BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77470)
(Xem: 63331)
(Xem: 40778)
(Xem: 32402)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lạc loài trên đất mẹ

20 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1641)
Lạc loài trên đất mẹ
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
MỘT

Trời mờ sáng. Duy cúi nhìn đồng hồ tay. Chiếc đồng hồ hiệu Seiko Năm Bơ Phai “chặt góc” mới mua để “làm của” nhân dịp sắp sang Mỹ định cư, lóng lánh lên nước men i nốc. Mới có 5 giờ 15 sáng. Chàng đứng dậy vươn vai, làm vài động tác cho giãn gân cốt. Thúy nhìn theo, giọng săn sóc:

-Anh uống thêm ly cà phê cho tỉnh táo.

Chàng nhẹ lắc đầu. Gần trắng một đêm Xuân thao thức, chờ đợi. Người chàng muốn rũ ra. Hai hốc mắt cay sè. Hơi thuốc thơm ba số đắng nghét. Cái thú một ngụm cà phê, một hơi thuốc thơm buổi sáng tinh sương là nỗi ước mơ thần tiên suốt thời gian trong các nhà tù tập trung cải tạo, với Duy, lúc này chẳng còn ý nghĩa gì cả. Bây giờ trong tâm trí chàng dầy đặc nỗi háo hức, hồi hộp sắp được phỏng vấn. Nghĩ đến phỏng vấn, một nỗi hoan lạc lại miên du khắp châu thân. Duy thấy rõ, nó như những làn sóng sinh động lắm, dập dờn theo máu luân lưu trong huyết quản. Chàng không nén nổi nụ cười kín đáo. Thúy bắt gặp nụ cười ấy, cũng kín đáo cười lại. Một cảm thông sâu sắc giữa hai người.



Hơn 10 năm nuôi chồng trong tù cải tạo. Cũng hơn 10 lần lặn lội, băng suối xuyên rừng quên cả những xuân, những hạ, những thu, những đông nơi các rừng sâu núi thẳm ở miền Bắc để đưa đến cho chồng từng nắm muối to hạt, từng gói đồ ăn chắt chiu dành dụm của ba mẹ con nàng. Và đặc biệt là những câu chuyện, những tin tức để cho chàng giữ vững được tinh thần, vượt thoát được hoàn cảnh, để sống cho một tương lai.

Tương lai ấy mở đầu là ngày hôm nay như một mùa Xuân sắp trở về.

Quanh chàng bây giờ là hàng trăm người đứng, ngồi nôn nóng. Ai cũng hướng mắt về phía cửa sắt lớn rộng còn đóng. Ở nơi đó có một cái bàn gỗ cáu bẩn. Trên bàn không có cái gì khác ngoài một chồng giấy báo tin được chặn bằng một hòn đá. Đó là giấy báo tin của những người được gọi đi phỏng vấn sáng nay. Họ đã đến từ 3, 4 giờ sáng và để chắc ăn, họ cứ nộp trước, dù chưa có ai nhận. Duy có được nghe nói đến cảnh này nhiều lần khi đến nghe ngóng tin tức ra đi ở nơi “Vườn Tao Ngộ” trước Bộ Ngoại Giao cũ, nay là Sở Ngoại Vụ của chế độ mới.

Với những người này, cũng như chàng, ngày được gọi phỏng vấn là cao điểm của nỗi đợi chờ dài dặc tháng năm. Nỗi đợi chờ tưởng như không tưởng và cũng từng là đề tài châm biếm cho những người bạc nhược, bi quan hoặc không có đủ điều kiện để ra đi, để hy vọng.

Trời đã sáng rõ. Khắp các quán cà phê lề đường dọc theo hai bên hè trước căn nhà được dùng làm nơi phỏng vấn này, người ngồi đông kín. Những khuôn mặt xác xơ, những hố mắt sâu trũng, nhưng không vì thế mà che giấu được niềm hân hoan, kiêu hãnh sắp được ra nước ngoài. Những bộ áo quần lành lặn, có hơi diêm dúa của các bà, các cô trong khi cánh đàn ông thì cổ cồn cà vạt, có người còn đóng cả bộ com lê còn thơm mùi vải. Hầu hết nữ giới, già cũng như trẻ đều trịnh trọng trong những bộ áo dài quốc phục của phụ nữ VN. Những tà áo diêm dúa, hình vẽ hoa lá, rồng phượng kể cũng khá lạc lõng trong cái thành phố mà ai cũng phải bôn ba đầu đường xó chợ để kiếm miếng ăn này.

Tiếng cửa sắt bỗng rít lên. Mọi người đứng cả dậy, nhốn nháo, hướng cả mắt về nơi đó. Một nhân viên của Sở Ngoại Vụ ra nhìn đống giấy trên bàn. Anh ta lắc đầu rồi nhìn đám đông đang vây quanh dưới bực thềm, dõng dạc hỏi:

-Những giấy báo này của ai?

Tiếng ồn vỡ tung ra. Người nhân viên Sở Ngoại Vụ lắc đầu cương quyết:

-Của ai thì lấy về đi.

Nhiều tiếng nói lớn:

-Chúng tôi đến trước nên để trước, có thứ tự mà.

Nhân viên Sở Ngoại Vụ vênh mặt:

-Bây giờ mới là giờ nhận giấy. Tôi bắt đầu thu.

Một may mắn tình cờ, anh ta với tay cầm ngay tấm giấy báo tin mà Duy vừa giơ lên. Mọi người xô nhau đến. Lớp thì lấy lại giấy để trên bàn, lớp thì cố chen vào đưa cho người nhân viên tạo nên một cảnh chen lấn thật hỗn độn. Duy lách khỏi đám đông gặp ngay Thúy đứng ở vòng ngoài nhớn nhác hỏi:

-Anh nộp được chưa?

-Rồi. Số một.

Thúy vẫn còn ngơ ngác:

-Sao? Số một gì?

-Thì số một là số một, là đầu tiên.

Vẫn chưa hết thắc mắc, Thúy hỏi:

-Người ta đã nộp cả chồng, để trên bàn trước rồi mà.

Duy kéo cánh tay vợ, vừa đi vừa giải thích. Thấy Bố cười vui, hai đứa con Duy cũng hớn hở. Đứa nhỏ 7 tuổi, ngây thơ hỏi:

-Chốc nữa mình đi Mỹ hở mẹ?

Thằng anh đánh vào đầu em:

-Mày không biết cái gì, đừng có hỏi.

Duy ôm hai đứa con vào lòng. Lòng thương con tràn ngập. Đứa con nhỏ như vẫn muốn xô chàng ra. Đã ba năm ra khỏi tù, sống bên con nhưng Duy vẫn cảm thấy có cái gì chưa hẳn thân thuộc với đứa nhỏ. Nó ra đời và lớn lên chỉ thấy hình ảnh mẹ. Trong sự hình thành trí tưởng của nó, đã thiếu hẳn hình bóng người cha. Phải mất bao lâu nữa để Duy xây dựng được tình cha con thắm thiết như thường lệ! Duy nhìn con, muốn khóc. Chàng với tay, kéo nó vào lòng, ôn tồn hỏi:

-Con ăn gì nữa không?

Nó nhìn Duy, lắc đầu không nói, chuồi ra khỏi vòng tay chàng, hỏi Thúy:

-Mỹ có xa đây không hả mẹ.

Duy cười, xoa đầu nó:

-Xa lắm. Con à.

Thúy chợt hốt hoảng:

-Kìa anh. Họ đang cho vào phòng đợi.

Duy vội vã đứng dậy cùng vợ con bước lên những bậc thềm tiến vào. Những hàng ghế gỗ dài đã kín người ngồi. Tiếng gọi nhau, tiếng thăm hỏi ồn ào cả căn phòng lớn. Một không khí chợt như khác hẳn. Duy có cảm giác đang đi vào một đời sống khác. Chỉ lát nữa đây, qua khỏi tấm rào gỗ, lọt qua một trong 6 tấm cửa, vào một căn phòng lạnh nào đó, rồi trở ra, bỗng nhiên trở thành người nước ngoài sống trên đất nước Việt Nam. Phải, luật lệ của nhà cầm quyền hiện tại là kể từ ngày được chấp thuận ra đi, những người được phỏng vấn trở thành người nước ngoài sống trên đất nước VN và phải chịu cảnh sinh hoạt đắt đỏ theo ấn định của Nhà Nước so với người dân khác. Chàng cũng không cần biết điều ấy có hợp lý không, có đúng với quốc tế công pháp hay không. Hãy quên tất cả để chỉ có nhớ một điều là đừng vi phạm gì để họ có cớ giữ lại như chàng đã từng bị biết bao nhiêu lần trong suốt thời gian bị tập trung cải tạo.

Thúy đã dắt hai con vào một cửa hàng ăn được tổ chức ngay trong phòng đợi. Vào những ngày gần đây, chàng thấy rõ sự ăn tiêu rộng rãi của Thúy. Nó thể hiện nỗi vui mừng kín đáo, lúc nào cũng chỉ muốn ào ra, vỡ tung kể từ lúc vợ chồng chàng nhận được giấy báo phỏng vấn. Trong nỗi vui chan hòa ấy, đôi lúc Duy chợt thấy vướng mắc một cái gì. Những câu chuyện về phỏng vấn được các bạn tù kể lại đã ảnh hưởng đến vợ chồng Duy không ít. Một người ở Đà Nẵng, cựu sĩ quan không quân, ra tù vì quá cẩn thận đem cất giữ giấy tờ quá kỹ. Khi được phỏng vấn, phái đoàn Mỹ không tin rằng ra tù đã 7 năm mà sao giấy ra trại còn mới tinh. Họ nghi là giấy giả. Cuộc phỏng vấn được gác lại. Chờ!

Chuyện kể một bà vợ người tù được phỏng vấn thì từ ngày CS vào “giải phóng” chỉ còn biết lam lũ với những bộ đồ bà ba đen sờn rách, nay đi phỏng vấn là dịp quan trọng, bà đã mặc một bộ đồ bộ mới may bằng hàng “suýt” bóng đang là thời trang của phụ nữ Saigon. Phái đoàn phỏng vấn cho là bà mặc đồ ngủ tới làm việc. Hồ sơ bị từ chối!

Chuyện cũng còn kể hai vợ chồng người cựu tù có một đứa con sinh ra trong thời gian chồng còn ở tù. Phái đoàn không hiểu là đôi vợ chồng ấy đã được thăm nuôi 24 giờ và người vợ trẻ đã mang thai sau buổi thăm nuôi ấy. Phái đoàn vặn hỏi mãi, không ai tin là một người đang bị tù mà lại có con với vợ ở ngoài được. Sau cùng, hồ sơ bị từ chối.

Những câu chuyện ấy làm vợ chồng Duy mất ăn mất ngủ bởi vì cũng chính là trường hợp của vợ chồng Duy. Ngày chàng bị giải từ Bắc vào, Thúy nghe lời bạn bè cùng thăm nuôi đã chạy chọt sao đó mà được thăm 24 giờ. Sau ngày thăm nuôi ấy, Thúy có mang và sanh thằng Vọng, nay nó đã được 7 tuổi.

Duy thầm cầu mong gặp được phái đoàn dễ tính, cảm thông với những kẻ khốn cùng này. Chàng liếc nhìn lên phía lầu, nơi có 6 phòng phỏng vấn. Lúc này cửa các phòng vẫn đóng im ỉm và suốt dọc hành lang không có một bóng người. Cái vẻ vắng lặng ấy càng làm tăng thêm phần nghiêm trọng của phút giờ phỏng vấn. Nó như chứa chất những cửa ngõ mở vào cõi thiên đường, nơi có một mùa Xuân.

Quái lạ! Cùng trên khoảng đất này, chỉ ngoài kia thôi là cảnh sống mà ai cũng muốn từ bỏ. Và, ở trong này, nhất là trong những căn buồng kia, không khí đã được lạnh hóa bằng những cỗ máy lạnh, ai cũng muốn được vào thở cái không khí ấy. Duy nhớ lại, biết bao nhiêu ngày qua, có dịp đi ngang qua khu nhà này, bao giờ Duy cũng ghé mắt nhìn vào đám đông đứng lô nhô trong căn phòng đợi này, lòng lại dội lên sự thèm khát một ngày đặt chân trong đó. Và có lẽ tất cả mọi người dân Saigon đều có tâm trạng như chàng.

Bây giờ chàng cùng vợ con đang ngồi trong căn phòng chờ-đợi-nửa-đời-người này. Bất giác chàng quay nhìn ra cửa. Con phố trong một chiều xuân ơ thờ của mọi người ngoài kia vẫn là cảnh người và xe cộ ngược xuôi tấp nập. Những chiếc xe gắn máy còm cõi nổ đinh tai nhức óc. Những chiếc xích lô mà cái phần để chân được cải tiến hất cao lên cho nhẹ khi đạp, vẫn nhẫn nại lướt qua khuôn cửa này. Những đôi mắt thèm thuồng vẫn đổ vào đám người nơi phòng đợi. Một nỗi nôn nao khó tả, day dứt trong lòng. Vẫn như có một cái gì vướng mắc. Duy lại nghĩ về đứa nhỏ đã sanh ra khi chàng còn trong tù. Câu chuyện chàng được nghe sao bây giờ nó hiện hình ra cứ rõ mồn một, trở thành một ám ảnh khôn cùng. Duy còn mường tượng được cả nét mặt của những người trong phái đoàn Mỹ lúc ấy nữa. Khinh khỉnh. Lắc đầu. Cười nửa miệng. Chụm đầu thì thào với nhau. Rồi, một câu tuyên bố. Mở ra hay chấm dứt một Hy Vọng Nửa Đời Người.

Thúy cùng hai con đã trở lại ngồi bên chàng. Đưa cho Duy tấm bánh đậu xanh, Thúy nhỏ nhẹ:

-Anh thích bánh đậu xanh, ăn đi kẻo mai mốt qua bển rồi lại thèm.
Duy lắc đầu, dặn dò nhỏ bên tai Thúy:

-Em nhớ đấy. Nếu họ có hỏi thằng Vọng thì em kể rõ tình trạng đi thăm nuôi, ở lại đêm. Ngắn gọn, nhưng phải rõ ràng đấy.

-Sao anh không giải thích?

-Họ hỏi ai người ấy nói. Nói tranh, họ ghét.

Thúy im lặng, đưa mắt nhìn đứa con nhỏ đang gặm nốt khúc bánh mì cặp chả. Duy không hiểu Thúy nghĩ gì lúc này. Hình như nàng có vẻ khó chịu mỗi khi hai vợ chồng phải đề cập đến thằng Vọng. Có phải nàng đã hiểu nhầm Duy không. Có thể nàng đang bực bội, tủi thân tưởng chồng có đôi chút nghi ngờ về tình trạng mang thai thằng Vọng. Duy nắm lấy bàn tay chai và thô của nàng mong truyền được sự cảm thông sâu sắc. Thúy ngước nhìn chàng không nói, hơi có vẻ ngạc nhiên vì cái nắm tay ấy. Lòng Duy lại trào dâng tình cảm với vợ con. Ôi, những con người sống trung thực, ẩn nhẫn, thủy chung quá. Đến lúc quốc phá gia vong rồi, con người ta mới tỏ lộ ra được hết cái giá trị của mình.

HAI

Duy mừng lắm. Bây giờ thì gia đình chàng đang ngồi trên cái ghế gỗ ngay trước cửa phòng số 6. Con số 6 xinh xinh gắn trên cánh cửa gỗ sẫm mầu trông thật dễ thương. Lúc ở dưới phòng đợi, người ta đã kháo nhau rằng ai được vô phòng số 6 là hên lắm. Cái ông Mỹ già này rất tốt, thường không hỏi gì nhiều mà cho qua cả, không như cái bà Mỹ mập ở phòng số 3, khó khăn mà lại hay hỏi vớ vẩn. Duy đưa mắt nhìn về phía phòng số 3. Một người bạn tù mới quen nhìn chàng lắc đầu, ý nói ông ta phải vào phòng số 3. Duy cố cười thật tươi để an ủi ông ta, nhưng không biết ông ta có hiểu ý chàng không.

Cửa phòng số 6 hé mở. Khuôn mặt một cô gái Việt ló ra. Cô mở rộng cánh cửa. Toàn thân cô trong bộ áo dài Việt Nam nhã nhặn. Cô cầm một sấp hồ sơ trên tay, khẽ hất đầu:

-Anh là Võ Duy?

Duy đứng ngay dậy:

-Thưa vâng.

Cô ta giở hồ sơ quay nhìn Thúy:

-Chị là Lê thị Thúy?

Thúy chắp hai tay phía trước, gật đầu. Duy bực tức khi thấy Thúy vô tình đã chắp hai bàn tay lại, tỏ vẻ cung kính trước một cô gái chỉ đáng tuổi em út.

-Hai cháu bé đây là Hùng và Vọng?

Thúy vẫn chắp tay:

-Thưa cô vâng.

Cô gái đứng lui vào trong, khẽ dang tay:

-Mời anh chị và gia đình vào.

Cô gái đóng ngay cửa lại. Không khí thật tĩnh. Cuối phòng là một người Mỹ không phải là một ông Mỹ già như chàng tưởng mà là một ông Mỹ còn trẻ đang giở một chồng hồ sơ. Ông ta nhìn vợ chồng con cái chàng. Cô gái đưa mọi người tới 4 chiếc ghế đệm ngay trước mặt người Mỹ. Không khí nén hơi thở Duy ngột ngạt. Căn phòng rì rầm tiếng máy lạnh. Đã lâu lắm rồi, Duy mới lại được nghe cái âm thanh rì rầm tĩnh lặng này. Đầu óc Duy bây giờ trống không, không còn một ý nghĩ gì.

Cô gái cúi xuống nói với người Mỹ. Ông ta chậm rãi gấp tập hồ sơ lại. Cô gái nói:

-Anh chị nói bằng tiếng Việt. Chúng tôi sẽ dịch lại.

Người Mỹ gật đầu chào mọi người. Câu hỏi đầu tiên. Câu hỏi thứ hai. Lý lịch của Duy. Câu hỏi thứ ba. Thằng Vọng mấy tuổi. Câu hỏi thứ tư. Ngày ra tù của Duy. Cũng vẫn câu hỏi thứ tư, nhưng cho Thúy...

Người Mỹ giở hồ sơ, đọc lại, đối chiếu một giấy tờ gì đó trong một tập hồ sơ khác. Ông ta nói gì đó với cô gái. Cô gái chống hai tay trên bàn cạnh ông ta, hỏi lại. Ông ta nhắc lại, Duy chỉ thoáng nghe được tiếng “over.” Cô gái quay qua nhìn Duy, rồi Thúy, đoạn chậm rãi nói:

-Phái đoàn không chấp thuận hồ sơ của anh chị.

Một dòng nước lạnh buốt xối xả lên người Duy, khởi từ tâm trí rồi khắp châu thân. Duy nghe thấy tiếng Thúy bật khóc. Duy còn chợt nhìn thấy thằng Vọng ngước nhìn ông Mỹ và cười. Một phản ứng tự nhiên, Duy mạnh bạo:

-Cô hỏi hộ xem có thể cho biết lý do.

Cô gái thản nhiên:

-Có sự gian dối trong hồ sơ.

Duy vẫn tiếp tục:

-Cô có thể nói rõ hơn. Cô cho tôi nói với phái đoàn.

Người Mỹ chợt nói bằng tiếng Việt khá rõ:

-Ông bà không khai thực về tình trạng người con thứ hai.

Căng thẳng thần kinh, nhưng Duy cũng vẫn cố trấn tĩnh để tìm lời nói ngắn gọn, khúc chiết để giải thích. Nhưng người Mỹ đã khoát tay và cô gái tiến đến:

-Anh chị có thể làm đơn khiếu nại lên phái đoàn. Giờ đã hết giờ phỏng vấn.

Không còn biết nói gì hơn, Duy đành dắt vợ con ra cửa. Chàng hỏi lại cô gái:

-Chúng tôi xin khiếu nại ở đâu, cô?

-Anh chị xuống liên hệ ở dưới nhà hoặc có thể ra dịch vụ.

Cánh cửa đóng lại. Duy không còn được đứng trong cái không khí được lạnh hóa. Chàng đang ở không khí của Saigon, của quê mẹ. Thúy vẫn còn chùi nước mắt. Hai đứa con chàng thản nhiên kéo nhau đi về phía cầu thang. Một lúc sau, Thúy mới giục:

-Anh thử xuống dưới nhà hỏi xem thủ tục khiếu nại thế nào.

Duy đi. Hồn chàng ở đâu bây giờ.

BA

Chiếc xe Lam đầu ngày chạy về phía ngã ba Cát Lái đã phá vỡ cái không khí yên tĩnh của buổi sáng mùa xuân đồng quê. Duy nhớ ra là mọi ngày khi chuyến xe Lam này chạy qua là chàng đã vun gốc xong vườn bắp đang trổ hoa. Thế mà hôm nay còn trầy trật mới xong được già nửa. Chàng thấy ê ẩm hai vai và những bắp tay sớm mỏi. Bất giác chàng nghĩ đến tuổi tác. Gần 50 rồi còn gì. Sức chàng đã mòn mỏi sau 10 năm 9 tháng trong ngục tù của Cộng Sản, bây giờ lại phải miệt mài với những luống bắp vồng khoai. Cuộc sống thì không còn một nỗi đợi chờ nào nữa. Ngày mai không là niềm hy vọng. Đời chàng đã rũ xuống, không còn gượng dậy được nữa.

Sau lần phỏng vấn và bị từ chối, chàng đã ba lần gửi đơn xin khiếu nại, từ Sở Ngoại Vụ, đến sang tận Tòa Đại Sứ Mỹ bên Thái Lan rồi lại qua tay dịch vụ xuất ngoại nữa mà cũng chẳng được kết quả gì. Hai vợ chồng đành dắt díu con cái về quê ngoại để tiếp tục cuộc sống không bao giờ có mùa Xuân kể cả hy vọng và nỗi đợi chờ.

Duy không còn buồn khổ. Những thất bại đắng cay từ ngày đổi đời đã ào ạt kéo đến làm Duy chai cứng tâm hồn. Đã cả năm rồi, chàng không bén mảng tới thành phố. Chàng coi ở đó như là một cuộc sống khác, không phải là của chàng. Chàng thờ ơ với tất cả.

Tất cả, kể cả cái tàn tạ của Thúy. Người đàn bà bên chàng như một cái bóng, âm thầm chịu đựng, héo hắt. Mới chưa đầy 40 mà đã như bà cụ 60, từ tâm hồn đến thể xác. Hai đứa con chàng thì miệt mài cùng đám con trẻ trong vùng đi mò cua bắt tép suốt ngày để có thêm chất protein. Chúng lớn lên, cằn khô, Duy cũng không ý thức được rõ rệt. Bởi vì chính chàng, Duy cũng đang lạc loài trên vùng đất mẹ.

Nguyên Huy

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn