Người ta đang sử dụng hàng trăm mạng xã hội, nhưng tại Việt Nam (và nhiều nước khác...), phổ biến nhất vẫn là Facebook và Youtube. Đây là các sản phẩm của tập đoàn Google - Mỹ.
Dù bị cấm cản từ đầu, cho đến khoảng năm 2008, bằng nhiều cách khác nhau, đã có rất nhiều người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ sử dụng các dịch vụ này của Google. Cho đến nay chúng đã phổ biến trên diện rộng, không chỉ trong giới trí thức, ngay cả những người lao động chân tay, từ người nông dân cho tới bác xe thồ, không ít người dùng chúng để chia sẻ cuộc sống của họ với những người dùng khác. Đánh giá sự tiện dụng của Google, nhiều người còn nói một câu cửa miệng thú vị: "Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Gu-gồ".
Với sự góp mặt của Google vào danh sách mạng xã hội, tính ra chỉ chừng 10 năm (Facebook tháng 2/2004, Youtube tháng 4/2005) nhưng chúng đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức liên hệ giữa các cư dân mạng, thay đổi ngay cả cuộc sống và suy nghĩ của nhiều người dùng. Và trên hết, sự thay đổi đó tác động rất đáng kể lên nhiều khía cạnh của xã hội thực - nơi chúng ta đang sống.
Thông thường chúng ta chia sẻ những điều gì lên mạng xã hội? Một cách phổ cập nhất, hôm nay tôi (hoặc ai đó) làm gì, đang suy nghĩ gì, ở đâu, với ai, nó như thế nào, cảm xúc ra sao, có ảnh chụp không, rồi đến kết bạn, hẹn hò... Có người chia sẻ những kiến thức về khoa học, xã hội, những kinh nghiệm sống, những bài thuốc quý, những mẹo vặt hữu ích. Cũng có người thường cập nhật lên "tường" những diễn biến về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh trật tự... Lại có người kêu gọi từ thiện, giúp đỡ hoặc đơn giản chỉ để bán hàng qua mạng. Nói chung là muôn màu cuộc sống, đời thực có gì, mạng ảo có nấy.
Riêng trong số đó, một bộ phận người dùng sử dụng mạng xã hội để thể hiện suy nghĩ, thái độ, lập trường với cái xấu, cái ác, cái bất công của xã hội, với sự sai lầm, lũng đoạn của hệ thống chính trị theo những động cơ khác nhau. Tốt có, xấu có.
Chính trị là một khái niệm không mới, không bị cấm cản trong xã hội dân sự, nhưng ở Việt Nam không phải ai cũng có nhu cầu tìm hiểu, hoặc dám thảo luận, phản biện. Trong ý thức nhiều người, chính trị là một chủ đề nhạy cảm. Thảo luận, phản biện (bao gồm cả chê bai, nói xấu) chính trị dễ bị nhà cầm quyền sách nhiễu, bắt bớ khi bị quy chụp là "thành phần phản động", "phản cách mạng" hoặc " gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc"... Đây đều là những tội danh hình sự có thể phạt tù. Chính trị là gì mà nguy hiểm như vậy?
Trong nghĩa hẹp, chính trị được giới cầm quyền định nghĩa là những hoạt động liên quan tới quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội, xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước. Trong trường hợp này, thảo luận chính trị trong một chừng mực nào đó là hợp pháp với giai cấp cai trị và ngược lại, bất kỳ ai khác thảo luận chính trị được gọi là "thành phần phản động"!
Theo nghĩa rộng hơn, chính trị là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó. Chính trị giữ cho xã hội hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng người này xâm phạm quyền lợi, tài sản, sức khỏe và tính mạng của người khác hay của cộng đồng. Như vậy, chính trị liên quan trực tiếp đến mọi cá nhân, tác động lên toàn bộ các mặt của đời sống xã hội. Chính trị không của riêng ai, là một chủ đề thuộc về tất cả các tầng lớp người trong xã hội dân sự.
Mấy năm trở lại đây, phản biện chính trị đang dần trở nên sôi động và cởi mở hơn khi Việt Nam bắt đầu theo xu hướng vận động chung của thế giới - xây dựng xã hội dân sự. Nhiều người mà đa phần thuộc tầng lớp trí thức bắt đầu cảm thấy ngột ngạt với chế độ chính trị hiện tại. Họ lên tiếng và chia sẻ tiếng nói của mình trên các trang mạng xã hội. Trong số này cũng có những kẻ nhằm mưu cầu quyền lực cho riêng mình hoặc một nhóm nào đó, hoặc do khác biệt về hệ tư tưởng mà nên. Nhưng đa phần những thảo luận mang màu sắc chính trị đều có động cơ tốt: chỉ ra cái xấu, cái ác, những bất công và sai lầm của hệ thống chính trị cho nhiều người biết, để từ đó lan truyền thông điệp, loại bỏ những tồn tại, trì trệ hầu cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Để không chỉ họ mà người khác và cả con cháu đời sau được thụ hưởng một xã hội dân sự đúng nghĩa, nơi mà trong đó những tiếng nói khác biệt được tôn trọng và lắng nghe.
Việt Nam có một câu tục ngữ: "cây ngay không sợ chết đứng". Xây dựng một xã hội tốt đẹp như mơ nếu có - như những gì nhà cầm quyền hiện nay đang rao giảng thì một vài tiếng nói khác biệt có nghĩa lý gì? "Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân ", cần gì nhà cầm quyền phải đao to, búa lớn, cần gì phải bắt bớ và sách nhiễu? Ngoại trừ bản chất và cách thức của nó đang đi ngược lại với xu thế vận động của thời đại, vị thế mất đi chỗ dựa chính danh và họ nhận ra nguy cơ diệt vong đang cận kề. Nói theo Chủ nghĩa Mark, gia cấp cai trị đang tự biến mình thành "thành phần phản động", chống lại xu thế vận động của xã hội.
Nếu để ý theo dõi, có một hiện tượng xã hội phổ biến gần đây, đấy là trên Youtube xuất dày đặc các đoạn video clip người dân ghi lại cảnh tác nghiệp của các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là của lực lượng CAND và có chiều hướng ngày một gia tăng. Tại sao lại chủ yếu là họ? Nó phản ánh điều gì?
Để đặc trưng cho giới tính, người xưa nói "Nam tu, nữ nhũ" (tất nhiên quan niệm bây giờ có thay đổi). Để đặc trưng cho Chế độ XHCN ở Việt Nam, hãy nhìn vào lực lượng bảo vệ nó: Lực lượng CAND.
Trong một bài viết nhân kỷ niệm 70 năm thành lập, một trong những người đứng đầu nhà nước đã khẳng định: "Công an là lực lượng trọng yếu, tuyệt đối tin cậy của Đảng". Lực lượng này đương nhiên là một lực lượng biểu thị đầy đủ nhất chân dung của Đảng và Chế độ.
Xem qua các video clip này, tuyệt đại đa số chúng phản ánh một thực trạng trớ trêu: trình độ am hiểu luật pháp của những người thực thi pháp luật rất yếu kém, hoặc cũng có thể họ cố tình lờ đi luật pháp để xử lý theo ... luật rừng. Từ trước tới giờ họ luôn tự cho mình quyền đứng trên pháp luật và hành xử với dân chúng một cách thiếu chuẩn mực. Chưa nói đến chuyện đúng sai của người người dân, hãy nhìn cách họ làm việc và đối đáp lại. Bạn thấy điều gì? Đó là lộng quyền, nhũng nhiễu, tùy tiện, thiếu hiểu biết và sợ sệt. Nó khác xa với những gì truyền thông nhà nước ra sức tuyên truyền.
Thứ nhất lộng quyền: chưa có chỉ thị, chuyên đề nhưng vẫn ra đường "làm luật". Cần nhấn mạnh rằng cơ quan nhà nước chỉ được phép làm những việc mà pháp luật cho phép. Thêm nữa, gặp dân không chào hỏi, xưng hô không chuẩn mực, hạch sách, thái độ trịnh thượng kiểu ông tướng...
Thứ ba, sự nhũng nhiếu diễn ra rất thường trực. Phần lớn các vụ xử phạt thay vì nộp vào ngân sách nhà nước thì đút túi, chia chác. Các khoản phạt thường được các vị xướng lên rất mơ hồ và ... tùy hứng .
Thứ ba tùy tiện: thích bắt thì bắt, không cần lệnh hay chuyên đề, thích áp lỗi nào thì áp...
Thứ tư thiếu hiểu biết: dân hỏi điều luật thì không nói được, hiểu lơ mơ, giải thích không rõ ràng, rồi còn ra lệnh cho họ không được phép ghi hình. Một kiểu đối đáp rất trẻ thơ. Nên nhớ CSGT đang làm việc trên tư cách công quyền, không phải công dân, mọi công dân được quyền giám sát.
Và cuối cùng là sợ sệt: Khi bị người dân bắt bài, quay lại clip làm bằng chứng thì lắp bắp, tránh mặt, đổi người làm việc, đòi tắt máy ghi hình, có viên CA còn thậm thụt xin lỗi, sợ tên và hình ảnh mình sẽ bị bêu trên mạng xã hội, v.v và v.v...
Thật đau lòng cho một lực lượng nòng cốt của Đảng.
Việc đăng lên các trang mạng xã hội thực trạng đó, ngoài phản ánh những điều nêu trên, nó còn cho thấy sự quan tâm ngày một lớn hơn của dân chúng tới các hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng. Nó đặc biệt phản ánh tâm lý phản kháng, tẩy chay và bất mãn của họ đối với một trong những cơ quan quyền lực trọng yếu của Đảng. Xưa nay, gặp công an là răm rắp nghe lời, ngày nay công dân biết vận dụng pháp luật, tự phát huy quyền làm chủ để "quật" lại thói nhũng nhiễu, lộng hành của quan chức.
Nếu không có mạng xã hội, làm sao những thông điệp như vậy được loan truyền, chia sẻ và nhận được sự đồng tình của người dân? Nếu không có mạng xã hội, một tiếng kêu nhỏ bé, yếu ớt ai nghe? Nếu không có mạng xã hội, làm sao để thức tỉnh và đánh động vào tâm can của cả một thế hệ chuột bạch chỉ biết im lặng và cam chịu.
Mạng xã hội rồi đây sẽ còn nhận thêm nhiều sứ mệnh lịch sử của nó. Hãy cứ chờ xem.
Lê Nguyên
Nguồn RFA
Gửi ý kiến của bạn