhưng trở lại chuyện bác đang nói, hôm đó họ nói thẳng thế sao?
- Không. Thì có bao giờ họ nói thẳng, nhận thẳng điều gì đâu. “Mất mùa là bởi thiên tai / Được mùa là bởi thiên tài đảng ta” mà lỵ (ông anh tôi đọc thơ dân gian). Hành người ta lên bờ xuống ruộng, không những chết cả đời cha mà đời con đời cháu cũng đã chết, xong thì lặng lẽ… phục hồi, trả lại lương, thậm chí còn trao giải thưởng Hồ Chí Minh như với Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh… hoặc giải thưởng Nhà nước như với 4 nhà văn nhà thơ thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm mấy năm trước v.v…
- Thế họ nói thế nào cơ ạ?
- Đại loại, sau khi ca ngợi công lao cùng đức độ của ổng một lúc lâu, họ cứ vòng vo nói chẳng hạn như… Đại hội đồng Unesco khóa 24 năm 1987 đã có ra quyết định sẽ tổ chức sinh nhật bác vào năm 1990, đồng thời sẽ chính thức trao tặng bác danh hiệu cao quý “Danh nhân văn hóa thế giới” cùng với vài người khác thuộc mấy nước nữa. Nhưng bọn phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài chúng phá đám, chúng kiện, chúng cung cấp cho Unesco những cứ liệu xuyên tạc… nên việc không thành. Ngay đến buổi tổ chức sinh nhật bác năm 1990 tại Paris ta cũng rất vất vả mới làm được.
- Thưa bác – tôi cắt ngang – thế họ có nói Unesco “nghe theo” lời của “bọn phá đám” như vậy là không công bằng?
- Cái chú này! Đã bảo họ quanh co mãi mà lại. Nhưng chốt lại thì họ nói… đại loại là… sau khi việc công nhận danh nhân văn hóa thế giới cho bác không thành, thì thế giới người ta vẫn nói bác là một lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam, một cái gì đó rất lớn (!)… du Vietnam! Du Vietnam là của Việt Nam thì lâu nay ta lại cứ dịch là của thế giới là sai, là không đúng.
- Trời đất hỡi! Ở Việt Nam hiện tại đúng là tiếng Anh được dùng nhiều hơn. Nhưng Việt Nam vẫn là thành viên của La Francophonie – Cộng đồng Pháp ngữ kia mà! Chẳng lẽ không còn ai phân biệt được du Vietnam với du Monde (của thế giới) sao bác ơi? Nhưng thưa bác. Người nói chuyện hôm mồng 4 vừa rồi là ai đó ạ?
- Để tôi xem – ông anh tôi lật cuốn sổ ghi chép để xem. Phải nói là anh tôi có tác phong rất cẩn thận. Và, tuy tuổi cao, những luôn yêu cầu các em, các con, cháu phải cung cấp cho ổng các bài trên mạng một cách đều đặn. Ổng đi đâu, nghe được một cái tiêu đề bài nào hay hay là khi về ông "quát" em, con, cháu... vào Google tìm ngay cho ta bài này, bài này... Chúng tôi vui vô cùng vì có một người anh, người cha, người ông khỏe mạnh và... thức thời như vậy. Quả thực, bà chị tôi cũng nhẹ cả người trong việc phục vụ đức ông chồng.
- Đây rồi, – anh tôi nói – người nói là ông Phú, không phải ông tiến sĩ XHCN Phùng Hữu Phú đâu. Ông này chức vụ Vụ phó một vụ nào đó (tôi ghi không kịp) ở Ban Tuyên giáo trung ương.
Kính thưa ông Trần,
Khi nghe câu chuyện anh tôi kể lại, cùng một vài chuyện khác như chuyện ông Tô Hồng Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, khi nói về khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” khi “đảng ta” lập chính quyền xô viết ở Nghệ Tĩnh năm xưa, đã nói: “Thực ra đây không chỉ là sai lầm của công tác tuyên giáo mà là thể hiện quan điểm có phần cực đoan trong chủ trương của Đảng lúc bấy giờ khi xác định mục tiêu cách mạng và lực lượng cách mạng.”[1] v.v…, tôi đã có ý định viết một bài với tiêu đề Đảng ta đã biết xấu hổ rồi chăng?
Nhưng nay hỡi ôi! Qua lời ông Phạm Quang Nghị thì “hóa ra” trung tướng quá cố Trần Độ muôn năm đúng: “ấy vậy đấy, họ không xấu hổ, họ không biết xấu hổ, họ không cần xấu hổ, họ… không thèm xấu hổ!”[2]
Kính chúc Ông cùng toàn gia muôn sự tốt lành, dồi dào sức khỏe, và viết thật khỏe cho chúng tôi những bài hay như Ông vẫn viết.
Kính
Nguyễn Hữu – Hà Nội
04/10/2010 – Sau kỷ niệm ngày rời đô lần thứ 1000 của Đức Lý Thái Tổ gần 2 tháng.
[1] http://www.vanhoanghean.com.vn/tap-chi/khach-moi-cua-tap-chi/828-cong-tac-tuyen-giao-ham-chua-va-the-hien.html
[2] Trần Độ nói, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Hương Ly đài BBC vào tháng 6 năm 2002, khi nói về những điều nói xơi xơi không thật của đài, của báo, và của các nhà lãnh đạo VN đương chức.
Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Mười 20107:00 SA
Hoàng Minh Đức
Khách
Nhân dân Việt Nam từ mấy mươi năm qua, sống trong Gian Trá, Ngụy Tạo. Một Kụ Hồ tự viết sách ca tụng mình, qua bút danh Trần Dân Tiên ...là một điều đáng xấu hổ, đáng ghê tỡm của kẻ sĩ còn chút liêm sĩ. Ngày nay, xã hội đã xuống cấp quá mức từ văn hóa, giáo dục, y tế...người dân Việt hơn ai hết, cần Sự Thật hơn cả cơm áo. Chỉ có Sự Thật và Sự Thật mới đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của xã hội bị bưng bít, ngụy tạo từ 1945 đến nay.