BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73902)
(Xem: 62309)
(Xem: 39504)
(Xem: 31225)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bệnh thành tích và bệnh giả dối

28 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1160)
Bệnh thành tích và bệnh giả dối
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Người phát hiện ra bệnh thành tích

Từng tu nghiệp tại Viện Đại học Harvard, diễn thuyết, nói tiếng Anh đều giỏi, trả lời trôi chảy, mạch lạc chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã được đánh giá như một chính trị gia hàng đầu của Việt Nam, hơn hẳn người tiền nhiệm. Nhưng rồi, sau 4 năm đương chức, ngày 2/4/2010 ông được Thủ tướng đồng ý tạm thời cho thôi điều hành Bộ GD&ĐT với lý do để tập trung cho nhiệm vụ Phó Thủ tướng và ngày 12/6/2010 Quốc hội chính thức bãi nhiệm chức vụ Bộ trưởng của ông. Việc ra đi khi chưa hết một nhiệm kỳ của ông làm cho người vốn thích chơi chữ thì bảo: “Ông ra đi để ngành giáo dục Việt Nam trở thành ngành giáo dục ‘bất nhân’”, vừa ám chỉ việc chẳng còn ông trong ngành giáo dục, vừa ám chỉ hậu quả không mấy tốt đẹp mà ông để lại cho người kế nhiệm. Còn người ưa dùng thành ngữ lại nói: ông “bỏ của chạy lấy người” để bóng gió nhiều công việc cải cách của ông, cái thì dừng lại ở dạng khẩu hiệu, cái thì dang dở, cái thì đã thực hiện nhưng lại trở thành “cải lùi”, và việc ông dời khỏi cương vị Bộ trưởng là sự trốn chạy trách nhiệm. Nếu đem so sánh toàn cảnh bức tranh giáo dục thời của ông với thời của người tiền nhiệm là ông Nguyễn Minh Hiển thì có thể kết luận: công lao lớn nhất mà cũng là duy nhất của ông là đã can đảm phát hiện ra một căn bệnh mà nền giáo dục Việt Nam đã mắc từ lâu và đặt tên cho nó đó là “bệnh thành tích”. Thực ra những ai có chút ít hiểu biết liên quan tới giáo dục đều thấy được biểu hiện của căn bệnh này, tuy nhiên dám chỉ ra rồi đặt tên cho nó thì chỉ có ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân làm được.

Khẩu hiệu “hai không”

Có người cho rằng ông Nhân thuộc phe cánh ông Dũng nên vừa làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm trước, năm sau ông đã lên chức Phó Thủ tướng. Chức vụ này khiến ông trở nên có uy nhất trong hàng ngũ các bộ trưởng của chính phủ. Giống như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian mới nhậm chức đã nổi tiếng vì “yêu sự thật”, ông cũng được cả nước kỳ vọng bởi khẩu hiệu “hai không” là “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Cũng trong những năm đầu “quyết tâm cách mạng cao độ để diệt trừ căn bệnh thành tích”, ông liên tiếp đạt được giải quán quân về các cuộc thi “bộ trưởng viết nhiều thư nhất”, “bộ trưởng ngủ ít nhất”[1]. Làm việc quá nhiều, ông còn được một “fan hâm mộ” thể hiện lòng cảm phục, thương mến bằng cách công khai khuyên ông chú ý giữ gìn sức khỏe trong một hội nghị của ngành. Nhiều kẻ còn “múa rìu qua mắt thợ” qua việc góp ý rằng khẩu hiệu “hai không” của ông nên thay bằng “chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” cho rõ nghĩa. Họ chẳng hiểu được đây là cách hành văn của phương Tây mà chỉ những người được tu nghiệp ở Harvard như ông mới biết sử dụng.

và những kết quả

Năm đầu tiên của phong trào “hai không”, vì tin tưởng, đã có vô số những nhân tố tích cực “đầu quân” cho ông, “vị tư lệnh ngành giáo dục” trên “mặt trận” chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Những nhân tố tích cực này nhanh chóng được ca ngợi, có người đã được đích thân được ông tới thăm, tặng quà rồi trở thành “người đương thời” như thày Đỗ Việt Khoa. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp giảm hẳn, bình quân cả nước chỉ có 67,5% học sinh đỗ tốt nghiệp lần I, cá biệt có hội đồng không có học sinh nào đỗ. Cả nước hy vọng: Tiêu cực trong giáo dục dần sẽ không còn đất sống, rồi các ngành khác cũng vậy. Nhưng ngay trong năm học đó, tiêu cực trong thi cử xảy ra ngay tại Văn phòng Bộ là nơi ông làm việc. Năm tiếp theo, những nhân tố tích cực đấu tranh với tiêu cực bắt đầu bị trù úm. Thày Khoa bị cướp máy ảnh, bị đe dọa hành hung. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tăng dần trở lại, bình quân mỗi năm tăng là 9%. Gần đây nhất, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa buộc phải rời khỏi ngành giáo dục vì không chịu nổi sự trù dập của lãnh đạo, sự ghẻ lạnh của đồng nghiệp, sự thờ ơ của chính “vị tư lệnh” mà thày đã “đầu quân” cho. Cả nước thất vọng: Căn bệnh thành tích lại tái phát và lo lắng nó sẽ còn nặng hơn.

Một người bạn làm việc trong ngành giáo dục ở Bắc Ninh đã kể lại một số sự việc mà anh đã từng chứng kiến trong các năm đầu của phong trào “hai không”:

Để giám sát các kỳ thi tốt nghiệp một cách nghiêm túc, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường cao đẳng, đại học trong cả nước cử các cán bộ, giáo viên nghiêm túc tham gia đoàn thanh tra coi, chấm thi của Bộ tại các tỉnh, đảm bảo mỗi hội đồng thi đều có thanh tra Bộ. Do vậy hội đồng coi thi tốt nghiệp ngoài việc đón tiếp các giáo viên từ các trường khác trong tỉnh như các vị “khách” giờ lại phải đón tiếp thêm các vị “thượng khách” là thanh tra Bộ. Thế là lãnh đạo hội đồng coi thi sở tại lại phải họp lên, họp xuống với các phụ huynh của thí sinh chỉ với mỗi một nội dung về tiền đóng góp nhằm để các thanh tra Bộ bớt nghiêm túc, căng thẳng cho học sinh, con cháu được nhờ. Với những trường quốc lập, học sinh học khá hơn một chút còn đỡ. Khổ nhất là những trường dân lập và các trung tâm giáo dục thường xuyên: Học dốt nếu thi nghiêm sẽ trượt nhiều, ảnh hưởng tới tuyển sinh năm tới, do đó ảnh hưởng tới “nồi cơm” của các lãnh đạo trường. Các phụ huynh cũng không muốn con em mình phải học thêm một năm nữa tốn kém hơn rất nhiều so với tốn kém một lần đóng góp cho kỳ thi và họ sẵn sang đồng ý mọi phương án về tiền lãnh đạo nhà trường đưa ra. Chính vì vậy những thanh tra Bộ về giám sát hội đồng của các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên là những “thượng khách” muốn gì được nấy. Đã có những vị “thượng khách” về các hội đồng này ngoài việc đòi hỏi ở các khách sạn sang trọng còn công khai yêu cầu hội đồng sở tại lo cho thêm khoản “gái gú” nữa. Tất nhiên sau khi được đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu những vị “thượng khách” này sẽ đáp lại lòng mến khách của chủ nhà bằng cách dễ dãi hơn cả những giám thị dễ dãi nhất.

Sau khẩu hiệu “hai không”, ông Nhân còn có thêm vài “không” nữa và đến lúc rời khỏi chức Bộ trưởng ông đã có được tới “năm không” cho ngành. Nhưng cũng như “hai không”, các “không” sau này của ông cũng không tránh khỏi cảnh “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”. Vừa “nói không với việc vi phạm đạo đức nhà giáo” thì hàng loạt các vụ tiêu cực về đạo đức nhà giáo diễn ra: Thày giáo hiếp dâm học sinh mẫu giáo ở Bắc Ninh, vụ án nổi tiếng “hiệu trưởng bán dâm học sinh cho quan chức” ở Hà Giang, thày giáo gạ đổi tình lấy điểm ở trường Trường Cao đẳng PT-TH TƯ 1… là những tận cùng trong sự sa đọa phẩm chất đạo đức của người thày. Sự ra đi của ông khỏi ngành giáo dục cho dù có dưới danh nghĩa nào đi chăng nữa thực chất cũng chỉ là sự trốn chạy, là biểu hiện của sự bất lực mà cư dân mạng thường gọi là botay.com mà thôi.

… đâu mình riêng em

Sẽ là không công bằng nếu nói rằng bệnh thành tích chỉ có ở trong ngành giáo dục. Nếu để ý theo dõi các vụ tiêu cực nêu trên các báo hàng ngày sẽ thấy: Có vô số các vụ là biểu hiện mắc bệnh thành tích của các “bệnh nhân” ngoài ngành giáo dục. Hiện tượng cán bộ xài bằng giả, học trường dởm gần đây liên tục bị tố cáo, phanh phui. Báo Doanh nhân Cuối tuần Sài Gòn nói về vấn nạn trên: “Thực bi hài, một ông phó bí thư thường trực tỉnh ủy có bằng tiến sĩ chỉ sau sáu tháng ‘đào tạo’, tân chủ tịch tỉnh và tân phó chủ tịch tỉnh vốn là dân tại chức dùng bằng thạc sĩ và tiến sĩ dỏm một cách ‘hồn nhiên’ (điều đáng nói là ông phó chủ tịch tỉnh có bằng tiến sĩ dỏm hiện đang là đại biểu Quốc hội và là Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội), Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có bằng tiến sĩ của Mỹ nhưng một câu tiếng Anh bẻ đôi không biết, Giám đốc Sở Y tế có bằng thạc sĩ chỉ sau 40 ngày ‘học’, gần 90 cán bộ chủ chốt cấp xã ở một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng văn bằng, giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông giả và một trường đại học quốc gia liên kết với trường ngoại dỏm để cho ra lò 300 bằng thạc sĩ, tiến sĩ v.v…” Những cuộc thi “tìm hiểu…” của các ngành, các đoàn thể, các tổ chức phát động cho học sinh tham gia dưới dạng đưa câu hỏi kèm đáp án để học sinh chép lại, rồi chấm trao giải thưởng cho sự “hiểu biết”, không những gây lãng phí vô ích mà còn thể hiện thói “ưa dùng thành tích ảo” của những kẻ đề xướng. Những ví dụ trên đã chứng tỏ căn bệnh thành tích là căn bệnh của toàn xã hội Việt Nam hiện giờ. Ngành giáo dục chỉ là một trong các cô gái trong vô số các cô gái toét mắt ở làng nọ trong câu ca dao:

“Toét mắt là tại hướng đình

Cả làng cùng toét đâu mình riêng em.”

Bệnh giả dối

Bệnh thành tích là căn bệnh của toàn xã hội nên nếu chỉ chữa nó ở trong ngành giáo dục thì không thành công là điều khó tránh khỏi. Do vậy, dù có thay ông Nhân bằng một ông Bộ trưởng tài ba hơn thì căn bệnh thành tích của giáo dục cũng chỉ là “nguyễn y vân”. Để tìm nguyên nhân, từ đó có cách chữa căn bệnh này hãy theo dõi dãy các suy luận sau:

Nếu một xã hội mà mọi người đều sống trung thực, thẳng thắn, không dối trá thì trong đó: Học sinh sẽ không quay cóp bài, cán bộ sẽ không xài bằng rởm, không học trường giả, chính quyền sẽ minh bạch không nhận hối lộ, không có tham nhũng… Do đó: Xã hội đó sẽ không có chỗ cho căn bệnh thành tích. Như vậy căn bệnh thành tích của toàn xã hội có nguyên nhân là từ lâu nó đã mắc phải một căn bệnh ngược lại với sự trung thực, đó là bệnh giả dối. Sự giả dối thì xã hội nào cũng có, nhưng giả dối phổ biến, trầm trọng tới mức phải gọi là bệnh thì ở Việt Nam ngày nay mới có. Thủ phạm làm cho sự giả dối phát triển thành một căn bệnh hiểm nghèo của xã hội Việt Nam không ai khác, đó chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chưa hình dung được số phận của một dân tộc nếu cứ phải sống mãi trong một xã hội tràn ngập sự giả dối, nhưng chắc chắn là nó sẽ rất ảm đạm. Chờ đợi thủ phạm gây ra nay sẽ chữa căn bệnh đó chỉ là vô vọng. Bởi thực tế đã cho thấy: Bí quyết để Đảng Cộng sản Việt Nam giành chính quyền, giữ được một chế độ thối nát, mục ruỗng cho đến tận ngày nay chính là nhờ vào các thủ đoạn dối trá và bạo lực.

Trần Hoàng Lan

Theo Talawas
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn